Xem mẫu

  1. KHẢO SÁT NĂNG LỰC HÌNH HỌC VÀ ĐO LƯỜNG CỦA HỌC SINH LỚP 4 Ở MỘT SỐ TRƯỜNG TIỂU HỌC TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HUẾ THEO BỘ CÂU HỎI ĐÁNH GIÁ TIMSS NGUYỄN HOÀNG ANH - PHẠM THỊ THU ANH LÊ THỊ NGỌC BÍCH - TRỊNH THỊ MỸ DUYÊN Khoa Giáo dục Tiểu học 1. CHUẨN ĐÁNH GIÁ TIMSS TIMSS là từ viết tắt của các xu hướng trong việc học Toán và Khoa học Quốc tế (Trends in International Mathematics and Science Study) của tổ chức IEA nhằm giúp các quốc gia trên khắp thế giới cải thiện kiến thức khoa học và toán học của học sinh. TIMSS đánh giá kiến thức và kĩ năng của học sinh trong độ tuổi 9-10 và 13-14 trên thế giới. TIMSS cung cấp thông tin liên quan tới xu hướng thành tích cùng với các thông tin khác nhằm giải quyết những lo ngại về chất lượng, số lượng và nội dung giảng dạy của các nước tham gia. TIMSS có khả năng so sánh quốc tế các biến số chiến lược trong quá trình dạy học của các nước thành viên, khi tham gia vào TIMSS các nước có tầm nhìn tổng quát về năng lực học sinh các nước thành viên từ đó so sánh với nhau một cách đầy đủ và cụ thể. Đồng thời, các nước có thể theo dõi sự tiến triển trong suốt quá trình học tập của học sinh để đưa ra những biện pháp giảng dạy phù hợp nhằm nâng cao thành tích học tập của học sinh nước mình. TIMSS ngày càng phát triển mạnh và khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế. Hiện nay, các nước có nền giáo dục phát triên trên thế giới như Singapore, Nhật Bản, Mĩ, Anh, Úc… đã chọn TIMSS làm chuẩn đánh giá trong công tác kiểm định năng lực học của học sinh. TIMSS là một trong những chương trình đánh giá năng lực học tập của học sinh được tổ chức IEA thực hiện. IEA là hiệp hội quốc tế đánh giá thành tựu giáo dục được thành lập từ năm 1959. Tổ chức này độc lập với các tổ chức nghiên cứu quốc gia và của chính phủ tiến hành nghiên cứu các thành tựu học tập của học sinh các nước. IEA có nhiệm vụ cung cấp tất cả các thông tin về thành tích và vị thế giáo dục của các nước thành viên trong tổ chức. Ngay từ lúc thành lập tổ chức đã có hơn 60 quốc gia đăng kí tham gia, bao gồm một Ban Thư kí đặt tại Amsterdam, Hà Lan và một trung tâm nghiên cứu dữ liệu đặt tại Hamburg, Đức. Như là một dự án của IEA, chương trình về khuynh hướng học toán và khoa học quốc tế - TIMSS với lợi thế trong việc thu hút các tinh hoa chuyên môn hợp tác được cung cấp bởi đại biểu từ các nước thành viên trên toàn thế giới tiến hành với chu kì 4 năm một lần. Trong đó, TIMSS phân chia một cách rõ ràng các dữ liệu đánh giá tương ứng với các miền nhận thức đã được xác định. Năm 2011 là chu kì thứ năm được thực hiện trong chuỗi chương trình đánh giá của TIMSS, là khuôn khổ đánh giá gần đây nhất trong các nghiên cứu của IEA về đo lường các xu hướng trong thành tích học tập toán và khoa học của HS. Chu kì đầu tiên của TIMSS tiến hành vào năm 1995 tại 41 quốc gia có nền giáo dục phát triển lúc bấy giờ Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Sinh viên năm học 2013-2014 Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế, tháng 12/2013, tr: 385-390
  2. 386 NGUYỄN HOÀNG ANH và cs. như Anh, Australia, Nhật Bản, Singapore, Mỹ, Slovennia, Scotland, Hồng Kông... các chu kì tiếp theo được thức hiện vào năm 1999, 2003, 2007. Qua mỗi chu kì, IEA lại có thêm rất nhiều thành viên đăng kí tham gia, điển hình như Đài Loan - Trung Quốc, Liên Bang Nga, Thổ Nhĩ Kì, Yemen… Đến nay TIMSS đã có 65 nước cùng với một tiểu bang của Mỹ và Canada đăng kí tham gia chương trình đánh giá này. Để đảm bảo tính toàn diện trong việc đánh giá kiến thức của học sinh, các ngữ liệu kiểm tra cần phải phù hợp với các nội dung chủ đề cũng như các kĩ năng nhận thức đang được đánh giá. Hơn nữa, quá trình đánh giá cần phải lưu ý đến phạm vi giới hạn của mỗi kĩ năng nhận thức tương ứng để tránh sự nhầm lẫn. Dưới đây là các miền nhận thức toán học của học sinh lớp 4. a) Hiểu biết Kĩ năng vận dụng hay lí giải các tình huống toán học phụ thuộc rất nhiều vào những hiểu biết và sự quen thuộc với các khái niệm toán học mà học sinh đã được tìm hiểu trước đó. Phạm trù hiểu biết bao gồm các hành vi sau đây: nhớ lại, nhận biết, tính toán, khai thác, đo lường, phân tích/tổng hợp. b) Áp dụng Trong miền nhận thức này, học sinh có thể vận dụng những kiến thức và những hiểu biết về các khái niệm cơ bản để giải quyết các bài toán hoặc trả lời các câu hỏi liên quan. Ngoài ra, nó còn được thể hiện qua năng lực sử dụng các công cụ toán học để giải quyết các tình huống gặp phải trong thực tế cuộc sống. Miền áp dụng bao gồm các hành vi sau đây: Lựa chọn, mô tả, mẫu, thực hiện, giải quyết các vấn đề điển hình. c) Lí giải Đó là khả năng mở rộng hay tiến xa lời giải của một bài toán quen thuộc để có thể hoàn thiện một tình huống không quen thuộc và được đặc trong một hoàn cảnh phức tạp hơn hay một bài toán với nhiều bài giải hơn. Miền nhận thức này bao gồm các khả năng sau đây: phân tích, khái quát, tổng hợp/hợp nhất, chứng minh, giải quyết các vấn đề không điển hình. 2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU Ở đây chúng tôi sử dụng ba phương pháp chính để nghiên cứu: Phương pháp nghiên cứu lí thuyết: Qua việc tìm hiểu về chương trình đánh giá TIMSS và nguồn câu hỏi trong bộ đề TIMSS 2007 ở các tài liệu tham khảo như sách, báo và một số địa chỉ mạng về giáo dục đáng tin cậy, số câu hỏi TIMSS liên quan tới vấn đề nghiên cứu là 20 câu. Từ số lượng câu hỏi này chúng tôi xây dựng thành 6 bộ đề, mỗi bộ gồm 6 câu hỏi cả trắc nghiệm và tự luận. Giữa các bộ đề có sự giao thoa với nhau về câu hỏi, miền nhận thức của học sinh lớp 4.
  3. KHẢO SÁT NĂNG LỰC HÌNH HỌC VÀ ĐO LƯỜNG CỦA HỌC SINH LỚP 4... 387 Phương pháp điều tra, khảo sát: Khảo sát trên đối tượng học sinh lớp 4 thông qua bộ câu hỏi đánh giá TIMSS. Thăm dò ý kiến của giáo viên tiểu học về năng lực hình học và đo lường của học sinh. Chúng tôi xây dựng bộ câu hỏi đánh giá TIMSS dựa trên nội dung hình học và đo lường ở lớp 4 bao gồm những hiểu biết về các yếu tố liên quan đến hình học và đo lường. Các yếu tố hình học liên quan đến việc hình thành các kĩ năng ban đầu về các hình hình học, các khái niệm ban đầu về góc, hai đường thẳng song song, hai đường thẳng vuông góc, hình bình hành, hình thoi. Đồng thời các yếu tố hình học trong chương trình Tiểu học là một trong 4 mạch kiến thức (Số học, đại lượng và đo đại lượng, yếu tố hình học, giải toán) được cấu trúc hợp lí, đan xen và hỗ trợ cho các mạch kiến thức khác. Nội dung các yếu hình học và đo lường được bổ sung, hoàn thiện, khái quát hóa, hệ thống hóa các kiến thức về yếu tố hình học và đo lường đã học, phù hợp với đặc điểm của giai đoạn học tập mới ở lớp 4. Các chủ đề hình học và đo lường được đánh giá trong TIMSS bao gồm các yếu tố đo lường; góc; hai đường thẳng song song, hai đường thẳng vuông góc; diện tích của các hình hình học. Phương pháp thống kê toán học: Dựa trên cơ sở của phiếu điều tra, thống kê để đưa ra đánh giá chính xác về năng lực hình học và đo lường của học sinh. 3. KẾT QUẢ KHẢO SÁT Trong quá trình nghiên cứu, thông qua quá trình điều tra, thăm dò ý kiến ở hai trường tiểu học Vĩ Dạ và Phú Cát về năng lực hình học và đo lường của học sinh lớp 4, chúng tôi rút ra một số nhận xét như sau: Thứ nhất, ở miền nhận thức hiểu biết, đa số học sinh của hai trường đã ghi nhớ, nhận biết được các công thức tính chu vi, diện tích các hình đã học. Vì vậy, các em đạt điểm số khá cao ở các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận ở mảng kiến thức này. Cụ thể như sau: Câu hỏi: Một hình chữ nhật có chiều dài 6 cm, chiều rộng là 4 cm. Chu vi hình chữ nhật trên là bao nhiêu cm? Với câu hỏi này, học sinh đã thực hiện tốt phép tính chu vi của hình chữ nhật và đưa ra kết quả 20cm rất chính xác. Hình 1. Bài làm đúng của học sinh Ngoài ra, một số bài làm mà học sinh đã nhầm lẫn hoặc đọc không kĩ yêu cầu đề ra nên đã trả lời sai. Dẫn chứng cụ thể là hình 2 và hình 3 dưới đây:
  4. 388 NGUYỄN HOÀNG ANH và cs. Hình 2 Hình 3 Tuy nhiên, các em chưa có có kĩ năng quan sát, tìm hiểu vấn đề một cách tổng quát, toàn diện. Do đó, các bài tập tìm các hình là dạng bài tập học sinh ngại làm. Chẳng hạn ở câu hỏi: Cho một hình vuông được chia làm 7 phần. Em hãy đánh dấu X vào 2 hình giống nhau về hình dáng và kích thước ở hình vuông dưới đây. Với câu hỏi này, số lượng bài làm tìm được ba cặp hình giống nhau về hình dáng và kích thước rất ít. Xem hình 4 dưới đây: Hình 4 Còn lại đa số học sinh chỉ tìm được một cặp hình giống nhau về hình dáng và kích thước. Nhìn chung các em có thể đánh dấu đúng các hình khác nhau nhưng chưa đủ. Điều này cho thấy các em đã có kiến thức có bản nhưng lại chưa có cái nhìn tổng quát để quan sát một hình. Thứ hai, với miền nhận thức áp dụng, phần lớn học sinh chưa biết cách quan sát kĩ các hình để tìm ra đáp án, thường bị nhiễu thông tin bởi các dữ liệu có trong đề. Học sinh còn gặp khó khăn với năng lực sử dụng các công cụ toán học để giải quyết các tình huống gặp phải trong thực tế cuộc sống. Phần lớn các em phát hiện được vấn đề nhưng lại chưa biết cách giải thích, trình bày bài làm, cách giải quyết vấn đề đó như thế nào là đúng. Do đó, các em mất điểm khá nhiều ở các câu đòi hỏi kĩ năng nhận biết, mô tả và quan sát. Cụ thể như ở câu hỏi sau: Trong hình vẽ là hai cạnh của hình chữ nhật. Hãy vẽ thêm hai cạnh còn lại để tạo thành một hình chữ nhật hoàn chỉnh? Sau đó tính chu vi và diện tích của hình chữ nhật đó, biết chiều rộng 1cm và chiều dài 2cm.
  5. KHẢO SÁT NĂNG LỰC HÌNH HỌC VÀ ĐO LƯỜNG CỦA HỌC SINH LỚP 4... 389 Dưới đây là bài làm của học sinh: Hình 5 Hình 6 Hình 5 là bài làm có kết quả chính xác cả hình vẽ lẫn phép tính. Riêng hình 6, công thức và đáp số đúng nhưng hình vẽ lại bị lệch, không phải là hình chữ nhật mà đề bài ra. Thứ ba, ở các câu hỏi thuộc miền nhận thức lí giải đòi hỏi học sinh cần tư duy, suy luận để tìm ra đáp án chính xác. Nhưng đa phần học sinh của hai trường chưa biết cách phân tích, khai thác kĩ và liên kết các dữ liệu có trong bài. Từ đó, các em có sự nhầm lẫn trong cách tính toán, áp dụng công thức và chuyển đổi các phép tính để có được kết quả đúng. Dẫn chứng dưới đây thể hiện rõ điều đó: Câu hỏi: Nam sử dụng một cây thước dài 30 cm để đo chiều dài của bức tường. Bức tường dài hơn 18 lần chiều dài của cây thước là 6 cm. Vậy chiều dài của bức tường là mấy xăng-ti-mét? Ở câu hỏi này, hầu hết học sinh bị đánh lừa từ dữ liệu có ở đầu bài toán là “Nam sử dụng một cây thước dài 30 cm để đo chiều dài của bức tường” mà không xem kĩ dữ liệu còn lại “Bức tường dài hơn 18 lần chiều dài của cây thước là 6 cm” dẫn đến gặp lúng túng và làm sai. Hình 7. Bài làm sai của học sinh Qua đây, chúng tôi nhận thấy rằng học sinh của hai trường đều đã nắm được kiến thức cơ bản trong chuẩn đánh giá, điều này thể hiện qua mức điểm trung bình mà các em đạt kết quả khá cao. Ngoài ra, các em còn biết vận dụng những công thức, cách quan sát hình để giải quyết những bài toán có liên quan. Với bộ đề chung mà cả hai trường cùng làm, điểm số trung bình có sự chênh lệch nhẹ. Điểm trung bình bài kiểm tra của trường tiểu học Vĩ Dạ đạt 8,2; còn trường tiểu học Phú Cát đạt được là 8,87. Khi chấm bài học sinh của hai trường, chúng tôi đã có sự so sánh kĩ năng phát hiện và giải quyết vấn đề mà các bài toán đưa ra. Thực tế cho thấy, học sinh trường Phú Cát và Vĩ Dạ đều làm tốt các bài tập thuộc miền nhận thức hiểu biết. Nhưng ở hai miền nhận thức còn lại là áp dụng và lí giải thì năng lực của học sinh trường tiểu học Phú Cát có nhỉnh hơn học sinh của trường tiểu học Vĩ Dạ. Học sinh
  6. 390 NGUYỄN HOÀNG ANH và cs. trường Phú Cát có khả năng lí luận, diễn giải khá tốt, cẩn thận khi làm bài, trong khi học sinh trường Vĩ Dạ lại hơi vội vàng, luống cuống khi gặp phải các dạng bài đòi hỏi suy luận, vận dụng các kiến thức đã học để giải các bài toán liên quan. 4. KẾT LUẬN Đề tài mang lại cái nhìn khách quan về năng lực hình học và đo lường của học sinh hai trường tiểu học Vĩ Dạ và Phú Cát. Qua đó phần nào nói lên được hiệu quả của dạy học toán hiện nay. Những bài toán dùng để đánh giá trong TIMSS có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao. Bên cạnh việc đánh giá năng lực học sinh mà còn giúp cho các em trau dồi thêm kĩ năng, rèn luyện tính chủ động, suy luận, giải quyết bài toán một cách logic, có khoa học. Vì thế trong quá trình dạy học, giáo viên nên tiếp cận và đưa vào trong bài dạy một số bài tập trong chuẩn đánh giá TIMSS để tổ chức cho học sinh thực hành luyện tập. Nó sẽ làm cho việc dạy học môn Toán của giáo viên và học sinh sôi nổi, thoải mái và thích thú hơn. Việc áp dụng chuẩn đánh giá TIMSS này vào trong công tác kiểm tra, đánh giá năng lực và kĩ năng cho học sinh sẽ mang lại kết quả tốt trong công tác điều chỉnh các phương pháp dạy học, sử dụng thiết bị dạy học lẫn các hình thức tổ chức trong dạy học. Chúng tôi hi vọng rằng kết quả nghiên cứu của đề tài này sẽ là một sự khởi đầu mới trong việc ứng dụng chuẩn đánh giá vào quá trình dạy học ở nước ta. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Đỗ Đình Hoan (2010). Sách giáo khoa toán 4, NXB Giáo dục. [2] Đỗ Đình Hoan (2008). Sách giáo khoa toán 4. NXB Giáo dục. [3] Đặng Thị Mỹ Ni (2012). Khảo sát năng lực số học của học sinh lớp 4 ở hai trường tiểu học Quang Trung và Phú Cát thuộc thành phố Huế, Khoá luận tốt nghiệp ĐHSP Huế. [4] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2010). Hướng dẫn chuẩn kiến thức kĩ năng lớp 4, NXB Giáo dục. [5] IEA (2008). TIMSS 2007 technical report, TIMSS & PIRLS International Study Center, Boston College. [6] IEA (2009). TIMSS 2011 International Results in Mathematics, TIMSS & PIRLS International Study Center, Boston College. [7] IEA (2008). TIMSS 2007 international science report: Findings from IEA’s Trends in International Mathematics and Science Study at the fourth and eighth grades, TIMSS & PIRLS International Study center, Boston College. NGUYỄN HOÀNG ANH PHẠM THỊ THU ANH LÊ THỊ NGỌC BÍCH TRỊNH THỊ MỸ DUYÊN SV lớp TU 3A, Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế
nguon tai.lieu . vn