Xem mẫu

  1. Kỷ yếu Hội nghị KHCN Quốc gia lần thứ XII về Nghiên cứu cơ bản và ứng dụng Công nghệ thông tin (FAIR); Huế, ngày 07-08/6/2019 DOI: 10.15625/vap.2019.00050 QUẢN LÝ QUY TRÌNH XỬ LÝ HỒ SƠ LIÊN TỔ CHỨC TRONG HỆ THỐNG THÔNG TIN DỊCH VỤ CÔNG CỦA CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ Tạ Tuấn Anh1 1 Công ty Cổ phần Phát triển nguồn mở và Dịch vụ FDS anhtt@fds.vn TÓM TẮT: Bài báo trình bày nguyên lý chung về quản lý quy trình nghiệp vụ liên tổ chức trong các hệ thống phân tán. Chúng tôi đã thực hiện thiết kế xây dựng ứng dụng quản lý quy trình xử lý hồ sơ liên tổ chức trong hệ thống phần mềm lõi dịch vụ công trực tuyến OpenCPS. Từ khóa: quản lý quy trình liên tổ chức; hệ thống dịch vụ công, chính phủ điện tử, phần mềm OpenCPS. I. MỞ ĐẦU Phát triển dịch vụ công trực tuyến là một trong những thành phần quan trọng của Chính phủ điện tử. Tổ chức Liên hợp quốc thực hiện đánh giá chỉ số phát triển chính phủ điện tử (EGDI) của các nước dựa trên 3 chỉ số thành phần chính là dịch vụ công trực tuyến (OSI), hạ tầng kĩ thuật (TII) và nguồn nhân lực (HCI). Trên bảng xếp hạng chỉ số EGDI năm 2018, Việt Nam đứng 88 trên danh sách của thế giới, thứ 6 trong khu vực ASEAN. Chính phủ đang phấn đấu nỗ lực để đưa Việt Nam sớm đứng vào tốp 4 trong khu vực về phát triển chính phủ điện tử. Một số hành động cụ thể đã được thể hiện thông qua việc ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như Nghị định 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính [1]; Quyết định 1697/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định thống nhất về chức năng, tính năng kỹ thuật trong xây dựng cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử [2]. Hiện nay các hệ thống dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thông tin một cửa điện tử thường được xây dựng bởi nhiều nền tảng công nghệ, giải pháp kĩ thuật do các nhà cung cấp đưa ra phù hợp trên bài toán nghiệp vụ hoạt động tại một hoặc một nhóm tổ chức cụ thể. Các hồ sơ dịch vụ công thường chỉ được xử lý trên một hệ thống duy nhất. Khi thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính thì hồ sơ không chỉ xử lý bởi một mà có thể nhiều cơ quan và trên nhiều hệ thống khác nhau. Quản lý quy trình xử lý hồ sơ là một thành phần công nghệ lõi của tất cả các hệ thống thông tin dịch vụ công. Việc mô hình hóa quy trình xử lý hồ sơ trên một hệ thống xử lý tập trung có sự khác biệt rất lớn khi phải xử lý phân tán trên các hệ thống của nhiều cơ quan tổ chức khác nhau. Hiện chưa có một mô hình, phương pháp chuẩn thống nhất nào quy định cho việc xử lý hồ sơ theo quy trình cộng tác của nhiều tổ chức trong các hệ thống thông tin dịch vụ công, một cửa điện tử tại Việt Nam. Nó gây ra rất nhiều khó khăn trong quá trình tích hợp liên thông xử lý hồ sơ giữa các hệ thống. Hiện các đơn vị thường tiến hành lập trình, tích hợp theo từng tình huống cụ thể và tốn rất nhiều chi phí để triển khai, duy trì vận hành và nâng cấp hệ thống. Bài báo này trình bày một kết quả nghiên cứu chuẩn hóa mô hình tích hợp các hệ thống thông tin dịch vụ công, một cửa điện tử liên thông dựa trên việc áp dụng các quy trình nghiệp vụ liên tổ chức. Chúng tôi sẽ trình bày trong các mục tiếp theo cụ thể về cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; nguyên lý áp dụng quản lý quy trình liên tổ chức trong các hệ thống phân tán; và thiết kế áp dụng mô hình quản lý quy trình liên tổ chức trong hệ thống phần mềm dịch vụ công trực tuyến OpenCPS. II. HỆ THỐNG THÔNG TIN DỊCH VỤ CÔNG A. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông Mục tiêu của cơ chế một cửa, một cửa liên thông là mang lại sự thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Quá trình giải quyết thủ tục hành chính có thể được phân ra thành các giai đoạn chính gồm: tiếp nhận hồ sơ, thụ lý thẩm tra đánh giá, thực hiện nghĩa vụ tài chính, ra quyết định và trả kết quả. Trước đây người dân và doanh nghiệp khi thực hiện một thủ tục có thể sẽ phải tiếp xúc với nhiều cán bộ ở cơ quan tổ chức khác nhau để giải quyết các loại giấy tờ trong từng công đoạn cụ thể của quy trình giải quyết. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông quy định người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính chỉ phải nộp hồ sơ và nhận kết quả tại một nơi duy nhất được gọi là bộ phận một cửa của cơ quan tổ chức. Hồ sơ sau khi tiếp nhận sẽ được đưa vào quy trình thụ lý nội bộ do một hoặc nhiều cơ quan thực hiện căn cứ trên các quy định của thủ tục do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Cơ chế một cửa làm tăng tính minh bạch và triệt tiêu được sự nhũng nhiễu của cán bộ đối với người dân và doanh nghiệp khi họ không cần phải tiếp xúc trực tiếp với các cán bộ thụ lý hồ sơ.
  2. 394 QUẢN LÝ QUY TRÌNH XỬ LÝ HỒ SƠ LIÊN TỔ CHỨC TRONG HỆ THỐNG THÔNG TIN DỊCH VỤ … Một cửa quốc gia (NSW) [3] là một hệ thống điển hình lớn nhất hiện nay đã triển khai thực hiện cơ chế nêu trên. Người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu và thông quan thì chỉ phải nộp hồ sơ tại một nơi duy nhất là cơ quan hải quan. Hồ sơ sau khi được tiếp nhận trên hệ thống của hải quan sẽ được tự động chuyển xử lý trên hệ thống dịch vụ công của các cơ quan Bộ ngành như Giao thông vận tải, Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,... để thực hiện thụ lý cấp các loại giấy chứng nhận, giấy phép phù hợp cho từng loại hàng hóa. Rõ ràng đây là một hệ thống phân tán được tích hợp để xử lý hồ sơ tại nhiều cơ quan tổ chức khác nhau Nộp hồ sơ DVC BGTVT DVC BYT Một cửa quốc gia DVC BCT (NSW) DVC BNNPTNT Nhận kết quả ... Hình 1. Mô hình xử lý hồ sơ trong hệ thống một cửa quốc gia Quá trình một hồ sơ được xử lý bởi nhiều cơ quan thuộc các lĩnh vực quản lý chuyên ngành khác nhau được gọi là liên thông theo chiều ngang. Trong thực tế hồ sơ cũng có thể được xử lý liên thông theo chiều dọc qua các cấp hành chính từ địa phương đến Trung ương. Ví dụ một hồ sơ về xét duyệt chính sách có thể được tiếp nhận từ cấp xã và được xử lý dần qua các bộ phận của huyện, tỉnh và cuối cùng được ra quyết định ở cấp Trung ương. Hồ sơ khi được chuyển qua xử lý ở cấp đều phải được ghi nhận tại bộ phận một cửa của cơ quan để lưu vết theo dõi tiến trình xử lý hồ sơ. B. Phần mềm lõi dịch vụ công trực tuyến Các hệ thống dịch vụ công trực tuyến trước đây được xây dựng chủ yếu theo phương thức may đo (adhoc). Phần mềm được lập trình chỉ để đáp ứng đúng một mô hình dữ liệu, quy trình nghiệp vụ cụ thể của dịch vụ công cần phải triển khai. Cách tiếp cận này đòi hỏi hệ thống cần phải được nâng cấp, lập trình bổ sung mỗi khi có sự thay đổi về nghiệp vụ, quy trình xử lý. Đặc biệt tốn kém rất nhiều chi phí để triển khai việc tích hợp ứng dụng, liên thông dữ liệu giữa các hệ thống khác nhau. Để khắc phục nhược điểm của cách tiếp cận xây dựng hệ thống theo kiểu may đo cho từng nghiệp vụ cụ thể, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành một quy định thống nhất trong xây dựng cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử. Theo đó phần mềm xây dựng phải có tính tổng quát đáp ứng được sự đa dạng về nghiệp vụ của nhiều thủ tục hành chính khác nhau. Nó cho phép cấu hình, định nghĩa được danh mục thủ tục hành chính và cấu trúc thành phần của bộ hồ sơ được xử lý trong từng thủ tục. Hệ thống khi vận hành có thể thích nghi được với các thay đổi về quy trình xử lý hồ sơ qua các bộ phận mà không đòi hỏi phải thực hiện nâng cấp, lập trình bổ sung. Các yêu cầu trên chỉ đạt được khi hệ thống phần mềm được xây dựng trên nền tảng của hai công nghệ: i) quản lý mô hình hóa quy trình nghiệp vụ (business process modelling); và ii) quản lý định nghĩa biểu mẫu điện tử (e-form) dùng để khai báo dữ liệu. Hình 2. Mô hình triển khai phân tán cổng dịch vụ công, hệ thống một cửa điện tử dựa trên phần mềm lõi
  3. Tạ Tuấn Anh 395 OpenCPS [4] là một phần mềm lõi dịch vụ công đã áp dụng đầy đủ hai công nghệ kể trên để tạo ra khả năng tổng quát hóa cao nhất khi triển khai các hệ thống thông tin dịch vụ công, một cửa điện tử. Đây là phần mềm dịch vụ công đầu tiên ở Việt Nam đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của nguồn mở theo chuẩn quốc tế. Phần mềm có sự tham gia phát triển của cộng đồng và có mã nguồn được quản lý trên kho Github ngay từ những dòng mã đầu tiên. OpenCPS được xây dựng với mục tiêu tạo ra nền tảng hỗ trợ tích hợp dễ dàng các hệ thống dịch vụ công trong nhiều cơ quan để tạo thành một hệ thống liên thông thống nhất. Hình 2 minh họa một mô hình tích hợp tổng thể cổng dịch vụ công, hệ thống một cửa điện tử và các hệ thống xử lý dữ liệu nghiệp vụ trong toàn cơ quan Bộ ngành hoặc tỉnh thành. OpenCPS có thể được triển khai như thành phần lõi dùng để kết nối, tích hợp các hệ thống dựa trên quy trình xử lý hồ sơ liên tổ chức trong mô hình phân tán. III. MÔ HÌNH HÓA QUY TRÌNH XỬ LÝ HỒ SƠ LIÊN TỔ CHỨC A. Mô hình hóa quy trình nghiệp vụ (BPM) Mô hình hóa quy trình nghiệp vụ để xử lý bằng các công cụ tự động mà không cần phải lập trình đã bắt đầu được quan tâm từ lâu trong các hệ thống thông tin cho doanh nghiệp. Ban đầu nó được xuất hiện dưới dạng các ứng dụng quản lý luồng công việc (workflow) của hệ thống thông tin. Người sử dụng có thể định nghĩa các công việc và các dịch chuyển trạng thái để thực hiện các công việc theo một chu trình quy định. Ngày nay mô hình hóa quy trình nghiệp vụ ngày càng được chuẩn hóa thành các ngôn ngữ đặc tả và được thực thi trong các hệ thống quản lý quy trình nghiệp vụ (BPMS). Theo [5], có hai cách tiếp cận chính để xây dựng các hệ thống BPMS. Trong cách tiếp cận thứ nhất quy trình, được mô hình hóa dựa trên đồ thị, trong đó công việc được định nghĩa như là các nút và chu trình được biểu diễn bằng các mũi tên dịch chuyển giữa các nút. Ở cách tiếp cận còn lại, quy trình nghiệp vụ được mô hình hóa dưới dạng các bộ luật E-C-A. Luật nêu rõ khi một sự kiện (E) xảy ra, điều kiện (C) được thỏa mãn thì thực hiện thao tác (A). Hiện nay, hầu hết các hệ thống BPMS được triển khai trong thực tế đều dựa trên cách tiếp cận đồ thị vì nó trực quan dễ sử dụng. Cách tiếp cận bộ luật E-C-A thường được áp dụng trong thiết kế nghiệp vụ để tạo ra các trigger đảm bảo tính nhất quán của thông tin trong các cơ sở dữ liệu. Trong nghiên cứu khảo sát [6], một phân loại các chuẩn BPM được định nghĩa bao gồm ngôn ngữ đồ họa (Graphic), ngôn ngữ trao đổi (Interchange), thực thi (Execution) và giám sát (Diagnosis). Các chuẩn đang được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là BPMN [7] cho ngôn ngữ đồ họa, XPDL [8] cho ngôn ngữ trao đổi và BPEL [9] cho thực thi. B. Quy trình xử lý hồ sơ liên tổ chức Trong mô hình của hệ thống phân tán, có nhiều tổ chức khác nhau cùng tham gia vào quá trình xử lý hồ sơ. Khi đó quy trình nghiệp vụ được mô hình hóa không chỉ để thực thi trên một hệ thống tập trung mà sẽ trên hai hoặc nhiều hệ thống khác nhau. Hình 3 minh họa một quy trình đơn giản xử lý hồ sơ với các bước tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ được thực hiện tại một hệ thống và các bước thụ lý, phê duyệt, bàn giao kết quả được thực hiện tai một hệ thống khác. Để thực hiện quy trình này thì phương án thô sơ nhất là thực hiện tích hợp hai hệ thống theo mô hình B2B (business-to-business). Một gói tin sẽ được trao đổi giữa hai hệ thống tại các bước có sự chuyển dịch từ hệ thống này sang hệ thống khác (ví dụ từ bước giao hồ sơ sang bước thụ lý hoặc từ bước giao kết quả sang bước trả kết quả). Định dạng dữ liệu dùng để trao đổi gói tin có thể áp dụng theo chuẩn EDI hoặc XML. Nhận HS Thẩm tra Gói tin Phê duyệt Gói tin Trả KQ Bàn giao KQ Một cửa tiếp nhận Cơ quan thụ lý Hình 3. Một quy trình xử lý hồ sơ được thực hiện phân tán thông qua trao đổi gói tin Phương pháp thực thi quy trình dựa trên việc trao đổi gói tin có ưu điểm là dễ hiểu và rõ ràng trong cài đặt triển khai. Tuy nhiên nó có nhược điểm là thiếu tính tổng quát, giao tiếp giữa các hệ thống dễ bị thay đổi khi có
  4. 396 QUẢN LÝ QUY TRÌNH XỬ LÝ HỒ SƠ LIÊN TỔ CHỨC TRONG HỆ THỐNG THÔNG TIN DỊCH VỤ … sự thay đổi quy trình nghiệp vụ. Khi đó có thể sẽ phải định nghĩa và lập trình lại các gói tin được trao đổi giữa các hệ thống. Để khắc phục hạn chế này, một giải pháp tổng quát được xây dựng dựa trên việc định nghĩa và thực thi một quy trình nghiệp vụ cộng tác (collaborative business process). Khác với quy trình được thực hiện trên một hệ thống tập trung, một quy trình cộng tác sẽ tác động tới nhiều bên tham gia. Mỗi sự thực thi của quy trình cộng tác sẽ tạo ra một tập các tiến trình chạy bởi bộ quản lý quy trình của các bên tham gia. Các tiến trình tạo ra có thể chia sẻ cùng một định nghĩa quy trình nhưng chúng có thể sở hữu dữ liệu khác nhau và có thêm các định nghĩa quy trình con. Hình 4. Mô hình các tiến trình của quy trình cộng tác được thực thi độc lập bởi nhiều bên tham gia, nguồn [10] Hình 4 là một ví dụ minh họa thể hiện một quy trình cộng tác có sự tham gia của hai đối tác. Quy trình này được kích hoạt chạy bởi hai tiến trình khác nhau. Tiến trình của bên A kế thừa toàn bộ các bước quy trình công tác, đồng thời có thêm một tiến trình con tại bước thực hiện số 3 trong quy trình. Các tiến trình thực hiện quy trình cộng tác sẽ được đồng bộ trạng thái một cách tự động bởi bộ thực thi quy trình (CPM) của hai bên. IV. QUẢN LÝ QUY TRÌNH CỘNG TÁC TRONG HỆ THỐNG PHẦN MỀM DỊCH VỤ CÔNG OPENCPS Như đã trình bày, OpenCPS là một phần mềm lõi tạo ra nền tảng hỗ trợ triển khai tích hợp các hệ thống dịch vụ công được xây mới hoặc đang vận hành một cách dễ dàng và nhanh chóng. Quy trình xử lý hồ sơ dịch vụ công trên hệ thống tích hợp có thể là tập trung tại một cơ quan, nhưng cũng có thể tại nhiều cơ quan theo mô hình một cửa liên thông. Nghiệp vụ xử lý hồ sơ thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước rất đa dạng. Việc tích hợp hệ thống theo mô hình B2B sử dụng các gói tin xử lý theo quy trình sẽ không bảo đảm được tính đầy đủ và tổng quát để đáp ứng được hết các tình huống phát sinh trong thực tế khi triển khai. Chính vì vậy, tác giả đã lựa chọn cách tiếp cận xây dựng bộ quản lý mô hình hóa quy trình cộng tác CPM trong hệ thống phần mềm. Một bộ quản lý quy trình đặc thù được thiết kế để áp dụng chuyên dùng cho lĩnh vực dịch vụ công. Tác giả không sử dụng các chuẩn mô hình hóa quy trình nghiệp vụ dạng tổng quát như BPMN, BPEL để xây dựng hệ thống phần mềm vì các ứng dụng đòi hỏi phải tích hợp sẵn rất nhiều các thao tác nghiệp vụ kết hợp với dữ liệu hồ sơ theo lĩnh vực đặc thù của dịch vụ công. Ngoài ra, hiện nay cũng chưa có chuẩn và công cụ phần mềm sẵn có hỗ trợ mô hình hóa và thực thi các quy trình cộng tác như yêu cầu đặt ra. Khi thiết kế xây dựng bộ quản lý thực thi quy trình nghiệp vụ trong hệ thống phần mềm dịch vụ công OpenCPS, tác giả đã nghiên cứu tìm ra giải pháp giải quyết các yêu cầu đặc thù (không có sẵn trong các mô hình tổng quát) như sau: ● Quản lý cấp phát mã số hồ sơ, ngày hẹn trả và cảnh báo thời hạn thực hiện tại các bước trong quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ; ● Tích hợp sẵn các thao tác xử lý dữ liệu trên hồ sơ dịch vụ công để có thể cấu hình trong quy trình, ví dụ tạo một mô tả tóm tắt nội dung hồ sơ dựa trên dữ liệu khai báo form điện tử; ● Tích hợp sẵn các loại sự kiện có thể cấu hình tác động tới luồng công việc trong quy trình xử lý hồ sơ, ví dụ khi hồ sơ quá hạn xử lý, kiểm tra tình trạng thanh toán của hồ sơ,...; ● Quản lý cấu hình việc sinh các mẫu văn bản hành chính trong quá trình giải quyết hồ sơ như thông báo yêu cầu bổ sung, thông báo từ chối giải quyết, văn bản xin lỗi chậm hạn trả kết quả,...; ● Quản lý cấu hình phí, lệ phí và phương thức xử lý thanh toán (tiền mặt, điện tử) trong quy trình giải quyết hồ sơ; ● Quản lý cấp phát mã giấy tờ kết quả, lưu dữ liệu kết quả sau khi thực hiện xử lý vào CSDL nghiệp vụ để phục vụ công tác quản lý chuyên ngành. Tác giả đã thiết kế một phương án cài đặt đơn giản nhưng hiệu quả để thực thi mô hình quản lý quy trình cộng tác. Cài đặt này cho phép thực hiện đồng bộ thông tin giữa các tiến trình thực hiện quy trình cộng tác theo mô hình ngang hàng (peer-to-peer). Có hai phương thức dùng để trao đổi đồng bộ thông tin giữa các tiến trình là i) gọi dịch vụ
  5. Tạ Tuấn Anh 397 API; hoặc ii) trao đổi gói tin (tích hợp B2B). Như vậy hệ thống được cài đặt có thể tích hợp được với tất cả các hệ thống cũ ngay cả khi chúng không có bộ thực thi cho quản lý quy trình cộng tác (CPM). Các hệ thống này chỉ cần được nâng cấp để cung cấp các dịch vụ API hoặc khả năng xử lý trao đổi gói tin theo đúng mẫu giao tiếp của bộ quản lý quy trình cộng tác. Cơ chế này có ưu điểm cho phép mở rộng tích hợp quy trình nghiệp vụ không chỉ giữa các hệ thống dịch vụ công mà còn với các hệ thống khác, ví dụ như hệ thống quản lý xử lý văn bản trong cơ quan nhà nước. V. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC Quản lý quy trình xử lý hồ sơ là một thành phần cốt lõi của các hệ thống thông tin dịch vụ công. Nghiên cứu đã chỉ ra cách tiếp cận tích hợp nghiệp vụ các hệ thống thông tin dịch vụ công bằng công cụ quản lý quy trình cộng tác. Cách tiếp cận này đã được áp dụng để phát triển phần mềm lõi dịch công OpenCPS và đã được triển khai sử dụng trong thực tiễn. Phần mềm nguồn mở OpenCPS đã được khai thác sử dụng ở hai dự án là: i) xây dựng cổng dịch vụ công tích hợp Bộ Giao thông Vận tải (GTVT); và xây dựng hệ thống dịch vụ công trực tuyến tỉnh Sơn La. Ở cả hai dự án này đều đòi hỏi việc tích hợp với các hệ thống phần mềm khác. Cụ thể ở dự án của Bộ GTVT, cổng dịch vụ công đã được tích với các hệ thống nghiệp vụ sẵn có của các cục Đường thủy, Đăng kiểm, Hàng không, Hàng hải, Đường sắt và Tổng cục Đường bộ. Tại dự án của tỉnh Sơn La, cổng dịch vụ công đã được triển khai tích hợp với phần mềm một cửa điện tử ePar. Hình 5. Cổng dịch vụ công Bộ GTVT được xây dựng bằng phần mềm OpenCPS. Các hệ thống tích hợp trên hiện nay đã được sử dụng trong thực tế và đem lại những hiệu quả thiết thực cho công tác quản lý và phát triển chính phủ điện tử của đơn vị. Căn cứ theo Nghị định 61 của Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương sẽ phải xây dựng một hệ thống cổng dịch vụ công, một cửa điện tử liên thông thống nhất. Nền tảng công nghệ OpenCPS đã sẵn sàng để có thể thực hiện nâng cấp trong một thời gian ngắn hệ thống của hai đơn vị trên đáp ứng các yêu cầu của Nghị định 61. Quản lý quy trình cộng tác là một cách tiếp cận tốt để xây dựng nền tảng tích hợp nghiệp vụ cho các hệ thống trong chính phủ điện tử. Các kết quả triển khai trong OpenCPS đã tạo ra một mình chứng ban đầu về hiệu quả của cách tiếp cận này. Trong thời gian tiếp theo sẽ cần có thêm các nghiên cứu chuyên sâu để xây dựng ngôn ngữ mô hình hóa dạng đồ họa, ngôn ngữ trao đổi và ngôn ngữ thực thi cho bộ quản lý quy trình cộng tác chuyên dùng. Từ đó có thể hình thành nên các chuẩn và nền tảng công nghệ giúp đẩy nhanh quá trình triển khai, tích hợp liên thông nghiệp vụ các hệ thống thông tin trong chính phủ điện tử. VI. LỜI CẢM ƠN Tác giả xin chân thành cảm ơn Quỹ Đổi mới Công nghệ Quốc gia (NATIF) đã tài trợ nghiên cứu này thông qua đề tài “Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ nguồn mở xây dựng hệ thống phần mềm lõi dịch vụ công trực tuyến OpenCPS phù hợp Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam”, mã số NATIF.TT.06.ĐT/2017. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] “Thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính”, Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 23/04/2018
  6. 398 QUẢN LÝ QUY TRÌNH XỬ LÝ HỒ SƠ LIÊN TỔ CHỨC TRONG HỆ THỐNG THÔNG TIN DỊCH VỤ … [2] “Ban hành bộ tiêu chí, quy định thống nhất về chức năng, tính năng kỹ thuật trong xây dựng cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử (phiên bản 1.0)", Quyết định 1697/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngày 23/10/2018. [3] Cổng thông tin một cửa quốc gia, truy cập: https://vnsw.gov.vn/. [4] Phần mềm lõi dịch vụ công trực tuyến, truy cập: https://opencps.vn/. [5] Ruopeng Lu and Shazia Sadiq, “A Survey of Comparative Business Process Modeling Approaches”, Business Information Systems: 10th International Conference, BIS 2007, Poznan, Poland, April 25-27, 2007. Proceedings (pp.82-94). [6] Ryan K.L. Ko, Stephen S.G. Lee, and Eng Wah Lee, “Business process management (BPM) standards: a survey”, Business Process Management Journal, Vol. 15 No. 5, 2009, pp. 744-791, Emerald Group Publishing Limited, DOI 10.1108/14637150910987937J. [7] Business Process Modeling Notation (BPMN), OMG, Needham, MA, available at: http://www.bpmn.org. [8] XML Process Definition Language (XPDL), available at: http://www.xpdl.org/. [9] Web Services Business Process Execution Language (WSBPEL), available at: https://www.oasis- open.org/committees/wsbpel/. [10] Chen Qiming and Hsu Meichun, “Inter-enterprise collaborative business process management”. Proceedings International Conference on Data Engineering, 2001, pp. 253-260, DOI 10.1109/ICDE.2001.914836. INTER-ORGANIZATION BUSINESS PROCESS MANAGEMENT FOR BUILDING ONLINE SERVICES IN E-GOVERNMENT Ta Tuan Anh ABSTRACT: In this paper, we describe the principle of inter-organization collaborative business process management in distributed systems. We followed this approach to build a collaborative process management engine for online services in OpenCPS.
nguon tai.lieu . vn