Xem mẫu

  1. Chương 5 KHIẾU NẠI VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, QUYẾT ĐỊNH KỶ LUẬT CÁN BỘ CÔNG CHỨC I. KHÁI NIỆM KHIẾU NẠI, QUYẾT ĐỊNH KỶ LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC 1. Khái niệm Khiếu nại quyết định kỷ luật là việc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật Khiếu nại quy định đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình. 2. Chủ thể khiếu nại quyết định kỷ luật Theo quy định của Luật Khiếu nại phạm vi chủ thể khiếu nại được giới hạn là cán bộ, công chức. Điều 4 của Luật cán bộ, công chức quy định: - Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước. - Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp 57
  2. công lập theo quy định của pháp luật. - Cán bộ xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) là công dân Việt Nam, được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ trong Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội; công chức cấp xã là công dân Việt Nam được tuyển dụng giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước. 3. Đối tượng khiếu nại Quyết định kỷ luật là quyết định bằng văn bản của người đứng đầu cơ quan, tổ chức để áp dụng một trong các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý của mình theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức. Ở đây cần phân biệt quyết định kỷ luật cán bộ, công chức với các loại quyết định kỷ luật khác như: quyết định kỷ luật viên chức, quyết định kỷ luật thành viên của các tổ chức chính trị, chính trị-xã hội, quyết định kỷ luật người lao động; các loại quyết định này không được điều chỉnh bởi Luật Khiếu nại. II. THỜI HIỆU, THỜI HẠN, TRÌNH TỰ THỦ TỤC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI QUYẾT ĐỊNH KỶ LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC 1. Thời hiệu khiếu nại Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 15 ngày, kể từ ngày cán bộ, công chức nhận được quyết định kỷ luật. Thời hiệu khiếu nại lần hai là 10 ngày, kể từ ngày cán bộ, công chức nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu; đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc thì thời hiệu khiếu nại lần hai là 30 ngày, kể từ ngày cán bộ, công chức nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu. Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại. Như vậy, so với thời hiệu khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính, thời hiệu khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức được 58
  3. qui định ngắn hơn. Việc qui định thời hiệu khiếu nại ngắn hơn xuất phát từ lý do: - Quan hệ khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ công chức là quan hệ trong nội bộ các cơ quan, tổ chức. - Việc giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ công chức cần tiến hành nhanh chóng để đảm bảo sự liên tục, thông suốt của hoạt động công vụ. - Khi xử lý kỷ luật cán bộ, công chức về nguyên tắc người bị kỷ luật phải có mặt tại Hội đồng kỷ luật, do đó họ có thể nhận thức được việc xử lý kỷ luật có hợp lý hay không và nhanh chóng quyết định việc khiếu nại quyết định kỷ luật đó hay không. 2. Thủ tục khiếu nại Việc khiếu nại phải được thực hiện bằng đơn. Trong đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm, họ, tên, địa chỉ của người khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và có chữ ký của người khiếu nại. Đơn khiếu nại lần đầu phải được gửi đến người đã ra quyết định kỷ luật. Đơn khiếu nại lần hai được gửi đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai. III. GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI LẦN ĐẦU 1. Thời hạn thụ lý và giải quyết khiếu nại Thời hạn thụ lý và giải quyết khiếu nại lần đầu, lần hai như sau: - Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải thụ lý để giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết. - Thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý. - Ở đây cần chú ý về thủ tục thụ lý đó là cơ quan có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, kể cả trường hợp đủ điều kiện thụ lý cũng như không đủ điều kiện thụ lý, nếu không thủ lý thì phải nêu rõ lý do. Tuy nhiên, nếu khiếu nại không thuộc thẩm quyền giải quyết thì cơ quan tiếp nhận không thụ lý và không phải thông báo bằng văn bản mà chỉ 59
  4. chỉ hướng dẫn cho người khiếu nại, khiếu nại đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết, việc hướng dẫn chỉ thực hiện mọt lần đối với một vụ việc. 2. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại - Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức theo phân cấp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định kỷ luật do mình ban hành. - Người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức quản lý cán bộ, công chức có thẩm quyền giải quyết trong trường hợp còn khiếu nại tiếp. - Bộ trưởng Bộ Nội vụ có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật mà Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết. 3. Xác minh nội dung khiếu nại Trong quá trình giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm sau đây: - Trực tiếp hoặc phân công người có trách nhiệm kiểm tra lại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức bị khiếu nại, xem xét nội dung khiếu nại. Nếu xét thấy nội dung khiếu nại đã rõ thì yêu cầu Hội đồng kỷ luật cán bộ, công chức xem xét để đề nghị người có thẩm quyền giải quyết. - Trường hợp nội dung khiếu nại chưa được xác định rõ thì tự mình hoặc giao người có trách nhiệm xác minh, kết luận nội dung khiếu nại. Người có trách nhiệm xác minh có các quyền, nghĩa vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 29 của Luật Khiếu nại. Việc xác minh nội dung khiếu nại phải lập thành văn bản, báo cáo người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Sau khi có kết quả xác minh nội dung khiếu nại thì yêu cầu Hội đồng kỷ luật cán bộ, công chức xem xét để đề nghị người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. 4. Tổ chức đối thoại - Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, trước khi ra quyết định giải quyết khiếu nại phải tổ chức đối thoại với người khiếu nại. 60
  5. Thành phần tham gia đối thoại bao gồm người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại chủ trì, người khiếu nại, người có trách nhiệm xác minh, những người khác có liên quan. - Khi đối thoại, người giải quyết khiếu nại phải nêu rõ nội dung cần đối thoại, kết quả xác minh nội dung khiếu nại; người tham gia đối thoại có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ liên quan đến khiếu nại và yêu cầu của mình. - Việc đối thoại phải được lập thành biên bản; biên bản phải ghi rõ ý kiến của những người tham gia, kết quả đối thoại, có chữ ký của người tham gia; trường hợp người tham gia đối thoại không ký xác nhận thì phải ghi rõ lý do; biên bản này được lưu vào hồ sơ giải quyết khiếu nại. - Kết quả đối thoại là một trong các căn cứ để giải quyết khiếu nại. 5. Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu Trong thực tế hiện nay, khi giải quyết khiếu nại cơ quan nhà nước có thẩm quyền đôi khi ban hành văn bản giải quyết không đúng qui định như ra thông báo, công văn về việc giải quyết khiếu nại. Theo qui định của pháp luật người giải quyết khiếu nại lần đầu phải ra quyết định giải quyết khiếu nại bằng văn bản. Quyết định giải quyết khiếu nại phải có các nội dung sau đây: - Ngày, tháng, năm ra quyết định; - Tên, địa chỉ của người khiếu nại, người bị khiếu nại; - Nội dung khiếu nại; - Kết quả xác minh nội dung khiếu nại; - Kết quả đối thoại; - Căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại; - Kết luận nội dung khiếu nại là đúng, đúng một phần hoặc sai toàn bộ; - Giữ nguyên, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ một phần hay toàn bộ quyết định kỷ luật bị khiếu nại; - Việc bồi thường cho người bị thiệt hại (nếu có); - Quyền khiếu nại lần hai hoặc quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc. Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu phải được gửi cho người khiếu nại và cơ quan, tổ chức hữu quan. 61
  6. IV. GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI LẦN HAI 1. Thụ lý giải quyết khiếu nại lần thứ hai Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 11 của Luật Khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần hai phải thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đã chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp biết; trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do. Đối với vụ việc khiếu nại phức tạp, nếu thấy cần thiết, người giải quyết khiếu nại lần hai thành lập Hội đồng tư vấn để tham khảo ý kiến giải quyết khiếu nại. 2. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai có trách nhiệm sau đây - Yêu cầu người ban hành quyết định kỷ luật cán bộ, công chức bị khiếu nại báo cáo việc xem xét kỷ luật và giải quyết khiếu nại của người bị kỷ luật. - Tự mình hoặc giao cho người có trách nhiệm xác minh tiến hành xác minh, kết luận nội dung khiếu nại. Việc xác minh nội dung khiếu nại phải lập thành văn bản và báo cáo người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. - Chủ trì tổ chức đối thoại với người khiếu nại. Thành phần tham gia đối thoại bao gồm: + Người khiếu nại; + Người có trách nhiệm xác minh nội dung khiếu nại; + Người bị khiếu nại. - Nội dung đối thoại theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 53 của Luật Khiếu nại. 3. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai Thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý. 4. Xác minh nội dung khiếu nại lần hai Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai căn cứ vào nội dung, tính chất của việc khiếu nại, tự mình tiến hành xác minh, kết luận nội 62
  7. dung khiếu nại hoặc giao cho người có trách nhiệm xác minh nội dung khiếu nại và kiến nghị giải quyết khiếu nại. Việc xác minh thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 29 của Luật Khiếu nại. 5. Tổ chức đối thoại lần hai Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người giải quyết khiếu nại tiến hành đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại, hướng giải quyết khiếu nại. Việc tổ chức đối thoại lần hai thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Khiếu nại. 6. Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai phải có những nội dung sau đây: - Ngày, tháng, năm ra quyết định; - Tên, địa chỉ của người khiếu nại, người bị khiếu nại; - Nội dung khiếu nại; - Kết quả xác minh; - Kết quả đối thoại; - Căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại; - Kết luận về từng vấn đề cụ thể trong nội dung khiếu nại của người bị kỷ luật và việc giải quyết của người giải quyết khiếu nại lần đầu; - Việc bồi thường cho người bị thiệt hại (nếu có); - Quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc. Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai phải được gửi cho người khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu, người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày ban hành. Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải được gửi cho Tổng thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ. 63
  8. V. HIỆU LỰC CỦA QUYẾT ĐỊNH GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, KHỞI KIỆN VỤ ÁN HÀNH CHÍNH 1. Quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực Quyết định giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức có hiệu lực pháp luật bao gồm: - Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành mà người khiếu nại không khiếu nại lần hai; - Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành. Quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật có hiệu lực thi hành ngay. Trường hợp công chức giữ chức vụ từ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống bị kỷ luật buộc thôi việc mà không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc hoặc hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu, lần hai theo quy định tại Điều 50 của Luật Khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính. 2. Thi hành quyết định giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật cán bộ, công chức có hiệu lực pháp luật Khi quyết định giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật cán bộ, công chức có hiệu lực pháp luật thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi cán bộ, công chức làm việc có trách nhiệm công bố công khai quyết định giải quyết đến toàn thể cán bộ, công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị; áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền hoặc phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan thi hành quyết định giải quyết khiếu nại đó; bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. VI. THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI QUYẾT ĐỊNH KỶ LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC 1. Nguyên tắc chung Khiếu nại đối với quyết định kỷ luật của Thủ trưởng cơ quan nào thì Thủ trưởng cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết; trong trường hợp còn khiếu nại tiếp thì Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp có trách nhiệm giải quyết. 64
  9. 2. Thẩm quyền cụ thể a. Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc Sở Giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật do mình ban hành. b. Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền - Giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật do mình ban hành; - Giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật mà Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc Sở đã giải quyết lần đầu nhưng còn có khiếu nại. c. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có thẩm quyền - Giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật do mình ban hành. - Giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật mà Thủ trưởng cơ quan thuộc Bộ, thuộc cơ quan ngang Bộ, thuộc cơ quan thuộc Chính phủ đã giải quyết lần đầu nhưng còn có khiếu nại. d. Bộ trưởng Bộ Nội vụ có thẩm quyền - Giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật do mình ban hành. - Giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật mà Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã giải quyết lần đầu nhưng còn có khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại này là quyết định có hiệu lực pháp luật. Thủ trưởng cơ quan nhà nước có trách nhiệm giải quyết khiếu nại đối với quyết định kỷ luật thuộc thẩm quyền; trong trường hợp cần thiết thì giao cho cơ quan, bộ phận quản lý nhân sự hoặc cơ quan thanh tra cùng cấp tiến hành xác minh, kết luận và kiến nghị việc giải quyết. CÂU HỎI ÔN TẬP CHƯƠNG 5 Câu 1. B là chuyên viên của phòng thi hành án tỉnh Y do có hành vi vi phạm trong khi thi hành công vụ, bị thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định buộc thôi việc. B không đồng ý với quyết định trên. Hãy cho biết: 1. B phải khiếu nại đến cơ quan nhà nước nào để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình? 2. Để khởi kiện vụ việc ra trước tòa án hành chính B phải tiến hành như thế nào? 65
  10. Câu 2. A là chuyên viên của phòng Tư pháp huyện N, tỉnh M do có hành vi vi phạm trong khi thi hành công vụ, bị thủ trưởng cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định buộc thôi việc, A không đồng ý với quyết định trên. Hãy cho biết: 1. A phải khiếu nại đến cơ quan nhà nước nào để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình? 2. Cho biết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu, lần thứ 2? Câu 3. Lê Văn Nam là công chức của sở Tư pháp tỉnh K, có hành vi vi phạm kỷ luật công vụ, bị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định buộc thôi việc vào ngày 15/3/2012, Lê Văn Nam không đồng ý với quyết định trên nên muốn khiếu nại đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 1. Hãy cho biết thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu, lần thứ hai? 2. Thời hạn khiếu nại lần đầu là bao nhiêu ngày? Tính từ ngày nào? Câu 4. Những đối tượng sau đây đối tượng nào được khiếu nại quyết định kỷ luật theo qui định của Luật Khiếu nại tố cáo. 1. Bí thư Đảng ủy cấp xã. 2. Chủ tịch hội nông dân xã. 3. Giảng viên trường Đại học. 4. Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh. 5. Chuyên viên văn phòng UB tỉnh. 6. Giám đốc Sở công an. 7. Thư ký Tòa án. 8. Chấp hành viên phòng thi hành án. 9. Giám đốc Sở tư pháp. 10. Chánh án tòa án Quân sự khu vực. 11. Chủ nhiệm Đoàn Luật sư. 12. Chuyên viên văn phòng Quốc hội. 13. Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản. 14. Phóng viên Báo tuổi trẻ. 15. Phát thanh viên Đài tiếng nói Việt Nam. 66
  11. Chương 6 NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ TỐ CÁO I. KHÁI NIỆM TỐ CÁO Theo qui định tại khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo 2011 thì tố cáo là việc công dân theo thủ tục do Luật Tố cáo quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ là việc công dân báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực là việc công dân báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào đối với việc chấp hành quy định pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực. Như vậy, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp (Điều 74, Hiến pháp 1992) và được cụ thể hoá trong Luật Khiếu nại, tố cáo năm 1998 và hiện nay là Luật Tố cáo 2011. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân thực hiện tốt quyền tố cáo, bởi vì thông qua việc tố cáo của công dân cơ quan nhà nước phát hiện ra được các hành vi vi phạm pháp luật để ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh. Qua xem xét khái niệm tố cáo trong Luật Tố cáo 2011, cho thấy: - Xét về đối tượng tố cáo có phạm vi rộng hơn đối tượng khiếu nại. - Việc giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan nhà nước khác nhau. - Thủ tục giải quyết tố cáo do nhiều văn bản điều chỉnh. Chính vì vậy trình tự thủ tục giải quyết tố cáo luật chỉ quy đinh mang tính nguyên tắc. 67
  12. II. QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC BÊN THAM GIA QUAN HỆ TỐ CÁO VÀ GIẢI QUYẾT TỐ CÁO Quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia quan hệ tố cáo và giải quyết tố cáo là một nội dung cơ bản trong Luật Tố cáo luôn được các nhà làm luật quan tâm và từng bước hoàn thiện. So với Pháp lệnh giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân 1991 và Luật Khiếu nại, tố cáo 1998 thì Luật Tố cáo 2011 có nhiều điểm mới, cụ thể: 1. Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo 1.1. Quyền của người tố cáo - Gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Như vậy, khi thực hiện quyền tố cáo công dân có thể thực hiện bằng hai phương thức gửi đơn tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền hoặc trực tiếp đến cơ quan có thẩm quyền trình bày về nội dung tố cáo. Qui định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi đi tố cáo. - Được giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của mình; Trong thực tế hiện nay, tình trạng người tố cáo bị người tố cáo bị đe doạ, trù dập, trả thù vẫn còn xãy ra tương đối nhiều nên tâm lý người tố cáo nhiều khi còn e ngại không dám công khai tố cáo, vì vậy qui định này là một trong những biện pháp để đảm bảo an toàn cho người tố cáo. - Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thông báo về việc thụ lý giải quyết tố cáo, thông báo chuyển vụ việc tố cáo sang cơ quan có thẩm quyền giải quyết, thông báo kết quả giải quyết tố cáo; - Tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo không được giải quyết; - Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe dọa, trả thù, trù dập; - Được khen thưởng theo quy định của pháp luật. 1.2. Nghĩa vụ của người tố cáo - Nêu rõ họ, tên, địa chỉ của mình; 68
  13. - Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được; - Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo của mình; - Bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra. 2. Quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo 2.1. Quyền của người bị tố cáo - Được thông báo về nội dung tố cáo; - Đưa ra chứng cứ để chứng minh nội dung tố cáo là không đúng sự thật; - Nhận thông báo kết luận nội dung tố cáo; - Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người cố ý tố cáo sai sự thật, người cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật; - Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, được xin lỗi, cải chính công khai, được bồi thường thiệt hại do việc tố cáo, giải quyết tố cáo không đúng gây ra. 2.2. Nghĩa vụ của người bị tố cáo - Giải trình bằng văn bản về hành vi bị tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu; - Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định xử lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền; - Bồi thường, bồi hoàn thiệt hại do hành vi trái pháp luật của mình gây ra. 3. Quyền và nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo 3.1. Quyền của người giải quyết tố cáo - Yêu cầu người tố cáo cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo; - Yêu cầu người bị tố cáo giải trình bằng văn bản về hành vi bị tố cáo; - Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo; - Tiến hành các biện pháp kiểm tra, xác minh, thu thập chứng cứ để giải quyết tố cáo theo quy định của pháp luật; áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để ngăn chặn, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật; - Kết luận về nội dung tố cáo; 69
  14. - Quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. 3.2. Nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo - Bảo đảm khách quan, trung thực, đúng pháp luật trong việc giải quyết tố cáo; - Áp dụng các biện pháp cần thiết theo thẩm quyền hoặc yêu cầu cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp để bảo vệ người tố cáo, người thân thích của người tố cáo, người cung cấp thông tin có liên quan đến việc tố cáo; - Không tiết lộ thông tin gây bất lợi cho người bị tố cáo khi chưa có kết luận về nội dung tố cáo; - Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc giải quyết tố cáo; - Bồi thường, bồi hoàn thiệt hại do hành vi giải quyết tố cáo trái pháp luật của mình gây ra. III. BẢO VỆ NGƯỜI TỐ CÁO Đây là điểm mới của Luật Tố cáo 2011 so với pháp luật về tố cáo trước đây là đã giành riêng một mục để qui định những vấn đề về bảo vệ người tố cáo. Điều này xuất phát từ thực tiển hoạt động tooa cáo và giải quyết tố cáo ở nước ta trong những năm qua. Tình trạng người tố cáo bị trả thù, bị trù dập diễn ra khá nhiều, điều đó làm ảnh hưởng đến tinh thần đấu tranh chống lại các hành vi vi phạm pháp luật trong nhân dân do tâm lý không được an toàn khi đi tố cáo, đặc biệt là tố cáo những người có chức quyền trong bộ máy nhà nước. Để khắc phục tình trạng trên Luật Tố cáo 2011 đã qui định cụ thể vấn đề bảo vệ người tố cáo. 1. Phạm vi đối tượng được bảo vệ Trước hết Luật xác định phạm vi đối tượng được bảo vệ bao gồm người tố cáo, người thân thích của người tố cáo. Trong thực tế khi thực hiện hành vi trả thù người tố cáo, người bị tố cáo không chỉ nhằm vào người tố cáo mình mà còn nhằm cả vào thân nhân của họ, như bắt cóc vợ, con người tố cáo để gây sức ép, đặt mìn, ném lựu đạn vào nhà người tố cáo. Chính vì vậy, không chỉ người tố cáo mà thân nhân của họ cũng cần được pháp luật bảo vệ. 70
  15. 2. Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo được bảo vệ Để đảm bảo quyền được bảo vệ pháp luật cũng qui định cụ thể quyền của người được bảo vệ. Người tố cáo có quyền yêu cầu người giải quyết tố cáo, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ mình hoặc người thân thích của mình khi có căn cứ xác định việc bị kỷ luật, buộc thôi việc, luân chuyển công tác hoặc bị các hình thức trù dập, phân biệt đối xử khác, bị đe dọa xâm hại hoặc xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác do việc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật; Được thông báo về biện pháp bảo vệ được áp dụng; đề nghị thay đổi biện pháp bảo vệ nếu có căn cứ cho rằng biện pháp đó không bảo đảm an toàn; được từ chối áp dụng biện pháp bảo vệ; Yêu cầu gia hạn thời hạn bảo vệ; yêu cầu bảo vệ lại; được bồi thường theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp người tố cáo yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp cần thiết để bảo vệ mình mà các cơ quan, tổ chức, cá nhân đó không áp dụng hoặc áp dụng không kịp thời, không đúng quy định của pháp luật, gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản, tổn thất về tinh thần cho người được bảo vệ. Bên cạnh việc xác định quyền của người tố cáo, để công tác bảo vệ người tố cáo có hiệu quả pháp luật cũng qui định nghĩa vụ của người tố cáo phải gửi văn bản yêu cầu bảo vệ đến người giải quyết tố cáo hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo. Trong trường hợp khẩn cấp, có thể gặp trực tiếp hoặc thông qua các hình thức thông tin khác để yêu cầu được bảo vệ ngay nhưng sau đó phải gửi văn bản yêu cầu chính thức đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ. Khi yêu cầu bảo vệ, người tố cáo phải cung cấp thông tin, tài liệu, căn cứ xác định việc bị xâm phạm hoặc đe dọa xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín hoặc quyền, lợi ích hợp pháp khác là xác thực và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin, tài liệu đã cung cấp. Việc cung cấp thông tin tài liệu chính xác là hết sức quan trọng vì đây là cơ sở để cơ quan bảo vệ người tố cáo xác định biện pháp, thời gian để bảo vệ người tố cáo có hiệu quả nhất. Đặc biệt người tố cáo phải tuân thủ yêu cầu mà cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ đưa ra có liên quan đến công tác bảo vệ; không được tiết lộ biện pháp bảo vệ cho người khác biết. 71
  16. 3. Phương thức bảo vệ người tố cáo 3.1. Bảo vệ bí mật thông tin về người tố cáo Khi đi tố cáo theo qui định của Luật Tố cáo 2011 người tố cáo phải cung cấp tài liệu chứng cứ, phải nêu rõ họ tên địa chỉ của mình do đó cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi tiếp nhận tố cáo, giải quyết tố cáo, khai thác, sử dụng thông tin, tài liệu do người tố cáo cung cấp có trách nhiệm giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của người tố cáo; đồng thời phải áp dụng biện pháp cần thiết theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có biện pháp cần thiết để giữ bí mật thông tin và bảo vệ cho người tố cáo. 3.2. Bảo vệ người tố cáo tại nơi công tác, làm việc Khi tố cáo những người có chức vụ trong cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị kinh tế,... thì người tố cáo phải đối mặt với cấp trên của mình, người nắm trong tay sinh mệnh chính trị cũng như những quyền lợi ích của người tố cáo. Người bị tố cáo có thể lợi dụng "việc công" để trả "thù tư". Vì vậy, Luật qui định: "người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác, làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế và các cơ quan, tổ chức khác được bảo đảm vị trí công tác, không bị phân biệt đối xử về việc làm dưới mọi hình thức. Người có thẩm quyền quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không được phân biệt đối xử về việc làm đối với người tố cáo; không được trả thù, trù dập, đe dọa, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo". Luật cũng qui định cụ thể trình tự thủ tục để thực hiện quyền được bảo vệ của người tố cáo trong trường hợp này đó là khi người tố cáo có căn cứ cho rằng mình bị phân biệt đối xử về việc làm dẫn đến giảm thu nhập, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì có quyền yêu cầu người đã giải quyết tố cáo hoặc người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền quản lý, sử dụng mình có biện pháp xem xét, xử lý đối với người có hành vi đó; người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động có quyền yêu cầu tổ chức công đoàn cơ sở, cơ quan quản lý lao động địa phương có biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. 72
  17. Đối với các cơ quan nhà nước có trách nhiệm bảo vệ người tốc cao thì khi nhận được yêu cầu của người tố cáo, người có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra, xác minh; nếu yêu cầu của người tố cáo là chính đáng thì áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền hoặc yêu cầu người có thẩm quyền áp dụng biện pháp để bảo vệ như: Đình chỉ, tạm đình chỉ, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định xử lý kỷ luật hoặc quyết định khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo; khôi phục vị trí công tác, vị trí việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm cho người tố cáo; xử lý kịp thời người có hành vi trả thù, trù dập, đe dọa làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo. 3.3. Bảo vệ người tố cáo tại nơi cư trú Không chỉ bảo vệ người tố cáo nơi làm việc, pháp luật còn qui định việc bảo vệ người tố cáo nơi cư trú. Việc bảo vệ người tố cáo nơi cư trú thuộc về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm bảo đảm để người tố cáo không bị phân biệt đối xử, trả thù, trù dập, đe dọa, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo; bảo đảm người tố cáo không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân tại nơi cư trú. Khi người tố cáo có căn cứ cho rằng mình bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân tại nơi cư trú thì có quyền yêu cầu người đã giải quyết tố cáo để người giải quyết tố cáo yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền có biện pháp bảo vệ, khôi phục các quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo đã bị xâm phạm, đồng thời xem xét, xử lý người có hành vi vi phạm. Khi nhận được yêu cầu của người giải quyết tố cáo về việc áp dụng biện pháp bảo vệ đối với người tố cáo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân có trách nhiệm kiểm tra, xác minh, quyết định áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để bảo vệ như đình chỉ, tạm đình chỉ, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính, hành vi hành chính xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo; khôi phục các quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo đã bị xâm phạm; xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với người có hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo. 73
  18. 3.4. Bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người tố cáo Người tố cáo không chỉ bị trả thù trù dập nơi cư trú, nơi làm việc mà họ còn có thể bị trả thù ở bất cứ nơi đâu. Việc trả thù này có thể gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của họ. Vì vậy, Luật qui định khi người tố cáo có căn cứ cho rằng việc tố cáo có thể gây nguy hại đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình hoặc người thân thích của mình thì có quyền yêu cầu người giải quyết tố cáo hoặc cơ quan công an áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết. Người giải quyết tố cáo khi nhận được thông tin người tố cáo bị đe dọa, trả thù, trù dập thì có trách nhiệm chỉ đạo hoặc phối hợp với cơ quan công an hoặc cơ quan khác có thẩm quyền có biện pháp kịp thời ngăn chặn, bảo vệ người tố cáo và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với người có hành vi đe dọa, trả thù, trù dập người tố cáo. Trường hợp yêu cầu của người tố cáo là chính đáng thì người giải quyết tố cáo hoặc cơ quan công an kịp thời áp dụng các biện pháp hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp để bảo vệ người tố cáo và người thân thích của họ như bố trí nơi tạm lánh khi người tố cáo, người thân thích của họ có nguy cơ bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe; bố trí lực lượng, phương tiện, công cụ để trực tiếp bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín cho người tố cáo và người thân thích của họ tại nơi cần thiết; áp dụng biện pháp ngăn chặn, xử lý hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người tố cáo và người thân thích của người tố cáo theo quy định của pháp luật. IV. THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT TỐ CÁO 1. Nguyên tắc chung về phân định thẩm quyền giải quyết tố cáo Do hành vi tố cáo rất đa dạng nên thẩm quyền giải quyết tố cáo cũng thuộc nhiều cơ quan nhà nước khác nhau. Chính vì vậy, trong Luật Tố cáo chỉ đề ra nguyên tắc chung về thẩm quyền giải quyết tố cáo. Luật Tố cáo quy định: Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật mà nội dung liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nào thì cơ quan đó có trách nhiệm giải quyết. 74
  19. Tố cáo hành vi phạm tội do cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết theo qui định của pháp luật tố tụng hình sự. 2. Thẩm quyền giải quyết tố cáo của các cơ quan hành chính nhà nước - Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật mà người bị tố cáo thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan tổ chức nào thì cơ quan tổ chức đó có trách nhiệm giải quyết. - Tố cáo hành vi vi phạm về nhiệm vụ công vụ của người thuộc cơ quan tổ chức nào thì người đứng đầu cơ quan tổ chức đó có trách nhiệm giải quyết. - Tố cáo hành vi vi phạm về nhiệm vụ công vụ của người đứng đầu cơ quan tổ chức thì người đứng đầu cơ quan tổ chức cấp trên trực tiếp của người đó giải quyết. 3. Thẩm quyền cụ thể - Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người do mình quản lý trực tiếp. - Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Trưởng ban, Phó Trưởng ban thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và những người khác do mình bổ nhiệm và quản lý trực tiếp. - Giám đốc Sở có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng thuộc Sở và những người khác do mình bổ nhiệm và quản lý trực tiếp. - Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc, Phó Giám đốc Sở và những người khác do mình bổ nhiệm và quản lý trực tiếp. - Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, thuộc cơ quan ngang Bộ, thuộc cơ quan thuộc Chính phủ và những người khác do mình bổ nhiệm và quản lý trực tiếp. 75
  20. - Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Bộ trưởng, Thứ trưởng, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và những người khác do mình bổ nhiệm và quản lý trực tiếp. CÂU HỎI ÔN TẬP CHƯƠNG 6 Câu 1. Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo? Câu 2. Quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo? Câu 3. Quyền và nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo? Câu 4. Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo được bảo vệ? Câu 5. Phương thức bảo vệ người tố cáo? Câu 6. Cho biết thẩm quyền giải quyết tố cáo của thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước? 76
nguon tai.lieu . vn