Xem mẫu

  1. PHỤ NỮ BỊ TƯỚC TỰ DO TRONG TƯ PHÁP HÌNH SỰ VIỆT NAM - NHÌN TỪ PHƯƠNG PHÁP TIẾP CẬN QUYỀN Lê Lan Chi TÓM TẮT: Phụ nữ chiếm tỷ trọng không đáng kể trong số những người bị tước tự do trong tư pháp hình sự. Dường như do phụ nữ chiếm tỷ lệ không đáng kể, cùng với các khuôn mẫu và định kiến giới nên hệ thống tư pháp hình sự tại đa số các quốc gia trên thế giới vô hình trung chủ yếu hướng tới nam giới, bỏ quên và bỏ qua nhiều quyền của phụ nữ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, so với nam giới, phụ nữ bị tước tự do đang được cho rằng đã được trao nhiều quyền hơn. Liệu điều này có đúng không? Việc được trao nhiều quyền hơn trong tư pháp hình sự Việt Nam hiện hành đã là đủ đối với phụ nữ bị tước tự do chưa? Như thế nào là đủ và biết bao nhiêu là đủ? Bài viết trả lời các câu hỏi nêu trên từ phương pháp tiếp cận quyền – từ các lý thuyết và chuẩn mực quốc tế về quyền con người cũng như về bình đẳng giới, qua đó làm rõ cơ sở của việc trao quyền “nhiều hơn” này cũng như góp phần định vị Việt Nam trên lộ trình bảo đảm quyền của phụ nữ bị tước tự do trong tư pháp hình sự. Từ khoá: quyền con người, quyền của phụ nữ, phụ nữ bị tước tự do, tư pháp hình sự, Việt Nam. ABSTRACT: Women make up a negligible proportion of those deprived of their liberty in criminal justice. It seems that because of the insignificant proportion of women, along with stereotypes and gender stereotypes, the criminal justice system in most countries around the world is invisible and predominantly male-oriented, ignoring and ignore many women's rights. However, in Vietnam, compared to men, women deprived of their freedom are believed to have been given more rights. Is this correct? Is being granted more rights in the current Vietnamese criminal justice system enough for women deprived of their liberty? How much is enough and how much is enough? The article answers the above questions from a rights approach – from theories and international standards on human rights as well as on gender equality, thereby clarifying the basis of “more” empowerment. This as well as  TS. Trưởng Bộ môn Tư pháp hình sự, Khoa Luật, Đại học Quốc Gia Hà Nội; Email: lelanchi@vnu.edu.vn 489
  2. contribute to positioning Vietnam on the road map to ensure the rights of feedom-deprived women in criminal justice. Keywords: human rights, women's rights, feedom-deprived women, criminal justice, Vietnam. 1. Phụ nữ bị tước tự do trong tư pháp hình sự, họ là ai? Phụ nữ bị tước tự do trong tư pháp hình sự (TPHS) là những người thuộc giới tính nữ, bị tước tự do bằng các biện pháp cưỡng chế của TPHS – họ bị bắt buộc phải cư trú trong môi trường giam giữ, cách biệt với thế giới bên ngoài. Cụ thể, họ thuộc hai nhóm đối tượng: thứ nhất, người bị buộc tội bị giam giữ trước xét xử: đây là những người bị tạm giữ, tạm giam theo luật thi hành tạm giữ, tạm giam, với các căn cứ tạm giữ, tạm giam được quy định trong luật tố tụng hình sự; thứ hai, người bị giam giữ sau xét xử: đây là những người bị kết án, đang chấp hành án phạt tù hoặc đang bị giam giữ để đợi chấp hành án phạt tù hoặc chấp hành hình phạt khác (tử hình). Trong TPHS Việt Nam, một người có thể bị tước tự do bằng những biện pháp cưỡng chế được quy định trong luật tố tụng hình sự (các biện pháp ngăn chặn), luật hình sự (hình phạt, thậm chí là các biện pháp tư pháp hạn chế tự do một cách đáng kể như giáo dục tại trường giáo dưỡng, bắt buộc chữa bệnh tại cơ sở y tế chữa bệnh tâm thần) và được hiện thực hoá theo các quy định của luật thi hành tạm giữ, tạm giam, luật thi hành án hình sự. Đây là những biện pháp thể hiện tính chất mệnh lệnh – phục tùng đặc trưng của các quan hệ pháp luật trong TPHS, là những biện pháp cưỡng chế, được bảo đảm bằng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước, thông qua các quyết định và hành vi của người có thẩm quyền trong các cơ quan TPHS. Trong một hệ thống TPHS coi trọng các biện pháp giam giữ, áp dụng phổ biến các biện pháp giam giữ như Việt Nam, thì những người bị giam giữ (người bị buộc tội bị áp dụng các biện pháp tạm giữ, tạm giam và sau đó, khi đã trở thành người bị kết án, bị áp dụng hình phạt tù) chiếm tỷ lệ đa số1 trong tổng số những người bị buộc tội, bị kết án. 1 Theo Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017), hình phạt tù có thời hạn được quy định tại 319 trên tổng số 320 điều luật trong Phần các tội phạm. Theo Phụ lục Báo cáo số 179/BC-VKSTC tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá 14 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ngày 10/10/2019, tổng số phạm nhân đang chấp hành án phạt tù (tù có thời hạn và tù chung thân) là 130.533 (cao hơn rất nhiều so với số lượng người chấp hành các loại án khác như án treo 38.349 người, án cải tạo không giam giữ 4.622 người…). Theo Báo 490
  3. Trong số những người bị tước tự do trong TPHS, phụ nữ chiếm tỷ lệ thấp hơn so với nam giới, tại Việt Nam trung bình nữ giới chỉ chiếm khoảng 10,643% so với nam giới chiếm 89,357% tổng số phạm nhân (tính theo số liệu trong 5 năm, từ 2010 đến 2014)2, nhưng tỷ lệ này là tương đối cao, nếu so sánh với các nước khác, như Đức 5.2%, Anh 6%, và đặc biệt là so với mặt bằng chung trên thế giới, “nữ giới chiếm khoảng 4% số phạm nhân là người trưởng thành...”3. Tỷ lệ người phạm tội là nữ giới ít hơn nhiều so với nam giới được tội phạm học lý giải từ các đặc điểm thể chất và đặc điểm tâm lý của nữ giới, các đặc điểm này dẫn tới việc trong cơ cấu tình hình tội phạm, “các thống kê của cảnh sát cho thấy tội phạm chủ yếu là hành vi của nam giới. Nam giới áp đảo phụ nữ trong mọi loại tội phạm, ngoại trừ các hành vi liên quan đến mại dâm, trộm cắp vặt, gian lận phúc lợi xã hội và một số hành vi liên quan khác”4. Các nghiên cứu của tội phạm học về tình hình tội phạm và nhân thân người phạm tội cho thấy tội phạm mà phụ nữ thực hiện chủ yếu xuất phát từ các động cơ tư lợi, tư thù, phụ nữ cũng có thể là chủ thể của các tội phạm khác nhưng với vai trò người giúp sức, xúi giục mà ít trường hợp với vai trò người chủ mưu, cầm đầu, thực hành chính. Trong TPHS cũng như trong các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, phụ nữ thường phải chịu nhiều thiệt thòi hơn so với nam giới. Ngoài ra, phụ nữ bị tước tự do trong TPHS còn là nhóm yếu thế, nhóm thiểu số do yếu tố khách quan của môi trường TPHS - môi trường mà cả chủ thể và đối tượng của các hoạt động TPHS chủ yếu là nam giới. Số đông các cán bộ TPHS là nam giới cũng như số đông người phạm tội là nam giới đã tạo nên một hệ thống TPHS vận hành theo cách suy nghĩ, lựa chọn của nam giới, xuất phát từ các nhu cáo về tình hình tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự cũng của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, năm 2016, tổng số bị can trong giai đoạn điều tra là 128,236 người, trong đó 116.416 người bị tạm giam; năm 2017, tổng số bị can trong giai đoạn điều tra là 121,714 người, trong đó 106,676 người bị tạm giam; năm 2018, tổng số bị can trong giai đoạn điều tra là 125,421 người, trong đó 100,874 người bị tạm giam; như vậy, phần lớn người bị buộc tội bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam trong giai đoạn điều tra – biện pháp ngăn chặn nghiêm khắc nhất trong giai đoạn tố tụng dài nhất và quan trọng bậc nhất trong thực tiễn tố tụng hình sự Việt Nam. 2 Theo phụ lục các Báo cáo hằng năm của Chính phủ trước Quốc hội: năm 2010, có 12.805 phạm nhân nữ, chiếm 11.705%; năm 2011 có 13.023 nhân nữ chiếm 10.476%; năm 2012 có 13.242 phạm nhân nữ, chiếm 10.444%; năm 2013 có 12,907 phạm nhân nữ, chiếm 10.027%; năm 2014 có 14.659 phạm nhân nữ, chiếm 10.565%; năm 2016 có 14,853 phạm nhân nữ, chiếm 11.298%; năm 2017 có 14.854 phạm nhân nữ, chiếm 11.237%; trung bình tỷ lệ phạm nhân nữ trong 7 năm (từ 2010-2014) chiếm 10.964% trong tổng số phạm nhân tại Việt Nam. 3 Terrill, R. J.: Criminal Justice Systems, a comparative survey, London and New York: Routledge, 2013, p.573. 4 Provine, D. (1986). Gender, crime, and criminal justice: Edward's women on trial. American Bar Foundation Research Journal, 1986(3), 571-584. 491
  4. cầu của nam giới, theo các khuôn mẫu giới (gender stereotypes) từ góc nhìn của nam giới. Ngay tại Việt Nam, theo Báo cáo nghiên cứu “Tiếp cận công lý trong hệ thống pháp lý đa kênh: Nghiên cứu điển hình về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam” thì “Hệ thống pháp lý mang bản chất phụ hệ, như ở Việt Nam, có thể dẫn đến những khuôn mẫu giới tiêu cực và quan niệm mang tính phân biệt đối xử của các cán bộ thực thi công lý, kể cả công an và tư pháp”5. 2. Bị tước tự do trong tư pháp hình sự, phụ nữ được hưởng nhiều quyền hơn so với nam giới: bình đẳng hay không bình đẳng? TPHS là lĩnh vực duy nhất được và phải được trao quyền hạn chế, thậm chí quyền tước tự do của công dân nhằm ngăn chặn và trừng trị tội phạm. Là những người bị tước tự do, phụ nữ cũng như nam giới bị buộc phải rời khỏi môi trường gia đình, cộng đồng quen thuộc để bị giam giữ trong một môi trường mới với các biện pháp an ninh nghiêm ngặt, với các biện pháp quản lý vừa mang tính giáo dục, vừa mang tính trấn áp. Nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, nguyên tắc không tránh khỏi trách nhiệm hình sự đòi hỏi phụ nữ cũng phải bị áp dụng các biện pháp tước tự do như nam giới. Tuy nhiên, trên cơ sở kết quả của các phong trào dân chủ, tiến bộ xã hội và bình đẳng giới, phụ nữ bị tước tự do đang được có thêm các quyền mà nam giới bị tước tự do không có. Mức độ quy định và bảo đảm thực hiện có thể khác nhau tại mỗi quốc gia nhưng các quyền của phụ nữ bị tước tự do trong TPHS có thể được khái quát và phân loại thành bốn nhóm như sau: (i) quyền được bảo vệ trước mọi hình thức bạo lực thể chất, tình dục và tinh thần: khi phụ nữ hiện diện trong TPHS, do các đặc điểm giới tính, họ có nguy cơ cao bị bạo lực về thể chất, tình dục và tinh thần. Vì vậy, phụ nữ bị tước tự do trong TPHS có quyền được các cơ quan TPHS ngăn chặn mọi hình thức bạo lực từ phía các cán bộ TPHS cũng như từ môi trường giam giữ. (ii) quyền được bảo vệ sức khoẻ sinh sản và nuôi con nhỏ: phụ nữ trong các cơ sở giam giữ có quyền được cung cấp các dịch vụ hỗ trợ phù hợp trong quá trình mang thai, sinh nở và chăm sóc sau sinh, gắn liền với quyền được cung cấp nơi giam giữ phù hợp, được hưởng chế độ dinh dưỡng ưu tiên trong thời gian mang thai và cho con bú. 5 Viện Xã hội học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và UN Women, Báo cáo nghiên cứu: Tiếp cận công lý trong hệ thống pháp lý đa kênh: Nghiên cứu điển hình về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam, Nxb Lao động, HN, 2015, tr.69 492
  5. (iii) quyền được hưởng các chế độ lao động, chế độ kỷ luật phù hợp: phụ nữ được hưởng chế độ lao động tương thích với điều kiện sức khoẻ, được hưởng thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi hợp lý, không bị bố trí lao động với các công việc và môi trường làm việc nặng nhọc; các biện pháp kỷ luật được áp dụng phải trên cơ sở xem xét kiện sức khoẻ và phải tôn trọng danh dự, nhân phẩm của phụ nữ. (iv) quyền được tôn trọng phẩm giá, tôn trọng nhu cầu duy trì các mối quan hệ gia đình: các cơ sở giam giữ phải tôn trọng yếu tố nhạy cảm giới, bảo đảm sự kín đáo, riêng tư của phụ nữ, từ bố trí không gian sinh hoạt chung đến nhà vệ sinh cá nhân, từ thiết kế trang phục đến các vật dụng hằng ngày. Nhu cầu gắn kết với gia đình của phụ nữ thường cao hơn nam giới, việc bị cắt đứt mối gắn kết này cũng thường gây ra các tổn thương nghiêm trọng hơn so với nam giới. Phụ nữ bị giam giữ có quyền được ở chung với con nhỏ (trên cơ sở cân nhắc cả lợi ích của trẻ em) và quyền được ở chung với con nhỏ trong khu vực giam giữ bớt khắc nghiệt hơn. Phụ nữ nuôi con nhỏ phải được xem xét như một căn cứ để áp dụng, thay đổi, huỷ bỏ các biện pháp giam giữ. Trong TPHS Việt Nam, các quyền của phụ nữ bị tước tự do được quy định tương đối cụ thể trong các văn bản pháp luật hiện hành, theo đó: Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 quy định về các biện pháp tha miễn đối với phụ nữ chấp hành án phạt tù, tử hình. Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù (Điều 67), được giảm độ dài thời gian đã chấp hành hình phạt tù để xét tha tù trước thời hạn có điều kiện (Điều 66). Phụ nữ bị kết án tử hình, trong quá trình giam giữ để thi hành án, phát hiện có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi được chuyển từ hình phạt tử hình sang hình phạt tù chung thân (Điều 40). Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về việc hạn chế tạm giam đối với phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi – không áp dụng biện pháp tạm giam đối với nhóm đối tượng này, trừ một số trường hợp nhất định (Điều 119). Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 quy định về các chế độ riêng với phụ nữ bị tạm giữ, tạm giam: trên cơ sở nguyên tắc “áp dụng các biện pháp quản lý giam giữ phải căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, độ tuổi, giới tính, sức khỏe; bảo đảm bình đẳng giới, quyền, lợi ích chính đáng của phụ nữ…” (Điều 4), phụ nữ được hưởng chế độ mặc và tư trang riêng (Điều 28), không bị áp dụng biện pháp kỷ luật cùm chân (Điều 23), 493
  6. phụ nữ có thai và nuôi con dưới 36 tháng tuổi có thể được giam giữ ở buồng giam riêng và hưởng khẩu phần ăn cao hơn (Điều 35). Luật thi hành án hình sự năm 2019 cũng quy định về các chế độ riêng, ưu tiên với phụ nữ là phạm nhân – nhóm phụ nữ chiếm đa số trong số phụ nữ bị tước tự do trong tư pháp hình sự với rất nhiều quy định cụ thể: không phải làm những công việc mà pháp luật về lao động nghiêm cấm sử dụng lao động nữ, không bị cùm chân nếu bị kỷ luật bằng hình thức đưa vào buồng kỷ luật; phụ nữ được hưởng chế độ mặc và tư trang riêng. Phụ nữ đang có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào cơ sở giam giữ được giam ở buồng giam riêng; Phạm nhân nữ có thai nếu không được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù thì được bố trí nơi giam hợp lý, được khám thai định kỳ hoặc đột xuất, được chăm sóc y tế trong trường hợp cần thiết, được giảm thời gian lao động, được hưởng chế độ ăn, uống bảo đảm sức khỏe (Điều 51); Phạm nhân nữ có thai được nghỉ lao động trước và sau khi sinh con theo quy định của pháp luật về lao động (Điều 32); Phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi được giảm thời gian lao động (nếu là phạm nhân) và được bố trí thời gian phù hợp để chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc cho con bú trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ, được cấp phát thực phẩm, thuốc men và đồ dùng cần thiết để chăm sóc trẻ sơ sinh, được bố trí chỗ ở đủ không gian cho cả mẹ và con; phạm nhân nữ trong thời gian mang thai, nghỉ sinh con hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi được bảo đảm tiêu chuẩn, định lượng ăn theo chỉ định của y sĩ hoặc bác sĩ và được tăng thêm định lượng khẩu phần ăn, mặc6. Như vậy, phụ nữ bị tước tự do trong TPHS có những quyền mà nam giới bị tước tự do không có. Nói cách khác, so với nam giới, phụ nữ bị tước tự do trong TPHS đang được trao nhiều quyền hơn. Việc phụ nữ được hưởng nhiều quyền hơn có vi phạm nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, công dân nam nữ bình đẳng về mọi mặt (khoản 1 Điều 16, Điều 26 Hiến pháp năm 2013) hay không? Nếu không, việc phụ nữ được hưởng nhiều quyền hơn có thể hiểu là những ưu tiên mà hệ thống TPHS dành cho phụ nữ hay không? Tại Việt Nam cũng như trên thế giới, phụ nữ được xếp vào nhóm yếu thế xuất phát từ các đặc điểm tự thân của giới tính nữ dẫn tới các quan niệm xã hội, các khuôn mẫu giới như phụ nữ có sức khoẻ thể chất và tâm thần kém hơn nam giới, năng suất lao động, mức độ 6 Xem: Nguyễn Thị Lan, Trần Thu Hạnh, Bảo đảm quyền con người của phụ nữ bị tước tự do trong tư pháp hình sự Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Bảo đảm quyền con người của phụ nữ trong tư pháp hình sự”, Khoa Luật ĐHQGHN, 12/2020, tr. 222, 223. 494
  7. tham gia các lĩnh vực xã hội cũng kém hơn nam giới và do đó, tựu chung lại, phụ nữ nên chấp nhận thua thiệt hơn nam giới. “Trong cuộc chiến giành quyền giữa hai giới, đàn ông luôn luôn chiếm ưu thế hơn, họ được chở che bởi hàng rào tập tục, tôn giáo và pháp luật”7. “Phụ nữ chịu sự điều chỉnh của nhiều quy tắc, nhiều ràng buộc hơn nam giới, cả quy phạm pháp luật cũng như các quy phạm xã hội”8. Vì vậy, cách tiếp cận quyền con người của phụ nữ bị tước tự do trong TPHS cũng như các lĩnh vực khác của đời sống xã hội là phải được trao nhiều quyền hơn so với nam giới để bảo đảm cho phụ nữ được bình đẳng như nam giới. Bình đẳng là yếu tố cốt lõi khi tiếp cận vấn đề bảo đảm quyền của phụ nữ nói chung và quyền của phụ nữ trong TPHS nói riêng. Việc “Không phân biệt đối xử và bình đẳng giữa nam và nữ là nguyên tắc trọng tâm của pháp luật nhân quyền… không ai phải chịu bất kỳ sự phân biệt, loại trừ, hạn chế nào trên cơ sở giới tính… trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, dân sự và các lĩnh vực khác”9 đòi hỏi các quốc gia phải “huỷ bỏ mọi điều khoản hình sự có phân biệt đối xử với phụ nữ”10. Ghi nhận nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật – không phân biệt giới tính11 là một tiến bộ, một giá trị nền tảng để bảo đảm quyền của phụ nữ trong TPHS, đặc biệt là tại các quốc gia mà phụ nữ còn bị coi thường, rẻ rúng, bị phân biệt đối xử. Tuy nhiên, cách hiểu chưa đầy đủ hoặc ngộ nhận về nguyên tắc này lại trở thành rào cản cho việc tiến tới bình đẳng thực chất và bảo đảm thực chất quyền của phụ nữ (“thực chất” ở đây được hiểu là sự phù hợp với các nhu cầu, lợi ích tự nhiên, chính đáng, vốn có của chính phụ nữ và hiện thực hoá các quyền này trong TPHS). Thứ nhất, bình đẳng trong TPHS nếu hiểu là nam và nữ đều phải được đối xử như nhau, sẽ dẫn tới sự loại trừ những quy định bảo đảm nhạy cảm giới và quyền riêng tư của phụ nữ. “Tình trạng thiểu số của phụ nữ trong hệ thống tư pháp hình sự có nghĩa rằng pháp 7 Hoàng Thị Kim Quế, “Phụ nữ: những ưu ái và thiệt thòi - nhìn từ góc độ xã hội, pháp lý”, Nghiên cứu lập pháp, 9(2003), http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=209061 (Truy cập ngày 30/10/2020). 8 Eastwood, M. (1971). The double standard of justice: Women's rights under the constitution. Valparaiso University Law Review, 5(2), 281-317. 9 Văn phòng cao uỷ của Liên hợp quốc về quyền con người, Quyền của phụ nữ là quyền con người, 2014. 10 Công ước của Liên hợp quốc về loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (Convention on the Elimination of all Forms of Discrimination against Women), 1979. 11 Điều 9 BLTTHS năm 2015 về nguyên tắc Bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật: “Tố tụng hình sự được tiến hành theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần và địa vị xã hội. Bất cứ người nào phạm tội đều bị xử lý theo pháp luật. Điều 3 Điều 9 BLHS năm 2015 (sửa đổi năm 2017) về nguyên tắc xử lý: “2. Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt nam, nữ, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội”. 495
  8. luật và chính sách hình sự đã tồn tại một cách truyền thống với phương thức phản ứng lại các xử sự phạm pháp của nam giới, với sự xem xét một cách hạn chế mối liên quan và tác động đối với phụ nữ”12. Nếu vậy, phụ nữ phải sống trong môi trường TPHS mù giới (gender-blind) hay nói cách khác, vốn được thiết kế cho nam giới nay áp dụng thêm cho nữ giới. Thứ hai, bình đẳng trong TPHS nếu hiểu là cần ưu tiên hơn, nhân đạo hơn đối với phụ nữ, sẽ dẫn tới cách nhìn nhận phụ nữ là đối tượng của sự ban ơn, chiếu cố. Trong khi đó, phụ nữ “cần được đối xử với thái độ trân trọng, cảm thông và tôn trọng phẩm giá con người; và theo cách phù hợp với lứa tuổi, giới tính, chủng tộc, sự khác biệt văn hoá, ngôn ngữ, với đối tượng người khuyết tật hoặc có nhu cầu đặc biệt khác” 13. Các quyền riêng cho phụ nữ được ghi nhận, được bảo đảm xuất phát từ các đặc điểm giới tính (đặc điểm sinh học) và đặc điểm giới (đặc điểm xã hội). Các đặc điểm này dẫn tới sự thua thiệt hơn của họ so với nam giới, do đó phụ nữ được xếp vào nhóm yếu thế. Các quyền riêng cho phụ nữ được đặt ra để bảo đảm sự bình đẳng thực chất giữa nam và nữ mà không phải là mang tính chất ưu tiên hay nhân đạo đối với phụ nữ, hay phân biệt đối xử nam nữ. “Mặc dù các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội cũng được hưởng các quyền phổ quát áp dụng cho toàn nhân loại, song do vị thế yếu hơn của họ, các nhóm này dễ bị vi phạm các quyền hoặc gặp khó khăn trong việc thụ hưởng các quyền. Đây chính là cơ sở dẫn đến việc Liên hợp quốc ban hành các văn kiện hoặc quy định bổ sung về những quyền đặc thù của các nhóm dễ bị tổn thương, trong đó bao gồm lĩnh vực tư pháp hình sự”14. 3. Quyền cho phụ nữ bị tước tự do trong tư pháp hình sự Việt Nam: đủ hay thiếu? Phần 2 của bài viết đã đề cập tới các quyền của phụ nữ bị tước tự do trong TPHS Việt Nam và khẳng định họ có những quyền mà nam giới không có, lý giải tại sao họ lại có những quyền này. Vấn đề đặt ra trong phần 3 là, trong tiến trình hoàn thiện pháp luật, các quyền trên đã đủ chưa, có cần tiếp tục trao thêm quyền cho phụ nữ bị tước tự do trong TPHS 12 Player, E. (2007). Remanding women in custody: Concerns for human rights. Modern Law Review , 70(3), 402-426. 13 Currie, S.; Kift, S. (1999). Women Surviving as Victims in the Criminal Justice System in Queensland: Is Revictimisation Inevitable. Queensland University of Technology Law Journal, 15, 57-76. 14 Vũ Công Giao, “Quyền của một số nhóm dễ bị tổn thương trong tố tụng hình sự theo Luật nhân quyền quốc tế” (Vũ Công Giao, Đinh Ngọc Thắng (đồng chủ biên), Bảo đảm quyền con người trong hoạt động tố tụng, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, HN, 2018), tr.49. 496
  9. nữa không. Để trả lời, rõ ràng không thể dựa trên tiêu chí định lượng để cân đong, đo đếm mà phải dựa trên tiêu chí định tính và các chuẩn đối sánh. Xuất phát từ lý thuyết về bình đẳng giới như đã phân tích, tiêu chí định tính ở đây chính là tiêu chí về sự bình đẳng về quyền cho phụ nữ so với nam giới - “đảm bảo sự phát triển và tiến bộ đầy đủ của phụ nữ, với mục đích đảm bảo cho họ được thực hiện và được hưởng các quyền của con người và tự do cơ bản trên cơ sở bình đẳng với nam giới”15. Tiêu chí này, tuy nhiên, do là tiêu chí định tính, mang tính chất trừu tượng, nên cần được cụ thể hoá qua các chuẩn đối sánh là các chuẩn mực quốc tế về quyền của phụ nữ bị tước tự do, được đưa ra để đối sánh với các quy định của pháp luật quốc gia, trên cơ sở cân nhắc các điều kiện về kinh tế, văn hoá xã hội tại mỗi quốc gia. 3.1. Tiêu chí bình đẳng và các mức độ bình đẳng Để phụ nữ được bình đẳng như nam giới, TPHS phải hoàn thành hai lộ trình: lộ trình thứ nhất, để phụ nữ không bị phân biệt đối xử, và lộ trình thứ hai, để phụ nữ được bình đẳng thực chất. Theo đó, lộ trình thứ nhất tương ứng với mức độ cơ bản: không bị phân biệt đối xử - phụ nữ không thể bị đối xử tệ hơn chỉ vì họ mang giới tính nữ. Không bị phân biệt đối xử là cơ sở để hướng tới lộ trình cao hơn, mức độ cao hơn là bình đẳng thực chất. Trong TPHS Việt Nam, với những quy định trao nhiều quyền hơn cho phụ nữ bị tước tự do, có thể khẳng định, về mặt pháp luật, Việt Nam không có sự phân biệt đối xử với phụ nữ theo hướng phụ nữ có ít quyền hơn so với nam giới hay phụ nữ bị đối xử tệ hơn so với nam giới. Việt Nam đã hoàn thành lộ trình thứ nhất, hoàn toàn đáp ứng mức độ thứ nhất. Tuy nhiên, việc TPHS trao nhiều quyền cho phụ nữ bị tước tự do như vậy đã đủ chưa, như thế nào là đủ? Việc xác định đã đủ hay chưa, như thế nào là đủ được đánh giá theo mức độ thứ hai - bình đẳng thực chất, bảo đảm quyền bình đẳng thực chất cho phụ nữ. Quyền bình đẳng thực chất là sự tiến triển ở mức độ cao hơn quyền không bị phân biệt đối xử. Quyền bình đẳng thực chất đòi hỏi ngoài các quyền con người phổ quát, phụ nữ bị tước tự do còn được quy định các quyền riêng với tính chất là quyền của một nhóm yếu thế thiểu số trong TPHS. Bình đẳng thực chất đòi hỏi việc đặt ra các quyền của phụ nữ phải trên cơ sở những điều kiện và hoàn cảnh khác biệt của phụ nữ dẫn tới sự thua thiệt hơn của 15 Điều 3 Công ước của Liên hợp quốc về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ, 1979 (CEDAW). 497
  10. họ so với nam giới, mà không phải trên cơ sở ưu tiên hay nhân đạo đối với phụ nữ, hay phân biệt đối xử nam nữ. Để bảo đảm bình đẳng thực chất giữa phụ nữ với nam giới, TPHS ghi nhận cho phụ nữ những quyền mang tính chất nâng đỡ họ, đưa họ lên vị trí ngang bằng về xuất phát điểm so với nam giới. 3.2. Chuẩn đối sánh mức độ trao quyền cho phụ nữ bị tước tự do trong tư pháp hình sự Việt Nam Điều 3 Công ước của Liên hợp quốc năm 1979 về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW) quy định: “Các quốc gia thành viên Công ước phải thi hành mọi biện pháp thích hợp, kể cả biện pháp pháp lý… để đảm bảo sự phát triển và tiến bộ đầy đủ của phụ nữ, đảm bảo cho họ có thể được thực hiện và được hưởng các quyền con người và tự do cơ bản trên cơ sở bình đẳng nam nữ”. Khuyến nghị chung số 5 được thông qua tại Phiên họp lần thứ 7 (1988) của Ủy ban về xóa bỏ sự phân biệt đối xử chống lại phụ nữ yêu cầu: “Các quốc gia thành viên cần ban hành nhiều hơn các biện pháp đặc biệt tạm thời như là những hành động tích cực, các đối xử ưu đãi hoặc hệ thống các chỉ tiêu để tăng cường bảo đảm quyền bình đẳng cho phụ nữ trong các lĩnh vực...”. Cách đặt vấn đề trên đòi hỏi các quốc gia cần có thêm “những hành động tích cực, những đối xử ưu đãi hoặc hệ thống các chỉ tiêu để tăng cường việc bảo đảm quyền bình đẳng cho phụ nữ trong các lĩnh vực...”, trong đó có lĩnh vực TPHS. Đối với phụ nữ bị tước tự do trong TPHS, chuẩn đối sánh giữa pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế là những tiêu chuẩn, điều kiện được đề cập trong Bộ các quy tắc đối xử đối với phạm nhân nữ và các biện pháp không giam giữ đối với phụ nữ phạm pháp năm 2010 (Bộ quy tắc Bangkok). Đây là văn bản thể hiện đầy đủ nhất, tập trung nhất những khuyến nghị của một soft-law (luật mềm) trong pháp luật quốc tế16 khi Bộ quy tắc Bangkok đặt ra các tiêu chuẩn, điều kiện đối với môi trường giam giữ phụ nữ mà pháp luật quốc gia cần đạt được hoặc vượt lên được. Nói cách khác, Bộ quy tắc Bangkok được sử 16 Từ nội dung của Bộ quy tắc Bangkok thì các quyền của phạm nhân nữ có thể được khái quát thành các nhóm chính sau: (1) Các quyền về nơi chấp hành án phù hợp; (2) Các quyền được chăm sóc sức khỏe và bảo đảm vệ sinh cá nhân; (3) Các quyền của nhóm phạm nhân nữ làm mẹ và quyền của con nhỏ sống cùng với mẹ trong trại giam; (4) Các quyền của phạm nhân nữ khi bị áp dụng các biện pháp kỉ luật và an ninh, an toàn; (5) Các quyền được tạm dừng thời gian chấp hành án phạt tù để tại ngoại và được liên hệ với thế giới bên ngoài; (6) Các quyền về học nghề, lao động và việc làm, chuẩn bị tái hòa nhập xã hội. 498
  11. dụng như chuẩn đối sánh, đánh giá pháp luật và thực tiễn thực hiện pháp luật bảo đảm quyền con người của phụ nữ bị tước tự do trong TPHS của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. 4. Kết luận Phụ nữ bị tước tự do trong TPHS là một nhóm yếu thế và thiểu số trong TPHS, dễ bị đối xử phân biệt và bất bình đẳng trong môi trường giam giữ. Tuy nhiên, trong TPHS Việt Nam, họ đã và đang nhận được sự quan tâm và được trao cho những quyền mà nam giới không có, được trao nhiều quyền hơn nam giới. Bài viết đã hệ thống những quyền này theo các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành và quan trọng hơn là luận giải về căn nguyên của các mức độ hơn, kém hay ngang bằng về quyền của phụ nữ bị tước tự do so với nam giới. Trên cơ sở phân tích những vấn đề được cho là các hạn chế, thiệt thòi của phụ nữ, bài viết cho thấy việc quy định nhiều quyền hơn cho phụ nữ bị tước tự do trong TPHS, chính là để bảo đảm sự bình đẳng thực chất của phụ nữ trong TPHS. Nói cách khác các quyền được quy định nhiều hơn này chính là các quyền riêng có của phụ nữ, để bảo đảm sự bình đẳng thực chất của phụ nữ so với nam giới. Lộ trình để đi tới mức độ trao đủ quyền cho phụ nữ bị tước tự do trong TPHS chính là lộ trình đi tới sự bình đẳng ở mức độ bình đẳng thực chất mà không dừng lại ở mức độ không phân biệt đối xử - mức độ mà TPHS Việt Nam đã làm được. Tuy nhiên, như thế nào là đủ, là bình đẳng thực chất lại không dễ xác định. Để cụ thể hoá tiêu chí trừu tượng này, các quốc gia thường sử dụng chuẩn đối sánh là các khuyến nghị của pháp luật quốc tế về quy tắc đối xử đối với phạm nhân nữ - Bộ quy tắc Bangkok, với sự cân nhắc các khả năng, điều kiện của TPHS quốc gia. Tuy nhiên, bài viết cũng chưa phân tích một cách sâu sắc Bộ quy tắc Bangkok và chỉ ra khoảng cách cụ thể giữa quy định của pháp luật Việt Nam và các khuyến nghị của Bộ quy tắc này, chưa chỉ ra cụ thể những ưu điểm và hạn chế của pháp luật Việt Nam trong việc bảo đảm quyền của phụ nữ bị tước tự do trong TPHS… Đây là những vấn đề cần được phân tích trong các nghiên cứu tiếp theo, đặc biệt là các nghiên cứu đặt trong bối cảnh Việt Nam đang có những thay đổi mạnh mẽ theo hướng càng ngày càng thể hiện đầy đủ hơn sự tôn trọng, ghi nhận, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Tiếng Việt 499
  12. 1. Vũ Công Giao, “Quyền của một số nhóm dễ bị tổn thương trong tố tụng hình sự theo Luật nhân quyền quốc tế” (Vũ Công Giao, Đinh Ngọc Thắng (đồng chủ biên), Bảo đảm quyền con người trong hoạt động tố tụng, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2018). 2. Nguyễn Thị Lan, Trần Thu Hạnh, Bảo đảm quyền con người của phụ nữ bị tước tự do trong tư pháp hình sự Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Bảo đảm quyền con người của phụ nữ trong tư pháp hình sự”, Khoa Luật ĐHQGHN, 12/2020. 3. Hoàng Thị Kim Quế, “Phụ nữ: những ưu ái và thiệt thòi - nhìn từ góc độ xã hội, pháp lý”, Nghiên cứu lập pháp, 9(2003), http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=209061. Truy cập ngày 30/10/2020. 4. Văn phòng Cao uỷ của Liên hợp quốc về quyền con người, Quyền của phụ nữ là quyền con người, 2014. 5. Viện Xã hội học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và UN Women, Báo cáo nghiên cứu: Tiếp cận công lý trong hệ thống pháp lý đa kênh: Nghiên cứu điển hình về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam, Nxb Lao động, HN, 2015. 2. Tiếng Anh 6. Currie, S.; Kift, S. (1999). Women Surviving as Victims in the Criminal Justice System in Queensland: Is Revictimisation Inevitable. Queensland University of Technology Law Journal, 15, 57-76. 7. Eastwood, M. (1971). The double standard of justice: Women's rights under the constitution. Valparaiso University Law Review, 5(2), 281-317. 8. Malloch, M. S. (2004). Not fragrant at all: Criminal justice responses to risky women. Critical Social Policy, 24(3), 385-405 (Faith, K. (1993) Unruly Women. Vancouver: Press Gang Publishers). 9. Player, E. (2007). Remanding women in custody: Concerns for human rights. Modern Law Review, 70(3), 402-426. 10. Provine, D. (1986). Gender, crime, and criminal justice: Edward's women on trial. American Bar Foundation Research Journal, 1986(3), 571-584. 11. Terrill, R. J.: Criminal Justice Systems, a comparative survey, London and New York: Routledge, 2013 500
nguon tai.lieu . vn