Xem mẫu

  1. PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG TRONG LĨNH VỰC KINH TẾ TIẾP CẬN TỪ CHẾ ĐỘ SỞ HỮU ĐẤT ĐAI Ở VIỆT NAM ANTI-CORRUPTION IN ECONOMIC FIELD FROM THE PERSPECTIVE OF LAND OWNERSHIP IN VIETNAM Nguyễn Quang Tuyến TÓM TẮT: Chuyên đề phân tích những điểm bất cập, chưa phù hợp hoặc những “kẽ hở” trong nội dung các quy định về sở hữu đất đai của Luật Đất đai năm 2013 tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực đất đai. Trên cơ sở đó, tác giả đưa ra khuyến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chế độ sở hữu đất đai của Luật Đất đai năm 2013 góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế ở Việt Nam hiện nay. Từ khóa: Tham nhũng; phòng, chống, lĩnh vực kinh tế, pháp luật đất đai, Việt Nam, sở hữu đất đai, giá đất, thu hồi đất, Ủy ban nhân dân dân cấp tỉnh … ABSTRACT: The paper analyzes the inadequacies, inappropriateness or “loopholes” of the provisions on land ownership in the 2013 Land Law, which contain potential risks of corruption in this field. On that basis, the author provides suggestions to amend, supplement and complete the land ownership regulation in the 2013 Land Law to improve the effectiveness of preventing and fighting corruption in economic field in Vietnam. Keywords: corruption; prevent, fight, economic field, land law, Vietnam, land ownership, land price, land reacquisition, Provincial People’s Committee 1. Đặt vấn đề Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII khẳng định: “Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm  PGS.TS., Trường Đại học Luật Hà Nội; Email: qtuyen1966@yahoo.com. 106
  2. minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng, lãng phí, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành động, kinh tế, hình sự”1. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị to lớn của Đảng trong công cuộc phòng, chống tham nhũng làm trong sạch hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay. Thể chế hóa quan điểm phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta xây dựng, ban hành hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng nói chung và hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế nói riêng. Đây là một công cụ pháp lý quan trọng để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả ở nước ta. Nhiều vụ việc tham nhũng về kinh tế được đưa ra truy tố, xét xử với những bản án nghiêm khắc, công minh như vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh; vụ án AVG; vụ án Vũ Nhôm; vụ án Út Trọc; vụ án Vinashin v.v được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn rất gay go, phức tạp đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải kiên quyết, kiên trì thực hiện với việc triển khai đồng bộ các giải pháp. Trên thực tế, một trong những vấn đề nổi cộm của tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế ở nước ta là tham nhũng trong lĩnh vực đất đai. Để tiếp tục phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai có hiệu quả thì một trong những công việc cần làm là rà soát, đánh giá hệ thống pháp luật đất đai kịp thời bịt các “lỗ hổng”, “kẽ hở” và sửa đổi, bổ sung các quy định bất hợp lý, không còn phù hợp để không tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân lợi dụng tham nhũng. Tuy nhiên, trong phạm vi của một chuyên đề hội thảo, người viết tập trung luận bàn về phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế tiếp cận từ chế độ sở hữu đất đai ở Việt Nam. 2. Bất cập trong nội dung các quy định về sở hữu đất đai của Luật Đất đai năm 2013 tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng 2.1. Thực trạng quy định về sở hữu đất đai của Luật Đất đai năm 2013 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử 1 Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.193 -194. 107
  3. dụng đất theo quy định của Luật này”2. Toàn dân là một khái niệm chính trị mà không phải là một khái niệm pháp lý. Điều này có nghĩa là toàn dân là một cộng đồng người, bao gồm toàn thể hơn 96,2 triệu người Việt Nam không thể là chủ thể của một quan hệ pháp luật về sở hữu đất đai. Theo Lý luận Nhà nước và Pháp luật, chủ thể quan hệ pháp luật là tổ chức (pháp nhân) và cá nhân (thể nhân)3. Do vậy, quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân trong Luật Đất đai năm 2013 mang ý nghĩa chính trị nhiều hơn là ý nghĩa pháp lý. Hơn nữa, khái niệm chủ sở hữu toàn dân về đất đai mang tính trìu tượng khó chỉ ra được các đối tượng cụ thể, ai, người nào là chủ sở hữu đất đai ở nước ta. Mặt khác, chủ sở hữu đất đai là toàn dân thì không thể tự mình thực hiện các quyền năng của chủ sở hữu đối với đất đai (bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt đất đai) mà phải ủy nhiệm cho Nhà nước là người đại diện thực hiện các quyền năng này. Như vậy, Nhà nước Việt Nam vừa thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai vừa thực hiện chức năng thống nhất quản lý đất đai. Nội dung này được quy định tại Chương 2 (từ Điều 13 - Điều 28); cụ thể: Thứ nhất, Mục 1 quy định quyền của Nhà nước đối với đất đai, bao gồm: Một là, quy định quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai gồm: 1. Quyết định quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất; 2. Quyết định mục đích sử dụng đất; 3. Quy định hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất; 4. Quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất; 5. Quyết định giá đất; 6. Quyết định trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất; 7. Quyết định chính sách tài chính về đất đai; 8. Quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Hai là, Nhà nước quyết định mục đích sử dụng đất. Ba là, Nhà nước quy định hạn mức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất. Bốn là, Nhà nước quyết định thu hồi đất, trưng dụng đất. Năm là, Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất thông qua các hình thức sau đây: 1. Quyết định giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất; 2. Quyết định cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; 3. Công nhận quyền sử dụng đất. 2 Điều 4 Luật Đất đai năm 2013 3 Học viện Hành chính - Khoa Nhà nước và Pháp luật (2009), Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật (Đào tạo Đại học Hành chính), Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, tr. 316. 108
  4. Sáu là, Nhà nước quyết định giá đất thông qua phương thức gồm: 1. Nhà nước quy định nguyên tắc, phương pháp định giá đất; 2. Nhà nước ban hành khung giá đất, bảng giá đất và quyết định giá đất cụ thể. Bảy là, Nhà nước quyết định chính sách tài chính về đất đai, theo đó: 1. Nhà nước quyết định chính sách thu, chi tài chính về đất đai; 2. Nhà nước điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại thông qua chính sách thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đầu tư cơ sở hạ tầng và chính sách hỗ trợ cho người có đất thu hồi. Tám là, Nhà nước quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất. Thứ hai, Đạo luật này đề cập việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai bằng quy định: “1. Quốc hội ban hành luật, nghị quyết về đất đai; quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia; thực hiện quyền giám sát tối cao đối với việc quản lý và sử dụng đất đai trong phạm vi cả nước; 2. Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện quyền thông qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương mình trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; thông qua bảng giá đất, việc thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng của địa phương theo thẩm quyền quy định tại Luật này; giám sát việc thi hành pháp luật về đất đai tại địa phương; 3. Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai theo thẩm quyền quy định tại Luật này”4. 2.2. Bình luận về bất cập trong các quy định sở hữu đất đai của Luật Đất đai năm 2013 Với những quy định nêu trên của Luât Đất đai năm 2013 cho thấy: Thứ nhất, cấu trúc sở hữu đất đai được xác lập dựa trên các tầng, nấc; bao gồm đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu; quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai thực hiện thông qua Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp (HĐND các cấp); Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp (UBND các cấp). Việc chuyển giao thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai được chuyển từ Nhà nước - tổ chức chính trị, quyền lực - sang các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tức là 4 Điều 21 Luật Đất đai năm 2013 109
  5. về mặt chính trị - pháp lý, Nhà nước đóng vai trò đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai song việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai lại thuộc về các cơ quan nhà nước, bao gồm: Quốc hội, HĐND các cấp; Chính phủ, UBND các cấp. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để kiểm soát được các cơ quan này thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai đảm bảo đúng pháp luật; ngăn ngừa tham nhũng, vụ lợi theo nhóm lợi ích. Cơ chế kiểm soát này chưa được Luật Đất đai năm 2013 quy định bằng một điều, khoản cụ thể … Thứ hai, mặc dù pháp luật đất đai quy định Quốc hội, HĐND các cấp; Chính phủ, UBND các cấp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai trong phạm vi cả nước và từng địa phương song trên thực tế người ký các quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ); phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và xác định giá đất v.v - là những phương thức thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai - lại là người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của các cơ quan này. Như vậy, tuy về mặt pháp lý, người đứng đầu Quốc hội, HĐND các cấp; Chính phủ, UBND các cấp không phải là chủ sở hữu đất đai nhưng trên thực tế họ lại được trao rất nhiều quyền lực trong “hiện thực hóa” việc ký các quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, cấp GCNQSDĐ; phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và xác định giá đất v.v là hoạt động cụ thể biểu hiện các phương thức thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai của Nhà nước. Vô hình chung các chủ thể này được trao rất nhiều quyền lực trong quyết định phân bổ đất đai cho các nhu cầu khác nhau của xã hội. Nếu không có cơ chế pháp lý hữu hiệu để giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của các đối tượng này thì dễ nảy sinh sự lạm dụng quyền lực, “tha hóa quyền lực” trong việc phân bổ nguồn lực đất đai vì lợi ích nhóm. Bởi lẽ, nguồn lực đất đai của quốc gia là có hạn và ngày càng khan hiếm; trong khi đó nhu cầu sử dụng đất vào các mục đích khác nhau của xã hội ngày càng tăng. Sự mất cân đối giữa “cung” và “cầu” đất đai đã tạo ra khả năng dễ dàng tìm kiếm lợi nhuận giữa người có đất với người không có đất. Hơn nữa, trong điều kiện kinh tế thị trường thì đất đai ngày càng có giá trị (đặc biệt là đất ở khu vực đô thị, vùng ven đô thị, giáp mặt đường giao thông v.v). Do đó, để tiếp cận và có được đất đai thông qua hình thức Nhà nước giao đất, cho thuê đất …; không ít doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức sử dụng việc hối lộ, “bôi trơn”, “đi đêm” với người đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê 110
  6. đất (người có quyền ký các quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất …). Thực tế, qua một báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới về vấn đề này cho thấy nhiều doanh nghiệp phản ánh họ phải mất phí “bôi trơn” cho các cơ quan nhà nước khi tiếp cận đất đai sử dụng vào mục đích sản xuất - kinh doanh: « Đất đai ở Việt Nam không nhiều và doanh nghiệp rất khó tiếp cận. Cạnh tranh đất đai trong bối cảnh thẩm quyền tập trung quá lớn trong việc cấp đất không được kiểm tra, giám sát hiệu quả đã tạo điều kiện cho tham nhũng. Các doanh nghiệp có thể bị xúi giục trong việc bỏ những rào cản trong tiếp cận đất phức tạp hiện nay thông qua cái gọi là « tiền bôi trơn ». Khảo sát các doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2009 của Viện Nghiên cứu lao động và xã hội kết hợp với Trường Đại học Coopenhagen cho thấy việc tiếp cận đất đai là một trong những trở ngại lớn nhất đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong tổng số 10 vấn đề thì khó khăn trong việc tìm địa điểm và đất kinh doanh phù hợp là vấn đề lớn thứ ba đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi bắt tay thực hiện những dự án mới. Tương tự, trong số các doanh nghiệp tham gia Khảo sát doanh nghiệp của Ngân hàng Thế giới năm 2009, tiếp cận với đất đai là vấn đề lớn thứ tư hoặc thứ năm trong danh mục 15 vấn đề »5. Thứ ba, Hiến pháp năm 2013 quy định : « Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”6. Tuy nhiên, dường như Luật Đất đai năm 2013 chưa thể chế hóa đầy đủ quy định trên của Hiến pháp năm 2013. Điều này thể hiện, Luật Đất đai năm 2013 mới chỉ quy định về quyền của Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai. Trong khi đó, toàn dân là chủ sở hữu đất đai theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thì lại không được Luật Đất đai năm 2013 quy định có những quyền năng cụ thể gì. Như vậy, quy định về sở hữu đất đai trong Luật Đất đai năm 2013 cho thấy vai trò nổi bật, phủ trùm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu đất đai; trong khi đó, vị trí của chủ sở hữu toàn dân về đất đai lại thể hiện hết sức mờ nhạt. Điều này dễ gây ra cách hiểu là Nhà nước 5 Nhận diện và giảm thiểu các rủi ro dẫn đến tham nhũng trong quản lý đất đai ở Việt Nam (Sách tham khảo) (2011), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr. 54 - 55. 6 Điều 53 Hiến pháp năm 2013 111
  7. đại diện chủ sở hữu đất đai sẽ làm thay toàn dân quyết định mọi quyền định đoạt, chiếm hữu, sử dụng đất mà “quên” mất rằng việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu đất đai của các cơ quan nhà nước phải đặt trong khuôn khổ của pháp luật, tuân thủ pháp luật và không được vi phạm pháp luật. Hơn nữa, cơ chế kiểm soát, giám sát việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền được quy định lỏng lẻo, không đầy đủ, chặt chẽ và phù hợp. Trên thực tế có không ít cơ quan, tổ chức, cá nhân lạm dụng quyền lực trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai để giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất … không đúng pháp luật với mục đích vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm. Thứ tư, Luật Đất đai năm 2013 mới làm rõ vai trò của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai; vai trò của Nhà nước trong thống nhất quản lý đất đai. Tuy nhiên, vai trò của Nhà nước với tư cách là người sử dụng đất thì dường như Đạo luật này chưa quy định một cách rõ ràng, đầy đủ và tường minh. Trên thực tế, Nhà nước là chủ thể sử dụng những diện tích đất lớn, nằm ở các vị trí đắc địa, vị trí “vàng” có giá trị lên đến nhiều tỷ USD được giao cho các cơ quan, tổ chức nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, lực lượng vũ trang … sử dụng đất để xây dựng trụ sở làm việc, sử dụng đất vào mục đích quốc phòng - an ninh; sử dụng đất để phát triển kinh tế - xã hội; sử dụng đất vào mục đích công cộng … Hơn nữa, thông qua các cấp chính quyền, Nhà nước quản lý quỹ đất chưa sử dụng của quốc gia. Những loại đất này được gọi là đất công. Trên thực tế nhiều vụ án tham nhũng lớn về đất đai đã được đưa ra xét xử, nhiều cán bộ quản lý các cấp nói chung và cán bộ cao cấp nói riêng đã rơi vào vòng lao lý chỉ với một lý do thực hiện thẩm quyền quyết định về đất đai trái pháp luật gây thất thoát “đất công”. “Ngược lại với các thửa đất đã được trao cho cá nhân, tổ chức như các quyền tài sản tư, đất công là một vấn đề ít được bàn luận: Đất công ở nước ta hiện nay gồm những loại đất nào, đang do ai quản lý đã và đang được sử dụng với hiệu quả ra sao và đất công đang được chuyển thành tư như thế nào, ai được hưởng trong quá trình chuyển đổi ấy? Đây là môt chủ đề cần thảo luận.”7 7 Phạm Duy Nghĩa (2021), Một số khía cạnh chính sách, pháp luật của quyền sử dụng đất công, Tọa đàm “Chính sách đất đai và vai trò đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong bối cảnh mới” do Viện Lãnh đạo học và Chính sách công - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức tại Hà Nội, ngày 23/09. 112
  8. hay “khái niệm “đất công” thường được nói tới trên công luận nhưng chưa có định nghĩa thuật ngữ pháp lý trong bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào, trong khi ở các nước khác “đất công” và “đất tư” được xác định rõ ràng, được quản lý theo những quy định khác nhau và được kiểm soát chặt chẽ khi chuyển từ “đất công” sang “đất tư” và ngược lại”8. Như vậy, Luật Đất đai năm 2013 chưa quy định rõ ràng, đầy đủ vai trò của Nhà nước với tư cách là người sử dụng đất cũng như chưa đưa ra khái niệm về đất công và chế độ quản lý, sử dụng cụ thể đối với loại đất này. Vì vậy, trên thực tế việc sử dụng đất công tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng. “Tùy theo pháp luật các nước, bờ biển, thềm lục địa, vùng trời, rừng tự nhiên, sông suối, nguồn nước, tài nguyên trong lòng đất, các dải đất ven sông … có thể được tuyên bố là tài sản quốc gia, bị cấm hoặc giám sát cực kỳ chặt chẽ việc chuyển nhượng chúng cho tư nhân. Bờ biển, các nguồn nước của Việt Nam hiện đã bị chia cắt bởi vô số các tổ chức và doanh nghiệp được khai thác vì lợi ích các tổ chức đó, có nghĩa là vì lợi ích tư nhân”9. Hay hiện nay, nhiều bộ, ngành được giao đất không thu tiền sử dụng đất để xây dựng trụ sở làm việc mới nhưng không bàn giao đất có trụ sở cũ cho Nhà nước. Có không ít các trường hợp doanh nghiệp nhà nước di dời cơ sở sản xuất - kinh doanh ở những vị trí đắc địa ra khỏi khu đô thị, trung tâm thành phố để tránh gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân thì thay vì diện tích đất này được quy hoạch để làm công viên, nơi vui chơi công cộng lại được giao cho doanh nghiệp, tập đoàn kinh doanh bất động sản xây dựng khu chung cư cao tầng để bán kiếm lời. Điều này không khỏi khiến dư luận xã hội đặt câu hỏi về tính hợp lý của việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và có tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, lợi ích nhóm hay không? Nhiều diện tích đất do lực lượng vũ trang quản lý; đất giao cho các nông, lâm trường quốc doanh quản lý bị chuyển mục đích bừa bãi, sử dụng lãng phí hoặc chuyển nhượng, cho thuê … không đúng quy định không chỉ biến đất công rơi vào “túi tư nhân”, gây lãng phí nguồn lực đất đai quốc gia mà còn là “miếng bánh béo bở” để các lợi ích nhóm xâu xé, tiềm ẩn tham nhũng, tiêu cực … “Trong chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, mọi thửa đất đều là “đất công”, nhưng sự khác nhau ở 8 Đặng Hùng Võ (2021), Những sơ hở, bất cập và hạn chế trong pháp luật và thực thi pháp luật về quản lý đất đai - Thực trạng và các giải pháp khắc phục - Kỷ yếu Hội thảo “Kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng - Thực trạng và giải pháp” do Ban Nội chính Trung tương tổ chức tại Hà Nội, tháng 1, tr.76. 9 Một số khía cạnh chính sách, pháp luật của quyền sử dụng đất công, Tldd. 113
  9. đây là ai sử dụng trong nguyên tắc ta đã thay thế đất đai bằng quyền sử dụng đất. Nói rõ hơn, sự phân biệt “công” và “tư” ở đây không gắn với đất mà phải là “sử dụng đất vào mục đích tư hay công”. Sự không mạch lạc về “khu vực công sử dụng đất” hay “khu vực tư sử dụng đất” sẽ dẫn tới rủi ro “nhập nhèm” giữa “đất công” và “đất tư”, “công” biến thành “tư” chính là nội dung trọng tâm của tham nhũng đất đai. Một số nước trên thế giới phân biệt “đất công” và “đất tư” khá dễ dàng trên cơ sở quyền sở hữu và các thể chế rất khác nhau. “Đất công” được quản lý theo ranh giới rõ ràng trên bản đồ địa chính. Việc chuyển “đất công” thành “đất tư” phải thông qua quy trình đấu giá đất minh bạch. “Đất tư” cũng được xác định rõ trên bản đồ địa chính và được bảo đảm pháp lý bằng một giấy chứng nhận. Cơ quan quản lý đất đai thực hiện quản lý “đất tư” để tính thuế sử dụng đất và bảo đảm quyền và lợi ích của chủ đất. “Đất tư” bị nhà nước thu hồi làm việc khác được gọi là quốc hữu hoá. Như vậy, để kiểm soát tham nhũng về đất đai tại Việt Nam, cần phân định rõ ranh giới giữa “đất công” và “đất tư”10. Thứ năm, quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai của Nhà nước được thực hiện thông qua một trong các phương thức: “Nhà nước điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại thông qua chính sách thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đầu tư cơ sở hạ tầng và chính sách hỗ trợ cho người có đất thu hồi”11. Tuy nhiên, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai và các văn bản khác hướng dẫn thi hành lại không quy định đầy đủ, chi tiết, đồng bộ về nội dung này của Luật Đất đai năm 2013. Vì vậy, khoản 2 Điều 19 Luật Đất đai năm 2013 không thể triển khai thực hiện trên thực tế. Điều này dẫn đến hậu quả là nguồn lợi nhuận khổng lồ được tạo ra từ việc Nhà nước quy hoạch phân định mục đích sử dụng đất; chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp hoặc Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng làm tăng giá trị của khu đất liền kề v.v không được điều tiết vào ngân sách nhà nước mà rơi vào túi các nhóm chủ đầu tư là tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ những việc làm này của Nhà nước, 10 Những sơ hở, bất cập và hạn chế trong pháp luật và thực thi pháp luật về quản lý đất đai - Thực trạng và các giải pháp khắc phục, Tldd, tr.78. 11 Khoản 2 Điều 19 Luật Đất đai năm 2013 114
  10. của cộng đồng. Đây là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai. Thứ sáu, theo Luật Đất đai năm 2013 thì một trong những phương thức Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai là việc Nhà nước quyết định giá đất. Theo đó, Nhà nước quyết định giá đất thông qua: 1. Nhà nước quy định nguyên tắc, phương pháp định giá đất; 2. Nhà nước ban hành khung giá đất, bảng giá đất và quyết định giá đất cụ thể . Tiếp đó, Điều 114 Luật Đất đai năm 2013 quy định: Một là, UBND cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể. Cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh có trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh tổ chức việc xác định giá đất cụ thể. Trong quá trình thực hiện, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh được thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất để tư vấn xác định giá đất cụ thể. Việc xác định giá đất cụ thể phải dựa trên cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá đất thị trường và thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai; áp dụng phương pháp định giá đất phù hợp. Căn cứ kết quả tư vấn xác định giá đất, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh trình Hội đồng thẩm định giá đất xem xét trước khi trình UBND cùng cấp quyết định. Hội đồng thẩm định giá đất gồm Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm Chủ tịch và đại diện của cơ quan, tổ chức có liên quan, tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất. Hai là, giá đất cụ thể được sử dụng để làm căn cứ trong các trường hợp sau đây: … đ) Tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Quy định tại Điều 114 là một trong những sửa đổi, bổ sung của Luật Đất đai năm 2013. Gía đất cụ thể được sử dụng làm căn cứ tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất sử dụng vào mục đích quốc phòng - an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Về cơ bản, thẩm quyền xác định giá đất quy định trong Luật Đất đai năm 2013 kế thừa quy định của Luật Đất đai năm 2003; cụ thể: Bước 1. Chính phủ ban hành khung giá đất; Bước 2. Căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá đất và khung giá đất, UBND cấp tỉnh xây dựng và trình HĐND cùng cấp thông qua bảng giá đất trước khi ban hành. 115
  11. UBND cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể. Cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh có trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh tổ chức việc xác định giá đất cụ thể. Trong quá trình thực hiện, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh được thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất để tư vấn xác định giá đất cụ thể. Căn cứ kết quả tư vấn xác định giá đất, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh trình Hội đồng thẩm định giá đất xem xét trước khi trình UBND cùng cấp quyết định. Như vậy, Luật Đất đai năm 2013 vẫn tiếp tục giao cho UBND cấp tỉnh thẩm quyền quyết định giá đất (Khoản 3 Điều 114). Điều này có thể phù hợp với chế độ sở hữu đất đai ở nước ta, trong đó Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, có quyền định đoạt mọi vấn đề liên quan đến đất đai, trong đó có giá đất. Nhưng cơ chế này sẽ không giải quyết triệt để những vướng mắc, bất cập xung quanh việc thu hồi đất. Bởi lẽ, quy định một cơ quan vừa có thẩm quyền thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, vừa có thẩm quyền quyết định giá đất sẽ chứa đựng nguy cơ tham nhũng và khiếu kiện rất cao. Bên cạnh đó, mặc dù quy định: "giá đất do tổ chức có chức năng tư vấn định giá đất xác định là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, quyết định giá đất" nhưng quy định này cho thấy, giá đất do tổ chức có chức năng tư vấn định giá đất xác định chỉ có giá trị để UBND cấp tỉnh tham khảo trước khi quyết định, chưa tạo đủ "sức nặng" cũng như hiệu quả của cơ chế này đối với quyết định giá đất, do đó khó có thể giải quyết được vấn đề khiếu kiện trong thu hồi đất liên quan đến việc xác định giá đất để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và vấn đề tham nhũng trong giao đất, cho thuê đất. Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 khóa XI ngày 31-10-2012 về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới (sau đây gọi là Nghị quyết số 19-NQ/TW) đã đặt ra hướng "kiện toàn cơ quan định giá đất của Nhà nước, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác định giá đất và thẩm định giá đất; cơ quan tham mưu xây dựng giá đất và cơ quan thẩm định giá đất là 2 cơ quan độc lập; làm rõ trách nhiệm cơ quan giải quyết khiếu nại về giá đất trong bồi thường giải phóng mặt bằng... Có cơ chế giám sát các cơ quan chức năng và tổ chức định giá đất độc lập trong việc định giá đất". Đây là những đổi mới quan trọng về định hướng quản lý về giá đất của Đảng, là kim chỉ nam để chúng ta tiếp tục nghiên cứu, thể chế hóa trong các quy định của Luật và các văn bản dưới luật, góp phần đưa giá đất và đấu giá quyền sử dụng đất được công khai, 116
  12. minh bạch, trở thành công cụ đắc lực trong phòng, chống tham nhũng về đất đai. Một số nội dung của Nghị quyết số 19-NQ/TW đã được luật hoá trong Luật Đất đai năm 2013, nhưng cũng còn nhiều nội dung chưa được thể hiện trong Luật Đất đai cũng như nội dung các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Hơn nữa, có một số nội dung được luật hoá chưa đúng với tinh thần Nghị quyết này. Ví dụ, Nghị quyết viết rằng "kiện toàn cơ quan định giá đất của Nhà nước" nhưng trong Luật Đất đai năm 2013 không có quy định nào về "cơ quan định giá đất của Nhà nước" mà vai trò này vẫn giao cho cơ quan hành chính là UBND cấp tỉnh. 3. Một số kiến nghị sửa đổi, bổ sung chế độ sở hữu đất đai của Luật Đất đai năm 2013 góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế ở Việt Nam Thứ nhất, bổ sung quy định về quyền của chủ sở hữu toàn dân về đất đai trong Luật Đất đai năm 2013. Bởi lẽ, Điều 53 Hiến pháp năm 2013 và Điều 4 Luật Đất đai năm 2013 quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2013 lại chỉ quy định quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và trách nhiệm quản lý đất đai của Nhà nước; trong khi đó, toàn dân là chủ sở hữu đất đai lại không được Đạo luật này đề cập đến các quyền năng của chủ sở hữu. Như vậy, vai trò của chủ sở hữu toàn dân về đất đai dường như rất mờ nhạt và tỏ ra “yếu thế” hơn so với vị thế của Nhà nước là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai trong nội dung các quy định về sở hữu đất đai của Luật Đất đai năm 2013. Với cách thể hiện này, Luật Đất đai năm 2013 dễ đưa đến sự hiểu không chính xác, đầy đủ là chủ sở hữu toàn dân về đất đai ủy quyền cho Nhà nước trong việc quyết định toàn bộ đối với vốn đất quốc gia. Đây là một nguyên nhân dẫn đến sự lạm quyền, vượt quá quyền lực trong phân phối đất đai của không ít tổ chức nhà nước, quan chức nhà nước với mục đích tham nhũng, trục lợi trên thực tế vừa qua ở một số địa phương. Thứ hai, Luật Đất đai năm 2013 mới chỉ quy định quyền của Nhà nước với tư cách đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai; quyền của Nhà nước với tư cách thống nhất quản lý đất đai. Song Đạo luật này chưa quy định cụ thể quyền của Nhà nước với tư cách là người sử dụng đất mà trên thực tế Nhà nước lại quản lý, sử dụng một diện tích đất rất lớn 117
  13. như sử dụng vào mục đích quốc phòng - an ninh; xây dựng trụ sở các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; quản lý đất chưa sử dụng, bờ biển, đất có rừng tự nhiên, hầm mỏ, nguồn nước …; những loại đất này được gọi là đất công. Như vậy, mặc dù Luật Đất đai năm 2013 không đưa ra cách giải thích chính thức về khái niệm đất công nhưng trên thực tế đất công đã tồn tại. Việc không định danh rõ đất công trong Luật Đất đai năm 2013 là một “khoảng trống” tiềm ẩn tình trạng quản lý lỏng lẻo, sử dụng đất đai bừa bãi, lãng phí, kém hiệu quả hoặc bao chiếm, chuyển nhượng loại đất này với mục đích tư lợi của không ít cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước. Như vậy, để kiểm soát tham nhũng về đất đai tại Việt Nam, cần phân định rõ ranh giới giữa “đất công” và “đất tư”. Theo đó, nhằm phù hợp với chế độ sở hữu toàn dân về đất đai có thể định nghĩa “đất sử dụng vào mục đích tư” là “đất do các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sử dụng khi được nhà nước công nhận quyền sử dụng, nhà nước giao đất, nhà nước cho thuê đất”. “Đất thuộc phạm vi công” là đất “không sử dụng vào mục đích tư, bao gồm đất giao cho các cơ quan nhà nước, cộng đồng dân cư sử dụng hoặc quản lý; đất chưa sử dụng; và đất nhà nước chưa giao, chưa cho thuê”. Sự phân biệt rành mạch giữa “công” và “tư” như vậy sẽ tạo nên minh bạch trong quản lý và sử dụng đất, đồng thời dễ dàng phát hiện tham nhũng đất công. Đây chính là nội dung chính cần bổ sung vào pháp luật đất đai12. Thứ ba, bổ sung quy định chi tiết, thống nhất, đồng bộ cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước trong việc thực thi quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bao gồm Quốc hội, HĐND các cấp; Chính phủ, UBND các cấp quy định tại Điều 21 Luật Đất đai năm 2013 nhằm tránh việc lạm dụng quyền lực trong việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai trong việc phân bổ nguồn lực đất đai, thu hồi đất … dễ phát sinh nguy cơ tham nhũng, tiêu cực. Bởi lẽ, với khoảng hơn 22.000 cơ quan quyền lực nhà nước các cấp và cơ quan chính quyền các cấp (bao gồm Quốc hội, HĐND các cấp; Chính phủ, UBND các cấp) lại được giao rất nhiều quyền năng như giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; cấp GCNQSDĐ; thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người bị thu hồi đất; quy định giá 12 Những sơ hở, bất cập và hạn chế trong pháp luật và thực thi pháp luật về quản lý đất đai - Thực trạng và các giải pháp khắc phục, Tldd, tr.78. 118
  14. đất; quy định quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; xử lý vi phạm pháp luật đất đai; lập, xét duyệt, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất v.v thì việc giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực nhà nước trong thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai là điều không hề đơn giản. Vì vậy, thiết lập cơ chế pháp lý để kiểm soát quyền lực trong việc thực thi quyền đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai của Quốc hội, HĐND các cấp; Chính phủ, UBND các cấp là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Có như vậy mới góp phần ngăn chặn, kiềm chế và đẩy lùi tham nhũng trong lĩnh vực đất đai. Thứ tư, bổ sung các quy định chi tiết, thống nhất, đồng bộ của các văn bản dưới luật cụ thể hóa khoản 2 Điều 19 Luật Đất đai năm 2013: “Nhà nước điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất mà không do đầu tư của người sử dụng đất mang lại thông qua chính sách thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, đầu tư cơ sở hạ tầng và chính sách hỗ trợ cho người có đất thu hồi” để có thể triển khai thực thi trên thực tế. Có như vậy, nguồn lợi nhuận khổng lồ được tạo ra từ việc Nhà nước quy hoạch phân định mục đích sử dụng đất; chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp hoặc Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng làm tăng giá trị của khu đất liền kề v.v được điều tiết vào ngân sách nhà nước mà không bị rơi vào túi các nhóm nhỏ chủ đầu tư là tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ những việc làm này của Nhà nước, của cộng đồng. Việc thiếu vắng các quy định hướng dẫn thi hành khoản 2 Điều 19 Luật Đất đai năm 2013 khiến cho nội dung này không đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng tích cực như mong muốn. Thứ năm, sửa đổi, bổ sung quy định về giá đất của Luật Đất đai năm 2013 theo hướng: 1) Bãi bỏ Khung giá đất của Chính phủ (Khung giá đất làm cản trở việc xây dựng Bảng giá đất phù hợp giá cả thị trường); 2) Có chế tài xử lý đối với các tỉnh có Bảng giá đất thấp hơn 80% giá cả thị trường (kinh nghiệm thế giới cho rằng chênh lệch 20% là phù hợp); 3) Bãi bỏ phương pháp định giá đất thứ năm do Chính phủ quy định; 4) Hoàn thiện quy trình quyết định giá đất sao cho bảo đảm tính độc lập và khách quan, không có sự can thiệp của các cơ quan hành chính (có thể dùng phương án quản lý quy trình định giá đất theo ngành dọc, độc lập với thẩm quyền của UBND cấp có thẩm quyền quyết định về đất 119
  15. đai); 5) Có văn bản hướng dẫn cụ thể quy trình định giá đất với nội dung áp dụng phương pháp định giá đất nào trong trường hợp cụ thể nào13… 4. Kết luận Tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế là rào cản, trở ngại rất lớn cho sự tăng trưởng bền vững của đất nước. Đảng và Nhà nước ta có quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt để phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế. Tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế rất đa dạng và công cuộc đấu tranh phòng, chống rất phức tạp, cần phải thực hiện kiên trì, kiên quyết. Đối với tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế thì tham nhũng trong lĩnh vực đất đai là vấn đề nổi cộm với hàng loạt vụ việc bị đưa ra xét xử trong thời gian vừa qua với nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp vướng vào vòng lao lý. Để phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế nói chung và phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai nói riêng có hiệu quả thì việc rà soát hệ thống chính sách, pháp luật đất đai có ý nghĩa quan trọng. Trong khuôn khổ của một chuyên đề hội thảo, tác giả khu trú nghiên cứu vào nội dung phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế tiếp cận từ chế độ sở hữu đất đai ở Việt Nam. Chuyên đề phân tích, đánh giá những bất cập trong các quy định về sở hữu đất đai của Luật Đất đai năm 2013 dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực khi triển khai thực hiện trên thực tế. Trên cơ sở đó, chuyên đề đưa ra một số giải pháp hoàn thiện chế độ sở hữu đất đai của Đạo luật này góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế nói chung và phòng, chống tham nhũng về đất đai nói riêng. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.193 -194. 2. Đặng Hùng Võ (2021), Những sơ hở, bất cập và hạn chế trong pháp luật và thực thi pháp luật về quản lý đất đai - Thực trạng và các giải pháp khắc phục - Kỷ yếu Hội thảo 13 Những sơ hở, bất cập và hạn chế trong pháp luật và thực thi pháp luật về quản lý đất đai - Thực trạng và các giải pháp khắc phục, Tldd, tr. 80 -81. 120
  16. “Kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng - Thực trạng và giải pháp” do Ban Nội chính Trung tương tổ chức tại Hà Nội, tháng 1. 3. Học viện Hành chính - Khoa Nhà nước và Pháp luật (2009), Giáo trình Lý luận chung về Nhà nước và Pháp luật (Đào tạo Đại học Hành chính), Nxb Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, tr. 316. 4. Luật Đất đai năm 2013. 5. Nhận diện và giảm thiểu các rủi ro dẫn đến tham nhũng trong quản lý đất đai ở Việt Nam (Sách tham khảo) (2011), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội. 6. Phạm Duy Nghĩa (2021), Một số khía cạnh chính sách, pháp luật của quyền sử dụng đất công, Tọa đàm “Chính sách đất đai và vai trò đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong bối cảnh mới” do Viện Lãnh đạo học và Chính sách công - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức tại Hà Nội, ngày 23/09. 7. Trung tâm Tư vấn pháp luật và Vận động chính sách (ALAC) - Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam (VIJUSAP) (2016), Báo cáo khảo sát “Dấu hiệu tham nhũng trong quá trình giao đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến các vấn đề đất đai tại tỉnh Thái Bình”, tháng 12; nguồn: ĐỀ CƯƠNG BÁO CÁO KẾT QUẢ KHẢO SÁT (alac.vn) 8. Nguyễn Quang Tuyến (2018), Tổng quan về cơ chế, chính sách, pháp luật về đất đai (Giai đoạn từ năm 2003 - nay), Đề tài NCKH cấp Bộ “Chính sách, pháp luật đất đai với phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam” của Ban Nội chính Trung ương, Hà Nội. 9. Nguyễn Quang Tuyến (2018), Kinh nghiệm quốc tế về quyết định giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất và những vận dụng trong phòng, chống tham nhũng về giá đất tại Việt Nam, Đề tài NCKH cấp Bộ “Chính sách, pháp luật đất đai với phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam” của Ban Nội chính Trung ương, Hà Nội. 121
nguon tai.lieu . vn