Xem mẫu

  1. BÁO CÁO KHOA HỌC HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA LẦN THỨ 1 THIẾT KẾ CÁC CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM KHÁCH QUAN CHỨA HÌNH ẢNH TRONG MÔN SINH HỌC ĐỂ RÈN LUYỆN KỸ NĂNG PHÂN TÍCH-TỔNG HỢP CHO HỌC SINH Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG PHẠM THỊ PHƯƠNG ANH *, HOÀNG XUÂN THẢO Khoa Sinh học, trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế * Email: fearxu@gmail.com Tóm tắt: Bài báo phân tích vai trò của các câu hỏi trắc nghiệm khách quan chứa hình ảnh đối với việc rèn luyện kỹ năng phân tích – tổng hợp cho học sinh trong quá trình dạy học môn Sinh học ở trường trung học phổ thông, đồng thời, chỉ ra các yêu cầu sư phạm cần thiết để thiết kế được các câu hỏi trắc nghiệm khách quan chứa hình ảnh trong môn Sinh học để đáp ứng yêu cầu rèn luyện kỹ năng phân tích - tổng hợp cho học sinh. Từ khóa: Câu hỏi trắc nghiệm khách quan, kỹ năng phân tích - tổng hợp, kênh hình, phương tiện trực quan. 1. MỞ ĐẦU Kỹ năng (KN) phân tích tổng hợp là một trong những kỹ năng đóng vai trò quan trọng trong quá trình học tập của học sinh ở trường trung học phổ thông. Phân tích và tổng hợp là hai quá trình có quan hệ mật thiết với nhau, bổ sung cho nhau trong quá trình tư duy thống nhất. Phân tích là cơ sở để tổng hợp, được tiến hành theo phương hướng của sự tổng hợp. Tổng hợp diễn ra trên cơ sở phân tích, được thực hiện trên kết quả của sự phân tích. Khi biết cách phân tích và tổng hợp vấn đề, học sinh không những hiểu rõ được các kiến thức ngay trên lớp mà còn có khả năng tự phân tích và tổng hợp được các tài liệu để tự học về sau. Trong quá trình tổ chức hoạt động dạy học môn Sinh học, các hình ảnh đóng góp một phần không nhỏ trong việc rèn luyện kỹ năng phân tích – tổng hợp nhưng phần lớn được sử dụng như một phương tiện để thực hiện quá trình truy vấn trên lớp hoặc đưa vào phiếu học tập kèm theo các câu hỏi tự luận để học sinh trả lời. Việc đưa hình ảnh vào các câu hỏi trắc nghiệm nhằm rèn luyện kỹ năng phân tích – tổng hợp vừa là một biện pháp hữu ích giúp phát triển tư duy cho học sinh, mặt khác, hình thức này cũng phù hợp với xu hướng sử dụng các câu hỏi trắc nghiệm khách quan theo hướng đánh giá được năng lực của thí sinh ngày càng nhiều trong đánh giá kết quả học tập cũng như trong kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia. 2. NỘI DUNG 2.1. Câu hỏi trắc nghiệm khách quan chứa hình ảnh Trắc nghiệm khách quan là dạng trắc nghiệm trong đó, mỗi câu hỏi có kèm theo câu trả lời sẵn. Loại câu hỏi này cung cấp cho HS một phần hay tất cả thông tin cần thiết và đòi hỏi HS phải chọn một câu để trả lời hoặc cần điền thêm vài từ. Loại này còn gọi là câu hỏi đóng, được xem là trắc nghiệm khách quan. Trắc nghiệm khách quan phải xây dựng sao cho mỗi câu hỏi chỉ có một câu trả lời đúng hoặc một câu trả lời tốt nhất. Thông thường, có nhiều câu trả lời được cung cấp cho mỗi câu hỏi của bài trắc nghiệm nhưng chỉ có một câu là câu trả lời đúng hay câu trả lời chính xác nhất [2]. Câu hỏi trắc nghiệm khách quan chứa hình ảnh là một dạng câu hỏi trắc nghiệm khách 77
  2. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ quan. Tuy nhiên phần câu dẫn của loại câu hỏi này nhất thiết phải chứa ít nhất một hình ảnh nhất định và hình ảnh được khai thác để đưa ra các dữ kiện bằng ngôn ngữ tương ứng nhằm đạt đến một mục đích nhất định trong dạy học. 2.2. Kỹ năng phân tích – tổng hợp Phân tích là quá trình nhằm tách các bộ phận cảu những sự vật, hiện tượng của hiện thực với các dấu hiệu và thuộc tính của chúng, cũng như mối liên hệ và quan hệ của chúng theo một hướng nhất định nhằm nghiên cứu chúng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn, từ đó nhận thức được trọn vẹn các sự vật, hiện tượng. Nói cách khác, đó chính là thao tác chia nhỏ sự vật hay hiện tượng thành các phần, các tính chất, các dấu hiệu và các yếu tố thuộc tính của chúng cũng như mối liên hệ, quan hệ giữa chúng rồi xem xét riêng biệt từng thành phần đó [1]. Biểu hiện của kỹ năng phân tích là khả năng vận dụng thành thạo, sáng tạo, có mục đích các thao tác phân chia sự vật, hiện tượng; từ đó, nhận biết các xu hướng, cấu trúc, những ẩn ý và nhận biết được các bộ phận cấu thành của sự vật, hiện tượng[1]. Tổng hợp là thao tác kết hợp các bộ phận, các thuộc tính và mối quan hệ của đối tượng thành tổng thể, là thao tác liên kết những yếu tố có liên hệ với nhau thành một khối thống nhất. Tổng hợp là hoạt động nhận thức sự vật trong mối quan hệ qua lại giữa những yếu tố cấu thành nó[1]. Biểu hiện của kỹ năng tổng hợp là khả năng sử dụng những kiến thức đã học để tạo ra những cái mới, khái quát hóa những dữ kiện đã biết, liên hệ những điều đã học từ nhiều lĩnh vực khác nhau, dự đoán và rút ra kết luận[1]. 2.3. Các yêu cầu sư phạm của câu hỏi trắc nghiệm chứa hình ảnh trong việc rèn luyện kỹ năng phân tích – tổng hợp Để rèn luyện kỹ năng phân tích tổng hợp, các câu hỏi trắc nghiệm khách quan cần phải đảm bảo một số yêu cầu đặc biệt ngoài những yêu cầu cơ bản như các dạng câu hỏi trắc nghiệm khách quan thông thường khác. 2.3.1. Về hình thức Câu hỏi trắc nghiệm chứa hình ảnh dùng để rèn luyện kỹ năng phân tích – tổng hợp cũng có cấu trúc tương tự như loại trắc nghiệm nhiều lựa chọn MCQ (mutiple choices question). Mỗi câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn bao gồm 2 phần: Câu dẫn và các phương án lựa chọn. - Đối với phần câu dẫn: Phần câu dẫn thường chứa nhiều nhận định gắn với hình ảnh được sử dụng, đòi hỏi học sinh phải phân tích được hình ảnh và quyết định các nhận định được đưa ra là đúng hay sai. Do đó, phần câu dẫn thường dài hơn so với các câu hỏi trắc nghiệm MCQ thông thường, số nhận định trong mỗi câu dẫn thường lớn hơn 4 nhận định nhằm đáp ứng các mức độ của việc rèn luyện kỹ năng phân tích – tổng hợp cho HS. Kết thúc của mỗi phần câu dẫn thường là một lệnh yêu cầu HS lựa chọn số nhận định đúng hoặc không đúng trong phần câu dẫn. Các hình ảnh được đưa vào phần câu dẫn phải được xử lý sư phạm để phù hợp với yêu cầu rèn luyện kỹ năng phân tích – tổng hợp và rõ ràng. 78
  3. BÁO CÁO KHOA HỌC HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA LẦN THỨ 1 - Đối với phần phương án trả lời: Phần phương án trả lời vẫn được viết theo kiểu MCQ, thường chứa từ 4 phương án trả lời. Trong mỗi phương án trả lời chỉ chứa những con số trong phạm vi số nhận định được đưa ra, do đó, giảm thiểu được khả năng lựa chọn may rủi của HS. Ví dụ: Nghiên cứu hình ảnh sau đây và các phát biểu tương ứng sau đây: Hình 1. Sinh trưởng sơ cấp và thứ cấp ở cây thân gỗ (Sách giáo khoa Sinh học 11 cơ bản, trang 136) (1) Vị trí A là nơi xảy ra sinh trưởng sơ cấp, vị trí B là nơi xảy ra sinh trưởng thứ cấp. (2) Vị trí A chứa mô phân sinh ngọn, bao gồm các tế bào có khả năng phân chia mạnh. (3) Tại vị trí (c) và (g) chứa mô phân sinh bên, có vai trò làm tăng đường kính của cây thân gỗ. (4) (a) và (b) lần lượt là mạch rây sơ cấp và mạch gỗ sơ cấp, (d) và (e) lần lượt là mạch rây thứ cấp và mạch gỗ thứ cấp. (5) Nếu cắt cây thân gỗ này tại vị trí B, cây sẽ không thể gia tăng chiều cao của phần thân bên dưới. Số phát biểu không đúng là: A. 1. B. 2. C. 3. D. 4. 2.3.2. Về nội dung Hình ảnh được sử dụng trong câu hỏi trắc nghiệm khách quan chứa hình ảnh để rèn luyện kỹ năng phân tích – tổng hợp phải chứa đựng một lượng thông tin nhất định để viết được các các nhận định giúp học sinh phân tích hình ảnh, tổng hợp kiến thức. Do đó, hình ảnh trước khi đưa vào câu dẫn cần được lựa chọn kỹ và gia công sư phạm để chứa đựng các 79
  4. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ yếu tố có thể hỏi bằng cách cắt ghép, thêm bớt một số thành phần trong mỗi hình ảnh để phù hợp với các yêu cầu của việc rèn luyện kỹ năng phân tích – tổng hợp. Các nhận định trong phần câu dẫn trước hết cần phải hướng đến việc rèn luyện KN phân tích – tổng hợp theo nhiều mức độ khác nhau: - Mức độ 1: HS tiếp nhận câu hỏi và nhận diện được nội dung phản ánh trong hình. - Mức độ 2: HS phân tích được các thành phần, cấu trúc, đặc điểm của hình ảnh. - Mức độ 3: Tổng hợp được tất cả các yếu tố đã phân tích của hình ảnh. - Mức độ 4: Vận dụng hoặc nhận thức được ý nghĩa của hình ảnh đó. Việc xây dựng các mức độ này được xác định dựa vào cơ sở lý luận của việc rèn luyện kỹ năng phân tích - tổng hợp và trở thành tiêu chí đánh giá mức độ hình thành kỹ năng phân tích – tổng hợp cho học sinh trong quá trình dạy học. Như vậy khi nghiên cứu phần câu dẫn của câu hỏi trên ta thấy các mức độ của kỹ năng phân tích tổng hợp được thể hiện qua bảng 1. Bảng 1. Các mức độ của kỹ năng phân tích – tổng hợp Số TT Các nhận định Mức độ 1 Vị trí A là nơi xảy ra sinh trưởng sơ cấp, vị trí B là nơi xảy ra sinh Mức độ 1 trưởng thứ cấp. 2 Vị trí A chứa mô phân sinh ngọn, bao gồm các tế bào có khả năng Mức độ 2 phân chia mạnh. 3 Tại vị trí (c) và (g) chứa mô phân sinh bên, có vai trò làm tăng đường Mức độ 2 kính của cây thân gỗ. 4 (a) và (b) lần lượt là mạch rây sơ cấp và mạch gỗ sơ cấp, (d) và (e) lần Mức độ 3 lượt là mạch rây thứ cấp và mạch gỗ thứ cấp. 5 Nếu cắt cây thân gỗ này tại vị trí B, cây sẽ không thể gia tăng chiều Mức độ 4 cao của phần thân bên dưới. Ngoài ra, các từ ngữ được sử dụng trong câu dẫn phải rõ ràng, ngắn gọn, không nên đánh đố học sinh và các nhận định nên sắp xếp theo thứ tự của các mức độ của kỹ năng phân tích – tổng hợp, không nên sử dụng các nhận định có ý nghĩa trái ngược nhau dẫn đến loại trừ lẫn nhau. Cần hạn chế sử dụng các từ có ý nghĩa tuyệt đối như: “chỉ”, “tất cả”, “luôn luôn”,... trong các nhận định. 2.4. Vai trò của câu hỏi trắc nghiệm khách quan chứa hình ảnh trong rèn luyện kỹ năng phân tích – tổng hợp cho học sinh Trong dạy học, câu hỏi TNKQ (đặc biệt là dạng MCQ) thường chỉ được dùng trong kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh. Đối với GV, việc sử dụng câu hỏi TNKQ giúp GV thu được thông tin ngược từ HS để điều chỉnh nội dung và phương pháp dạy học cho phù hợp với mục tiêu dạy học và trình độ của HS. Đối với HS, khi sử dụng câu hỏi TNKQ để kiểm tra đánh giá thường gây ra những khó khăn trong việc xác thực năng lực của HS do TNKQ thường có tính may rủi và rất khó để đo được năng lực sáng tạo của HS. Câu hỏi TNKQ chứa hình ảnh được thiết kế theo hướng rèn luyện kỹ năng phân tích – tổng hợp không chỉ được sử dụng trong trong kiểm tra đánh giá mà còn được sử dụng trong dạy kiến thức mới, giúp khắc phục được hạn chế của những câu trắc nghiệm khách quan thông thường. Phần câu dẫn chứa hình ảnh và các nhận định đòi hỏi HS phải sử dụng các thao 80
  5. BÁO CÁO KHOA HỌC HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA LẦN THỨ 1 tác tư duy để phân tích mối liên hệ giữa hình ảnh và các nhận định, để tìm ra các nhận định đúng hoặc sai, tránh được sự đoán mò trong khi lựa chọn các phương án trả lời. Sử dụng câu hỏi TNKQ chứa hình ảnh trong dạy học kiến thức mới còn tăng cường khả năng nhớ cho HS, tạo được sự hứng thú trong học tập và hỗ trợ HS trong quá trình tự kiểm tra đánh giá, tự nghiên cứu. Như vậy, khi kết hợp câu hỏi TNKQ và hình ảnh sẽ khắc phục được những hạn chế vốn có của TNKQ, đồng thời phát triển được các năng lực trí tuệ, có thể được sử dụng trong dạy học kiến thức mới hoặc kiểm tra đánh giá trong quá trình dạy học, giúp HS rèn luyện các kỹ năng tư duy, đặc biệt là kỹ năng quan sát và kỹ năng phân tích – tổng hợp và có thể góp phần nâng cao chất lượng lĩnh hội kiến thức cho HS. 3. KẾT LUẬN Thông qua quá trình thực nghiệm sư phạm bằng phương pháp thực nghiệm trước – sau, bước đầu cho thấy các câu hỏi trắc nghiệm khác quan chứa hình ảnh đã mang lại hiệu quả tích cực trong quá trình rèn luyện kỹ năng phân tích – tổng hợp cho HS, mang lại cho HS nhiều hứng thú trong quá trình học tập môn Sinh học ở trường THPT. Tuy nhiên, vậy xây dựng các câu hỏi trắc nghiệm khách quan theo hướng rèn luyện kỹ năng phân tích – tổng hợp đòi hỏi giáo viên phải đầu tư nhiều thời gian, chọn lọc được hình ảnh có chất lượng mới có thể mang lại hiệu quả cao trong quá trình dạy học. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Trịnh Thị Quyên, Rèn luyện kỹ năng phân tích – tổng hợp, đánh giá trong dạy học nội dung “Phương trình, hệ phương trình, bất đẳng thức” ở trường Trung học cơ sở, Luận văn Thạc sĩ Sư phạm Toán, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2008. [2] Nguyễn Văn Thuận (Chủ biên), Phan Đức Duy, Hoàng Trọng Phán, Thiết kế bài dạy học và trắc nghiệm khách quan môn Sinh học trung học phổ thông, Tài liệu bồi dưỡng thường xuyên giáo viên trung học phổ thông chu kỳ III, NXB Giáo dục. Title: DESIGNING OBJECTIVE TEST QUESTIONS THAT CONTAIN IMAGES IN BIOLOGY TO DEVELOP ANALYTICAL - SYNTHETIC SKILLS FOR HIGH SCHOOL STUDENTS. Abstract: The paper analyzes the role of objective test questions that contain images to develop the analytical - synthetic skills for students in the process of teaching Biology in high school. It also shows the pedagogical requirements of designing objective test questions that contain images in Biology to meet the requirements of training analytical - synthetic skills for the students. Key words: Objective testing questions, analytical - synthetic skills, visual channels, visual media. 81
nguon tai.lieu . vn