Xem mẫu

  1. Dẫn dắt doanh nghiệp qua cơn biến động Người ta thường ví doanh nghiệp như một con tàu, còn nhà quản trị là thuyền trưởng, người chịu trách nhiệm đưa tàu ra biển lớn. Nếu sóng yên biển lặng, không có khó khăn thì vai trò của nhà lãnh đạo không nổi bật, nhưng thử thách, sóng gió luôn xuất hiện trên thương trường, đòi hỏi nhà quản trị luôn phải dẫn dắt, lèo lái doanh nghiệp vượt qua sóng to gió lớn. Vậy đâu là những điều quan trọng giúp các nhà quản trị trẻ vững vàng đối mặt được với những khó khăn trong cơn khủng hoảng? 1. Nhạy bén Khi thị trường khủng hoảng cũng có nghĩa là đang có dấu hiệu của sự thay đổi mạnh mẽ. Khi đó, sự thụ động và tư duy theo lối cũ có thể rất nguy hiểm cho doanh nghiệp. Vì vậy, nhà quản lý phải nhạy bén với mọi động thái, nắm bắt các xu hướng thị trường để kịp điều chỉnh doanh nghiệp của mình theo xu hướng ấy. Trong kinh doanh, nhận định đúng xu hướng thị trường là rất quan trọng và ai dự đoán đúng xu hướng sẽ nắm được một nửa khả năng thành công. 2. Điềm tĩnh, tránh các cảm xúc tiêu cực Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, thể hiện ở tình trạng doanh thu giảm, chịu sức ép nợ nần, quỹ tiền mặt không đủ xoay xở, nhân viên nghỉ việc… thì điều đó sẽ gây ra sự bất an cho nhân viên, các cấp quản lý và cả các cổ đông. Dù thực tế có tệ đến đâu chăng nữa thì bản thân nhà quản trị phải giữ được
  2. thái độ điềm tĩnh, không tỏ ra hoảng hốt và hành động tiêu cực (như lo lắng thái quá, ra quyết định một cách nóng vội…) để tránh cho tình hình thêm trầm trọng. Doanh nghiệp có thể khó khăn thực sự, nhưng thái độ cẩn trọng, không nao núng của nhà quản trị có thể trấn an, động viên khuyến khích nhân viên rất nhiều. Nội bộ có ổn định thì doanh nghiệp mới có sức mạnh để chống chọi với thách thức bên ngoài. 3. Xây dựng các nhóm làm việc Sức mạnh của một tập thể bao giờ cũng vượt xa một cá nhân dù cá nhân có xuất sắc đến đâu. Vì vậy, nhà lãnh đạo cần xây dựng được các nhóm làm việc hướng đến mục tiêu chung, cùng chia sẻ những thách thức, khó khăn trong thời kỳ này. Sự đồng tâm, hợp lực từ lãnh đạo cho đến nhân viên sẽ tạo ra động lực để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khủng hoảng. 4. Truyền thông tích cực Thị trường bị tác động mạnh cũng ảnh hưởng dây chuyền đến doanh nghiệp, cụ thể là doanh thu giảm sút, mất khách hàng, thị phần bị thu hẹp… Để giữ được vị thế cũ, doanh nghiệp buộc phải tích cực thực hiện công tác truyền thông: thông báo về sự thay đổi giá cả, nhân sự, sản phẩm, công nghệ mới, dự án mới… cho cả đối tác và khách hàng được biết. Ở môi trường kinh doanh ngày nay, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp không nằm ở công nghệ do doanh nghiệp nắm giữ mà ở khả năng xử lý, khai thác và quản trị thông tin. Nơi nào làm tốt hoạt động này thì càng tiến gần tới thành công. 5. Đánh giá định kỳ
  3. Mục đích của việc đánh giá là xem xét hiệu quả hoạt động, những khía cạnh tích cực và tiêu cực để kịp thời động viên các cá nhân hoàn thành công việc và cải tiến cách thức làm việc. Sự biến động không ngừng của thị trường buộc các nhà quản trị doanh nghiệp phải định kỳ đánh giá lại những việc đang làm để có sự điều chỉnh và thay đổi thích hợp, tránh không bị rơi vào thế bị động rồi phản ứng mang tính chất tình thế, lợi bất cập hại. 6. Tạo sự thay đổi Trong giai đoạn khó khăn, thay đổi luôn là một thử thách đối với doanh nghiệp. Sự thay đổi nhằm tạo một sức cạnh tranh lớn hơn cho doanh nghiệp, từ việc áp dụng công nghệ mới, cải tổ dây chuyền sản xuất, liên kết với doanh nghiệp khác, phát triển văn hóa doanh nghiệp… Đây chính là lúc nhà lãnh đạo cần phải hành động linh hoạt và khéo léo để quá trình thay đổi không làm ảnh hưởng, gián đoạn hoạt động kinh doanh. Khi thời thế thay đổi thì doanh nghiệp cũng phải thay đổi. Chậm đổi mới nghĩa là đi ngược lại xu thế chung, là nguyên nhân đi đến thất bại.
nguon tai.lieu . vn