Xem mẫu

  1. VẤN ĐỀ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TRONG CÁC MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Ths. Dương Minh Tuấn Ks. La Văn Ngọ Ks. Đỗ Tuấn Phương Trung tâm An toàn giao thông Viện Khoa học và Công nghệ GTVT TÓM TẮT: Phát triển bền vững là một trong những xu hướng chính mà Liên hợp quốc và các quốc gia trên thế giới đang từng bước tiến hành thông qua việc thúc đẩy thực hiện hệ thống 17 nhóm mục tiêu phát triển bền vững với 169 mục tiêu cụ thể và hàng trăm các chỉ số cần đạt được trong rất nhiều lĩnh vực nhằm hướng tới một tương lai tốt đẹp, bình đẳng, ổn định, thịnh vượng cho tất cả mọi đối tượng. Bài viết này sẽ giới thiệu chi tiết về các mục tiêu liên quan đến vấn đề an toàn giao thông đường bộ trong hệ thống các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và một số giải pháp để cải thiện vấn đề an toàn đường bộ. Từ khóa: Phát triển bền vững; An toàn giao thông; An toàn giao thông và sự phát triển bền vững; Các mục tiêu phát triển bền vững; Giải pháp cải thiện an toàn giao thông. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Sự phát triển bền vững có thể được hiểu đơn giản là sự phát triển mang tính ổn định, hài hòa, phát triển đáp ứng được các nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu đó của các thế hệ tương lai, hướng tới sự kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với các vấn đề văn hóa, xã hội và môi trường. Mục tiêu của sự phát triển bền vững là nhằm phát triển kinh tế một cách lành mạnh, hợp lý, an toàn, tạo ra sự công bằng, bình đẳng cho tất cả mọi người trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, xóa đói, giảm nghèo, bình đẳng giới, khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, đảm bảo môi trường sống an toàn, trong sạch, lành mạnh. Vấn đề phát triển bền vững là một trong những mối quan tâm hàng đầu của thế giới và là một trong những chương trình nghị sự quan trọng và liên tục của Liên hợp quốc. Đây là một vấn đề có tính lịch sự lâu dài và được trú trọng trong những năm gần đây với nhiều hoạt động thúc đẩy mạnh mẽ của Liên hợp quốc. Mốc thời gian và sự kiện quan trọng nhất là vào tháng 09/2015, tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về sự phát triển bền vững, Chương trình nghị sự 2030 về sự phát triển bền vững được Liên hợp quốc và các quốc gia thành viên thông qua với 17 nhóm mục tiêu trọng điểm và 169 các mục tiêu cụ thể liên quan cho từng nhóm mục tiêu (169 mục tiêu cụ thể này được thông qua trong năm 2016, sau đó vào năm 2017 hàng loạt các chỉ số cần đạt được đã được ban hành cho tất cả các mục tiêu cụ thể). Nội dung 17 nhóm mục tiêu này có thể được trình bày và tóm tắt như sau: 1. Chấm dứt sự nghèo khó (mọi dạng và mọi nơi); 111
  2. 2. Chấm dứt sự đói kém và đạt được an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng, thúc đẩy nông nghiệp bền vững; 3. Đảm bảo đời sống khỏe mạnh. Thúc đẩy cuộc sống hạnh phúc cho mọi người, mọi lứa tuổi; 4. Đảm bảo nền giáo dục chất lượng, bình đẳng, tổng thể và thúc đẩy cơ hội học tập lâu dài cho tất cả mọi người; 5. Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ; 6. Đảm bảo cung cấp nước sạch, phát triển bền vững công tác quản lý nước sạch và hệ thống xử lý nước thải cho tất cả mọi người; 7. Đảm bảo khả năng tiếp cận các nguồn năng lượng đầy đủ, tin cậy, bền vững, hiện đại cho tất cả mọi người; 8. Thúc đẩy sự phát triển kinh tế ổn định, đồng bộ, bền vững, việc làm đầy đủ và hiệu quả, công việc tốt cho tất cả mọi người; 9. Xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững, thúc đẩy nền công nghiệp hóa đồng bộ, bền vững; 10. Giảm thiểu sự bất bình đẳng giữa các quốc gia; 11. Xây dựng thành phố và khu dân cư đồng bộ, an toàn, bền vững; 12. Đảm bảo các mô hình tiêu thụ và sản xuất bền vững, có trách nhiệm; 13. Thực hiện các hành động cấp bách chống lại biến đổi khí hậu và các tác động của nó; 14. Giữ gìn và khai thác bền vững các nguồn tài nguyên biển; 15. Bảo vệ, phục hồi và thúc đẩy việc khai thác bền vững các hệ sinh thái trên cạn, quản lý bền vững rừng, chống lại tình trạng sa mạc hóa, sự mất cân bằng và suy thoái đất đai, sự mất cân bằng đa dạng sinh học; 16. Thúc đẩy xã hội đồng bộ và hòa bình, cung cấp khả năng tiếp cận sự bình đẳng cho tất cả mọi người, xây dựng thể chế đồng bộ, có trách nhiệm, hiệu quả tại tất cả các cấp độ; 17. Tăng cường các phương pháp thực hiện và đổi mới sự hợp tác quốc tế. Các mục tiêu này bao quát tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, trú trọng thúc đẩy sự phát triển tổng thể, toàn diện, bình đẳng, bền vững, hướng tới sự phát triển ổn định, thịnh vượng cho tất cả mọi đối tượng. Có thể thấy đây là một trong những chương trình đầy tham vọng nhưng rất nhân văn và tốt đẹp, phù hợp để thúc đẩy và triển khai trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển, đây là một thời điểm và cơ hội để nhìn nhận một cách tổng thể và toàn diện các khía cạnh và xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển hợp lý và hiệu quả hơn. Hiện nay, Giao thông vận tải là một trong những lĩnh vực quan trọng liên quan trực tiếp đến sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong đó việc kiềm chế, giảm thiểu tai nạn và các hậu quả của tai nạn giao thông là một trong những khía cạnh chính trong việc đảm bảo sự phát triển ổn định, bền vững của ngành Giao thông vận tải. 112
  3. Tai nạn giao thông hiện nay đã trở thành một trong những vấn đề mang tính toàn cầu. Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới, mỗi năm thế giới có gần 1,5 triệu người chết và 50 triệu người bị thương do tai nạn giao thông đường bộ. Số ca tử vong do tai nạn giao thông đường bộ xếp thứ 8 trong các nguyên nhân gây tử vong cho con người ở mọi lứa tuổi và dẫn đầu về tỷ lệ tử vong cho trẻ em và người trẻ tuổi trong độ tuổi từ 05-29. Một nửa số người chết vì tai nạn giao thông là các đối tượng dễ bị tổn thương như người đi xe đạp, xe máy và người đi bộ. 93% số vụ tử vong do tai nạn tại các nước thu nhập thấp và trung bình, nơi chiếm 60% lượng phương tiện đăng ký. Do đó, để đảm bảo sự phát triển bền vững, vấn đề an toàn giao thông đường bộ được Liên hợp quốc xem xét là một trong những vấn đề quan trọng trong 17 nhóm mục tiêu của sự phát triển bền vững với các mục tiêu cụ thể, trực tiếp và các mục tiêu gián tiếp, liên đới, có tác động tới việc cải thiện an toàn giao thông đường bộ. 2. VẤN ĐỀ AN TOÀN GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ TRONG CÁC MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG Vấn đề an toàn giao thông đường bộ trong các mục tiêu phát triển bền vững được đề cập trực tiếp thông qua 02 mục tiêu cụ thể thuộc 02 nhóm mục tiêu lớn, bao gồm: - Mục tiêu 3.6 thuộc nhóm mục tiêu số 03: Giảm thương vong do tai nạn giao thông đường bộ, và: - Mục tiêu 11.2: Đến năm 2030, cung cấp khả năng tiếp cận hệ thống giao thông an toàn, giá cả phải chăng, bền vững và dễ tiếp cận đối với tất cả mọi người, cải thiện an toàn đường bộ, đặc biệt là bằng cách mở rộng giao thông công cộng, quan tâm đến nhu cầu của những người dễ bị tổn thương, phụ nữ, trẻ em, những người khuyết tật và người lớn tuổi. Để giảm thiểu thương vong do tai nạn giao thông (mục tiêu số 3.6), tháng 11/2017, Liên hợp quốc đã thông qua 12 mục tiêu định hướng cụ thể (mang tính tự nguyện áp dụng cho các quốc gia) cho vấn đề an toàn giao thông đường bộ, các mục tiêu này có thể được tóm tắt như sau: - Năm 2020: Tất cả các quốc gia thực hiện Kế hoạch hành động an toàn đường bộ quốc gia đa dạng, toàn diện với các mục tiêu gắn với các mốc thời gian cụ thể; - Tới năm 2030, tất cả các quốc gia đồng ý với một hoặc nhiều điểm cốt lõi trong các văn kiện pháp lý liên quan của Liên hợp quốc về an toàn đường bộ; - Tới năm 2030, tất cả các tuyến đường mới xây dựng đạt được các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn cho tất cả các đối tượng sử dụng hoặc đạt được mức độ an toàn 3 sao trở lên; - Năm 2030, hơn 75% các tuyến đường bộ hiện hữu đạt được các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn cho tất cả đối tượng sử dụng; - Năm 2030, 100% phương tiện mới (sản xuất mới, bán, nhập khẩu) và đang sử dụng đạt được các tiêu chuẩn chất lượng cao, như các tiêu chuẩn liên hợp quốc khuyến cáo ưu tiên, quy định kỹ thuật toàn cầu hoặc các tiêu chuẩn quốc gia tương đương; - Năm 2030, giảm một nửa tổng phương tiện vận tải vượt quá tốc độ giới hạn và đạt được sự giảm tốc độ liên quan tới chấn thương nặng và tử vong; 113
  4. - Năm 2030, tăng tỷ lệ người sử dụng xe máy sử dụng đúng mũ bảo hiểm, tiến tới tỷ lệ 100%; - Năm 2030, tăng tỷ phần người sử dụng xe ô tô sử dụng dây an toàn hoặc hệ thống giữ trẻ tiêu chuẩn, tiến tới tỷ lệ 100%; - Năm 2030, giảm một nửa số lượng thương vong và tử vong liên quan đến sử dụng đồ uống có cồn và/hoặc sử dụng các chất có tác động đến trí não; - Năm 2030, tất cả các quốc gia có các điều luật cấm hoặc hạn chế sử dụng điện thoại trong khi lái xe; - Năm 2030, tất cả các quốc gia ban hành đạo luật giới hạn thời gian lái xe và thời gian nghỉ ngơi cho các lái xe chuyên nghiệp và đồng ý với các quy định quốc tế, khu vực về vấn đề này; - Năm 2030, tất cả các quốc gia thực hiện và đạt được mục tiêu quốc gia để giảm thiểu tối đa khoảng thời gian giữa tai nạn và cấp cứu chuyên nghiệp. Đồng thời, vấn đề an toàn giao thông đường bộ còn có liên quan gián tiếp từ rất nhiều khía cạnh và các mục tiêu cụ thể khác trong các mục tiêu phát triển bền vững, có thể lấy một số ví dụ như sau: - Mục tiêu về việc cung cấp môi trường làm việc an toàn cho người lao động (thuộc nhóm mục tiêu số 8) sẽ bao gồm các công việc liên quan đến đảm bảo an toàn giao thông cho người lao động trong lĩnh vực liên quan đến giao thông đường bộ, đặc biệt là đội ngũ lái xe chuyên nghiệp; - Mục tiêu về việc cung cấp môi trường an toàn cho trẻ em, phụ nữ, người lớn tuổi, người khuyết tật (thuộc nhóm mục tiêu số 11) sẽ bao gồm các công việc liên quan đến an toàn giao thông khu vực trường học, an toàn giao thông cho đối tượng trẻ tuổi, học sinh, sinh viên; - Các mục tiêu về giảm thiểu khí thải, khuyến khích việc phát triển các thiết bị, sản phẩm, dịch vụ, hoạt động thúc đẩy quá trình phát triển bền vững (thuộc nhóm mục tiêu số 12) sẽ bao gồm các hoạt động liên quan đến giảm thiểu khí thải từ các phương tiện giao thông đường bộ, hạn chế phương tiện cá nhân, hướng tới phát triển giao thông công cộng (được nhìn nhận là có mức độ an toàn tốt hơn), phát triển các phương tiện, thiết bị an toàn giao thông, các chương trình về tuyên truyền, giáo dục, nâng cao an toàn giao thông; - Hoặc thông qua mục tiêu mọi đối tượng được cung cấp các thông tin và hiểu biết về sự phát triển bền vững cũng sẽ nâng cao nhận thức về vấn đề an toàn giao thông và các mục tiêu phát triển bền vững về an toàn giao thông. Thêm vào đó, khi xem xét ở khía cạnh rộng hơn, việc chấm dứt nghèo đói, cải thiện sức khỏe, đời sống, các điều kiện học tập, cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục, tăng cường hợp tác quốc tế sẽ mang đến nhiều cơ hội cho việc cải thiện nhận thức và thúc đẩy các hoạt động trong lĩnh vực an toàn giao thông đường bộ. Do đó có thể thấy rằng, vấn đề an toàn giao thông đường bộ có mối quan hệ mật thiết và là một trong những mục tiêu quan trọng đối với tất cả các quốc gia trong quá trình thúc đẩy sự phát triển bền vững. 114
  5. Để thực hiện và đạt được các mục tiêu về an toàn giao thông đường bộ, việc thực hiện kiên trì và đồng bộ hệ thống các giải pháp cải thiện an toàn giao thông (các giải pháp này được đề cập tại rất nhiều nghiên cứu, văn bản pháp lý, quy hoạch, chiến lược của các tổ chức quốc tế, quốc gia) là yếu tố quan trọng, trong đó vai trò của các Chính phủ và các Cơ quan chuyên trách về an toàn giao thông đường bộ của các quốc gia là then chốt. Đối với mục tiêu 3.6, hệ thống giải pháp điển hình bao gồm tăng cường công tác quản lý an toàn đường bộ (Tất cả các quốc gia phải có cơ quan chuyên trách về an toàn đường bộ, phát triển các chiến lược tổng thể quốc gia về an toàn đường bộ với các mục tiêu cụ thể, gắn với các mốc thời gian cụ thể), phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ an toàn (trong thiết kế, thi công, nâng cấp, sửa chữa, các giải pháp đánh giá an toàn giao thông, trú trọng thúc đẩy việc xây dựng và phải nâng cao các tiêu chuẩn về an toàn giao thông cho hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông,...), cải thiện an toàn phương tiện (bao gồm nâng cao các tiêu chuẩn an toàn cho phương tiện), triển khai hiệu quả các điều luật (công tác xây dựng, ban hành và triển khai các điều luật về an toàn giao thông), thực hiện tốt công tác giáo dục an toàn giao thông, tuyên truyền pháp luật giao thông, cải thiện hành vi an toàn cho người sử dụng, công tác đào tào lái xe, thu thập dữ liệu an toàn giao thông, thúc đẩy nghiên cứu, phát triển nguồn nhân lực về an toàn giao thông đường bộ, cải thiện và nâng cao chất lượng công tác cứu hộ, cấp cứu, xử lý tai nạn giao thông,...Đối với mục tiêu 11.2, các giải pháp phổ biến bao gồm xây dựng và hoàn thiện hệ thống giao thông tiếp cận (hệ thống giao thông đảm bảo khả năng tiếp cận cho người già, trẻ em, người khuyết tật) tại các khu dân cư, đô thị, trú trọng xây dựng các khu vực đi bộ an toàn cho người đi bộ, triển khai các giải pháp cải thiện an toàn cho người đi bộ (đặc biệt tại các vị trí qua đường, các nút giao), người đi xe đạp, xe máy, phát triển giao thông công cộng,... Đồng thời từ mối quan hệ giữa vấn đề nâng cao an toàn giao thông đường bộ và các mục tiêu khác liên quan đến phát triển con người, phát triển bền vững cơ sở hạ tầng, kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, việc xây dựng, phát triển bền vững an toàn giao thông đường bộ sẽ gắn liền với việc xây dựng và phát triển một cộng đồng bền vững về về an toàn giao thông, trong đó phải xây dựng, khuyến khích, thúc đẩy hệ thống các cơ quan, các tổ chức, các công ty, các hoạt động về an toàn giao thông đường bộ, trú trọng các hoạt động về đào tạo nhân lực và nghiên cứu về an toàn giao thông, giao thông thông minh, thúc đẩy hợp tác, đầu tư vào quá trình sản xuất, tiêu thụ và phát triển các sản phẩm về an toàn giao thông đường bộ, các hoạt động thúc đẩy an toàn đường bộ, nâng cao nhận thức về lý thuyết, kỹ thuật an toàn giao thông đường bộ,... gắn vấn đề an toàn giao thông đường bộ với sự phát triển của ngành giao thông vận tải nói riêng và kinh tế, xã hội nói chung (bao gồm cả các vấn đề về cơ chế, chính sách, các kế hoạch về tài chính, quý hỗ trợ,...). Trong đó, để tăng cường và phát triển nhận thức về vấn đề an toàn giao thông đường bộ, đưa vấn đề an toàn giao thông đường bộ vào quá trình sản xuất, phát triển kinh tế và thúc đẩy các hoạt động cải thiện an toàn giao thông từ tất cả các khía cạnh của đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội (đạt được nhận thức hoạt động góp phần như thế nào vào việc cải thiện an toàn giao thông hoặc sẽ có tác động như thế nào đến vấn đề an toàn giao thông) thì vấn đề giáo dục về lý thuyết và kỹ thuật an toàn giao thông phải được nâng cấp và phát triển. Ngoài các nội dung về quy tắc, điều lệ, luật lệ thì các kiến thức về kỹ thuật an toàn giao thông cũng vô cùng quan trọng, góp phần thúc đẩy và phát triển các hành vi và hành động về cải thiện an 115
  6. toàn hoặc định hướng tham gia vào các hoạt động trong lĩnh vực an toàn (có thể bao gồm các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy vấn đề an toàn giao thông). 3. KẾT LUẬN Thông qua 02 mục tiêu trực tiếp và rất nhiều mục tiêu có tính ảnh hưởng và tác động, có thể thấy vấn đề an toàn giao thông đường bộ là một phần không thể tách rời của quá trình phát triển bền vững và việc thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững sẽ là cơ hội quan trọng để huy động các nguồn lực và thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực an toàn giao thông. Trong đó phát triển một cộng đồng bền vững về an toàn giao thông là mục tiêu lâu dài nhằm gắn chặt vấn đề phát triển an toàn giao thông với quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Thông qua việc nghiên cứu, phân tích và nắm rõ vị trí, vai trò của các tiêu chí về an toàn giao thông và mối quan hệ giữa an toàn giao thông với các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội khác sẽ giúp các cơ quan quản lý có cái nhìn tổng thể, toàn diện và giúp xây dựng các cơ chế, chính sách, kế hoạch, chương trình hành động phù hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, tổng thể, toàn diện. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. https://vietnam.un.org/vi; 2. https://vi.wikipedia.org/wiki/Ph%C3%A1t tri%E1%BB%83n b%E1%BB%81n v%E1%BB%Afng; 3. Road safety for all, Jean Todt, UN Secretary General’s Special Envoy for Road Safety, 2019; 4. Road safety and the sustainable development goals, Fundación MAPFRE, 2020. 116
nguon tai.lieu . vn