Xem mẫu

CÔNG TÁC TỰ KIỂM TRA, RÀ SOÁT, HỆ THỐNG HÓA VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT Ở XÃ, THỊ TRẤN I. CÔNG TÁC TỰ KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA CHÍNH QUYỀN CẤP XÃ 1. Khái niệm tự kiểm tra văn bản Tự kiểm tra là một trong hai phương thức kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (gồm tự kiểm tra và kiểm tra theo thẩm quyền) được quy định tại Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn tại Thông tư số 20/2010/TT-BTP ngày 30 tháng 11 năm 2010 của Bộ Tư pháp Quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12 thỏng 4 năm 2010 của Chính phủ về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật (Sau đây gọi tắt là Nghị định 40/2010/NĐ-CP và Thông tư 20/2010/TT-BTP). Tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền cấp xã là hoạt động kiểm tra do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện đối với văn bản quy phạm pháp luật do chính mình ban hành nhằm phát hiện những nội dung trái pháp luật của văn bản để kịp thời đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, hủy bỏ hoặc bãi bỏ văn bản, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có thẩm quyền trong việc ban hành văn bản trái pháp luật. 2. Văn bản được thực hiện tự kiểm tra Đối với chính quyền cấp xã, những văn bản được thực hiện tự kiểm tra gồm: - Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, quyết định, chỉ thị quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân xã; - Văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng không được ban hành bằng hình thức nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã hoặc hình thức quyết định, chỉ thị của Ủy ban nhân dân xã (như các công văn, thông báo,... của Ủy ban nhân dân cấp xã) có chứa quy phạm pháp luật; - Văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng không do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã ban hành: như các quyết định của Thường trực HĐND xã, Chủ tịch UBND xã; các công văn, thông báo, kế hoạch, đề án,.... của Thường trực HĐND, Ủy ban nhân, Chủ tịch UBND cấp xã; hoặc văn bản có thể thức và nội dung như văn bản quy phạm pháp luật do người không có thẩm quyền tại cấp xã ban hành 3. Thẩm quyền tự kiểm tra Công chức Tư pháp - Hộ tịch giúp Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện tự kiểm tra nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã và quyết định, chỉ thị của Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành. Tùy theo tính chất, phạm vi, yêu cầu quản lý và số lượng văn bản được ban hành của từng cơ quan, việc tự kiểm tra văn bản có thể được giao công chức Tư pháp – Hộ tịch trực tiếp thực hiện hoặc phân công cho các đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân thực hiện theo lĩnh vực được giao phụ trách với điều kiện bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ và phát huy vai trò làm đầu mối của công chức Tư pháp - Hộ tịch trong việc xây dựng kế hoạch, đôn đốc theo dõi công tác tự kiểm tra, tổng hợp và báo cáo kết quả tự kiểm tra với các cơ quan có thẩm quyền (Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp, Phòng Tư pháp). 4. Căn cứ tiến hành hoạt động tự kiểm tra Theo Khoản 1 Điều 11 Nghị định 40/2010/NĐ-CP, trách nhiệm tự kiểm tra văn bản được quy định: Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp phải tự kiểm tra văn bản do mình ban hành ngay sau khi văn bản được ban hành, khi nhận được thông báo của cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra văn bản hoặc yêu cầu, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân và các phương tiện thông tin đại chúng. Hoạt động tự kiểm tra được thực hiện khi: - Ban hành văn bản mới: trong thời hạn chậm nhất là 3 ngày, kể từ ngày ban hành văn bản, văn phòng Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã chuyển văn bản đó đến công chức Tư pháp - Hộ tịch để tổ chức tự kiểm tra; - Nhận được yêu cầu, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân và các phương tiện thông tin đại chúng về văn bản do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân mình ban hành có nội dung trái pháp luật: ngay khi nhận được yêu cầu hoặc kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân, hoặc thông tin của các phương tiện thông tin đại chúng về văn bản có nội dung trái pháp luật do mình ban hành, công chức Tư pháp - Hộ tịch tổ chức kiểm tra văn bản này; - Có thông báo của cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra văn bản về văn bản do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân mình ban hành có nội dung trái pháp luật: về cơ bản, đây cũng là một trong những trường hợp tự kiểm tra theo yêu cầu của cơ quan (trường hợp trên), tuy nhiên trường hợp này chỉ xảy ra khi Phòng Tư pháp đó thực hiện kiểm tra theo thẩm quyền và phát hiện văn bản do chính quyền cấp xã ban hành có nội dung trái pháp luật và gửi thông báo để công chức Tư pháp – Hộ tịch thực hiện tự kiểm tra và xử lý theo thẩm quyền; - Tình hình kinh tế - xã hội thay đổi làm cho văn bản do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã đó ban hành trước đó không còn phù hợp hoặc khi cơ quan nhà nước cấp trên ban hành văn bản mới làm cho nội dung văn bản do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã đó ban hành không còn phù hợp. 5. Nội dung tự kiểm tra văn bản Tự kiểm tra văn bản gồm 5 nội dung, cụ thể là: Thứ nhất, căn cứ pháp lý làm cơ sở ban hành văn bản quy phạm pháp luật: là văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên đang có hiệu lực tại thời điểm ban hành văn bản đó, bao gồm: văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên có thẩm quyền quy định về chức năng, nhiệm vụ của cơ quan ban hành văn bản và văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên có thẩm quyền quy định về vấn đề thuộc đối tượng, phạm vi điều chỉnh của văn bản (có thể có một hoặc nhiều văn bản quy định về nội dung này). Đối với văn bản quy phạm pháp luật của cấp xã, căn cứ pháp lý ban hành có thể gồm: Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các văn bản luật, nghị định, quyết định, thông tư của các cơ quan nhà nước ở cấp trên, quyết định, chỉ thị của Ủy ban nhân dân cấp trên, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp trên và của Hội đồng nhân dân xã (đối với văn bản do Ủy ban nhân dân xã ban hành) quy định nội dung vấn đề mà văn bản điều chỉnh. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, cơ quan ban hành văn bản không sử dụng căn cứ pháp lý là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân vì căn cứ về thẩm quyền ban hành văn bản đó được quy định trong Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Ví dụ: UBND xã B ban hành Quyết định số 01/2006/QĐ-UBND về Chương trình phát triển kinh tế - xã hội của xã B đến năm 2010. Trong phần căn cứ ban hành văn bản, Quyết định số 01 viết như sau: … UỶ BAN NHÂN DÂN XÃ B - Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân; - Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân; - Căn cứ ý kiến chỉ đạo của UBND huyện A tại Công văn số 01/CV ngày 14 tháng 02 năm 2006 về việc xây dựng Chương trình phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010; - Căn cứ vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XV xã H”. QUYẾT ĐỊNH: ………………………. Khi tiến hành tự kiểm tra văn bản này, công chức Tư pháp – Hộ tịch lưu ý rằng, việc UBND xã đã bám sát tinh thần chỉ đạo của UBND huyện và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ để cụ thể hóa thành Chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là việc làm đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì căn cứ pháp lý để ban hành văn bản QPPL phải là văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trên đang có hiệu lực. Tại Quyết định số 01, thì căn cứ thứ ba (Công văn của UBND huyện) và căn cứ thứ tư (Nghị quyết Đại hội Đảng bộ) không phải là văn bản QPPL, do đó không thể sử dụng để làm căn cứ pháp lý ban hành văn bản QPPL. Thứ hai, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đúng thẩm quyền về hình thức và thẩm quyền về nội dung. Thẩm quyền về hình thức được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Theo đó, Hội đồng nhân dân có thẩm quyền ban hành Nghị quyết, Ủy ban nhân dân được ban hành văn bản quy phạm pháp luật với hình thức Quyết định và Chỉ thị. Thẩm quyền về nội dung là thẩm quyền quản lý nhà nước của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã. Thẩm quyền này được xác định rõ trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân (từ Điều 18 đến Điều 20) và các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành. Ví dụ: Trong những năm qua, để lưu thông ở nông thôn được thuận lợi, nhiều địa phương có chương trình “bê tông hóa” các tuyến đường liên thôn, trong đó, kinh phí thường do nhân dân đóng góp và một phần được nhà nước hỗ trợ. Xã X cũng hưởng ứng chủ trương này và nhiều tuyến đường liên thôn đó được xây dựng. Do xã X nằm gần trung tâm huyện, là cầu nối giữa huyện với một số xã trong vùng, lưu lượng phương tiện giao thông vận tải đi qua xã X là rất lớn. Để có kinh phí sửa chửa đường, UBND xã X đó cho lắp ở mỗi đường liên thôn một chắn Barie và đưa ra quy định “Thu 5.000 đồng/lượt đối với xe con; thu 10.000 đồng/lượt đối với các loại ôtô khác”. Hiện nay việc lắp đặt các Barie để thu tiền các xe trọng tải lớn khi đi qua các con đường ở nông thôn còn khá phổ biến, tuy nhiên, việc UBND xã X đặt ra quy định như trên có đúng với pháp luật không? Tại Điều 5 Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 thỏng 6 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và Lệ phí và Nghị định số 24/2006/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2002/NĐ-CP nêu trên thì thẩm quyền quy định đối với phí như sau: “Chính phủ quy định đối với một số phí quan trọng, có số thu lớn, liên quan đến nhiều chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước. Trong từng loại phí do Chính phủ quy định, Chính phủ có thể ủy quyền cho Bộ, cơ quan ngang Bộ quy định mức thu đối với từng trường hợp cụ thể cho phù hợp với tình hình thực tế. Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) quy định đối với một số khoản phí về quản lý đất đai, tài nguyên thiên nhiên; một số khoản phí gắn với chức năng quản lý hành chính nhà nước của chính quyền địa phương. Bộ Tài chính quy định đối với các khoản phí còn lại để áp dụng thống nhất trong cả nước”. Như vậy, với quy định trên thì thẩm quyền quy định đối với phí (quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đối với từng phí) thuộc về Chính phủ, Bộ Tài chính hoặc Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với từng trường hợp cụ thể. Do đó, việc UBDN xã X ban hành Quyết định quy định về mức phí đối với ôtô qua lại các đường liên thôn là trái thẩm quyền về nội dung. Do đó, khi tiến hành tự kiểm tra và phát hiện văn bản này, công chức Tư pháp – Hộ tịch có trách nhiệm báo cáo UBND để tiến hành hủy bỏ Quyết định theo quy định của pháp luật. Thứ ba, nội dung văn bản được kiểm tra phải phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp xã phải phù hợp với văn bản của các cơ quan nhà nước ở trung ương, gồm: Hiến pháp, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; nghị quyết, nghị định của Chính phủ; quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; quyết định, chỉ thị, thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và phù hợp với văn bản của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp trên. Quyết định, chỉ thị của Uỷ ban nhân dân cấp xã ngoài việc phải phù hợp với văn bản của cơ quan nhà nước ở trung ương và văn bản của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp trên còn phải phù hợp với Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp. Ngoài ra, văn bản được kiểm tra còn phải phù hợp với các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập. Ví dụ: Trước nạn chặt phá rừng diễn ra ngày càng nhiều và phức tạp trong khi lực lượng Kiểm lâm đóng trên địa bàn lại ít nên không thể kiểm soát nổi. Trước tình hình này, năm 2006 xã D đó tiến hành chia những khu đất trống cho các hộ dân tiến hành trồng mới và bảo vệ rừng, đồng thời, ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ rừng trên địa bàn xã D, Chỉ thị nêu rõ: “ Nếu chủ rừng nào bắt được người khai thác gỗ trái phép với khối lượng dưới 1m3 thỡ được phạt đến 300.000 đồng, nếu bắt được người khai thác gỗ trái phép với khối lượng trên 1m3 thỡ dẫn giải về trụ sở Uỷ ban nhân dân xã để giải quyết”. Thẩm quyền quy định hành vi vi phạm hành chính và chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác được quy định tại Điều 2 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính như sau: Chính phủ quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước; quy định chế độ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục, đưa vào cơ sở chữa bệnh, quản chế hành chính”. Như vậy, theo quy định trên thì thẩm quyền quy định về hành vi vi phạm hành chính và hình thức xử lý thuộc về Chính phủ, UBND cấp xã không có thẩm quyền quy định, dó đó, Chỉ thị trên của UBND xã D là trái thẩm quyền. Mặt khác, theo quy định tại Chương III, Nghị định số 159/2007/NĐ-CP ngày 30 tháng 10 năm 2007 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản thì chỉ có Kiểm lâm viên, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Cục trưởng Cục Kiểm lâm và Chủ tịch UBND các cấp mới có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng theo các mức phạt tương ứng khác nhau. Nghị định số 159/2007/NĐ-CP không giao cho chủ rừng thẩm quyền xử phạt khi phát hiện những vi phạm đối với khu rừng do mình quản lý. Do đó, xét về nội dung, Chỉ thị của UBND xã D về tăng cường công tác bảo vệ rừng trên địa bàn xã cho phép chủ rừng được phạt đến 300.000 đồng là trái với quy định của pháp luật. ... - tailieumienphi.vn
nguon tai.lieu . vn