Xem mẫu

  1. MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ ĐIỀU KIỆN KẾT HÔN ĐỐI VỚI HÔN NHÂN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI Lê Anh Tuấn, Nguyễn Huyền Trang, Võ Thị Diệu Mỹ* Khoa Luật, Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh GVHD: ThS. Đoàn Trọng Chỉnh TÓM TẮT Quan hệ hôn nhân (QHHN) có yếu tố nước ngoài được hình thành trên nguyên tắc tự do ý chí, tự nguyện của hai bên nam nữ thống nhất đến với nhau, đăng ký kết hôn xác lập quan hệ hôn nhân bền vững, tạo nên tính đặc biệt của quan hệ. Kết hôn là sự kiện pháp lý làm phát sinh QHHN, theo quy định của pháp luật việc kết hôn là căn cứ để Nhà nước bảo vệ và quyền và lợi ích của người kết hôn. Việc nam, nữ chỉ được coi là đã kết hôn khi đã đăng ký kết hôn tại các cơ quan có thẩm quyền. Sự thừa nhận của nhà nước là một bảo đảm về pháp lý để bảo vệ quyền lợi của người kết hôn trên cơ sở quy định của pháp luật. Do đó, chủ thể có quyền kết hôn khi đáp ứng được các điều kiện kết hôn (ĐKKH) do pháp luật quy định, việc quy định ĐKKH cần phải được kết hợp với tri thức của nhiều ngành khoa học như: luật học, xã hội học, tâm lý học,… đồng thời phải căn cứ vào phong tục, tập quán, truyền thống của mỗi dân tộc. Chính vì vậy, ở từng quốc gia, từng thời điểm khác nhau, căn cứ vào những yếu tố trên mà có những quy định khác nhau về ĐKKH [5]. Bằng các quy định về ĐKKH, Nhà nước bảo vệ quyền và để mỗi cá nhân được lựa chọn và quyết định việc kết hôn của mình. Để việc kết hôn được coi là hợp pháp thì đòi hỏi phải có sự thừa nhận của nhà nước tức là phải đăng ký tại các cơ quan có thẩm quyền theo quy định. Trong phạm vi bài viết này, nhóm tác giả sẽ phân tích về Luật hôn nhân và gia đình 1986; Luật Hôn nhân và Gia đình 2000; Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 để làm rõ về: Quy định pháp luật về ĐKKH đối với hôn nhân có yếu tố nước ngoài; thực tiễn áp dụng quy định pháp luật về ĐKKH đối với hôn nhân có yếu tố nước ngoài và đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện về vấn đề này. Từ khóa: đăng ký kết hôn, điều kiện kết hôn, hôn nhân, kết hôn, yếu tố nước ngoài. 1 ĐẶT VẤN ĐỀ Trong thời kỳ yếu tố hội nhập được coi là điều kiện tất yếu cho sự phát triển, Việt Nam từng bước có những sự thay đổi để hòa chung với xu hướng phát triển chung của thế giới. Hội nhập mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với sự phát triển của đất nước trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội,... Chính sách mở rộng hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước không những giúp đời sống của Nhân dân được cải thiện mà còn được coi là phương tiện giúp đáp ứng được những nhu cầu cá nhân ngày càng đa dạng của công dân Việt Nam, đặc biệt là các quan hệ phát sinh giữa công dân Việt Nam và người nước 2025
  2. ngoài. Trong bối cảnh hội nhập, các QHHN và gia đình giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài cũng từ đó mà dần trở nên phổ biến, phát triển hơn. Việc phát sinh các mối quan hệ pháp luật về hôn nhân và gia đình (HN&GĐ) có yếu tố nước ngoài ngày càng gia tăng kéo theo yêu cầu về sự phát triển của pháp luật nhằm ổn định và phát triển quá trình giao lưu dân sự quốc tế, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân các nước có liên quan càng trở nên quan trọng và cấp bách. Kết hôn là sự kiện pháp lý làm phát sinh QHHN. Khi kết hôn các bên nam, nữ phải tuân thủ ĐKKH được luật HN&GĐ quy định và phải đăng ký kết hôn tại cơ quan đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì việc kết hôn đó mới được công nhận là hợp pháp và các bên nam, nữ mới phát sinh quan hệ hôn nhân trước pháp luật [5]. Kết hôn có yếu tố nước ngoài là việc nam, nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn, trong đó có ít nhất một chủ thể là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc việc kết hôn được xác lập ở nước ngoài theo quy định của nước ngoài. ĐKKH được hiểu là những yêu cầu mà Nhà nước quy định trong các văn bản pháp luật mà người muốn kết hôn phải đáp ứng. Nếu nam, nữ muốn kết hôn kết hôn thì phải chấp hành các quy tắc bắt buộc chung do Nhà nước đặt ra khi kết hôn. Nếu nam, nữ không đáp ứng được các điều kiện kết hôn đó thì không được đăng ký kết hôn, tức là không được nhà nước ghi nhận và bảo vệ trước pháp luật. Các điều kiện kết hôn có yếu tố nước ngoài được quy định trong các văn bản pháp luật của nước ta như quy định tại điều 52 Luật Hôn nhân và Gia đình 1986; Điều 103 Luật Hôn nhân và Gia đình 2000; Điều 126 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Như vậy, khi thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thì người nước ngoài phải đáp ứng đồng thời ĐKKH hôn theo pháp luật của nước mà họ mang quốc tịch hoặc nơi cư trú và ĐKKH theo quy định của pháp luật Việt Nam. Các điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình được áp dụng cho bên nam hoặc nữ là công dân Việt Nam hoặc khi việc kết hôn có yếu tố nước ngoài được tiến hành tại Việt Nam. Theo đó, hai bên nam nữ muốn kết hôn với nhau phải đáp ứng được tất cả điều kiện mà pháp luật quy định. 2 QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT ĐKKH là tiêu chí pháp lý đầu tiên để xác định tính hợp pháp của hôn nhân, là những yêu cầu pháp luật đặt ra, bắt buộc các chủ thể muốn xác lập QHHN phải đáp ứng. Pháp luật của các nước đều quy định rõ ràng, chặt chẽ về các điều kiện kết hôn và những điều kiện cấm kết hôn, tuy nhiên có sự khác biệt tùy vào thuộc vào quan điểm của mỗi quốc gia. Các ĐKKH có yếu tố nước ngoài được quy định trong các văn bản pháp luật của nước ta như: “Trong việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, mỗi bên tuân theo những quy định của pháp luật nước mình về kết hôn”[1], “Trong việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, mỗi bên phải tuân theo pháp luật của nước mình về ĐKKH; nếu việc kết hôn được tiến hành tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thì người nước ngoài còn phải tuân theo các quy định của Luật này về ĐKKH. Việc kết hôn giữa những người nước ngoài với nhau tại Việt Nam trước cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phải tuân theo các quy định của Luật này về ĐKKH. Nghiêm cấm lợi dụng việc kết hôn có yếu tố nước ngoài để buôn bán phụ nữ, xâm phạm tình dục đối với phụ nữ hoặc vì mục đích 2026
  3. trục lợi khác” [2], “Trong việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, mỗi bên phải tuân theo pháp luật của nước mình về ĐKKH; nếu việc kết hôn được tiến hành tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thì người nước ngoài còn phải tuân theo các quy định của Luật này về ĐKKH. Việc kết hôn giữa những người nước ngoài thường trú ở Việt Nam tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phải tuân theo các quy định của Luật này về ĐKKH” [3]. Các ĐKKH theo quy định của Luật HN&GĐ Việt Nam được áp dụng cho bên nam hoặc nữ là công dân Việt Nam hoặc khi việc kết hôn có yếu tố nước ngoài tiến hành tại Việt Nam. Theo đó, hai bên nam nữ kết hôn phải đáp ứng các điều kiện sau đây: Điều kiện về tuổi kết hôn: theo quy định của pháp luật tất cả các nước, độ tuổi kết hôn luôn là nội dung pháp lý quan trọng trong pháp luật về HN&GĐ. Một người chỉ được kết hôn khi đã đạt được độ tuổi pháp luật cho phép kết hôn. Theo Luật HN&GĐ Việt Nam quy định: “Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên được phép kết hôn” [3]. Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên được phép kết hôn theo quy định của luật hiện hành là trường hợp nam đã đủ 20 tuổi, nữ đã đủ 18 tuổi trở lên và được xác định theo ngày, tháng, năm sinh. Việc quy định độ tuổi kết hôn của nước ta là nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên. Pháp luật của nước ta chỉ quy định về độ tuổi tối thiểu và không quy định về độ tuổi tối đa, không giới hạn về sự chênh lệch độ tuổi nam, nữ trong việc kết hôn. Việc quy định về vấn đề này rất phù hợp với quan điểm hôn nhân xuất phát từ tình yêu và sự tự nguyện trong hôn nhân vì vậy không có giới hạn về tuổi tác giữa hai bên chủ thể muốn kết hôn với nhau. Đối với thủ tục kết hôn có yếu tố nước ngoài thì điều kiện về độ tuổi kết hôn được áp dụng để xem xét tính hợp pháp của quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Điều kiện về sự tự nguyện của chủ thể: hôn nhân là sự gắn kết giữa một người nam và một người nữ nhằm xây dựng gia đình. Sau khi kết hôn vợ chồng phải gắn bó với nhau, có quyền và nghĩa vụ với nhau, cùng vun đắp gia đình. Sự phát triển và tồn tại của hôn nhân phụ thuộc vào tình cảm và trách nhiệm của vợ chồng. Do vậy, để đảm bảo cho hôn nhân bền vững thì pháp luật quy định các bên khi tiến hành kết hôn phải hoàn toàn tự nguyện [6]. Theo quy định “Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định” [3]. Hai bên nam, nữ sẽ tự mình quyết định việc kết hôn, không phải chịu một áp lực khiến việc kết hôn trái với nguyện vọng của mình. Sự tự nguyện của hai bên nam nữ phải thể hiện rõ ràng là họ muốn được gắn bó với nhau, cùng nhau chung sống suốt đời. Hành vi kết hôn giả tạo, cưỡng ép hay lừa dối để kết hôn, cản trở hôn nhân tiến bộ đều bị coi là sự vi phạm sự tự nguyện của hai bên nam, nữ khi kết hôn [6]. Điều kiện về tình trạng hôn nhân của chủ thể: hầu hết các quốc gia đều đề cao nguyên tắc “Hôn nhân một vợ một chồng”. Tương đồng với quan điểm của các quốc gia trên thế giới, Luật HN&GĐ 2000 cấm việc kết hôn với người đang có vợ hoặc chồng. Người đang có vợ hoặc chồng là người đã kết hôn với người khác đúng theo quy định của pháp luật nhưng chưa ly hôn; sống chung với người khác như vợ chồng từ trước ngày 03/01/1987 và đang sống chung mà không đăng ký kết hôn; sống chung với người khác như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến trước ngày 01/01/2001 và đang sống chung có đủ ĐKKH nhưng không đăng ký kết hôn. Luật HN&GĐ năm 2014 tiếp tục kế thừa và phát triển quy định của Luật HN&GĐ 2027
  4. 2000, thể hiện bên cạnh việc cấm kết hôn với người đang có vợ hoặc chồng còn cấm hành vi “sống chung như vợ chồng đối với người đang có vợ hoặc chồng” [3]. Các bên không bị mất năng lực hành vi dân sự: theo điểm c khoản 1 Điều 8 Luật HN&GĐ 2014 quy định hai bên nam, nữ tại thời điểm đăng ký kết hôn phải không bị mất năng lực hành vi dân sự. Có nghĩa là những người bị mất năng lực hành vi dân sự thì không đủ ĐKKH. Trường hợp này cũng áp dụng đối với các quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài [6]. Do đó, khi thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, một trong những thành phần hồ sơ phải nộp là giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận các bên kết hôn không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình. Điều kiện không có quan hệ huyết thống hoặc quan hệ thân thuộc: đa số pháp luật các nước trên thế giới đều cấm kết hôn giữa những người có cùng huyết thống hoặc quan hệ thân thuộc. Quy định này nhằm bảo vệ sự lành mạnh của tế bào xã hội là gia đình. Ở Việt Nam, pháp luật từ trước tới nay đều cấm những người có cùng quan hệ huyết thống hoặc có quan hệ thân thuộc kết hôn với nhau. Luật HN&GĐ 2000 và Luật HN&GĐ 2014 đều cấm việc “Kết hôn hoặc chung sống với nhau như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể; cha dượng với con riêng của vợ; mẹ kế với con riêng của chồng” [3]. Việc quy định trên, nhằm hướng tới mục đích bảo vệ trật tự, luân lý trong gia đình, đồng thời tạo dựng cơ sở cho một trật tự xã hội văn minh. 3 THỰC TIỄN Hôn nhân có yếu tố nước ngoài vốn là kết quả tất yếu có quá trình hội nhập. Quản lý Nhà nước về hôn nhân có yếu tố nước ngoài trở thành một nhiệm vụ quan trọng luôn được quan tâm thực hiện. Thông qua hoạt động này nhằm góp phần lành mạnh hóa các QHHN có yếu tố nước ngoài, trên nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững đồng thời tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền con người, quyền, nghĩa vụ công dân, cũng như có biện pháp quản lý dân cư một cách khoa học, phục vụ thiết thực cho việc xây dựng, hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước. Để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, ngày 25/02/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/2005/CT-TTg về tăng cường quản lý Nhà nước đối với QHHN và gia đình có yếu tố nước ngoài, được đánh giá là “kịp thời và cần thiết”. Theo đó, các bộ, ngành đã tích cực triển khai các hoạt động hướng đến việc đảm bảo lành mạnh hóa quan hệ HN&GĐ có yếu tố nước ngoài, thực hiện nguyên tắc hôn nhân tự nguyện tiến bộ của Luật Hôn nhân và gia đình và được tổng kết 5 năm thực hiện vào ngày 22/04/2011 với nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong việc quản lý Nhà nước đối với QHHN và gia đình có yếu tố nước ngoài như: Nhiều trường hợp kết hôn giữa phụ nữ Việt Nam với nam giới người nước ngoài còn mang nặng mục đích kinh tế hoặc mang tính trào lưu, thông qua môi giới trái phép; tại một số địa phương có dự án đầu tư của nước ngoài có hiện tượng phụ nữ Việt 2028
  5. Nam chung sống như vợ chồng với chuyên gia, công nhân nước ngoài mà không đăng ký kết hôn. Theo số liệu thống kê của của Bộ Tư pháp năm 2017 cho thấy: trong khi tổng số đăng ký kết hôn giảm thì đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài tiếp tục tăng khá nhiều so với năm trước; đăng ký kết hôn tổng số 731.883 cặp (giảm 3,5%), trong đó có 18.718 trường hợp có yếu tố nước ngoài (tăng 15,85%). Cho thấy, nhu cầu kết hôn với người nước ngoài vẫn đang có xu hướng gia tăng [4]. Tuy nhiên, bên cạnh đó có tồn tại những hạn chế trong những quy định pháp luật về hôn nhân có yếu tố nước ngoài: vấn đề tuổi tác cũng là một vấn đề cần đặt ra để giải quyết trong thực tiễn. Theo quy định của pháp luật, nam từ đủ 20 tuổi và nữ từ đủ 18 tuổi là đủ ĐKKH nhưng chưa quy định về độ tuổi chênh lệch khi kết hôn. Sự chênh lệch quá nhiều về tuổi tác sẽ ảnh hưởng tới chất lượng hôn nhân như sự khác biệt quá lớn về tâm, sinh lý, ảnh hưởng đến sự phát triển của thế hệ tương lai và những giá trị đạo đức trong xã hội. Trong quá trình thẩm tra, xác minh hồ sơ đối với các trường hợp chênh lệch quá nhiều tuổi thì cán bộ Tư pháp sẽ không có cơ sở pháp lý để từ chối không cho đăng ký kết hôn. Việc xác định tính tự nguyện của hai bên chủ thể trong QHHN có yếu tố nước ngoài, tính tới thời điểm hiện tại nhà nước ta chưa ban hành một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về sự hiểu biết lẫn nhau và đánh giá trình độ ngôn ngữ của hai bên chủ thể để xác định sự tự nguyện của hai bên khi có yêu cầu kết hôn với nhau. Vấn đề khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ cung cần phải được xem xét, thực tế các trường hợp công dân Việt Nam kết hôn với công dân nước ngoài đều có sự khác biệt về ngôn ngữ, thường công dân nước ngoài không thể giao tiếp bằng tiếng Việt, ngược lại công dân Việt Nam khi đăng ký kết hôn, từng trường hợp có thể giao tiếp bằng tiếng nước đó nhưng còn rất hạn chế. Từ những trường hợp này cho thấy quy định pháp luật đối với vấn đề kết hôn có yếu tố nước ngoài còn chưa rõ ràng, cụ thể. Mặc dù, nhà nước ta đã kịp thời ban hành các văn bản pháp luật điều chỉnh việc kết hôn có yếu tố nước ngoài để đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội và tạo điều kiện cho công dân của mình thực hiện quyền tự do kết hôn. Tuy nhiên, trên thực tế, các trường hợp vi phạm pháp luật về điều kiện kết hôn vẫn xảy ra, điển hình là các trường hợp như: Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo; tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ; kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng. Hiện nay, việc vi phạm sự tự nguyện do kết hôn giả tạo là hành vi phổ biến trong đời sống hôn nhân và gia đình. Đối với kết hôn có yếu tố nước ngoài thì hành vi này trở nên phổ biến hơn. Nhiều trường hợp kết hôn giả tạo là hành vi trá hình của việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài nhằm che đậy các hành vi buôn bán phụ nữ qua biên giới hoặc đưa người nhập cảnh trái phép vào các nước[6]. 2029
  6. Các Trung tâm Hỗ trợ kết hôn hoạt động chưa hiệu quả, có nơi chỉ làm việc qua loa, chưa góp phần bảo đảm việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài đúng pháp luật và lành mạnh, đôi khi tạo điều kiện cho các đường dây môi giới bất hợp pháp trục lợi. Quá trình đi đến hôn nhân thường rất nhanh chóng, vội vàng, đơn giản, hầu hết thông qua môi giới sắp xếp. Phần lớn các cô dâu trước khi ra nước ngoài sinh sống cùng chồng chưa được tư vấn đầy đủ để có những hiểu biết cần thiết về pháp luật, ngôn ngữ, phong tục, tập quán của nước sở tại nên đã gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp với nhà chồng cũng như trong việc hòa nhập với cộng đồng. Nhiều trường hợp đã rơi vào hoàn cảnh bất hạnh nhưng không được giúp đỡ, bảo vệ. Pháp luật chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng kết hôn giả tạo nhằm mục đích khác. Biết rõ ràng đó là gian dối nhưng người xin đăng ký kết hôn làm các thủ tục được yêu cầu quá suôn sẻ nên cán bộ không biết dựa vào đâu để không cho họ kết hôn. Nhiều trường hợp môi giới kết hôn diễn ra dưới hình thức chọn vợ tập thể, thiếu văn hóa, vi phạm thuần phong mỹ tục dân tộc Việt Nam, hạ thấp danh dự, nhân phẩm của phụ nữ Việt Nam. 4 KIẾN NGHỊ Để đảm bảo quan hệ này phát triển một cách lành mạnh thì trong những năm vừa qua công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống Pháp luật ngày càng được củng cố và lưu tâm từ Trung ương đến địa phương phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội. Phổ biến giáo dục pháp luật là bước đầu tiên trong việc đưa các chính sách Pháp luật đến với người dân là đặc biệt được Đảng và Nhà nước quan tâm. Xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật là nhiệm vụ quan trọng trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy đã có nhiều nỗ lực từ các cơ quan chức năng những thực trạng kết hôn có yếu tố nước ngoài để nhằm mục đích trục lợi thì vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Để thực hiện tốt công tác đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài thì trước tiên phải hoàn thiện hệ thống pháp luật. Nhà nước cần phải xây dựng một hệ thống pháp luật thống nhất, cụ thể, minh bạch. Nâng cao hiệu quả điều chỉnh của pháp luật về kết hôn có yếu tố nước ngoài. Luật HN&GĐ 2014 và Luật Hộ tịch năm 2014 đã quy định chuẩn mực pháp lý cho hành vi ứng xử của mỗi cá nhân, tạo cơ sở pháp lý để đảm bảo quyền và lợi ích của chủ thể kết hôn có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên có một số quy định cần được sửa đổi và bổ sung để phù hợp. Vì vậy, bài báo khoa học xin được đưa ra một số kiến nghị khác sau đây: Thứ nhất, về độ tuổi kết hôn, tính tới thời điểm hiện tại Nhà nước ta chưa ban hành một văn bản nào quy định về độ tuổi chênh lệch giữa hai chủ thể khi đăng ký kết hôn. Vì vậy, để hạn chế tình trạng kết hôn không phải xuất phát từ tình yêu chân chính và mong muốn xác lập quan hệ hôn nhân, xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ thì cần đưa ra quy định về giới hạn độ tuổi kết hôn giữa nam và nữ cho phù hợp với tâm sinh lý và thuần phong mỹ tục của Việt Nam. Thứ hai, về giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, đề nghị Bộ tư pháp cung cấp thêm danh mục các mẫu giấy tờ chứng nhận tình trạng hôn nhân của các nước trên thế giới để cán bộ tư pháp dễ dàng tiếp nhận hồ sơ của đương sự và hạn chế làm giả hồ sơ của đương sự. 2030
  7. Thứ ba, nên quy định phỏng vấn hai bên trước thủ tục đăng ký kết hôn là thủ tục bắt buộc. Trước ngày 01/01/2016, trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài nhằm đảm bảo sự tự nguyện của hai bên khi tiến hành kết hôn thì quy định Sở Tư pháp tiến hành phỏng vấn hai bên nam, nữ trước khi kết hôn. Việc phỏng vấn là một bước quan trọng giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định sự tự nguyện của hai bên chủ thể khi đăng ký kết hôn, để kịp thời phát hiện ngay từ đầu những sai phạm về điều kiện kết hôn để kịp thời có biện pháp xử lý. Tuy nhiên, theo Luật Hộ tịch 2014 thì phỏng vấn không phải là một thủ tục bắt buộc. Hiện nay, Phòng tư pháp thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện tiến hành thẩm tra hồ sơ, làm rõ sự tự nguyện kết hôn của hai bên nam, nữ. Vì chưa có quy định cụ thể trong việc xác nhận sự tự nguyện của hai bên nam, nữ nên việc xác định này là không dễ dàng. Vì vậy, cần bổ sung các quy định để đánh giá về sự hiểu biết lẫn nhau của hai bên chủ thể khi có yêu cầu kết hôn có yếu tố nước ngoài. Nhận thức của chính những chủ thể tham gia vào quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý Nhà nước về hôn nhân có yếu tố nước ngoài, là một trong những yếu tố tác động đến quản lý nhà nước về hôn nhân có yếu tố nước ngoài và việc thay đổi nhận thức này chính là nhiệm vụ của công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Cuối cùng, các cá nhân và tổ chức cần tham gia vào hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đăng ký kết hôn tới người dân một cách rộng rãi và phổ biến để nâng cao nhận thức xã hội nói chung và nhận thức mỗi cá nhân nói riêng để tạo ra một môi trường lành mạnh và một xã hội am hiểu về pháp luật để mỗi cá thể trong xã hội đều có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích của chính mình trong các quan hệ pháp luật. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Luật Hôn nhân và Gia đình 1986. [2] Luật Hôn nhân và Gia đình 2000. [3] Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. [4] Báo cáo tổng kết tư pháp năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2018 của Bộ Tư pháp. [5] Viện khoa học pháp lý – Bộ Tư pháp (2006). Từ điển Luật học, NXB. Tư pháp, NXB. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, tr.252. [6] Trần Thị Liên (2016). Khóa luận tốt nghiệp “Kết hôn có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam”. Đại học Luật Hà Nội. 2031
nguon tai.lieu . vn