Xem mẫu

  1. UBND TỈNH LONG AN ĐÁNH GIÁ 10 NĂM XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI VÀ NHỮNG TỒN TẠI, THÁCH THỨC TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI CỦA TỈNH LONG AN I. ĐÁNH GIÁ 10 NĂM THỰC HIỆN XÂY DỰNG NTM Long An là tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), với tổng diện tích tự nhiên 449.194 ha. Toàn tỉnh có 192 xã, phường, thị trấn; trong đó, có 166 xã tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM), với tổng diện tích tự nhiên là 436.302 ha, chiếm 97% diện tích toàn tỉnh. Năm 2010, toàn tỉnh chưa có xã đạt trên 13 tiêu chí, đặc biệt là còn 67/166 xã đạt từ 2-5 tiêu chí; số tiêu chí đạt bình quân/xã là khoảng 6 tiêu chí. Đến cuối năm 2015, số tiêu chí đạt bình quân/xã là 14,1 tiêu chí, toàn tỉnh đã có 43/166 xã đạt chuẩn NTM, không còn xã dưới 6 tiêu chí. Đến tháng 9/2019, số tiêu chí đạt bình quân/xã là 15,5 tiêu chí, toàn tỉnh đã có 77/166 xã đạt chuẩn NTM, chỉ còn 5 xã đạt dưới 10 tiêu chí. Về xây dựng xã NTM nâng cao: Tỉnh Long An đã ban hành Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao và năm 2019 và đã tổ chức triển khai xây dựng điểm tại xã Phước Hậu (huyện Cần Giuộc) và xã Hòa Phú (huyện Châu Thành). Đến tháng 9/2019, xã Hòa Phú đã cơ bản đạt 4/5 tiêu chí NTM nâng cao; xã Phước Hậu cơ bản đạt 2/5 tiêu chí NTM nâng cao. Dự kiến cuối năm 2019, hai xã trên sẽ trình UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Về xây dựng huyện NTM:Đến tháng 9/2019, tỉnh đã thẩm tra và hoàn chỉnh hồ sơ trình Trung ương thẩm định, công nhận huyện Châu Thành đạt chuẩn NTM. Theo lộ trình Trung ương sẽ xem xét công nhận vào cuối năm 2019. Việc công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao và huyện NTM là bước phát triển quan trọng về chất lượng trong xây dựng NTM của tỉnh, thể hiện quan điểm xây dựng NTM là một quá trình liên tục và không có điểm kết thúc. Vềhuy động nguồn lực cho xây dựng NTM: Từ năm 2010 đến năm 2019, toàn tỉnh đã huy động được 75.289 tỷ đồng, gồm có: Ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp 999,7 tỷ đồng, chiếm 1,3%; ngân sách tỉnh hỗ trợ trực tiếp 573 tỷ đồng, chiếm 0,8%; vốn lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn 10.835 tỷ đồng, chiếm 14,4%; vốn huy động từ doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác 550 tỷ đồng, chiếm 0,7%; vốn huy động cộng đồng dân cư 6.673 tỷ đồng, chiếm 8,9%; vốn tín dụng 54.657,8 tỷ đồng, chiếm 72,6%. Nhìn chung, việc huy động người dân và cộng đồng dân cư đóng góp xây dựng NTM được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch và không có tình trạng huy động quá sức dân, nên được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Có thể nói, kết quả lớn nhất của tỉnh qua 10 năm xây dựng NTM là: Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới rõ rệt; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư theo hướng hiện đại; đời sống vật chất tinh thần nhân dân không ngừng nâng cao, thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực nông thôn tăng từ 15,6 triệu đồng năm 2010 lên 45 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 7,37% năm 2010 xuống còn 2,22%. Trong sản xuất nông nghiệp đã xây dựng được các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, ứng 129
  2. dụng công nghệ cao có hiệu quả; chất lượng nông sản ngày càng tăng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thông tin, thể dục thể thao ngày càng được chú trọng, mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Hệ thống chính trịở nông thôn hoạt động ngày càng tiến bộ, có nhiều đổi mới; trật tự an toàn xã hội ở nông thôn được giữ vững, quốc phòng được củng cố. Trong xây dựng NTM, quan điểm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” đã được các cấp, nhất là xã, ấp quán triệt sâu sắc, do đó dân chủở nông thôn được cải thiện rõ rệt, nhiều vấn đề bức xúc ở nông thôn được giải quyết kịp thời. II. NHỮNG TỒN TẠI, THÁCH THỨC TRONG XÂY DỰNG NTM Bên cạnh những kết quả đạt được, xây dựng NTM của tỉnh Long An vẫn còn những tồn tại, thách thức sau: 1. Chất lượng tăng trưởng ngành nông nghiệp chưa ổn định, khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản phẩm còn thấp; sản xuất nông nghiệp một số vùng còn phát triển tự phát, kém hiệu quả; các cơ sở công nghiệp chế biến nông sản chưa gắn kết chặt chẽ với vùng nguyên liệu; tình trạng “được mùa mất giá” vẫn còn diễn ra; việc quản lý chất lượng nông sản hàng hóa vẫn còn nhiều bất cập. 2. Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ chậm phát triển và thiếu bền vững; phần lớn các hợp tác xã hoạt động chưa hiệu quả, chưa tương xứng với vai trò chủ đạo để hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, mức độứng dụng công nghệ cao và khả năng liên kết với thị trường còn nhiều hạn chế. 3. Tình trạng ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp; chất thải trong chăn nuôi chưa được giải quyết triệt để; việc sử dụng quá nhiều phân bón, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích sinh trưởng,... làm ô nhiễm môi trường vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi. 4. Việc huy động nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn nhiều khó khăn, ngân sách nhà nước đầu tư còn thấp so với nhu cầu; vốn huy động trong nhân dân có nơi chưa tương xứng với khả năng. Một số nơi, nhất là các xã vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xuống cấp nhanh, áp lực để đạt và giữ vững tiêu chí trường học không nhỏ, do số lượng học sinh tăng nhanh. Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại trên là: (1) Công tác tuyên truyền, vận động xây dựng NTM ở một số địa phương chỉ dừng lại ở diện rộng, thiếu chiều sâu, có nơi còn hình thức, do đó vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào ngân sách nhà nước trong việc xây dựng NTM. (2) Công tác đầu tư của một số địa phương còn dàn trải, công tác phối hợp, lồng ghép nguồn vốn chưa chặt chẽ. Tiến độ đầu tư cho vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chậm; đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn. (3) Sự quan tâm của một số địa phương, sở, ngành chưa sâu sát; vai trò tham mưu của Ban Chỉ đạo chương trình các cấp chưa toàn diện, người đứng đầu các cấp chưa dành thời gian nhiều cho công tác kiểm tra, chỉ đạo. (4) Một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn còn nhiều bất cập. III. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ 130
  3. Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình xây dựng NTM sau năm 2020, tỉnh Long An đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương một số nội dung sau: 1. Ban hành đồng bộ các cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình ngay trong năm 2020, để các địa phương triển khai thực hiện ngay từ năm 2021, nhất là các cơ chế, chính sách liên quan đến Bộ tiêu chí xã, huyện NTM; huy động, quản lý, sử dụng các nguồn vốn,... 2. Ban hành chính sách đặc thù cho vùng biên giới, vùng khó khăn, vùng có mật độ dân cư thấp để có điều kiện phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. 3. Có chủ trương thống nhất trên địa bàn nông thôn chỉ có một Chương trình mục tiêu quốc gia là xây dựng nông thôn mới, với mục tiêu là nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, giảm nghèo, có kết cấu hạ tầng theo hướng hiện đại, môi trường đảm bảo; hệ thống chính trị vững mạnh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng đảm bảo. 4. Thống nhất cơ quan chủ quản của Văn phòng Điều phối NTM cấp tỉnh, huyện. Về chức năng của Văn phòng Điều phối NTM cấp tỉnh, huyện cần quy định cụ thể Văn phòng Điều phối NTM là cơ quan hành chính nhà nước thì mới có đủ tư cách pháp lý để chủ trì tham mưu, đề xuất Đảng và chính quyền ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện Chương trình, cũng như việc kiểm tra, giám sát thực hiện các cơ chế, chính sách đã ban hành. 131
nguon tai.lieu . vn