Xem mẫu

  1. QUẢN LÝ NGUỒN LỰC TÀI NGUYÊN ĐẤT TRONG QUÁ TRÌNH HỘI NHẬP CỦA VIỆT NAM SẮP TỚI Nguyễn Mậu Hùng NCS. Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế Email: nguyenmauhung@quangbinh.edu.vn Tóm tắt Bằng các phương pháp định tính và định lượng, bài viết chỉ ra rằng đất đai là một trong những nhân tố chủ đạo cho thành công của Việt Nam trong công cuộc đổi mới hơn 3 thập kỷ qua. Bên cạnh là nguồn sống chủ yếu của một bộ phận không nhỏ cư dân nông thôn, không ít lĩnh vực sản xuất then chốt của nền kinh tế về cơ bản vẫn dựa vào việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như lợi thế sẵn có từ đất. Cùng lúc đó, tài nguyên đất thông thường cũng là một trong những lợi thế cho Việt Nam trong việc kêu gọi và thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài cũng như việc tiến hành liên doanh và liên kết với bên ngoài. Tuy nhiên, việc quản lý và sử dụng nguồn lực đất của Việt Nam thời gian qua chưa thực sự hiệu quả và bài bản như mong muốn. Chính vì thế, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào trong công tác quản lý và sử dụng đất có ý nghĩa then chốt, nhưng chuyển đổi mô hình phát triển mới là một giải pháp quyết định. Từ khóa: đất đai, tài nguyên đất, hình thức sở hữu, mô hình phát triển, khoa học công nghệ Abstract Land resource management in the upcoming integration of Vietnam By qualitative and quantitative methods, the article shows that land has been one of the key factors for Vietnam's success in the renovation process over more than the past three decades. Apart from being the main source of life for a large part of rural population, a number of key production sectors of the economy still rely on the exploitation of natural resources as well as advantages available from land. At the same time, land resources are normally also one of the advantages for Vietnam in calling for and attracting foreign direct investment as well as conducting joint ventures and cooperation with outsiders. However, Vietnam’s management and use of land resources have not been really effective and methodical as expected. Therefore, increasing the application of science and technology to the management and use of land has a significant meaning, but changing the development model is a decisive solution. Keywords: land, land resources, ownership form, development model, science and technology 1. Đặt vấn đề 501
  2. Đất đai là một trong những tài sản và nguồn tài nguyên quý giá nhất của mọi quốc gia. Lợi thế về tài nguyên đất đai đã mang lại cho Việt Nam không ít thành tựu rất đáng tự hào trong hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới vừa qua, nhưng đồng thời cũng đã và đang đặt ra nhiều vấn đề không những hết sức cấp bách mà còn vô cùng nan giải. Một trong những vấn đề như thế chính là năng lực quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên vô giá này của hệ thống các cơ quan chức năng trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Đây là một vấn đề đã thu hút được sự quan tâm của giới nghiên cứu cả trong lẫn ngoài nước trong một thời gian dài, nhưng thực tế vẫn còn quá nhiều vấn đề hóc búa chưa thể giải quyết ngay lập tức. Chính vì thế, trên cơ sở các phương pháp định tính và định lượng cũng như phương thức tiếp cận chuyên ngành và liên ngành, bài viết phân tích thêm một số góc cạnh cần quan tâm và đáng chú ý trong công tác quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập hiện nay. 2. Nguồn lực tài nguyên đất của Việt Nam trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 2.1. Tầm quan trọng của tài nguyên đất đối với quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa của Việt Nam Đất đai không chỉ là không gian sinh tồn, mà còn là một thành tố tối quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của tất cả mọi phương thức tổ chức cộng đồng. Một đất nước có thể có một thể chế chính trị khác nhau, trình độ phát triển kinh tế - xã hội khác nhau, và bản sắc văn hóa riêng biệt, nhưng không có quốc gia nào có thể tồn tại trong điều kiện bình thường mà không có một phạm vi lãnh thổ nhất định. Trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, việc quản lý và sử dụng sao cho hợp lý nguồn lực đất đai không chỉ là một bài toán nan giải đối với toàn thể nhân loại, mà còn vô cùng phức tạp đối với các nước đang phải chịu áp lực mạnh mẽ về gia tăng dân số và tình trạng cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Việt Nam là một nước có thể nói là tuy đất đai không quá rộng lớn và tài nguyên thiên nhiên cũng không thực sự quá dồi dào đến mức khai thác mãi vẫn không hết, nhưng cũng không đến nổi quá khan hiếm và ít ỏi đến mức phải lệ thuộc hoàn toàn vào bên ngoài. Thực tế công cuộc đổi mới hơn ba thập kỷ qua đã chứng minh rằng các nguồn tài nguyên thiên thiên đất đai đóng một vai trò vô cùng quan trọng nếu không muốn nói là then chốt đối với quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa của Việt Nam. Thứ nhất, đất đai là tài sản quốc gia, tài nguyên của nhà nước, và thuộc sở hữu toàn dân thông qua người đại diện của mình là chính quyền nhà nước. Chính yếu tố sở hữu toàn dân này đã cho phép chính quyền nhà nước có thể huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn dân trong quá trình tiến hành triển khai xây dựng các công trình quy mô cần diện tích mặt bằng lớn hoặc một phạm vi lãnh thổ thuộc chức năng quản lý nhà nước của nhiều địa phương khác nhau [1, tr. 175-189]. Ví dụ như việc triển khai xây dựng các tuyến 502
  3. đường giao thông huyết mạch liên tỉnh và xuyên quốc gia, thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên hoang dã, và thậm chí xây dựng các di tích lịch sử, di sản văn hóa, và công trình công cộng đều thường nhận được sự đồng thuận cao của các bên liên quan. Mặc dù quá trình này không phải lúc nào cũng diễn ra một cách suôn sẽ, nhưng nhìn chung không phát sinh mâu thuẫn lớn đến mức xảy ra các cuộc xung đột vũ trang gay gắt dẫn đến bất ổn chính trị [7, tr. 19-54]. Đó chính là một điều kiện hết sức cơ bản để Việt Nam có thể tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa sắp tới. Thứ hai, tài nguyên đất vẫn là một trong những nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng nhất [5, tr. 12-14] của Việt Nam trong tất cả các mối quan hệ cả đối nội lẫn đối ngoại. Về đối nội, đất đai hiện là một trong những tài sản quý giá nhất của toàn thể cư dân Việt Nam và ngành kinh doanh bất động sản là một trong những ngành mang lại nhiều lợi nhuận một cách dễ dàng và thuận lợi nhất cho tất cả những người liên quan. Tài sản lớn nhất của không ít gia đình Việt Nam hiện nay chính là đất đai. Một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp của Việt Nam cũng chủ yếu sống dựa vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên đất đai hơn là giá trị gia tăng do lợi nhuận từ sản xuất mang lại. Không ít địa phương giàu lên cũng chủ yếu nhờ bán đất để đổi lấy tốc độ phát triển và lợi thế trước mắt về điều kiện vật chất [4, tr. 1-14]. Đó là một mô hình phát triển mà hiện nay về cơ bản người ta gọi là phát triển theo kiểu đánh đổi hơn là phát triển bền vững lâu dài. Thứ ba, mặc dù kinh tế Việt Nam đang có xu hướng chuyển dần sang công nghiệp và dịch vụ, nhưng nông nghiệp vẫn đóng một vai trò vô cùng thiết yếu đối với đời sống hàng ngày cũng như tổng sản lượng kinh tế của cả nước [2, tr. 1-14]. Phần lớn các ngành sản xuất nông nghiệp của Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có từ đất đai, từ nền nông nghiệp lúa nước cho đến trồng trọt các loại hoa màu và thậm chí cả nuôi trồng thủy hải sản cũng như các loại cây công nghiệp phục vụ cho sản xuất chế biến. Toàn bộ các hoạt động sản xuất nông nghiệp này từ tiểu nông của từng hộ nông dân đơn lẻ đến tập thể của từng công ty và nông trường cũng như xa hơn nữa là trang trại và sản xuất quy mô lớn theo kiểu hợp tác xã hoặc tập đoàn sản xuất nông nghiệp đều về cơ bản vẫn phải dựa vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có trên và trong lòng đất. Đất đai vì thế là yếu tố có tính chất sống còn đối với gần như toàn bộ nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam hiện nay. Thứ tư, cho dù công nghiệp và dịch vụ đang có xu hướng tiến triển ngày càng tích cực và đóng góp giá trị gia tăng đang ngày một lớn trong nền kinh tế, nhưng rõ ràng phần lớn nền công nghiệp và thậm chí cả một phần các ngành dịch vụ của Việt Nam cũng vẫn chủ yếu dựa vào việc khai thác và tận dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng, và sẵn có từ đất. Ví dụ, một trong những lĩnh vực thường đóng góp nhiều nhất cho ngân sách quốc gia chính là khai thác dầu thô tất nhiên là thường diễn ra trên biển, nhưng thực tế cũng là trong lòng đất. Tương tự như vậy là ngành khai thác than đá, trong 503
  4. khi các ngành công nghiệp khai thác khoáng sản và quặng sắt được xem là tương lai và mũi nhọn của Việt Nam trong thời gian sắp tới. Cùng với những đóng góp tích cực của ngành xuất khẩu lúa gạo và thủy hải sản, có thể nói rằng phần lớn các ngành kinh tế mũi nhọn và trọng yếu của Việt Nam hiện nay đều vẫn dựa vào việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có trong lòng đất. Thứ năm, đất đai là một trong những lợi thế cơ bản của Việt Nam để thu hút vốn đầu tư nước ngoài và một điều kiện quan trọng để tiến hành liên doanh cũng như liên kết với bên ngoài. Phần lớn các doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam, vì 1) tình hình chính trị ổn định, 2) nguồn tài nguyên thiên nhiên nhìn chung tương đối dồi dào và phong phú cũng như về cơ bản vẫn chưa bị khai thác theo kiểu tận diệt đến mức gần như không còn gì có thể khai thác được nữa, trong đó đất đai xây dựng mặt bằng thường đóng vai trò then chốt, 3) nguồn nhân công đông về số lượng, thiếu về chất lượng, và rẻ về giá cả, 4) một thị trường tiêu thụ tiềm năng với gần 100 triệu dân của một nền kinh tế đang có tốc độ tăng trưởng nhanh đều và ổn định bậc nhất thế giới trong một thời gian dài, 5) chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và nhiều ưu đãi của nhiều địa phương trong cả nước để thực hiện thành công giấc mơ hóa rồng trong thời gian sớm nhất có thể. Nhìn vào tất cả các yếu tố trên thì có thể thấy rằng mặc dù việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài còn phụ thuộc vào từng lĩnh vực cụ thể, nhưng về cơ bản chỉ có hai nhân tố chủ đạo mang lại lợi thế thực sự cho Việt Nam. Một mặt là nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và mặt kia và nguồn nhân công dồi dào. Phần lớn các khu chế xuất và khu công nghiệp được ra đời và phát triển trong bối cảnh này. Tóm lại, đất đai là một trong những nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá của mọi quốc gia dân tộc. Đối với Việt Nam, đất đai đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của lịch sử dân tộc cũng như trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước hiện nay. Không chỉ là một trong những yếu tố cơ bản của các ngành sản xuất nông nghiệp đang chiếm đa số trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của dân cư nông thôn, đất đai cũng chính là một trong những nguồn cung cấp giá trị chủ yếu cho không ít lĩnh vực sản xuất công nghiệp và thậm chí cả dịch vụ. Trong bối cảnh phần lớn các ngành sản xuất của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn dừng lại ở mức độ khai thác và tận dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có là chủ yếu, đất đai chính là một trong những nguồn lợi quan trọng nhất của quá trình sản xuất. Trong chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như trong quá trình hình thành các liên doanh và liên kết, đất đai cũng chính là một trong những thành tố mang lại cho phía doanh nghiệp Việt Nam nhiều lợi thế. Tuy nhiên đây là một nguồn tài nguyên không phải vô tận, chính vì thế việc quản lý, khai thác, và sử dụng nguồn tài nguyên quốc gia quý giá này như thế nào cho hợp lý là một câu hỏi lớn của các cơ quan chức năng. 2.2. Một số vấn đề đặt ra đối với việc quản lý tài nguyên đất trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay 504
  5. Mặc dù đất đai đóng một vai trò vô cùng thiết yếu và tối quan trọng đối với quá trình đổi mới của Việt Nam trong những thập niên vừa qua, nhưng quá trình quản lý, khai thác, và sử dụng đất đai của Việt Nam trong thời gian qua cũng đã và đang đặt ra không ít vấn đề cần phải được tập trung giải quyết dứt điểm càng sớm càng tốt. Đây là một câu chuyện vô cùng phức tạp và có liên quan đến nhiều bên khác nhau, nhưng có xu hướng diễn biến ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, tựu chung lại vấn đề đất đai của Việt Nam thời gian qua chủ yếu liên quan đến các yếu tố sở hữu, quản lý, khai thác, sử dụng, và mô hình phát triển. Thứ nhất, việc đất đai được xem là thuộc sở hữu toàn dân thông qua người đại diện của mình chính là nhà nước đã mang lại nhiều lợi thế không nhỏ cho việc sử dụng đất đai với quy mô lớn và phạm vi rộng. Tuy nhiên, quá trình phát triển của Việt Nam thời gian qua đã làm cho phương thức sở hữu này ngày càng bộc lộ ra nhiều yếu tố chưa thể đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thực tế. Về nguyên tắc việc đất đai vẫn được xem là thuộc sở hữu toàn dân làm cho tính tự chủ và cơ hội phát huy khả năng khai thác một cách chủ động nguồn tài nguyên này chưa được hiệu quả như mong muốn. Có thể thấy rằng, hành lang pháp lý đất đai vẫn chưa thực sự theo kịp với tốc độ phát triển của thực tiễn cuộc sống, nên trong thực tế đã diễn ra không ít trường hợp xung đột lợi ích và tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất đai một cách dai dẳng và kéo dài. Hiện tượng này đang có xu hướng ngày càng diễn biến phức tạp, vì không chỉ gia tăng về số lượng mà trong thực tế nhiều lúc còn biến tướng về mặt bản chất. Thứ hai, về nguyên tắc toàn bộ đất đai thuộc quyền quản lý của nhà nước trên phương diện hành chính đối với đất tư, nhưng đồng thời cũng là chủ sở hữu đối với đất công bằng nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Việc quản lý đất đai thời gian qua đã đi vào ổn định và có chiều sâu. Hệ thống các văn bản pháp luật ngày càng được hoàn thiện và củng cố theo hướng tiệm cận với khu vực và hội nhập với thế giới. Tuy nhiên, cơ chế quản lý và phương thức thực hiện trong quá trình vận hành chức năng này đang để lại nhiều dấu hỏi lớn. Công tác quản lý đất đai có nơi quá chặt đến mức gây khó dễ cho các bên liên quan, trong khi một số nơi lại quá lỏng lẽo đến mức buông lỏng quản lý và thực tế cũng đã gây ra những hậu quả không hề đơn giản đối với cả người dân lẫn nhà nước. Chính công tác quản lý này mới là một trong những nguồn gốc cho các mâu thuẫn, tranh chấp, và xung đột lợi ích về đất đai trong thời gian qua. Chính vì thế, việc quản lý một cách có hệ thống và đồng bộ nguồn tài nguyên quốc gia quý giá này trở thành một nhu cầu cấp thiết đối với tất cả các bên liên quan trong thời gian tới. Thứ ba, tài nguyên đất là một trong những vốn quý của quốc gia, việc khai thác nguồn tài nguyên này vì thế không chỉ ảnh hưởng đến tổng nguồn lực giá trị mà nó có thể tạo ra, mà còn tác động đến cả khả năng thịnh vượng của nền kinh tế quốc dân cả nước. Tài nguyên đất mặc dù là dồi dào, nhưng không phải vô tận. Thế gian này về cơ bản không còn chỗ trống không có chủ. Gần như không còn nơi nào không có dấu chân của 505
  6. con người theo nghĩa thông thường. Việc khai thác tài nguyên đất chính vì thế đã có lúc và có nơi đạt đến mức độ hiệu quả tối đa nhất có thể. Tuy nhiên, diện tích đất thì về cơ bản không thể tự nhiên sinh ta một cách nhanh chóng tương xứng với tốc độ phát triển của dân số. Thực tế đó đã làm cho nhiều nguồn tài nguyên đất của Việt Nam đã gần như cạn kiệt. Mặc dù vậy, vấn đề đáng báo động hơn là không chỉ diện tích đất có thể khai thác được ngày càng thu hẹp, mà khả năng phục hồi của các vùng đất đã bị tận dụng theo kiểu tận diệt là rất hạn chế. Tài nguyên đất đối với Việt Nam do đó mặc dù chưa phải đã hết, nhưng một tương lai bất định không phải không có khả năng diễn ra. Thứ tư, sử dụng tài nguyên đất làm sao cho hiệu quả và thiết thực là một câu hỏi không mới [6, tr. 8-23], nhưng không phải lúc nào cũng có thể tìm được lời giải đáp thỏa đáng trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay. Một mặt của vấn đề là nhiều nguồn tài nguyên đất bị sử dụng sai mục đích cũng như khai thác đến mức tận diệt và không có khả năng phục hồi như mong muốn. Mặt khác là việc nhiều nguồn tài nguyên đất mặc dù đã hoàn thành các thủ tục về mặt hành chính, nhưng không được đưa vào sử dụng kịp thời nên dẫn đến thất thoát nguồn lực tài nguyên thiên nhiên từ đất cũng như lãng phí nguồn lực công của cộng đồng. Việc sử dụng sai mục đích không chỉ dẫn đến nhiều hệ quả rất tai hại đối với tổng quỹ đất chung của cả nước, mà còn góp phần gây ra tình trạng lộn xộn về vấn đề khai thác và sử dụng đất những năm vừa qua. Đó là một thách thức không nhỏ đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, nhưng không phải là không có phương án giải quyết trong thời gian tới. Thứ năm, đất đai là một trong những nguồn tài nguyên đặc biệt của quốc gia. Tuy nhiên, việc khai thác và sử dụng chúng như thế nào cho hiệu quả lệ thuộc một phần rất lớn vào mô hình phát triển của từng nước. Mô hình quản lý và sử dụng đất đai của Việt Nam thời gian qua đã phát huy nhiều tác dụng tích cực [8]. Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên có sẵn của đất cũng như tận dụng các lợi thế vốn có từ đất cũng có những mặt trái nhất định của nó. Không chỉ các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có từ đất đang có dấu hiệu cạn kiệt dần, mà không gian sinh tồn của nhiều hệ sinh thái tự nhiên cũng đang bị thu hẹp nghiêm trọng. Nhiều vùng đất đã bị ô nhiễm đến mức không thể tái sử dụng dưới bất cứ hình thức và mức độ nào. Mặc dù Việt Nam chưa phải đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức trực tiếp của tình trạng này, nhưng chuyển đổi mô hình phát triển từ dựa vào các nguồn lực sẵn có từ đất sang phát triển kinh tế bền vững bằng khoa học công nghệ và hàm lượng chất xám có ý nghĩa sống còn. Tóm lại, công tác quản lý và sử dụng tài nguyên đất của Việt Nam thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, thực trạng cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có từ đất cũng như vấn đề ô nhiễm môi trường đất đang thực sự đe dọa khả năng phát triển bền vững cũng như mô hình thịnh vượng của Việt Nam trong thời gian tới. Việt Nam được dự đoán sẽ là một trong những nước chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề 506
  7. nhất của biến đổi khí hậu. Việc khai thác và sử dụng nguồn lực tài nguyên đất chính vì thế không chỉ phải khoa học và hợp lý, mà còn phải hết sức tiết kiệm và hiệu quả để tránh để lại những hậu quả không thể khắc phục đối với hậu thế. Để giải quyết vấn đề này, con đường tất yếu của Việt Nam là phải chuyển đổi mô hình phát triển từ chỗ chủ yếu dựa vào các nguồn lực tài nguyên thiên nhiên sẵn có từ đất, sang mô hình phát triển chú trọng đầu tư khoa học công nghệ và hàm lượng chất xám. 2.3. Một số đề xuất hàm ý chính sách Trên cơ sở các phân tích như trên, bài viết cung cấp thêm một số gợi ý mang tính chất tham khảo cho việc khai thác và bảo vệ nguồn lực đất đai trong thời gian tới. 1) Về vấn đề sở hữu, bên cạnh phương thức sở hữu toàn dân qua đại diện nhà nước, bối cảnh mới đòi hỏi phải không ngừng đa dạng hóa và liên tục đổi mới hình thức làm chủ đối với nguồn tài nguyên quan trọng này của quốc gia. Trong thực tế, hiện nay cần có những cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa nội dung hình thức sở hữu toàn dân về đất đai cho phù hợp với bối cảnh của tiến trình phát triển và nhu cầu thực tiễn. 2) Về công tác quản lý đất đai, không ít vấn đề gần đây nảy sinh từ chính sự yếu kém của lĩnh vực này. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật cũng như các thành tựu vượt bậc của nhân loại trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, rất nhiều công việc trong công tác quản lý nói chung và quản lý đất đai nói riêng hoàn toàn có thể được tiến hành bằng máy móc một cách khách quan, trung thực, và chính xác [11, tr. 1-8]. Chừng nào mà các cơ quan chức năng vẫn còn do dự và viện cớ để trì hoản việc áp dụng máy móc vào trong quá trình quản lý đất đai, chừng đó vẫn còn các yếu tố thiếu tích cực tồn tại và phát triển trong hệ thống hành chính. Chính vì vậy, việc tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào trong công tác quản lý đất đai không chỉ là một yếu cầu cấp thiết, mà còn là một nhiệm vụ bắt buộc đối với các cơ quan chức năng trong thời gian tới. Chỉ có các giải pháp khoa học công nghệ mới có thể giải quyết một cách dứt điểm và triệt để các vấn đề còn tồn động trong công tác quản lý đất đai. 3) Về vấn đề khai thác và sử dụng đất, xét về tổng thể thì đây vẫn còn là một điểm yếu của nền sản xuất Việt Nam, vì phần lớn vẫn chủ yếu dựa vào việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẵn có từ đất hơn là tạo ra các giá trị gia tăng nhờ khoa học công nghệ và trí tuệ chất xám. Chính vì thế, việc chuyển đổi mô hình phát triển từ việc dựa hẳn và lệ thuộc có tính chất quyết định vào các nguồn tài nguyên sẵn có từ đất cũng như các lợi thế từ việc bán đất trong hoạt động sản xuất kinh doanh sang mô hình sáng tạo ra các giá trị đích thực cho cuộc sống là một đòi hỏi tất yếu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay [9, tr. 3-10]. Quá trình này tất nhiên không hề đơn giản, vì nó phải bắt đầu từ khâu nhân sự cũng như các nguồn lực khoa học công nghệ để có thể đáp ứng đến mức tối đa nhất có thể các quy luật vận hành của một nền kinh tế tri thức và mô hình phát triển bền vững trong tương lai [10, tr. 136-140]. Mặc dù vậy, nếu Việt Nam xuất phát sớm và 507
  8. có các bước chuẩn bị càng chu đáo, khả năng và cơ hội thành công càng lớn hơn. 4) Lợi thế về nguồn tài nguyên đất trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như thiết lập các mối liên doanh và liên kết với bên ngoài đã mất dần giá trị thực tiễn. Các nguồn tài nguyên đất của Việt Nam mà giới đầu tư nước ngoài hướng đến không chỉ đang bị cạn kiệt dần, mà môi trường đất đai cũng đang có nguy cơ thu hẹp đáng kể. Các khu chế xuất thực chất là chế biến và xuất khẩu, trong khi không ít khu công nghiệp một khi đã được sử dụng thì rất khó có thể phục hồi lại được chức năng đất nông nghiệp sinh thái như vốn có. Giới đầu tư nước ngoài đến Việt Nam không hẳn lúc nào cũng vì sự phát triển bền vững của nước sở tại. Thay vào đó, lợi nhuận thông thường mới là mục tiêu tối thượng của giới kinh doanh. Chính vì thế, vấn đề môi trường nhiều lúc không được chú ý đúng mức và vì thế cũng đã để lại không ít hậu quả quá khó lường. Đảm bảo các tiêu chuẩn về an ninh môi trường cũng như chuyển giao khoa học công nghệ thế nên phải trở thành các điều khoản then chốt và bắt buộc đối với các dự án đầu tư nước ngoài có sử dụng đất cũng như các nguồn tài nguyên đất của Việt Nam. Có như thế, Việt Nam mới hy vọng tránh được các thảm họa môi trường không đáng có như những gì đã xảy ra và đồng thời có thể hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai [3, tr. 707-718]. 5) Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam trong thời gian tới chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của vấn đề biến đổi khí hậu, tình trạng nóng lên của trái đất, và đặc biệt quan ngại là mực nước biển dâng cao. Phần lớn các vùng ven biển của Việt Nam được cho là sẽ bị nhấm chìm trong nước. Đáng chú ý, đây chính là khu vực màu mỡ và vùng sản xuất nông nghiệp chính của Việt Nam. Điều đó có nghĩa là đất đai vốn đã là một vấn đề hết sức nan giải của Việt Nam trong thời gian qua, giờ đây lại còn phải đối mặt với nhiều thách thức thậm chí còn phức tạp hơn nhiều. Ứng phó với biến đổi khí hậu chính vì thế không còn là vấn đề cần phải đưa ra bàn thảo thêm, mà trong thực tế phải là vấn đề cần phải đưa vào hành động trong thực tiễn cuộc sống của mỗi người càng sớm chừng nào tốt chừng đó. Nếu không có chiến lược hợp lý, các thách thức từ nguồn lực đất đai của Việt Nam vốn đã không ít, lại sẽ càng nghiêm trọng hơn trong thời gian tới. 3. Kết luận Tóm lại, đất đai đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình tiến hành công cuộc đổi mới của Việt Nam hơn 3 thập kỷ qua. Đó không chỉ là một trong những nguồn sinh lợi chính yếu của phần lớn các lĩnh vực sản xuất then chốt của Việt Nam hiện nay, mà còn là một lợi thế mang tính chất quyết định trong công tác thu hút vốn đầu tư nước ngoài và liên doanh cũng như liên kết của các doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, các nguồn tài nguyên đất còn là một trong những tài sản quý giá nhất và nguồn sinh kế chủ yếu của một bộ phận không nhỏ cư dân nông thôn. Chính vì thế, vấn đề quản lý và sử dụng đất sao cho thực sự hợp lý và hiệu quả đã được đặt ra từ rất lâu. Tuy nhiên, cho đến hiện nay vẫn tồn tại không ít trường hợp hoặc quản lý quá lỏng lẽo dẫn đến tình trạng lạm 508
  9. dụng đất đai hoặc là tận dụng một cách triệt để đến mức tận diệt làm cho khả năng tạo ra giá trị mới của nguồn lực đất đại bị triệt hạ gần như hoàn toàn. Một phần của tình trạng này là do phương thức sở hữu chưa thực sự linh hoạt và theo kịp với thực tế phát triển của tình hình. Tuy nhiên, chiến lược đánh đổi tài nguyên thiên nhiên từ đất cho tốc độ phát triển cũng như các lợi ích trước mắt mới là nguyên nhân chủ đạo. Đứng trước tình hình đó, bên cạnh việc tăng cường và đổi mới ứng dụng khoa học công nghệ vào trong công tác quản lý đất đai, thì đổi mới mô hình phát triển của nền kinh tế chủ yếu dựa vào các lợi thế cũng như nguồn tài nguyên thiên nhiên từ đất sang nền sản xuất dựa vào hàm lượng khoa học công nghệ cũng như trình độ trí tuệ đóng vai trò chủ đạo. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Barlowe, R., Adelaja, S., and Babladelis, P. (2013), Land Resource Management: Economic Foundations and New Directions, Michigan State University, Michigan. 2. Blum, W. E. H. (2013), Soil and land resources for agricultural production:General trends and future scenarios-A worldwide perspective, International Soil and Water Conservation Research, Vol. 1, No.3, pp. 1-14. 3. Đỗ Kim Chung (2018), NÔNG NGHIỆP THÔNG MINH: CÁC VẤN ĐỀ ĐẶT RA VÀ ĐỊNH HƯỚNG CHO NGHIÊN CỨU VÀ ĐÀO TẠO, Tạp chí Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, 16 (7), tr. 707-718. 4. Enemark, S. (2005), Land Management and Development, CLGE INTERNATIONAL CONFERENC 2005, EUROPEAN PROFESSIONAL QUALIFICATIONS IN GEODETIC SURVEYING, BRUSSELS. 5. FOOD AND AGRICULTURE ORGANIZATION OF THE UNITED NATIONS (2017), Land resource planning for sustainable land management, Current and emerging needs in land resource planning for food security, sustainable livelihoods, integrated landscape management and restoration, Rome. 6. Hart, K., Allen, B., Lindner. M., Keenleyside, C., Burgess, P., Eggers, J., Buckwell, A. (2013), Land as an Environmental Resource, Report Prepared for DG Environment, Contract No ENV.B.1/ETU/2011/0029, Institute for European Environmental Policy, London. 7. Kerkvliet, B. J. T. (2014), Protests over Land in Vietnam: Rightful Resistance and More, Journal of Vietnamese Studies, Vol. 9, No. 3, pp. 19-54. 8. Lê Quý Kha (2017), Mô hình nông nghiệp 4.0 và khả năng áp dụng ở Việt Nam: Nông nghiệp 4.0 là gì?, trong: https://nongnghiep.vn/mo-hinh-nong-nghiep-40- va-kha-nang-ap-dung-o-viet-nam-nong-nghiep-40-la-gi-post198335.html (truy 509
  10. cập ngày 17 tháng 9 năm 2019). 9. Lê Quý Kha (2017), Tổng quan nông nghiệp 4.0 trên thế giới và khả năng áp dụng vào Việt Nam, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kỳ 1, tháng 7, tr. 3-10. 10. The International Bank for Reconstruction and Development, The World Bank (2008), Sustainable Land Management Sourcebook, Washington DC. 11. United States Department of Agriculture, Natural Resources Conservation Service (2006), Land Resource Regions and Major Land Resource Areas of the United States, the Caribbean, and the Pacific Basin, U.S. Department of Agriculture Handbook. 510
nguon tai.lieu . vn