Xem mẫu

  1. HÌNH THÀNH NĂNG LỰC PHÁT HIỆN VÀ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ TRONG DẠY HỌC VẬT LÝ TRUNG HỌC CƠ SỞ LÊ ĐÌNH HIẾU Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế Tóm tắt: Bài báo này trình bày việc nghiên cứu cơ sở lý luận về sự hình thành năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề (PH & GQVĐ) trong dạy học Vật lý, từ đó đưa ra một số biện pháp nhằm hình thành và phát triển năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề cho học sinh thông qua một số ví dụ minh họa cho biện pháp đã đề xuất. Từ khóa: hình thành năng lực, phát hiện giải quyết vấn đề 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Mục tiêu giáo dục không chỉ dừng lại ở việc trang bị những kiến thức, rèn luyện kĩ năng có sẵn cho học sinh mà còn phải hình thành cho học sinh năng lực sáng tạo, năng lực giải quyết vấn đề, để từ đó có thể sáng tạo ra tri thức mới làm giàu thêm nền kiến thức cho bản thân [1]. Chương trình Vật lý lớp 8 là phần mở đầu thuộc giai đoạn thứ 2 mang tính phát triển, vừa mở rộng đào sâu trên nền tảng Vật lý lớp 6. Nội dung kiến thức đề cập đến nhều khái niệm, định luật vật lý khó và trừu tượng, đòi hỏi giáo viên phải hình thành cho học sinh năng lực phát hiện và cách thức giải quyết vấn đề, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dạy học vật lý ở trường phổ thông. 2. MỘT SỐ BIỆN PHÁP HÌNH THÀNH NĂNG LỰC PHÁT HIỆN VÀ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ TRONG DẠY HỌC VẬT LÝ LỚP 8 Năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề (PH & GQVĐ) là năng lực xác định được mục tiêu của vấn đề, đề ra được giải pháp thích hợp và thực hiện giải pháp tối ưu để giải quyết vấn đề đó. Việc hình thành năng lực PH & GQVĐ của học sinh trong dạy học có ý nghĩa hết sức quan trọng. Điều này giúp học sinh nắm vững kiến thức, có khả năng liên hệ, vận dụng các kiến thức, kĩ năng vào thực tiễn cuộc sống, công việc - giúp các em thực hiện “Học đi đôi với hành”; giúp các em có ý thức trách nhiệm đối với gia đình, xã hội cũng như ý thức nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc trong cuộc sống lao động sau này của các em. Để hình thành năng lực PH & GQVĐ cho học sinh trong dạy học Vật lý, có thể sử dụng một số biện pháp chính sau. 2.1. Biện pháp 1: Rèn luyện kỹ năng thực hiện các thao tác tư duy giúp học sinh PH & GQVĐ Trong hoạt động học tập, học sinh sẽ phải thực hiện một số thao tác tư duy như quan sát, phân tích, tổng hợp, so sánh sự vật hiện tượng tiếp xúc, suy xét từ nhiều góc độ khác nhau để phát hiện ra vấn đề, từ đó đề xuất giải pháp để giải quyết vấn đề. Để học sinh có thể PH & GQVĐ tốt nhất nhờ thực hiện các thao tác tư duy thì giáo viên cần quan tâm đến việc tạo tình huống có vấn đề, tăng cường sự giao tiếp giữa giáo viên và học sinh, khuyến khích học sinh trình bày cách hiểu của mình về vấn đề. Ví dụ: Để tạo tình huống học tập khi dạy học bài “Áp suất khí quyển”, giáo viên có thể tiến hành làm thí nghiệm như sau: Giáo viên: Một cái cốc đựng nước, nếu ta dốc ngược cái cốc thì sẽ có hiện tượng gì xảy ra? Học sinh: Nước sẽ chảy xuống ra khỏi cốc. Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Sau Đại học lần thứ hai Trường Đại học Sư phạm Huế, tháng 10/2014: tr. 126-129
  2. HÌNH THÀNH NĂNG LỰC PHÁT HIỆN VÀ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ... 127 Giáo viên: Nếu ta đặt một tờ giấy lên trên miệng cốc nước đầy, giữ tay và dốc ngược cốc, sao đó buông tay ra. Yêu cầu học sinh dự đoán hiện tượng gì sẽ xảy ra? Học sinh: Quan sát và đưa ra dự đoán giấy rơi xuống và nước chảy xuống. Giáo viên: Sau khi tiến hành thí nghiệm, kết quả mà học sinh quan sát được là giấy và nước trong cốc không bị rơi xuống. Từ những gì quan sát được, học sinh có hứng thú tích cực suy nghĩ đi tìm câu trả lời. Hình 1. Cốc đựng nước lật ngược 2.2. Biện pháp 2: Tăng cường sử dụng bài tập vật lý giúp học sinh PH&GQVĐ Chương trình Vật lý 8 đã xuất hiện nhiều bài tập định tính gần gũi với cuôc sống cũng như các bài tập định lượng phức tạp. Để giải quyết các loại bài tập này, đòi hỏi học sinh không chỉ vận dụng lý thuyết suông mà còn phải vận dụng các kĩ năng quan sát, phân tích các hiện tượng, tổng hợp các kiến thức cũng như thực hiện các thao tác tư duy như so sánh, trừu tượng hóa, khái quát hóa… Việc này không những giúp học sinh PH & GQVĐ của nó một cách có hiệu quả mà còn giúp học sinh phát triển tư duy sáng tạo. Ví dụ 1 (sử dụng bài tập định tính): Khi pha nước chanh chúng ta thường vớt bỏ hạt. Theo em, vớt bỏ hạt chanh trước hay sau khi bỏ đường sẽ dễ hơn? Tại sao? Đây là bài tập đã từng gặp trong cuộc sống nhưng để giải quyết nó thì chúng ta cần phải thấy được hiện tượng đó liên quan đến các kiến thức về sự nổi của vật và lực đẩy Ác-si-met. Tiến trình giải bài tập này được thực hiện theo các bước sau: - Tìm kiếm dữ kiện và yêu cầu của bài tập: Hiện tượng pha nước chanh và vớt bỏ hạt. Yêu cầu đặt ra là vớt bỏ hạt chanh khi nào thì dễ hơn và giải thích; - Phân tích nội dung bài tập: Vớt bỏ hạt chanh dễ nhất khi hạt chanh nổi trên mặt nước, tiếp theo là lơ lửng trong nước còn hạt chanh chìm thì rất là khó. Mà hạt chanh nổi, lơ lững hay chìm liên quan đến việc cho đường vào nước không. Trọng lượng riêng của nước trước khi bỏ đường và trọng lượng riêng sau khi bỏ đường khác nhau; - Tiến hành xây dựng lập luận và tìm lời giải cho bài tập: Ở đây ta đã biết nước đường có trọng lượng riêng lớn hơn nước thông thường (trước khi bỏ đường) cho nên hạt chanh sẽ chịu tác dụng của lực đẩy Ác-si-mét FA khi ở trong nước đường lớn hơn khi ở trong nước. Mà FA càng lớn khi trọng lượng riêng d càng lớn nghĩa là lực đẩy Ác-si-mét tác dụng lên hạt chanh càng lớn khi ta cho đường vào càng nhiều, cho đến khi FA>P thì hạt chanh nổi, lúc đó vớt bỏ hạt chanh sẽ dễ dàng nhất. Như vậy, vớt bỏ hạt chanh sau khi bỏ đường sẽ dễ dàng hơn trước khi bỏ đường.
  3. 128 LÊ ĐÌNH HIẾU Ví dụ 2 (sử dụng bài tập định lượng): Muốn thu được 16 lít nước ở nhiệt độ 400C thì phải pha bao nhiêu lít nước sôi và bao nhiêu lít nước ở nhiệt độ 200C. Biết nhiệt dung riêng của nước là 4.200 J/kg.K [2]. Để giải quyết bài tập này, học sinh phải có tư duy trừu tượng hóa và khái quát hóa cao nhằm hình dung hiện tượng xảy ra. Học sinh nhận thấy bài toán có 2 đối tượng là nước sôi có khối lượng m1, t1 = 1000C và nước nguội có khố lượng m2, t2=200C. Lượng nước sôi tỏa nhiệt còn nước nguội thì thu nhiệt. Sự trao đổi nhiệt này xảy ra cho tới khi nhiệt độ của chúng cân bằng tức là nhiệt độ sau của chúng bằng nhau và bằng t=400C. 2.3. Biện pháp 3: Sử dụng máy vi tính trong dạy học giúp học sinh PH&GQVĐ Với sự hỗ trợ của máy vi tính, giáo viên tạo ra tình huống có vấn đề bằng cách chiếu những hình ảnh, đoạn phim cho học sinh quan sát. Thông qua hình ảnh quan sát, giáo viên định hướng học sinh phát hiện được vấn đề mới và yêu cầu học sinh phát biểu vấn đề đó. Từ những thông tin thu thập được, học sinh suy nghĩ phân tích hiện tượng xảy ra, tìm phương án giải quyết vấn đề. Như vậy, máy vi tính không những rèn luyện cho học sinh kĩ năng xác định vấn đề và biết cách giải quyết vấn đề mà còn rèn luyện thêm cho học sinh kĩ năng phân tích hiện tượng, tổng hợp, khái quát và phát triển óc quan sát cho học sinh. Ví dụ: Để tạo tình huống khi tìm hiểu khái niệm “Quán tính”, giáo viên có thể sử dụng máy vi tính để chiếu video clip như sau: Giáo viên: Chiếu đoạn video clip “Có một cái ly và một cái dĩa đặt trên một tấm khăn trải bàn, sau đó tiến hành giật nhanh khăn trải bàn”. Kết quả là cái li và dĩa không bị đổ xuống. Thông qua tình huống này sẽ tạo ra cho học sinh một chút bất ngờ và bối rối, từ đó làm nảy sinh vấn đề và tích cực đi tìm lời giải thích cho vấn đề đó. 3. KẾT LUẬN Việc hình thành năng lực PH & GQVĐ cho học sinh trong dạy học thực chất là việc tổ chức và tạo điều kiện cho học sinh tự lực phát hiện và giải quyết vấn đề của vật lý từ đó hình thành kiến thức mới. Đây là một việc làm hết sức khó khăn, trong quá trình dạy học Vật lý đòi hỏi giáo viên cần phải tổ chức các tình huống học tập từ các thí nghiệm, các bài tập hay các hình ảnh, đoạn phim thích hợp để giúp đỡ học sinh tự chủ hoạt động sáng tạo nhằm tự lực thực hiện được các giai đoạn khó khăn trong việc phát hiện cũng như giải quyết vấn đề đặt ra qua đó góp phần nâng cao hiệu quả học tập vật lý ở trường phổ thông.
  4. HÌNH THÀNH NĂNG LỰC PHÁT HIỆN VÀ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ... 129 TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Trần Huy Hoàng (2006). “Tổ chức hoạt động nhận thức của học sinh trong dạy học vật lý”, Giáo trình giảng dạy Cao học, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế. [2] Bùi Gia Thịnh, Dương Tiến Khang, Vũ Trọng Rỹ, Trịnh Thị Hải Yến (2009). Bài tập Vật lý 8, NXB Giáo dục. Title: FORMING THE ABILITY OF DETECTING AND SOLVING PROBLEMS IN TEACHING PHYSICS OF JUNIOR HIGH SCHOOL Abstract: This article focuses on studying basis of arguments about forming the ability of detecting and solving problems in teaching Physics is to suggest some measures to form and develop the ability of detecting and solving problems for students, through some example to demonstrate the measures that are proposed. Keywords: forming the ability; detecting and solving problems ThS. LÊ ĐÌNH HIẾU Nghiên cứu sinh, chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học môn Vật lý, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế ĐT: 0905 429 527, Email: dinhhieuvl@gmail.com
nguon tai.lieu . vn