Xem mẫu

  1. TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG ÔN TẬP VÀ KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ CHƯƠNG “DÒNG ĐIỆN KHÔNG ĐỔI” VẬT LÝ 11 NÂNG CAO THEO B-LEARNING HỒ THỊ MINH Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế Tóm tắt: Trong bài viết này chúng tôi giới thiệu phương pháp tổ chức hoạt động ôn tập theo b-Learning chương “Dòng điện không đổi” Vật lý 11 nâng cao, góp phần nâng cao chất lượng học tập của học sinh. Từ khóa: b-Learning, chương “Dòng điện không đổi”, Vật lí 11 nâng cao, ôn tập và kiểm tra đánh giá 1. MỞ ĐẦU Trong chương trình Vật lý phổ thông, việc ôn tập kiến thức cho học sinh có vai trò quan trọng. Chương “Dòng điện không đổi” là chương có lượng bài tập khá nhiều và khó [3], [4]. Kiến thức chương “Dòng điện không đổi” có nhiều ứng dụng trong đời sống và kỹ thuật [3]. Các tiết học trên lớp không đủ thời gian để cung cấp hết những kiến thức và bài tập của chương nên giáo viên thường gặp khó khăn trong quá trình tổ chức hoạt động này. Mô hình học tập b-Learning [5], [6], [7] giúp học sinh vừa tham gia các hoạt động trên lớp truyền thống, vừa nhận được các hướng dẫn trực tiếp từ giáo viên, đồng thời sẽ được hỗ trợ từ các website với một số hoạt động sẽ mang tính tự định hướng và tự học, một số sẽ khuyến khích sự hợp tác. Sự kết hợp của hướng dẫn trên lớp truyền thống và môi trường kỹ thuật số tạo nên một trải nghiệm học tập thích hợp với mỗi cá nhân, hiệu quả hơn, kết quả thu được tốt hơn. Chính vì vậy, việc tổ chức hoạt động ôn tập theo b-Learning sẽ khắc phục khó khăn trên. 2. ÔN TẬP VÀ CÁC HÌNH THỨC ÔN TẬP TRONG DẠY HỌC VẬT LÝ 1.1. Khái niệm Tiếp thu những quan niệm của các tác giả như Nguyễn Ngọc Bảo; Hà Thị Đức; Nguyễn Bá Kim [2],... chúng tôi cho rằng: Ôn tập là quá trình người học xác nhận lại thông tin, bổ sung và điều chỉnh thông tin, tổ chức lại thông tin theo một cấu trúc khoa học hơn, dễ nhớ và dễ gợi lại hơn, vận dụng thông tin đã lĩnh hội qua đó củng cố, mở rộng, đào sâu tri thức, hình thành vững chắc các kỹ năng, kỹ xảo đã được lĩnh hội, phát triển trí nhớ, tư duy của người học. Ôn tập chiếm một vị trí hết sức quan trọng trong quá trình dạy học ở bất cứ môn học nào trong nhà trường. Nó là biện pháp cần thiết mà giáo viên phải sử dụng trong việc dạy học của mình và nó giúp người học trong quá trình hoàn thiện tri thức và rèn luyên kỹ năng, kỹ xảo. Nhờ ôn tập được tổ chức tốt mà những kiến thức đã được học không chỉ được ghi lại trong trí nhớ mà còn được cấu trúc lại, khắc sâu một cách sáng tạo hơn, cái thứ yếu sẽ được loại bỏ ra ngoài và cái chủ yếu được gắn lại với nhau và có một chất lượng mới. Kiến thức giữ lại trong trí nhớ muốn tồn tại lâu dài thì phải được ôn tập và vận dụng thường xuyên. Thông qua việc ôn tập giúp học sinh hệ thống hóa kiến thức, xây dựng được một “bức tranh” tổng thể, hệ thống về kiến thức, rèn luyện và phát triển những kỹ năng đã được học, giúp học sinh đào sâu, mở rộng, khắc sâu các kiến thức, sửa và tránh được các sai lầm thường mắc phải trong và sau khi tiếp thu kiến thức mới. 1.2. Các hình thức tổ chức Ôn tập là một khâu trong các hình thức tổ chức dạy học ở trường phổ thông, vì thế ôn tập Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Sau Đại học lần thứ hai Trường Đại học Sư phạm Huế, tháng 10/2014: tr. 134-140
  2. TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG ÔN TẬP VÀ KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ... 135 không tự đề ra nội dung, chương trình riêng cho nó mà trên cơ sở nội dung chương trình của môn học quy định cho từng khóa học mà lựa chọn những vấn đề cơ bản cần ôn tập và sắp xếp có hệ thống những vấn đề đó. Đối với môn Vật lý [3], cái tạo nên nội dung chính của môn học là những kiến thức cơ bản. Thông qua việc hình thành những kiến thức cơ bản đó mà thực hiện những nhiệm vụ khác của dạy học Vật lý, trước hết là phát triển năng lực nhận thức, năng lực sáng tạo, hình thành thế giới quan khoa học. Trong quá trình dạy học Vật lý cần chú ý đến những tác động sư phạm khác nhằm điều hành quá trình dạy học từ đầu đến cuối, thí dụ như: gợi động cơ, hứng thú, củng cố, ôn tập, điều chỉnh, kiểm tra, đánh giá… Những kiến thức Vật lý cơ bản cần hình thành trong quá trình học kiến thức mới cũng như trong quá trình ôn tập trong chương trình Vật lý ở trường phổ thông gồm các loại sau [3]: Những khái niệm Vật lý, đặc biệt là những khái niệm về đại lượng Vật lý; những định luật Vật lý; những thuyết Vật lý; những ứng dụng của Vật lý trong kỹ thuật; những phương pháp nhận thức Vật lý. Bên cạnh những kiến thức Vật lý cơ bản cần hình thành ở trên thì học sinh cần phải có một số kỹ năng sau để nâng cao hiệu quả của việc tự ôn tập: Kỹ năng thu thập thông tin: kỹ năng đọc sách; kỹ năng quan sát, đọc đồ thị, biểu đồ; kỹ năng khai thác mạng Internet… Kỹ năng xử lý thông tin: kỹ năng xây dựng bảng biểu, đồ thị; kỹ năng so sánh, đánh giá, phân tích, tổng hợp… Kỹ năng truyền đạt thông tin: trình bày, viết, báo cáo kết quả… Ôn tập có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức, nhưng thường sử dụng nhiều nhất là các hình thức sau đây [2]: Ôn tập thông qua trả lời các câu hỏi ôn bài dưới dạng tự luận; ôn tập thông qua lập bảng tóm tắt bài học hoặc phần, chương kiến thức đã học; ôn tập thông qua làm bài tập luyện tập; ôn tập thông qua lập sơ đồ kiến thức. 3. TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG ÔN TẬP THEO B-LEARNING 3.1. Nguyên tắc tổ chức hoạt động ôn tập Căn cứ vào nội dung chương trình sách giáo khoa Vật lý [3] và căn cứ vào nội dung, nhiệm vụ của hoạt động ôn tập, chúng tôi nhận thấy: Để đạt được hiệu quả khi tổ chức hoạt động ôn tập cho học sinh, giáo viên cần tuân thủ các nguyên tắc sau: Phải bám sát nội dung và chương trình sách giáo khoa (SGK); quán triệt mục đích, yêu cầu của hoạt động ôn tập; phát huy tính tích cực và tạo hứng thú học tập cho học sinh; Đảm bảo tính khái quát cao: qua các nội dung được ôn tập học sinh phải rút ra được mối liên hệ giữa các kiến thức và vận dụng được các kiến thức vào thực tiễn; đảm bảo tính khoa học: Số lượng các nội dung cần ôn tập ở trên lớp cũng như trên hệ thống online phải phù hợp với thời gian học sinh làm việc. Các nội dung đưa ra phải theo một trình tự logic. 3.2. Quy trình tổ chức B-Learning xuất phát từ chính yêu cầu của quá trình dạy học khi công nghệ ngày càng phát triển và thâm nhập sâu rộng vào các mặt của đời sống con người, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục. Để triển khai dạy học với mô hình b-Learning một cách có hiệu quả, người dạy cần phải thiết kế mô hình đó với các hoạt động phù hợp. Căn cứ theo cấu trúc nội dung [3], mục tiêu đề ra cùng những nguyên tắc và tiêu chí xây dựng mô hình b-Learning, chúng tôi tiến hành xây dựng mô hình b-Learning tổ chức hoạt động ôn tập, kiểm tra đánh giá theo 3 giai đoạn: giai đoạn lập kế hoạch; giai đoạn tổ chức thực hiện; giai đoạn kiểm tra, đánh giá. 3.2.1. Giai đoạn lập kế hoạch Trước khi tổ chức hoạt động ôn tập môn Vật lý cho học sinh theo mô hình b-Learning nói riêng hay bất kỳ hình thức dạy học nào nói chung, việc lập kế hoạch cần được tiến hành cẩn thận mới đảm bảo tính khoa học và đạt được mục tiêu đề ra. Giai đoạn lập kế hoạch gồm có ba khâu sau:
  3. 136 HỒ THỊ MINH - Khâu 1: Xác định mục tiêu, nhiệm vụ ôn tập cho học sinh Trong quá trình ôn tập, chúng ta cần phải xác định rõ mục tiêu ôn tập trong quá trình dạy học để từ đó vạch ra kế hoạch, nhiệm vụ cụ thể để đạt được mục tiêu đó. - Khâu 2: Xác định nội dung và hình thức tổ chức Giáo viên phải xác định rõ những nội dung nào cần ôn tập cho học sinh, nội dung nào buộc phải ôn tập trên lớp truyền thống, nội dung nào ôn tập trên online. Khi đã xác định được nội dung thì sẽ chọn hình thức ôn tập cho phù hợp để kết quả thu được là tốt nhất. - Khâu 3: Xây dựng kế hoạch ôn tập môn Vật lý Để hoạt động ôn tập có hiệu quả, giáo viên cần phải xây dựng một kế hoạch tổ chức ôn tập thật cụ thể và rõ ràng. Trong kế hoạch phải xác định được mục tiêu cần đạt được, thời gian, không gian tổ chức, phương tiện và hình thức tổ chức.Ngoài ra, giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh các kỹ năng xây dựng kế hoạch tự ôn tập như sắp xếp bố trí công việc, phân phối thời gian cho từng công việc, xác định phương pháp và các hình thức tổ chức thực hiện từng công việc và mức độ hoàn chỉnh cá nhân. Những việc làm này là cần thiết để tránh làm việc tùy tiện, không có hiệu quả. Trong quá trình học tập kế hoạch luôn dược điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. 3.2.2. Giai đoạn tổ chức thực hiện Trong quá trình ôn tập ở trên lớp học truyền thống, đảm bảo cho học sinh vừa được làm việc độc lập vừa được hoạt động tập thể (nhóm). Giáo viên là người tổ chức điều khiển. Tuỳ từng điều kiện cụ thể, đặc điểm từng lớp mà giáo viên sử dụng các phương pháp và hình thức ôn tập khác nhau để đạt được mục tiêu đề ra. Trong giai đoạn này có thể chia làm 2 giai đoạn nhỏ: Tái hiện thông tin: Ở giai đoạn này, giáo viên hướng dẫn giúp học sinh tái hiện lại các kiến thức lý thuyết của bài học. Quá trình tái hiện thông tin có thể được tiến hành thông qua việc tóm tắt, lập sơ đồ, so sánh, tổng hợp… Giai đoạn tái hiện thông tin có thể chia làm 3 khâu: Khâu 1: Tóm tắt nội dung bài học; Khâu 2: Lập sơ đồ học tập; Khâu 3: So sánh kết quả. Trao đổi và vận dụng thông tin: Trong quá trình ôn tập để khắc sâu kiến thức và hiểu kiến thức một cách rõ ràng, học sinh cần vận dụng giải quyết các vấn đề cụ thể như giải các bài tập, làm các thí nghiệm, giải thích các vấn đề liên quan trong đời sống…, và học sinh cần trao đổi các vướng mắc với nhau để tìm ra được đáp án chính xác. Tuỳ theo yêu cầu, nhiệm vụ học tập khác nhau, khả năng và điều kiện mỗi cá nhân để chọn các hình thức vận dụng khác nhau. 3.2.3. Giai đoạn kiểm tra, đánh giá kết quả Kiểm tra – đánh giá là khâu cuối cùng trong một quá trình dạy học nói chung và dạy học Vật lý nói riêng nhằm xác định sự đúng đắn việc thực hiện quá trình cũng như kết quả của quá trình ấy. Thông qua đó kịp thời điều chỉnh, rút kinh nghiệm cho các quá trình về sau. Hoạt động ôn tập môn Vật lý theo b-Learning cần phải được kiểm tra và đánh giá một cách nghiêm túc, nhằm xác định sự đúng đắn và chính xác của những thông tin đã thu nhận được. Giai đoạn này giáo viên sẽ sử dụng các bài kiểm tra để đánh giá để đánh giá mức độ thu nhận kiến thức của học sinh. Ngoài những giờ kiểm tra trực tiếp trên lớp, học sinh có thể tự làm các bài kiểm tra và tự đánh giá mức độ nhận thức của mình thông qua hệ thống e-Learning. Tận dụng ưu những thế mạnh của CNTT, chúng tôi soạn thảo hệ thống câu hỏi cùng với các đáp án, sau đó sử dụng hệ thống của mã nguồn mở Moodle [1] để thiết kế và xây dựng bài kiểm tra, thiết lập chấm điểm tự động và gửi phản hồi kết quả cho học sinh ngay sau khi kết thúc bài làm đồng thời lưu giữ kết quả của từng học sinh trong một cơ sở dữ liệu để làm căn cứ
  4. TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG ÔN TẬP VÀ KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ... 137 đánh giá cho từng học sinh. Về nguyên tắc học sinh có thể làm bài kiểm tra này vào bất cứ thời điểm nào trong quá trình ôn tập và có thể sử dụng lại nhiều lần. Ứng với mỗi lần làm bài hệ thống sẽ ghi lại và thống kê để thông báo cho học sinh cũng như giáo viên biết về kết quả của bài kiểm tra đó, thời gian đã sử dụng trong khi làm bài, thời điểm làm bài kiểm tra đó, các câu nào trả lời đúng, câu nào trả lời sai… Trên cơ sở đó học sinh có thể tự đánh giá được mức độ nắm kiến thức của mình, đồng thời giáo viên cũng có thể nắm được những thông tin cơ bản về mức độ nhận thức của học sinh, những sai lầm phổ biến để từ đó có những điều chỉnh kịp thời trong phương pháp dạy của bản thân cũng như phương pháp học của học sinh. 4. TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG ÔN TẬP CHƯƠNG DÒNG ĐIỆN KHÔNG ĐỔI THEO B-LEARNING Chúng tôi đã sử dụng phần mềm Moodle tiến hành xây dựng hệ thống e-Learning chương “Dòng điện không đổi” tại địa chỉ http://online.vatlysuphamhue.com tuân theo các nguyên tắc đã đề ra ở mục 2.3. Trong đó, chúng tôi tiến hành tổ chức ôn tập theo các module: hệ thống kiến thức; tự lượng giá; bài tập điện tử; kiểm tra; tư liệu. Hình 1. Giao diện của hệ thống e-Learning chương Dòng điện không đổi Hình 2. Quy trình tham gia ôn tập trực tuyến e-Learning chương Dòng điện không đổi 4.1. Hệ thống kiến thức Mục đích của module này là giúp học sinh hệ thống lại kiến thức của chương một cách đầy đủ và tổng quát nhất nhằm khắc sâu những kiến thức đã học để vận dụng vào việc giải các bài tập liên quan cũng như vận dụng vào thực tế cuộc sống. Chúng tôi sử dụng 2 hình thức ôn tập để
  5. 138 HỒ THỊ MINH giúp học sinh tái hiện lại kiến thức đã học đó là sử dụng sơ đồ và sử dụng các thí nghiệm ảo. Chúng tôi đã sử dụng phần mềm thí nghiệm ảo Crocodile Physics để xây dựng một bộ thí nghiệm mở. Hệ thống thí nghiệm mở mà chúng tôi xây dựng gồm 4 khối kiến thức tương ứng với 4 nội dung của chương Dòng điện không đổi. Bao gồm: Thí nghiệm về định luật Ôm đối với đoạn mạch chỉ chứa điện trở; Thí nghiệm về đo công suất điện; Thí nghiệm về hiện tượng đoản mạch; Thí nghiệm kiểm chứng các công thức mắc bộ nguồn nối tiếp và bộ nguồn song song. Trước khi sử dụng thí nghiệm, chúng tôi đều đưa ra các yêu cầu đối với học sinh dưới dạng các câu hỏi. Học sinh phải sử dụng các suy luận lý thuyết đã học để đưa ra câu trả lời. Sau đó, tiến hành thí nghiệm để kiểm chứng lại nội dung câu trả lời của mình. Nếu thí nghiệm cho kết quả đúng thì học sinh gửi câu trả lời về cho giáo viên. Trên cơ sở đó giáo viên đánh giá và gửi phản hồi cho học sinh. Hình 3. Hướng dẫn tải phần mềm và tiến hành thí nghiệm bài Dòng điện không đổi. Nguồn điện Khi sử dụng sơ đồ để ôn tập, chúng tôi tiến hành thiết kế và xây dựng module như sau: Dựa vào tài liệu SGK [3], chúng tôi lập sơ đồ tóm tắt bài học hoàn chỉnh và chi tiết thể hiện cấu trúc kiến thức và logic hình thành kiến thức trong bài học đó rồi đưa cho học sinh nghiên cứu. Sau khi học sinh đã nghiên cứu kỹ sơ đồ, có cái nhìn bao quát về nội dung kiến thức và lôgíc hình thành kiến thức, học sinh phải thể hiện sự hiểu biết và nắm vững bài học của mình bằng việc chuyển hoá sơ đồ thành bản tóm tắt nội dung bài học rồi gửi về cho giáo viên làm cơ sở để đánh giá. 4.2. Tự lượng giá kiến thức chương Dòng điện không đổi. Ở module này, chúng tôi xây dựng hệ thống các câu hỏi trắc nghiệm khách quan có phản hồi hướng dẫn [3], [4]. Chúng tôi đã xây dựng trong đề tài này một bộ câu hỏi trắc nghiệm được chia đều cho 5 nội dung kiến thức: nhóm kiến thức về nguồn điện; nhóm kiến thức về pin và acquy; nhóm kiến thức về định luật Jun – Lenxơ; nhóm kiến thức về định luật ôm cho toàn mạch; nhóm kiến thức về định luật Ôm đối với từng đoạn mạch.
  6. TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG ÔN TẬP VÀ KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ... 139 4.3. Bài tập điện tử chương Dòng điện không đổi Trong module này chúng tôi sẽ đưa ra các bài tập [3], [4] và yêu cầu học sinh hoàn thành rồi nộp lại cho giáo viên làm cơ sở để đánh giá. Trước hết chúng tôi sẽ giới thiệu cho học sinh biết cách trình bày và hình thức nộp bài như thế nào. Sau khi học sinh đã nắm được các thao tác làm bài các em sẽ đi đến các câu hỏi cụ thể của mội bài học. Hình 4. Hướng dẫn khi làm bài tập tự luận 5. KẾT LUẬN Qua thực nghiệm sư phạm tại trường THPT Vĩnh Linh, chúng tôi nhận thấy việc tổ chức hoạt động ôn tập theo mô hình b-Learning đã thực sự giúp học sinh nâng cao hứng thú và hoạt động tích cực hơn trong học tập; góp phần giúp học sinh rèn luyện kỹ năng tự học và phát triển tư duy; giúp học sinh nắm kiến thức và vận dụng kiến thức tốt hơn. Nội dung và phương pháp ôn tập trên hệ thống e-Learning đã khắc phục được những hạn chế khi ôn tập bằng phương pháp và phương tiện truyền thống như: học sinh đã được làm thí nghiệm ảo hoặc mô phỏng; đã được vận dụng kiến thức vào giải quyết các bài tập, được tham gia vào xây dựng sơ đồ kiến thức, được tham gia vào thảo luận, được đánh giá và tự đánh giá mức độ thu nhận kiến thức của học sinh… Góp phần nâng cao chất lượng học tập môn Vật lý. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Huỳnh Đình Chiến (Chủ biên). Hướng dẫn tạo khoá học trên nền moodle, NXB Đại học Huế, Huế. [2] Hoàng Anh Đức (2009). Thiết kế trang Web hỗ trợ học sinh tự ôn tập và kiểm tra, đánh giá kiến thức và kỹ năng sau khi học chương “Động lực học chất điểm”Vật lí 10 nâng cao, Luận văn thạc sĩ Giáo dục học, Trường ĐHSP Thái Nguyên – Đại học Thái Nguyên. [3] Nguyễn Thế Khôi (Tổng Chủ biên), Nguyễn Phúc Thuần (Chủ biên), Nguyễn Ngọc Hưng, Vũ Thanh Khiết, Phạm Xuân Quế, Phạm ĐìnhThiết, Nguyễn Trần Trác (2006). Vật lý 11 nâng cao, NXB Giáo Dục. [4] Nguyễn Thế Khôi (Tổng Chủ biên), Nguyễn Phúc Thuần (Chủ biên),Nguyễn Ngọc Hưng, Vũ Thanh Khiết, Phạm Xuân Quế, Phạm ĐìnhThiết, Nguyễn Trần Trác (2006). Bài tập Vật lý 11 nâng cao, NXB Giáo Dục.
  7. 140 HỒ THỊ MINH [5] Charles D. Dziuban, Joel L. Hartman, Patsy D. Moskal (2004). Blended Learning, University of Central Florida. [6] Jean Adams (2003). Based on Doctoral Research, Schulich School of Business, York University, Toronto. [7] Harvey Singh (2003). Building Effective Blended Learning Programs, Issue of Educational Technology. Title: ORGANIZING REVIEWING ACTIVITIES AND TEST EVALUATION IN CHAPTER "CONSTANT ELECTRIC CURRENT" IN THE 11th ADVANCED PHYSICS TEXTBOOK BY USING B-LEARNING Abstract: In this article, we introduce methods of organizing activities under review b-Learning program in chapter "constant electric current" in the 11th advanced Physics textbook to contribute to improving the quality of students’ learning activities. Keywords: b-Learning, the chapter “Constant electric current”, the 11th advanced physics, reviewing and test evaluation HỒ THỊ MINH Học viên Cao học, chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học môn Vật lí, khóa 21 (2012-2014), Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế
nguon tai.lieu . vn