Xem mẫu

  1. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO, SÁT HẠCH, CẤP GIẤY PHÉP LÁI XE CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ Nguyễn Tuấn Anh Trường Đại học Giao thông Vận tải, Số 3 Cầu Giấy, Hà Nội Email: nguyentuananh@utc.edu.vn, Tel: 0984023818 Tóm tắt. Kết quả thống kê tai nạn giao thông đường bộ ở nước ta trong nhiều năm gần đây cho thấy nguyên nhân của hầu hết các vụ tai nạn giao thông là do người điều khiển phương tiện thiếu hiểu biết, kỹ năng, kinh nghiệm và ý thức chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông. Vì vậy chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hạn chế tai nạn giao thông và vi phạm pháp luật giao thông đường bộ. Trên cơ sở đánh giá thực trạng và phân tích những tồn tại trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trên toàn quốc trong thời gian qua, bài báo đề xuất một số giải pháp, kiến nghị trong công tác quản lý, giám sát và sử dụng cán bộ giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong thời gian tới. Từ khóa: chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, tai nạn giao thông, trật tự an toàn giao thông, pháp luật giao thông. I. ĐẶT VẤN ĐỀ Giao thông vận tải đường bộ đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội nhưng lại có tác động tiêu cực đối với môi trường và an toàn giao thông (ATGT). Theo báo cáo hiện trạng ATGT đường bộ năm 2015 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) [1], mỗi năm trên toàn thế giới có ít nhất 1,25 triệu người tử vong và khoảng 50 triệu người bị thương tật vì tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ, nghĩa là hơn 3.400 người chết và gần 137.000 người thương tật mỗi ngày. Ở Việt Nam, năm 2019 toàn quốc xảy ra 17.394 vụ TNGT đường bộ, làm chết 7.458 người, bị thương 13.569 người. Mặc dù các tiêu chí về số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương đều đã giảm trên 5% so với năm 2018 [2], nhưng đây vẫn là những con số báo động về tình hình trật tự, an toàn giao thông ở nước ta. Nhiều nghiên cứu thống kê trên thế giới đã chỉ ra rằng trên 90% nguyên nhân của các vụ TNGT là do con người, mà chủ yếu là người điều khiển phương tiện. Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia năm 2019 [2], nguyên nhân dẫn đến TNGT đường bộ: 20,51% do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường; 5,52% do vi phạm tốc độ xe chạy; 9,45% do chuyển hướng không chú ý quan sát; 1,91% do -343-
  2. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải không nhường đường; 6,33% do tránh, vượt xe sai quy định; 0,04% do sử dụng ma túy; 1,46% do sử dụng rượu bia; 2,94% do người đi bộ; 3,05% do thiếu chú ý quan sát; còn lại là do các nguyên nhân khác như vi phạm biển báo hiệu đường bộ, dừng đỗ sai quy định, không có giấy phép lái xe (GPLX), phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, công trình giao thông hư hỏng,... Năm 2019 lực lượng Cảnh sát giao thông đã lập biên bản xử lý 3.977.555 trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường bộ, tước GPLX 342.032 trường hợp, tạm giữ 651.885 phương tiện. Kết quả phân tích của Ủy ban ATGT Quốc gia cho thấy công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc rèn luyện kỹ năng, kinh nghiệm, hiểu biết, thái độ và ý thức của người điều khiển phương tiện trong quá trình tham gia giao thông. Vì vậy nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX sẽ góp phần đáng kể trong việc hạn chế TNGT và vi phạm pháp luật giao thông đường bộ. II. CÔNG TÁC ĐÀO TẠO, SÁT HẠCH, CẤP GIẤY PHÉP LÁI XE CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ TRONG THỜI GIAN QUA 2.1. Những kết quả đạt được Sau 25 năm chuyển giao từ Bộ Công an sang Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), công tác quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX đã có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 1995, Bộ GTVT tiếp nhận quản lý 127 cơ sở đào tạo lái xe ô tô với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị nghèo nàn lạc hậu, đội ngũ giáo viên mỏng, được duy trì chủ yếu từ nguồn ngân sách hạn chế. Nhiều cơ sở đào tạo thiếu sự quản lý chặt chẽ của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp, buông lỏng giám sát quá trình dạy và học, dẫn đến chất lượng đào tạo không đảm bảo. Quá trình sát hạch được thực hiện bằng phương pháp thủ công, sát hạch lý thuyết được thực hiện bằng trắc nghiệm trên giấy với bộ đề 150 câu hỏi được soạn sẵn, sát hạch thực hành lái xe phải thực hiện trên sân tập lái của cơ sở đào tạo, sát hạch viên quan sát trực tiếp và chấm điểm cho thí sinh. Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tính đến hết năm 2019 toàn quốc có 191 cơ sở đào tạo lái xe (ĐTLX) được đầu tư, khai thác theo hình thức xã hội hóa (trong đó có 63 cơ sở ĐTLX ô tô), 20 trung tâm sát hạch lái xe (TTSHLX) loại 1 (thực hiện sát hạch để cấp GPLX các hạng A1, A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E và các hạng F: FB2, FC, FD, FE) và 113 TTSHLX loại 2 (thực hiện sát hạch để cấp GPLX các hạng A1, A2, A3, A4, B1, B2 và hạng C). Trong những năm qua, công tác quản lý và tổ chức đào tạo, sát hạch, cấp GPLX liên tục được đổi mới và hoàn thiện. Hệ thống phòng học chuyên môn đã được quy định cụ thể về số lượng, diện tích, trang thiết bị và mô hình học cụ [3]. Số lượng, kiểu loại, tiêu chuẩn, chất lượng và hình thức của xe tập lái cũng được nâng cao. Hiện nay, cả nước có hơn 15.400 xe tập lái các hạng, phần lớn là xe ô tô thế hệ mới. Sân tập lái được tăng thêm diện tích với các yêu cầu kỹ thuật cụ thể về mặt sân bê tông nhựa hoặc bê tông xi măng và có đủ các tình huống tương tự như sân sát hạch. Qua nhiều lần biên soạn (bộ 300 câu hỏi năm 2005, 405 câu hỏi năm 2009, 450 câu hỏi năm 2012, và 600 câu hỏi từ ngày 1/8/2020), giáo trình đào tạo đã được cải tiến, cập nhật kiến thức mới về hệ thống văn bản quản lý pháp luật, phương tiện, hệ thống báo hiệu đường bộ, đặc biệt -344-
  3. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải là đạo đức người lái xe, văn hóa giao thông và các kỹ năng xử lý tình huống trong thực tế, tiếp cận với quy chuẩn chung của thế giới. Quá trình sát hạch từ lý thuyết đến thực hành lái xe trong hình và trên đường đã chuyển tử phương pháp chấm điểm thủ công sang tự động hóa, chấm điểm tự động. Toàn bộ quá trình sát hạch được theo dõi, giám sát trực tuyến bằng camera, đảm bảo công khai, minh bạch [4, 5]. Nhờ đó đã hạn chế được đáng kể các hiện tượng tiêu cực, chất lượng sát hạch nâng lên rõ rệt. Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, Bộ GTVT đã nghiên cứu triển khai bổ sung nội dung sát hạch “Xử lý các tình huống giao thông trên phần mềm mô phỏng”; triển khai “Đề án nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về chất lượng đào tạo, sát hạch và quản lý Giấy phép lái xe đảm bảo an toàn giao thông”; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác đào tạo lái xe. Nhằm nắm bắt tình hình thực tế và đưa ra các giải pháp hiệu quả để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam xác minh, tổng hợp thông tin của lái xe liên quan đến các vụ TNGT gây hậu quả nghiêm trọng. Hình 1. Trung tâm sát hạch lái xe được quy định cụ thể về diện tích, cơ sở vật chất và trang thiết bị đáp ứng theo dõi, giám sát trực tuyến và chấm điểm tự động quá trình sát hạch (Ảnh minh họa). Để tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, khắc phục những nhược điểm, tiêu cực trong công tác đào tạo, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT ngày 8/10/2019 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/4/2017 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ, trong đó: yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý đào tạo để nhận dạng và đảm bảo theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái xe ô tô; yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe trang bị và duy trì ca bin học lái xe ô tô, thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường, bổ sung nội dung học lái xe ô tô bằng phần mềm mô phỏng các tình -345-
  4. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải huống giao thông. Ngoài ra, tại dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã trình Chính phủ, Bộ GTVT đã tham mưu cho Chính phủ bổ sung 21 hành vi, nhóm hành vi (trên cơ sở mô tả cụ thể hành vi vi phạm về điều kiện kinh doanh của các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe) để xử lý cho phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông xây dựng và hoàn thiện giai đoạn 1 việc “Chia sẻ, kết nối dữ liệu quản lý GPLX, dữ liệu quản lý vi phạm của người lái xe giữa Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Cục Cảnh sát giao thông”. Từ ngày 1/6/2020, GPLX cấp mới có mã hai chiều (QR) để đọc, giải mã nhanh thông tin liên kết với hệ thống thông tin quản lý, bao gồm cả mã số của cơ sở ĐTLX. Như vậy, cơ quan quản lý nhà nước có thể dễ dàng thống kê được số lượng và loại lỗi vi phạm của cựu học viên theo từng cơ sở ĐTLX. Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, năm 2019 toàn quốc có 400.414 xe ô tô, 3.572.785 xe mô tô và 174.668 xe máy điện đăng ký mới, nâng tổng số phương tiện đã đăng ký tại cơ quan công an tính đến ngày 14/12/2019 là 4.310.215 xe ô tô và 61.728.249 xe mô tô. Cũng trong năm 2019, toàn quốc đã cấp 842.658 GPLX ô tô và 1.187.309 GPLX mô tô. Tính đến ngày 30/11/2019, trên toàn quốc có tổng số 8.221.586 GPLX ô tô và 45.845.031 GPLX mô tô. So với năm 1995, mặc dù số lượng phương tiện cơ giới đường bộ tăng gần 17 lần (từ hơn 3,9 triệu phương tiện năm 1995 lên hơn 66 triệu phương tiện năm 2019), dân số tăng trưởng hơn 33,6% (từ gần 72 triệu người năm 1995 lên hơn 96,2 triệu người năm 2019), nhưng tỷ lệ người chết do TNGT/100.000 GPLX giảm hơn 44 lần (661 người/100.000 GPLX năm 1995 giảm còn dưới 15 người/100.000 GPLX năm 2019), tỷ lệ người chết do TNGT/10.000 phương tiện giảm hơn 12 lần (13,9 người/10.000 phương tiện năm 1995 giảm còn 1,29 người/10.000 phương tiện năm 2019). So với năm 2018, tai nạn giao thông năm 2019 giảm trên cả 3 tiêu chí: giảm 936 vụ tai nạn (5,11%), giảm 595 người chết (7,39%), giảm 927 người bị thương (6,39%). Số liệu trên cho thấy những chuyển biến rõ rệt trong công tác đảm bảo trật tự, ATGT ở nước ta trong thời gian qua, thể hiện sự quan tâm kịp thời, chỉ đạo sát sao và quyết liệt của Chính phủ [6], Ban chấp hành Trung ương [7, 8], Bộ Công an [9], Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) [4, 5], và sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và các đơn vị liên quan. Tuy nhiên, nhìn lại nguyên nhân dẫn đến TNGT và số trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường bộ trong những năm gần đây không tránh khỏi những lo ngại về chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX hiện nay, dẫn đến một số lượng không nhỏ người điều khiển phương tiện thiếu kỹ năng, hiểu biết, kinh nghiệm và ý thức chấp hành pháp luật tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT. 2.2. Một số tồn tại trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX • Thiếu giám sát chất lượng đầu vào Chủ trương xã hội hóa trong công tác đào tạo lái xe (ĐTLX) đã mang đến nhiều thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, do cạnh tranh thị trường nên nhiều văn phòng -346-
  5. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải tuyển sinh của các cơ sở ĐTLX không nghiêm túc thực hiện quy định pháp luật, đơn giản hóa quá trình nộp hồ sơ để thu hút đầu vào. Mặc dù Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT của Bộ GTVT quy định rõ hồ sơ của người học lái xe lần đầu và người học lái xe nâng hạng đều phải nộp trực tiếp tại cơ sở ĐTLX, nhưng trên thực tế người đăng ký học lái xe chỉ cần gửi ảnh chụp chứng minh thư, căn cước công dân hoặc hộ chiếu cho các văn phòng tuyển sinh, giấy khám sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp và ngay cả bằng tốt nghiệp trung học cơ sở cũng được các văn phòng tuyển sinh “hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ” nếu có nhu cầu. Điều này dẫn đến có những học viên không đảm bảo điều kiện sức khỏe (người nghiện ma túy, tiền sử tâm thần, bệnh lý thị lực), không đủ trình độ văn hóa (mù chữ), không đủ tư cách công dân (đang bị truy nã, đang thi hành án) vẫn được đào tạo, sát hạch, cấp/đổi GPLX. • Không đảm bảo chất lượng đầu ra Thực tế cho thấy nhiều người sau khi đã được cấp GPLX vẫn không đủ tự tin một mình ngồi sau tay lái. Nguyên nhân là do công tác quản lý học viên và tổ chức đào tạo ở một số cơ sở ĐTLX chưa chặt chẽ, mang tính hình thức, nội dung lý thuyết, thực hành bị cắt xén, không đủ thời gian quy định. Có cơ sở ĐTLX “giao khoán” cho các giáo viên (cơ hữu và thỉnh giảng) tự tuyển sinh và đào tạo (cả lý thuyết lẫn thực hành), từ khi nhận hồ sơ đến lúc thi sát hạch và được cấp GPLX. Về lý thuyết, pháp luật giao thông đường bộ chủ yếu được dạy theo hình thức “học mẹo” dựa trên bộ tài liệu 600 câu hỏi, học viên không hiểu được bản chất của đáp án nên không có khả năng liên hệ với các tình huống giao thông đa dạng trong thực tế. Về thực hành, phần lớn thời gian học viên được luyện tập các kỹ năng thực hiện bài thi trong hình liên quan đến nội dung sát hạch, thời gian trải nghiệm trên đường không đủ để học viên thành thạo kỹ năng và hình thành kinh nghiệm lái xe thực tế. Bên cạnh đó, không ít cơ sở ĐTLX vẫn còn hiện tượng “bao lý thuyết”, “bao thực hành”, dẫn đến việc tuy có GPLX nhưng người điều khiển phương tiện thiếu hiểu biết về pháp luật giao thông đường bộ, không đủ kỹ năng và kinh nghiệm lái xe. • Trình độ chuyên môn của đội ngũ giáo viên Theo kết quả xác minh 70 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam năm 2019: số năm hành nghề trung bình của lái xe bị tai nạn là 9,5 năm, độ tuổi trung bình của lái xe 38,1 tuổi, trong đó có 14 trường hợp GPLX hạng B1, B2, 19 trường hợp GPLX hạng C, 5 trường hợp GPLX hạng D và 51 trường hợp GPLX hạng E, FC [2]. Điều này cho thấy một thực tế đáng báo động về ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ của những người lái xe lâu năm và cả những người hành nghề lái xe chuyên nghiệp, trong đó không chỉ có trách nhiệm quản lý của các đơn vị kinh doanh vận tải mà có cả trách nhiệm của các cơ sở ĐTLX trong việc giáo dục đạo đức người lái xe và văn hóa giao thông. Nghị định số 138/2018/NĐ-CP của Chính phủ [10] quy định: giáo viên dạy lý thuyết phải có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên, giáo viên dạy thực hành phải có giấy -347-
  6. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe, và tất cả giáo viên đều phải đáp ứng tiêu chuẩn đối với nhà giáo dạy trình độ sơ cấp theo quy định về giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều giáo viên dạy lý thuyết ở các cơ sở ĐTLX hiện nay không đáp ứng được yêu cầu về trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm. Phần lớn giáo viên đạt yêu cầu dạy lý thuyết đều là cộng tác viên hoặc giáo viên thỉnh giảng để hợp thức hóa điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo, thực chất không tham gia giảng dạy. Do không đòi hỏi về trình độ văn hóa nên giáo viên dạy thực hành tuy có nhiều thời gian tiếp xúc với học viên hơn nhưng lại không có đủ năng lực và phẩm chất để giáo dục đạo đức và văn hóa cho người học lái xe. Hậu quả dẫn đến một nghịch lý: những người có trình độ văn hóa thấp học lái xe để tìm việc làm, hay coi lái xe là nghề chuyên nghiệp, lại rất thiếu kiến thức về đạo đức người lái xe và văn hóa giao thông. III. GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ Trước thực trạng nêu trên, Bộ GTVT chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Sở GTVT chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai đợt tổng kiểm tra đột xuất các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ để phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Chính phủ và Bộ GTVT cũng đã kịp thời ban hành Nghị định số 138/2018/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe) và Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT (sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ) nhằm tăng cường quản lý công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX trên toàn quốc. Bên cạnh việc nghiêm túc triển khai và giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện nội dung của các nghị định, thông tư nêu trên, để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX trong thời gian tới, xin đề xuất một số giải pháp, kiến nghị như sau: Một là, cần hoàn thiện cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các trung tâm đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, đảm bảo các kết quả thanh tra đúng với tình hình thực tế. Do đặc thù của công tác đào tạo lái xe là giáo dục nghề nghiệp nên hiện nay đang chịu sự quản lý của nhiều ngành, nhiều cấp. Điều này dễ dẫn đến tình trạng nể nang, bao che và tiêu cực trong công tác thanh tra. Nên cân nhắc kỹ việc chuyển quyền quản lý công tác sát hạch, cấp, đổi và thu hồi GPLX từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an để tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Hai là, cần hoàn thiện phần mềm chia sẻ, kết nối cơ sở dữ liệu quản lý GPLX và dữ liệu quản lý vi phạm trật tự ATGT của người lái xe, công khai kết quả thống kê hàng năm để các cơ sở đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và các cơ quan quản lý nhà nước nắm được chất lượng sản phẩm đào tạo, trên cơ sở đó có những giải pháp phù hợp trong quản lý đào tạo và tuyển sinh, gắn trách nhiệm của các cơ sở đào tạo lái xe với chất lượng sản phẩm đầu ra. Việc công khai số liệu thống kê lái xe vi phạm trật tự ATGT ở từng cơ sở đào tạo cũng giúp cho người học định hướng lựa chọn được cơ sở đào tạo lái xe uy tín, chất lượng. -348-
  7. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải Ba là, cần định kỳ kiểm tra, đánh giá năng lực và phẩm chất của đội ngũ giáo viên; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, cấp chứng chỉ ATGT cho giáo viên dạy lý thuyết và giáo viên dạy thực hành. Lái xe là công việc mang tính rủi ro cao, liên quan trực tiếp đến an toàn tính mạng của bản thân và cộng đồng, vì vậy ngoài dạy nghề, giáo viên dạy lái xe phải đảm bảo có đủ kiến thức, năng lực và phẩm chất để làm tấm gương kinh nghiệm, đạo đức, văn hóa, ứng xử cho các học viên trên mỗi cung đường. Bốn là, cần xem xét bổ sung chuyên ngành Kỹ thuật An toàn giao thông (được đào tạo đầu tiên và duy nhất tại Trường Đại học Giao thông Vận tải từ năm 2006 theo Quyết định số 1183/QĐ-BGD&ĐT ngày 14/3/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo), trong tiêu chuẩn giáo viên dạy lý thuyết ở Điều 8 của Nghị định số 138/2018/NĐ-CP của Chính phủ [8] để tăng cường năng lực đội ngũ giảng dạy ở các cơ sở ĐTLX và sử dụng hợp lý nguồn lao động chuyên môn sẵn có. Năm là, trong Điều 101 (Cấp, cấp lại, đổi và thu hồi giấy phép lái xe) của dự thảo lần 3 Luật Giao thông Đường bộ (Sửa đổi) [11], cần xem xét bổ sung Khoản 6: Không cấp lại GPLX cho người lái xe đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi GPLX ba lần. Quy định này sẽ hạn chế những đối tượng thường xuyên vi phạm pháp luật giao thông đường bộ và những đối tượng nhiều lần gây TNGT từ mức nghiêm trọng trở lên được phép điều khiển phương tiện tham gia giao thông, đảm bảo an toàn cho xã hội. IV. KẾT LUẬN Tai nạn giao thông là sự cố bất ngờ xảy ra ngoài ý muốn chủ quan của con người, tuy nhiên tình hình TNGT và vi phạm trật tự ATGT hoàn toàn có thể kéo giảm nếu mỗi người đều được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng lái xe, có ý thức chấp hành pháp luật và tuân thủ các quy tắc an toàn giao thông đường bộ. Không những thế, chất lượng sản phẩm của quá trình đào tạo, sát hạch, cấp GPLX còn đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành văn hóa giao thông của toàn xã hội. Vì vậy, công tác quản lý chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX luôn phải được chú trọng quan tâm hàng đầu. Có như vậy các quy định pháp luật về trật tự ATGT đường bộ mới được đảm bảo trên tinh thần tự giác, tự nguyện của mỗi người lái xe, góp phần tạo nên hình ảnh một đất nước Việt Nam an toàn, văn minh trong quá trình hội nhập quốc tế. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. World Health Organization, Global status report on road safety 2015, 2015. [2]. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Báo cáo: kết quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2019 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2020, 2019. [3]. Bộ Giao thông vận tải, Thông tư Số 79/2015/TT-BGTVT: Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ, 2015. [4]. Bộ Giao thông vận tải, Thông tư Số 38/2019/TT-BGTVT: Sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ -349-
  8. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, 2019. [5]. Bộ Giao thông vận tải, Thông tư Số 12/2017/TT-BGTVT: Quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, 2017. [6]. Chính phủ, Nghị quyết Số 12/NQ-CP: Tăng cường bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019-2021, 2019. [7]. Ban Chấp hành Trung ương, Chỉ thị số 18-CT/TW: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông, 2012. [8]. Ban Chấp hành Trung ương, Kết luận số 45-KL/TW: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư khoá XI về tăng cưòng sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông, 2019. [9]. Bộ Công an, Chỉ thị Số 01/CT-BCA: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của lực lượng Công an nhân dân trong tình hình mới, 2019. [10]. Chính phủ, Nghị định Số 138/2018/NĐ-CP: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe, 2018. [11]. Quốc hội, Luật số .../QH14: Luật Giao thông Đường bộ (Sửa đổi), Dự thảo lần 3 ngày 31/05/2020, 2020. -350-
nguon tai.lieu . vn