Xem mẫu

  1. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 25 – Tháng 11/2020 LỰA CHỌN ĐỐI SÁCH NÀO ĐỂ THÚC ĐẨY TÍN DỤNG XUẤT KHẨU BẰNG NGUỒN VỐN CỦA NHÀ NƯỚC TẠI VIỆT NAM Choosing what policy to support export credit by state-owned capital in Vietnam TS. Nguyễn Thị Hiền 1 Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh 1 hiennguyen0117@gmail.com Tóm tắt — Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới, cần gia tăng chất lượng hàng hóa, cải tiến hình thức mẫu mã, gia tăng hàm lượng công nghệ, tiện ích và mang lại hiệu quả cao cho người tiêu dùng. Tuy nhiên sự giúp đỡ của Nhà nước về khía cạnh tài chính tín dụng lại có vai trò rất quan trọng. Với góc nhìn đó, Chính phủ nhiều nước trên thế giới đã và đang thực thi chính sách tín dụng xuất khẩu của Nhà nước để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của họ nhằm thực hiện các mục tiêu cả về kinh tế và chính trị. Sự can thiệp đó với mức độ và quy mô nhiều hay ít, phạm vi bao quát rộng hay hẹp, tổng thể hay bộ phận tùy thuộc vào năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tiềm lực tài chính và chính sách cụ thể trong từng giai đoạn của mỗi nước. Bài viết này giới thiệu khái quát về chính sách tín dụng xuất khẩu bằng nguồn vốn của Nhà nước, tình hình áp dụng chính sách đó tại một số nước, từ đó nêu quan điểm về sự lựa chọn thực thi chính sách này tại Việt Nam. Abstract — In order to export goods to the world market, it is necessary to improve the product qualityand packaging, to increase the content of technology and utility of product and to bringthe consumption effectivenessfor customers. However, the State-owned financial support is very important. With that perspective in mind, the government of many countries around the world have been enforcing the export credit policy of the State-owned to boost their export goods to implement both economic and political objectives. The level, size,range, all or part of the interventionthat depends on the competitiveness of the economy, financial potential and specific policies of each country. This article provides an overview of export credit policy with State-owned capital; the situation of applying that policy in some countries. Then, this article gives the point of view in choosing this policy in order to implement it in Vietnam. Từ khóa — Tín dụng xuất khẩu; chính sách tín dụng xuất khẩu; tổ chức tín dụng xuất khẩu, export credit policy; export credit agencies. 1. Tổng quan về chính sách tín dụng xuất khẩu của Nhà nước Trong điều kiện nền kinh tế thế giới đang phát triển mạnh mẽ nhờ vào sự tương tác giữa các nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới, trong đó hoạt động xuất nhập khẩu trở thành công cụ hỗ trợ tích cực nhất xét trên phương diện kinh tế thương mại và do đó việc đẩy mạnh xuất khẩu của các quốc gia được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển kinh tế của mỗi nước. Tuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, bên cạnh việc gia tăng chất lượng hàng hóa, làm cho hàng hóa phải phong phú hơn về hình thức mẫu mã, hàm lượng công nghệ cao, tiện ích và mang lại hiệu quả cao cho người sử dụng. Những yếu tố này mang tính chất là yếu tố kinh tế kỹ thuật và yếu tố kinh tế kỹ thuật chỉ có thể phát huy lợi thế khi có sự kết hợp chặt chẽ với yếu tố tài chính (finance) và yếu tố tín dụng (credit). Dưới góc nhìn đó, Chính phủ các nước kể cả những nước công nghiệp phát triển đã thiết kế và thực thi các chính sách của mình nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài. Có thể khẳng định một điều là Chính phủ của hầu hết các nước trên thế giới đã và đang thực thi chính sách tín dụng xuất khẩu để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của họ nhằm thực hiện các mục tiêu cả về kinh tế và chính trị. Sự can thiệp mang tính chất hỗ trợ của Chính phủ vào lĩnh vực tín dụng tài trợ xuất nhập khẩu là vấn đề có tính chất sống còn. Tuy nhiên, sự can thiệp đó với mức độ và quy mô nhiều hay ít, phạm vi bao quát rộng hay hẹp, tổng thể hay bộ phận tùy thuộc vào năng lực cạnh tranh 76
  2. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 25 – Tháng 11/2020 của nền kinh tế, tiềm lực tài chính và chính sách cụ thể trong từng giai đoạn của mỗi nước. Tuy có sự can thiệp với những mức độ khác nhau, nhưng nhìn chung đều hướng đến mục đích là hỗ trợ và kích thích xuất khẩu hàng hóa của nước đó với những mục tiêu trước mắt và lâu dài. 2. Tín dụng xuất khẩu và chính sách tín dụng xuất khẩu của Nhà nước Tín dụng xuất khẩu (Export Credit) Tín dụng xuất khẩu (TDXK) là phương thức tài trợ ngoại thương của các tổ chức tài chính dành cho doanh nghiệp xuất khẩu. Bất kể tín dụng xuất khẩu được thực hiện bằng hình thức nào trong hai hình thức nói trên, đều bao gồm các phương thức tài trợ sau đây: Tài trợ trước khi giao hàng với mục đích giúp người xuất khẩu có vốn để tiến hành sản xuất, thu mua, chế biến nhằm tạo ra sản phẩm hàng xuất khẩu theo đơn hàng đã ký; Tài trợ sau khi giao hàng với mục đích giúp người xuất khẩu nhận được tiền trước khi lô hàng xuất khẩu được người nhập khẩu nước ngoài thanh toán. Nếu căn cứ vào đối tượng được tài trợ, tín dụng xuất khẩu được phân loại thành 2 nhóm: Tài trợ người xuất khẩu trong nước (tài trợ trong nước) và tài trợ cho người nhập khẩu ở nước ngoài (tài trợ nước ngoài). Chỉ những nước có tiềm lực kinh tế tài chính và có hệ thống ngân hàng mạnh mới có khả năng và điều kiện để thực hiện phương thức tài trợ cho người nhập khẩu nước ngoài. Chính sách tín dụng xuất khẩu (Export Credit Policy) Chính sách tín dụng xuất khẩu là chính sách của Nhà nước về tín dụng xuất khẩu. Trong chính sách này quy định rõ đối tượng, phạm vi và danh mục các nhóm hàng, mặt hàng xuất khẩu được hưởng lợi và được hỗ trợ bằng công cụ tín dụng, bảo hiểm với mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu các nhóm hàng mặt hàng nằm trong danh mục quy định. Tuỳ tình hình thực tế, khả năng cạnh tranh và mục tiêu của chính sách ngoại thương trong từng thời kỳ mà Chính phủ có những điều chỉnh chính sách tín dụng xuất khẩu cho phù hợp. Như vậy, nếu phân loại theo chủ thể tài trợ, tín dụng xuất khẩu được chia làm 2 nhóm: (1) Tín dụng xuất khẩu do Ngân hàng Thương mại (Commercial Bank) thực hiện bằng nguồn vốn kinh doanh của ngân hàng; (2) Tín dụng xuất khẩu do tổ chức tín dụng của Chính phủ thực hiện hoặc tổ chức tín dụng được Chính phủ ủy thác thực hiện bằng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước. Loại hình thứ nhất được gọi là tín dụng kinh doanh (Business Credit), thực hiện theo lãi suất thị trường. Các chuyên gia ngân hàng gọi là “tín dụng thương mại” để hàm ý hoạt động tín dụng kinh doanh đôi bên cùng có lợi. Trong khi loại hình thứ hai được gọi là tín dụng chính sách (Policy Credit) thực hiện với lãi suất ưu đãi, lãi suất này thấp hơn lãi suất thị trường (thường khoảng 75% đến 85% lãi suất thị trường). Tín dụng chính sách mang lại lợi ích cho nhà xuất khẩu, loại hình này có lợi cho người xuất khẩu về phương diện tài chính. Tín dụng xuất khẩu bằng nguồn vốn của Nhà nước phần lớn đều do tổ chức tài chính của Chính phủ thực hiện, một số trường hợp Chính phủ ủy thác cho một số Ngân hàng Thương mại có uy tín thực hiện. Những tổ chức tài chính này còn được gọi là “Tổ chức tín dụng xuất khẩu (Export Credit Agencies – ECAs). Khi ECAs cung cấp tín dụng cho doanh nghiệp xuất khẩu ECAs sẽ được áp dụng theo khung lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường, được gọi là khung “lãi suất hỗ trợ”. Các doanh nghiệp xuất khẩu là người trực tiếp hưởng lợi từ chính sách tín dụng này của Chính phủ. Như vậy tín dụng xuất khẩu của nhà nước thực chất cũng là tín dụng xuất khẩu, nhưng do ECAs của Chính phủ thực hiện với những nhóm hàng, mặt hàng trong danh mục quy định, chứ không phải áp dụng cho mọi nhóm hàng mặt hàng như loại hình tín dụng xuất khẩu của Ngân hàng Thương mại. Nhiều nước trên thế giới coi việc tài trợ cho xuất khẩu là một chiến lược mang tính quốc gia, vì vậy các nước này hết sức tạo điều kiện về vốn và bảo hiểm của Nhà nuớc trong quá trình sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu hàng hóa. Phần lớn các nước có nền kinh tế phát triển 77
  3. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 25 – Tháng 11/2020 và đang phát triển đã thành lập những ngân hàng chuyên doanh phục vụ cho xuất nhập khẩu, thông qua đó áp dụng biện pháp tài trợ hoạt động xuất nhập khẩu, đặc biệt là tài trợ cho những ngành kinh tế mũi nhọn trong nền kinh tế. 3. Chính sách tín dụng xuất khẩu tại một số nước trên thế giới 3.1 Chính sách tín dụng xuất khẩu tại Mỹ Chính sách tín dụng xuất khẩu của Mỹ được cả thế giới biết đến vì tính hiệu quả của nó trong việc đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Mỹ. Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ (Export - Import Bank of the United State –U.S EXIM BANK) là tổ chức tài chính đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc thực hiện chính sách tín dụng xuất khẩu của Mỹ cả trước đây và hiện nay U.S EXIM BANK được Quốc hội Mỹ (Hạ viện) chỉ định như một tổ chức đặc quyền để thực nhiệm vụ của Ngân hàng Xuất nhập khẩu. Nhiệm vụ của U.S EXIM BANK là cung cấp chương trình tín dụng xuất khẩu bằng các khoản cho vay ngắn hạn, trung hạn, dài hạn, bảo hiểm xuất khẩu để khuyến khích xuất khẩu hàng hóa của Mỹ. Các chính sách tín dụng xuất khẩu của Mỹ, cơ bản gồm có: • Chính sách mở rộng và đẩy mạnh xuất khẩu (Export Enhancement Policy) Để mở rộng và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, Hạ viện Mỹ đã ban hành “Đạo luật công ty kinh doanh xuất khẩu” (Export Trading Company Act). Theo đạo luật này, cho phép mở rộng các chương trình tài trợ xuất khẩu tại Mỹ, đồng thời tạo ra cơ sở pháp lý để hạn chế việc truy tố theo luật chống cạnh tranh trong xuất khẩu. Nội dung của đạo luật gồm: Cho phép Bộ Thương mại Mỹ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và kinh doanh cho các nhà kinh doanh xuất khẩu trong nước. Cho phép các ngân hàng liên bang có đặc quyền cho các công ty kinh doanh xuất khẩu vay vốn trong những trường hợp được quy định; Cho phép các Ngân hàng Thương mại (NHTM) mua các cổ phiếu trong các công ty kinh doanh xuất khẩu. • Chương trình đẩy mạnh xuất khẩu (Export Enhancement Program) Một chương trình đẩy mạnh xuất khẩu của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Theo đó, các nhà xuất khẩu nông sản Mỹ sẽ được nhận tiền thưởng khuyến khích khi giá thành sản xuất nông sản trong nước thấp hơn giá trị cùng loại nông sản ấy trên thị trường nước ngoài. Thực chất của chương trình này là trợ giá gián tiếp của Bộ Nông nghiệp Mỹ với mục đích làm gia tăng khả năng cạnh tranh và đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản của Mỹ. • Chương trình bảo lãnh tín dụng xuất khẩu (Export Credit Guarantee Program) Chương trình được Bộ Nông nghiệp Mỹ bảo trợ, để cung cấp tín dụng ngắn hạn cho Chính phủ các nước và dùng số tiền tài trợ đó mua hàng xuất khẩu của Mỹ, nhất là hàng nông sản. Chương trình này chịu sự giám sát của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế). • Chương trình tín dụng chu chuyển cho xuất khẩu (The Export Revolving Line of Credit Program) đây là chương trình tín dụng xuất khẩu do Cơ quan quản lý các DN nhỏ tài trợ, được U.S EXIM BANK bảo lãnh với những khoản tín dụng vốn lưu động có giá trị trên 200.000 USD trở lên. Nhờ chương trình tín dụng tuần hoàn, vốn kinh doanh không bị gián đoạn, đã giúp các DN nhỏ sản xuất kinh doanh liên tục, có điều kiện để đẩy mạnh xuất khẩu. 3.2 Chính sách tín dụng xuất khẩu tại Trung Quốc Trung Quốc có hai tổ chức tài chính của Chính phủ chịu trách nhiệm thực hiện chính sách tín dụng đầu tư và chính sách tín dụng xuất khẩu là Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (China Development Bank - CDB) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (The Export - Import Bank of China) còn gọi là China Exim Bank (CHEXIM – CHINA EXIM BANK), đây là hai 78
  4. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 25 – Tháng 11/2020 ngân hàng thuộc sở hữu của Chính phủ Trung Quốc. Các hoạt động chính trong việc thúc đẩy xuất khẩu gồm: • Tín dụng xuất khẩu cho doanh nghiệp trong nước: CHINA EXIM BANK cùng các Ngân hàng Thương mại Trung Quốc được cấp tín dụng cho các DN xuất khẩu với mức lãi suất ưu đãi khoảng 4 - 5%/năm. Mức lãi suất ưu đãi đã khuyến khích các DN đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc trên thị trường quốc tế. • Tín dụng xuất khẩu dành cho người bán: Hình thức này áp dụng cho những sản phẩm là thiết bị công nghiệp, cơ khí thông dụng, điện tử và những sản phẩm công nghệ cao. • Tín dụng xuất khẩu trung dài hạn: Hình thức này áp dụng cho các nhà thầu Trung Quốc trúng thầu cung cấp thiết bị và xây dựng các công trình dự án ở nước ngoài. • Tín dụng xuất khẩu trung dài hạn dành cho người nhập khẩu ở nước ngoài: Hình thức này nhằm kích thích xuất khẩu hàng hóa và vốn của Trung Quốc ra nước ngoài. Theo đó CHINA EXIM BANK sẽ cho vay trung dài hạn với lãi suất thấp hơn thị trường đối với nhà nhập khẩu nước ngoài để nhập khẩu sản phẩm dịch vụ kỹ thuật cao từ Trung Quốc. • Tín dụng xuất khẩu ngắn hạn cấp cho DN nước ngoài: Các DN nước ngoài nếu đã ký hợp đồng thương mại mua hàng hóa, nguyên vật liệu của Trung quốc, sẽ được CHINA EXIM BANKvà các NHTM Trung Quốc cho vay ngắn hạn, với mức hỗ trợ lãi suất từ 0 - 30% giá trị đơn hàng, còn lại 70% giá trị đơn hàng áp dụng lãi suất thị trường. • Tín dụng trung dài hạn hỗ trợ xuất khẩu CHINA EXIM BANK cung cấp tín dụng trung dài hạn cho các DN với lãi suất ưu đãi để khuyến khích DN đầu tư xây dựng nhà máy, công xưởng. Nhờ đó, các DN Trung Quốc đầu tư đổi mới trang thiết bị công nghệ hiện đại để có thể gia tăng quy mô và năng lực sản xuất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu trên thị trường quốc tế. 3.3 Chính sách tín dụng xuất khẩu tại Nhật Bản Chính sách TDXK của Chính phủ Nhật Bản được thực hiện chủ yếu bởi hai tổ chức tài chính của Chính phủ Nhật Bản, gồm: • Ngân hàng Phát triển Nhật Bản (Development Bank of Japan – DBJ). DBJ là mô hình tổ chức tài chính do Chính phủ Nhật Bản sở hữu 100% vốn. DBJ thực hiện các nhiệm vụ chính là đầu tư phát triển trong nước và đầu tư phát triển nước ngoài. Cho vay xuất khẩu được DBJ cung cấp cho cả nhà xuất khẩu trong nước và cho các nhà nhập khẩu nước ngoài và các tổ chức tài chính để hỗ trợ xuất khẩu của Nhật Bản. Các loại máy móc, thiết bị và công nghệ chủ yếu là cho các nước đang phát triển, các loại sản phẩm điện tử, xe hơi v.v. Đặc biệt, các sản phẩm như tàu biển, các cơ sở sản xuất điện và các loại thiết bị nhà máy kết hợp một số lượng lớn các công nghệ tiên tiến, và xuất khẩu của họ góp phần nâng cao các cơ sở công nghệ của ngành công nghiệp Nhật Bản. • Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (Japan Bank International Co-operation - JBIC) JBIC do Chính phủ Nhật Bản sở hữu 100% vốn. JBIC là tổ chức đầu mối và quản lý nguồn vốn Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) của Chính phủ Nhật Bản cho các nước trên thế giới. 3.4 Chính sách tín dụng xuất khẩu tại Hàn Quốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (Export Import Bank of Korea – EBK), còn gọi là Eximbank Hàn Quốc) được Chính phủ Hàn Quốc giao nhiệm vụ tài trợ hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Hàn Quốc, bao gồm: • Chương trình tín dụng xuất khẩu (Export Credit Program – ECP) 79
  5. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 25 – Tháng 11/2020 Chương trình tín dụng xuất khẩu của Chính phủ Hàn Quốc được áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu những mặt hàng là tư liệu sản xuất được sản xuất, chế tạo tại Hàn Quốc như tàu biển, xe vận tải, các loại máy móc thiết bị lẻ, thiết bị đồng bộ, thiết bị điện tử, hệ thống đường ray, sắt thép, dụng cụ y khoa v.v • Chương trình tín dụng xuất khẩu gián tiếp (Indirect Export Credit Program - IECP) Eximbank Hàn Quốc áp dụng chương trình tín dụng trung dài hạn cho người nhập khẩu nước ngoài nếu họ ký hợp đồng và nhập khẩu hàng hóa được sản xuất tại Hàn Quốc. Thực chất tài trợ này của Eximbank Hàn Quốc là phương thức tín dụng xuất khẩu hai chiều để đẩy mạnh và kích thích xuất khẩu hàng tư liệu sản xuất của Hàn Quốc. 3.5 Chính sách tín dụng xuất khẩu tại Thái Lan Ngân hàng Xuất nhập khẩu Thái Lan (Export Import Bank of Thailand - EIBT) là tổ chức tín dụng được Chính phủ Thái Lan giao nhiệm vụ thực hiện chính sách tín dụng xuất nhập khẩu với các loại hình tài trợ như sau: • Tín dụng xuất khẩu ngắn hạn (Short - term Export Credit) EIBT tài trợ cho các loại hình doanh nghiệp với hình thức tín dụng sau đây: - Tín dụng xoay vòng theo hạn mức tín dụng xác định. Đây là loại hình tài trợ trước khi giao hàng để giúp khách hàng sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu, nhất là hàng nông sản, thủy sản. - Tín dụng xuất khẩu sau khi giao hàng: EBT tài trợ xuất khẩu sau khi giao hàng để hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp dưới hình thức chiết khấu miễn truy đòi. - Tín dụng hỗ trợ xuất khẩu trọn gói: hình thức này áp dụng cho các cho các doanh nghiệp xuất khẩu mới thành lập và đi vào hoạt động, hoặc những doanh nghiệp có quy mô nhỏ năng lực tài chính hạn chế. - Tín dụng tài trợ tái xuất khẩu: Theo đó EBT cho vay đối với người nhập khẩu trong nước để nhập khẩu hàng hóa là nguyên vật liệu hoặc thiết bị từ một quốc gia khác, sau đó lắp ráp, chế biến và tái xuất sang một quốc gia khác. Khi tái xuất, EBT tiếp tục tài trợ sau khi giao hàng. • Tài trợ trung dài hạn (Long - term Export Credit) Tài trợ của EBT dành cho các DN xuất khẩu thực hiện dự án mở rộng năng lực sản xuất kinh doanh bằng việc đầu tư mới, mở rộng quy mô, cải tiến máy móc thiết bị để sản xuất các sản phẩm hàng hóa có tỷ lệ nội địa hóa cao, nhằm gia tăng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. 4. Lựa chọn đối sách nào để thúc đẩy tín dụng xuất khẩu của Nhà nước tại Việt Nam Trên nền tảng lý thuyết đã trình bày kết hợp tình hình thực tiễn tại Việt Nam, tác giả đưa ra ba giả thuyết để thực thi chính sách TDXK của Nhà nước tại Việt Nam như sau: Thứ nhất, tiếp tục duy trì và mở rộng chính sách TDXK của Nhà nước, theo giả thuyết này chính sách TDXK của Chính phủ Việt Nam đã được triển khai thực hiện nên được tiếp tục duy trì và mở rộng trên phạm vi, không phân biệt vùng miền, không phân biệt đối tượng hưởng lợi. Giả thuyết này dựa trên các căn cứ sau đây: - Một là, thực hiện chính sách TDXK của Nhà nước đã cho thấy chính sách này đã phát huy tác dụng về hiệu quả kinh tế xã hội nhất định. Hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác, chế biến những mặt hàng xuất khẩu nằm trong danh mục theo quy định đã có bước phát triển đáng kể, nhất là nhóm hàng nông lâm thủy hải sản. Điều này không những góp phần gia tăng sản phẩm hàng hóa xuất khẩu mà còn góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động trong khu vực kinh tế tư nhân. Doanh số cho vay TDXK của Nhà nước hàng năm đã không ngừng tăng lên, chứng tỏ chính sách này đã phát huy tác dụng và hiệu quả kinh tế xã hội. 80
  6. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 25 – Tháng 11/2020 Thị trường và kim ngạch xuất khẩu những mặt hàng nằm trong danh mục hưởng lợi chính sách TDXK của Nhà nước có sự tăng trưởng, cho thấy tính hiệu quả của chính sách này. - Hai là, nếu so sánh với các nước trên thế giới về TDXK của Nhà nước, tác giả nhận thấy hầu hết các nước, bao gồm các nước công nghiệp phát triển và các nước đang phát triển đều không ngần ngại triển khai và thực hiện chính sách TDXK của Nhà nước với mục đích cao nhất là đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của họ rộng khắp trên thị trường quốc tế. Trong môi trường cạnh tranh gay gắt như vậy, Việt Nam không thể khoanh tay đứng nhìn để nhận về mình phần thua thiệt trong cạnh tranh xuất khẩu hàng hóa. - Ba là, thực hiện chính sách TDXK có thể sẽ làm gia tăng gánh nặng cho ngân sách Nhà nước do phải cấp bù chênh lệch lãi suất.Tuy nhiên, điều quan trọng là nhờ chính sách của Nhà nước mà những mặt hàng Việt Nam có lợi thế sẽ được gia tăng trên thị trường thế giới. Đây chính là mục đích cao nhất khi thực hiện chính sách TDXK của Nhà nước ở Việt Nam. Thứ hai là đổi mới mô hình thực hiện chính sách TDXK của Nhà nước: giả thuyết này dựa trên quan điểm cho rằng chính sách TDXK của Nhà nước được triển khai thực hiện tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam chưa phát huy được tác dụng đẩy mạnh xuất khẩu nhóm hàng nằm trong danh mục như mong muốn. Do đó, cần mạnh dạn đổi mới mô hình thực hiện chính sách TDXK của Nhà nước như cách làm của một vài nước như Mỹ, Trung quốc, Nhật Bản, Hàn quốc. Theo đó, ngoài Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Chính phủ sẽ giao thêm nhiệm vụ thực hiện chính sách TDXK của Nhà nước cho một số ngân hàng thương mại có kinh nghiệm trong tài trợ xuất nhập khẩu như VietcomBank, VietinBank, BIDV, EximBank. Làm được như vậy sẽ có tác dụng tích cực như: - Đổi mới mô hình sẽ phát huy được kinh nghiệm và thế mạnh của các NHTM, nhờ đó doanh số và mức dư nợ TDXK của Nhà nước sẽ gia tăng đáng kể. - Các NHTM tham gia thực hiện chính sách TDXK của Nhà nước là những ngân hàng có mạng lưới rộng khắp, có quan hệ đại lý với hàng trăm ngân hàng trên thế giới, đồng thời là những ngân hàng thực hiện các nghiệp vụ ngân hàng quốc tế có tính chuyên nghiệp cao. Do đó, những NHTM này vừa theo dõi được dòng tiền để kiểm soát thu hồi nợ, vừa có biện pháp quản lý rủi ro tín dụng phù hợp. Thứ ba, chấm dứt chính sách TDXK của Nhà nước dựa trên quan điểm cho rằng hoạt động thương mại quốc tế hướng đến sự công bằng, tự do và không có sự can thiệp của Nhà nước. Tất cả các loại hình doanh nghiệp, bất kể DN sản xuất kinh doanh mặt hàng xuất khẩu nào cũng đều có quyền hưởng lợi chính sách của Nhà nước về TDXK. Nếu chính sách TDXK áp dụng cho tất cả mọi đối tượng, sẽ không phù hợp với các điều kiện của WTO (chỉ hỗ trợ những nhóm mặt hàng có tỷ lệ nội địa hóa cao, kèm theo những điều kiện nhất định), vừa làm gia tăng gánh nặng cho NSNN, do đó nên chấm dứt chính sách này để tạo bình đẳng cho các DN SXKD hàng xuất khẩu. Giả thuyết chấm dứt chính sách TDXK có hợp lý hay không, hãy xem xét hai điểm sau: + Một là, thế giới đang diễn ra cuộc cạnh tranh gay gắt về kinh tế và thương mại dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó chính sách TDXK của Nhà nước là một trong những công cụ mang lại hiệu quả rất cao. Chính vì vậy, không quốc gia nào lại từ bỏ công cụ quan trọng này. + Hai là, TDXK không chỉ thuần túy là công cụ kinh tế, mà nó còn mang ý nghĩa chính trị, xã hội rộng lớn. Thông qua công cụ TDXK, nhiều quốc gia đã gia tăng ảnh hưởng của mình đối với các nước khác thông qua chính sách tài trợ cho người nhập khẩu ở nước ngoài, làm cho nước nhận tài trợ ngày càng bị phụ thuộc vào nước tài trợ. 81
  7. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 25 – Tháng 11/2020 4. Kết luận Đẩy mạnh xuất khẩu thông qua chính sách TDXK bằng nguồn vốn của Nhà nước đã được thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới. Chính sách này đã được nhiều nước công nghiệp hàng đầu thế giới sử dụng như một công cụ vĩ mô quan trọng để không những thực hiện các mục tiêu thuần túy về kinh tế mà còn thực hiện các mục tiêu quan trọng hơn về chính trị xã hội. Qua việc phân tích và lý giải ba giả thuyết nêu trên, với tầm nhìn bao quát và rộng lớn hơn tác giả hy vọng các chuyên gia am hiểu lĩnh vực này, các độc giả quan tâm sẽ tìm hiểu, phân tích thêm để giúp Chính phủ lựa chọn phương án phù hợp trong việc thực thi chính sách TDXK của Nhà nước tại Việt Nam ngày càng có hiệu quả hơn trong thời gian tới. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Chính phủ, Nghị định số 75/ 2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 về tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, 2011. [2] Chính phủ, Nghị định số 54/ 2013/NĐ-CP của Chính phủ bổ sung một số điều khoản về tín dụng đầu tư phát triển và TDXK của Nhà nước ban hành theo Nghị định số 75/ 2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011, 2013. [3] IMF, Export Credit Agencies, Trade Finance, and South East Asia, Working Paper No. 98/175, 2006. [4] J.P. Chauffour, C. Saborowski and A.I.Soylemezoglu , “Should developing countries establish Export Credit Agencies. International Trade Department”, Poverty Reduction and Economic Management Network, 2010. [5] K.Janda, E.Michalikova and L. Psenakova, “The Performance of Export Credit Agencies in Post- Communist Central European Countries”. Working Papers IES 2013/10, Charles University Prague, Faculty of Social Sciences, Institute of Economic Studies, revised Aug 2013. [6] Tạp chí Công nghiệp Việt Nam, Về chính sách hỗ trợ xuất khẩu của TQ, 2013. [7] Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1467/QĐ-TTg ngày 24/8/2015 Phê duyệt “Đề án phát triển các thị trường khu vực thời kỳ 2015-2020, tầm nhìn đến năm 2030”, 2015. [8] I.S. Young, “Do Export Credit Agencies benefit the economy?”, Stanford International Policy Review. Stanford University, 2014. Ngày nhận: 14/09/2020 Ngày đăng: 22/10/2020 82
nguon tai.lieu . vn