Xem mẫu

  1. PHÇN III C¸C YÕU Tè CñA C¥ CHÕ §IÒU CHØNH PH¸P LUËT 197
  2. 198
  3. MỘT SỐ ĐIỂM LƯU Ý KHI NGHIÊN CỨU PHẦN CÁC YẾU TỐ CỦA CƠ CHẾ ĐIỀU CHỈNH PHÁP LUẬT - Điều chỉnh pháp luật là dùng pháp luật tác động lên các quan hệ xã hội theo những định hướng nhất định nhằm đạt được những mục đích đề ra. Điều chỉnh pháp luật là một quá trình phức tạp, chịu sự chi phối của nhiều yếu tố khác nhau, như: Hệ thống pháp luật, quy phạm pháp luật, quan hệ pháp luật, thực hiện pháp luật, vi phạm pháp luật, trách nhiệm pháp lý, pháp chế... Do đó, khi nghiên cứu về mỗi yếu tố của cơ chế điều chỉnh pháp luật, không chỉ xem xét những nội dung riêng biệt của yếu tố đó mà còn cần đặt chúng trong mối quan hệ mật thiết với các yếu tố khác, có như vậy mới có thể hiểu đúng đắn, đầy đủ về những vấn đề được nghiên cứu. - Để có pháp luật, trước hết phải tiến hành xây dựng pháp luật, tức là tạo ra quy phạm pháp luật. Xây dựng pháp luật là một quá trình phức hợp bao gồm rất nhiều các hoạt động kế tiếp nhau, liên hệ chặt chẽ với nhau, do nhiều chủ thể có vị trí, vai trò, chức năng, quyền hạn khác nhau cùng tiến hành, nhằm chuyển hoá ý chí nhà nước thành những quy định pháp luật dựa trên những nguyên tắc nhất định và được thể hiện dưới những hình thức pháp lý nhất định. Quy phạm pháp luật là thành tố tạo nên pháp luật, do đó những đặc điểm của quy phạm pháp luật tạo nên đặc điểm của pháp luật. Quy phạm pháp luật được chứa đựng trong văn bản quy phạm pháp luật nên đặc điểm của quy phạm pháp luật cũng góp phần tạo nên đặc điểm của văn bản quy phạm pháp luật. - Điều chỉnh pháp luật, cơ chế điều chỉnh pháp luật, pháp luật, quy phạm pháp luật, quan hệ pháp luật, ý thức pháp luật... đều là những hiện tượng xã hội, nên luôn mang những thuộc tính xã hội vốn có. Mặt khác, tất cả những yếu tố và quy trình đó luôn có tính chất pháp lý đặc thù, nghĩa là chúng luôn gắn liền với nhà nước, phụ thuộc vào nhà nước và được nhà nước bảo đảm thực hiện. - Tất cả các yếu tố khác của cơ chế điều chỉnh pháp luật đều hình thành và được tiến hành trên cơ sở quy phạm pháp luật, nên khi nghiên cứu các vấn đề đó luôn phải gắn với quy phạm pháp luật, mà đã gắn với quy phạm pháp luật tức là gắn với nhà nước (phụ thuộc ý chí nhà nước, được nhà nước bảo vệ và bảo đảm thực hiện...). 199
  4. Chương 8 QUY PHẠM PHÁP LUẬT VÀ HỆ THỐNG PHÁP LUẬT I. QUY PHẠM PHÁP LUẬT 1. Khái niệm quy phạm pháp luật Tính cộng đồng của đời sống con người xuất hiện nhu cầu điều chỉnh các mối quan hệ giữa người với người, nhằm phối hợp, quy tụ hoạt động của những cá nhân riêng rẽ để tạo ra những hoạt động chung, thống nhất, nhằm đạt được những mục đích nhất định. Đây là hoạt động cần thiết, tất yếu của đời sống con người, đặc biệt là khi tính xã hội hoá các hoạt động của con người ngày càng phức tạp và được mở rộng về quy mô. Việc điều chỉnh hoạt động của các cá nhân riêng rẽ có thể được thực hiện dựa vào những mệnh lệnh cá biệt hoặc bằng cách mẫu hóa cách xử sự của con người, nghĩa là đưa ra những quy tắc xử sự làm mẫu để bất kỳ ai khi ở vào những hoàn cảnh, điều kiện đã được dự liệu cũng xử sự như vậy. Việc mẫu hóa cách xử sự của con người phải là kết quả nghiên cứu nhiều cách xử sự cá biệt, cụ thể khác nhau rồi khái quát hoá để tạo ra quy tắc (cách) xử sự mẫu sao cho phù hợp với đa số. Những quy tắc xử sự ấy được sử dụng nhiều lần trong đời sống xã hội và được gọi là quy phạm. Trong xã hội có nhiều loại quy phạm khác nhau cùng được sử dụng để điều chỉnh các quan hệ xã hội, như: Quy phạm đạo đức, quy phạm tôn giáo, tập quán, quy phạm của các tổ chức chính trị - xã hội, quy phạm pháp luật... Quy phạm pháp luật là một loại quy phạm xã hội, vì vậy nó vừa mang những thuộc tính chung của quy phạm xã hội vừa có những thuộc tính của riêng mình. - Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự của con người. Với tư cách là quy tắc xử sự, quy phạm pháp luật luôn là khuôn mẫu cho hành vi con người, nó chỉ dẫn cho mọi người cách xử sự trong những tình huống nhất định. Điều này cũng có nghĩa là quy phạm pháp luật đã chỉ ra cách xử sự 200
  5. của con người trong những hoàn cảnh, điều kiện nhất định; xác định những kết quả họ được hưởng khi thực hiện đúng hay hậu quả mà họ phải gánh chịu khi vi phạm chúng. - Quy phạm pháp luật là chuẩn mực để xác định giới hạn và đánh giá hành vi của con người. Không chỉ là khuôn mẫu hành vi, quy phạm pháp luật còn là chuẩn mực để xác định giới hạn và đánh giá từ phía nhà nước và từ phía các chủ thể khác về tính hợp pháp hay không hợp pháp đối với hành vi của các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật. Nghĩa là, thông qua quy phạm pháp luật, mới biết được hoạt động nào của các chủ thể có hoặc không có ý nghĩa pháp lý, hoạt động nào là hợp pháp hoặc trái pháp luật. - Quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện. Quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt ra, thừa nhận hoặc phê chuẩn, nên bản chất của chúng trùng với bản chất của pháp luật. Quy phạm pháp luật thể hiện ý chí nhà nước, chứa đựng những tư tưởng, quan điểm chính trị - pháp lý của nhà nước, của lực lượng cầm quyền trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội. Nhà nước thể hiện ý chí của mình trong quy phạm pháp luật bằng cách xác định những tổ chức, cá nhân nào trong những hoàn cảnh, điều kiện nào thì phải chịu sự tác động của quy phạm pháp luật, những quyền và nghĩa vụ pháp lý mà họ có và cả những biện pháp mà nhà nước sẽ tác động để chúng được thực hiện. Thuộc tính do cơ quan nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện thể hiện sự khác biệt cơ bản giữa quy phạm pháp luật với các loại quy phạm xã hội khác. - Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung. Quy phạm pháp luật được ban hành không phải cho một tổ chức hay cá nhân cụ thể mà cho tất cả các tổ chức và cá nhân tham gia quan hệ xã hội mà nó điều chỉnh. Như vậy, tính chất chung của quy phạm pháp luật thể hiện ở chỗ nó được đặt ra không phải chỉ để điều chỉnh một quan hệ xã hội cụ thể mà để điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội. Mặc dù trong từng quan hệ xã hội cụ thể luôn có những điểm riêng biệt, nhưng cũng có những điểm chung với những quan hệ cùng loại, do đó quy phạm pháp luật đã thống nhất tất cả chúng lại và thiết lập ra quy tắc xử sự có tính chất chung cho tất cả những chủ thể tham gia các quan hệ xã hội trong từng nhóm đó. Chẳng 201
  6. hạn, giữa những người mua và những người bán khác nhau có thể thiết lập nên rất nhiều những quan hệ mua bán cụ thể, với những đặc điểm riêng của từng mối quan hệ, song tất cả những quan hệ giữa người mua với người bán đều phải tuân theo các quy tắc có tính chất chung đã được quy định trong pháp luật dân sự. Do vậy, V.I. Lênin đã viết: “Bất cứ quyền nào cũng đều có nghĩa là áp dụng một tiêu chuẩn duy nhất cho những người khác nhau, cho những người thật ra thì không giống nhau và cũng không ngang nhau”(1). Tuy nhiên, tính chất chung của các quy phạm pháp luật khác nhau thì không giống nhau. Chẳng hạn, quy phạm pháp luật hiến pháp thì có liên quan đến mọi tổ chức và cá nhân trong đất nước, nhưng quy phạm pháp luật lao động thì chỉ liên quan đến những người quản lý, sử dụng lao động và những người lao động... Quy phạm pháp luật có thể tác động nhiều lần và trong thời gian tương đối dài cho đến khi bị mất hiệu lực; được sử dụng trong tất cả mọi trường hợp khi xuất hiện những tình huống đã được dự liệu trong quy phạm đó. - Quy phạm pháp luật là công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội. Quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự trong đó chỉ ra các quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên tham gia quan hệ xã hội mà nó điều chỉnh. Là công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội, quy phạm pháp luật thường chứa đựng những chỉ dẫn về khả năng và các phạm vi có thể xử sự, cũng như những nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ xã hội mà nó điều chỉnh, thông qua các nội dung thể hiện là cho phép, bắt buộc hoặc ngăn cấm các bên liên quan thực hiện những hành vi nhất định. Các quy phạm pháp luật có thể là những quy tắc xử sự của cá nhân, là những quy định về tổ chức và hoạt động của cơ quan nhà nước, về địa vị pháp lý của các đoàn thể, tổ chức xã hội và các chủ thể khác của pháp luật. Các quyền và nghĩa vụ được quy phạm pháp luật dự liệu cho các chủ thể tham gia quan hệ mà nó điều chỉnh luôn có sự liên hệ mật thiết với nhau. Hình thức, tính chất của sự liên hệ đó do nhà nước xác định, phụ thuộc vào tính chất của chính quan hệ xã hội đó. (1) V.I.Lênin, Toàn tập, Tập 33, Nxb. Tiến bộ, M. 1976, tr. 9. 202
  7. - Quy phạm pháp luật có tính hệ thống. Mỗi quy phạm pháp luật không tồn tại và tác động một cách biệt lập, riêng rẽ, mà luôn có sự liên hệ mật thiết và thống nhất với các quy phạm pháp luật khác, tạo nên những chỉnh thể (hệ thống) lớn nhỏ khác nhau, cùng điều chỉnh các quan hệ xã hội. Quy phạm pháp luật của các nhà nước đương đại chủ yếu là quy phạm pháp luật thành văn, được chứa đựng trong các văn bản quy phạm pháp luật. Số lượng của chúng ngày càng nhiều và phạm vi các đối tượng mà chúng tác động ngày càng rộng; trật tự ban hành, áp dụng và bảo vệ chúng ngày càng dân chủ, với sự tham gia của đông đảo các thành viên trong xã hội. Nội dung của quy phạm pháp luật ngày càng trở nên chính xác, chặt chẽ, rõ ràng, thống nhất và có tính khả thi cao. Phản ánh năng động sự phát triển của xã hội, các quy phạm pháp luật luôn có sự thay đổi cùng với sự thay đổi về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của đất nước ở mỗi thời kỳ phát triển, nghĩa là chúng có thể bị hủy bỏ, sửa đổi hoặc bổ sung trong quá trình hoạt động pháp luật của nhà nước. Tóm lại, quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung do nhà nước ban hành và bảo đảm thực hiện, để điều chỉnh quan hệ xã hội theo những định hướng và mục đích mong muốn. 2. Cấu trúc của quy phạm pháp luật Về cấu trúc của quy phạm pháp luật, trong khoa học pháp lý không có sự thống nhất về mặt lý luận. Hiện nay, còn tồn tại những quan điểm khác nhau về vấn đề này: Quy phạm pháp luật có ba bộ phận là giả định, quy định và chế tài; quy phạm pháp luật chỉ có hai bộ phận là giả định và quy định hoặc giả định và chế tài; quy phạm pháp luật chỉ có hai bộ phận là phần quy tắc và phần bảo đảm... Sở dĩ tồn tại nhiều quan điểm về cấu trúc của quy phạm pháp luật như vậy là vì có quá nhiều cách thức thể hiện các quy phạm pháp luật. Cũng như các quy phạm xã hội khác, quy phạm pháp luật chứa trong nó những nội dung mà dựa vào đó có thể giải đáp câu hỏi: Tổ chức, cá nhân nào, khi nào thì sẽ xử sự như thế nào. Từ đó cho thấy, quy phạm pháp luật có các bộ phận cấu thành là bộ phận giả định và bộ phận chỉ dẫn. 203
  8. a) Giả định Giả định là bộ phận của quy phạm pháp luật nêu những tình huống (hoàn cảnh, điều kiện) có thể xảy ra trong đời sống xã hội mà quy phạm pháp luật sẽ tác động đối với những chủ thể (tổ chức, cá nhân) nhất định. Nói cách khác, giả định là phần xác định phạm vi tác động của quy phạm pháp luật: Tác động đối với cá nhân hay tổ chức nào? trong những hoàn cảnh, điều kiện nào? Ví dụ, “Người nước ngoài đấu tranh vì tự do và độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, dân chủ và hoà bình hoặc vì sự nghiệp khoa học mà bị bức hại thì được Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam xem xét việc cho cư trú”. Bộ phận giả định của quy phạm này là: “Người nước ngoài đấu tranh vì tự do và độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội, dân chủ và hoà bình hoặc vì sự nghiệp khoa học mà bị bức hại”. Những tình huống được nêu trong bộ phận giả định của quy phạm pháp luật là vô cùng phong phú. Đó có thể là những sự kiện liên quan đến hành vi của con người (tham gia giao thông, cố ý gây thương tích cho người khác...); liên quan đến sự biến (thiên tai, sự sinh, tử...); liên quan đến thời gian (trước hay sau cách mạng, ngày hay đêm...); liên quan đến không gian (miền núi hay đồng bằng...). Như vậy, bộ phận giả định của quy phạm pháp luật trả lời cho câu hỏi: Tổ chức, cá nhân nào? trong những hoàn cảnh, điều kiện nào thì chịu sự tác động của quy phạm pháp luật đó. Những chủ thể, hoàn cảnh, điều kiện nêu trong bộ phận giả định của quy phạm pháp luật phải được xác lập rõ ràng, chính xác, sát với thực tế, tránh tình trạng nêu mập mờ, khó hiểu dẫn đến khả năng không thể hiểu được hoặc hiểu sai lệch nội dung của quy phạm pháp luật. Khi xây dựng pháp luật cần phải dự kiến được tới mức tối đa những tình huống có thể xảy ra trong đời sống thực tế mà trong đó quan hệ xã hội cần phải được điều chỉnh bằng pháp luật. Có làm được như vậy thì những thiếu sót, những “lỗ hổng” trong pháp luật mới có thể được giảm bớt và hạn chế được việc áp dụng pháp luật tương tự. Các tổ chức, cá nhân khi thực hiện pháp luật, đặc biệt là khi áp dụng pháp luật, cần phải nhận thức thật chính xác để biết được chủ thể nào chịu sự tác động của quy phạm pháp luật đó. 204
  9. Giả định của quy phạm pháp luật có thể giản đơn (chỉ nêu một hoàn cảnh, điều kiện). Ví dụ: “Công dân có nghĩa vụ đóng thuế và lao động công ích theo quy định của pháp luật” hoặc có thể phức tạp (nêu nhiều hoàn cảnh, điều kiện). Ví dụ: “Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”. Những hoàn cảnh, điều kiện và chủ thể được nêu trong bộ phận giả định các quy phạm pháp luật có thể được nêu theo cách liệt kê (kể tên tất cả các tình huống có thể xảy ra, tất cả các chủ thể có liên quan. Ví dụ: “Nghiêm cấm người điều khiển các loại xe trong các trường hợp sau đây: a. Do tình trạng sức khoẻ không tự chủ điều khiển được tốc độ xe; b. Người lái xe đang điều khiển xe trên đường mà trong máu có nồng độ cồn, rượu, bia vượt quá quy định; c. Không có đủ giấy tờ đã quy định...”), nhưng cũng có thể được nêu theo cách loại trừ (loại trừ những chủ thể hoặc những trường hợp không chịu sự tác động của quy phạm. Ví dụ: “Toà án xét xử công khai, trừ trường hợp cần xét xử kín để giữ gìn bí mật nhà nước hoặc thuần phong mỹ tục của dân tộc”). b) Chỉ dẫn Chỉ dẫn là bộ phận của quy phạm pháp luật nêu những mệnh lệnh của nhà nước đối với các chủ thể khi gặp phải những tình huống đã nêu ở bộ phận giả định của quy phạm pháp luật. Bộ phận chỉ dẫn của quy phạm pháp luật được coi là phần cốt lõi của quy phạm, biểu hiện ý chí của nhà nước đối với các tổ chức hay cá nhân gặp phải những tình huống đã được nêu trong bộ phận giả định của quy phạm pháp luật. Bộ phận chỉ dẫn của quy phạm pháp luật có tác dụng đưa ra những mệnh lệnh của nhà nước cho các chủ thể để họ biết cách xử sự sao cho phù hợp với ý chí của nhà nước, đó cũng có thể là những thông báo hay cảnh báo cho các chủ thể về các biện pháp mà nhà nước dự kiến sẽ áp dụng đối với họ. Nói cách khác, thông qua bộ phận chỉ dẫn của quy phạm pháp luật các chủ thể pháp luật biết được là nếu như họ gặp phải những tình huống đã nếu trong bộ phận giả định của quy phạm pháp luật thì họ phải làm gì? được hoặc không được làm gì? họ sẽ được hưởng những lợi ích gì? hoặc những hậu quả bất lợi gì họ phải gánh 205
  10. chịu? Vì vậy, mức độ chính xác, chặt chẽ, rõ ràng của các mệnh lệnh được nêu trong bộ phận chỉ dẫn của quy phạm pháp luật là một trong những bảo đảm nguyên tắc pháp chế trong hoạt động của các chủ thể pháp luật. Những mệnh lệnh của nhà nước nêu trong bộ phận chỉ dẫn của quy phạm pháp luật cho các chủ thể có thể được chia thành hai nhóm: Nhóm thứ nhất, những chỉ dẫn về hành vi cho các chủ thể đã được nêu trong bộ phận giả định của quy phạm pháp luật khi họ gặp những tình huống đã được quy phạm dự liệu. Những chỉ dẫn loại này thường trả lời cho câu hỏi: Tổ chức, cá nhân đã nêu ở bộ phận giả định của quy phạm phải làm gì? được làm gì? không được làm gì? thậm chí là làm như thế nào? Bộ phận chỉ dẫn loại này thường nêu ra những mệnh lệnh ở dạng: Được, có quyền... (những hành vi được phép thực hiện); phải, có nghĩa vụ... (những hành vi buộc phải thực hiện); cấm, không được...(những hành vi không được phép thực hiện). Ví dụ: - Trong quy phạm “Công dân có nghĩa vụ đóng thuế và lao động công ích theo quy định của pháp luật”, bộ phận chỉ dẫn là “có nghĩa vụ đóng thuế và lao động công ích theo quy định của pháp luật” (chỉ dẫn hành vi phải thực hiện). - Trong quy phạm “Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật”, bộ phận chỉ dẫn là “có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật” (chỉ dẫn hành vi được thực hiện). - Trong quy phạm “Không có sự đồng ý của Quốc hội và trong thời gian Quốc hội không họp, không có sự đồng ý của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thì không được bắt giam, truy tố đại biểu Quốc hội và không được khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội...”, bộ phận chỉ dẫn là “không được bắt giam, truy tố đại biểu Quốc hội và không được khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội” (chỉ dẫn hành vi không được thực hiện). - Trong quy phạm “Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thoả thuận, thì có thể áp dụng tập quán hoặc quy 206
  11. định tương tự của pháp luật, nhưng không được trái với những nguyên tắc quy định trong Bộ luật này”, có bộ phận chỉ là “thì có thể áp dụng tập quán hoặc quy định tương tự của pháp luật, nhưng không được trái với những nguyên tắc quy định trong Bộ luật này” (chỉ dẫn về cách thực hiện hành vi). Trong bộ phận chỉ dẫn của quy phạm pháp luật loại này, có thể chỉ nêu một cách xử sự mà các chủ thể buộc phải thực hiện và không có sự lựa chọn (chẳng hạn, “Việc quyết định giao đất đang có người sử dụng cho người khác chỉ được tiến hành sau khi có quyết định thu hồi đất đó”) hoặc có thể nêu ra nhiều cách xử sự và cho phép chủ thể có thể lựa chọn cho mình cách xử sự thích hợp từ những cách đã nêu, như (“Việc kết hôn phải do uỷ ban nhân dân cơ sở nơi thường trú của bên nam hoặc bên nữ công nhận và ghi vào sổ đăng ký kết hôn theo đúng thủ tục do Nhà nước quy định. Mọi nghi thức kết hôn khác đều không có giá trị pháp lý”). Trong trường hợp này, các chủ thể tham gia quan hệ hôn nhân có thể lựa chọn việc đăng ký kết hôn tại uỷ ban nhân dân nơi thường trú của bên nam hoặc nơi thường trú của bên nữ. Trong một số trường hợp khác, nhà nước còn cho phép các chủ thể có thể tự thoả thuận trong việc xác định quyền và nghĩa vụ của nhau, đồng thời cũng nêu ra cách xử sự buộc các chủ thể phải tuân theo trong trường hợp không thể thoả thuận được với nhau. Ví dụ: “Chất lượng của vật mua bán do các bên thoả thuận... Khi các bên không có thoả thuận và pháp luật không có quy định về chất lượng thì chất lượng của vật mua bán được xác định theo mục đích sử dụng và chất lượng trung bình của vật cùng loại”. Nhóm thứ hai, những chỉ dẫn nêu lên các biện pháp tác động mà các chủ thể có thẩm quyền có thể áp dụng đối với các chủ thể đã được nêu trong bộ phận giả định của quy phạm pháp luật. Những chỉ dẫn loại này thường trả lời cho câu hỏi: Khi gặp những tình huống đã nêu ở bộ phận giả định của quy phạm pháp luật thì các chủ thể có thẩm quyền có thể áp dụng những biện pháp gì đối với các chủ thể đã được nêu ở bộ phận giả định của quy phạm pháp luật? Còn đối với các chủ thể đã được nêu ở bộ phận giả định của quy phạm pháp luật, thông qua bộ phận chỉ dẫn, nhà nước gián tiếp thông báo hoặc cảnh báo cho họ là nếu họ ở vào những tình huống đã nêu ở bộ phận giả định của quy phạm pháp luật thì 207
  12. họ có thể được khen thưởng hoặc phải chịu những hậu quả bất lợi như thế nào. Từ những thông tin trên, các tổ chức, cá nhân sẽ biết được hành vi buộc phải thực hiện hoặc nên thực hiện, hành vi không nên thực hiện mà nên tránh, đồng thời có thể giám sát các chủ thể có thẩm quyền xem họ áp dụng pháp luật có đúng không. Các biện pháp mà nhà nước nêu ra trong bộ phận chỉ dẫn của quy phạm pháp luật để áp dụng rất đa dạng, như: Chế tài, các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ… - Chế tài là biện pháp cưỡng chế có liên quan tới trách nhiệm pháp lý để áp dụng đối với các chủ thể vi phạm pháp luật. Chế tài là một trong những biện pháp quan trọng để đảm bảo cho các quy định (những đòi hỏi, yêu cầu) của pháp luật được thực hiện nghiêm minh. Do đó, nếu các biện pháp trong chế tài được quy định không phù hợp (quá nặng hoặc quá nhẹ...) thì sẽ có tác dụng răn đe, trừng phạt kém hiệu quả. Các biện pháp cưỡng chế (chế tài) bao gồm: Chế tài hình sự; chế tài hành chính; chế tài kỷ luật; chế tài dân sự. Ví dụ, trong quy phạm: “Người nào đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm người đó tự sát, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”, bộ phận giả định xác định chủ thể chịu sự tác động của quy phạm này là “người nào đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi hoặc làm nhục người lệ thuộc mình làm người đó tự sát”; bộ phận chỉ dẫn về biện pháp tác động (chế tài) mà chủ thể có thẩm quyền áp dụng đối với chủ thể đã thực hiện hành vi nêu ở bộ phận giả định của quy phạm là: “Phạt tù từ hai năm đến bảy năm” (chế tài hình sự). Hiện nay, vẫn đang tồn tại quan điểm coi chế tài là một bộ phận độc lập trong cấu thành của quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, quan điểm đó đã tạo ra một số điểm bất hợp lý: Một là, coi các quy định về biện pháp cưỡng chế đối với cá nhân, tổ chức vi phạm là chế tài, còn quy định về các biện pháp cưỡng chế được áp dụng trong những trường hợp không có vi phạm (vì lợi ích chung của nhà nước hoặc của xã hội) lại được coi là nội dung của phần quy định, trong khi xét về tính chất thì các biện pháp cưỡng chế này đều mang lại hậu quả bất lợi cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế. Hai là, nếu xét về vai trò thì các quy định về cưỡng chế khi 208
  13. có vi phạm và các quy định về biện pháp khuyến khích (về tinh thần hoặc vật chất) đều có tác dụng bảo đảm thực hiện phần quy định, nhưng lại thuộc hai bộ phận khác nhau của quy phạm pháp luật (cưỡng chế thuộc “chế tài”, khuyến khích thuộc “quy định”). - Các biện pháp gây hậu quả bất lợi cho chủ thể nhưng không liên quan đến trách nhiệm pháp lý, như: Cấm qua lại nơi có dịch bệnh, buộc tháo dỡ công trình xây dựng hợp pháp trên diện tích đất bị thu hồi vì mục đích an ninh, quốc phòng… - Các biện pháp khuyến khích về lợi ích vật chất, tinh thần hoặc các lợi ích khác để động viên các tổ chức, cá nhân thực hiện pháp luật nghiêm minh, thực hiện những hành vi có ích cho nhà nước và xã hội. Ví dụ: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, người tố cáo có công trong việc ngăn ngừa thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức, cá nhân thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật”. (Biện pháp tác động được nhà nước chỉ dẫn cho chủ thể có thẩm quyền áp dụng đối với chủ thể đã nêu ở bộ phận giả định của quy phạm là: “khen thưởng theo quy định của pháp luật”). - Các biện pháp mang tính hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện đối với một số tổ chức, cá nhân rơi vào tình huống (hoàn cảnh, điều kiện) khó khăn cần giúp đỡ. Ví dụ: “Doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được miễn thuế tối đa không quá hai năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá bốn năm tiếp theo. (Biện pháp hỗ trợ là “miễn thuế tối đa không quá hai năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá bốn năm tiếp theo”). Bộ phận chỉ dẫn của quy phạm pháp luật nhóm thứ hai này, có thể quy định chính xác, cụ thể biện pháp sẽ áp dụng đối với chủ thể, nhưng cũng có thể không quy định các biện pháp áp dụng một cách dứt khoát hoặc chỉ quy định mức thấp nhất, mức cao nhất của biện pháp tác động. Ví dụ: “Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên hoặc dẫn đến chết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng... thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm”. Biện pháp dự kiến để áp dụng nêu trong bộ phận chỉ dẫn bao gồm: phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm, phạt tù từ ba tháng 209
  14. đến một năm. Việc áp dụng biện pháp nào? mức độ bao nhiêu? là do chủ thể có thẩm quyền áp dụng lựa chọn cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của vụ việc cần được giải quyết. 3. Cách thức thể hiện quy phạm pháp luật Quy phạm pháp luật được biểu đạt trong các quy định của nguồn luật. Các quy định của nguồn luật (gọi chung là điều luật) chỉ là hình thức biểu đạt của quy phạm pháp luật (quy phạm là nội dung còn điều luật là hình thức thể hiện quy phạm). Để đảm bảo tính lôgíc, chặt chẽ, thông thường quy phạm pháp luật được thể hiện theo một kết nhất định. Điển hình là hai kết cấu sau đây: - Nếu tổ chức hay cá nhân nào đó ở vào những tình huống được giả định thì được, không được hay buộc phải xử sự theo một cách thức xác định (chỉ dẫn cách xử sự); - Nếu tổ chức hay cá nhân nào đó ở vào những tình huống nào được giả định thì các chủ thể có thẩm quyền có thể áp dụng những biện pháp nhất định với họ (chỉ dẫn biện pháp tác động). Một quy phạm pháp luật có thể được trình bày trọn vẹn trong một điều luật (khi đó, quy phạm pháp luật trùng với điều luật). Tuy nhiên, do việc thể hiện quy phạm pháp luật trên thực tế rất phong phú, đa dạng nên quy phạm pháp luật không phải khi nào cũng trùng với điều luật. Đối với các quy phạm pháp luật có nội dung tương tự như nhau hoặc cùng liên quan đến một vấn đề nhất định thì có thể được đưa vào trong cùng một điều luật để tiện lợi cho việc so sánh và nhận thức nội dung các quy phạm pháp luật đó. Trong những trường hợp này mỗi phần, mỗi khoản của điều luật được coi là một quy phạm pháp luật độc lập. Trong một số trường hợp khác, một quy phạm pháp luật có thể được trình bày trong nhiều điều luật khác nhau của cùng một văn bản hoặc ở các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Theo lôgic thông thường, các nội dung của quy phạm pháp luật diễn ra theo trật tự: Giả định - chỉ dẫn. Tuy nhiên, trật tự trình bày các bộ phận của quy phạm pháp luật trong điều luật có thể thay đổi mà không nhất thiết theo trật tự đó. 210
  15. Các bộ phận của quy phạm pháp luật có thể được trình bày đầy đủ trong một điều luật nhưng cũng có thể viện dẫn một điều, khoản khác trong cùng văn bản đó hoặc ở các văn bản quy phạm pháp luật khác về một bộ phận nhất định của quy phạm. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, một số quy phạm pháp luật có chung phần giả định hoặc phần chỉ dẫn. Ngoài ra, còn có nhiều cách trình bày khác về quy phạm pháp luật, nhưng dù khác nhau đến đâu thì chúng cũng đều thể hiện theo một mô hình chung là: “Nếu... thì...”. 4. Phân loại quy phạm pháp luật Có rất nhiều loại quy phạm pháp luật và cũng có rất nhiều cách để phân chia chúng. - Căn cứ vào đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh pháp luật, có thể chia các quy phạm pháp luật thành các nhóm lớn thuộc các ngành luật khác nhau (quy phạm pháp luật thuộc ngành luật hiến pháp, quy phạm pháp luật thuộc ngành luật hành chính...). Với cách tiếp cận này, quy phạm pháp luật còn được chia thành những nhóm nhỏ hơn (phân ngành luật, chế định pháp luật). - Căn cứ vào nội dung của quy phạm pháp luật, có thể chia quy phạm pháp luật thành quy phạm pháp luật điều chỉnh và quy phạm pháp luật bảo vệ. Quy phạm pháp luật điều chỉnh có nội dung trực tiếp điều chỉnh hành vi của con người và hoạt động của các tổ chức (quy định thẩm quyền của cơ quan nhà nước, địa vị pháp lý của tổ chức xã hội, quyền, nghĩa vụ của các cá nhân…). Quy phạm pháp luật bảo vệ có nội dung xác định các biện pháp cưỡng chế mà nhà nước cho phép áp dụng đối với các chủ thể thực hiện không đúng hoặc vi phạm các quy định pháp luật. - Căn cứ vào hình thức mệnh lệnh nêu trong bộ phận chỉ dẫn của quy phạm pháp luật, có thể chia quy phạm pháp luật thành quy phạm pháp luật dứt khoát, quy phạm pháp luật không dứt khoát (tuỳ nghi) và quy phạm pháp luật hướng dẫn. Quy phạm pháp luật dứt khoát có bộ phận chỉ dẫn chỉ nêu ra một cách xử sự rõ ràng, chặt chẽ. Quy phạm pháp luật không dứt khoát có bộ phận chỉ dẫn nêu ra hai hoặc nhiều cách xử sự và cho phép chủ thể lựa chọn cho mình một cách xử sự từ 211
  16. những cách đã nêu. Quy phạm pháp luật hướng dẫn có bộ phận chỉ dẫn nêu ra những khuyên nhủ, hướng dẫn các chủ thể tự giải quyết một số công việc nhất định. - Căn cứ vào cách thức xử sự được thể hiện trong bộ phận chỉ dẫn của quy phạm pháp luật, có thể chia quy phạm pháp luật thành quy phạm pháp luật bắt buộc, quy phạm pháp luật ngăn cấm và quy phạm pháp luật cho phép. Quy phạm pháp luật bắt buộc có bộ phận chỉ dẫn buộc chủ thể nghĩa vụ phải thực hiện một số hành vi nhất định. Quy phạm pháp luật cấm có bộ phận chỉ dẫn cấm chủ thể thực hiện một số hành vi nhất định. Quy phạm pháp luật cho phép có bộ phận chỉ dẫn cho phép chủ thể khả năng tự xử sự theo cách thức nhất định. - Căn cứ vào nội dung, tác dụng của quy phạm pháp luật, có thể chia các quy phạm pháp luật thành quy phạm nội dung và quy phạm hình thức. Quy phạm pháp luật nội dung là quy phạm xác định các quyền, nghĩa vụ hay trách nhiệm của các chủ thể pháp luật. Quy phạm pháp luật hình thức là quy phạm xác định trình tự, thủ tục để các chủ thể thực hiện các quyền, nghĩa vụ pháp lý của mình hay tiến hành áp dụng pháp luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý. Ngoài ra, còn có nhiều cách phân chia khác đối với các quy phạm pháp luật, tuỳ theo cách tiếp cận và mục đích của người nghiên cứu. II. HỆ THỐNG PHÁP LUẬT 1. Khái niệm hệ thống pháp luật Pháp luật của các nhà nước hiện đại không phải là một tập hợp giản đơn các quy định pháp luật mà các quy định pháp luật luôn được tập hợp, sắp xếp theo một trật tự nhất định, có mối liên hệ, gắn bó chặt chẽ và thống nhất với nhau, tác động qua lại lẫn nhau tạo thành những tập hợp lớn nhỏ khác nhau, thành hệ thống pháp luật. Hệ thống pháp luật quốc gia là cấu trúc bên trong của pháp luật, biểu hiện ở sự liên kết và thống nhất nội tại của các quy định pháp luật, được phân định thành những bộ phận nhỏ hơn, phù hợp với các đặc điểm và tính chất của các quan hệ xã hội mà chúng điều chỉnh. 212
  17. Hệ thống pháp luật là một khái niệm chung bao gồm hai mặt trong một chỉnh thể thống nhất là cấu trúc của các quy định pháp luật và các mối liên hệ, thống nhất với nhau giữa các bộ phận của hệ thống. Xét dưới góc độ cấu trúc, hệ thống pháp luật là một chỉnh thể thống nhất có tính độc lập nhất định và được phân định thành các bộ phận nhỏ hơn, như ngành luật, chế định pháp luật, quy phạm pháp luật. Như vậy, hệ thống pháp luật luôn rất phức tạp, trong đó có nhiều yếu tố, bộ phận với nhiều mối quan hệ ràng buộc qua lại lẫn nhau. Hệ thống pháp luật gồm tập hợp của các ngành luật, trong đó mỗi ngành luật cũng là một hệ thống nhỏ gồm các chế định pháp luật và mỗi chế định pháp luật lại là một hệ thống nhỏ hơn gồm các quy phạm pháp luật... chúng được tập hợp, sắp xếp theo một trật tự khoa học, khách quan. Xét dưới góc độ nội dung, hệ thống pháp luật là tổng thể các quy phạm pháp luật, có sự liên kết, gắn bó mật thiết với nhau, tác động qua lại lẫn nhau rất phức tạp (như sự phức tạp của chính các quan hệ xã hội mà chúng điều chỉnh). Sự thống nhất nội tại là một nguyên tắc rất quan trọng của hệ thống pháp luật. Điều đó biểu hiện ở sự gắn bó hữu cơ khăng khít với nhau giữa các quy phạm pháp luật, ở những nguyên tắc của pháp luật, ở xu hướng loại trừ dần những mâu thuẫn giữa các bộ phận của hệ thống pháp luật. Có thể nói, hệ thống pháp luật vừa đa dạng vừa thống nhất. Sự phân định các quy phạm pháp luật thành những hệ thống lớn nhỏ khác nhau là phụ thuộc vào mức độ liên kết và phạm vi liên kết giữa các quan hệ xã hội mà quy phạm pháp luật điều chỉnh. Khi phạm vi điều chỉnh tăng, số lượng các yếu tố tăng lên, thì mức độ liên kết của chúng sẽ giảm đi. Chẳng hạn, sự liên kết của các quy định pháp luật trong một chế định pháp luật thì chặt chẽ hơn so với sự liên kết của các quy định pháp luật trong một ngành luật... Hệ thống cấu trúc của pháp luật có các thành tố cơ bản là quy phạm pháp luật, chế định pháp luật và ngành luật. Ngoài ra còn có những thành tố khác như phân ngành luật (lớn hơn chế định pháp luật nhưng nhỏ hơn ngành luật), tổ hợp các ngành luật (lớn hơn ngành luật nhưng nhỏ hơn hệ thống pháp luật quốc gia). 213
  18. Quy phạm pháp luật là thành tố của hệ thống pháp luật được cấu tạo từ các bộ phận như giả định, chỉ dẫn..., là quy tắc xử sự được nhà nước hình thành để điều chỉnh quan hệ xã hội chung có tính chất phổ biến, điển hình. Chế định pháp luật là thành tố của hệ thống pháp luật, bao gồm một nhóm quy phạm pháp luật điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội có liên quan mật thiết với nhau. Tính chất chung của mỗi nhóm quan hệ xã hội đòi hỏi phải có những nhóm quy phạm pháp luật tương ứng để điều chỉnh. Việc xác định đúng tính chất nhóm của quan hệ xã hội là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành chế định pháp luật. Ngành luật là thành tố của hệ thống pháp luật (lớn hơn chế định pháp luật), bao gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh một loại quan hệ xã hội (những quan hệ xã hội có chung tính chất thuộc một lĩnh vực nhất định của đời sống xã hội) bằng những phương pháp nhất định. Ngành luật được phân định dựa vào hai căn cứ là đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh của chúng. Đối tượng điều chỉnh của ngành luật là những quan hệ xã hội được ngành luật điều chỉnh, có chung tính chất (cùng loại), phát sinh trong một lĩnh vực nhất định của đời sống xã hội. Số lượng các quan hệ xã hội trong đối tượng điều chỉnh của một ngành luật có thể thay đổi theo từng giai đoạn lịch sử, phụ thuộc vào ý chí của nhà nước và các điều kiện chính trị, xã hội khác... Phương pháp điều chỉnh của ngành luật là những cách thức tác động của ngành luật lên các quan hệ xã hội. Phương pháp điều chỉnh của ngành luật phụ thuộc vào nội dung, tính chất của các quan hệ xã hội (đối tượng điều chỉnh của ngành luật đó) và ý muốn chủ quan của những người trực tiếp ban hành pháp luật trong mỗi giai đoạn lịch sử. Nói cách khác, việc sử dụng cách thức nào để điều chỉnh một dạng quan hệ xã hội cụ thể là phụ thuộc ý chí của người ban hành pháp luật và nội dung, tính chất của quan hệ xã hội đó. Trên thực tế, việc nhận thức đối tượng điều chỉnh và xác định phương pháp điều chỉnh của ngành luật để phân định pháp luật thành các ngành luật là vấn đề rất phức tạp, vì không phải lúc nào cũng có thể chỉ ra được sự tương đồng giữa các quan hệ xã hội cùng loại. 214
  19. Việc phân định ranh giới giữa các ngành luật luôn là vấn đề khoa học phức tạp, nên có nhiều quan điểm khác nhau trong việc xác định hệ thống các ngành luật và việc phân định chúng cũng chỉ mang tính chất tương đối. Sự phân định đó, vừa mang tính khách quan (phụ thuộc tính chất của các quan hệ xã hội mà pháp luật điều chỉnh, vào trình độ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu điều chỉnh pháp luật ở mỗi thời kỳ phát triển của xã hội), vừa mang tính chủ quan (phụ thuộc ý chí của nhà nước, của các chuyên gia pháp lý). Việc sắp xếp một cách có hệ thống các quy định pháp luật có thể tránh được sự chồng chéo, phát hiện được những thiếu sót để kịp thời bổ sung hoặc loại bỏ những quy định không còn phù hợp nhằm tạo ra những chế định, ngành luật và hệ thống pháp luật hoàn chỉnh. Một hệ thống pháp luật hoàn thiện sẽ có hiệu quả cao và là nhân tố quan trọng tạo ra sự ổn định và phát triển xã hội. Ở đây, cũng cần lưu ý là hiện nay trong khoa học pháp lý, thuật ngữ “hệ thống pháp luật” còn có thể được xem xét ở nhiều cấp độ và phương diện khác, như: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (là hệ thống pháp luật thực định, là tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật của quốc gia có mối liên hệ mật thiết với nhau, được sắp xếp một cách thống nhất, phù hợp với nhau theo trật tự thang bậc giá trị pháp lý của các văn bản); hệ thống pháp luật của một số quốc gia (có những điểm đặc thù giống nhau và có liên quan chặt chẽ với nhau, như: Hệ thống pháp luật Anh - Mỹ, hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa...); hệ thống pháp luật quốc tế (là tổng thể các quy định pháp luật hình thành trong quá trình ký kết và thoả thuận của các quốc gia, các tổ chức quốc tế và các chủ thể khác để điều chỉnh các quan hệ chủ yếu giữa các quốc gia). Bên cạnh đó, bản thân hệ thống pháp luật quốc gia trong một số trường hợp, còn được hiểu theo nghĩa rộng, trong đó các bao gồm các ngành luật, chế định pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật, các thiết chế thực thi và bảo vệ pháp luật, thậm chí cả nghề luật và công tác đào tạo luật... của một quốc gia. Mỗi hệ thống pháp luật đều có lịch sử riêng của mình, gắn liền với đặc điểm về lịch sử, dân cư, địa lý, tính cách con người, truyền thống... của đất nước. Hệ thống pháp luật Việt Nam xã hội chủ nghĩa hình thành 215
  20. và phát triển theo sự phát triển của đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa với những nguyên tắc chống áp bức, bóc lột, thực hiện dân chủ hoá mọi mặt của đời sống xã hội, vì hạnh phúc con người và có một số đặc điểm nhất định. Hệ thống pháp luật Việt Nam luôn có sự thống nhất nội tại cao. Cơ sở trực tiếp của sự thống nhất đó là sự thống nhất về bản chất, nội dung, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống pháp luật. Điều này được xác định khách quan bởi sự thống nhất của toàn bộ hệ thống các quan hệ xã hội xã hội chủ nghĩa, có cơ sở là sự thống nhất và phát triển của hệ thống kinh tế dựa trên cơ sở các quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; sự thống nhất về lợi ích giữa các lực lượng trong xã hội; sự thống nhất về mục đích, nhiệm vụ và nội dung hoạt động cơ bản của từng bộ phận trong hệ thống chính trị; sự liên kết chặt chẽ và tác động qua lại của tất cả các hình thái ý thức xã hội, như: Chính trị, pháp luật, đạo đức, thẩm mỹ... mà cơ sở của chúng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; ý thức chủ quan của những nhà làm luật mong muốn có được một hệ thống pháp luật hoàn thiện, thống nhất, đồng bộ. Hệ thống pháp luật Việt Nam chịu sự chi phối của các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, truyền thống dân tộc... của đất nước trong mỗi thời kỳ phát triển. Trong hệ thống pháp luật, mỗi thành tố luôn chịu sự chi phối, tác động của môi trường (hệ thống lớn là môi trường của hệ thống nhỏ). Sự chi phối của hệ thống lớn đối với hệ thống nhỏ thông qua các nguyên tắc chung của nó. Hệ thống nhỏ chịu sự chi phối và phải phù hợp với môi trường, song nó cũng có ảnh hưởng rất lớn trở lại đối với môi trường mà nó tồn tại. Hệ thống pháp luật là một hiện tượng năng động. Các quan hệ xã hội càng phát triển, đa dạng, phức tạp bao nhiêu thì hệ thống pháp luật càng phát triển, đa dạng và phức tạp bấy nhiêu. Hệ thống pháp luật chỉ có tính ổn định tương đối, luôn vận động thay đổi (được bổ sung thêm các quy phạm pháp luật mới và loại bỏ dần những quy phạm pháp luật lạc hậu, không còn giá trị), phát triển từ thời kỳ này sang thời kỳ khác, phù 216
nguon tai.lieu . vn