Xem mẫu

  1. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 TÁC ĐỘNG CỦA CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP 4.0 ĐẾN XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN NGÀNH LOGISTICS CỦA VIỆT NAM THE IMPACT OF INDUSTRIAL REVOLUTION 4.0 TO VIETNAM'S LOGISTICS DEVELOPMENT TREND Nguyễn Thị Như Quỳnh Trường Cao đẳng CNTT hữu nghị Việt Hàn Email: quynh.ntnhu12@gmail.com Tóm tắt Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra một cách nhanh chóng và mạnh mẽ; nó tác động toàn diện tới mọi lĩnh vực từ hệ thống sản xuất, quản lý, quản trị doanh nghiệp đến toàn bộ nền kinh tế quốc gia, thị trường lao động... Ngành logistics cũng không nằm ngoài sự tác động này. Trong bối cảnh đó, phát triển dịch vụ logistics một cách hiệu quả sẽ góp phần làm tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia. Chính vì vậy, bài viết giới thiệu những thông tin cơ bản về logistics trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; thực trạng ngành logistics Việt Nam; tập trung phân tích một số cơ hội, thách thức cũng như xu hướng phát triển của ngành logistics Việt Nam trước tác động của cách mạng công nghiệp 4.0. Trên cơ sở đó đề xuất một số kiến nghị nhằm phát triển ngành logistics Việt Nam trong thời đại 4.0. Từ khóa: logistics; cách mạng công nghiệp 4.0; cơ hội; thách thức Abstract Industrial revolution 4.0 is taking place quickly and vigorously. It has a comprehensive impact on all areas from the production system, business administration to the whole economy of the country, labour market... Logistics industry is not outside this impact. In this context, the development of logistics services will effectively contribute to raise the competitiveness of the national economy. Therefore, this article introduces the basic information about logistics in the industrial revolution 4.0; situation of Vietnam logistics industry; focus on analyzing a number of opportunities, challenges and the development trend of Vietnam's logistics industry before the impact of the 4.0 industrial revolution. Then proposing some solutions to develop Vietnam's logistics industry in the 4.0 era. Keywords: logistics; industrial revolution 4.0; opportunities; challenges 1. Đặt vấn đề Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các hoạt động logistics xuyên suốt từ sản xuất tới tiêu dùng ngày càng giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với năng lực cạnh tranh của các ngành sản xuất, doanh nghiệp nói riêng và của toàn nền kinh tế nói chung. Phát triển logistics một cách hiệu quả không chỉ góp phần làm tăng năng lực cạnh tranh các vùng kinh tế địa phương mà của cả nền kinh tế quốc gia. Việt Nam nằm trong tốp những quốc gia có tốc độ tăng trưởng công nghệ thông tin rất nhanh trên thế giới, vì vậy, cũng như các cuộc cách mạng công nghiệp trước, công nghiệp 4.0 hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích, cơ hội to lớn cho Việt Nam. Đồng thời, cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi các ngành nghề trong xã hội phải chuyển đổi theo hướng “thông minh” hơn để có thề đáp ứng được các nhu cầu của xã hội. Trong lĩnh vực Logistics, cách mạng 4.0 góp phần làm giảm thời gian giao nhận, chi phí vận chuyển, chi phí liên lạc thông tin, từ đó sẽ tối ưu được chi phí kinh doanh. Đồng thời, sẽ giúp cho hệ thống logistics và chuỗi cung ứng của các công ty, doanh nghiệp được minh bạch hơn. Bên cạnh những mặt tích cực, ngành logistics Việt Nam còn phải đối mặt với những thách thức không nhỏ trong công cuộc chuyển đổi theo xu hướng 4.0 này. 2. Logistics 4.0 Logistics là hoạt động theo chuỗi dịch vụ từ giai đoạn tiền sản xuất cho tới khi hàng hóa tới tay người tiêu dùng cuối cùng. Lĩnh vực này liên quan trực tiếp đến hoạt động vận tải, giao nhận, kho bãi, 291
  2. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 các thủ tục dịch vụ hành chính, tư vấn (hải quan, thuế, bảo hiểm…), xuất nhập khẩu – thương mại, kênh phân phối, bán lẻ… Quá trình phát triển của logistics thuờng đuợc xét theo khía cạnh mức độ dịch vụ mà một doanh nghiệp logistics cung cấp. Tuy nhiên nếu phân tích quá trình phát triển của logistics tương ứng với các cuộc cách mạng công nghiệp thì logistics trải qua các giai đoạn sau: - Logistics 1.0 (từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20): Là giai đoạn cơ giới hóa vận tải. Tàu biển và xe lửa động cơ hơi nuớc đã được sử dụng như một công cụ vận chuyển chính thay vì con người và động vật để vận chuyển hàng hóa. - Logistics 2.0 (từ đầu thế kỷ 20 đến năm 1960): Việc phát minh ra điện năng và sản xuất hàng loạt trong sản xuất dẫn đến sự tự động hóa của việc vận chuyển hàng hoá. Do đó logistics giai đoạn này cũng được tự động hóa, như kho tự động và hệ thống phân loại tự động, hệ thống xếp dỡ tự động... - Logistics 3.0 (Năm 1960 - Năm 2000): Là giai đoạn hệ thống hóa quản trị logistics, nó bắt nguồn từ việc phát minh ra máy tính và công nghệ thông tin (CNTT). Bằng việc sử dụng hệ thống CNTT trong lĩnh vực logistics, như Hệ thống quản lý kho (WMS) và Hệ thống Quản lý Vận tải (TMS), tự động hóa và hiệu quả quản lý logistics, kiểm kê và vận chuyển đã phát triển và được cải tiến đáng kể. - Logistics 4.0 (Năm 2000 - Nay): Là giai đoạn phát triển mới nhất của logistics, chủ yếu dựa trên sự phát triển của Mạng lưới vạn vật kết nối Internet (Internet of Things - IoT) và Dữ liệu khổng lồ (Big Data). Mục đích chính của Logistics 4.0 là tiết kiệm lao động và tiêu chuẩn hóa lực lượng lao động trong quản trị chuỗi cung ứng (Kesheng Wang, 2016). Các công nghệ như robot kho và tự động lái xe đang cố gắng thay thế các quy trình không đòi hỏi phải vận hành và quyết định bởi sức lao động của con người. Mục đích là sự cân bằng hoàn hảo giữa tự động hóa và cơ giới hóa (Laura Domingo, 2016). 3. Thực trạng phát triển ngành logistics tại Việt Nam Trong những năm qua, ý thức được tầm quan trọng và hiệu quả to lớn từ dịch vụ logistics, Việt Nam đã chú trọng vào việc xây dựng và phát triển dịch vụ logistics tại Việt Nam. Các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đã từng bước xây dựng khung pháp lý và chính sách phát triển dịch vụ logistics, nhiều doanh nghiệp logistics đã được thành lập cung cấp dịch vụ logistics và từng bước hình thành chuỗi cung ứng hàng hoá, dịch vụ tới các vùng miền trong cả nước và tới các nước trên thế giới. Theo Hiệp hội DN dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam ở Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14%-16%, với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm. Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới về Chỉ số hoạt động logistics (LPI) công bố ngày 24 tháng 7 năm 2018, Việt Nam đứng thứ 39/160 nước tham gia nghiên cứu, tăng 25 bậc so với năm 2016 và vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN sau Singapore và Thái Lan. Việt Nam cũng là nước xếp hạng ở tốp đầu trong các thị trường mới nổi. Đây là kết quả tốt nhất mà Việt Nam có được kể từ khi Ngân hàng Thế giới thực hiện việc xếp hạng LPI kể từ năm 2007 đến nay. Theo nghiên cứu của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), thống kê từ nguồn Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thì số lượng các doanh nghiệp tham gia cung cấp các loại hình dịch vụ logistics là khoảng 23.000 doanh nghiệp, trong đó 3.000 doanh nghiệp có hoạt động logistics quốc tế, chủ yếu tập trung ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận (khoảng 70%). Tuy nhiên, nhìn chung các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics hoạt động ở quy mô vốn đăng ký nhỏ cũng như quy mô lao động hạn chế, hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics còn manh mún, thiếu kinh nghiệm và chuyên nghiệp, cung cấp các dịch vụ cơ bản, hoặc cung cấp từng dịch vụ đơn lẻ, cạnh tranh về giá là chủ yếu, ít giá trị gia tăng, thường chỉ đóng vai trò là nhà thầu phụ hay đại lý cho các công ty nước ngoài gồm: Dịch vụ logistics chủ yếu mà các doanh nghiệp kinh doanh logistics Việt Nam cung ứng cho khách hàng là dịch vụ kho bãi, vận tải hàng hóa, giao nhận hàng hóa, bốc xếp, dịch vụ phân loại, đóng gói bao bì, lưu kho... còn các dịch vụ khác trong chuỗi dịch vụ logistics mặc dù có một số doanh nghiệp cung ứng nhưng số lượng không nhiều và chưa được quan tâm phát triển. Bên cạnh đó, còn thiếu sự kết nối giữa doanh nghiệp xuất 292
  3. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 khẩu và doanh nghiệp logistics do thói quen nhập khẩu CIF và xuất khẩu theo FOB. Khả năng cạnh tranh của các DN nội địa cũng còn thấp so với doanh nghiệp ngoại. Xét trên khía cạnh doanh thu từ ngành dịch vụ logistics có thể thấy, theo thống kê của Biinform Database thì doanh thu của 100 công ty dịch vụ logistics lớn nhất ở Việt Nam năm 2016 vào khoảng 8,74 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2015, đóng góp 2-4% trong tổng GDP của cả nước. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng trưởng doanh thu của ngành dịch vụ logistics được dự báo vào khoảng 18-20% thì quy mô thị trường dịch vụ logistics năm 2018 ước tính đạt 10 - 11 tỷ USD. Xét theo quy mô doanh thu và sử dụng lao động trong doanh nghiệp cũng như số lượng các loại hình dịch vụ logistics cung cấp, nhóm các doanh nghiệp dịch vụ logistics lớn nhất ở Việt Nam có thể kể đến như: Tân Cảng Sài Gòn, Gemadept, Transimex, Sotrans, MP Logistics, U&I Logistics, TBS Logistics, Bắc Kỳ Logistics, ALS, SCSC, Seaborne, IndoTrans, và các công ty có vốn đầu tư nước ngoài như DHL, Nippon Express, Yusen Logistics,... Hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, cảng hàng không, cảng biển, kho bãi, hạ tầng thương mại, trung tâm logistics không ngừng được mở rộng với quy mô lớn, rộng khắp. Cùng với đó, các dịch vụ đi kèm đã và đang đáp ứng kịp thời những yêu cầu hết sức đa dạng của thị trường. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải còn chưa đồng bộ, chưa tạo ra hành lang vận tải đa phương thức trong khi nhu cầu trung chuyển chất lượng cao cho hàng hóa giữa các phương thức đang ngày càng lớn. Việt Nam còn thiếu các khu kho vận tập trung có vị trí chiến lược, đồng bộ với hệ thống cảng, sân bay, đường quốc lộ, cơ sở sản xuất, mất cân đối cung cầu tại các cảng biển miền Nam. Thực tế cũng cho thấy, việc kết nối các phương thức vận tải chưa hiệu quả; chưa phát huy tốt các nguồn lực về hạ tầng, con người, thị trường nội địa và khu vực; các trung tâm logistics đóng vai trò kết nối Việt Nam với quốc tế chưa được đầu tư, xây dựng… dẫn đến chi phí logistics còn cao, chiếm 25% GDP (so với các nước phát triển chỉ từ 9 đến 15%) trong đó, chi phí vận tải chiếm 30 đến 40% giá thành sản phẩm (tỷ lệ này là 15% ở các quốc gia khác). Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh dịch vụ, hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Những khó khăn của doanh nghiệp trong kinh doanh đã được từng bước giải quyết, nhất là dịch vụ hải quan. Các thủ tục, thời gian thông quan đối với hàng xuất khẩu cũng đã cải thiện đáng kể. Năm 2017, thời gian thông quan hàng xuất khẩu là 105 giờ, hàng nhập khẩu là 132 giờ... Quy trình khai báo, xử lý hồ sơ thủ tục hải quan đã được tự động hóa ở mức độ rất cao với hơn 99,60% doanh nghiệp tham gia thực hiện hải quan điện tử tại 100% các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc. Đặc biệt, thời gian gần đây đã có sự bùng nổ về thương mại điện tử và e-Logistics. Theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số của Bộ Công Thương, thương mại điện tử tăng trưởng 35%/năm; doanh số bán lẻ thương mại điện tử của Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020 ước tính tăng 20%/năm và tổng doanh số bán lẻ thương mại điện tử Việt Nam dự kiến đạt 10 tỷ USD vào năm 2020. Những yếu tố này đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu; hình thành nên các chuỗi cung ứng logistics toàn diện, đa dạng và ngày càng chuyên sâu hơn, góp phần quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế. Bảng 1. Bảng xếp hạng LPI của Việt Nam qua các năm Năm Thứ hạng Điểm LPI Hải quan Hạ tầng Vận tải Năng lực Theo dõi và Thời gian LPI quốc tế logistics truy xuất 2018 39 3.27 2.95 3.01 3.16 3.4 3.45 3.67 2016 64 2.98 2.75 2.7 3.12 2.88 2.84 3.5 2014 48 3.15 2.81 3.11 3.22 3.09 3.19 3.49 2012 53 3 2.65 2.68 3.14 2.68 3.16 3.64 2010 53 2.96 2.68 2.56 3.04 2.89 3.1 3.44 Nguồn: Ngân hàng Thế giới Đánh giá chung năm 2018, ngành dịch vụ logistics được phát triển thêm một bước so với 2017 với mức tăng trưởng ước tính là 12% cùng với mức tăng 13,6% của kim ngạch xuất nhập khẩu trong 9 293
  4. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 tháng đầu năm. Dự báo, đến hết năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt mức 300 tỷ USD, hàng container qua hệ thống cảng biển Việt Nam đạt 67,7 triệu TEU, do vậy, tiềm năng phát triển dịch vụ logistics Việt Nam là rất lớn. Trong tương lai không xa, dịch vụ cung cấp logistics sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng, có thể đóng góp tới 15% GDP của cả nước. 4. Tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến xu hướng phát triển ngành logistics của Việt Nam Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) là nền tảng cốt lõi để phát triển ngành logistics trong tương lai. Nó không chỉ tham gia giải quyết bài toán về logistics cho các công ty mà còn giúp các doanh nghiệp có thể vận dụng và đưa ra được những giải pháp đột phá cho từng khâu cung ứng nói riêng và logistics nói chung. Đặc biệt trong bối cảnh chi phí trung bình logistics Việt Nam đang cao gấp đôi so với thế giới, các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang đến nhiều cơ hội cho ngành logistics Việt Nam, nhất là giải quyết bài toán về chi phí. 4.1. Cơ hội Ngành logistics là ngành mang tính quốc tế cao và ứng dụng nhanh tiến bộ khoa học công nghệ vào các hoạt động. Hiện nay, các nước phát triển đang từng bước thực hiện E-Logistics, green logisitics, E-Documents... và ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, công nghệ Blockchain... Trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0, đã bắt đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo hay robot vào thực hiện một số dịch vụ, như dịch vụ đóng hàng vào container hay dỡ hàng khỏi container, xếp dỡ hàng hóa trong kho, bãi... Đối với lĩnh vực logistics, cuộc cách mạng này sẽ ngày càng mở rộng việc kết nối những thiết bị phi truyền thống như pallet, xe cần cẩu, thậm chí xe rơ-mooc chở hàng với mạng internet. Tại Việt Nam, nhận thức được những lợi ích từ CMCN 4.0 mang lại cho ngành logistics nên cả Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam đã quyết tâm phát triển ngành logistics theo xu hướng 4.0. Có thể thấy rằng, cơ hội đầu tiên đối với ngành logistics Việt Nam đó là cách mạng 4.0 sẽ góp phần làm giảm chi phí vận chuyển và chi phí thông tin liên lạc, từ đó làm chi phí kinh doanh được tối ưu hóa, đồng thời hệ thống logistics và chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp cũng trở nên minh bạch hơn. Nhờ công nghệ phát triển mà các doanh nghiệp có cơ hội rút ngắn thời gian thực hiện đơn hàng và đem lại sự hài lòng cho khách hàng. Chẳng hạn với ứng dụng hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử (Electronic Data Interchange - EDI) mà hiện nay một số doanh nghiệp Việt Nam đang ứng dụng không những giúp tiết kiệm được rất nhiều thời gian mà còn giảm thiểu đuợc những rủi ro do sai sót trong quá trình làm vận đơn. Một cơ hội mà CMCN 4.0 đem lại cho logistics Việt Nam nữa đó là sự xuất hiện các loại hình dịch vụ mới liên quan đến hoạt động logistics. Năm 2017, công ty cổ phần Ifreight đã cho ra mắt hệ thống booking trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam. Hệ thống ifreight.net bao gồm Website và Mobile app giúp doanh nghiệp có thể lựa chọn đơn vị vận chuyển với danh sách trên 40 hãng tàu để quyết định mức giá thấp nhất tại từng thời điểm, từ đó có thể booking trực tuyến thay vì thủ công như truớc đây. Một ví dụ điển hình trong việc nắm bắt cơ hội tạo ra bởi CMCN 4.0 tại Việt Nam chính là việc sử dụng công nghệ mới trong hai đội máy bay Boeing787 Dreamliner và Airbus A350 do Vietnam Airlines khai thác. Khi máy bay hoạt động, các thiết bị cảm ứng trên máy bay sẽ gửi những dữ liệu về tình trạng của máy bay về mặt đất. Nhân viên kỹ thuật dưới mặt đất sẽ nhận được các cảnh báo và có kế hoạch sửa chữa và chuẩn bị phụ tùng thay thế. Các phụ tùng thay thế này có thể sản xuất được trong khi máy bay đang bay nhờ công nghệ in 3D và có thể tiến hành sửa chữa ngay khi máy bay hạ cánh. 4.2. Thách thức Tuy nhiên, trước xu thế phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và Cách mạng công nghiệp 4.0, bên cạnh những cơ hội lớn mang lại, ngành logistics Việt Nam sẽ phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi các cơ quan quản lý, hiệp hội và doanh nghiệp logistics phải nắm rõ để có giải pháp điều chỉnh phù hợp tình hình mới. 294
  5. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 Theo Báo cáo logistics Việt Nam năm 2018 của Bộ Công thương, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ logistics còn hạn chế. Các doanh nghiệp logistics Việt Nam đã có chú trọng đầu tư vào hệ thống CNTT, tuy nhiên hiệu quả mang lại chưa thực sự cao. Bên cạnh đó, do chi phí đầu tư lớn nên các doanh nghiệp chỉ đầu tư vào các hệ thống như quản lý vận tải (TMS), quản lý kho hàng (WMS) ... một cách nhỏ lẻ và chưa có tính đồng bộ cho toàn bộ doanh nghiệp. Chưa có công ty nào ứng dụng các hệ thống tự động hóa cho kho hàng, trung tâm phân phối. Việc ứng dụng CNTT vào công việc hàng ngày tại các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam còn ở trình độ thấp, chủ yếu là sử dụng phần mềm khai hải quan điện tử, công nghệ định vị xe, email và internet cơ bản... Lý do chính là hiện nay các doanh nghiệp đều có quy mô nhỏ và vừa nên hạn chế về vốn đầu tư, nguồn nhân lực chuyên sâu về CNTT còn yếu và thiếu, mặc dù, 96% doanh nghiệp được điều tra của VLA vừa qua đều cho rằng, công nghệ là nhân tố khác biệt tạo thuận lợi cạnh tranh cho doanh nghiệp. Tuy hạ tầng và trình độ CNTT tại Việt Nam có phát triển nhưng vẫn còn thiếu nhiều ứng dụng cho chuyên ngành, nhất là cho logistics. Đối với hệ thống thông tin hàng hóa xuất nhập khẩu, nhu cầu kết nối với nhiều bên liên quan hơn giữa cơ quan Hải quan, thuế, cơ quan quản lý chuyên ngành và người khai hải quan đang là một vấn đề cấp thiết. Ngoài ra, Việt Nam cũng chưa có định hướng rõ ràng trong việc đầu tư nghiên cứu ứng dụng hay phát triển sản phẩm nào trong lĩnh vực công nghệ thông tin logistics... Một thách thức lớn khác của logistics 4.0 tại Việt Nam chính là vấn đề về nguồn nhân lực. Trước khi cuộc CMCN 4.0 diễn ra, việc giải quyết các yêu cầu về nguồn nhân lực trong ngành logistics luôn là bài toán khó cho Việt Nam. Nguồn nhân lực trong ngành logistics Việt Nam hiện còn yếu và thiếu hụt về cả số lượng lẫn chất lượng. Thực tế, nguồn nhân lực logistics hiện nay có đến 80,26% số người tự tích lũy kiến thức về logistics. Đối với đội ngũ nhân viên tác nghiệp hàng ngày, phần lớn tốt nghiệp đại học nhưng không chuyên, phải tự nâng cao trình độ nghiệp vụ, tay nghề trong quá trình làm việc. Còn đội ngũ nhân công lao động trực tiếp đa số trình độ học vấn thấp, công việc chủ yếu là bốc xếp, kiểm đếm ở các kho bãi, lái xe vận tải, chưa được đào tạo tác phong công nghiệp, sử dụng sức lực nhiều hơn là bằng phưong tiện máy móc. Sự yếu kém này là do phưong tiện lao động còn lạc hậu, chưa đòi hỏi lao động chuyên môn. Bên cạnh đó, nguồn cung nhân lực logistics trình độ đại học ở Việt Nam còn rất yếu, cả nước chỉ mới có một số cơ sở giáo dục đại học có đào tạo chuyên ngành logistics nhưng số lượng hạn chế, tính thực tiễn của chương trình giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng không cao, làm cho người học chưa thấy hết vai trò và sự đóng góp của logistics, giao nhận vận tải trong nền kinh tế. Vấn đề đào tạo và quy hoạch nguồn nhân lực dù đã được đặt ra từ vài năm nay, nhưng còn chậm so với đòi hỏi thực tế. Chính điều này dẫn đến hệ quả là thiếu những chuyên viên có kinh nghiệm trên lĩnh vực logistics đủ khả năng làm việc với các đối tác quốc tế. 4.3. Xu hướng phát triển ngành logistics Việt Nam Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) với những bứt phá trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tích hợp trí tuệ nhân tạo với mạng lưới kết nối Internet vạn vật (IoT) và các công cụ hiện đại hóa đang bắt đầu thay đổi toàn bộ viễn cảnh của dịch vụ kho bãi và phân phối hàng hóa trên toàn thế giới với ước tính khoảng 5,5 triệu thiết bị mới được kết nối mỗi ngày. Chính vì vậy, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tác động mạnh mẽ đến xu hướng phát triển ngành logistics thế giới và ngành logistics Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Trong lĩnh vực logistics, cuộc cách mạng này sẽ ngày càng mở rộng hơn với việc kết nối những thiết bị như pallet, xe cần cẩu, xe rơ-mooc chở hàng với mạng internet. Tất cả các công ty logistics quốc tế lớn dự kiến sẽ sử dụng công nghệ IoT và dự báo trong vòng 3 năm tới, IoT sẽ trở nên phổ biến trong lĩnh vực logistics, nó sẽ giải quyết được nhiều bài toán ứng dụng trong các khâu thuộc quy trình logistics. IoT có thể được tích hợp trong kho bãi thông qua các cảm biến cài đặt tại các kệ, hàng hóa. Thông tin về vị trí, tình trạng đơn hàng, khối lượng sẽ được cập nhật theo thời gian thực từ các pallet (tấm kê hàng), gửi tới hệ thống quản lý kho bãi (WMS), giúp giảm nhẹ các công việc tiêu tốn nhiều thời gian như kiểm đếm. Các máy quay gắn ở cổng có thể được dùng để phát hiện các hỏng hóc và 295
  6. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 theo dõi lỗi hàng. IoT cũng mang lại giải pháp tốt hơn trong việc quản lý đội xe giao hàng bằng cách tối ưu hóa thời gian trống của xe hoặc đưa ra các dự báo bảo trì xe tự động dựa trên các cập nhật từ cảm biến gắn trên xe. IoT đem tới một giải pháp giao hàng toàn diện cho người tiêu dùng thông qua năng lực giao hàng thông minh, ví dụ như trường hợp giao hàng tới tận cốp xe của khách hàng thông qua mã code mã hóa hoặc khóa thông minh của Amazon. Song hành cùng IoT, những công nghệ ngày càng ảnh hưởng sâu rộng tới logistics còn bao gồm dữ liệu lớn (Big Data) và AI bởi lượng dữ liệu khổng lồ phát sinh trong chuỗi cung ứng. Dữ liệu lớn giúp tối ưu năng lực, nâng cao trải nghiệm người dùng, giảm thiểu rủi ro và tạo ra mô hình kinh doanh mới. Thêm nữa, dữ liệu lớn giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, chất lượng quá trình, hiệu suất để tăng tốc độ và minh bạch trong việc ra quyết định, từ đó cải thiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Chẳng hạn mối tương quan giữa các luồng dữ liệu như thông tin giao hàng, thời tiết, giao thông có thể được tận dụng cho việc lên kế hoạch theo thời gian thực, tối ưu hóa các trình tự tải và dự đoán thời gian xe đến theo thời gian thực. Công nghệ thực tế ảo (VR) & thực tế tăng cường (AR) đang nhanh chóng trở thành công nghệ quan trọng giúp kết nối thế giới thực và ảo. Trong logistics, công nghệ này có thể giúp công nhân nhận diện nhanh chóng thông tin lô hàng, từ đó đẩy nhanh thời gian làm hàng. DHL đã thử nghiệm AR ở châu Âu và Hoa Kỳ bằng cách trang bị cho công nhân kho hàng kính thông minh AR, giúp nhận diện các món hàng theo thời gian thực, trên đó hiển thị tuyến đường tối ưu để thu gom đơn hàng, giúp giảm thời gian trong kho hàng. Ngoài ra, công nhân không cần phải scan các gói hàng, chiếc kính có thể làm thay họ. Lợi ích của AR bao gồm nâng cao hiệu quả, giảm thiểu sai sót, tối ưu hóa việc huấn luyện và sử dụng nhân lực. Bên cạnh đó, các công ty logistics trên thế giới đang nhanh chóng cải tiến công nghệ để bắt kịp xu hướng này và cải thiện tỷ suất lợi nhuận, thông qua việc trang bị các công cụ tự động, hiện đại như: Robot giúp tiết kiệm năng lượng, chi phí lao động phổ thông; Xe chuyển hàng tự động (AGV) có thể thực hiện đơn hàng, tự bổ sung hàng trong kho bãi; Thiết bị theo dõi, định vị, dẫn đường và quan sát bằng các thiết bị sử dụng WiFi, Bluetooth; Ứng dụng Co-pilot trên Android của điện thoại di động được sử dụng trong hoạt động logistics quốc tế; Ứng dụng cung cấp định tuyến (mapping) và định hướng (direction routing), tạo điều kiện cho chuyển hướng thông qua việc theo dõi trực tuyến phương tiện vận tải; Ứng dụng quét mã vạch trực tuyến trong quản lý kho; Tối ưu hóa hàng tồn kho dựa trên điện toán đám mây; Ứng dụng kiểm soát lao động hàng ngày trong logistics (Ứng dụng Web fleet của Android); Tích hợp hợp đồng dịch vụ, quản lý đơn hàng, quan hệ khách hàng trong logistics trực tuyến... Như vậy, có thể thấy xu hướng công nghệ 4.0 sẽ là nền tảng cốt lõi để đưa logistics cất cánh trong tương lai. Mặc dù Việt Nam có xuất phát điểm thấp trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 (Theo báo cáo mới nhất của WEF), tuy nhiên Việt Nam vẫn có nhiều tiềm năng trong tương lai để cạnh tranh trong ngành logistics. Trong tương lai, sự ảnh hưởng của công nghệ sẽ làm cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam nói riêng và quốc tế nói chung phải định hướng lại chiến lược phát triển, cụ thể như sau: - Tự động hóa dữ liệu và minh bạch: Dữ liệu luôn là trọng tâm của logistics và những tiến bộ mới trong việc thu thập và phân tích dữ liệu tạo cơ hội cho các công ty đạt được mục tiêu của mình tốt hơn. Những đổi mới được thực hiện là hệ thống thu thập và xử lý dữ liệu, tháp kiểm soát logistics, trí tuệ nhân tạo... - Các phương pháp vận chuyển mới (tự động hóa phương tiện vận tải): Xe không người lái, robot và máy bay không người lái sẽ được đưa vào hoạt động và đem lại lợi ích tài chính cho các công ty đã sử dụng chúng. - Kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số: Bằng cách chia sẻ chi phí vốn, các doanh nghiệp logis- tics sẽ tối đa hóa được công suất phương tiện vận tải và tránh được tĩnh trạng phương tiện chạy rỗng trên chuyến đi. 296
  7. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 - Các phương pháp sản xuất mới do ảnh hưởng của kỹ thuật 3D: có thể thay đổi các dịch vụ logistics truyền thống, thúc đẩy quá trình sản xuất sản phẩm ra thị trường. Rút ngắn khoảng cách giữa nơi sản xuất và thị trường tiêu thụ, do đó làm giảm chi phí vận tải theo quãng đường và nâng cao tầm quan trọng của dịch vụ phân phối. 5. Một số kiến nghị nhằm phát triển ngành logistics Việt Nam trong thời đại 4.0 Hiện nay, ngành dịch vụ logistics Việt Nam còn tụt hậu xa so với thế giới về việc ứng dụng công nghệ cao. Để ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, bắt kịp trình độ quốc tế, theo xu hướng hình thành ngành Logistics trong bối cảnh CMCN 4.0 đòi hỏi sự nổ lực của không chỉ Chính phủ, các hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam mà còn phải xuất phát từ bản thân mỗi doanh nghiệp logistics. - Về phía Chính phủ: Cải thiện cơ sở hạ tầng về giao thông vận tải như hệ thống đường bộ, đường thủy và đường hàng không; tiếp tục rà soát các quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics; gắn kết quy hoạch về trung tâm logistics, cảng cạn, kho ngoại quan trong một tổng thể thống nhất. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ một phần vốn đầu tư cho doanh nghiệp logistics và chính sách khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ các doanh nghiệp trẻ, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực logistics và các doanh nghiệp chế tạo các sản phẩm công nghệ phục vụ cho logistics. Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống “Một cửa quốc gia”, Một cửa ASEAN với sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, qua đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa; Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số, với cốt lõi là cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ cao cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống thông tin xuất nhập khẩu để đảm bảo sự kết nối của các bên liên quan trong hoạt động logistics. Nghiên cứu, triển khai giải pháp nền tảng công nghệ cho dịch vụ logistics phục vụ hiệu quả cho việc trao đổi dữ liệu giữa các bên liên quan, bao gồm các cơ quan chính phủ, các hãng tàu biển, các công ty logistics… và cho quá trình "số hóa" ở phạm vi quốc gia. - Về phía hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam: Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng thành tựu của CMCN 4.0 vào hoạt động logistics. Hiện nay, VLA đang nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ cao như Blockchain vào một số hoạt động logistics. Trong đó, đang thực hiện việc nghiên cứu áp dụng đại trà e-DO (Giấy giao hàng điện tử) cho các lô hàng lẻ (LCL) và tham gia dự án e-B/L của Hiệp hội Giao nhận vận tải quốc tế FIATA. Trong thời kỳ hội nhập kinh tế sâu rộng, công tác hợp tác quốc tế có một ý nghĩa quan trọng đối với phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics Việt Nam. Thông qua việc hợp tác quốc tế, Việt Nam có thể tranh thủ nguồn vốn đầu tư vào ngành logistics và mở rộng quy mô hoạt động của doanh nghiệp, học tập kinh nghiệm quản lý, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyển giao kỹ thuật trong điều kiện cuộc CMCN 4.0. Trong bối cảnh đó, vai trò kết nối, hợp tác quốc tế về lĩnh vực dịch vụ logistics của VLA là rất lớn, từ đó tiếp tục phát huy những kết quả và nền tảng tích cực mà VLA đã gây dựng trong nhiều năm qua. - Về phía các doanh nghiệp logistics: Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics cần có nhiều đột phá và đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực quản trị, tăng cường hợp tác, kết nối trong nước, khu vực và toàn cầu, quản lý tốt chuỗi cung ứng, giảm chi phí, rút ngắn thời gian lưu chuyển hàng hóa. Cụ thể, các doanh nghiệp logistics trong nước cần tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại theo xu hướng hình thành ngành logistics trong cuộc CMCN 4.0 để nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm giá, phí các dịch vụ. Sớm hình thành ngày càng nhiều doanh nghiệp dịch vụ logistics có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, trong một môi trường cạnh tranh gay gắt của thị trường dịch vụ và yêu cầu nguồn nhân lực trong điều kiện CMCN 4.0 sắp tới ngày càng cao, ngành logistics Việt Nam cần phải có nguồn nhân lực chất lượng cao cả về kỹ năng thực tế, kiến thức chuyên môn và trình độ tiếng Anh chuyên ngành logistics. Vì vậy, cần phối hợp với các cơ sở đào tạo trong việc truyền đạt kinh nghiệm cho sinh viên. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể ký kết các đơn đặt hàng về thiết kế phần 297
  8. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 mềm quản lý hoặc các sản phẩm ứng dụng công nghệ tại các trường Đại học, Cao đẳng, nhờ đó có thể giảm đuợc chi phí đầu tư cho doanh nghiệp, đồng thời nâng cao đuợc kỹ năng thực hành cho sinh viên, nguồn nhân lực logistics trong tương lai. 6. Kết luận Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự phát triển của những công nghệ mới, đặc biệt là sự phát triển của Mạng lưới vạn vật kết nối Internet (Internet of Things - IoT) và Dữ liệu khổng lồ (Big Data) sẽ tác động mạnh mẽ đến xu hướng phát triển của ngành logistics với nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt đối với một trong những quốc gia có ngành dịch vụ logistics còn tụt hậu so với thế giới về việc ứng dụng công nghệ cao như Việt Nam. Vì vậy, yêu cầu đặt ra cho Việt Nam hiện nay là cần có lộ trình rõ ràng cho việc phát triển ngành logistics trong xu thế chung của toàn cầu, để làm được điều này đòi hỏi sự nổ lực và phối hợp của Chính phủ, các hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam và bản thân mỗi doanh nghiệp logistics. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ công thương (2018), Báo cáo logistics Việt Nam 2018: Logistics và thương mại điện tử, Nhà xuất bản công thương. 2. Đinh Thu Phương (2018), “Logistics Việt Nam trong cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức”, Kỷ yếu hội nghị khoa học công nghệ giao thông vận tải, (5), tr. 108-112. 3. Phạm Hồng Nhung (2019), “Xu hướng phát triển logistics Việt Nam trong cách mạng công nghiệp 4.0”, Tạp chí tài chính. 4. Phạm Trung Hải (2019), Phát triển ngành dịch vụ logistics tại Việt Nam, http://tapchitaichinh.vn/nghien- cuu-trao-doi/phat-trien-nganh-dich-vu-logistics-tai-viet-nam-306129.html., truy cập ngày 15/11/2019. 5. Kesheng Wang (2016), “Logistics 4.0 Solution: NewChallenges and Opportunities, IntematiaonWorkshop on Advanced Manufacturing and Automation 2016”, Manchester, United Kingdom, pp 68 – 74. 298
nguon tai.lieu . vn