Xem mẫu

  1. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI THỊ TRƯỜNG DỊCH VỤ VIỄN THÔNG KHI VIỆT NAM THAM GIA EVFTA EVFTA- CHALLENGES AND OPPORTUNITIES FOR TELECOMMUNICATION SERVICES IN VIETNAM ThS. Huỳnh Bá Thúy Diệu Trường Cao Đẳng Công Nghệ Thông Tin Hữu Nghị Việt- Hàn Email: thuydieudng@gmail.com Tóm tắt Việc đàm phán, ký kết và thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thời gian qua đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hội nhập nhanh và toàn diện vào nền kinh tế thế giới. Trong các FTA thế hệ mới, đặc biệt là trong EVFTA các cam kết về lĩnh vực dịch vụ viễn thông luôn là vấn đề được quan tâm. Đây cũng là một trong những ngành có đóng góp quan trọng trong GDP của Việt Nam. Nghiên cứu này tìm hiểu về hiện trạng ngành viễn thông Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, đồng thời đánh giá những thách thức và cơ hội của thị trường dịch vụ viễn thông Việt Nam khi hiệp định thương mại tự do EVFTA có hiệu lực, từ đó gợi mở một số giải pháp tới các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp viễn thông cần có những quyết sách điều chỉnh phù hợp với bối cảnh mới. Từ khóa: cơ hội, thách thức, dịch vụ viễn thông, EVFTA. Abstract The recent negotiations, signing and implementation of Free Trade Agreements (FTAs) have made Vietnam one of the fastest and comprehensive countries to integrate into the world economy. In the new generation FTAs, especially in EVFTA, commitments on telecommunication services are always a matter of concern. This is also one of the sectors with important contributions to Vietnam's GDP. This study explores the current situation of Vietnam's telecommunications industry in the current period, and assesses the challenges and opportunities of Vietnam's telecommunications service market when the EVFTA free trade agreement comes into effect, thereby suggesting some solutions to goverment and telecommunications enterprises that need to make appropriate adjustment policies suitable to the new context. Keywords: opportunities, challenges, telecommunication services, EVFTA. 1. Đặt vấn đề Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế là cơ hội để phát triển nhưng cũng ẩn chứa rất nhiều thách thức đối với mọi nền kinh tế, đặc biệt là ở những quốc gia đang phát triển. Sự kiện Việt Nam ký kết thành công các FTA thế hệ mới sẽ đem lại cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài và mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa cho các doanh nghiệp trong nước. Bên cạnh đó việc mở cửa thị trường sẽ khiến cho các doanh nghiệp trong nước gặp một áp lực cạnh tranh rất lớn. Các tập đoàn tư bản nước ngoài với khả năng to lớn về vốn, công nghệ hiện đại và bề dày kinh nghiệm quản lý kinh doanh sẽ là những đối thủ quá tầm đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Đối với ngành viễn thông Việt Nam được đánh giá là ngành có sự phát triển mạnh mẽ cả về thị trường và năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, trong Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA), so với nhiều lĩnh vực khác, dịch vụ viễn thông có mức mở cửa thị trường hạn chế hơn cả về phạm vi hoạt động lẫn mức độ tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo báo cáo của Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI), doanh thu từ hoạt động viễn thông năm 2018 đạt 395,8 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3% so với năm 2017. Cả nước hiện có 63 DN đang có giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng và 75 DN đang có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông. Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, doanh thu viễn thông ước tính 9 tháng năm 2019 đạt 277,1 nghìn tỷ đồng, tăng 7,23%; cơ sở hạ tầng của ngành viễn 299
  2. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 thông không ngừng được cải tiến nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ. Đến nay, các DN viễn thông hiện đã có sự tham gia của nhiều DN tư nhân, thúc đẩy sự cạnh tranh trên thị trường, nhưng thị phần vẫn tập trung chủ yếu về các tập đoàn lớn như Viettel, VNPT, FPT, Mobifone… Báo cáo tổng quan ngành viễn thông của Công ty Chứng khoán ACBS cho biết, nhiều DN viễn thông trong nước không những có sự phát triển mạnh về doanh thu mà đang có sự mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Cụ thể, Viettel đã mở rộng kinh doanh ra 12 quốc gia, năm 2019, DN này đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 8%; Công ty Cổ phần Viễn thông FPT ghi nhận doanh thu năm 2018 tăng trưởng 15%, lợi nhuận tăng 19% so với năm trước, hiện FPT đã có 12 chi nhánh tại Campuchia và 1 chi nhánh tại Myanmar… Ngoài ra, nhiều công ty có quy mô nhỏ và vừa cũng đều có mức tăng trưởng khá, giúp triển vọng về ngành viễn thông rất tích cực. Tuy nhiên, cho tới nay, Việt Nam mới chỉ cho phép các DN nước ngoài cung cấp dịch vụ qua biên giới hoặc đầu tư kinh doanh trực tiếp tại Việt Nam trong một số ít ngành với điều kiện khá chặt chẽ. Nhưng theo khuyến cáo của Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên minh châu Âu (EU) là đối tác có thế mạnh về các dịch vụ tài chính, viễn thông trên thế giới, vì vậy, EVFTA được dự báo sẽ có tác động đáng kể đến tương lai của hai ngành này cũng như cả nền kinh tế Việt Nam. Vậy đâu là cơ hội và thách thức dành cho ngành viễn thông Việt Nam khi EVFTA có hiệu lực? 2. Hiện trạng ngành viễn thông Việt Nam và các cam kết về dịch vụ viễn thông trong EVFTA 2.1. Hiện trạng ngành viễn thông Việt Nam năm 2018 Năm 2018 tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với ngành viễn thông Việt Nam, khi thị trường đã ở trạng thái bão hòa, nhiều dịch vụ truyền thống nguy cơ suy giảm,… Không những vậy, đây còn là năm chứng kiến nhiều biến động của thị trường dưới tác động của hàng loạt chính sách quản lý lớn được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, bao gồm: Kế hoạch tập trung xử lý triệt để tình trạng sim rác, kế hoạch chuyển đổi mã mạng hay triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số,… Trong bối cảnh khó khăn như vậy, ngành viễn thông vẫn duy trì được mức tăng trưởng ổn định. Cụ thể, tính đến cuối năm 2018, tổng số thuê bao điện thoại cả nước ước đạt 129,9 triệu, tăng 2,3%, trong đó số thuê bao di động đạt 125,6 triệu, tăng 3,8% so với năm 2017. Tổng doanh thu lĩnh vực viễn thông năm 2018 là khoảng 15 tỷ USD, đạt tốc độ tăng trưởng 6%. Bảng 1: Số lượng doanh nghiệp được cấp phép hoạt động viễn thông Giấy phép cung cấp dịch vụ Năm 2017 Năm 2018 Năm 2019 Thiết lập mạng (mạng VSAT, mạng cố định mặt đất toàn quốc 49 52 57 hoặc một/một số tỉnh) Cung cấp dịch vụ viễn thông (dịch vụ cố định mặt đất toàn quốc 103 107 115 hoặc một/một số tỉnh, viễn thông di động hàng hải, Internet) Tổng cộng 152 159 172 (Nguồn: Báo cáo nghiệp vụ viễn thông- Cục Viễn Thông- Bộ Thông tin và Truyền thông) Qua bảng 1 trên ta thấy rằng số lượng doanh nghiệp tham gia vào thị trường ngày một tăng, tuy tốc độ tăng chưa thực sự đột biến nhưng điều này vẫn chứng tỏ rằng thị trường viễn thông vẫn là một thị trường có sức hút nhất định. Bảng 2: Tỷ lệ sử dụng dịch vụ viễn thông tại Việt Nam 2017-2019 Chỉ tiêu Năm 2017 Năm 2018 Năm 2019 Tỷ lệ thuê bao di động 116 thuê bao/10 dân 132,3 thuê bao/100 dân 135,3 thuê bao/100 dân Tỷ lệ thuê bao cố định 5 thuê bao/100 dân 4,3 thuê bao/ 100 dân 3,9 thuê bao/ 100 dân Tỷ lệ thuê bao internet băng rộng 11,9 thuê bao/100 dân 14 thuê bao/100 dân 14,3 thuê bao/ 100 dân cố định 300
  3. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 Chỉ tiêu Năm 2017 Năm 2018 Năm 2019 Tỷ lệ thuê bao băng rộng di động 52,8 thuê bao/100 dân. 55,8 thuê bao/100 dân 58,3 thuê bao/ 100 dân Tỷ lệ người sử dụng internet 54,19% dân số. 67% dân số 67,5% dân số Tỷ lệ phủ sóng di động 95% 99,5% 100% (Nguồn: Báo cáo tình hình sử dụng dịch vụ viễn thông- Bộ Thông tin và Truyền thông) Về một số chỉ số đánh giá trình độ thông tin theo tiêu chuẩn quốc tế: Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế (IDC – International Data Center, EIU – Economist Intelligence Unit, WEF – World Economic Forum và IBM), các chỉ số của Việt Năm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông được đánh giá như sau: Bảng 3: Bảng xếp hạng một số chỉ số đánh giá về Việt Nam năm 2018 Tên chỉ số Mô tả Xếp hạng/ Tổ chức đánh Tăng/giảm so số nước giá với năm 2017 Chỉ số Xã hội thông tin ISI Mức độ xây dựng xã hội 50/53 IDC Tăng (Information Society Index) thông tin Chỉ số sẵn sàng cho nền kinh Mức độ sẵn sàng kết nối 61/65 Economist Giữ nguyên tế điện tử ( E-Readliness mạng Intelligence Unit Index) - EIU + IBM Chỉ số sẵn sàng kết nối NRI Mức độ chuẩn bị để tham gia 55/167 World Economic Tăng (Networked Readiness Index) và hưởng lợi từ các phát Forum – WEF triển của CNTT (Nguồn: IDC, EIU, WEF 2018) Năm 2018 Việt nam được xếp hạng ISI cùng với 53 nước khác và đứng ở vị trí 50/53. Chỉ số này đánh giá mức độ phát triển xã hội thông tin do IDC và World Time xếp hạng, dựa trên 15 yếu tố liên quan đến 4 lĩnh vực: hạ tầng Máy tính, hạ tầng Internet, hạ tầng thông tin và hạ tầng xã hội. Danh sách 10 nước có nền công nghệ tiên tiến nhất thế giới công bố tháng 11/2018 lần lượt là Đan Mạch, Thụy Điển, Mỹ, Thụy Sĩ, Canada, Hà Lan, Phần Lan, Hàn Quốc, Na Uy, Anh. IDC cũng công bố 4 nước xếp cuối bảng gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Philipin, Việt Nam và Indonesia. Trong danh sách E-Readiness công bố tháng 4/2018, Việt Nam xếp hạng thứ 61 trong 65 nước (3.06 điểm – theo EIU, việc điểm số thay đổi không hẳn là tốt hay kém hơn vì phương pháp tính điểm có một số thay đổi trong năm nay). Vị trí của Việt Nam trong danh sách năm 2016 (công bố tháng 6/2016 – 2.91 điểm) và 2015(công bố tháng 7/2015 – 2.96 điểm) là 56/60. Năm 2017 là 60/65 và năm 2018 - với việc thêm Jamaica vào danh sách (xếp thứ 41) đã đẩy Việt Nam xuống 1 bậc: đứng thứ 61/65. Theo định nghĩa của World Economic Forum (WEF) NRI là “mức độ chuẩn bị của một nước hay cộng đồng để tham gia và hưởng lợi từ các phát triển của công nghệ thông tin”. Chỉ số này do WEF công bố và được tính từ ba yếu tố: môi trường điều phối và kinh tế vĩ mô cho công nghệ thông tin và truyền thông, sự sẵn sàng của cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ cho việc sử dụng và thụ hưởng công nghệ thông tin và truyền thông và mức sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Năm 2015 trong xếp hạng chỉ có 155 nước, năm 2016 có 158 nước, năm 2017 có 165 nước, năm 2018 lên 167 nước. Trong xếp hạng 2018, Singapore vươn lên vị trí số 1, Mỹ tụt 4 hạng xuống vị trí thứ 5. Xếp hạng NRI của Việt Nam năm 2017-2018 là 55/167 với điểm số 0.29, tăng hai bậc so với thứ hạng cách đây một năm. 2.2. Các cam kết về dịch vụ viễn thông trong EVFTA Việt Nam có cam kết mở cửa dịch vụ thông tin trong EVFTA rộng hơn một chút so với WTO 301
  4. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 nhưng về cơ bản vẫn là tương đối hạn chế cả về số lượng các dịch vụ có cam kết và mức độ mở cửa trong các dịch vụ này. Trong tổng thể, Việt Nam cam kết mở cửa thị trường dịch vụ thông tin trong EVFTA cho nhà cung cấp dịch vụ EU như sau: - Cung cấp dịch vụ qua biên giới (phương thức 1): Không hạn chế đối với dịch vụ chuyển phát nhanh; hạn chế đối với các dịch vụ viễn thông hữu tuyến và di động mặt đất, dịch vụ viễn thông vệ tinh (bắt buộc phải thông qua hợp đồng với nhà cung cấp dịch vụ Việt Nam). - Tiêu dùng dịch vụ ở nước ngoài (phương thức 2), hiện diện thể nhân (phương thức 4): Nhà đầu tư EU được thực hiện không hạn chế trong các lĩnh vực dịch vụ, viễn thông được liệt kê trong Bảng cam kết. - Cung cấp dịch vụ qua thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam (phương thức 3): + Thành lập văn phòng đại diện (không kinh doanh) và thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) tại Việt Nam: Việt Nam mở cửa không hạn chế. + Mở chi nhánh tại Việt Nam: Việt Nam chưa có cam kết mở cửa. + Thành lập doanh nghiệp: Không hạn chế đối với dịch vụ chuyển phát nhanh; Đối với dịch vụ viễn thông: chủ yếu mới chỉ cho phép thành lập doanh nghiệp dưới dạng liên doanh, giới hạn tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư EU, có nới lỏng sau 05 năm. Bảng 4: Các cam kết về dịch vụ viễn thông trong EVFTA Nhóm dịch vụ Dịch vụ cụ thể đã có cam kết Các dịch vụ (a) Các dịch vụ thoại (CPC 7521) viễn thông cơ (b) Dịch vụ truyền số liệu chuyển mạch gói (CPC 7523**) bản (c) Dịch vụ truyền số liệu chuyển mạch kênh (CPC 7523**) (d) Dịch vụ Telex (CPC 7523**) (e) Dịch vụ Telegraph (CPC 7523**) (f) Dịch vụ Facsimile (CPC 7521** + 7529**) (g) Dịch vụ thuê kênh riêng (CPC 7522** + 7523**) (o*) Các dịch vụ khác: - Dịch vụ hội nghị truyền hình (CPC 75292) - Dịch vụ truyền dẫn tín hiệu video trừ truyền quảng bá - Các dịch vụ thông tin vô tuyến: thoại di động, số liệu di động, nhắn tin, PCS , trung kế vô tuyến - Dịch vụ kết nối Internet (IXP) Các dịch vụ giá (o*) Các dịch vụ khác: trị gia tăng - Dịch vụ mạng riêng ảo (VNP) (h) Thư điện tử (CPC 7523 **) (i) Thư thoại (CPC 7523 **) (j) Thông tin trực tuyến và truy cập lấy thông tin từ cơ sở dữ liệu (CPC 7523**) (k) Trao đổi dữ liệu điện tử (EDI) (CPC 7523**) (l) Các dịch vụ facsimile gia tăng giá trị, bao gồm lưu trữ và chuyển, lưu trữ và khôi phục (CPC 7523**) (m) Chuyển đổi mã và giao thức (n) Thông tin trực tuyến và xử lý dữ liệu (bao gồm xử lý giao dịch) (CPC 843**) (Nguồn: Trung tâm WTO và hội nhập) 302
  5. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 3. Cơ hội và thách thức đối với thị trường dịch vụ viễn thông khi EVFTA có hiệu lực Ngành viễn thông ở Việt Nam được đánh giá là có các điều kiện thuận lợi mang tính nền tảng: - Cơ sở hạ tầng viễn thông đồng bộ, hiện đại, bao trùm rộng khắp, hoạt động ổn định. - Thị trường có tiềm năng tăng trưởng cao nhờ vào các yếu tố về mức độ phát triển công nghệ thông tin (Việt Nam đứng thứ 102/167 nền kinh tế); chỉ số sẵn sàng kết nối cao (Việt Nam đứng thứ 55 thế giới); và sự phát triển của thương mại điện tử và các dịch vụ kinh doanh có sử dụng dịch vụ viễn thông. - Lực lượng lao động trẻ, được đào tạo bài bản, có chuyên môn và năng lực sáng tạo. Tuy nhiên, ngành này cũng đang gặp phải những hạn chế nhất định: - Cạnh tranh từ các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài: Cho tới nay, các doanh nghiệp Việt Nam hầu như chưa phải đối mặt với cạnh tranh trực tiếp từ các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài trên thị trường (nhờ vào các cam kết mở cửa rất hạn chế trong WTO). Trong tương lai, khi phải thực thi các cam kết mới về mở cửa thị trường dịch vụ viễn thông, cạnh tranh trên thị trường được dự báo là sẽ rất khốc liệt. - Thị trường bão hòa: Thị trường dịch vụ thông tin Việt Nam đã chứng kiến bước tăng trưởng mạnh trong thời gian qua. Dự báo sau tăng trưởng, thị trường sẽ đi vào giai đoạn bão hòa, cầu sẽ tăng chậm, không tăng hoặc thậm chí giảm. Với các lợi thế và bất lợi này, một khi EVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp dịch vụ thông tin của Việt Nam sẽ đứng trước các cơ hội và thách thức nhất định: Cơ hội: - Thứ nhất cơ hội thị trường tại EU: Với việc EU mở cửa hoàn toàn thị trường dịch vụ thông tin, trong đó có dịch vụ viễn thông, doanh nghiệp Việt Nam với thế mạnh là thiết lập dịch vụ trên cơ sở công nghệ hiện đại, hạ tầng mới có thể có khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp EU trên thị trường EU (đặc biệt là ở những nước thành viên mà các doanh nghiệp nội địa vẫn đang vận hành trên nền tảng công nghệ cũ, khó chuyển dịch); -Thứ hai cơ hội tiếp cận nguồn vốn, công nghệ từ các đối tác EU: Với việc Việt Nam cam kết mở rộng khả năng tham gia thị trường của nhà cung cấp dịch vụ EU, các doanh nghiệp Việt Nam có thêm cơ hội liên doanh với đối tác EU, hợp tác và tận dụng các lợi thế về vốn, công nghệ, quản trị… của đối tác EU. Thách thức: + Thứ nhất cạnh tranh sẽ khó khăn hơn tại Việt Nam khi thị trường bão hòa và các doanh nghiệp EU gia nhập thị trường thuận lợi hơn theo các cam kết mới. + Thứ hai thị trường bão hòa, phương thức cạnh tranh bằng giá trước nay của doanh nghiệp có thể sẽ khó thu hút người tiêu dùng, trong khi đó doanh nghiệp lại chưa chú trọng cạnh tranh về chất lượng +Thứ ba nguồn cung lao động cho ngành công nghệ thông tin nói chung và ngành dịch vụ thông tin nói riêng đang hẹp dần do tốc độ phát triển quá nóng của ngành này, có khả năng dẫn tới thiếu hụt lao động. + Thứ tư dịch vụ viễn thông được xếp vào nhóm dịch vụ nhạy cảm do đặc thù gắn với hạ tầng thông tin, an ninh mạng, không gian mạng, vì vậy, các cam kết mở cửa thị trường đối với dịch vụ này luôn ở mức dè dặt và thận trọng. EVFTA đặt các DN trong nước trước một tương lai cạnh tranh gay gắt, phức tạp hơn từ các đối thủ đến từ EU. Đây là thách thức trực diện, nhưng cũng có thể là sức ép để ngành và DN viễn thông Việt Nam tiếp tục cải cách, nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh. 303
  6. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 + EVFTA không mở thêm lĩnh vực viễn thông nào mới. Hơn nữa, trong giai đoạn đầu, EVFTA hầu như không tạo ra tác động lớn nào về đầu tư nước ngoài trên thị trường dịch vụ viễn thông; sau 5 năm, thay đổi cũng chỉ đáng kể ở mảng dịch vụ giá trị gia tăng không có hạ tầng mạng khi cho phép thành lập DN 100% vốn nước ngoài. Hơn nữa, trong EVFTA, Việt Nam hầu như mới chỉ mở cửa dịch vụ viễn thông theo các điều kiện ràng buộc về hợp tác, liên doanh giữa nhà cung cấp dịch vụ EU và Việt Nam. 4. Một số biện pháp tận dụng tối đa lợi ích cho lĩnh vực viễn thông Việt Nam khi EVFTA có hiệu lực 4.1. Về phía nhà nước - Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, bảo vệ hợp pháp của nhà đầu tư. Những cam kết mới cùng các hành động thiết thực sẽ tỷ lệ thuận với niềm tin của các nhà đầu tư vào Việt Nam. Thực hiện đối xử bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Giảm bớt rào cản trong đầu tư, đảm bảo tính minh bạch trong đầu tư. Bảo hộ đầu tư trong nước thông qua định hướng đầu tư nước ngoài. Tập trung đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực mà doanh nghiệp Việt Nam không có lợi thế và không có năng lực. Xây dựng cơ chế lựa chọn nhà đầu tư tốt, chọn đúng nhà đầu tư, đúng lĩnh vực, tạo điều kiện về đầu tư đối với các lĩnh vực có sức lan tỏa lớn. Cần thực hiện tốt các chính sách khuyến khích các nhà khoa học trong và ngoài nước chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất, góp phần thúc đẩy sản xuất có năng suất, chất lượng và hiệu quả. -Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để đáp ứng những điều kiện về lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Một số chính sách của Việt Nam vẫn còn khoảng cách với các cam kết quốc tế, đặc biệt trong các cam kết về sở hữu trí tuệ, lao động công đoàn và cơ chế giải quyết tranh chấp. Do đó cần phải rà soát kỹ các cam kết có liên quan đến từng ngành hàng đối chiếu với hệ thống các văn bản và tình hình thực thi chính sách hiện hành để điều chỉnh chính sách, tận dụng cơ hội và chủ động đối phó với thách thức từ hội nhập. 4.2. Về phía doanh nghiệp - Với các thách thức mà mỗi nhà mạng phải đối mặt nhằm giữ thị phần của mình ngoài những vấn đề nói trên sẽ là phải liên tục nâng cao chất lượng dịch vụ cung cấp (hạ tầng mạng); Chú trọng công tác chăm sóc khách hàng; Xây dựng các gói cước hợp lý phù hợp với từng đối tượng khách hàng… cụ thể như sau: + Trước hết là nâng cao chất lượng về mặt kỹ thuật của dịch vụ: các doanh nghiệp viễn thông cần nâng cao chất lượng về mặt dịch vụ ngang tầm với các nước trong khu vực và đảm bảo các tiêu chuẩn của EU. Vấn đề này có thể thực hiện thông qua việc hiện đại hóa và tương thích hóa mạng lưới để khách hàng có thể thiết lập liên lạc với chất lượng tốt nhất. + Nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng: chất lượng dịch vụ khách hàng thể hiện: • Hoạt động trước bán hàng: tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, đặc biệt là giới thiệu các dịch vụ mới là dịch vụ gia tăng của doanh nghiệp viễn thông như dịch vụ chuyển vùng quốc tế, dịch vụ nhắn tin đa phương tiện, truyền dữ liệu. • Hoạt động bán hàng kết hợp cung cấp dịch vụ: đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đảm bảo phục vụ khách hàng với các thủ tục đơn giản nhất, thời gian nhanh nhất. • Hoạt động hậu mãi, chăm sóc khách hàng: để chăm sóc tốt khách hàng, ngoài việc cơ bản nhất là nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ còn phải làm tốt các việc khác như: tạo ra những ấn tượng đẹp và sự chú ý của khách hàng đến các sản phẩm dịch vụ, gây nên hứng khởi với khách hàng khi đến với công ty, kịp thời giải quyết ổn thỏa các khiếu nại của khách hàng. 304
  7. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 - Để giữ chân được khách hàng cũ và phát triển được thuê bao mới chỉ còn cách buộc các doanh nghiệp viễn thông phải nâng cao chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng; đổi mới phương thức kinh doanh dịch vụ viễn thông. Khi xây dựng chính sách kinh doanh, doanh nghiệp viễn thông nên xoá bỏ cước thuê bao hàng tháng hiện nay với thuê bao di động trả sau, thuê bao điện thoại cố định hoặc chuyển sang thành số phút gọi/tin nhắn nội/ngoại mạng miễn phí hoặc gói cước dữ liệu mạng miễn phí hàng tháng; Xây dựng các gói cước thoại và tin nhắn miễn phí dành cho cả thuê bao trả trước và trả sau nhằm Để cạnh tranh với dịch vụ OTT (dịch vụ nội dung trên nền mạng viễn thông): các doanh nghiệp viễn thông nên xây dựng gói cước Bundles (tích hợp Internet- Truyền hình cáp – Viễn thông cố định/di động) cho các nhóm đối tượng khách hàng khác nhau với giá cước hợp lý nhằm tận dụng các lợi thế về hạ tầng mạng viễn thông hiện nay để cạnh tranh với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình (cáp, số, vệ tinh). 5. Kết luận Khi hiệp định thương mại tự do EVFTA có hiệu lực (dự kiến vào năm 2020) thì các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp viễn thông nói riêng sẽ tận hưởng được các cơ hội cũng như gặp phải những khó khăn mà hiệp định này đem lại. Do đó ngay từ bây giờ các doanh nghiệp viễn thông cần tự nhận thức được những rào cản mình sẽ gặp phải và đưa ra các thay đổi cho phù hợp. Công việc cấp bách nhất mà các doanh nghiệp viễn thông nên thực hiện là việc thay đổi chất lượng dịch vụ, thay đổi mô hình kinh doanh, hoàn thiện và bổ sung các dịch vụ giá trị gia tăng để cạnh tranh với các dịch vụ OTT. Bên cạnh đó để hỗ trợ cho các doanh nghiệp viễn thông nắm bắt được các cơ hội thì đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước cần phải tạo một môi trường đầu tư phù hợp, bảo vệ được nhà đầu tư trong nước và hoàn thiện khung pháp lý để đáp ứng những điều kiện về lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Với những giải pháp trên đây hy vọng sẽ tạo thế và lực cho các doanh nghiệp viễn thông trong bối cảnh hội nhập mới. Đây sẽ là bệ phóng để giúp các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục giữ vững vị trí là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam và là một trong ba nước có trình độ viễn thông phát triển nhất khu vực ASEAN. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Bộ Công Thương (2018), ‘Báo cáo các cam kết của Việt Nam và EU trong một số lĩnh vực chính của Hiệp định EVFTA và IPA’, Hà Nội. 2. Bộ Thông tin và Truyền thông (2015), ‘Sổ tay tuyên truyền về Hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam’, Hà Nội. 3. Bộ Thông tin và truyền Thông (2017), ‘Tình hình phát triển thuê bao internet băng rộng cố định năm 2017’, Hà Nội. 4. Bộ Thông tin và truyền Thông (2018), ‘Tình hình phát triển thuê bao internet băng rộng cố định năm 2018’, Hà Nội. 5. Bộ Thông tin và truyền Thông (2019), ‘Tình hình phát triển thuê bao internet băng rộng cố định năm 2019’, Hà Nội. 6. Bộ Thông tin và truyền Thông (2017), ‘Số liệu cấp phép năm 2017’, Hà Nội. 7. Bộ Thông tin và truyền Thông (2018), ‘Số liệu cấp phép năm 2018’, Hà Nội. 8. Bộ Thông tin và truyền Thông (2019), ‘Số liệu cấp phép năm 2019’, Hà Nội. 9. Bộ Thông tin và truyền Thông (2018), ‘Báo cáo phân tích hiện trạng ngành thông tin Việt Nam 2018’, Hà Nội. 10. Cục Viễn Thông (2018), ‘Báo cáo nghiệp vụ viễn thông’, Hà Nội. 305
  8. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế “Thương mại và phân phối” lần 2 năm 2020 11. Cục Viễn Thông (2018), ‘Báo cáo tình hình cung cấp dịch vụ hoạt động viễn thông, internet’, Hà Nội. 12. Tổng cục Thống kê (2018), ‘Niên giám thống kê 2018’, Hà Nội 13. Tổng cục Thống kê (2019), ‘Tổng quan tình hình kinh tế- xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2019’, Hà Nội 14. Trung tâm WTO và Hội Nhập - Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (2019), ‘Báo cáo về các FTA Việt Nam đã tham gia’, Hà Nội. 306
nguon tai.lieu . vn