Xem mẫu

  1. Hội thảo khoa học Quốc gia Quản lý tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững vùng Tây Bắc, Việt Nam BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TẠI CÁC TỈNH TÂY BẮC Nguyễn Song Tùng*, Đặng Thành Trung, Lê Hồng Ngọc Viện Địa lý nhân văn - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam * Email: songtung1711@gmail.com Tóm tắt: Do có sự khác biệt về điều kiện địa lý tự nhiên, các tỉnh Tây Bắc (Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Hòa Bình) nằm trong một vùng khí hậu đa dạng và thuận lợi - đây là một lợi thế được khai thác nhằm phục vụ các hoạt động sinh hoạt và sản xuất của người dân địa phương. Tuy nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu, lợi thế này đã và đang có sự biến đổi phức tạp, điển hình như sự xuất hiện thường xuyên của các hiện tượng thời tiết cực đoan trên địa bàn, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bài viết này khái quát đặc trưng và rủi ro khí hậu cũng như ảnh hưởng của chúng đến đời sống kinh tế - xã hội tại các tỉnh Tây Bắc. Thông qua việc chỉ ra những thách thức khí hậu, bài viết đưa ra một số đề xuất kiến nghị cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại các tỉnh Tây Bắc. Từ khóa: Biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội, Tây Bắc. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Tây Bắc là một vùng miền núi phía Tây của miền Bắc Việt Nam, giáp với tiểu vùng Đông Bắc (hợp thành vùng Trung du và miền núi phía Bắc) và đồng bằng Sông Hồng, có chung đường biên giới với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào [1]. Đây là khu vực có địa hình hiểm trở và bị chia cắt mạnh bởi hệ thống núi cao và sông suối; do đó, khí hậu mang đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa và có sự phân hóa sâu sắc theo đai cao. Do những khác biệt về địa hình, các tỉnh Tây Bắc nằm trong một vùng khí hậu đa dạng và là cơ sở phát triển các ngành sản xuất nông, lâm nghiệp và du lịch phù hợp với thế mạnh khí hậu của từng địa phương [2]. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực thường xuyên xảy ra các hiện tượng thời tiết tương đối cực đoan [3]. Điều này, đã gây ra ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, các tỉnh Tây Bắc có tỷ lệ dân số nông thôn cao và là nơi cư trú của nhiều tộc người; là nơi có tỷ lệ đói nghèo cao, nguồn lực hạn chế, môi trường và các hệ sinh thái bị suy thoái, sản xuất nông nghiệp vẫn là sinh kế truyền thống đảm bảo nguồn cung lương thực thực phẩm nhưng lại chịu ảnh hưởng rất lớn từ khí hậu [4]. Bên cạnh hoạt động sản xuất nông nghiệp, du lịch đã dần trở thành một sinh kế mới tạo nguồn thu nhập không nhỏ cho người dân địa phương; tuy nhiên, cũng có sự phụ thuộc rất lớn vào khí hậu. Bên cạnh đó, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các điều kiện thời tiết đã và đang có sự biến đổi phức tạp, cản trở tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, khiến cho người dân mà đặc biệt là các dân tộc thiểu số phải đối mặt và sống chung với những thay đổi khí hậu bất thường và có xu hướng cực đoan hơn trong những năm qua [4]. Việc nghiên cứu khí hậu trong điều kiện địa lý tự nhiên của vùng miền núi là rất quan trọng do sự đa dạng của khí hậu xảy ra trên từng khu vực nhỏ và biến cố khí hậu mang tính chất tương đối cực đoan. Đặc điểm thời tiết khí hậu đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và tập quán của người dân Tây Bắc, từ việc lập làng dựng bản cho đến cái ăn cái mặc,… [3]. Việc đánh giá các đặc trưng và rủi ro khí hậu chính là nhằm xác định mức độ thuận lợi và khó khăn của điều kiện khí hậu đối với các hoạt động kinh tế - xã hội đặc thù ở vùng miền núi; từ đó đề xuất các phương hướng và giải pháp phù hợp để khai thác hợp lý và hiệu quả tiềm năng phát triển của địa phương [5]. Đối với các tỉnh Tây Bắc, khí hậu là một lợi thế được khai thác nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; nhưng đồng thời, cũng là một thách thức đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và của toàn vùng nói chung. Do đó, việc nghiên cứu vấn đề khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội tại các tỉnh Tây Bắc đóng vai trò rất quan trọng. Bài viết này khái quát đặc trưng và rủi ro khí hậu cũng như ảnh hưởng của chúng đến đời sống kinh tế - xã hội; qua đó chỉ ra những thách thức đến từ biến đổi khí hậu và đưa ra một số đề xuất kiến nghị cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại các tỉnh Tây Bắc. Trong phạm vi nghiên cứu, nhóm tác giả lựa chọn nghiên cứu một số rủi ro khí hậu đặc trưng tại các tỉnh Tây Bắc và mức độ ảnh hưởng của chúng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp (là sinh kế truyền thống đảm bảo an ninh lương thực và có mức độ phụ thuộc rất lớn vào các điều kiện tự nhiên - cụ thể là khí hậu) và cơ sở hạ tầng nông nghiệp - nông thôn (là nền tảng thiết yếu để phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Tây Bắc).
  2. Biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội tại các tỉnh Tây Bắc 33 2. ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU, PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ DỮ LIỆU 2.1. Khái quát về địa bàn nghiên cứu Tây Bắc là một tiểu vùng thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc của Việt Nam [6]. Cho đến nay, việc phân định các tỉnh thuộc tiểu vùng này vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau: Tây Bắc gồm 04 tỉnh (Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Hòa Bình - do lấy dãy núi Hoàng Liên Sơn làm cơ sở phân định) hay 06 tỉnh (có thêm Lào Cai và Yên Bái - do lấy đứt gãy Sông Hồng làm cơ sở phân định) [7]. Tuy nhiên, theo các văn bản pháp luật trước đây [8] và hiện nay [9], tiểu vùng Tây Bắc bao gồm 04 tỉnh (Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Hòa Bình). Vì vậy, để thống nhất với các quy định hiện hành và phù hợp với chủ trương, chính sách, quy hoạch và kế hoạch phát triển chung, bài viết này sử dụng cách phân định Tây Bắc gồm 04 tỉnh là Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Hòa Bình. Tây Bắc có các điểm cực Bắc tại 22o48' Bắc, 102o30' Đông tại huyện Mường Tè (Lai Châu); cực Nam tại 20 19' Bắc, 105o04' Đông tại huyện Yên Thủy (Hòa Bình); cực Đông tại 20o28' Bắc, 105o53' Đông tại huyện Lạc o Thủy (Hòa Bình); cực Tây tại 22o22' Bắc, 102o08' Đông tại huyện Mường Nhé (Điện Biên) [10]. Phú Quốc Côn Đảo Hình 1. Vị trí các tỉnh Tây Bắc (Nguồn: Nhóm tác giả, 2020) Tây Bắc là vùng có địa hình hiểm trở nhất cả nước và bị chia cắt mạnh; phần lớn địa hình có độ cao dưới 1.000 m nhưng có nhiều đỉnh núi vượt mức 2.000 m với các dạng địa hình núi cao và trung bình từ 1.000 - 2.000 m, địa hình núi thấp từ 400 - 800 m, địa hình cao nguyên và núi đá vôi, địa hình thung lũng và bồn trũng giữa núi [11]. Tính đến ngày 31/12/2018 [12], tổng diện tích đất tự nhiên của các tỉnh Tây Bắc là 3.654.894 ha (chiếm 11,0 % tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước); trong đó 72,7 % là đất nông nghiệp, 3,3 % là đất phi nông nghiệp và 24,0 % là đất chưa sử dụng. Tại thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2019 [13], tổng dân số của các tỉnh Tây Bắc là 3.161.598 người (chiếm 3,3 % dân số của cả nước); trong đó 50,5 % là nam và 49,5 % là nữ, 15,0 % là dân số thành thị và 85,0 % là dân số nông thôn, 19,0 % là dân tộc Kinh và 81,0 % là người dân tộc khác. Xét cơ cấu kinh tế của các tỉnh Tây Bắc năm 2019 [14], khu vực I (nông - lâm nghiệp và thủy sản) chiếm khoảng một phần tư tổng sản phẩm trên địa bàn, còn lại là khu vực II (công nghiệp - xây dựng) và khu vực III (dịch vụ) chiếm tỷ trọng lớn.
  3. 34 Nguyễn Song Tùng, Đặng Thành Trung, Lê Hồng Ngọc 2.2. Phương pháp nghiên cứu và cơ sở dữ liệu Nhóm tác giả sử dụng các phương pháp nghiên cứu chính gồm (1) phương pháp thu thập, thống kê, tổng hợp và phân tích tài liệu và số liệu từ các cơ quan có liên quan và (2) phương pháp bản đồ và hệ thống thông tin địa lý (GIS) để xây dựng bản đồ một số rủi ro khí hậu (cụ thể đến cấp huyện) trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc. Nhóm tác giả sử dụng số liệu biểu hiện các đặc trưng khí hậu của các tỉnh Tây Bắc được Tổng cục Thống kê và Trung tâm Dữ liệu Khí tượng Thủy văn thu thập (bao gồm các số liệu về số giờ nắng, lượng mưa, độ ẩm không khí, nhiệt độ không khí) và số liệu về rủi ro khí hậu của các tỉnh Tây Bắc được chọn lọc từ Cơ sở dữ liệu Chỉ số rủi ro khí hậu Việt Nam (bao gồm các số liệu trong Bộ chỉ số rủi ro biến đổi khí hậu) là kết quả thực hiện dự án của Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của Việt Nam. 3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN 3.1. Đặc trưng khí hậu của các tỉnh Tây Bắc Tây Bắc có khí hậu nhiệt đới gió mùa núi cao, tương tự như các tỉnh khác ở vùng miền núi phía Bắc Việt Nam (tuy nhiên mùa đông tương đối ấm so với Đông Bắc với tình trạng khô hanh suốt một mùa) với hai mùa rõ rệt là mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, khô hanh, có mưa phùn không đáng kể, thường xuất hiện sương muối, sương mù và giá lạnh) và mùa mưa (từ tháng 4 đến tháng 10, nóng ẩm, mưa nhiều và tập trung gây xói mòn đất, xuất hiện mưa đá và dông lớn), có sự phân hóa sâu sắc theo đai cao (càng lên cao nhiệt độ càng giảm và lượng mưa cũng thay đổi) [11]. Vào thời điểm giao mùa, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, có gió Tây khô nóng thổi sang [3]. Bảng 1. Một số đặc trưng của các tiểu vùng khí hậu tại các tỉnh Tây Bắc Phú Thọ - Bắc Tây Bắc 3 Nam Tây Bắc 4 Hòa Bình 5 Bức xạ (kcal.cm2.năm) 120 - 130 120 - 135 100 - 120 Số giờ nắng (giờ/năm) 1.850 - 2.000 1.700 - 2.100 1.400 - 1.600 Số tháng có > 200 giờ nắng (số tháng) 1-2 1-2 0 Số tháng có < 100 giờ nắng (số tháng) 0 0 4 Vận tốc gió (m/s) 0,5 - 1,8 0,8 - 2,0 0,7 - 1,5 Vận tốc gió tối đa (m/s) 30 - 40 20 đến < 40 20 - 40 Nhiệt độ trung bình năm ( C) o 20,0 - 22,5 21,0 - 23,0 22,0 - 24,0 Số tháng có nhiệt độ < 20 C (số tháng) o 3-5 3-5 3 Số tháng có nhiệt độ > 25 oC (số tháng) 3-5 3-5 5-6 Nhiệt độ trung bình tháng cao nhất (oC) 25,0 - 26,0 25,0 - 27,0 28,0 - 29,0 Nhiệt độ trung bình tháng thấp nhất (oC) 13,0 - 16,0 12,0 - 17,0 15,5 - 16,5 Nhiệt độ cao nhất tuyệt đối ( C) o 37,0 - 41,0 38,0 - 42,0 40,0 - 41,8 Nhiệt độ thấp nhất tuyệt đối ( C) o (-2) - 2 (-4) - 2 0,1 - 5,0 Biên độ nhiệt ngày - đêm (oC) 7,5 - 11,0 8,0 - 11,0 6,0 - 8,0 Mùa mưa (tháng) 4 - 10 4-9 4, 5 - 10 Lượng mưa (mm) 2.000 - 2.400 1.300 - 1.700 1.600 - 2.000 Số ngày mưa (ngày) 160 - 180 125 - 155 120 - 160 03 tháng mưa nhiều nhất (tháng) 6-8 6-8 7-9 Lượng mưa ngày nhiều nhất (mm) 200 - 550 200 - 400 250 - 700 3 Tiểu vùng khí hậu Bắc Tây Bắc có Lai Châu và phần phía Bắc của Điện Biên. 4 Tiểu vùng khí hậu Nam Tây Bắc có phần phía Nam của Điện Biên, phần phía Nam của Lai Châu, phía Tây của Yên Bái và toàn bộ Sơn La. 5 Tiểu vùng khí hậu Phú Thọ - Hòa Bình có Phú Thọ và Hòa Bình.
  4. Biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội tại các tỉnh Tây Bắc 35 Phú Thọ - Bắc Tây Bắc 3 Nam Tây Bắc 4 Hòa Bình 5 12 - 2, 3 11 - 3 11 - 3 Mùa khô (tháng) (năm sau) (năm sau) (năm sau) Số tháng khô (số tháng) 3-4 4-5 3-5 Số tháng hạn (số tháng) 0 2-4 0-3 Độ ẩm (%) 82 - 85 80 - 84 83 - 85 Bốc hơi (mm) 650 - 1.050 785 - 1.100 650 - 1.000 Số ngày có sương mù (ngày) 18 - 91 30 - 100 10 - 40 Số ngày có sương muối (ngày) 1,3 - 11,9 0-3 0-1 Số ngày có mưa phùn (ngày) 2 - 13 5 - 20 10 - 25 Số ngày có dông (ngày) 46 - 63 50 - 70 60 - 80 Số ngày có mưa đá (ngày) 1,3 - 2,2 0,5 - 1,0 0,1 - 0,4 Số ngày có gió khô nóng (ngày) 20 - 40 20 - 40 10 - 20 Xoáy thuận nhiệt đới (cơn/năm) Không ảnh hưởng trực tiếp 1,59 Nguồn: [2] Trong năm 2018, tại các trạm Lai Châu và Sơn La, lần lượt ghi nhận tổng số giờ nắng là 1.845,0 giờ và 2.020,5 giờ, tổng lượng mưa là 2.895,1 mm và 1.539,6 mm, độ ẩm không khí trung bình là 85,0 % và 79,1 %, nhiệt độ không khí trung bình là 20,0 oC và 21,6 oC [15]. Trong năm 2019, các tỉnh Tây Bắc đã hứng chịu ảnh hưởng của một số đợt nắng nóng trên diện rộng tại Mường La (Sơn La) đạt mức 42,2 oC từ ngày 18 - 26/4 và đạt mức 42,3 oC từ ngày 15 - 21/5, tại Mường Tè (Lai Châu) đạt mức 41,1 oC từ ngày 15 - 21/5 và đạt mức 38,8 oC từ ngày 25 - 28/5, tại Kim Bôi (Hòa Bình) đạt mức 39,0 oC từ ngày 07 - 19/8, đồng thời, hứng chịu ảnh hưởng của một số đợt mưa lớn trên diện rộng tại Sìn Hồ (Lai Châu) đạt mức 301 mm từ ngày 27/5 - 02/6 và tại Mộc Châu (Sơn La) đạt mức 363 mm từ ngày 01 - 04/8, gây ra các đợt lũ lớn trên lưu vực sông Nậm Bum đạt đỉnh lũ lịch sử 340,5 m ngày 24/6 (đã gây ra lũ quét và sạt lở đất tại Lai Châu) và lưu vực Sông Đà nghi nhận mức 7.730 m3/s, dưới Mức báo động 1 ngày 03/8 (đã gây ra sạt lở đất tại Điện Biên) [16]. 3.2. Các rủi ro khí hậu trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc Theo nghiên cứu của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, biểu hiện của biến đổi khí hậu đến vùng khí hậu Tây Bắc gồm có: Mùa lạnh bắt đầu muộn hơn và kết thúc sớm hơn, mùa nóng bắt đầu sớm hơn và kết thúc muộn hơn, tần số phơ-rông lạnh đến muộn hơn và kết thúc sớm hơn, nhiệt độ thấp nhất tăng lên rất nhiều, lượng mưa tăng lên vào mùa hè và giảm đi vào mùa xuân, các kỷ lục mưa tăng lên đồng thời với tần số các đợt mưa lớn trên diện rộng, các đợt hạn hán khốc liệt và mưa phùn trở nên hiếm hoi hơn, mùa mưa và mùa khô trở nên thiếu quy luật hơn, lượng bốc hơi tăng lên và độ ẩm tương đối giảm đi chủ yếu do nền nhiệt tăng [17]. Trong thời kỳ 1958 - 2014, tại các trạm khí tượng thủy văn trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc, nhiệt độ có xu hướng tăng nhanh trong khi lượng mưa có xu hướng giảm (bình quân giảm 5,8 %/năm, nhiều nhất vào mùa thu), số ngày nắng nóng (> 35 oC) giảm, tuy số ngày rét đậm rét hại có xu thế giảm nhưng xuất hiện những đợt rét đậm kéo dài kỷ lục và những đợt rét hại có nhiệt độ rất thấp, mưa cực đoan có xu thế giảm [18]. Trong giai đoạn 1960 - 2017, mật độ dông, lốc xảy ra trên địa bàn Lai Châu và Điện Biên ở mức từ rất thấp (< 30 %) đến thấp (30 - 50 %). Trong khi đó, mật độ dông, lốc xảy ra trên địa bàn Sơn La và Hòa Bình ở mức từ thấp (30 - 50 %) đến rất cao (> 90 %), đặc biệt tại các huyện Đà Bắc, Lương Sơn, Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Sơn, Lạc Thủy và Yên Thủy (Hòa Bình) ở mức độ rất cao. Tây Bắc ít chịu tác động của sự biến đổi lượng mưa và hạn hán, và hầu như không phải quan tâm nhiều đến việc ứng phó với xoáy thấp nhiệt đới và nước biển dâng [17]. Nhìn chung, có thể nhận thấy rằng các yếu tố khí hậu ảnh hưởng chủ yếu là sự thay đổi về nhiệt độ và lượng mưa, sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan như rét đậm, rét hại, dông lốc, sạt lở đất,… về cả tần suất, cường độ và tính bất thường [19]. Theo dự đoán từ Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng mới nhất của Việt Nam đối với các tỉnh Tây Bắc [18]:
  5. 36 Nguyễn Song Tùng, Đặng Thành Trung, Lê Hồng Ngọc - Nhiệt độ trung bình năm tại các tỉnh Tây Bắc tăng khoảng 0,7 oC cho đến năm 2035; 1,6 - 1,7 oC cho đến năm 2065 và 2,3 oC cho đến năm 2099 theo kịch bản RCP 4.5. Đối với kịch bản RCP 8.5, các mức tăng lần lượt là 1,1 oC; 2,2 oC và 3,8 - 3,9 oC; có nguy cơ do biến đổi nhiệt độ trung bình năm ở mức cao (70 - 90 %) và rất cao (> 90 %) đặc biệt tại các huyện Mường Lay, Mường Nhé, Điện Biên (Điện Biên) và Quỳnh Nhai (Sơn La). Ở cả hai kịch bản RCP 4.5 và RCP 8.5, nhiệt độ trung bình có xu hướng tăng ở cả bốn mùa. - Lượng mưa trung bình năm tại các tỉnh Tây Bắc tăng khoảng 3,3 - 7,5 % cho đến năm 2035; 12,9 - 16,5 % cho đến năm 2065 và 11,2 - 20,2 % cho đến năm 2099 theo kịch bản RCP 4.5. Đối với kịch bản RCP 8.5, các mức tăng lần lượt là (-1,0) - 7,0 %, 10,6 - 15,3 % và 18,4 - 22,3 %; có nguy cơ biến đổi lượng mưa trung bình năm hầu hết ở mức trung bình (50 – 70 %) cho đến rất cao (> 90 %) đặc biệt tại các huyện Than Uyên (Lai Châu), Mường Lay, Tuần Giáo, Điện Biên (Điện Biên), Quỳnh Nhai và Sông Mã (Sơn La). Ở cả hai kịch bản RCP 4.5 và RCP 8.5, lượng mưa trung bình giảm vào mùa thu và mùa đông, tăng vào mùa xuân và mùa hè. Phú Quốc Côn Đảo Hình 2. Mật độ bão giai đoạn 1960 - 2017 trên địa bàn các huyện ở Tây Bắc (Nguồn: Nhóm tác giả, 2020) Phú Quốc Côn Đảo Hình 3. Nguy cơ do biến đổi nhiệt độ trung bình năm theo kịch bản biến đổi khí hậu RCP 8.5 cho đến năm 2050 trên địa bàn các huyện ở Tây Bắc (Nguồn: Nhóm tác giả, 2020)
  6. Biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội tại các tỉnh Tây Bắc 37 Phú Quốc Côn Đảo Hình 4. Nguy cơ do biến đổi lượng mưa trung bình năm theo kịch bản biến đổi khí hậu RCP 8.5 cho đến năm 2050 trên địa bàn các huyện ở Tây Bắc (Nguồn: Nhóm tác giả, 2020) - Đối với một số hiện tượng khí hậu cực đoan, số ngày rét đậm (có nhiệt độ thấp nhất < 15 oC) và số ngày rét hại (có nhiệt độ thấp nhất < 13 oC) có xu thế giảm mạnh (trung bình giảm nhiều nhất trên 15 ngày) nhưng số ngày nắng nóng (có nhiệt độ cao nhất ≥ 35 oC) có xu thế tăng (lên đến 35 ngày theo kịch bản RCP 4.5 và 45 ngày theo kịch bản RCP 8.5). Theo kịch bản RCP 4.5, nguy cơ hạn tại các tỉnh Tây Bắc ở mức thấp (30 - 50 %) trong thời kỳ 2016 - 2035 và tăng lên đến mức trung bình (50 - 70 %) trong thời kỳ 2080 - 2099. Theo kịch bản RCP 8.5, nguy cơ này tăng từ mức trung bình (50 - 70 %) trong thời kỳ 2016 - 2035 lên mức cao (70 - 90 %) trong thời kỳ 2080 - 2099, đặc biệt lên mức rất cao (> 90 %) tại các huyện Vân Hồ (Sơn La) và Đà Bắc (Hòa Bình). 3.3. Ảnh hưởng của khí hậu đến phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Tây Bắc Với đặc điểm ngành nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào các điều kiện tự nhiên, đặc biệt là thời tiết - trong bối cảnh biến đổi khí hậu, hoạt động sản xuất nông nghiệp của các tỉnh Tây Bắc bị ảnh hưởng rất lớn. - Đối với trồng trọt: Một số cây trồng chính tại các tỉnh Tây Bắc (lúa, ngô, đậu, cây cao su, chè,…) có đặc tính phụ thuộc nhiều vào chế độ mưa và nền nhiệt. Sự thay đổi về nhiệt độ và lượng mưa đã làm thay đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, năng suất cây trồng và tập quán canh tác. Bên cạnh đó, sự thay đổi thời tiết đã làm gia tăng bệnh dịch, khiến các giống cây trồng truyền thống có nguy cơ không thích nghi được với điều kiện thời tiết biến đổi. Điển hình trong đợt ảnh hưởng của không khí lạnh đêm ngày 24/4/2020 gây mưa dông, lốc sét, mưa đá, gió giật, các tỉnh Tây Bắc đã phải gánh chịu thiệt hại về sản xuất lúa và hoa màu: Lai Châu 4,3 ha, Điện Biên 6,4 ha, Sơn La 96,3 ha và Hòa Bình 254,8 ha [20]. - Đối với chăn nuôi: Mặc dù nhiệt độ trung bình năm có xu hướng tăng nhưng sự biến đổi nền nhiệt tại các tỉnh Tây Bắc có diễn biến thất thường khi số ngày rét và mức độ rét có xu hướng tăng lên. Sự khắc nghiệt của thời tiết ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi (cả gia súc và gia cầm), tăng nguy cơ dịch bệnh và làm thay đổi tập quán chăn nuôi. - Đối với lâm nghiệp: Sự thay đổi trong các yếu tố khí hậu còn ảnh hưởng đến ngành lâm nghiệp, chủ yếu là tình trạng cháy rừng do hạn hán trong mùa khô. - Đối với các ngành kinh tế khác, sự thay đổi trong khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng ảnh
  7. 38 Nguyễn Song Tùng, Đặng Thành Trung, Lê Hồng Ngọc hưởng xấu đến việc khai thác và cung cấp nguyên liệu đầu vào, hạ tầng giao thông dành cho việc tiếp cận đối với các ngành công nghiệp chế biến và khai khoáng, dịch vụ trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc. Theo kết quả khảo sát về tính dễ bị tổn thương và rủi ro khí hậu đối với các tỉnh Tây Bắc [21]: - Mức độ dễ bị tổn thương đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp: Đối với lĩnh vực cây trồng, mức độ tổn thương bình quân ở mức thấp (30 - 50 %) trên địa bàn tỉnh Điện Biên và trung bình (50 - 70 %) trên địa bàn tỉnh Lai Châu, Sơn La và Hòa Bình. Mức độ tổn thương bình quân đối với lĩnh vực chăn nuôi hầu hết ở mức rất thấp (< 30 %) và đối với lĩnh vực thủy sản ở mức trung bình (50 - 70 %). - Mức độ dễ bị tổn thương của các công trình thủy lợi: Hầu hết các công trình thủy lợi như hồ chứa, đập dâng, trạm bơm, cống và kênh trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc không xác định được cụ thể mức độ dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, một số công trình thủy lợi đã được xác định mức độ dễ bị tổn thương cũng như mức độ rủi ro của bão, hạn hán và lũ lụt đối với các công trình này chỉ ở mức từ rất thấp (< 30 %) cho đến trung bình (50 - 70 %). Tương tự, mức độ rủi ro của các công trình thủy lợi đối với sự thay đổi về nhiệt độ và lượng mưa ở mức rất thấp đến trung bình, cá biệt có trường hợp hệ thống kênh tại huyện Tủa Chùa (Điện Biên) được xác định mức độ rủi ro của sự thay đổi nhiệt độ ở mức cao (70 - 90 %) và mức độ rủi ro của sự thay đổi lượng mưa ở mức rất cao (> 90 %). Thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan có ảnh hưởng xấu đến hệ thống đường giao thông. Theo kết quả khảo sát về tính dễ bị tổn thương của hệ thống đường giao thông nông thôn tại các tỉnh Tây Bắc [21], Sơn La là địa phương có tính dễ bị tổn thương của hệ thống đường giao thông nông thôn cao hơn các tỉnh Tây Bắc còn lại, đặc biệt là các huyện Phú Yên, Yên Châu và Quỳnh Nhai. Nhìn chung, hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng có chất lượng, tuổi thọ và khả năng phục vụ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các tác động của thời tiết và thiên tai. Sự gia tăng lũ quét và sạt lở đất làm gia tăng nguy cơ đe dọa đến các công trình phục vụ kinh tế tại địa phương. Hệ quả là, cuộc sống của người dân cũng trực tiếp và gián tiếp chịu ảnh hưởng từ tình trạng khí hậu biến đổi như mất đất sản xuất nông nghiệp, thiệt hại vật nuôi, sập đổ và hư hỏng nhà ở, thiệt hại về người,… Cũng trong đợt ảnh hưởng của không khí lạnh đêm ngày 24/4/2020, Lai Châu có 408 nhà, Điện Biên có 555 nhà, Sơn La có 710 nhà và Hòa Bình có 562 nhà bị tốc mái [20]. Nhìn chung, với hiện trạng sản xuất và sinh hoạt của phần lớn các hộ gia đình ở các tỉnh Tây Bắc (hộ nghèo và hộ dân tộc thiểu số), cùng với điều kiện về địa hình không thuận lợi cho sản xuất, diễn biến khí hậu thất thường và tương đối cực đoan, việc khôi phục cuộc sống và sinh kế sau khi hứng chịu ảnh hưởng do thiên tai là rất khó khăn, qua đó, ảnh hưởng đến việc đạt được các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm,… của tỉnh. Bên cạnh đó, sự thay đổi của các yếu tố khí hậu còn tạo ra ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên như môi trường đất (gia tăng diện tích đất có nguy cơ thoái hóa, mất đất do trượt lở đất, suy giảm chất lượng đất do lũ quét,…), môi trường nước (thay đổi lưu lượng nước của các lưu vực sông do xu hướng tăng lượng mưa trung bình vào mùa mưa và giảm lượng mưa trung bình vào mùa khô), môi trường không khí, hệ sinh thái và đa dạng sinh học,… [19]. 3.4. Vấn đề đặt ra đối với việc phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của các rủi ro khí hậu trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc Từ những ảnh hưởng của khí hậu đến phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Tây Bắc nêu trên, có thể nói rằng mọi hoạt động kinh tế - xã hội tại các tỉnh Tây Bắc đều chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp từ những thay đổi của các yếu tố khí hậu. Đối với các hoạt động kinh tế, sản xuất nông nghiệp là sinh kế truyền thống nhằm đảm bảo an ninh lương thực và cơ sở cho các ngành công nghiệp, dịch vụ khác trên địa bàn, có sự phụ thuộc và chịu ảnh hưởng rất lớn từ thời tiết. Trong những năm vừa qua, thống kê các đợt thiên tai như mưa lớn, lũ quét,… đã làm mất hàng trăm héc ta lúa và hoa màu, gây sập đổ mà hư hỏng hàng trăm ngôi nhà,… cùng với các đợt rét đậm, rét hại đã làm chết hàng nghìn gia súc và gia cầm,... Các ngành kinh tế khác như công nghiệp và dịch vụ cũng gián tiếp chịu ảnh hưởng. Đối với các hoạt động xã hội, đời sống của người dân tại các tỉnh Tây Bắc (đa số là người dân tộc thiểu số và người nghèo) đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do điều kiện vệ sinh môi trường bị xuống cấp, cơ sở vật chất bị phá hủy, thậm chí chịu thiệt hại cả về tính mạng con người. Với tập quán sản xuất và cư trú tại các khu vực có địa hình hiểm trở, các nhóm dân tộc thiểu số là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất đối với sự thay đổi về khí hậu. Những tốn thương bao gồm điều kiện sản xuất, điều kiện sinh hoạt, chăm sóc y tế, điều kiện vệ sinh và môi trường, tiếp cận giáo dục và các dịch vụ xã hội,… Đồng thời, khả năng khắc phục của các nhóm đối tượng này gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tình trạng sạt lở đất do lũ quét dẫn đến mất đất ở và sản xuất đã khiến cho nhiều địa phương tại Tây Bắc phải di dân, trong khi đó không chỉ sinh kế mà văn hóa bản địa của các hộ dân này lại phụ thuộc rất lớn vào tự nhiên. Số hộ dân có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng từ thiên tai ngày càng tăng lên, làm tăng chi phí di dân và tái định cư, qua đó gia tăng chi phí phòng ngừa và khắc phục thiệt hại do thiên tai trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc.
  8. Biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội tại các tỉnh Tây Bắc 39 Từ kết quả khảo sát thực trạng dễ bị tổn thương của hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như các cơ sở hạ tầng thiết yếu đi kèm, có thể thấy mức độ tổn thương bình quân tại các tỉnh Tây Bắc ở mức thấp và trung bình so với mặt bằng chung của cả nước, tuy nhiên tỷ lệ ảnh hưởng nằm trong phạm vi từ 30 - 70 %. Đặt trong bối cảnh các nguồn lực ứng phó với thiên tai của người dân Tây Bắc còn có rất nhiều hạn chế [4], đây là một tỷ lệ lớn, khiến cho việc khắc phục hậu quả sau khi xảy ra thiên tai sẽ vô cùng khó khăn. Trong thời gian tới, thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan trong điều kiện biến đổi khí hậu sẽ diễn ra ngày càng phức tạp - đặc biệt đối với các tỉnh Tây Bắc, như tình trạng lũ quét tại Lai Châu, trượt lở đất đá tại Điện Biên, hạn hán tại Sơn La,… Do đó, các tỉnh cần phải xác định những định hướng chính trong việc xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương. Theo đánh giá chung của các tỉnh, những tác động của biến đổi khí hậu đối với tỉnh là không lớn, chủ yếu biểu hiện ở sự thay đổi nền nhiệt, lượng và phân bố mưa. Tuy nhiên, tần suất, cường độ và tính bất thường của các hiện tượng thời tiết cực đoan đang ngày càng gia tăng. Đây chính là những thách thức không nhỏ đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại các tỉnh Tây Bắc. 4. ĐỀ XUẤT VÀ KẾT LUẬN Về tổng thể, các điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Tây Bắc còn gặp rất nhiều bất lợi như vị trí địa lý nằm xa các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của đất nước, là khu vực chịu ảnh hưởng của nhiều loại thiên tai gây thiệt hại lớn về kinh tế - xã hội, địa hình chia cắt mạnh gây nhiều khó khăn đối với hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tỷ lệ đói nghèo cao và nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu còn hạn chế,… cần đến rất nhiều sự hỗ trợ từ Trung ương. Mặc dù, Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai từ năm 2008 cho đến nay đã tạo ra một cơ chế và hệ thống các chính sách có liên quan nhằm hỗ trợ các địa phương trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, việc thực hiện thích ứng và giảm nhẹ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tại các tỉnh còn rất nhiều tồn tại. Cụ thể, qua báo cáo của các tỉnh Tây Bắc [22], việc thực hiện gặp khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình về kinh phí, nhận thức và ý thức của nhân lực, sự tham gia phối hợp thực hiện giữa các cấp ngành, sự đồng bộ của cơ chế và các chế tài xử phạt vi phạm,… Trong bối cảnh đó, nhóm tác giả đưa ra một số đề xuất nhằm khai thác lợi thế khí hậu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại các tỉnh Tây Bắc và hạn chế ảnh hưởng từ các rủi ro khí hậu hướng đến phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại các địa phương này, cụ thể như sau: Thứ nhất, cần nhận thức đầy đủ và đúng đắn về những cơ hội và thách thức đến từ các yếu tố khí hậu đối với các hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương. Biến đổi khí hậu không chỉ tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực mà còn tạo ra những ảnh hưởng tích cực, có thể được khai thác và biến chúng thành lợi thế phát triển. Không thể phủ nhận rằng, biến đổi khí hậu cũng tạo ra một số ảnh hưởng tích cực đến hoạt động kinh tế - xã hội, điển hình như sự gia tăng về nền nhiệt ở vùng thấp đã thúc đẩy nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng của du khách tại các vùng núi cao có nền nhiệt thấp hơn (như các tỉnh Tây Bắc), sự biến đổi về thời tiết đã thúc đẩy một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm giảm sự phụ thuộc của cây trồng vào các điều kiện tự nhiên,… Nhận thức và xác định được những cơ hội này, các tỉnh Tây Bắc cần có chủ trương, cơ chế và chính sách thúc đẩy các ngành kinh tế thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, đầu tư phát triển khoa học - công nghệ nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc và ảnh hưởng từ các yếu tố tự nhiên nói chung và thời tiết nói riêng, qua đó hạn chế được những thiệt hại do thiên tai gây ra. Thứ hai, cần nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu (hay giảm khả năng dễ bị tổn thương với biến đổi khí hậu) của các hoạt động kinh tế - xã hội cũng như hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc. Hầu hết các công trình thủy lợi quan trọng như hồ chứa, đập dâng, trạm bơm, cống và kênh trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc không xác định được cụ thể mức độ dễ bị tổn thương, dẫn đến việc xây dựng kế hoạch nâng cao khả năng thích ứng và giảm thiểu thiệt hại gặp nhiều khó khăn và không có tính chủ động. Vì vậy, các tỉnh Tây Bắc cần nghiên cứu, điều tra, khảo sát và đánh giá nhằm xác định cụ thể và cập nhật tình trạng và khả năng ứng phó của các hoạt động sinh kế chính của người dân, cũng như của hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn, lấy đó làm cơ sở tính toán và xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, phương án hành động ứng phó khi thiên tai xảy ra. Các địa phương cần xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai của các ngành giao thông và xây dựng dựa trên việc đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến các công trình hạ tầng, đồng thời, phát triển mạng lưới giao thông và bảo trì các hệ thống cơ sở hạ tầng phù hợp với điều kiện thời tiết và thiên tai của từng địa phương. Thứ ba, để đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc, việc lồng ghép các kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu vào quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương là vô cùng quan trọng. Về mặt tổng thể, các địa phương cần tiếp tục thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, lồng ghép các yếu tố biến đổi khí hậu vào các dự án liên quan được
  9. 40 Nguyễn Song Tùng, Đặng Thành Trung, Lê Hồng Ngọc thực hiện, lồng ghép các chính sách và hoạt động hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương vào các quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển của ngành,… Các chương trình có thể được lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu gồm có các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, phát triển nông nghiệp - nông thôn miền núi, xây dựng nông thôn mới,… Đồng thời, các địa phương cần tiếp tục chủ động trong công tác xóa đói giảm nghèo và hỗ trợ phát triển dân tộc thiểu số. Thứ tư, riêng đối với ngành nông nghiệp, việc chủ động ứng phó với các hiện tượng thời tiết bất thường và phòng ngừa thiên tai, dịch bệnh trong sản xuất nông nghiệp là vô cùng quan trọng. Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của các tỉnh Tây Bắc cần xây dựng kế hoạch hành động về xây dựng hệ thống chính sách, lồng ghép biến đổi khí hậu, tuyên tuyền và phổ biến về biến đổi khí hậu đối với không chỉ cán bộ chuyên trách mà còn với người dân địa phương. Bên cạnh đó, việc đề ra và triển khai các chỉ tiêu phát triển nông nghiệp và nông thôn cần có sự linh hoạt điều chỉnh phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu trong việc lên kế hoạch mùa vụ, quy hoạch vùng sản xuất, lựa chọn giống,… nhằm chủ động thích ứng. Việc nghiên cứu xác định các rủi ro tiềm ẩn trong sản xuất nông nghiệp cũng rất quan trọng, lấy đó làm cơ sở đề xuất các phương án chủ động ngăn ngừa thiệt hại do thiên tai đối với cây trồng, vật nuôi và cơ sở vật chất nông nghiệp. Đặc biệt đối với hạ tầng thủy lợi, các địa phương cần xây dựng một hệ thống kênh mương hoàn chỉnh sẽ đảm bảo khả năng điều tiết nước tưới kịp thời vào mùa khô và tiêu thoát nước hiệu quả vào mùa mưa khi có hiện tượng thời tiết bất thường xảy ra, củng cố và nâng cấp hệ thống trạm bơm và cống tiêu thoát, đẩy mạnh công tác trồng rừng nhằm hạn chế ảnh hưởng của lũ lụt, mưa bão, lốc xoáy và hạn hán,… Trong lĩnh vực phát triển nông thôn, cần phát triển và nhân rộng: Các loại giống cây trồng và vật nuôi có khả năng thích ứng cao với diễn biến thời tiết và tình hình dịch bệnh, các kỹ thuật canh tác và sản xuất theo hướng bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm hạn chế việc khai thác quá mức các nguồn tài nguyên. Thứ năm, cần tập trung phổ biến kiến thức cho người dân nhằm nâng cao nhận thức và ý thức của người dân trong các hoạt động sinh hoạt và sản xuất để chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu là vấn đề liên quan đến rất nhiều lĩnh vực và có ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi người dân, vì thế, việc chuẩn bị tốt về nhận thức và năng lực sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trong tương lai tại các tỉnh Tây Bắc. Nhìn chung, các tỉnh Tây Bắc là các địa phương có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội với nhiều lợi thế về điều kiện tự nhiên - văn hóa. Trong đó, khí hậu không chỉ là một lợi thế mà còn có thể được khai thác để trở thành nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nguồn lực này có hai mặt: Một mặt đem lại các cơ hội khai thác tiềm năng khí hậu vốn có để tạo ra lợi thế đặc biệt trong cạnh tranh, một mặt tạo ra nhiều thách thức đối với các hoạt động sinh hoạt và sản xuất. Vấn đề quan trọng là các địa phương cần nhận thức và xác định đầy đủ, đúng đắn các lợi ích và chi phí khi tận dụng các điều kiện khí hậu nhằm đạt được các chỉ tiêu và mục tiêu phát triển, đặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ tạo ra những ảnh hưởng phức tạp đến mọi ngành nghề và lĩnh vực trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Lê Thông và các cộng sự, 2005. Địa lý các tỉnh và thành phố Việt Nam. Tập 3, Các tỉnh vùng Tây Bắc và vùng Bắc Trung Bộ. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Hà Nội. [2]. Nguyễn Khanh Vân, 2015. Phân vùng khí hậu các tỉnh miền núi Bắc Bộ và Tây Thanh Nghệ. Tạp chí Các khoa học về Trái Đất, 37 (3): 204-212. [3]. Trần Bình, 2017. Tây Bắc vùng văn hóa giàu bản sắc. Nhà xuất bản Mỹ thuật, Hà Nội. [4]. Trần Hồng Hạnh và các cộng sự, 2018. Biến đổi khí hậu và sinh kế của một số dân tộc thiểu số ở vùng miền núi Tây Bắc Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội. [5]. Nguyễn Thám, Nguyễn Hoàng Sơn, 2011. Đánh giá tài nguyên sinh khí hậu phục vụ phát triển du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh 29: 94-104. [6]. Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc lập phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. [7]. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Sơn La, Có sẵn trực tuyến: http://www.susta.vn/bai-viet- Vung-Ty-Bc-gom-nhung-tinh-no-1290.html (truy cập vào ngày 25 tháng 5 năm 2020). [8]. Quyết định số 712/TTg ngày 30/8/1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc thời kỳ 1996-2010.
  10. Biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế - xã hội tại các tỉnh Tây Bắc 41 [9]. Quyết định số 1064/QĐ-TTg ngày 08/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2020. [10]. Đinh Văn Thiên và các cộng sự, 2010). Tây Bắc vùng đất và con người. Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, Hà Nội. [11]. Lê Thông và các cộng sự, 2012). Việt Nam các vùng kinh tế và vùng kinh tế trọng điểm. Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội. [12]. Quyết định số 2908/QĐ-BTNMT ngày 13/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt và công bố kết quả thống kê diện tích đất đai năm 2018. [13]. Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương, 2019. Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2019. Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội. [14]. Các báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2019 của các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Hòa Bình. [15]. Tổng cục Thống kê, 2019). Niên giám thống kê 2018. Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội. [16]. Trung tâm Dữ liệu Khí tượng Thủy văn. http://cmh.com.vn (truy cập vào ngày 25 tháng 5 năm 2020). [17]. Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, 2011). Biến đổi khí hậu và tác động ở Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội. [18]. Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2016). Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam. Nhà xuất bản Tài nguyên Môi trường và Bản đồ Việt Nam, Hà Nội. [19]. Các kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của UBND các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Hòa Bình. [20]. Thiên tai gây thiệt hại lớn về người và tài sản ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc. https://dantocmiennui.vn/thien-tai-gay-thiet-hai-lon-ve-nguoi-va-tai-san-o-nhieu-tinh-mien-nui-phia- bac/287603.html (truy cập vào ngày 25 tháng 5 năm 2020). [21]. Chỉ số rủi ro khí hậu Việt Nam. http://climaterisk.org.vn (truy cập vào ngày 25 tháng 5 năm 2020). [22]. Các báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoan 2010-2015 của UBND các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Hòa Bình. CLIMATE CHANGE AND SOCIOECONOMIC DEVELOPMENT IN THE NORTHWEST PROVINCES OF VIETNAM Nguyen Song Tung*, Đang Thanh Trung, Le Hong Ngoc Institute of Human Geography, Vietnam Academy of Social Sciences * Email: songtung1711@gmail.com Abstract: Due to differences in natural geographic conditions, the Northwest provinces of Vietnam (namely Lai Chau, Dien Bien, Son La and Hoa Binh provinces) are located in a diverse and favorable climatic zone, which is an advantage exploited for daily-life and production activities of local residents. Nevertheless, in the context of climate change, this advantage has been subjected to complex changes, for instance, to frequent occurrence of extreme weather phenomena, and creating significant impacts on local socioeconomic development. This paper outlined some climatic features, risks and their impacts on socioeconomic life in the Northwest provinces of Vietnam. By pointing out some climatic challenges, this paper offered some recommendations for the socioeconomic development in the Northwest provinces of Vietnam. Keywords: Climate change, socioeconomic development, the Northwest of Vietnam.
nguon tai.lieu . vn