Xem mẫu

  1. 330 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA CITA 2017 “CNTT VÀ ỨNG DỤNG TRONG CÁC LĨNH VỰC” Ứng dụng công nghệ để phát triển Đà Nẵng trở thành điểm đến du lịch thông minh Nguyễn Thị Thanh Huyền Trường Cao đẳng Công nghệ Thông tin - Đại học Đà Nẵng ntthuyen@cit.udn.vn Tóm tắt. Đà Nẵng là địa phương có đầy đủ các yếu tố thuận lợi về vị trí địa lý, tài nguyên, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất để phát triển du lịch. Đây là ngành kinh tế mũi nhọn được thành phố quan tâm phát triển vì nó đem lại nguồn lợi lớn, tạo nhiều việc làm và sự giao lưu văn hóa. Vì vậy, trên bản đồ du lịch Việt Nam, Đà Nẵng đang được xem là điểm đến an toàn, thân thiện đối với khách du lịch trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, để phát triển du lịch theo định hướng “xanh”, bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh thì Đà Nẵng cần tạo dựng cho mình hình ảnh của một điểm đến du lịch thông minh bằng cách triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quảng bá, cung cấp dịch vụ, hỗ trợ, nâng cao trải nghiệm của du khách trong quá trình du lịch. Trong phạm vi nghiên cứu này, tác giả tập trung đánh giá thực trạng du lịch tại Đà Nẵng từ đó định hướng phát triển Đà Nẵng thành điểm đến du lịch thông minh. Từ khóa: Du lịch; Đà Nẵng; điểm đến; thông minh; du khách. 1 Đặt vấn đề Hiện nay, du lịch là một trong những ngành công nghiệp lớn nhất thế giới. Du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều quốc gia, không chỉ đem lại nguồn thu nhập lớn cho nền kinh tế, tạo nhiều việc làm, phát triển các ngành dịch vụ, cơ sở hạ tầng mà còn là phương tiện thúc đẩy hòa bình, giao lưu văn hóa, tạo ra những giá trị vô hình nhưng bền chặt. Do đó, du lịch là một trong những hoạt động quan trọng hướng tới xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương. Tuy kinh tế khó khăn nhưng ngành du lịch vẫn phát triển. Theo dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) lượng khách du lịch trong giai đoạn 2010 đến 2030 tăng nhanh, đặc biệt là 2020 - 2030[2]. Trong năm 2016 có 1,2 tỷ lượt người trên thế giới đi du lịch. Trong đó, châu Á - Thái Bình Dương vẫn là điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Khách du lịch có xu hướng lựa chọn các điểm đến được trải nghiệm cùng người dân bản địa. Để thu hút khách, ngành du lịch cũng cần nhanh chóng phát triển dựa trên sự hỗ trợ của công nghệ, nhằm tiếp cận nhanh hơn, thỏa mãn nhu cầu của du khách tốt hơn, chất lượng hơn và hiệu quả hơn. Hiện nay, Đà Nẵng đang là một điểm đến thu hút du khách trong nước và quốc tế. Sự phát triển đồng bộ của các cơ sở lưu trú, các resorts, trung tâm hội nghị, giải trí, cơ sở hạ tầng giao thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch là các thế mạnh mà Đà Nẵng đang có. Chính quyền thành phố Đà Nẵng đã xác định đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy nhiên, ngành du lịch Đà Nẵng cần phát triển bền vững và tạo ra nét đặc trưng riêng. Với những sản phẩm du lịch chủ đạo như: du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch thành phố và du lịch MICE... Thì Đà Nẵng cần đẩy mạnh xây dựng hình ảnh của một điểm đến du lịch thông minh.
  2. Nguyễn Thị Thanh Huyền 331 2 Điểm đến du lịch thông minh 2.1 Thành phố thông minh Theo Vicini, thành phố thông minh là nơi công nghệ được sử dụng khắp thành phố nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân đồng thời nâng cao tính tiện lợi, hiệu quả của những dịch vụ ở thành phố đó. Tăng sự tương tác của người dân, du khách với chính quyền thành phố. Ví dụ như: truy cập thông tin, tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng và tài nguyên, giám sát an ninh, giảm tình trạng ùn tắc giao thông[16],… Trong mô hình thành phố thông minh hơn, tất cả các tài nguyên (nước, đất đai, cơ sở hạ tầng, thực phẩm…) được khai thác, quản lý, kiểm soát và sử dụng một cách hợp lý, hiệu quả trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ của CNTT. Còn IBM đã xác định thành phố thông minh là một thành phố có hệ thống thiết bị kết nối và thông minh. Các thiết bị được sử dụng là các bộ cảm biến rải rác khắp thành phố và được kết nối với nhau thông qua hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông. Từ đó giúp chính quyền thành phố đưa ra các dự đoán và quyết định chính xác hơn[9]. Thành phố thông minh có khả năng cung cấp và phản hồi thông minh cho nhiều mục đích như: hoạt động hàng ngày của người dân, các dịch vụ, các hoạt động thương mại xảy ra trong cùng một khoảng thời gian[13]. Một thành phố được coi là thành phố thông minh khi tăng trưởng kinh tế bền vững và chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao thông qua sự đầu tư vào nguồn nhân lực, sự tham gia quản lý của chính quyền và cơ sở hạ tầng tốt hỗ trợ cho việc quản lý thông tin trên toàn thành phố[5]. Như vậy, thành phố thông minh dựa trên 3 yếu tố cơ bản: Con người, cấu trúc cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin[9]. Con người là yếu tố cốt lõi, tham gia tích cực vào sự điều khiển thành phố thông minh. Công dân của thành phố được quyền truy cập và kiểm soát thông tin, đưa ra phản hồi. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng vững chắc với hệ thống mạng cáp quang bao phủ thành phố đóng vai trò như xương sống nhằm giúp việc lắp đặt các thiết bị thông minh được thuận tiện. Và công nghệ thông tin giúp các bên liên quan nhanh chóng kết nối và nắm bắt thông tin. Do đó, thành phố thông minh không chỉ là kết quả của quá trình sáng tạo mà còn tạo nên hệ sinh thái mới cho sự tương tác của cộng đồng[14]. Từ góc nhìn du lịch, Công nghệ thông tin và truyền thông của thành phố thông minh đóng góp vào việc cung cấp trải nghiệm, giá trị gia tăng cho khách du lịch, nâng cao hiệu quả cũng như tự động hóa một số tiến trình du lịch vụ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của thành phố[8]. 2.2 Điểm đến du lịch Theo UNWTO, điểm đến du lịch (Tourism Destination) là vùng không gian địa lý mà khách du lịch ở lại ít nhất một đêm, bao gồm các sản phẩm du lịch, các dịch vụ cung cấp, các tài nguyên du lịch thu hút khách, có ranh giới hành chính để quản lý và có sự nhận diện về hình ảnh để xác định khả năng cạnh tranh trên thị trường[1]. Điểm đến du lịch không chỉ có tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn mà còn có cả nhiều điều kiện khác để trở nên hấp dẫn, đặc biệt là các sản phẩm du lịch. Mối liên kết giữa sản phẩm du lịch và điểm đến là rất quan trọng vì bản chất của ngành du lịch đó là sự kết hợp của nhiều thành phần được phục vụ trong một điểm đến để du khách có sự cảm nhận và trải nghiệm sâu sắc trong và sau chuyến đi của họ[15]. Phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch chủ yếu
  3. 332 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA CITA 2017 “CNTT VÀ ỨNG DỤNG TRONG CÁC LĨNH VỰC” tập trung ở điểm đến và điểm tham quan du lịch. Hiệu quả kinh tế - xã hội của hoạt động du lịch trong một địa phương phần lớn tập trung tại điểm đến và điểm tham quan du lịch. Có 6 chỉ tiêu [10] để đánh giá sự thành công của một điểm đến du lịch bao gồm: 1- Những điểm thu hút (Acttractions): là tiềm năng thu hút khách du lịch, có thể là tự nhiên như: núi, biển,… hay nhân tạo như: khu vui chơi, kiến trúc, lịch sử, văn hóa, lễ hội,… 2- Khả năng tiếp cận (Access): là hệ thống giao thông vận tải để đến và di chuyển trong quá trình khám phá điểm đến. 3 - Tiện nghi (Amenities): tất cả dịch vụ liên quan đến việc tạo điều kiện cho du khách có một kì nghỉ thuận tiện, thoải mái nhất như: chỗ ở, khu ẩm thực và các hoạt động giải trí,… 4- Gói dịch vụ có sẵn (Available packages): các gói dịch vụ đã được lên kế hoạch sẵn do các công ty du lịch cung cấp để thu hút du khách đến những gì đặc trưng, độc đáo của điểm đến du lịch. 5 - Hoạt động (Activities): đề cập đến các hoạt động thu hút du khách tham gia khi họ lưu lại điểm đến du lịch. 6- Dịch vụ phụ trợ (Ancillary services): là những dịch vụ du khách sử dụng không liên quan trực tiếp đến du lịch như: ngân hàng, bưu điện, bệnh viện… Đó là những yếu tố quan trọng mà các điểm đến cần duy trì và phát triển để nâng cao khả năng cạnh tranh. Để điểm đến du lịch trở nên hấp dẫn và thu hút khách đòi hỏi phải có sự quản trị kinh doanh điểm đến. Nó liên quan đến rất nhiều vấn đề từ marketing, tuyên truyền, quảng cáo và xúc tiến,… Tuy nhiên, khi xu hướng du lịch ngày càng thay đổi thì các điểm đến phải nhận thấy cách tiếp cận thông thường trở nên lỗi thời mà phải cần kết nối tất cả các bên liên quan để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình xây dựng và quảng bá để tăng tính cạnh tranh của điểm đến du lịch[12]. 2.3 Điểm đến du lịch thông minh Điểm đến là một mạng lưới tạo ra bởi rất nhiều đối tác liên quan, tất cả tham gia vào việc cung cấp dịch vụ và trải nghiệm cho khách du lịch. Khi áp dụng cách tiếp cận thông minh vào khái niệm điểm đến, ta có điểm đến du lịch thông minh, đề cập đến sự kết nối chủ động các bên có liên quan nhằm trao đổi thông tin theo thời gian thực dựa trên nền tảng công nghệ. Theo Lopez de Avila[11] định nghĩa: Điểm đến du lịch thông minh là một điểm đến du lịch sáng tạo, được xây dựng trên cơ sở công nghệ tiên tiến đảm bảo sự phát triển bền vững của các khu vực du lịch, có thể tiếp cận được tới mọi người, tạo thuận lợi cho tương tác với du khách, làm tăng chất lượng của trải nghiệm điểm đến và cải thiện chất lượng cuốc sống của người dân. Như vậy, khái niệm điểm đến du lịch thông minh không chỉ gói gọn ở việc triển khai về mặt kỹ thuật, nó còn đòi hỏi những hoạt động quản lí mang tính nhất quán giúp việc sử dụng nguồn lực tối ưu hơn, mang đến sự hài lòng của du khách. Đưa sự thông minh vào du lịch đòi hỏi phải kết nối các bên liên quan thông qua một nền tảng công nghệ mà thông tin liên quan đến các hoạt động du lịch có thể được trao đổi ngay lập tức. Về mặt kỹ thuật, điểm đến thông minh bao gồm 3 yếu tố: điện toán đám mây (Cloud Computing), mạng lưới vạn bật kết nối (Internet of Things - IoT) và hệ thống dịch vụ Internet dành cho người dùng (End - user - Internet services system)[17].
  4. Nguyễn Thị Thanh Huyền 333 Điện toán đám mây được thiết kế để cung cấp cách thức truy cập tiện lợi để truy cập Website và lưu trữ dữ liệu thông qua mạng lưới nhất định. Việc sử dụng điện toán đám mây sẽ giảm chi phí cố định và chuyển đổi thành chi phí biến đổi dựa trên các sản phẩm dịch vụ cung cấp[7]. Có thể nói, điện toán đám mây chính là nền tảng của các điểm đến thông minh. IoT là một thuật ngữ do Kevin Ashton đưa ra vào năm 1999. Nó nói đến một mạng lưới kết nối bất kì thứ gì vào bất cứ lúc nào nhằm truyền tải, trao đổi thông tin, dữ liệu để xác định, định vị, quản lý, giám sát thông qua các thiết bị thông minh. IoT đã phát triển từ sự hội tụ của công nghệ không dây và Internet. IoT hỗ trợ sự phát triển của điểm đến thông minh thông qua 2 nội dung: là khả năng phân tích thông tin và khả năng tự động, điều khiển[6]. Yếu tố thứ ba trong điểm đến thông minh là hệ thống dịch vụ Internet dành cho người dùng. Đây là những ứng dụng của điện toán đám mây và IoT ở các mức độ khác nhau dành cho khách du lịch. Ví dụ như hệ thống thanh toán cá nhân dựa trên từng loại thiết bị, điện thoại thông minh hay máy tính bảng. Điểm đến du lịch thông minh nhấn mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ Thông tin và truyền thông vào việc cung cấp dịch vụ, quảng bá, hỗ trợ du khách trong tiến trình du lịch của họ. Nhờ sự thông minh trong du lịch, khách du lịch có thể chủ động tham gia vào tiến trình dịch vụ. Họ được thông báo nhiều hơn, có sự liên quan nhiều hơn và có quyền kích hoạt tiến trình marketing thông qua phương tiện truyền thông và đóng góp vào sự sáng tạo nội dung trong tiến trình đó. Từ đó, du khách sẽ cảm thấy tiện lợi, dễ dàng hợp tác với nhà cung cấp dịch vụ du lịch, nâng cao trải nghiệm và sự hài lòng của mình. Khi đó, sự phát triển bền vững và năng lực cạnh tranh của điểm đến cũng sẽ tự động được nâng lên. Vì vậy, sự phát triển của thành phố thông minh khuyến khích hình thành điểm đến du lịch thông minh[4]. 3 Du lịch tại thành phố Đà Nẵng 3.1 Nền tảng công nghệ thông tin để phát triển điểm đến du lịch thông minh tại thành phố Đà Nẵng Từ những chủ trương và chính sách thiết thực, Thành phố đã có những hành động cụ thể trong việc ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin, giúp nâng cao đời sống của người dân, phát triển tiện ích đô thị nhằm hướng tới mục đích phát triển Đà Nẵng thành điểm đến du lịch thông minh. Từ năm 2012, hệ thống Wi-Fi Đà Nẵng phủ sóng, với khả năng bảo mật cao, bảo đảm cung cấp kết nối đa phương tiện cho người dùng. Bộ truy nhập Wi-Fi được lắp đặt trên các cột đèn chiếu sáng tại 2 bên bờ sông Hàn, bờ biển, trung tâm thành phố, sân bay, ga tàu, các khu vực công cộng, các trường đại học, các sở, ban, ngành trên địa bàn TP Đà Nẵng... để phục vụ người dân và du khách. Hiện có khá nhiều nội dung, dịch vụ công trực tuyến để người dân, du khách tiếp cận, sử dụng. Chính quyền điện tử hoạt động từ ngày 22/7/2014. Đây là mô hình ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hành chính đầu tiên trong cả nước và đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cho Đà Nẵng, đáp ứng tốt các yêu cầu về thủ tục cho công dân, doanh nghiệp và tổ chức. Năm 2016, UBND TP Đà Nẵng cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) về Xây dựng thành phố thông minh. Ưu tiên triển khai các ứng dụng thông minh trong lĩnh vực y tế, giáo dục như Hệ thống quản lý bệnh viện, Hồ sơ y tế điện tử, Phần mềm cấp mã số bệnh nhân chung toàn thành phố, Hệ thống tuyển sinh đầu cấp, CSDL học sinh, giáo viên ngành Giáo dục.
  5. 334 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA CITA 2017 “CNTT VÀ ỨNG DỤNG TRONG CÁC LĨNH VỰC” Hệ thống quản lý xe buýt bằng thiết bị giám sát hành trình: Thông qua các thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên từng xe buýt, Hệ thống thu thập các thông tin như vị trí, vận tốc, địa điểm, thời gian dự kiến đến trạm, lộ trình xe theo thời gian thực, cập nhật vị trí hiện tại trên bản đồ và thời gian đến trạm của các xe buýt theo thời gian thực. Thông tin hoạt động của hệ thống được tích hợp vào trang web ecobus.danang.gov.vn để cung cấp thông tin cho hành khách. Trung tâm giám sát tự động chất lượng tại Nhà máy nước Cầu Đỏ sử dụng thiết bị cảm biến nhằm cung cấp và phân tích các thông số theo thời gian thực về các mẫu nước. Từ CSDL, Hệ thống sẽ hiển thị các chỉ số lên Bảng thông báo, Cảnh báo khi cần thiết và tạo các mẫu báo cáo, biểu đồ về các chỉ tiêu chất lượng nước. 3.2 Thực trạng ứng dụng công nghệ trong du lịch tại Đà Nẵng Năm 2012, Đà Nẵng là một trong 33 thành phố trên thế giới và là đô thị đầu tiên của Việt Nam được IBM trao giải thưởng “Thách thức của các thành phố thông minh”. Đoàn chuyên gia của IBM đã có mặt tại thành phố giúp chính quyền thành phố xác định lộ trình xây dựng Thành phố thông minh với những đề xuất thiết thực và phù hợp với hoàn cảnh thực tế của Đà Nẵng. Với những kết quả đạt được, Đà Nẵng nhận được nhiều giải thưởng quan trọng: “Thành phố bền vững về môi trường Asean” (2011), 1 trong 33 thành phố trên Thế giới đạt giải “Thách thức của các thành phố thông minh” (2012), “Top 20 Thành phố có hàm lượng carbon thấp nhất Thế giới” (2012), “Top 10 điểm đến hấp dẫn nhất mới nổi trên Thế giới” (2014), “Thành phố xuất sắc trong chuyển đổi” (2015), “1 trong 52 điểm đến hấp dẫn nhất Thế giới” (2015), Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á” (2016), “Top 5 thành phố dẫn đầu về ứng phó Biến đổi khí hậu” (2016). Biển Đà Nẵng là 1 trong 6 bãi biển hấp dẫn nhất hành tinh (2005),… Năm 2016, các chỉ tiêu của Đà Nẵng về du lịch đều vượt kế hoạch, môi trường du lịch bảo đảm an toàn, thân thiện. Theo Sở Du lịch TP. Đà Nẵng, tổng lượng khách du lịch đến Đà Nẵng đạt khoảng 5,51 triệu lượt, trong đó 1,66 triệu lượt khách quốc tế và 3,84 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 16.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 27.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch. Trong 8 tháng đầu năm 2017, tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng đạt trên 4,8 triệu; trong đó khách quốc tế ước đạt trên 1,6 triệu lượt, khách nội địa đạt trên 3 triệu lượt. Tổng thu du lịch ước đạt 14.000 tỷ đồng. Trong thời gian vừa qua, du khách đến Đà Nẵng chủ yếu tự đặt vé máy bay, khách sạn, dịch vụ… không đặt các tour trọn gói. Thực tế này bắt nguồn từ việc ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ của các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ. Chỉ cần tương tác qua website, facebook, Zalo, app mobile... là du khách có thể chủ động chọn và đặt phòng; chọn lịch trình, địa điểm cho chuyến đi của mình… Rõ ràng ứng dụng CNTT đang lan tỏa rất mạnh mẽ và mở ra những giá trị mới trong ngành Du lịch Đà Nẵng. Đà Nẵng được coi là một trong những điểm đến tiên phong nỗ lực xây dựng hình ảnh thành phố du lịch thông minh. Các công cụ hỗ trợ du lịch thông minh đã được sử dụng như: website Tourism.danang.vn, ứng dụng Danang FantastiCity, ứng dụng InDaNang, thẻ du lịch thông minh Citipass,… - Ứng dụng Danang FantastiCity: Khám phá du lịch Đà Nẵng trên thiết bị di động là một app du lịch chính thống đầu tiên tại Việt Nam dành cho khách du lịch đến với địa phương, được ra mắt vào tháng 12 năm 2016. Có thể tải về trên hệ điều hành IOS và Android, với hai ngôn ngữ Việt - Anh. Điểm mạnh của ứng dụng này là giúp du khách có thể tự vạch ra kế hoạch cho
  6. Nguyễn Thị Thanh Huyền 335 chuyến đi của mình. Người dùng chỉ cần chọn thời gian du lịch, mức chi phí và sở thích, Danang FantastiCity sẽ tự động đưa ra một lịch trình phù hợp và trên cơ sở đó, người dùng có thể dễ dàng thay đổi các địa điểm và thời gian theo sở thích và nhu cầu cụ thể. Bên cạnh đó, du khách vẫn có thể sử dụng ứng dụng này tại điểm đến mà không cần kết nối wifi, 3G, đây cũng được xem là một trong những ưu điểm lớn nhất của ứng dụng. Bên cạnh đó, Danang FantastiCity còn có một số tính năng ưu việt như offline map miễn phí, giới thiệu sự kiện, tìm kiếm, lưu ảnh theo địa điểm,… - InDaNang: Đà Nẵng trong túi của bạn ra đời năm 2016 cũng là một ứng dụng di động thành công trên nền tảng IOS hoặc Android giúp người dân và du khách khám phá các địa điểm du lịch, ẩm thực, nghỉ dưỡng ở Đà Nẵng một cách thân thiện và dễ dàng hơn. Thông tin về các sự kiện hoặc giảm giá tại các địa điểm liên tục được cập nhật. Ứng dụng còn có tính năng trải nghiệm lắc điện thoại để nhận được những gợi ý thông minh về địa điểm theo thời gian mà không cần kết nối Internet. - Website “Tourism.danang.vn”: Không chỉ được biết đến như trang thông tin du lịch chính thống của du lịch Đà Nẵng mà nó còn là một cánh cửa thân thiện và phù hợp để đưa du khách đến với Đà Nẵng một cách nhanh gọn, tiện lợi. Cổng thông tin du lịch Đà Nẵng được tích hợp rất nhiều tính năng để cung cấp tiện ích cho người truy cập như: “Facebook Live Chat” để kết nối và hỏi đáp thông tin về du lịch Đà Nẵng. Theo Google analytics, hiện nay Cổng thông tin du lịch Đà Nẵng đứng ở top 1 về các từ khóa quan trọng như: “Du lịch Đà Nẵng”, “danang tourism”, “du lich danang”. - Dana Pass: Với tính năng giống như thẻ City Pass được ứng dụng ở các thành phố lớn trên thế giới, đây là sản phẩm liên kết giữa Trung tâm Xúc tiến du lịch Thành phố Đà Nẵng và các ngân hàng thương mại, các đơn vị du lịch trên địa bàn Thành Phố nhằm mang đến sự tiện lợi cho du khách. Hệ thống chấp nhận thanh toán gồm 500 điểm tại Đà Nẵng, Hội An đáp ứng đầy đủ nhu cầu về mua sắm, vui chơi, giải trí, tham quan, ăn uống, lưu trú của du khách. Thẻ còn dùng để tra cứu về du lịch ở Đà Nẵng và Hội An thông qua hệ thống QR code in trên thẻ liên kết đến một website cung cấp thông tin. 4 Giải pháp phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành điểm đến du lịch thông minh Là một thành phố có 8 năm liền dẫn đầu chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT. Với một môi trường ứng dụng CNTT lan tỏa, sâu rộng, Đà Nẵng rất thuận lợi để trở thành thành phố du lịch thông minh. Tuy nhiên, để phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành một điểm đến du lịch thông minh thì ngành du lịch và thành phố cần phải tập trung giải quyết các vấn đề sau: - Thứ nhất: Đối với quản lý nhà nước để tạo điều kiện cho sự phát triển của thành phố thì quản lý phải tạo ra được hành lang pháp lý minh bạch, thông thoáng ổn định, trên cơ sở đó, sẵn sàng chấp nhận những phát triển chưa có tiền lệ. Các chính sách cụ thể hơn, xây dựng các quy định pháp luật đầy đủ, tường minh cho các bên tham gia. - Thứ hai: Hệ thống cơ sở hạ tầng như mạng đô thị, trung tâm dữ liệu, mạng kết nối không dây công cộng là yếu tố quan trọng nhất và cũng là tiêu chí đánh giá một thành phố có thông minh hay không? Trong đó, việc đảm bảo hạ tầng về kết nối, năng lực xử lý của các Trung tâm thông tin dịch vụ công trực tuyến rất quan trọng. Việc xây dựng hệ thống này cần tuân thủ các chuẩn, kiến trúc nhất quán trong đó đảm bảo về đầu tư hạ tầng. - Thứ ba: Vấn đề lưu trữ, xử lý dữ liệu cần được quan tâm bởi với một số lượng lớn thông tin, các công cụ cần phải thông minh hơn để xử lý và giải quyết vấn đề.
  7. 336 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA CITA 2017 “CNTT VÀ ỨNG DỤNG TRONG CÁC LĨNH VỰC” Bên cạnh đó là vấn đề nguồn nhân lực. Nếu không nâng cao năng lực về quản lý thì không đảm bảo được xử lý thông tin trong xây dựng thành phố thông minh. Vì vậy, thành phố Đà Nẵng cần chú trọng hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực dài hạn hơn, toàn diện hơn, hiệu quả hơn cho mô hình thành phố du lịch thông minh. Mặt khác, các công cụ thông minh hỗ trợ du lịch như các ứng dụng, website cần được tích hợp thêm nhiều ngôn ngữ hơn nữa để khách du lịch từ các quốc gia khác nhau có thể sử dụng dễ dàng và hiệu quả. 5 Kết luận Phát triển bền vững là xu thế tất yếu của thời đại. Các quốc gia có ngành du lịch phát triển đã tập trung để phát triển điểm đến du lịch thông minh và đạt được nhiều thành công. Điểm đến du lịch thông minh đòi hỏi sự phát triển của cơ sở hạ tầng thông tin, môi trường pháp lý và những con người khai thác, vận hành nó. Đà Nẵng đã có một cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin khá tốt. Các doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng khá nhanh nhạy và đầy quyết tâm trong ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh của mình. Chính quyền thành phố đã có những chủ trương, chính sách pháp luật cụ thể đồng thời hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho xu hướng phát triển mới. Đồng thời bảo vệ thiên nhiên, môi trường sống an toàn, trong sạch, hướng tới một thành phố xanh, thông minh. Với những định hướng cơ bản như trên, nếu vận dụng và thực thi tốt chắc chắn Đà Nẵng sẽ nhanh chóng trở thành điểm đến du lịch thông minh. Tài liệu tham khảo 1. UNWTO (world Tourism Organization), A practical guide to tourism destination management (2005). 2. UNWTO, Actual trend and forecast 1950-2030 (2010). 3. Buhalis, D. “Marketing the competitive destination of the future”, Tourism Management, 21(1), 97-116 (2000). 4. Buhalis, D., & Amaranggana, A. “Smart tourism destinations”. Information and communication technologies in tourism 2014, pp. 553-564 (2013). 5. Caragliu, A., Bo, C. F., & Nijkamp, P. “Smart Cities in Europe, Series Research Memoranda 0048”, Faculty of Economics, Business Administration and Econometrics (2009). 6. Chui M., M. Löffler& R. Roberts. “The internet of things”. McKinsey Quarterly 2, 1-9 (2010). 7. Etro, F. “The economic impact of cloud computing on business creation, employment and output in Europe”. Review Business and Economics, 54(2), 179-208 (2009). 8. Gretzel, U. “Intelligent systems in tourism: A social science perspective”. Annals of Tourism Research, 38(3), 757-779 (2011). 9. Komninos, N., Pallot, M., & Schaffers, H. “Special issue on smart cities and the future Internet in Europe”. Journal of the Knowledge Economy, 4(2), 119-134 (2013). 10. Komninos, N., Pallot, M., & Schaffers, H. “Special issue on smart cities and the future Internet in Europe”. Journal of the Knowledge Economy, 4(2), 119-134 (2013). 11. Lopez de Avila, A. “Smart destinations: XXI century tourism”, Conference on information and communication technologies in tourism, Lugano, Switzerland (2015). 12. Neuhofer, B., Buhalis, D., & Ladkin, A. “Conceptualising technology enhanced destination experiences”, Journal of Destination Marketing and Management, 1(1), 36-46 (2012). 13. Su, K., Li, J., & Fu, H. “Smart city and the applications”. Proceedings of 2011 International Conferenceon Electronics, Communicationsand Control, Zhejiang, pp.1028-1031 (2011). 14. Schaffers, H., Sällström, A., Pallot, M., Hernández-Muñoz, J. M., & Trousse, B., “Integrating living labs with future internet experimental platforms for co-creating services within smart cities”, In International Conference on Concurrent Enterprising, Aachen (2011).
nguon tai.lieu . vn