Xem mẫu

  1. XÁC ĐỊNH PHẠM VI CỦA ỦY QUYỀN LẬP PHÁP THEO HIẾN PHÁP NĂM 2013 ThS. Lê Thị Minh Thƣ Khoa Luật, trường Đại học Công nghệ TP.Hồ Chí Minh (HUTECH) TÓM TẮT Theo Hiến pháp 2013, Quốc hội nước ta là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền lập pháp. Quốc hội có quyền ban hành các đạo luật thông qua hoạt động “làm luật và sửa đổi luật”, bên cạnh đó Quốc hội còn có quyền ủy quyển lập pháp và kiểm soát hoạt động ủy quyền lập pháp. Hiện nay, thuật ngữ “ủy quyền lập pháp” chưa được quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật, còn có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Trong bài viết này, tác giả phân tích về thuật ngữ quyền lập pháp, ủy quyền lập pháp và xác định phạm vi của ủy quyền lập pháp. Từ khóa: Kiểm soát, phạm vi, quyền lập pháp, quyền hành pháp, ủy quyền lập pháp. 1. QUYỀN LẬP PHÁP THEO HIẾN PHÁP 2013 Theo Hiến pháp 2013, tại Khoản 3 Điều 2 có đề cập đến “quyền lập pháp”, khi diễn giải nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất đã ghi nhận: “có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Tại Điều 69 khi xác định vị trí pháp lý của Quốc hội, Hiến pháp 2013 cũng quy định: “Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp”. Căn cứ vào những quy định trên thì Hiến pháp 2013 chưa quy định rõ quyền lập pháp là gì. Sau khi Điều 69 quy định Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập pháp, thì tại Khoản 1 Điều 70 quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội, theo đó Quốc hội có thẩm quyền “làm luật và sửa đổi luật”. Như vậy, căn cứ theo những quy định của Hiến pháp, chúng ta có thể hiểu quyền lập pháp là quyền làm luật và sửa đổi luật. So với Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung 2001) thì Hiến pháp 2013 có điểm mới là bỏ đi cụm từ “duy nhất”, tức là không còn khẳng định “Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập pháp”. Điểm mới này phù hợp với thực tiễn về việc thực hiện quyền lập pháp của Quốc hội nước ta, vì đa số các đạo luật do Quốc hội ban hành là được xây dựng, được soạn thảo bởi Chính phủ (thông qua các Bộ và Cơ quan ngang bộ), ngoài ra còn có các chủ thể khác (như là Tòa án, Viện Kiểm sát…). Nhiệm vụ của cơ quan lập pháp trong một quốc gia là bảo đảm cho quốc gia có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đầy đủ để bảo vệ quyền con người, bảo vệ sự công bằng, dân chủ và bảo vệ công lý. Qua thực tiễn đã chứng minh rằng, cơ quan lập pháp không thể là chủ thể duy nhất ban hành các đạo luật để xây dựng nên hệ thống pháp luật của quốc gia. Chính vì điều này đã hình thành nên vấn đề “ủy quyền lập pháp”. 2. PHẠM VI ỦY QUYỀN LẬP PHÁP THEO HIẾN PHÁP 2013 Theo nghiên cứu của các học giả trong khoa học pháp lý của Viện Nam, thì có hai cách tiếp cận về khái niệm “ủy quyền lập pháp”. Cách tiếp cận thứ nhất, phân biệt giữa ủy quyền lập pháp và quyền lập quy của các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền. Ủy quyền lập pháp có nghĩa là Quốc hội hay Ủy ban thường vụ Quốc hội giao đi 116
  2. quyền làm luật hay pháp lệnh. Nói một cách khái quát thì ủy quyền lập pháp có nghĩa là giao hết quyền lập pháp trong một lĩnh vực cho một chủ thể khác không phải là Quốc hội – cơ quan lập pháp quốc gia – thực hiện [1]. Cách tiếp cận thứ hai, cho rằng ủy quyền lập pháp là trường hợp Quốc hội ủy quyền cho Chính phủ, các bộ và các cơ quan nhà nước khác như Tòa án, Viện kiểm sát hoặc thậm chí các tổ chức chính trị - xã hội ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Quốc hội có quyền lập pháp song không phải là cơ quan duy nhất thực hiện hoạt động lập pháp mà có thể ủy quyền cho cơ quan khác thực hiện. Mục đích của ủy quyền lập pháp là bảo đảm tính ổn định tương đối của các văn bản pháp luật trong khi vẫn điều chỉnh được những quan hệ đa dạng của đời sống xã hội. Theo nhóm quan điểm này, lập pháp ủy quyền sẽ đồng nhất với ban hành văn bản pháp quy [2]. Xét về cơ sở pháp lý, thì thuật ngữ “ủy quyền lập pháp” chưa được ghi nhận chính thức trong Hiến pháp 2013 và trong các văn bản quy phạm pháp luật khác. Như vậy, trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam hiện nay và trong khoa học pháp lý cũng chưa có khái niệm thống nhất về ủy quyền lập pháp. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 74 thì Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) có thẩm quyền “Ra pháp lệnh về những vấn đề được Quốc hội giao”. Khoản 1 Điều 88 quy định Chủ tịch nước có những nhiệm vụ và quyền hạn “đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét lại pháp lệnh trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày pháp lệnh được thông qua, nếu pháp lệnh đó vẫn được Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành mà Chủ tịch nước vẫn không nhất trí thì Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất”. Từ quy định này, chúng ta thấy rằng Quốc hội ủy quyền lập pháp cho UBTVQH ban hành pháp lệnh và Chủ tịch nước có vai trò “kiểm soát” đối với văn bản pháp lệnh do UBTVQH ban hành. Quốc hội uỷ quyền lập pháp cho UBTVQH là cơ quan thường trực của Quốc hội ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới hình thức pháp lệnh là cần thiết, vì Quốc hội nước ta hoạt động không thường xuyên, một năm họp hai kỳ, mà yêu cầu ban hành văn bản quy phạm pháp luật rất nhiều. Pháp lệnh là một loại văn bản quy phạm pháp luật đặc biệt trong hệ thống pháp luật của nước ta. Xét về hiệu lực pháp lý, thì Pháp lệnh có hiệu lực thấp hơn luật và cao hơn các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật (như Nghị định, Thông tư…). UBTVQH ban hành pháp lệnh để quy định những vấn đề được Quốc hội giao, như vậy có thể hiểu những lĩnh vực mà chưa có luật điều chỉnh thì UBTVQH sẽ ban hành pháp lệnh, lúc này pháp lệnh sẽ có hiệu lực pháp lý cao nhất trong các văn bản thuộc lĩnh vực mà pháp lệnh điều chỉnh. Ngoài ra, Hiến pháp 2013 cũng có quy định về quyền ban hành văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành văn bản pháp luật để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, kiểm tra việc thi hành các văn bản đó và xử lý các văn bản trái pháp luật theo quy định của luật (Điều 100); Lệnh của Chủ tịch nước (Điều 91); Nghị quyết của Hội đồng nhân dân (Khoản 2 Điều 113); văn bản của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Khoản 4 Điều 74). Như vậy, Hiến pháp 2013 không quy định cụ thể rằng Quốc hội uỷ quyền lập pháp cho các chủ thể này ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhưng việc Quốc hội uỷ quyền lập pháp cho các chủ thể này ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết, vì nhằm mục đích chi tiết hóa và cụ thể hóa những đạo luật do Quốc hội ban hành. Như vậy, có thể khẳng định rằng, việc uỷ quyền lập pháp là cần thiết, thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta hiện nay đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với hệ thống pháp luật. Có những lĩnh vực yêu cầu quy định của pháp luật điều chỉnh mức độ chuyên sâu hơn. Ví dụ như vấn đề an toàn thực phẩm, đây là vấn đề rất nóng tại các kỳ họp của Quốc hội trong thời gian vừa qua: “Trong những năm gần đây, nền kinh tế của nước ta chuyển sang cơ chế thị trường, thực phẩm sản xuất, chế biến trong nước và nước ngoài nhập vào Việt Nam ngày càng nhiều chủng loại. Từ đó, đã xuất hiện hành vi sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật không theo đúng quy định gây ô nhiễm nguồn nước; để lại tồn dư các hóa chất trong thực phẩm; sử dụng các chất phụ gia trong sản xuất bị lạm dụng; tình hình sản xuất thức ăn, đồ uống giả, không đảm bảo chất 117
  3. lượng và không theo đúng thành phần nguyên liệu cũng như quy trình công nghệ đã đăng ký với cơ quan quản lý. Ở Việt Nam, tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm ở Việt Nam diễn ra khá nghiêm trọng ở một số địa phương. Trung bình mỗi năm có khoảng gần 170 vụ với hơn 5.000 người mắc và hơn 27 người chết do ngộ độc thực phẩm.Giai đoạn 2011 – 2016 đã ghi nhận 7 bệnh truyền qua thực phẩm, làm hơn 4 triệu người mắc bệnh khiến 123 người chết. Bệnh ung thư mỗi năm khiến 70.000 người chết và hơn 200.000 ca phát hiện mới. Trong đó, có một phần nguyên nhân từ sử dụng thực phẩm không an toàn.Điều tra của Hiệp hội Ung thư thế giới cũng cho thấy, có 35% ca mắc bệnh ung thư có nguồn gốc từ thực phẩm không an toàn và có thể phòng được. Còn theo thống kê của Bộ Y tế, trong 10 nguyên nhân gây tử vong thì nguyên nhân do vi sinh vật gây bệnh đường ruột đứng thứ 2. Số liệu của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho thấy, trong 5 năm (2011-2015), mỗi năm Việt Nam chi khoảng nửa tỷ USD để nhập khẩu về khoảng 100 nghìn tấn thuốc bảo vệ thực vật với 4.100 loại thương phẩm khác nhau thuộc 1.643 hoạt chất hóa học để sản xuất thuốc trừ sâu hóa học. Cùng với đó, nhiều loại hóa chất cấm vẫn được nhập lậu như Phospho hữu cơ, Clo hữu cơ, Wofatox, Monitos, Kelthane… là một trong những vấn đề đáng lo ngại hiện nay. Như vậy, có thể thấy thực trạng thực phẩm bẩn hiện nay đã tới mức báo động đỏ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển ngành nông nghiệp mà còn đe dọa sức khỏe và cả tính mạng của cộng đồng”[3]. Do đó, để điều chỉnh vấn này cần có những văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết về hàm lượng hóa chất trong thực phẩm, trong thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản thức ăn, quy trình sản xuất và kiểm soát hoạt động kinh doanh, quy định về trách nhiệm của cơ quan và cá nhân có liên quan, v.v… Tất cả những yêu cầu cấp bách mang tính thực tiễn và khách quan đó cho thấy Quốc hội không thể tự mình xậy dựng toàn bộ văn bản quy phạm luật trong hệ thống pháp luật để điều chỉnh những quan hệ xã hội trong đời sống. 3. KẾT LUẬN Như đã phân tích, Hiến pháp 2013 quy định Quốc hội ủy quyền lập pháp cho UBTVQH ban hành pháp lệnh và Chủ tịch nước có vai trò “kiểm soát” đối với văn bản pháp lệnh do UBTVQH ban hành, quy định về quyền ban hành văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng nhân dân. Như vậy, Hiến pháp 2013 không quy định về phạm vi ủy quyền, nội dung ủy quyền, trường hợp cơ quan được uỷ quyền vậy có được ủy quyền tiếp cho cấp dưới ban hành văn bản quy phạm pháp luật hay không. Hiện nay, những vấn đề này đã được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, cụ thể tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 11: “Văn bản quy phạm pháp luật phải được quy định cụ thể để khi có hiệu lực thì thi hành được ngay. Trong trường hợp văn bản có điều, khoản, điểm mà nội dung liên quan đến quy trình, quy chuẩn kỹ thuật và những nội dung khác cần quy định chi tiết thì ngay tại điều, khoản, điểm đó có thể giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định chi tiết. Văn bản quy định chi tiết chỉ được quy định nội dung được giao và không được quy định lặp lại nội dung của văn bản được quy định chi tiết”; “Cơ quan được giao ban hành văn bản quy định chi tiết không được ủy quyền tiếp”. Qua quy định này cho thấy, chỉ được ban hành quy định chi tiết trong phạm vi được ủy quyền, cơ quan được giao quy định chi tiết văn bản quy phạm pháp luật cấp trên không được ủy quyền tiếp. 118
  4. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Hoàng Văn Tú, Một số vấn đề cần làm rõ về quyền lập pháp của Quốc hội. Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 11 – 2002, tr12-18). [2] Lương Minh Tuấn. Cần có qy định về ủy quyền lập pháp trong Hiến pháp. Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 10, 2001, tr.67-70. [3] Xem: Lương Minh Tuấn. Cần có qy định về ủy quyền lập pháp trong Hiến pháp. Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 10, 2001, tr.67-70. [4] Hiến pháp năm 2013. [5] Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015. 119
nguon tai.lieu . vn