Xem mẫu

  1. MỘT SỐ NGUYÊN TẮC CƠ BẢN KHI TRANH TỤNG TẠI PHIÊN TÒA GIẢ ĐỊNH Phan Hoàng Trung Nguyễn Phạm Hoàng Vy Lương Thị Thu Thảo TÓM TẮT Phiên tòa giả định (“PTGĐ”) (Moot court) là một hoạt động ngoại khóa mà trong đó, sinh viên đóng vai luật sư tranh luận về nội dung của một vụ việc giả định trước các thẩm phán. Qua hình thức mô phỏng phiên tòa, sinh viên sẽ có cơ hội nghiên cứu ở đa dạng lĩnh vực, rèn luyện cũng như trau dồi các kỹ năng pháp lý một cách hiệu quả. Việc các thí sinh tham gia những cuộc thi PTGĐ nhưng chưa nắm vững các nguyên tắc cơ bản khi tranh tụng sẽ khiến phần bài làm thiếu chuyên nghiệp cả về hình thức lẫn nội dung dẫn đến việc không đạt được kết quả như ý. Trong bài viết này, nhóm tác giả sẽ trình bày một số nguyên tắc cơ bản khi tranh tụng tại PTGĐ có thể kể đến như phần tranh tụng cần ngắn gọn, đơn giản, hợp lý; rõ ràng, đúng trọng tâm; thí sinh cần thích nghi qua từng vòng thi; thể hiện thái độ đúng mực và chú trọng hình thức khi tham gia thi đấu. Từ đó, giúp các thí sinh hoàn thiện kỹ năng giao tiếp và hành xử chuyên nghiệp để có thể tự tin tiếp cận những phiên điều trần và thực hiện tranh tụng một cách hiệu quả. Từ khóa: Nguyên tắc cơ bản, phiên tòa giả định, tranh tụng 1. Đặt vấn đề Trong những năm gần đây, các cuộc thi về “phiên tòa giả định" (Moot Court) đang dần trở nên phổ biến và thu hút đông đảo sự quan tâm của nhiều sinh viên luật. Các trường đại học trong nước đã liên tục cử các đội tuyển tham gia các cuộc thi PTGĐ cấp quốc gia, quốc tế được tổ chức hàng năm và đều đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Qua những khảo sát sơ bộ, có thể thấy đa phần các sinh viên khi tham gia vào những những mô hình hoạt động PTGĐ trong và ngoài nước đều cảm  Sinh viên Khoa Luật - Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM) - Email: trungph20503@st.uel.edu.vn  Sinh viên Khoa Luật - Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM) - Email: vynph20503@st.uel.edu.vn  Sinh viên Khoa Luật - Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM) - Email: thaoltt20503@st.uel.edu.vn 79
  2. thấy hứng thú trong việc nghiên cứu cũng như học hỏi được nhiều kỹ năng mềm cần thiết. Bên cạnh những thành quả đáng khích lệ mà các đội tuyển đã đạt được, không thể phủ nhận rằng chất lượng nguồn nhân lực trong các cuộc thi vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các giám khảo quốc tế. Một trong những nguyên nhân chính là các sinh viên chưa trang bị đầy đủ cho mình những kỹ năng để thích ứng và vượt qua những rào cản bắt đầu khi bước vào những cuộc thi PTGĐ. Bởi lẽ, trong bối cảnh các cuộc thi về PTGĐ xuất hiện ngày càng nhiều và mỗi cuộc thi lại có những quy định riêng cũng như mô phỏng các loại hình giả định khác nhau. Việc thích ứng và tiếp xúc liên tục các mô hình khác nhau có thể sẽ giúp các thí sinh học được nhiều kỹ năng hơn. Tuy nhiên, việc tham gia những cuộc thi PTGĐ mà chưa nắm vững các nguyên tắc cơ bản khi tranh tụng cũng sẽ khiến các thí sinh có phần bài làm thiếu chuyên nghiệp cả về hình thức lẫn nội dung dẫn đến việc không đạt được kết quả như ý. Vậy nên, việc nghiên cứu, học tập những nguyên tắc cơ bản thông qua PTGĐ của các quốc gia trên thế giới chính là tiền đề tốt để vận dụng vào thực tiễn tại Việt Nam. Trong bài viết này, nhóm tác giả đưa ra một số nguyên tắc cơ bản khi tranh tụng tại PTGĐ. Từ đó, giúp các thí sinh hoàn thiện kỹ năng giao tiếp và hành xử chuyên nghiệp để có thể tự tin tiếp cận những phiên điều trần và thực hiện tranh tụng một cách hiệu quả. 2. Khái quát về phiên tòa giả định 2.1. Khái niệm Thuật ngữ “phiên tòa giả định” (“Moot Court” hay “Mooting”) được sử dụng phổ biến tại các trường luật trên thế giới như một mô hình hình về hoạt động nghiên cứu và thực hành pháp lý của các sinh viên luật, trong đó các sinh viên đóng vai luật sư tranh luận về nội dung của một vụ việc giả định trước các thẩm phán. Tại PTGĐ, sinh viên không chỉ cần hiểu và trình bày các quy định pháp luật, nguyên tắc hay các học thuyết pháp lý là đủ, mà còn phải biết cách diễn giải và thuyết phục thẩm phán về các lập luận của mình. Qua các phiên điều trần giả định, sinh viên đã được bồi dưỡng kiến thức trong lĩnh vực pháp luật liên quan, đồng thời hình thành nhiều kỹ năng mềm quan trọng. 80
  3. Tại Việt Nam, trong những năm qua đã có một số trường như Trường Đại học Kinh tế - Luật, Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Luật Hà Nội, Học viện Ngoại giao đã và đang quan tâm tới hoạt động này, đồng thời, đã cử đội tuyển sinh viên tham gia các cuộc thi PTGĐ quốc tế và đạt được một số thành tích đáng tuyên dương.34 PTGĐ là mô hình học tập phù hợp với nhiều đối tượng, đặc biệt là sinh viên ngành Luật. Đây là hình thức phổ biến mang tính trực quan và sinh động, giúp sinh viên tiếp thu các nội dung pháp lý một cách tự nhiên, dễ hiểu, dễ nhớ. Và đây cũng là cơ hội để những sinh viên chuyên ngành luật trực tiếp tham gia nghiên cứu những vụ việc thực tế của ngành học. Từ đó, rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, làm việc nhóm… Bên cạnh đó, PTGĐ còn là kênh giáo dục có tác động mạnh tới việc nhận thức pháp luật, ý thức tôn trọng, ứng xử và chấp hành pháp luật đối với tất cả các đối tượng được phổ biến. 2.2. Đặc điểm của mô hình phiên tòa giả định Một đặc điểm nổi bật của phiên tòa giả định là ban tổ chức sẽ công khai đề thi trước khi bắt đầu cuộc thi, và chính các thí sinh sẽ là người tự nghiên cứu, định hình và xây dựng nên các lập luận một cách thuyết phục nhất, chứ không hề có sẵn kịch bản như những phiên “diễn tòa” mà ta vẫn hay thấy. Nói cách khác, sinh viên sẽ phải đóng vai như một luật sư và thực hiện tất các công việc cơ bản của luật sư khi tham gia vào thủ tục giải quyết tranh chấp như thu thập thông tin, chứng cứ, tìm quy định pháp luật, xây dựng luận điểm, chuẩn bị bài biện hộ, bảo vệ luận điểm của mình trước tòa… Qua đó, sinh viên không những được trau dồi thêm về kiến thức pháp luật mà còn rèn luyện được nhiều kỹ năng làm việc rất bổ ích, có thể kể đến như kỹ năng nghiên cứu tài liệu, tư duy phản biện, kỹ năng xây dựng luận điểm pháp lý, chọn lọc thông tin, viết bài biện hộ trong thời gian ngắn nhất (thông thường ban tổ chức chỉ cho các đội thi một tháng để chuẩn bị bài biện hộ) và đặc biệt chính là kỹ năng tranh tụng trước tòa (phong thái, giọng điệu, cách thức trả lời câu hỏi của toà…).35 34 “Moot Court là gì?”, https://lracuel.org/2017/07/14/moot-court-la-gi/, truy cập ngày 25/10/2021 35 “MOOT COURT - Một trong những cuộc thi danh giá dành cho sinh viên Luật”, https://lawnet.thukyluat.vn/posts/t6109-moot-court-mot-trong-nhung-cuoc-thi-danh-gia-danh-cho-sinh-vien- luat, truy cập ngày 25/10/2021. 81
  4. 2.3 Một số loại hình phiên tòa giả định Hiện nay, trên thế giới và Việt Nam đã xuất hiện rất nhiều loại hình PTGĐ. Và với mỗi loại hình PTGĐ khác nhau thì sẽ có những cuộc thi đa dạng với nhiều hình thức. Nổi bật trong số đó phải kể đến mô hình trọng tài giả định. Đây là một phần không thể thiếu của PTGĐ. Một trong những cuộc thi quốc tế lớn nhất về Trọng tài giả định là Willem C. Vis Moot, được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1994 tại Vienna. Nhiều học giả đã đánh giá đây là “kỳ thi Olympics môn Luật Thương mại quốc tế”. Một cuộc thi về trọng tài giả định danh giá khác là FDI Moot (Foreign Direct Investment International Arbitration Moot) - cuộc thi Trọng tài giả định quốc tế về Đầu tư trực tiếp nước ngoài được hình thành vào năm 2006. Cuộc thi từ lâu đã trở thành hoạt động thường niên được tổ chức rộng rãi trên thế giới, tạo điều kiện cho sinh viên chuyên ngành luật ở khắp nơi trải nghiệm vai trò là luật sư tranh tụng trước hội đồng trọng tài giả định. Hiện nay, hình thức Trọng tài giả định đã có mặt và đang dần trở nên phổ biến tại Việt Nam. Trong đó, phải kể đến là vòng thi cấp Quốc gia của FDI Moot được tổ chức lần đầu tại Việt Nam vào năm 2018. Ngay từ lần đầu tiên tổ chức, cuộc thi đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các bạn sinh viên luật trên cả nước. Bên cạnh đó, cộng đồng Mooting của Việt Nam không thể không kể đến Vietnam CISG Pre- Moot, một cuộc thi Trọng tài giả định về CISG đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Cuộc thi đã và đang là một trong những sân chơi trí tuệ bổ ích dành cho sinh viên có niềm đam mê về luật. Ngoài ra, nhiều cuộc thi Trọng tài giả định khác trên cả nước đã dần được hình thành và đạt được những thành công nhất định như Alfred Deakin, ICA Moot, cuộc thi Diễn án Luật Nhân đạo Quốc tế,... Nếu như nhắc đến trọng tài giả định thì không thể nào không nhắc đến hòa giải giả định. Trong đó, phải kể đến cuộc thi International Mediation Singapore (IMSG) được tổ chức bởi Viện hòa giải quốc tế Singapore (Singapore International Mediation Institute) - trực thuộc Đại học Quốc gia Singapore. Cuộc thi ra đời với mục tiêu thúc đẩy việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế cũng như các hoạt động đào tạo và nghiên cứu về hòa giải. Đây là một trong những cuộc thi diễn án giả tưởng tập trung vào hai 82
  5. kỹ năng chính, đó là kỹ năng hòa giải của một hòa giải viên và kỹ năng tranh tụng của luật sư đại diện cho các bên tranh chấp thương mại quốc tế. Sinh viên tham gia cuộc thi sẽ được trải nghiệm cả hai vai trò là hòa giải viên và luật sư tranh tụng trong một phiên hòa giải giả định về một vụ việc giả định. Cuộc thi mang tính chuyên môn khá cao, quy tụ nhiều đội tuyển mạnh với các thí sinh tài năng đến từ nhiều quốc gia và ban giám khảo là các chuyên gia hàng đầu quốc tế về giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hòa giải thương mại quốc tế.36 Ngoài mô hình giả định trên, thì mô hình thẩm vấn chéo cũng đang dần phát triển và rất được quan tâm. Nổi bật của loại hình giả định này là Cross-examination Moot, một dự án được tổ chức bởi một nhóm các nhà thực hành và học giả với mục đích đóng góp vào việc giáo dục thế hệ luật sư trọng tài tiếp theo. Đây là một cuộc thi dành cho các đội thi đến từ các trường đại học với đặc điểm là kiểm tra chéo trong trọng tài quốc tế. Sinh viên sẽ tham dự nhiều vòng điều trần khác nhau, trong đó họ sẽ kiểm tra chéo các nhân chứng và chuyên gia của nhau.37 3. Các nguyên tắc cơ bản khi tranh tụng Một cuộc thi PTGĐ có thể không có phần viết bản tranh luận, nhưng phần thi tranh tụng là phần bắt buộc và chiếm phần lớn số điểm của các thí sinh. Đây là các tiêu chí để chấm điểm trong cuộc thi FDI Moot38 mà có thể đúng với phần lớn các cuộc thi. Các yếu tố để chấm điểm là hiểu biết luật, khả năng trả lời câu hỏi, áp dụng luật vào vấn đề, phong cách ứng xử và quản lý thời gian. Vậy nên, nhóm tác giả sẽ trình bày bốn nguyên tắc để các thí sinh có thể nâng cao số điểm và có được những trải nghiệm tranh tụng tốt nhất có thể. 3.1. Trình bày ngắn gọn, rõ ràng và đúng trọng tâm Kiến thức và việc áp dụng luật chiếm phần lớn số điểm và là yếu tố quan trọng mà các giám khảo đánh giá khi chấm điểm nên cần phải thật chú ý các yếu tố sau: Đầu tiên, đừng cố gắng thể hiện bản thân biết nhiều thuật ngữ khó và ít dùng tới. Ngoài ra, cũng nên tránh sử dụng những từ ngữ hoa mỹ như văn viết, hãy truyền 36 “Thông tin về cuộc thi hòa giải thương mại quốc tế Singapore 2021 (IMSG 2021)”, http://pltmqt.hlu.edu.vn/SubNews/Details/21370, truy cập ngày 25/10/2021 37 “Cross Examination Moot | Are you up for the challenge?”, https://www.crossmoot.com/, truy cập ngày 25/10/2021 38 “FDI Moot Score WorkSheet”, https://www.fdimoot.org › ScoreWorkSheet, truy cập ngày 25/10/2021 83
  6. đạt một cách rõ ràng, ngắn gọn và dễ hiểu. Điều này sẽ khiến giám khảo dễ dàng theo dõi phần tranh tụng, đồng thời giúp các thí sinh đảm bảo tương tác với giám khảo tốt hơn. Thứ hai, hãy tập trung vào những luận điểm quan trọng nhất trong phần biện hộ. Thông thường, thời gian tranh tụng vào khoảng 20 - 40 phút cho một thí sinh.39 Vậy nên, chúng ta cần phải linh hoạt trong việc lựa chọn, đưa ra những luận điểm quan trọng nhất cho phần trình bày. Như vậy, sẽ không xảy ra trường hợp không kịp trình bày những luận điểm mạnh khác vì hết thời gian. Thứ ba, nên lựa chọn một luận điểm lớn mà bản thân sẽ đi theo và lập luận xoay quanh giả thuyết này. Ví dụ: Trong trường hợp Lực lượng vũ trang Hoa Kỳ sử dụng máy bay không người lái để tấn công các cá nhân ở một quốc gia mà Hoa Kỳ không có chiến tranh, luật sư cho chính phủ có thể nêu trường hợp này theo cách sau: "Đây là một trường hợp về giới hạn của chủ quyền lãnh thổ khi đối mặt với chủ nghĩa khủng bố toàn cầu".40 Case theory (giả thuyết) sẽ khiến cho phần trình bày của thí sinh đúng với trọng tâm và đồng thời giúp cho người nghe chỉ lập luận xoay quanh giả thiết mà bạn đang đặt ra. Thứ tư, hãy áp dụng roadmap (dàn ý) hoặc signpost (chuyển ý) để bài viết trở nên ngắn gọn, mạch lạc và đúng trọng tâm hơn. Ví dụ cho một phần trình bày roadmap đúng trọng tâm và mạch lạc: Thay mặt cho Bị đơn, tôi sẽ giải quyết việc sai phạm trong việc hủy hợp đồng, và đồng nghiệp tư vấn của tôi sẽ giải quyết quyền được bồi thường thiệt hại. Nội dung đệ trình của Nguyên đơn về việc tránh oan sai được làm thành ba phần. Đầu tiên, Bị đơn không có vi phạm cơ bản nào cho phép tránh được. Thứ hai, ngay cả khi vi phạm là cơ bản, Bị đơn đã thực hiện một cách hợp lệ quyền được sửa chữa của mình, do đó ngăn ngừa việc tránh né. Thứ ba, trong mọi trường hợp Bị đơn không đưa ra thông báo bắt buộc. Các luận điểm trên là dự phòng. Tòa án chỉ cần chấp nhận một trong những đệ trình này để phát hiện ra rằng Bị đơn đã hủy bỏ hợp đồng một cách sai trái.41 39 “FDI Moot instruction”, https://fdimoot.org › Instructions, truy cập ngày 25/10/2021 40 “Tips on Oral Advocacy”, https://law.duke.edu/life/mootcourt/tips/, truy cập ngày 25/10/2021 41 Christopher Kee, “The Art of Argument: A Guide to Mooting”, (06/2012), tr. 56 84
  7. Ở đây, roadmap chính là dàn ý đưa ra những lập luận mà bản thân sẽ sử dụng. Từ đó, các giám khảo hoặc thẩm phán dễ nắm bắt được những luận điểm mà các đội thi sẽ trình bày. Ngoài ra, khi kết hợp với signpost - từ chuyển ý như “đầu tiên”, “thứ hai”,... không những giúp bạn nắm rõ tiến độ của bài trình bày, mà còn khiến cho giám khảo tập trung vào những gì mà bạn muốn chứng minh. Việc sử dụng signpost giúp thể hiện được sự hợp lý và mạch lạc trong phần tranh tụng. Sau đó, hướng trọng tâm của giám khảo chuyển từ lập luận tổng thể sang lập luận chi tiết. Như vậy, giám khảo có thể quyết định phần lập luận có thuyết phục hay không mà không đặt ra những câu hỏi ngoài các vấn đề đã đề cập. 4.2. Duy trì thái độ tích cực trong suốt quá trình tranh tụng Trong quá trình tranh tụng, thái độ cũng là một nhân tố thiết yếu mà các giám khảo quan tâm khi chấm điểm. Thái độ của bạn thể hiện qua việc bạn có “giao tiếp” với giám khảo hay bạn chỉ đang “thuyết giảng” phần trình bày. Và cách ứng xử trước một phiên tòa để giám khảo có được những thiện cảm nhất định. Đầu tiên, hãy “giao tiếp” và tránh việc “thuyết giảng”. Bởi lẽ, khi quá phụ thuộc vào kịch bản đã viết sẵn, phần tranh tụng sẽ thiếu đi sức hấp dẫn, kết nối. Dẫn đến thí sinh không thể hiện được sự linh hoạt và sẽ ảnh hưởng đến điểm số. Do đó, không nên sử dụng một kịch bản cố định khi tranh tụng cũng như tránh việc học thuộc lòng kịch bản. Sẽ có trường hợp nếu giám khảo muốn nghe luận điểm tiếp theo, có thể do giám khảo đã hài lòng với luận điểm hiện tại, hoặc cảm thấy luận điểm hiện tại không thuyết phục và muốn các thí sinh đi vào các luận điểm khác. Vì vậy, nên nắm vững các luận điểm chính và linh hoạt trong cách sử dụng kịch bản. Thứ hai, hãy giữ cho bản thân một tâm lý vững chắc. Thực tế, cả những luật sư kỳ cựu hay những nhà thực hành luật lâu năm vẫn hồi hộp, căng thẳng trước khi tranh tụng. Hãy lấy sự hồi hộp làm động lực trình bày. Đôi khi tâm lý căng thẳng có thể mang lại thêm nhiều năng lượng hơn cho phần trình bày. Nên đừng quá căng thẳng, ai cũng sẽ trải nghiệm cảm giác hồi hộp ít nhất một lần và sau phần trình bày thì sự tự tin và khả năng tranh tụng của bạn sẽ tăng lên đáng kể. Thứ ba, hãy giữ cho nhịp độ giọng nói được chậm rãi. Có hai lợi ích khi lưu ý về tốc độ nói. Đầu tiên, với nhịp độ ổn định, chậm rãi sẽ tạo cảm giác chắc chắn cho người nghe. Thứ hai, các giám khảo đôi khi phải ghi chú lại các luận điểm hoặc tìm 85
  8. đến trích dẫn trong đề nên việc nói chậm rãi giúp giám khảo dễ theo kịp nhịp độ của phần tranh tụng hơn. Hãy luyện tập để giảm sự nôn nóng khi trình bày đầy đủ các luận điểm do áp lực thời gian. Âm điệu cũng là một yếu tố quan trọng. Đừng nên giữ một âm giọng xuyên suốt phần tranh tụng, hãy thay đổi cao độ và nhấn giọng khi phù hợp. Đầu tiên, phần trình bày mượt mà và cuốn hút người nghe. Thứ hai, nhấn mạnh có thể làm nổi bật rằng bạn đang đưa ra một lập luận đặc biệt quan trọng (“Tôi có ba luận điểm cần chứng minh”). Cuối cùng, tone giọng vang và rõ ràng là 1 lợi thế mà bạn nên tận dụng và luyện tập thường xuyên để đạt hiệu quả tối đa. Thứ tư, giao tiếp bằng ánh mắt là một vũ khí quan trọng. Hãy nhìn vào mắt giám khảo và trình bày luận điểm, bạn sẽ có được nhiều lợi ích quan trọng. Đầu tiên, bạn thể hiện bạn là một người tự tin, không phụ thuộc vào kịch bản đã viết sẵn, điều đó sẽ thu hút được sự chú ý của giám khảo. Thứ hai, bạn có thể quan sát và đợi giám khảo viết xong luận điểm mà bản thân vừa nêu trước khi bắt đầu điểm tiếp theo. Thứ ba, khi nhận thấy giám khảo đang ghi chép các luận điểm của phần trình bày vừa rồi, hãy ghi nhớ vì đó là ý đã gây ấn tượng với giám khảo và vòng tiếp theo hãy tập trung bổ sung làm mạnh hơn luận điểm vừa rồi.42 Đây chính là hai lợi thế chính và thiết thực khi bạn giữ sự kết nối với giám khảo. 3.3. Thể hiện phong thái chuyên nghiệp Phong thái hay còn gọi là hình thức bên ngoài, cũng là một thang điểm riêng biệt để đánh giá về cách ứng xử và trình diện bản thân. Vậy nên, ngoài việc chú tâm vào kiến thức, hãy dành thời gian cho việc ăn mặc cũng như ứng xử phù hợp để thể hiện một phong thái chuyên nghiệp trong phiên tòa. Hãy mặc một bộ suit thật trịnh trọng. Mặc dù ở một số nơi trên thế giới, chúng ta bắt đầu thấy sự thoải mái trong quy tắc ăn mặc, nhưng vẫn có một giả định gần như phổ biến rằng các thí sinh sẽ mặc vest. Ăn mặc thể hiện sự tôn trọng với người đối diện và thể hiện sự chuyên nghiệp và nghiêm túc đối với phần tranh tụng. Khi tranh tụng, bạn cũng nên hạn chế các cử chỉ thiếu chuyên nghiệp như lơ đãng, thiếu tập trung. Hãy giữ cho bản thân luôn trong tư thế ngồi thẳng lưng để thể hiện bản thân nghiêm túc và đang lắng nghe phần tranh biện cũng như ý kiến của 42 Eric Baskind, “Mooting - The Definitive Guide-Routledge”, (2017), tr.159 86
  9. giám khảo. Đồng thời, hãy lưu ý cách xưng hô đối với các giám khảo. Nên gọi bằng các danh xưng trịnh trọng như: “Thưa quý tòa”, “quý ngài”, “Thưa thẩm phán”, ... 3.4. Học cách thích nghi qua từng vòng thi Trong phần tranh tụng, khi không trả lời được câu hỏi của trọng tài, hãy dành thời gian ổn định lại bản thân. Thực tế, hãy tự tin là bản thân biết rõ vấn đề này hơn giám khảo vì đã nghiên cứu chuyên sâu vấn đề trong một khoảng thời gian dài. Tránh nói “Tôi sẽ trả lời câu hỏi này sau” nếu không thực sự trả lời được câu hỏi của giám khảo và không có ý định trả lời. Tránh né không bao giờ là lựa chọn tốt và sẽ dẫn đến điểm trừ lớn cho phần trình bày. Hãy đưa ra một lập luận mà bạn cho là hợp lý và nếu thực sự không trả lời được thì bạn hãy thành thực trả lời “Tôi e là tôi không thể trả lời câu hỏi này thưa trọng tài” và tiếp tục với phần tranh tụng. Hãy lắng nghe luận điểm của bên đối lập. Càng vào vòng trong, sẽ càng có nhiều luận điểm mới mạnh hơn những luận điểm cũ. Hãy linh hoạt thích ứng và nếu có thể thì sửa lập luận hiện tại để tiến vào vòng trong với những lập luận thuyết phục hơn. Nếu không thể vừa tập trung vào phần trình bày vừa ghi chú lại, hãy nhờ bạn phụ trách nghiên cứu trong đội ghi hình lại buổi tranh luận. Đây là một cách tốt để nghiên cứu phần tranh tụng của đối thủ và nghiên cứu sự quan tâm của trọng tài trong bài tranh tung. 4. Kết luận Với những phân tích ở trên, có thể thấy rằng việc chuẩn bị kỹ càng các kỹ năng trước khi bước vào một cuộc thi PTGĐ là rất quan trọng. Cụ thể, cần chú trọng đến các nguyên tắc cơ bản khi tranh tụng tại PTGĐ của mỗi thí sinh, mà rộng hơn là những sinh viên luật, bên cạnh việc chuẩn bị các kiến thức luật thực định. Các sinh viên cần được tạo cơ hội đề học các nguyên tắc cơ bản cần thiết ngay từ khi ở bậc đại học để tránh được bước “hãng” khi tham gia các đấu trường quốc tế. Chúng tôi cho rằng các nguyên tắc khi tranh tụng tại PTGĐ đóng vai trò quan trọng để thực hiện mục tiêu này, góp phần cải thiện chất lượng đội tuyển Việt Nam. Học tập từ mô hình của các quốc gia khác, nguyên tắc tranh tụng cụ thể để áp dụng PTGĐ vào giảng dạy kỹ năng cần được biến đổi tùy thích với hoàn cảnh thực tế và đặc tính sinh viên của Việt Nam. Các nguyên tắc cơ bản khi tranh tụng với những nội dung cơ bản cụ thể, ngắn gọn, đơn giản, hợp lý; rõ ràng, đúng trọng tâm 87
  10. có thể giúp các thí sinh hoàn thiện kỹ năng giao tiếp và hành xử chuyên nghiệp để có thể tự tin tiếp cận những phiên điều trần và thực hiện tranh tụng một cách hiệu quả. Đây có thể là một mô hình phù hợp với các trường luật Việt Nam và vì vậy rất cần được nghiên cứu học hỏi đề triển khai tại các cơ sở đào tạo luật của nước ta. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Mỹ Hạnh, “FDI Moot 2020 'gọi tên' Đại học Luật Hà Nội và Học viện Ngoại giao”, [https://baoquocte.vn/fdi-moot-2020-goi-ten-dai-hoc-luat-ha-noi-va-hoc- vien-ngoai-giao- 120105.html?fbclid=IwAR15JbGIWk68p4eCkk9UQBIr4kCKkQBq0l071tYAmqax QgnPrWVM96e07q4] (truy cập ngày 25/10/2021) 2.Trần H. D. Minh, “Phương pháp IRAC”, [https://iuscogen.wordpress.com/2017/09/30/37/] (truy cập ngày 25/10/2021) 3.“Moot Court là gì?”, [https://lracuel.org/2017/07/14/moot-court-la-gi/] (truy cập ngày 25/10/2021) 4.“MOOT COURT - Một trong những cuộc thi danh giá dành cho sinh viên Luật”, [https://lawnet.thukyluat.vn/posts/t6109-moot-court-mot-trong-nhung-cuoc- thi-danh-gia-danh-cho-sinh-vien-luat], truy cập ngày 25/10/2021 5. “Thông tin về cuộc thi hòa giải thương mại quốc tế Singapore 2021 (IMSG 2021)”, [http://pltmqt.hlu.edu.vn/SubNews/Details/21370] (truy cập ngày 25/10/2021) 6. Christopher Kee, “The Art of Argument: A Guide to Mooting”, (06/2012), tr. 56 7.Eric Baskind, “Mooting - The Definitive Guide-Routledge”, (2017), tr.159 8. “Cross Examination Moot | Are you up for the challenge?”, [https://www.crossmoot.com/] (truy cập 25/10/2021) 9. “FDI Moot Score WorkSheet”, [https://www.fdimoot.org › ScoreWorkSheet] (truy cập ngày 25/10/2021) 10. “FDI Moot Instruction”, [https://fdimoot.org › Instructions] (truy cập ngày 25/10/2021) 11. “Tips on Oral Advocacy”, [https://law.duke.edu/life/mootcourt/tips/] (truy cập 25/10/2021) 88
nguon tai.lieu . vn