Xem mẫu

  1. DẠY HỌC THEO ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC TRONG MÔN VẬT LÝ TRỊNH THỊ TRIỀU Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế Tóm tắt: Dạy học theo định hướng phát triển năng lực được xem như xu thế giáo dục mới của thế giới nói chung cũng như với giáo dục Việt Nam nói riêng. Môn Vật lý là môn khoa học thực nghiệm, có rất nhiều ứng dụng trong đời sống và kỹ thuật. Với các phương pháp dạy học truyền thống học sinh đa số chỉ nắm được lý thuyết mà chưa biết cách vận dụng như thế nào vào thực tiễn, chưa xác định được học để làm gì? Sẽ làm như thế nào? Dựa trên cơ sở lý luận về dạy học định hướng phát triển năng lực bài viết đề cập đến vấn đề xây dựng quy trình dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh khi dạy học môn Vật lý. Từ khóa: dạy học, phát triển năng lực, giáo dục Việt Nam, ứng dụng trong đời sống và kĩ thuật, dạy học môn Vật lý. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Trong xã hội hiện nay, có nhiều biến đổi về: kinh tế, văn hóa, nhận thức... kiến thức học sinh có được không chỉ duy nhất qua Thầy giáo mà còn từ nhiều nguồn: môi trường xung quanh, sách báo, đặc biệt là máy vi tính và mạng xã hội... Những điều các em chiếm lĩnh được có thể sai, có thể đúng, có thể đúng nhưng chưa đủ. Từ đó đặt ra nhiệm vụ cho người Thầy phải định hướng cho các em đi theo những ý tưởng tốt đẹp, tránh lệch lạc trong môi trường vô vàn kiến thức. Cũng có những trường hợp học sinh thu mình lại trước xã hội khi cái gì bạn cũng biết mà mình thì không, càng lúc các em sẽ càng thấy mình kém cỏi, chẳng có ý chí, ước mơ, khi đó nhiệm vụ của người Thầy giúp các em nhận ra khả năng trong con người mình và phát huy khả năng đó. Thực tế dạy học trước đây nói chung và môn Vật lý nói riêng hầu hết giáo viên chỉ chú trọng đến việc cung cấp kiến thức cho học sinh. Vì vậy việc dạy học theo định hướng phát triển năng lực giúp học sinh tinh giản hơn về nội dung, học sinh xác định được học được gì, làm thế nào? 2. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC TRONG DẠY HỌC VẬT LÝ Mục tiêu của giáo dục là đào tạo ra những con người phù hợp với nhu cầu xã hội về kỹ năng và đạo đức, nhằm tạo ra những con người được phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, có những phẩm chất tốt đẹp, có học vấn phổ thông, có năng lực chung: tự học và tự quản lý bản thân, tư duy phát hiện và giải quyết vấn đề, giao tiếp và hợp tác, sử dụng ngôn ngữ, thông tin truyền thông làm nền tảng cho sự phát triển tối đa tiềm năng sẵn có của mỗi cá nhân và làm cơ sở cho sự lựa chọn nghề nghiệp. Việc dạy học định hướng phát triển năng lực cho học sinh thực chất là coi trọng thực hiện mục tiêu dạy học hiện tại ở mức độ cao hơn, thông qua việc yêu cầu học sinh vận dụng những kiến thức, kỹ năng một cách tự tin, hiệu quả, thích hợp trong hoàn cảnh phức hợp và có sự chủ động trong việc học tập trong nhà trường và thực tế. Việc dạy học thay vì chỉ hướng tới mục tiêu dạy học hình thành kiến thức, kỹ năng, thái độ ở học sinh còn hướng tới mục tiêu xa hơn là dựa trên kiến thức, kỹ năng được hình thành phát triển khả năng thực hiện các hành động ý nghĩa với người học [2]. Có thể nói dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh thực chất là sự mở rộng hoạt động hướng đến nội dung bằng cách tạo ra môi trường, bối cảnh cụ thể để học sinh thực hiện các hoạt động vận dụng kiến thức, sử dụng kỹ năng và thể hiện thái độ của mình. 232
  2. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC TRẺ 2016 11/2016 Hiện nay, một số học sinh học rất chăm chỉ nhưng vẫn học chưa tốt, nhất là ở các môn tự nhiên như: Toán, Vật lý, Hóa học,… những em này thường học bài nào biết bài đấy, học phần sau đã quên phần trước và không biết liên kết các kiến thức với nhau, không biết vận dụng kiến thức đã học trước đó vào những phần sau. Phần lớn số học sinh này khi đọc sách hoặc nghe giảng trên lớp không biết cách tự ghi chép để lưu thông tin, lưu kiến thức trọng tâm vào trí nhớ của mình. Dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh sẽ học được phương pháp học, tăng tính độc lập, chủ động, sáng tạo và phát triển tư duy. Cách học này còn phát triển được năng lực riêng của từng học sinh không chỉ về trí tuệ, hệ thống hóa kiến thức, huy động những điều đã học trước đó để chọn lọc các ý để ghi mà còn là sự vận dụng kiến thức được học qua sách vở vào cuộc sống. Phương pháp có ưu điểm là phát huy tối đa tính sáng tạo của học sinh, phát triển năng khiếu. Tất cả những điều đó làm học sinh giảm áp lực trong học tập. Môn Vật lý có vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu đào tạo, có nhiệm vụ cung cấp cho học sinh một hệ thống kiến thức vật lý cơ bản, bước đầu hình thành ở học sinh những kỹ năng cơ bản và thói quen làm việc khoa học, góp phần hình thành các năng lực nhận thức và các phẩm chất, nhân cách mà mục tiêu giáo dục đã đề ra. Dạy học theo định hướng phát triển năng lực trong dạy học vật lý sẽ dần dần hình thành cho học sinh tư duy mạch lạc, hiểu biết vấn đề một cách sâu sắc, có cách nhìn vấn đề một cách hệ thống, khoa học. 3. QUY TRÌNH DẠY HỌC VẬT HỌC VẬT LÝ Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG THEO ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC Dạy học là công việc vừa có tính khoa học, vừa có tính nghệ thuật, nó đòi hỏi sự sáng tạo của giáo viên trong quá trình giảng dạy. Để áp dụng dạy học theo định hướng phát triển năng lực, trước hết giáo viên có thể chủ động xác định năng lực chung và chuyên biệt môn Vật lý. Trong khuôn khổ bài viết tác giả chỉ nêu ra những năng lực chuyên biệt môn Vật lý được xây dựng từ các cơ sở như sau: a) Cách xây dựng các năng lực môn Vật lý bằng cách cụ thể hóa các năng lực chung Ở cách tiếp cận này, người ta xác định các năng lực chung trước, chúng là các năng lực mà toàn bộ quá trình giáo dục ở trường phổ thông đều phải hướng tới để hình thành ở học sinh. Sau đó, từng môn học sẽ xác định sự thể hiện cụ thể của các năng lực chung ở trong môn học của mình như thế nào. Với cách tiếp cận như vậy, từ các năng lực chung đã được đưa vào dự thảo chương trình phổ thông tổng thể, các năng lực chuyên biệt trong môn Vật lý được vạch ra như sau [3]: Nhóm năng lực làm chủ và phát triển bản thân: Năng lực tự học, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo, năng lực tự quản lý. Nhóm năng lực về quan hệ xã hội: Năng lực giao tiếp, năng lực hợp tác. Nhóm năng lực công cụ: Năng lực sử dụng công nghệ thông tin, năng lực sử dụng ngôn ngữ, năng lực tính toán. b) Cách xây dựng các năng lực môn Vật lý dựa trên đặc thù môn học Với cách tiếp cận này, người ta sẽ dựa trên đặc thù nội dung, phương pháp nhận thức và vai trò của môn học đối với thực tiễn để đưa ra hệ thống năng lực, có nhiều nước trên thế giới tiếp cận theo cách này, dưới đây xin đề xuất hệ thống năng lực được phát triển theo chuẩn năng lực chuyên biệt môn Vật lý đối với học sinh 15 tuổi của Cộng hòa Liên bang Đức [4]. 233
  3. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM – ĐẠI HỌC HUẾ CYS 2016 - Chia nhỏ các năng lực: năng lực giải quyết, năng lực hợp tác vấn đề, năng lực thực nghiệm, năng lực quan sát, năng lực tự học, năng lực sáng tạo… thành các năng lực thành phần. - Chỉ ra các thao tác liên quan đến từng năng lực thành phần, mà các thao tác này có thể nhận biết được và đưa ra chỉ báo rõ ràng về mức độ chất lượng của từng thao tác. * Nhóm năng lực thành phần liên quan đến sử dụng kiến thức Vật lý - K1: Trình bày được kiến thức về các hiện tượng, đại lượng, định luật, nguyên lý vật lý cơ bản, các phép đo, các hằng số vật lý; - K2: Trình bày được mối quan hệ giữa các kiến thức vật lý; - K3: Sử dụng được kiến thức vật lý để thực hiện các nhiệm vụ học tập; - K4: Vận dụng (giải thích, dự đoán, tính toán, đề ra giải pháp, đánh giá giải pháp…) kiến thức vật lý vào các tình huống thực tiễn. * Nhóm năng lực thành phần về phương pháp (tập trung vào năng lực thực nghiệm và năng lực mô hình hóa - P1: Đặt ra những câu hỏi về một sự kiện vật lý; - P2: Mô tả được các hiện tượng tự nhiên bằng ngôn ngữ vật lý và chỉ ra các quy luật vật lý trong hiện tượng đó; - P3: Thu thập, đánh giá, lựa chọn và xử lý thông tin từ các nguồn khác nhau để giải quyết vấn đề trong học tập vật lý; - P4: Vận dụng sự tương tự và các mô hình để xây dựng kiến thức vật lý; - P5: Lựa chọn và sử dụng các công cụ toán học phù hợp trong học tập vật lý; - P6: Chỉ ra được điều kiện lý tưởng của hiện tượng vật lý; - P7: Đề xuất được giả thuyết; suy ra các hệ quả có thể kiểm tra được; - P8: Xác định mục đích, đề xuất phương án, lắp ráp, tiến hành xử lý kết quả thí nghiệm và rút ra nhận xét. * Nhóm năng lực thành phần về trao đổi thông tin - X1: Trao đổi kiến thức và ứng dụng vật lý bằng ngôn ngữ vật lý và các cách diễn tả đặc thù của vật lý; - X2: Phân biệt được những mô tả các hiện tượng tự nhiên bằng ngôn ngữ đời sống và ngôn ngữ vật lý (chuyên ngành); - X3: Lựa chọn, đánh giá được các nguồn thông tin khác nhau; - X4: Mô tả được cấu tạo và nguyên tắc hoạt động của các thiết bị kỹ thuật, công nghệ; - X5: Ghi lại được các kết quả từ các hoạt động học tập vật lý của mình (nghe giảng, tìm kiếm thông tin, thí nghiệm, làm việc nhóm…); - X6: Trình bày các kết quả từ các hoạt động học tập vật lý của mình (nghe giảng, tìm kiếm thông tin, thí nghiệm, làm việc nhóm…) một cách phù hợp; - X7: Thảo luận được kết quả công việc của mình và những vấn đề liên quan dưới góc nhìn vật lý; - X8: Tham gia hoạt động nhóm trong học tập vật lý. 234
  4. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC TRẺ 2016 11/2016 * Nhóm năng lực thành phần liên quan đến cá thể - C1: Xác định được trình độ hiện có về kiến thức, kỹ năng, thái độ của cá nhân trong học tập vật lý; - C2: Lập kế hoạch và thực hiện được kế hoạch, điều chỉnh kế hoạch học tập vật lý nhằm nâng cao trình độ bản thân; - C4: So sánh và đánh giá được - dưới khía cạnh vật lý - các giải pháp kỹ thuật khác nhau về mặt kinh tế, xã hội và môi trường; - C3: Chỉ ra được vai trò (cơ hội) và hạn chế của các quan điểm vật lý đối trong các trường hợp cụ thể trong môn Vật lý và ngoài môn Vật lý; - C5: Sử dụng được kiến thức vật lý để đánh giá và cảnh báo mức độ an toàn của thí nghiệm, của các vấn đề trong cuộc sống và của các công nghệ hiện đại; - C6: Nhận ra được ảnh hưởng vật lý lên các mối quan hệ xã hội và lịch sử. c) Quy trình dạy học môn Vật lý theo định hướng phát triển năng lực Tổ chức dạy học môn vật lý là toàn bộ quy trình dạy học vật lý gồm 5 bước: Bước 1: Xác định năng lực cần đạt Việc xác định năng lực trước mỗi bài dạy giúp giáo viên định hướng các hoạt động trong việc dạy học của mình. Thông qua đó giáo viên tìm cách phát huy tối đa năng lực học sinh. Bước 2: Xác định phương pháp và hình thức tổ chức Các phương pháp dạy học thường được sử dụng trong trường phổ thông hiện nay như: Dạy học dựa trên vấn đề, dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề, dạy học theo tình huống, dạy học dựa trên tìm tòi khám phá... Các hình thức dạy học có vai trò trong việc phát triển năng lực đang được áp dụng có thể nêu ra ở đây là: dạy học phân hóa, dạy học dự án, dạy học theo trạm, dạy học theo góc, dạy học theo tình huống,…[3]. Vì vậy, tùy theo yêu cầu của bài học thì giáo viên lựa chọn các phương pháp và hình thức dạy học phù hợp. Bước 3: Thiết kế bài dạy học Thiết kế bài dạy học có một vai trò đặc biệt quan trọng, bởi nó giúp giáo viên quản lý thời gian dành cho mỗi đơn vị bài học được tốt hơn. Thiết kế bài dạy học theo hướng dạy học tích cực giúp cho giờ học phát huy được tính tự giác, chủ động, sáng tạo của cả giáo viên và học sinh. Khác với thiết kế bài dạy học thông thường, thiết kế bài dạy học theo định hướng phát triển năng lực ngoài mục tiêu đạt được về kĩ năng, kiến thức học sinh còn phải đạt mục tiêu về năng lực. Sau mỗi bài học theo định hướng phát triển năng lực học sinh không chỉ “biết” mà còn “làm được”, vận dụng được cái đã học vào thực tiễn cuộc sống. Bước 4: Tổ chức hoạt động dạy học Việc tổ chức hoạt động dạy học nhằm triển khai kế hoạch đã được lập trước đó, yêu cầu giáo viên chuẩn bị trước khi tiến hành, đồng thời có những bước điều chỉnh phù hợp trong quá trình thực hiện nhằm hướng tới hoàn thành đúng mục tiêu của bài dạy học. Bước 5: Kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện Kiểm tra đánh giá nhằm mục đích giúp học sinh biết mình tiến bộ đến đâu trong quá trình học tập, học sinh sẽ nhận ra mình còn thiếu sót kiến thức hay kỹ năng nào để khắc phục. Việc kiểm tra đánh giá sẽ diễn ra trong suốt quá trình dạy học. Ngoài việc giáo viên là người nắm rõ 235
  5. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM – ĐẠI HỌC HUẾ CYS 2016 kỹ thuật đánh giá, học sinh cũng cần biết cách thức đánh giá của giáo viên, biết đánh giá lẫn nhau và tự đánh giá chính bản thân mình từ đó đưa ra những điều chỉnh phù hợp. Như vậy mới có thể hình thành năng lực của học sinh. 4. KẾT LUẬN Dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh đang là xu hướng của thế giới nhằm tạo ra những con người phù hợp với nhu cầu xã hội mới. Trong đó, xu thế đưa học sinh vào thế giới thực, đặt học sinh trước những bài toán thực tế để học sinh tự giải quyết, qua đó giúp học sinh tự bồi dưỡng kiến thức, phát triển năng lực cho bản thân, biến mình thành trung tâm của giáo dục là xu thế của thời đại đang được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Đây là phương pháp dạy học mới, tác giả mong được sự hỗ trợ tích cực của các nhà khoa học giáo dục. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Ban Chấp hành Trung ương (2013), Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Nghị quyết 29-NQ/TW, Hà Nội. [2] Đinh Quang Báo và cộng sự (2013), Đề xuất mục tiêu và chuẩn trong chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015, Hội thảo Một số vấn đề chung về xây dựng chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2015, Hà Nội. [3] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2014), Hướng dẫn dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh, Tài liệu lưu hành nội bộ, Hà Nội. [4] Trần Quỳnh, (2012), Tổ chức hoạt động dạy học chương “Mắt và các dụng cụ quang học” Vật lý 11 THPT theo định hướng phát triển năng lực chuyên biệt môn Vật lý, Luận văn thạc sĩ giáo dục học, trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế. [5] Lê Công Triêm, Nguyễn Đức Vũ (2004), Phương pháp nghiên cứu khoa học giáo dục, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội. Title: TEACHING ORIENTED DEVELOPMENT CAPACITY IN PHYSICS Abstract: Teaching oriented capacity development is seen as a new trend of world education in general and to education in Vietnam. Physics is subject experimental sciences, there are many applications in the life and techniques. With the old teaching methods most students only understand the theory, but not know how to use how to practice, not yet identified learn to do? And would like? Based on the theory of teaching orientation paper capacity problems mentioned construction process-oriented teaching capacity development for teaching students as subjects of Physics. Keywords: Teaching, capacity development, education Vietnam, applications and technical life, teaching Physics subject. TRỊNH THỊ TRIỀU Học viên Cao học, chuyên ngành Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Vật lý, Khóa 23 (2014-2016), Trường Đại học Sư Phạm - Đại học Huế Số điện thoại: 0986.429.279, Email: trieuqn.ly@gmail.com 236
nguon tai.lieu . vn