Xem mẫu

  1. The fourth Scientific Conference - SEMREGG 2018 HÀI HÒA TÍNH XÃ HỘI VÀ TÍNH KINH TẾ TRONG BỒI THƯỜNG VÀ TÁI ĐỊNH CƯ KHI THU HỒI ĐẤT TẠI VIỆT NAM M. A. Đặng Hoàng Vũ, M. A. Nguyễn Thị Ngọc TÓM TẮT Thu hồi đất là hoạt động tất yếu trong tiến trình điều phối vĩ mô để phát triển chung của cả đất nước và từng địa phương. Trong quá trình thu hồi đất thì vấn đề bồi thường và tái định cư cho những chủ thể đang sử dụng đất hợp pháp luôn là vấn đề nan giải trong tất cả các dự án có thu hồi đất. Do đó, cần phải hài hòa tính xã hội và tính kinh tế trong bồi thường và tái định cư để có kết quả tốt hơn cho công tác thu hồi đất. Từ khóa: Xã hội, kinh tế, bồi thường, tái định cư, thu hồi đất. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Trong quá trình phát triển đất nước, việc trưng dụng đất đai của người dân đang sở hữu quyền sử dụng đất hợp pháp để dùng vào việc mở rộng hạ tầng giao thông, công trình công cộng, an ninh quốc gia, các khu dân cư mới hay các hạ tầng mới về kinh tế là điều tất yếu, khó tránh khỏi. Trong mối quan hệ giữa cái riêng và cái chung, cái cá thể và cái toàn thể thì quyền sử dụng đất hợp pháp của người dân buộc phải chuyển giao lại cho những mục tiêu lớn hơn. Tuy nhiên, đó là những quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nên Nhà nước phải có trách nhiệm đảm bảo đầy đủ cho họ thông qua các cơ chế như bồi thường giá trị tương đương và hỗ trợ chỗ tái định cư tốt hơn hoặc bằng nơi ở đã bị trưng dụng. Thực tiễn quá trình bồi thường và tái định cư khi thu hồi đất hiện nay cho thấy nhiều nơi chỉ quan tâm đến vấn đề kinh tế mà ít quan tâm đến các vấn đề xã hội có liên quan như việc làm, bệnh viện, trường học hay những sinh hoạt văn hóa khác như tôn giáo, hội đoàn,… Cho nên, việc áp giá đất để bồi thường và chủ động xây khu riêng tốt hơn để tái định cư là những giải pháp thường gặp, nhưng tạo việc làm mới cho người bị thu hồi đất hoặc hỗ trợ chỗ học tập cho con em họ thường ít đề cập đến. Từ đó, công tác bồi thường và tái định cư tại nhiều nơi gặp phải sự phản kháng hoặc đấu tranh quyết liệt của người có đất bị thu hồi, mặc dù số tiền bồi thường cho họ là khá lớn so với giá đất hiện tại hoặc chỗ ở được tái định cư tốt hơn rất nhiều so với chỗ họ đang ở. Mấu chốt là họ nhận xong tiền bồi thường rồi không biết làm gì với số tiền đó khi công việc hiện tại bị mất hoặc vào ở chỗ mới nhưng con cái họ phải vất vả để đi học ở một nơi rất xa so với chỗ ở hiện tại, sự ngăn cản trong tâm lý cao hơn nhiều so với chênh lệch về tài chính có thể thỏa thuận để bồi thường. Hài hòa tính xã hội và tính kinh tế trong bồi thường và tái định cư khi thu hồi đất sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn cho công tác thu hồi đất so với chỉ dựa vào một trụ cột của kinh tế khi thu hồi đất. Về phương pháp nghiên cứu, bài viết được nhóm tác giả sử dụng nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau như: Phương pháp điều tra, phương pháp phỏng vấn, phương pháp xã hội học, phương pháp phân tích và bình luận và phương pháp tra cứu. Mỗi một phương pháp đóng một vai trò khác nhau trong các nội dung nghiên cứu liên quan của bài viết. 248
  2. Hội nghị Khoa học Công nghệ lần thứ 4 - SEMREGG 2018 2. NỘI DUNG 2.1. Tầm quan trọng của công tác thu hồi đất, bồi thƣờng và tái định cƣ Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý và được giao cho các cơ quan Nhà nước các cấp thực hiện quyền chủ hữu sở hữu trong phạm vi địa giới hành chính của mình với các quyền hạn nhất định. Phần lớn diện tích đất đai được giao về cho từng hộ dân, cá nhân, tổ chức khai thác và sử dụng theo đúng quy định của pháp luật đất đai trong từng thời kỳ. Quyền sở hữu gồm có 3 quyền gồm chiếm hữu, sử dụng và định đoạt và chỉ có chủ thể duy nhất là Nhà nước mới có đầy đủ 3 quyền đó gọi chung là quyền sở hữu về đất đai. Các chủ thể còn lại được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp thực chất chỉ có tối đa là 2 quyền chiếm hữu và sử dụng mà không có quyền định đoạt đối với đất. Họ có thể định đoạt hành vi chuyển giao quyền chiếm hữu và quyền sử dụng đất thông qua một số giao dịch về chuyển quyền sử dụng đất mà không có quyền định đoạt đối với đất. Mọi tác động trên đất như chuyển công năng sử dụng, thay đổi hiện trạng đất so với quy định, sử dụng không đúng mục đích,… đều phải xin ý kiến của chủ sở hữu chính là Nhà nước1. Nhà nước khi thực hiện quyền điều phối tổng hòa các quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng,… đương nhiên sẽ sử dụng đến quyền sở hữu đất đai của chủ sở hữu để xác lập các nền tảng hạ tầng như trụ sở hành chính, công trình giao thông, bệnh viện, trường học,… hay cả các dự án đầu tư kinh tế trọng điểm mang tính chiến lược của địa phương. Nếu không xác lập các điều kiện về hạ tầng căn bản đó thì địa phương sẽ không thể phát triển hoặc phát triển chậm chạp, đời sống của người dân theo đó sẽ càng khó khăn, lạc hậu. Nơi nào càng xác lập các cơ sở hạ tầng nhanh thì mức độ thay đổi của nơi đó càng lớn, thông thường là theo chiều hướng tích cực như đô thị hóa hay nông thôn mới. Tuy nhiên, tính then chốt nằm ở chỗ là khi Nhà nước quyết định quy hoạch và tiến hành xác lập trên thực địa các điều kiện hạ tầng chung thì buộc phải thu hồi quyền sử dụng đất hợp pháp của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức đang thực hiện quyền chiếm hữu và quyền sử dụng của họ trên mảnh đất bị thu hồi. Mâu thuẫn sẽ xảy ra giữa một bên là lợi ích chung do chủ thể sở hữu đất đầy đủ là Nhà nước và một bên là lợi ích riêng giữa hộ gia đình, cá nhân, tổ chức với quyền chiếm hữu và quyền sử dụng đất hợp pháp theo luật định hiện hành. Xét về mặt logic của tư duy thì không thể vì lợi ích chung mà bất chấp các lợi ích riêng (cái riêng nằm trong cái chung, cái chung bao hàm cái riêng), mặt khác cũng không vì các lợi ích riêng cục bộ mà đánh mất cơ hội để nâng cao hiệu quả của lợi ích chung. Do đó, điều tiết sự hài hòa giữa tính lợi ích chung và riêng là mục đích lớn nhất trong công tác thu hồi đất. Trong nhiều cách để lựa chọn điều tiết thì cách trao đổi, bù đắp ngang bằng cho từng lợi ích riêng luôn được Nhà nước ưu tiên lựa chọn cả trong quy định của pháp luật và trên thực tế, thông qua các cơ chế đàm phán, thỏa thuận mềm dẻo trước khi dùng các biện pháp hành chính cứng nhắc. Trong nhiều cách để điều tiết sự bình đẳng về quyền lợi hợp pháp của chủ thể có đất bị thu hồi thì bồi thường và tái định cư hoặc kết hợp cả hai là ưu việt nhất và được pháp luật lựa chọn áp dụng. Bồi thường có thể bằng tiền mặt tương ứng với giá trị quyền sử dụng đất bị thu hồi, hoặc bồi thường bằng một giá trị quyền sử dụng đất tương đương ở một nơi khác. Quá trình giải quyết bồi thường có tính đến tất cả các thiệt hại thực tế của chủ thể có đất bị thu hồi như nhà xưởng, cây cối, vật nuôi trên đất bị thiệt hại cộng sinh. Ngoài bồi thường thì tái định cư cũng là một giải pháp hiệu quả để ổn định chỗ ở cho những người bị ảnh hưởng do thu hồi đất2. 1 Xem thêm: Nguyễn Đại – Vũ Tươi, 2017, Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành – Nguyên tắc và điều kiện bồi thường đất đai, xác định giá trị quyền sử dụng đất, tiền thuê đất, tài sản gắn liền với đất được hoàn trả khi nhà nước thu hồi đất, Nxb. Lao động 2 Xem thêm: Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; Thông tư số 80/2017/TT-BTC, ngày 02/8/2017 của Bộ trưởng Bộ tài chính hướng dẫn việc xác định giá trị quyền sử dụng dất, tiền thuê đất, tài sản gắn liền với đất được hoàn trả khi nhà nước thu hồi đất và việc quản lý, sử dụng số tiền bồi thường tài sản do Nhà nước giao quản lý sử dụng, số tiền hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất nhưng không được bồi thường về đất. 249
  3. The fourth Scientific Conference - SEMREGG 2018 Hiện có nhiều quy định của pháp luật liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất như Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Thông tư số 80/2017/TT-BTC, ngày 02/8/2017 của Bộ trưởng Bộ tài chính hướng dẫn việc xác định giá trị quyền sử dụng dất, tiền thuê đất, tài sản gắn liền với đất được hoàn trả khi Nhà nước thu hồi đất, cùng một số văn bản pháp lý của địa phương như Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Quyết định của Chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp. Về cơ bản các quy định trên đều vận dụng một cách cụ thể hóa từ Điều 74 đến Điều 87 của Luật đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc Hội. Thế nhưng, tất cả những giải pháp được đưa ra tưởng chừng rất hợp lý như nêu trên vẫn luôn bị khiếu kiện, phản đối rất phức tạp trong hầu hết các dự án thu hồi đất. Phần lớn bị phản đối, khiếu kiện do giá cả đền bù không phù hợp so với “giá chợ đen”, đó là những mức giá mà cánh chủ thể bất động sản chào mua theo cái cớ của “giá thị trường”. Trong khi đó, công tác tái định cư cũng nan giải không kém khi chủ thể có đất bị thu hồi phải thay đổi nơi ở gắn liền với sự xáo trộn không nhỏ các hoạt động khác như học tập con cái, việc làm, thu nhập, mức sống,… làm cho các khu tái định cư thì đang chờ người vào ở rất lãng phí, còn người thì trông chờ một nơi ở tươm tất hơn, tạo ta một nghịch lý rất lớn mỗi khi “bóng đen” thu hồi đất ghé qua một nơi nào đó. Vì vậy, giải quyết vấn đề bồi thường và tái định cư khi thu hồi đất cần phải vận dụng kết hợp nhiều yếu tố, điều kiện khác nhau, trong đó có tính hài hòa giữa xã hội và kinh tế để công tác đền bù đạt hiệu quả cao. 2.2. Hài hòa tính xã hội và tính kinh tế khi thực hiện chính sách thu hồi đất Thông thường công tác bồi thường và tái định cư hay được các chủ thể quan tâm là kinh tế, lấy kinh tế làm thước đo công bằng để xây dựng các chính sách, kể cả các điều kiện xã hội cũng được đo bằng kinh tế như mức sống, chi phí, điều kiện đi lại giữa các khu. Tuy nhiên, để thực hiện báo cáo Hội thảo này thì nhóm Tác giả đã có đi khảo sát ở một số nơi, đặc biệt là những nơi khó trong bồi thường và tái định cư thì kết quả cho thấy tính xã hội cũng quan trọng như tính kinh tế trong quá trình bồi thường và tái định cư. Bồi thường thì còn quy mọi thứ ra được kinh tế mà áp dụng, nhưng tái định cư thì yếu tố xã hội còn lớn hơn cả tính kinh tế. Một ông nhiều năm làm nghề “rút hầm cầu” có đất bị thu hồi và chuyển sang khu tái định cư nhưng lằng nhằng chưa chịu di dời trả lời rất vui, “khu này nhà nhà đều làm nghề rút hầm cầu nên nghe mùi phân quen rồi, về khu mới sạch sẽ quá không có mùi phân nên chịu không nổi”. Một số hộ dân gần đó cũng như ông ta, họ cũng chưa chịu di dời sang khu mới vì yếu tố nghề nghiệp. Nghề nghiệp đặc thù, các dụng cụ, phương tiện nhếch nhác từ xưa nay cả khu như thế, họ rất thoải mái để cất giữ, vận chuyển,… nhưng khi sang khu mới thì các điều kiện đó hầu như không còn nữa, gây trở ngại cho họ trong việc duy trì và ổn định nghề nghiệp3. Mặc dù các yếu tố về kinh tế đã được các chủ thể thu hồi đất giải thích rõ ràng và đền đù tương đương, sòng phẳng về kinh tế, cái trở ngại lớn của họ là tính xã hội. Một số người được khảo sát thì họ quan tâm lớn đến vấn đề học hành của con cái, đặc biệt là cấp tiểu học vì khi ra khu tái định cư mới nếu không làm lại hộ khẩu thì đưa rước con đi học sẽ rất xa, còn nếu làm lại hộ khẩu thì con cái phải chuyển trường trong khi con cái họ đang rất yêu quý ngôi trường đang học. Một số khác thì cân nhắc giữa cơ hội nghề nghiệp, chi phí sinh hoạt, điện, nước, thậm chí cả hàng xóm, láng giềng có tương đồng hay không,…4 Điều đó chứng minh công tác đền đù, đặc biệt là tái định cư được chủ thể có đất bị thu hồi rất quan tâm cân nhắc khi chấp nhận kết quả xử lý thu hồi đất. Do đó, cần phải có giải pháp để hài hòa cả yếu tố xã hội và kinh tế thật sự tốt thì mới đạt hiệu quả thu hồi đất nhanh và ít tranh chấp, khiếu kiện. 3 Nhóm Tác giả khảo sát tại Quận 8 và Khu dự án tái định cư nhà ở xã hội, 35 Hồ Ngọc Lãm, Phường An Lạc, Quận Bình Tân, TP.HCM ngày 14/7/2018. 4 Nhóm Tác giả khảo sát tại Phường Long Bình, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai ngày 15/7/2018 với các dự án tái định cư do Thu hồi đất cho các dự án về kinh tế. 250
  4. Hội nghị Khoa học Công nghệ lần thứ 4 - SEMREGG 2018 Thực ra, nhiều bài toán đặt ra liên quan đến các vấn đề xã hội khi bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong những trường hợp thu hồi đất đều đã có trong các quy định của pháp luật. Ví dụ, Điều 83, Khoản 2 của Luật đất đai 2013 quy định: a) Hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; b) Hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà phải di chuyển chỗ ở; c) Hỗ trợ tái định cư đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở và một số hỗ trợ khác. Tuy vậy, công tác triển khai để vận dụng vào thực tế còn nhiều trường hợp người có đất bị thu hồi chưa được quan tâm, tạo điều kiện đúng mức như quy định của pháp luật. Có thể nói, thực tế này không phải là lỗ hổng của pháp luật gây ra, mà phần lớn là do lỗi quan liêu, thiếu sâu sát thực tiễn của những chủ thể áp dụng pháp luật. Yếu tố kinh tế thì còn có giá trị chung để làm thước đo là giá trị của đồng tiền, nhưng yếu tố xã hội thì lại là đặc tính cá biệt gắn với từng cá nhân, từng hộ gia đình trong tổng hòa bối cảnh của họ, không có một bối cảnh nào giống bối cảnh nào và đòi hỏi của họ về tính xã hội cũng đa dạng, phức tạp. Vì vậy, nhóm Tác giả đề xuất một số giải pháp sau để hài hòa tính kinh tế và tính xã hội trong bồi thường và tái định cư khi thu hồi đất: Thứ nhất, khảo sát nhu cầu của những người trong khu vực quy hoạch thu hồi đất để xác định số đông nhu cầu mà thiết kế các điều kiện tái định cư phục vụ đông đảo chủ thể nhất. Mỗi một cá nhân, mỗi hộ gia đình có những yêu cầu khác nhau, nhưng tổng thể một khu vực thu hồi đất thì sẽ có những nhu cầu lặp lại, giao nhau hoặc gần giống lẫn nhau. Từ sự khảo sát đó mà những người có trách nhiệm sẽ xác định được phân khúc của từng nhu cầu để tư vấn cho từng chủ thể có đất bị thu hồi về đúng nơi ở mà mình mong muốn. Như vậy, cũng có khi là cùng một dự án thu hồi đất nhưng các chủ thể có đất bị thu hồi sẽ được tái định cư ở nhiều nơi rất khác nhau phù hợp với nguyện vọng của họ. Giáo viên sẽ về khu tái định cư của phần đông là giáo viên, công nhân sẽ về khu tái định cư có phần đông là công nhân, người buôn bán sẽ về khu có phần đông là người buôn bán,… Thông qua tái định cư thì Nhà nước cũng có thể điều chỉnh vĩ mô luôn về tái quy hoạch nghề nghiệp, tái quy hoạch thương mại, tái quy hoạch giao thông,… Thứ hai, khi tái định cư thì kết hợp quan tâm vấn đề giáo dục mầm non và tiểu học. Theo như quá trình đi khảo sát thực tiễn của nhóm Tác giả thì 60 % những người được hỏi quan tâm đến vấn đề đưa rước con cái đi học6. Tái định cư thì thực hiện thường xuyên trong năm nhưng các trường học thì nhận nhập học vào đầu năm học, việc chuyển trường giữa chừng của các học sinh thường làm cho các em khó hòa nhập vào môi trường mới. Vì vậy, cần phải xem các trẻ bị ảnh hưởng do tái định cư phải chuyển trường là học sinh cần được quan tâm đặc biệt, tạo điều kiện cho các em được chuyển trường một cách thuận lợi và hòa nhập nhanh nhất trong môi trường mới. Thực tế khảo sát thì tái định cư không phải là lý do được quan tâm khi nộp hồ sơ chuyển trường học mới, mà thay đổi hộ khẩu mới là lý do chính, nên có một số hộ tái định cư mà chưa chuyển được hộ khẩu thì cũng gian nan để chuyển trường học cho con em họ khi về nơi ở mới. Thứ ba, xác định lộ trình thời gian chính xác và tương đối dài khi tái định cư để những chủ thể có đất bị thu hồi sắp xếp hợp lý, không bị động trong điều kiện của họ. Thực tế cho thấy, thời gian chuyển sang nơi ở mới của những chủ thể có đất bị thu hồi hoàn toàn bị động, phụ thuộc vào quyết 6 Nhóm Tác giả khảo sát tại Phường Long Bình, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai ngày 15/7/2018 với các dự án tái định cư do Thu hồi đất cho các dự án về kinh tế 251
  5. The fourth Scientific Conference - SEMREGG 2018 định của bên thu hồi đất, họ không có thời gian để bố trí các kế hoạch hợp lý. Trong khi đó, có nhiều kế hoạch riêng mà họ cần phải thu xếp trước một thời gian rất xa, thời gian dài hay ngắn thực ra đối với họ cũng không quan trọng bằng tính chính xác. Nhiều kế hoạch tái định cư cứ thay đổi liên tục, lúc hoãn, lúc hối, lúc đưa ra kế hoạch tái định cư chỗ này, lúc tái định cư chỗ khác nên làm cho hộ rối tung các kế hoạch riêng. Vì thế, kế hoạch chính xác là một trong những đòi hỏi chính đáng của chủ thể có đất bị thu hồi để họ thương thuyết các điều kiện đền bù và tái định cư. Bên cạnh những yếu tố xã hội như đã đề xuất, pháp luật hiện hành cũng đã đầy đủ các quy định rất mềm dẻo để các bên thương thảo với nhau trong bồi thường và tái định cư theo nội dung, thủ tục, quy trình rất phù hợp. Tuy nhiên, trong quá trình vận dụng một số chủ thể đã cứng nhắc, thiếu kiềm chế, không am hiểu pháp luật nên có một số trường hợp xảy ra tranh chấp, khiếu kiện. Vì vậy mà công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đất đai liên quan đến thu hồi đất, bồi thường và tái định cư cũng cần được tăng cường nhiều hơn. Quá trình xác định các yếu tố kinh tế cần được minh bạch để các bên dễ thông cảm với nhau hơn trong quá trình đàm phán, thương thuyết. 3. KẾT LUẬN Thu hồi đất là hoạt động thường xuyên để tiến hành các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật cho chính trị, an ninh, quốc phòng và các dự án kinh tế. Hoạt động đó đòi hỏi phải có sự đền bù thỏa đáng cho chủ thể có đất bị thu hồi như bồi thường thiệt hại hoặc tái định cư chỗ ở mới cho họ. Bồi thường và tái định cư là hoạt động rất phức tạp, liên quan đến lợi ích và đời sống của người dân nên phải chú trọng hiệu quả, hạn chế ít nhất những tranh chấp, khiếu kiện, thậm chí là khiếu kiện kéo dài. Chú trọng hài hòa giữa tính xã hội và tính kinh tế là những giải pháp thực tiễn rất hữu ích để nâng cao hiệu quả bồi thường và tái định cư. Nó giúp cho các chủ thể hiểu nhau hơn và đến với nhau gần gũi hơn trong quá trình đàm phán, thương thảo công tác bồi thường và tái định cư. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Nguyễn Đại - Vũ Tươi, 2017 - Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành - Nguyên tắc và điều kiện bồi thường đất đai, xác định giá trị quyền sử dụng đất, tiền thuê đất, tài sản gắn liền với đất được hoàn trả khi Nhà nước thu hồi đất, Nxb. Lao động. 2. Trường Đại học Luật TP. HCM - “Giáo trình Luật đất đai”, Nxb. Hồng Đức, TP. HCM, 2018. 3. Viện Ngôn ngữ học - “Từ điển tiếng Việt phổ thông”, Nxb. Phương Đông, 2002. 4. Đỗ Xuân Trọng - “Chỉ dẫn áp dụng Luật đất đai năm 2013”, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2016. 5. Phạm Thị Hương Lan - “Bình luận khoa học Luật đất đai 2013”, Nxb. Lao động, Hà Nội, 2018. 6. Trần Quang Huy - “Bình luận Chế định quản lý Nhà nước về đất đai trong Luật đất đai 2013”, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2017. 7. Richard H. Thaler & Cass R. Sunstein - “Cú hích Nudge”, Nxb. Tổng hợp TP.HCM, 2017. 8. Daniel Kahneman - “Tư duy nhanh và chậm”, Nxb. Thế Giới, 2015. 252
  6. Hội nghị Khoa học Công nghệ lần thứ 4 - SEMREGG 2018 INVESTIGATING ON HOW TO ASSOCIATE SOCIAL PROBLEMS AND ECONOMIC FACTORS IN COMPENSATION AND RESETTLEMENT PROCESSES OF LAND ACQUYSITION M. A. Dang Hoang Vu, M. A. Nguyen Thi Ngoc Faculty of Law and Political theory, Hochiminh City University of Natural Resources and Environment Land acquysition is an essential commission in land distribution, paying an important role in the development of the regions in particular and the whole nation in general. In the land acquysition, the issues of compensation and resettlement for legal landlords are always dilemma problems in all land-acquyring projects. It is, therefore, imperative to mingle social problems and economic factors in order to bring about better results of acquyring lands. Keywords: social problems, economic factors, compensation, resettlement, land acquysition. 253
nguon tai.lieu . vn