Xem mẫu

  1. HÒA GIẢI TRONG GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI TẠI VIỆT NAM – MỘT SỐ BẤT CẬP VÀ HƯỚNG HOÀN THIỆN Trần Linh Huân Nguyễn Phước Thạnh TÓM TẮT: Tranh chấp đất đai là một trong những tranh chấp phổ biến ở Việt Nam hiện nay. So với các tranh chấp khác, tranh chấp đất đai khá phức tạp và thường phải giải quyết bằng việc kết hợp nhiều phương thức khác nhau, trong đó có hòa giải. Hòa giải được xem là phương pháp ôn hòa đặt ý chí các chủ thể trong tranh chấp là trọng tâm nhằm hạn chế một cách tối đa những thiệt hại có thể xảy ra trên thực tế. Trong phạm vi bài viết, tác giả tập trung khái quát các vấn đề lý luận về hòa giải trong giải quyết tranh chấp đất đai, phân tích làm rõ một số vấn đề còn hạn chế, bất cập trong quy định cũng như thực thi áp dụng pháp luật về hòa giải trong giải quyết tranh chấp đất đai và từ đó đưa ra một số đề xuất kiện nghị hoàn thiện nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng phương thức này trong giải quyết tranh chấp đất đai hiện nay. Từ khóa: Tranh chấp đất đai, giải quyết tranh chấp đất đai, hòa giải. 1. Đặt vấn đề Tranh chấp đất đai là một trong những tranh chấp diễn ra rất phổ biến. Đất đai là một tư liệu sản xuất đặc biệt, là nguồn tài nguyên vô giá và đất đai cũng có giá trị lớn khiến cho các tranh chấp đất đai khó có thể hạn chế. Một trong những cách thức giải quyết tranh chấp đất đai chính là thông qua con đường hòa giải. Nghị quyết số 49 -NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 02/6/2005 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã ghi nhận “Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”. Luật Đất đai 2013, sửa đổi, bổ sung năm 2018 cũng quy định tại khoản 1 Điều 202 “Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở”. Những quy định trên cho thấy Nhà nước ta rất quan tâm và khuyến khích người dân giải quyết tranh  ThS., Khoa luật Thương mại – Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, email: tlhuan@hcmulaw.edu.vn  Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, email: phuocthanhn1999@gmail.com 92
  2. chấp đất đai thông qua con đường hòa giải. Tuy nhiên, các quy định pháp luật hiện hành về vấn đề này vẫn còn một số hạn chế, gây khó khăn cho công tác giải quyết tranh chấp đất đai cũng như ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tranh chấp. Do đó, việc hoàn thiện khung pháp lý về hòa giải trong giải quyết tranh chấp đất đai, nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật trong thực tiễn là một yếu tố quan trọng để đảm bảo quyền và lợi ích của người dân. 2. Khái quát về hòa giải trong giải quyết tranh chấp đất đai Theo Từ điển tiếng Việt, hòa giải có nghĩa là “thuyết phục các bên đồng ý chấm dứt xung đột hoặc xích mích một cách ổn thỏa”.1 Theo Black's Law Dictionary, hòa giải (conciliation) có nghĩa là “Sự can thiệp, sự làm trung gian hòa giải; hành vi của người thứ ba làm trung gian giữa hai bên tranh chấp nhằm thuyết phục họ dàn xếp hoặc giải quyết tranh chấp giữa họ. Việc giải quyết tranh chấp thông qua người trung gian hòa giải (bên trung lập”.2 Theo khoản 24 Điều 2 Luật Đất đai 2013, sửa đổi, bổ sung năm 2018, tranh chấp đất đai là “tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai”. Như vậy, hòa giải trong giải quyết tranh chấp đất đai có thể được hiểu là “biện pháp pháp lý giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất, theo đó bên thứ ba độc lập giữ vai trò trung gian trong việc giúp các bên có tranh chấp tìm kiếm những giải pháp thích hợp cho việc giải quyết các tranh chấp về quyền, lợi ích liên quan đến quyền sử dụng đất và thương lượng với nhau về việc giải quyết quyền lợi của mình”. 3 Hiện nay, theo quy định của pháp luật, hòa giải trong giải quyết tranh chấp đất đai bao gồm hòa giải trong tố tụng và hòa giải ngoài tố tụng, cụ thể: Thứ nhất, hòa giải trong tố tụng. Theo quy định tại Điều 10 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 thì “Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Bộ luật này”. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải theo luật định hoặc vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn 1 Hoàng Phê (2003), Từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học, tr. 446. 2 Nguyễn Văn Hoàng (2017), Pháp luật hòa giải trong giải quyết tranh chấp đất đai từ thực tiễn huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội, Luận văn Thạc sĩ luật học, Học viện Khoa học xã hội, tr. 7 – 8. 3 Nguyễn Văn Hoàng (2017), tlđd (4), tr.8. 93
  3. (Thẩm phán tiến hành hòa giải, công khai chứng cứ ngay sau khi khai mạc phiên tòa chứ không tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải riêng). 4 Trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về vấn đề phải giải quyết trong vụ án dân sự thì Tòa án lập biên bản hòa giải thành. 5 Hết thời hạn 7 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. 6 Trường hợp các đương sự không thỏa thuận được với nhau thì tranh chấp sẽ tiếp tục được giải quyết bằng con đường tư pháp. Theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan, hòa giải trong tố tụng đạt trung bình hàng năm 50,6% tổng số các vụ việc. 7 Thứ hai, hòa giải ngoài tố tụng. Hòa giải ngoài tố tụng trong giải quyết tranh chấp đất đai bao gồm hòa giải tiền tố tụng tại Tòa án nhân dân (TAND), hòa giải tại Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã và hòa giải ở cơ sở. Một là, hòa giải tiền tố tụng tại TAND. Theo khoản 2 Điều 2 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 thì “Hòa giải tại Tòa án là hoạt động hòa giải do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự, nhằm hỗ trợ các bên tham gia hòa giải thỏa thuận giải quyết vụ việc dân sự theo quy định của Luật này”. Hình thức hòa giải này được thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh phúc, Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Nam, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đồng Nai, Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Cần Thơ. Theo Công văn số 308/TANDTC-PC của TAND tối cao ngày 09/10/2018 hướng dẫn một số hoạt động chuẩn bị triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ngày 16/06/2020, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 chính thức được thông qua. Trong thời gian thí điểm tại 16 tỉnh thành, hòa giải tiền tố tụng tại TAND đã đạt được nhiều kết quả đáng chú ý. Theo đó, các trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án của 16 tỉnh, thành phố đã hòa giải thành, đối thoại thành được 36.985/47.493 vụ việc. Một số tỉnh, thành phố có số lượng vụ 4 Điều 205 BLTTDS 2015. 5 Khoản 5 Điều 211 BLTTDS 2015. 6 Khoản 1 Điều 212 BLTTDS 2015. 7 Đề cương giới thiệu Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, https://stp.thuathienhue.gov.vn/?gd=26&cn=350&tc=5310, truy cập ngày 28/9/2021. 94
  4. việc hòa giải thành, đối thoại thành cao như: Thành phố Hà Nội 5.487 vụ việc, thành phố Hồ Chí Minh 5.189 vụ việc, các tỉnh Bình Dương 4.263 vụ việc, Khánh Hòa 3.094 vụ việc… 8 Hai là, hòa giải tại UBND cấp xã. Theo khoản 2 Điều 202 Luật Đất đai 2013, sửa đổi, bổ sung năm 2018 thì “Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải”. Mặt khác, theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán ngày 05/5/2017 hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án “Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015”. Còn đối với các tranh chấp khác thì “Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,... thì thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án”. Như vậy, đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất thì hòa giải tại UBND cấp xã là điều kiện bắt buộc để các chủ thể có quyền khởi kiện vụ án. Việc hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã tuy chưa có số lượng thống kê toàn quốc nhưng qua khảo sát tại tỉnh Long An vào năm 2018, tổng số vụ tranh chấp đất đai được thụ lý tại UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh Long An là 2.478 vụ, trong đó hòa giải thành là 896 vụ, số vụ hòa giải không thành là 1.162 vụ. Cũng trong năm 2018, Tòa án hai cấp tại tỉnh Long An thụ lý 743 vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất (những tranh chấp này theo quy định của pháp luật phải hòa giải tại UBND cấp xã).9 Ba là, hòa giải ở cơ sở. Theo khoản 1 Điều 2 Luật hòa giải ở cơ sở 2013 thì hòa giải ở cơ sở là “Hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật này”. Theo số liệu của Bộ Tư pháp thì số vụ hòa giải thành theo Luật Hòa 8 Hà Phong, Lý Thị Mai, “Nhân văn, giảm tải áp lực xét xử”, http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Phap- luat/1003256/nhan-van-giam-tai-ap-luc-xet-xu, truy cập ngày 27/9/2021. 9 Hồ Hương, “Thực trạng các tranh chấp dân sự được hòa giải ngoài tố tụng dân sự”, https://quochoi.vn/UserControls/Publishing/News/BinhLuan/pFormPrint.aspx?UrlListProcess=/content/tintuc/Lists/New s&ItemID=44825, truy cập ngày 26/9/2021. 95
  5. giải ở cơ sở tính từ năm 2016 đến năm 2018 là 323.046 vụ/393.649 vụ, đạt tỷ lệ 82,06%. Kết quả này góp phần làm giảm số lượng các tranh chấp phải đưa ra giải quyết tại cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian nêu trên, số vụ việc Hòa giải viên cơ sở thực hiện hòa giải chỉ chiếm 32,9% số lượng vụ việc mà Tòa án phải thụ lý giải quyết (393.649/1.196.487 vụ việc). Cũng trong thời gian này, còn 70.603 vụ việc chưa được hòa giải thành theo Luật Hòa giải ở cơ sở, góp phần làm cho số vụ việc mà Tòa án phải thụ lý, giải quyết tăng lên (năm 2018 tăng so với năm 2016 là 94.619 vụ việc). 10 Theo thống kê Khảo sát thực địa được thực hiện trong tháng 9/2019 tại 03 tỉnh Hà Giang (đại diện cho khu vực miền Bắc), Đăk Nông (đại diện cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên) và Kiên Giang (đại diện cho khu vực miền Nam) trong khuôn khổ chương trình “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” do Liên minh châu Âu tài trợ với sự đóng góp tài chính từ UNDP, UNICEF và sự phối hợp của Bộ Tư pháp Việt Nam, khi được hỏi về lý do lựa chọn hòa giải ở cơ sở, 61.6% người dân được phỏng vấn trả lời họ và gia đình quyết định việc lựa chọn giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn bằng hòa giải ở cơ sở; 29.8% sử dụng hòa giải ở cơ sở vì bên có mâu thuẫn, tranh chấp yêu cầu giải quyết thông qua hòa giải; 19.8% trả lời rằng hai bên tranh chấp cùng đồng thuận sử dụng hòa giải ở cơ sở.11 Hòa giải ở cơ sở được sử dụng rộng rãi vì chi phí thấp, dễ tiếp cận, thông tin được bảo mật và tạo ra được không gian trao đổi thân thiện giữa các bên có tranh chấp, giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc Tòa án.12 Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 202 Luật Đất đai 2013, sửa đổi, bổ sung năm 2018, còn có một hình thức hòa giải nữa là các bên tranh chấp tự hòa giải với nhau. 13 Qua những phân tích trên, có thể nhận thấy rằng, hoạt động hòa giải đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với công tác giải quyết tranh chấp đất đai. 3. Thực trạng pháp luật về hòa giải trong giải quyết tranh chấp đất đai Những quy định trên đã góp phần tạo nên cơ sở pháp lý vững chắc để hoạt động hòa giải trong giải quyết tranh chấp đất đai diễn ra minh bạch, có hiệu quả. Mỗi loại hòa giải 10 Hồ Hương, tlđd (9). 11 Liên minh châu Âu, UNDP, UNICEF, Bộ Tư pháp Việt Nam (2020), “Báo cáo tóm tắt: Thực trạng giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải ở cơ sở”, tr.3. 12 Liên minh châu Âu, UNDP, UNICEF, tlđd (13), tr.10. 13 “Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở”. 96
  6. được điều chỉnh bởi một văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) khác nhau: BLTTDS 2015 điều chỉnh vấn đề hòa giải trong tố tụng; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 điều chỉnh vấn đề hòa giải tiền tố tụng tại TAND; Luật Đất đai 2013, sửa đổi, bổ sung năm 2018 điều chỉnh vấn đề hòa giải tại UBND cấp xã; Luật hòa giải ở cơ sở 2013 điều chỉnh vấn đề hòa giải ở cơ sở. Ngoài ra, còn có nhiều văn bản QPPL khác như nghị định, thông tư, nghị quyết,… điều chỉnh vấn đề hòa giải trong giải quyết tranh chấp đất đai. Những văn bản QPPL trên đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể. Tuy nhiên, vẫn có một số bất cập khiến cho hoạt động hòa giải chưa diễn ra thật sự hiệu quả, điều này được thể hiện ở các khía cạnh sau: Một là, đối với hoạt động hòa giải tại UBND cấp xã, theo khoản 2 Điều 202 Luật Đất đai 2013, sửa đổi, bổ sung năm 2018 thì “Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải”. Tuy nhiên, trong thực tế, một số huyện không có chính quyền cấp xã như Côn Đảo, Lý Sơn,…14 như vậy, đối với các huyện này thì hoạt động hòa giải tại UBND cấp xã sẽ được thực hiện như thế nào, cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết và nếu cơ quan đó thụ lý, giải quyết thì đâu sẽ là cơ sở pháp lý để cơ quan trên thực hiện hành vi đó. Các quy định pháp luật hiện tại không đề cập đến trường hợp trên, dẫn đến sự lúng túng khi áp dụng quy định trên trong thực tế. Hai là, đối với hoạt động hòa giải ở cơ sở, theo Điều 7 Luật hòa giải ở cơ sở 2013, tiêu chuẩn đối với hòa giải viên bao gồm “Người được bầu làm hòa giải viên phải là công dân Việt Nam thường trú tại cơ sở, tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải và có các tiêu chuẩn sau đây: 1. Có phẩm chất đạo đức tốt; có uy tín trong cộng đồng dân cư; 2. Có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân; có hiểu biết pháp luật”. Quy định trên quy định khá chung chung, mang tính định tính và không rõ ràng. Căn cứ nào để xác định là “có uy tín”, “có hiểu biết pháp luật” vẫn chưa được nêu rõ trong các quy định. Quy định lỏng lẻo như trên khiến cho các hòa giải viên ở cơ sở chưa thật sự có đủ kiến thức để thực hiện hoạt động hòa giải cũng như khiến công tác hòa giải ở cơ sở chưa thật sự hiệu quả. Nhiều cán bộ quản lý công tác hòa giải ở cơ sở nhận định rằng hiểu biết pháp luật, kỹ năng và nghiệp vụ hòa giải của 14 Hà Phương, “Lý Sơn trở thành huyện đảo thứ 2 không có chính quyền cấp xã”, https://kinhtedothi.vn/ly-son-tro- thanh-huyen-dao-thu-2-khong-co-chinh-quyen-cap-xa-378784.html, truy cập ngày 28/9/2021. 97
  7. đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở còn hạn chế. Hầu hết hòa giải viên không có kiến thức pháp luật, khá nhiều người chưa được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ về hòa giải. Về trình độ học vấn, mặc dù tiêu chuẩn hòa giải viên không yêu cầu, song, kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ hòa giải viên chỉ tốt nghiệp tiểu học, trung học cơ sở cao hơn số người tốt nghiệp phổ thông trung học. Về trình độ chuyên môn, tỷ lệ không qua đào tạo nghề chiếm 50%, tỷ lệ hòa giải viên có trình độ cao đẳng, đại học rất thấp, chỉ có 9.9%.15 Chính thực trạng trên khiến cho nhiều người dân chưa hài lòng về năng lực và tính chuyên nghiệp của hòa giải viên ở cơ sở. Ba là, đối với hoạt động hòa giải tiền tố tụng tại TAND, việc xác định thẩm quyền của Tòa án để tiến hành hòa giải theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 có cần tuân theo quy định về thẩm quyền của Tòa án theo quy định của BLTTDS 2015 hay không. Hiện nay vấn đề này vẫn đang còn sự tranh cãi giữa hai quan điểm. Quan điểm thứ nhất cho rằng việc xác định thẩm quyền của Tòa án để tiến hành hòa giải theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 cần có sự tách biệt quy định về thẩm quyền của Tòa án theo quy định của BLTTDS 2015 để tạo sự linh hoạt và thống nhất trong pháp luật. Quan điểm thứ hai cho rằng việc xác định thẩm quyền của Tòa án để tiến hành hòa giải theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 phải tuân theo quy định về thẩm quyền của Tòa án theo quy định của BLTTDS 2015.16 Xét theo các quy định hiện hành17 thì quan điểm thứ hai có phần hợp lý hơn. Tuy nhiên, để hoạt động hòa giải tiền tố tụng tại TAND có sự tách biệt tương đối thì pháp luật cần có những quy định rõ ràng và cụ thể hơn. 4. Một số kiến nghị hoàn thiện quy định về hòa giải trong giải quyết tranh chấp đất đai Hòa giải trong tranh chấp đất đai được xem là hoạt động hiệu quả để giảm thiểu, giải quyết có hiệu quả các tranh chấp đất đai. Trên cơ sở các quy định pháp luật hiện hành, công tác hòa giải trong tranh chấp đất đai đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, 15 Liên minh châu Âu, UNDP, UNICEF, tlđd (13), tr.5. 16 Đặng Thanh Hoa, Nguyễn Đức Nam, “Một số vấn đề về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án”, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/nghien-cuu/mot-so-van-de-ve-luat-hoa-giai-doi-thoai-tai-toa-an, truy cập ngày 28/9/2021. 17 Khoản 2 Điều 1 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 “Hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn; vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính”. Khoản 2 Điều 16 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 “2. Tòa án nhận đơn, vào sổ nhận đơn, xác nhận việc nhận đơn theo quy định tại khoản 1 Điều 191 của Bộ luật Tố tụng dân sự, khoản 1 Điều 121 của Luật Tố tụng hành chính”. 98
  8. vẫn còn đó những mặt hạn chế khiến cho hoạt động hòa giải diễn ra thiếu hiệu quả. Vì thế, để hoạt động hòa giải trong giải quyết tranh chấp đất đai diễn ra được hiệu quả, quyền và lợi ích của các bên được bảo vệ thì cần phải hoàn thiện các quy định pháp luật cũng như nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật. Cụ thể, về mặt quy định pháp luật: Một là, đối với hoạt động hòa giải tại UBND cấp xã, cần phải bổ sung quy định về việc hòa giải tại UBND trong trường hợp không có đơn vị hành chính cấp xã. Về vấn đề này, các nhà lập pháp có thể tham khảo các quy định trong Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015 để từ đó ban hành các quy định phù hợp. Theo các quy định tại khoản 4 Điều 1118, khoản 1 Điều 2519 và khoản 1 Điều 3120 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015, đối với các huyện không có đơn vị hành chính cấp xã thì UBND cấp huyện sẽ có thẩm quyền. Các nhà làm luật có thể tham khảo những quy định trên và ban hành quy định đối với vấn đề hòa giải tại UBND trong trường hợp không có đơn vị hành chính cấp xã. Hai là, đối với hoạt động hòa giải ở cơ sở, cần bổ sung những cơ sở, căn cứ cụ thể để xác định những cá nhân nào đáp ứng đủ các tiêu chí của hòa giải viên cơ sở. Việc quy định cụ thể sẽ giúp cho các địa phương thực hiện thống nhất và nâng cao hiệu quả của hoạt động hòa giải ở cơ sở. Các cơ quan có thẩm quyền cần tham khảo ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan để đề ra một bộ tiêu chí hợp lý. Ba là, đối với hoạt động hòa giải tiền tố tụng tại TAND, cần bổ sung những hướng dẫn cụ thể hơn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 16 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020. Việc xác định thẩm quyền của Tòa án để tiến hành hòa giải vẫn phải thực hiện theo quy định của BLTTDS 2015 và việc quy định này đồng thời cũng đã giới hạn chủ thể tham gia hòa giải theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 chỉ có thể là người khởi kiện và người bị kiện. 21 Tuy nhiên, vấn đề hòa giải tiền tố tụng tại TAND vẫn có sự độc lập tương 18 “Việc xác định khu vực bỏ phiếu do Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định và được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê chuẩn. Đối với huyện không có đơn vị hành chính xã, thị trấn thì việc xác định khu vực bỏ phiếu do Ủy ban nhân dân huyện quyết định”. 19 “Đối với huyện không có đơn vị hành chính xã, thị trấn thì Ủy ban nhân dân huyện sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập ở mỗi khu vực bỏ phiếu một Tổ bầu cử có từ mười một đến hai mươi mốt thành viên gồm Tổ trưởng, Thư ký và các Ủy viên là đại diện cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đại diện cử tri ở địa phương” 20 “Đối với huyện không có đơn vị hành chính xã, thị trấn thì Ủy ban nhân dân huyện có trách nhiệm lập danh sách cử tri theo từng khu vực bỏ phiếu”. 21 Đặng Thanh Hoa, Nguyễn Đức Nam, tlđd (18). 99
  9. đối và các nhà làm luật cần bổ sung các quy định để làm rõ tính độc lập ấy. Ví dụ nếu tranh chấp thuộc thẩm quyền của Tòa án và thuộc trường hợp được phép hòa giải thì triển khai việc hòa giải tiền tố tụng tại TAND theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020; nếu vụ án thuộc trường hợp không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải theo luật định hoặc thuộc trường hợp được hòa giải, có thể tiến hành hòa giải theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 nhưng các bên không đồng ý hòa giải thì phải giải quyết tranh chấp theo quy trình tố tụng quy định tại BLTTDS 2015. 22 Bên cạnh việc hoàn thiện các quy định pháp luật thì vấn đề năng cao hiệu quả thực thi pháp luật cũng cần được quan tâm, cụ thể: Một là, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc sử dụng hiệu quả phương thức hòa giải để giải quyết tranh chấp đất đai. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tranh chấp đất đai chưa được giải quyết hiệu quả bằng phương thức hòa giải là một phần do chính trình độ hiểu biết pháp luật, ý thức pháp luật của một số người dân còn hạn chế. Vì thế, công tác tuyên truyền pháp luật cần được chú trọng và tổ chức rộng rãi ở khắp các địa phương. Công tác tuyên truyền có thể được thực hiện qua các hội nghị, thông qua đài phát thanh, đài truyền hình. Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay thì có thể thực hiện thông qua các hình thức trực tuyến. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền còn có thể thực hiện qua các hình thức khác như phát triển Tủ sách pháp luật, thành lập các trung tâm tư vấn pháp luật cho cộng đồng, tổ chức các phiên hòa giải giả định,.. Hai là, hoàn thiện và nâng cao kỹ năng giải quyết hòa giải tranh chấp đất đai của các hòa giải viên. Tăng cường công tác tổ chức tập huấn cho các hòa giải viên, đồng thời cần tổ chức các bài kiểm tra định kỳ để kiểm tra kiến thức của đội ngũ cán bộ. Các hòa giải viên cần một cái đầu nóng và một trái tim lạnh, có lý nhưng cũng có tình, mềm dẻo nhưng cũng cứng rắn để có thể giúp các bên tranh chấp hòa giải thành. Do đó, để công tác hòa giải đạt được hiệu quả cao thì nâng cao kiến thức, kỹ năng của đội ngũ cán bộ. 5. Kết luận Tranh chấp đất đai là một trong những tranh chấp rất phổ biến và hoạt động hòa giải được xem như một trong những phương thức quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp đất 22 Đặng Thanh Hoa, Nguyễn Đức Nam, tlđd (18). 100
  10. đai. Các văn bản QPPL đã được ban hành và tạo nên khung pháp lý vững chắc để điều chỉnh vấn đề trên. Tuy nhiên, các quy định hiện hành vẫn còn một số hạn chế khiến cho hoạt động hòa giải diễn ra thiếu hiệu quả. Vì thế, việc hoàn thiện các quy định pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật là vấn đề cấp thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của các bên tranh chấp, để từ đó nâng cao hiệu quả trong hoạt động hòa giải tranh chấp đất đai. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Đề cương giới thiệu Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, https://stp.thuathienhue.gov.vn/?gd=26&cn=350&tc=5310, truy cập ngày 28/9/2021. 2. Đặng Thanh Hoa, Nguyễn Đức Nam, “Một số vấn đề về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án”, https://tapchitoaan.vn/bai-viet/nghien-cuu/mot-so-van-de-ve-luat-hoa-giai-doi- thoai-tai-toa-an, truy cập ngày 28/9/2021. 3. Nguyễn Văn Hoàng (2017), “Pháp luật hòa giải trong giải quyết tranh chấp đất đai từ thực tiễn huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội”, Luận văn Thạc sĩ luật học, Học viện Khoa học xã hội. 4. Hồ Hương, “Thực trạng các tranh chấp dân sự được hòa giải ngoài tố tụng dân sự”, https://quochoi.vn/UserControls/Publishing/News/BinhLuan/pFormPrint.aspx?UrlListProces s=/content/tintuc/Lists/News&ItemID=44825, truy cập ngày 26/9/2021. 5. Liên minh châu Âu, UNDP, UNICEF, Bộ Tư pháp Việt Nam (2020), “Báo cáo tóm tắt: Thực trạng giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải ở cơ sở”. 6. Hoàng Phê (2003), Từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học. 7. Hà Phong, Lý Thị Mai, “Nhân văn, giảm tải áp lực xét xử”, http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Phap-luat/1003256/nhan-van-giam-tai-ap-luc-xet-xu, truy cập ngày 27/9/2021. 8. Hà Phương, “Lý Sơn trở thành huyện đảo thứ 2 không có chính quyền cấp xã”, https://kinhtedothi.vn/ly-son-tro-thanh-huyen-dao-thu-2-khong-co-chinh-quyen-cap-xa- 378784.html, truy cập ngày 28/9/2021. 101
nguon tai.lieu . vn