Xem mẫu

  1. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ Ở VIỆT NAM ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ STATE MANAGEMENT ABOUT INTELLECTUAL PROPERTY IN VIETNAM MEETING THE REQUIREMENTS FOR DEVELOPMENT AND INTERNATIONAL INTEGRATION Nguyễn Thị Thúy Quỳnh, Nguyễn Thị Bích Liên, Trần Diệu Linh Khoa Kinh tế - Đại học Vinh Email:ntquynh83@gmail.com, liennguyen1908@gmail.com, dieulinhtran.neu@gmail.com Tóm tắt Quá trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế đã mở ra cơ hội to lớn cho Việt Nam trong việc phát triển kinh tế đất nước những bên cạnh đó cũng phải đối mặt với nhiều thách thức đặc biệt là tuân thủ các cam kết quốc tế về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Việc gắn bảo hộ sở hữu trí tuệ với thương mại quốc tế, một mặt, sẽ tạo điều kiện để có những cơ chế bảo hộ quốc tế hữu hiệu hơn về sở hữu trí tuệ, mặt khác, cũng sẽ gây ra rất nhiều sức ép và khó khăn cho các quốc gia có trình độ khoa học công nghệ thấp, đang trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực hay toàn cầu phải thực thi các cam kết quốc tế về sở hữu trí tuệ. Trên thực tế, quản lý nhà nước về quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam đang đứng trước những thách thức và đòi hỏi lớn, cần được tiếp tục hoàn thiện. Việc đổi mới tổ chức, cơ chế quản lý nhà nước và phương thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam phải được giải quyết trên cơ sở phân tích một cách khách quan thực trạng hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ hiện có, rút ra những nguyên nhân, đánh giá các ưu điểm và nhược điểm của hệ thống này và kinh nghiệm quốc tế; từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao và hoàn thiện cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ cũng như toàn bộ hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam. Từ khóa: Sở hữu trí tuệ, Quản lý nhà nước, cơ chế, phát triển và hội nhập quốc tế Abstract The process of development and international economic integration has given enormous opportunities for Vietnam to develop its economy, but also faces many challenges, especially adhering to international commitments to Intellectual property protection. Attaching Intellectual property protection to international trade, on the one hand, will create conditions for more effective international protection mechanisms on intellectual property, on the other hand, will also create a lot of pressure and difficult for countries with low scientific and technological capacity, in the process of regional or global economic integration, to implement international commitments on intellectual property. In fact, Vietnam's intellectual property protection system is facing great challenges and demands, which need to be further improved. The renewal of the organization, state management mechanism and method of protection of intellectual property rights in Vietnam must be resolved on the basis of analyzing the current situation of protection existing system, drawing out the causes, assessing the advantages and disadvantages of this system and international experience. Since then, proposing solutions to improve and perfect the enforcement mechanism of intellectual property rights as well as the entire system of intellectual property protection in Việt Nam. Keywords: Intellectual property, state management, mechanism, development and international economic integration 1. Đặt vấn đề Sở hữu trí tuệ đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của một quốc gia. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo, tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh và là tài sản giá có trị đặc biệt của các doanh nghiệp. Sở hữu trí tuệ thực sự đóng vai trò là động lực thúc đẩy hoạt động đổi mới - sáng tạo để phát triển tài sản trí tuệ quốc gia cả về số lượng và giá trị, góp phần nâng cao năng lực sáng tạo và tạo lập một môi trường cạnh tranh lành mạnh đặc biệt là trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay. 324
  2. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 2. Tổng quan nghiên cứu, cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu 2.1. Tổng quan nghiên cứu đề tài Nguyễn Hữu Cần (2016), Nghiên cứu lý luận và thực tiễn về mức độ sử dụng sáng chế trong một số ngành công nghiệp ở Việt Nam, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, đề tài đã hệ thống hóa cơ sở lý luận dựa trên thực tiễn về cách xác định và đánh giá mức độ sử dụng sáng chế trong các ngành công nghiệp; từ đó, tác giả đánh giá thực trạng và tiềm năng về mức độ sử dụng sáng chế trong các ngành công nghiệp ở Việt Nam. Bùi Tiến Quyết (2016), Nghiên cứu lý luận và thực tiễn về việc góp vốn kinh doanh bằng tài sản trí tuệ, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, nghiên cứu đã đề cập đến cơ sở lý luận và thực tiễn pháp luật trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng về vấn đề góp vốn kinh doanh bằng tài sản trí tuệ, trong đó cụ thể hoá các quy định của quốc tế và một số quốc gia về hoạt động góp vốn kinh doanh bằng tài sản trí tuệ, cũng như thực tiễn áp dụng các quy định đó. Nguyễn Thị Sự (2016), Nghiên cứu lý luận và thực tiễn về mô hình Tòa án dân sự chuyên trách về sở hữu trí tuệ, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, đề tài đã làm rõ cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp tố tụng tại Tòa án, mục đích, vai trò, ý nghĩa, chức năng, yêu cầu về tổ chức nhân lực... của mô hình Tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ. Từ đó đề xuất thiết lập Tòa án chuyên trách về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam. Vũ Thị Hân (2016), Nghiên cứu lý luận và thực tiễn về vấn đề thuế đối với tài sản trí tuệ (IP Taxation), Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, đã làm rõ các vấn đề lý luận về thuế đối với tài sản trí tuệ, gồm các nội dung về quy định về người nộp thuế, đối tượng chịu thuế, phương pháp tính thuế, vai trò của thuế đối với tài sản trí tuệ; đồng thời, phân tích thực tiễn về vấn đề thuế đối với tài sản trí tuệ ở các quốc gia tiêu biểu. Qua đó, tác giả đề xuất một số giải pháp liên quan đến thuế đối với tài sản trí tuệ góp phần đảm bảo nguồn thu của Nhà nước. Nguyễn Thị Minh Hằng (2016), Nghiên cứu lý luận và thực tiễn về hành vi lạm dụng độc quyền sáng chế gây hậu quả hạn chế cạnh tranh, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, nghiên cứu đã phân tích một vài vấn đề lý luận về hành vi lạm dụng độc quyền sáng chế gây hậu quả hạn chế cạnh tranh, đồng thời, phân tích thực trạng xác định và kiểm soát dạng hành vi này trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Từ đó, tác giả đề xuất giải pháp ngăn chặn hành vi đó trong thực tiễn kinh doanh tại Việt Nam. 2.2. Phương pháp nghiên cứu Nghiên cứu sử dụng phương pháp thống kê, phân tích, tổng hợp và so sánh nguồn số liệu thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học công nghệ và các nguồn thông tin đã được công bố trên sách báo, tạp chí, trên các trang web, các số liệu của tổng cục thống kê, tư liệu trong nước và ngoài nước, nhất là các công trình nghiên cứu, các tư liệu thứ cấp, so sánh các vấn đề nghiên cứu giữa các đối tượng nghiên cứu được chọn lựa. Đây là phương pháp được sử dụng xuyên suốt trong quá trình nghiên cứu đề tài. 3. Kết quả và thảo luận 3.1. Sở hữu trí tuệ và sự cần thiết khách quan của quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ Sở hữu trí tuệ (SHTT) hay còn gọi là tài sản trí tuệ, là những sản phẩm được cấu thành do trí tuệ của con người. Tài sản tri tuệ ở đây có thể là các sáng chế, tác phẩm nghệ thuật, các thiết kế, biểu tượng, tên gọi, hình ảnh được sử dụng trong thương mại,… Quyền SHTT là quyền của cá nhân, pháp nhân đối với các sản phẩm trí tuệ do con người sáng tạo, đó là độc quyền được công nhận cho một người, một nhóm người hoặc một tổ chức, cho phép họ được sử dụng hay khai thác các khía cạnh thương mại của một sản phẩm sáng tạo. Đối tượng của quyền SHTT bao gồm: Quyền tác giả các tác phẩm văn học và nghệ thuật; Sáng chế, giải pháp hữu 325
  3. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 ích; Bí mật kinh doanh; Kiểu dáng công nghiệp; Nhãn hiệu hàng hoá, nhãn hiệu dịch vụ; Chỉ dẫn địa lý, tên gọi xuất xứ hàng hoá; Tên thương mại;…Quyền SHTT đang khẳng định vai trò không thể thiếu trong quá trình hình thành một nền kinh tế toàn diện và phát triển bền vững. Chứng chỉ về quyền SHTT là vật chứng bảo đảm cho thành công của mỗi doanh nhân tiến vào thị trường. Việc bảo hộ quyền SHTT sẽ bảo đảm việc xử lý, ngăn chặn và ngăn ngừa các hành vi xâm phạm. 3.2. Thực trạng sở hữu trí tuệ ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay Việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và vi phạm pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ngày càng có dấu hiệu trở nên phổ biến, và mức độ phức tạp, nghiêm trọng của tình hình xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng có dấu hiệu gia tăng. Trên thực tế, theo kết quả khảo sát tại Hà Nội có 19 tụ điểm nghi vấn có hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, đã lập danh sách 178 đầu mối sản xuất nghi có sản xuất hàng giả, kém chất lượng. Trong đó, có 33 cơ sở lương thực, thực phẩm, 128 cơ sở hàng tiêu dùng, 7 cơ sở vật liệu xây dựng, 20 cơ sở thuốc bảo vệ thực vật và thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, còn có 171 điểm giáp ranh mà lực lượng quản lý thị trường khó kiểm soát (13 khu vực giáp ranh với các tỉnh bạn, 55 khu vực giữa các quận, huyện, 103 khu vực giữa các phường, xã). Có thể nói, hàng hoá Trung Quốc nhập vào Thành phố đã tác động lớn tới thị trường Hà Nội và đây là nguồn chính của hàng giả mạo nhãn hiệu, xuất xứ. Ngoài ra, có tới 415 vụ hàng giả, kinh doanh trái phép và vi phạm quy chế hàng hoá. Nổi lên một số thủ đoạn giả mạo và vi phạm nhãn hiệu hàng hoá như sau: Thị trường hàng giả đã "nội địa hoá" bằng phương thức nhập linh kiện, bán thành phẩm vào Việt Nam qua các làng nghề chế tác, gia công, gắn bao bì nhãn mác mới thành các sản phẩm mang nhãn hiệu Thái Lan và Nhật Bản như giày da các loại, kính mắt, bánh kẹo, tất chân... Một số Doanh nghiệp, đơn vị Việt Nam đặt hàng Trung Quốc sản xuất giống y hàng hiệu đã được thị trường chấp nhận như: Thiết bị vệ sinh (hiệu Joden, Clever), bếp ga Rinnai, Paloma, hoá mỹ phẩm (Gucci, Chanel...), những hàng hoá này được đưa ra thị trường, bày bán công khai tại các khu phố thương mại với số lượng lớn. Trong lĩnh vực kỹ thuật số hàng giả đã đến mức báo động không chỉ đồng hồ, máy ảnh mà các loại linh kiện, cạc, sim, bộ nhớ, USB, màn hình LCD... giả mạo nhãn hiệu xuất xứ tăng rõ rệt với giá bán cạnh tranh tỉ lệ nghịch với chất lượng hàng hoá... Qua những vụ việc trên ta thấy, điều này làm ảnh hưởng rất lớn tới môi trường kinh doanh của nước ta, cũng như vi phạm nghiệm trọng các hiệp ước, hiệp định về bản quyền mà Nhà nước ta đã cam kết với các tổ chức Thế giới. 3.3. Thực trạng quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam 3.3.1. Những kết quả đạt được Việt Nam đã là thành viên của các điều ước quốc tế mang tính cốt lõi của hệ thống sở hữu trí tuệ thế giới, như Công ước Pa-ri (Paris) về Bảo hộ sở hữu công nghiệp; Công ước Bơn (Berne) về Bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật; Công ước Rôm (Rome) về Bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng; Công ước quốc tế về Bảo hộ giống cây trồng mới (Công ước UPOV); Công ước Xtốc-khôm (Stockholm) về Việc thành lập Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO)...; các điều ước quốc tế về thuận lợi hóa thủ tục đăng ký quốc tế quyền sở hữu trí tuệ, như Hiệp ước Hợp tác sáng chế (Hiệp ước PCT); Thỏa ước và Nghị định thư Ma-đrít (Madrid) về Đăng ký quốc tế nhãn hiệu và hiện đang trong quá trình chuẩn bị gia nhập Hệ thống La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp. Pháp luật quốc tế và pháp luật của hầu hết các quốc gia hiện đều công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các tổ chức, cá nhân nhằm mục đích khuyến khích hoạt động sáng tạo, phổ biến tiến bộ khoa học, công nghệ, văn hóa, nghệ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống. Ở Việt Nam hiện nay, hệ thống sở hữu trí tuệ ở cấp Trung ương gồm ba lĩnh vực chuyên ngành thuộc thẩm quyền quản lý của ba bộ: Bộ Khoa học và Công nghệ (quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp và là cơ quan đầu mối quản lý chung về sở hữu trí tuệ, cơ quan đầu mối là Cục Sở hữu trí tuệ); Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (quản lý nhà nước về quyền tác giả và quyền liên quan, cơ quan đầu mối là Cục Bản quyền tác giả); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng; cơ quan đầu mối là Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng thuộc Cục 326
  4. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 Trồng trọt). Ở địa phương, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (thông qua các cơ quan chuyên môn giúp việc tương ứng là các Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ tại địa phương theo thẩm quyền. Về xác lập quyền sở hữu công nghiệp, trong giai đoạn 10 năm kể từ khi Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực (2006 - 2016), tổng số các loại đơn sở hữu công nghiệp mà Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tiếp nhận tăng trung bình mỗi năm khoảng 10% - 15%. Về xác lập quyền tác giả và quyền liên quan, theo quy định của pháp luật, đăng ký các quyền này không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả và quyền liên quan. Tuy nhiên, nhận thức được lợi ích của việc đăng ký quyền tác giả và quyền liên quan, nhiều tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và quyền liên quan đã nộp hồ sơ để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan. Theo đó, kể từ khi Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành (số liệu tính đến hết năm 2018), Cục Bản quyền tác giả đã thụ lý và cấp 44.550 Giấy chứng nhận đăng ký, trong đó có 44.332 Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả. Số lượng Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan tăng hằng năm khoảng xấp xỉ 6%. Với những ưu thế về thời gian, thủ tục và chi phí, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính hiện vẫn giữ vai trò chủ đạo trong hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Trong giai đoạn 2012 - 2018, thanh tra ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính đối với 412 tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, phạt tiền đối với 401 trường hợp với tổng số tiền phạt trên 10 tỷ đồng. Thanh tra ngành khoa học và công nghệ đã xử lý 486 vụ, việc xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, trong đó phạt cảnh cáo: 70 vụ, việc, phạt tiền: 285 vụ, việc với số tiền xử phạt gần 9 tỷ đồng. Lực lượng quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã kiểm tra và xử lý đối với 23.331 vụ, việc buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đã xử phạt vi phạm hành chính đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm. Biện pháp hình sự được áp dụng đối với hành vi cố ý giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và sao chép lậu quyền tác giả, quyền liên quan ở quy mô thương mại, hoặc đạt tới các ngưỡng hình sự về trị giá hàng giả mạo, hàng sao chép lậu, thu lợi bất chính hoặc thiệt hại. Viện Khoa học sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ thường xuyên cung cấp ý kiến giám định cho các cơ quan bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng như các doanh nghiệp và cá nhân. Từ tháng 9-2009 đến năm 2018, đã có 3.9391 vụ, việc giám định được thực hiện, trong đó 416 vụ theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền mà chủ yếu là các cơ quan bảo vệ quyền (383 yêu cầu, trong đó 57,7% từ cơ quan quản lý thị trường, 29% từ cơ quan công an, số còn lại từ các cơ quan khác, như thanh tra khoa học và công nghệ, hải quan, tòa án nhân dân). Bên cạnh đó, nước ta cũng có hàng loạt các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sáng tạo, chuyển giao và phổ biến tài sản trí tuệ, trong đó có nhiều chính sách được luật hóa cũng như các chương trình hỗ trợ đã được triển khai, bao gồm chính sách về trao quyền (trao quyền tự chủ cho các tổ chức nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp khoa học công nghệ; trao quyền đăng ký sáng chế, quản lý, khai thác sáng chế cho tổ chức chủ trì dự án nghiên cứu); chính sách, cơ chế phân chia quyền, lợi ích trong hợp tác nghiên cứu công - tư; chính sách khuyến khích khai thác sáng chế tạo ra từ nguồn kinh phí của Nhà nước; chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tại doanh nghiệp thông qua Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ... Riêng Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trong giai đoạn 2011 - 2015 đã hỗ trợ thực hiện 213 dự án, giai đoạn 2016 - 2020 đã và đang triển khai hỗ trợ 23 dự án. 3.3.2. Những tồn tại và nguyên nhân tồn tại trong quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sở hữu trí tuệ ở nước ta tồn tại không ít hạn chế. Về mặt cơ cấu tổ chức chung của hệ thống sở hữu trí tuệ, mô hình ba cơ quan phụ trách ba lĩnh vực khác nhau về quyền sở hữu trí tuệ hoạt động quản lý không tập trung, liên kết rời rạc, không có tính hệ thống, cơ chế phối hợp liên ngành còn yếu, không chặt chẽ. 327
  5. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 Về hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, mặc dù quyền sở hữu trí tuệ về bản chất là quyền dân sự nhưng thời gian qua, hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp dân sự ở nước ta còn hạn chế. Theo số liệu thống kê của Tòa án Nhân dân tối cao, từ ngày 1-7-2006 đến 30-9-2018, các tòa án đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 208 vụ án dân sự liên quan đến các tranh chấp về sở hữu trí tuệ (trong đó có 178 vụ tranh chấp về quyền tác giả, 20 vụ tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp)… Về xác lập quyền sở hữu công nghiệp, thời gian xử lý đơn kéo dài, chưa bảo đảm đúng thời hạn luật định. Quá trình xử lý đơn chưa thật sự công khai, minh bạch khiến cho người nộp đơn và công chúng tiếp cận thông tin chưa được dễ dàng. Về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hiện có nhiều cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính, không có đầu mối chính, mỗi cơ quan phụ trách một lĩnh vực (chuyên ngành) hoặc một phạm vi (trên thị trường, tại nơi sản xuất), phạm vi thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan còn có sự trùng lặp, chưa có sự phối hợp chặt chẽ; hoạt động cập nhật, trao đổi thông tin giữa các bộ, ngành, địa phương chưa kịp thời dẫn đến sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan chưa phát huy được hiệu quả. Nguyên nhân của tồn tại: Hệ thống văn bản pháp luật vẫn tương đối cồng kềnh và phức tạp, gồm nhiều tầng nấc với các văn bản hướng dẫn thi hành khác nhau; tính đồng bộ và thống nhất trong quy định giữa các văn bản pháp luật chưa cao; một số quy định chưa chi tiết, rõ ràng dẫn đến nhiều cách hiểu và thi hành khác nhau; một số quy định còn thiếu tính khả thi, không thực sự phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Hệ thống tòa án chưa đủ nhân lực được đào tạo và có kinh nghiệm để giải quyết nhanh chóng, hiệu quả các vụ, việc phức tạp về sở hữu trí tuệ. Cơ chế giải quyết tranh chấp qua trung gian hòa giải, trọng tài chưa được phát huy. Nhận thức của người dân, các tổ chức, doanh nghiệp về bảo hộ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chưa cao, chưa có ý thức chủ động tự bảo vệ quyền của mình cũng như tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác; chủ thể quyền và các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp chưa vượt qua được tâm lý ngại đụng chạm đến tòa và vẫn ưu tiên lựa chọn biện pháp hành chính để yêu cầu xử lý xâm phạm quyền... 4. Các khuyến nghị giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam Để các hoạt động sở hữu trí tuệ của Việt Nam phát triển đúng hướng, đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội nước ta, cần xác định rõ quan điểm: tài sản trí tuệ của Việt Nam cũng như của nhân loại phải được sử dụng làm đòn bẩy thúc đẩy đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh; nâng cao về chất và bảo đảm hiệu quả vượt trội của hoạt động sở hữu trí tuệ là yêu cầu xuyên suốt và là ưu tiên hàng đầu đối với mục tiêu phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam; hệ thống sở hữu trí tuệ phải phát triển dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trước tiên là Internet kết nối vạn vật và trí tuệ nhân tạo; nguồn nhân lực chất lượng cao về sở hữu trí tuệ được hình thành là yếu tố then chốt để bảo đảm sự thành công của các hoạt động sở hữu trí tuệ; hệ thống sở hữu trí tuệ của Việt Nam có tính mở và động, tạo sự thích ứng cho hệ thống theo sự vận động và phát triển của nền kinh tế gắn liền với việc tích cực và chủ động hội nhập quốc tế về sở hữu trí tuệ. Cụ thể, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về Sở hữu trí tuệ thì cần thiết thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: Một là, đẩy mạnh đổi mới các hoạt động thông tin và truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của xã hội về sở hữu trí tuệ, một hoạt động quan trọng khuyến khích hoạt động sáng tạo, tạo ra các tài sản trí tuệ có giá trị, khuyến khích hoạt động chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, cần từng bước đưa môn học sở hữu trí tuệ và chuyên ngành sở hữu trí tuệ vào chương trình đào tạo đại học và đưa kiến thức về sở hữu trí tuệ vào chương trình giáo dục phổ thông. 328
  6. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 Hai là, nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Phối hợp hoạt động hiệu quả giữa các cơ quan quản lý của Nhà nước và các cá nhân, tổ chức khác có liên quan trong những công việc nhằm hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ, là cơ sở pháp lý vững chắc để bảo vệ thành quả sáng tạo và có tính khả thi cao, khuyến khích sự sáng tạo. Tăng cường sử dụng hiệu quả các công cụ theo dõi, quản trị sở hữu trí tuệ, tăng cường sử dụng công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thông tin, trong hoạt động nghiệp vụ sở hữu trí tuệ. Ba là, mọi đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh, giống cây trồng và tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa. Các đối tượng sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ phù hợp với các tiêu chuẩn tối thiểu của các điều ước quốc tế. Bên cạnh đó, thiết chế cần thiết để bảo vệ quyền sở hữu trí đã được thiết lập, với các chế tài về dân sự, hành chính, hình sự, biện pháp kiểm soát về sở hữu trí tuệ đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu,... nhằm “nội luật hóa” các yêu cầu của Hiệp định TRIPs, Hiệp định BTA. Các quy định này bổ trợ cho quy định mang tính tổng quát của một số văn bản pháp luật có liên quan đến hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ (Bộ luật Dân sự, Bộ Luật Tố tụng Dân sự, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Luật Hải quan...), tạo nên một hệ thống quy phạm đầy đủ và phù hợp với các yêu cầu có tính chất đặc thù trong hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ . Bốn là, việc Nhà nước ban hành Luật sở hữu trí tuệ có thể coi là một sự kiện pháp lý quan trọng, thiết lập công cụ pháp lý với hiệu lực cao nhất để điều chỉnh một cách toàn diện và thống nhất các khía cạnh của quyền sở hữu trí tuệ, đưa pháp luật về sở hữu trí tuệ của nước ta bước sang một giai đoạn phát triển mới cả về chất lượng và hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến trình đàm phán gia nhập WTO và hội nhập quốc tế của nước ta. Để Luật sở hữu trí tuệ nhanh chóng đi vào cuộc sống, trước mắt có một số công việc cần phải tiến hành là: - Tổ chức phổ biến, giáo dục và tuyên truyền rộng rãi nội dung của Luật, trong đó đặc biệt chú trọng các đối tượng có liên quan bao gồm các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp, cán bộ trong hệ thống các cơ quan có chức năng quản lý và thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ, giới sáng tác, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và người tiêu dùng... - Đồng thời, củng cố và hoàn thiện hệ thống các cơ quan có chức năng quản lý các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ ở trung ương và địa phương đủ mạnh về chuyên môn, đội ngũ cán bộ, trang bị các phương tiện vật chất và xây dựng cơ chế phối hợp cần thiết để tăng cường và nâng cao hiệu quả của công tác quản lý quyền sở hữu trí tuệ trong phạm vi cả nước. Năm là, tăng cường đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư cho phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ, thúc đẩy đầu tư hiện đại hóa nguồn lực công nghệ phục vụ xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; lập Quỹ hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ quốc gia để đầu tư cho hoạt động thúc đẩy hoạt động sáng tạo, hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tài sản trí tuệ. Đồng thời, cần thiết tinh giản đầu mối và chuyên môn hóa hệ thống về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tiếp tục hoàn thiện các quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, nhất là các quy phạm thực thi; chuyển dần việc xử lý các tranh chấp về sở hữu trí tuệ sang các biện pháp dân sự; chấn chỉnh lại toàn bộ các quy phạm về chế tài bảo đảm thực thi theo hướng lấy trật tự dân sự làm biện pháp chủ yếu (còn chế tài hành chính chỉ được áp dụng như một biện pháp bổ sung cho chế tài dân sự khi mà sự xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vượt quá mức dân sự). Sáu là, nâng cao trình độ nguồn nhân lực sở hữu trí tuệ thông qua đổi mới và đẩy mạnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chuyên nghiệp về sở hữu trí tuệ, hoàn thiện các tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn và điều kiện tuyển dụng cho các vị trí công tác trực tiếp xử lý nghiệp vụ trong các cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ. Cần có chương trình huấn luyện cán bộ đầu mối về thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại các cơ quan thực thi ở Trung ương và địa phương; đề ra những nội dung cụ thể thiết thực 329
  7. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 trong các lĩnh vực quản lý nhà nước để tăng cường sự gắn kết giữa các cán bộ đầu mối. Tổ chức định kỳ chương trình bồi dưỡng kiến thức về sở hữu trí tuệ cho các cán bộ đầu mối theo hướng chuyên sâu từng bước. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Hữu Cần (2016), Nghiên cứu lý luận và thực tiễn về mức độ sử dụng sáng chế trong một số ngành công nghiệp ở Việt Nam, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ. 2. Cục sở hữu trí tuệ (2016), Tài liệu tập huấn về sở hữu trí tuệ, NXB Khoa học kỹ thuật. 3. Lê Trung Đạo (2012), Giáo trình bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, NXB tài chính. 4. Nguyễn Thị Minh Hằng (2016), Nghiên cứu lý luận và thực tiễn về hành vi lạm dụng độc quyền sáng chế gây hậu quả hạn chế cạnh tranh, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ. 5. Vũ Thị Hân (2016), Nghiên cứu lý luận và thực tiễn về vấn đề thuế đối với tài sản trí tuệ (IP Taxation), Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ. 6. Lê Nết, Quyền Sở Hữu Trí Tuệ, NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. 7. Bùi Tiến Quyết (2016), Nghiên cứu lý luận và thực tiễn về việc góp vốn kinh doanh bằng tài sản trí tuệ, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ. 8. Lê Xuân Thảo (2015), Đổi mới và hoàn thiện pháp luật về Sở hữu trí tuệ, NXB tư pháp. 9. Phùng Trung Tập (2008), Các Yếu Tố Của Quyền Sở Hữu Trí Tuệ, NXB Tư pháp. 10. Nguyễn Thị Sự (2016), Nghiên cứu lý luận và thực tiễn về mô hình Tòa án dân sự chuyên trách về sở hữu trí tuệ, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ. 330
nguon tai.lieu . vn