CHƯƠNG TRÌNH GIẢNG DẠY KINH TẾ FULBRIGHT

KINH TẾ VIỆT NAM TĂNG TRƯỞNG
DƯỚI MỨC TIỀM NĂNG1

Vũ Thành Tự Anh

2

Tháng 12 năm 2005

1

Bài viết đã được đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 29-12-2005 dưới nhan đề “Tăng trưởng dưới
mức tiềm năng.”
2
Tác giả là giảng viên của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TP. Hồ Chí Minh. Tác giả xin
chân thành cảm ơn GS. David Dapice đã cung cấp một số dữ liệu và ý tưởng quan trọng cho bài viết.

Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng dưới mức tiềm năng

Việt Nam là một nền kinh tế chuyển đổi và đang phát triển, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng
trưởng cao nhất thế giới. Vào năm 2000, trong khi đa số các nền kinh tế chuyển đổi ở Đông Âu
vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng và chưa khôi phục được mức GDP trên đầu người so với thời
kỳ trước cải cách thì kể từ khi bắt đầu Đổi Mới, Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng trung
bình khoảng 7% một năm - tức là qua mỗi một thập kỷ, quy mô nền kinh tế của chúng ta được
nhân lên gấp đôi. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không chỉ được coi là “thần kỳ”
trong số những nền kinh tế chuyển đổi, mà nó còn là một trong những “tấm gương” mà Ngân
hàng Thế giới hay Quỹ tiền tệ Quốc tế lấy làm điển hình cho các quốc gia đang phát triển khác.
Nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng nhanh là một hiện thực, không chỉ dưới con mắt người
nước ngoài, cũng không chỉ dưới lăng kính kinh tế vĩ mô, mà sự tăng trưởng này còn có thể được
cảm nhận ở đại bộ phận hộ gia đình và các tế bào của nền kinh tế. Thế thì tại sao lại phải lo lắng
và hoài nghi về triển vọng tăng trưởng? Vấn đề là ở chỗ, liệu chúng ta đã phát huy hết tiềm năng
tăng trưởng của quốc gia hay chưa? Chất lượng, hiệu quả tăng trưởng của chúng ta ra sao?
Chúng ta có thể tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong những năm tới hay không?
Một cách đánh giá xem liệu nền kinh tế của chúng ta đã sử dụng các nguồn lực một cách hiệu
quả để đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất hay chưa là so sánh với các nền kinh tế khác, chứ không
phải là tự so sánh với mình như cách chúng ta hay làm xưa nay. Trong bảng dưới đây, để có một
cái nhìn đối chiếu, chúng tôi cung cấp số liệu của ba nước Việt Nam, Ấn Độ, và Trung Quốc
trong năm 2003 (là năm gần nhất có số liệu đầy đủ của cả ba nước). Trừ những số liệu về tăng
trưởng, các số liệu còn lại đều được tính trên đầu người.
Bảng 1: Một số chỉ tiêu về nguồn lực và tăng trưởng của Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc (2003)
Nguồn lực (trên đầu người)

Việt Nam

Ấn Độ

Trung Quốc

Đầu tư trực tiếp nước ngoài

19$

4$

41$

Viện trợ phát triển chính thức

22$

1$

1$

28$ – 50$

22$

14$

1,5 thùng (45$)

0,2 thùng (6$)

1 thùng (30$)

114$ – 136$

33$

86$

483$

565$

$1.100

0,24 – 0,28

0,05

0,08

7 – 7,5%

7 – 8%

9%

Kiều hối
Dầu lửa (giá năm 2003 là 30$/thùng)
Tổng nguồn lực/đầu người
GDP/đầu người
Hệ số nguồn lực/GDP đầu người
Tăng trưởng GDP

Nguồn: World Development Indicators 2005 và Tài liệu tư vấn của IMF.
Ghi chú:
i) Có hai số liệu về kiều hối của Việt Nam: số liệu chính thức của IMF (28$/đầu người) và số liệu ước
tính phi chính thức (50$/đầu người).
ii) Số liệu về giá dầu lửa lấy ở mức 30$/thùng của năm 2003.

Những số liệu này cho thấy, về mặt tuyệt đối, nguồn lực trên đầu người có được từ nguồn ngoại
sinh (bên ngoài nền kinh tế) hay từ nguồn có sẵn của Việt Nam vào khoảng 114-136$, cao gấp 34 lần của Ấn Độ (33$) và gấp rưỡi Trung Quốc (86$). Còn về mặt tương đối hệ số nguồn lực

Vũ Thành Tự Anh

2

Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng dưới mức tiềm năng

ngoại sinh và sẵn có so với GDP đầu người của ta là 0,24-0,28, gấp khoảng 5 lần so với Ấn Độ
(0,05) và bằng 3 đến 3,5 lần của Trung Quốc (0,08). Thuận lợi của nước ta còn lớn hơn trong
hơn 1 năm trở lại đây khi giá dầu lửa đã tăng đến mức kỷ lục kể từ lần khủng hoảng dầu lửa
trước. Thế nhưng về tốc độ tăng trưởng, chúng ta không hơn Ấn Độ và rõ ràng là thua Trung
Quốc khá xa.
Hơn nữa, hầu hết các nghiên cứu về kinh tế học tăng trưởng đều chỉ ra rằng, với các điều kiện
khác như nhau thì các nước thuộc nhóm có mức thu nhập thấp có thể tăng trưởng với tốc độ cao
hơn so với các nước thuộc nhóm thu nhập cao hơn. Một nghiên cứu của GS. David Dapice thuộc
Chương trình Việt Nam ở Harvard chỉ ra rằng khi còn ở trình độ phát triển tương tự như Việt
Nam, Đài Loan đã duy trì được tốc độ tăng trưởng 11% trong khi tỷ lệ đầu tư/GDP của họ thấp
hơn tỉ lệ hiện tại của ta nhiều. Sử dụng nguồn lực một cách có hiệu quả là một trong những
nguyên nhân chủ yếu giúp Đài Loan “hóa rồng” trong vòng vài thập kỷ. Tựu trung lại, tất cả
những phân tích kinh tế trên đều ngụ ý rằng Việt Nam hoàn toàn có thể tăng trưởng cao hơn mức
hiện nay và trở thành nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực.
Lưu ý rằng trên cả ba phương diện văn hóa, chính trị và xã hội, Việt Nam đều có một số thuận
lợi cơ bản so với Ấn Độ. Về mặt văn hóa và xã hội, chế độ đẳng cấp ở Ấn Độ rõ ràng là một cản
trở to lớn cho phát triển kinh tế của nước này. Về mặt chính trị, sự bất ổn về chính trị và đi kèm
với nó là sự thay đổi về đảng cầm quyền, nội các và chính sách cũng làm môi trường kinh tế chính trị của Ấn Độ trải qua nhiều biến động, có khi đột ngột. Thêm vào đó, tình trạng rối loạn ở
Kashmir và Assam, tranh chấp giữa các giáo phái dẫn đến những cuộc đốt phá và giết chóc ở
Mumbai - một trung tâm thương mại của Ấn Độ v.v. Tất cả những bất lợi này của Ấn Độ không
hề xuất hiện ở Việt Nam trong suốt hơn hai chục năm qua.
Qua những phân tích trên, chúng ta có thể nhận định rằng nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng
dưới mức tiềm năng mà lẽ ra nó phải đạt được. Tăng trưởng kinh tế ở đây được đo lường bằng
tốc độ thay đổi tổng lượng giá trị gia tăng do nền kinh tế tạo ra trong một năm; và như vậy,
chúng ta có nhiều lý do để lo lắng về khả năng tạo ra giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của
nền kinh tế của Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh của mình.
Có lập luận cho rằng chúng ta phát triển thấp hơn tiềm năng là vì ngoài mục tiêu tăng trưởng,
chúng ta còn có trách nhiệm duy trì sự công bằng về kinh tế giữa những nhóm người có mức thu
nhập khác nhau. Hay nói cách khác, có một sự đánh đổi giữa tăng trưởng và công bằng kinh tế.
Đúng là chúng ta đã cố gắng rất nhiều để cải thiện mức sống cho những nhóm người có mức thu
nhập thấp nhất, và điều này thể hiện trong thành tích xóa đói giảm nghèo đầy ấn tượng của Việt
Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên, một lần nữa, không chỉ nên so sánh với bản thân mình mà
cần so sánh với các quốc gia khác. Bảng dưới đây cung cấp những chỉ số phản ánh mức độ bình
đẳng trong phân phối thu nhập của ba nước Việt Nam, Ấn Độ và Trung Quốc.
Bảng 2: Phân phối thu nhập của Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc năm 2002
Phần trăm trong tổng thu nhập của:

Việt Nam

Ấn Độ

Trung Quốc

20% hộ có thu nhập cao nhất

49%

46%

50%

20% hộ có thu nhập thấp nhất

6,1%

8,1%

4,7%

Nguồn: Điều tra mức sống hộ gia đình Việt Nam 2002 (Bảng 50), Niên giám thống kê 2004 (Bảng 308).

Vũ Thành Tự Anh

3

Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng dưới mức tiềm năng

Như vậy, phần trăm trong tổng thu nhập của 20% hộ giàu nhất ở Việt Nam cao hơn của Ấn Độ
và thấp hơn của Trung Quốc một chút; đồng thời phần trăm trong tổng thu nhập của 20% hộ
nghèo nhất ở Việt Nam lại thấp hơn của Ấn Độ và cao hơn của Trung Quốc. Điều này có nghĩa
là, về tính bình đẳng trong phân phối thu nhập thì Việt Nam tuy hơn Trung Quốc nhưng lại
không bằng Ấn Độ. Nếu kết hợp với số liệu trong Bảng 1 thì có thể rút ra nhận xét rằng về mặt
tốc độ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam xấp xỉ với Ấn Độ nhưng lại thấp hơn Trung Quốc. Còn về
phương diện phân phối thu nhập, Việt Nam khá giống Trung Quốc - là nước có phân phối bất
bình đẳng nhất trong ba nước. Từ những đối chiếu này, chúng ta thấy Việt Nam có thể vừa
tăng trưởng cao hơn (như Trung Quốc), đồng thời vẫn có thể tạo ra một sự phân phối bình
đẳng hơn (như Ấn Độ).
Ngoài một thực tế là Việt Nam hiện đang tăng trưởng dưới tiềm năng, chúng ta còn có cơ sở
để lo ngại về khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng trong những năm tới. Cơ sở thứ nhất là tình
trạng lãng phí và kém hiệu quả trong đầu tư. Theo ý kiến của một số đại biểu Quốc hội, thất
thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản và đầu tư công nói chung ước tính có thể lên tới 30-40%.
Còn về đầu tư thì tỷ lệ đầu tư vào khu vực công đã và đang cao hơn rất nhiều so với khu vực dân
doanh, và điều này sẽ chiếm nguồn lực và lấn án đầu tư của khu vực tư, trong khi đó các số liệu
thống kê đều cho thấy khu vực tư có tốc độ tăng trưởng cao hơn, suất sinh lợi cao hơn, và tạo ra
khoảng 90% việc làm mới cho xã hội. Hệ quả chung là một đồng vốn đầu tư ngày càng tạo ra ít
giá trị gia tăng hơn, và do vậy ảnh hưởng nghiêm trọng đến tốc độ tăng trưởng và năng lực cạnh
tranh của nền kinh tế.
Thứ hai, mối quan hệ tay ba giữa nhà nước, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng
thương mại quốc doanh đã và đang là một trở ngại to lớn trên con đường nâng cao hiệu quả của
khu vực kinh tế nhà nước và sự ổn định, bền vững của hệ thống ngân hàng. Điều này càng trở
nên trầm trọng hơn khi nhà nước, vì theo đuổi những chỉ tiêu kế hoạch có tính vĩ mô (tăng
trưởng 8,5% trong năm 2005 chẳng hạn) đã can thiệp quá sâu vào nền kinh tế bằng những biện
pháp mệnh lệnh, duy ý chí. Hệ quả tất yếu là hiệu quả đầu tư của toàn nền kinh tế sẽ giảm sút.
Nguy hại hơn, những “biến dạng” do đầu tư cưỡng bách và chính sách can thiệp đột xuất sẽ gây
nên những hậu quả lâu dài khôn lường cho nền kinh tế.
Những phân tích ở trên còn ngụ ý một nguyên nhân thứ ba nữa khiến chúng ta phải lo lắng cho
sự ổn định của nền kinh tế. Nếu phân tích số liệu thống kê của Việt Nam trong mấy năm trở lại
đây thì sẽ thấy rằng luôn tồn tại một số nguy cơ tiềm tàng có khả năng dẫn tới khủng hoảng như:
tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại (chủ yếu là ngân hàng quốc doanh) theo tiêu chuẩn
quốc tế rất cao, hiệu quả đầu tư thấp (thể hiện qua chỉ số ICOR tăng rất nhanh trong 10 năm trở
lại đây), những triệu chứng của bong bóng tài sản và tính kém linh hoạt và minh bạch của thị
trường bất động sản v.v. Những nguy cơ này cần được khắc phục trước khi nền tài chính của
chúng ta hội nhập sâu hơn và trở nên mở hơn, mà điều này là một tất yếu trong bối cảnh toàn cầu
hóa hiện nay. Hơn nữa, kinh nghiệm của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ ở Đông Á và Đông
Nam Á năm 1997-1998 cho thấy, khả năng miễn nhiễm rủi ro và phục hồi của nền kinh tế Việt
Nam không cao. Cụ thể là mặc dù Việt Nam không chịu ảnh hưởng nhiều như những nước khác
(một phần là do vào thời điểm 1997, mức độ hội nhập kinh tế của Việt Nam còn hạn chế), nhưng
tốc độ phục hồi của nền kinh tế lại rất chậm chạp. Nếu như các nước bị ảnh hưởng lớn nhất như
Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonexia đều có thể khôi phục lại mức tăng trưởng của thời kỳ
tiền khủng hoảng chỉ trong 1 đến 2 năm, thì Việt Nam cho đến tận bây giờ vẫn chưa khôi phục
lại được tốc độ tăng trưởng 8,15% của năm 1997 (xem Bảng 3).

Vũ Thành Tự Anh

4

Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng dưới mức tiềm năng

Bảng 3: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của một số nước Đông Á và Đông Nam Á 1996 – 2000 (%)
1996

1997

1998

1999

2000

Hàn Quốc

6,75

5,01

-6,69

10,89

8,81

Thái Lan

5,88

-1,45

-10,77

4,22

4,31

Malaysia

10,00

7,32

-7,36

6,08

8,30

Indonexia

7,64

4,70

-13,13

0,85

4,77

Philippines

5,85

5,19

-0,58

3,40

4,01

Trung Quốc

9,59

8,84

7,80

7,05

7,94

Việt Nam

9,34

8,15

5,80

4,80

5,50

Nguồn: Ngân hàng Thế giới, “World Development Indicators 2002”

Thứ tư, khung pháp lý của chúng ta tuy đã hoàn thiện nhưng còn rất nhiều bất cập. Nhiều tác
giả khác đã bình luận về tình trạng luật vừa thừa vừa thiếu, không đồng bộ, thiếu nhất quán,
nhiều điểm còn chưa phù hợp và hài hòa với thông lệ quốc tế, quy trình làm luật còn cần phải
hoàn thiện v.v. Ở đây có lẽ chỉ cần minh họa bằng một ví dụ mới đây về Luật đầu tư thống nhất.
Dường như động cơ ban đầu của việc gấp rút soạn thảo đạo luật này là để đẩy nhanh tiến trình ra
nhập WTO vào cuối 2005 như đã định. Thế nhưng trong quá trình soạn thảo luật, ban soạn thảo
đã không chú ý đúng mức tới việc tôn trọng quyền lợi hợp pháp và hợp thông lệ của cả các nhà
đầu tư dân doanh trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài (được phản ánh qua sự lên tiếng của
các phòng thương mại của EU, Úc, và Mỹ). Điều này làm nản lòng các đầu tư và có thể làm
chậm lại và yếu bớt làn sóng đầu tư nước ngoài đang có dấu hiệu trở lại Việt Nam trong một vài
năm trở lại đây. Đồng thời, chúng ta cũng không loại trừ khả năng việc thông qua Luật đầu tư
thống nhất này không những không giúp Việt Nam vào WTO sớm hơn, mà ngược lại có thể làm
chậm lại quá trình này.
Nền kinh tế của nước ta đã đạt được rất nhiều thành tựu đáng tự hào trong 20 đổi mới. Tuy vậy,
nó đang phát triển dưới mức mà lẽ ra nó phải đạt được. Hơn thế, có những dấu hiệu cho thấy vì
nhiều lý do khác nhau, nền kinh tế của nước ta đang vận hành kém hiệu quả, đồng thời tính bền
vững, khả năng miễn nhiễm và phục hồi sau khủng hoảng không cao. Nếu không sớm hoàn thiện
khung thể chế và điều chỉnh chính sách kinh tế một cách thích hợp thì e rằng chúng ta sẽ bõ lỡ
chuyến tàu hội nhập và toàn cầu hóa của thế kỷ 21.

Vũ Thành Tự Anh

5

nguon tai.lieu . vn