Xem mẫu

  1. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HNKHT 2018 CẠNH TRANH TRUNG QUỐC - NHẬT TRONG HỢP TÁC NĂNG LƯỢNG VỚI NGA NHỮNG NĂM ĐẦU THẾ KỶ XXI PHAN THỊ THANH SANG Trường THPT Võ Văn Kiệt, TP Hồ Chí Minh Học viên Cao học, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế Email: sangsiro5394@gmail.com Tóm tắt: Nếu trong thế kỷ XIX, than đá nắm giữ vị thế “ông hoàng” thì bước sang thế kỷ XX và những năm đầu của thế kỷ XXI, dầu khí đã soán ngôi than đá một cách ngoạn mục, trở thành nguồn tài nguyên mà bất cứ một quốc gia nào muốn phát triển đều phải quan tâm. Đối với các nền kinh tế lớn ở Đông Á như Trung Quốc và Nhật Bản, dầu khí là “món hàng” mà đôi bên đều muốn có nhưng lại không sở hữu được trữ lượng lớn, trong khi nước láng giềng Nga lại có trữ lượng hết sức dồi dào. Do đó, để đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước và phát triển kinh tế, Trung Quốc và Nhật Bản đều mong muốn sở hữu phần lớn lượng tài nguyên dầu khí phía Đông của Nga. Bài viết này tập trung phân tích quá trình cạnh tranh giữa Trung Quốc và Nhật Bản đối với nguồn tài nguyên dầu khí của Nga, từ đó đưa ra những nhận xét về mối quan hệ song phương Nga-Trung, Nga-Nhật và quan hệ tay ba Nga-Trung-Nhật trong tương lai. Từ khóa: Dầu khí, hợp tác năng lượng, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc. 1. TÌNH HÌNH TRUNG QUỐC, NHẬT BẢN VÀ NHU CẦU HỢP TÁC NĂNG LƯỢNG VỚI NGA 1.1. Tình hình Trung Quốc và nhu cầu hợp tác năng lượng với Nga Trung Quốc là nước có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, có nhu cầu lớn về dầu khí nhưng than vẫn là nguồn năng lượng giữ vị trí quan trọng chiếm đến 70%. Tuy nhiên, xu hướng tiêu thụ khí đốt đang tăng nhanh chóng. Dự báo đến 2030, khí đốt sẽ chiếm 12% trong cơ cấu năng lượng của nước này [5, tr. 1]. Hơn nữa, rất nhiều ngành công nghiệp Trung Quốc không thể sử dụng than đá mà chỉ có thể sử dụng dầu khí. Đó là những ngành công nghiệp quan trọng hàng đầu như giao thông vận tải, quốc phòng, hàng không. Do vậy, Trung Quốc cần cân bằng sử dụng các nguồn nguyên liệu và đặc biệt chú trọng dầu khí. Bắt đầu từ năm 1993, nhu cầu năng lượng phục vụ cho nền kinh tế của Trung Quốc ngày càng lớn. Từ nước xuất khẩu, Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu năng lượng với mức tăng nhanh nhất thế giới. Năm 2003, Trung Quốc vượt Nhật Bản, trở thành quốc gia tiêu thụ xăng dầu đứng thứ hai thế giới (chỉ sau Mỹ) với số lượng lên đến 5,36 triệu thùng. Năm 2010, nhập khẩu dầu mỏ của Trung Quốc tiếp tục tăng, chiếm 61% tổng nhu cầu của Trung Quốc trong năm 2010 và có thể lên tới 77% năm 2020 [4]. Yêu cầu ổn định nguồn cung cấp năng lượng buộc Trung Quốc phải tăng cường hợp tác quốc tế đã trở thành vấn đề cấp bách đối với quốc gia đông dân nhất thế giới này. Về khí đốt, theo dự báo của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), trong vòng 20 năm tới, nhu cầu tiêu thụ khí đốt của Trung Quốc sẽ tăng gấp 4 lần, đến năm 2035, Trung Quốc sẽ cần nhập khẩu 40% lượng khí tiêu thụ, Trung Quốc nhiều khả năng là nhân tố chính trên thị trường nhập khẩu khí đốt toàn cầu trong hai thập kỷ tới (xem bảng 1). Một phương án khác của Trung Quốc là tăng cường sản xuất khí đốt trong nước. Tuy nhiên, do địa chất không thuận lợi, thiếu nguồn nước và các vướng mắc về thể chế (ví dụ như sự giới hạn tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài và quy trình đấu thầu thiếu công bằng tại 64
  2. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC TRẺ 2018 | 11/2018 các mỏ mới) khiến cho triển vọng sản xuất khí đốt trong nước không có hiệu quả trên thực tế. Việc Trung Quốc tăng cường nhập khí đốt trở thành một lựa chọn trong thực tế. Nếu nhập khẩu với khối lượng đủ lớn, Trung Quốc có thể nâng vị thế trong đàm phán giá cả trên thị trường LNG1 trực tiếp thông qua đàm phán với các nhà cung ứng và gián tiếp bằng việc giảm giá trên thị trường LNG giao ngay. Bảng 1. Dự báo sản xuất và tiêu thụ khí đốt của Trung Quốc trong tương lai Sản xuất Tiêu thụ Nhập khẩu thực tế Tỷ lệ nhập khẩu (tỷ m3) (tỷ m3) (tỷ m3) (%) 2000 26.6 24.5 2.0 0.0 2011 101.2 128.8 -27.6 21.4 2030 449.7 541.7 -92.0 17.0 Nguồn: Bill White, Stakes Are Big in Russia-China Gas Supply Talks (Alaska Natural Gas Transportation Projects: Office of the Regional Coordinator, February 11, 2003) Trong bối cảnh đó, cùng với các biện pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng có hiệu quả, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã nhận thấy, nguồn trữ lượng dầu khí dồi dào của Nga thuộc hàng thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Saudi Arabia, đặc biệt khu vực Siberia có biên giới giáp với Trung Quốc là một trong những “rốn” dầu mỏ và khí thiên nhiên lớn. Với vị trí địa - kinh tế quan trọng này, Siberia trở thành địa chỉ mà Trung Quốc lựa chọn để bổ sung nguồn năng lượng thiếu hụt của mình. Mặt khác, hợp tác năng lượng với Nga trong lĩnh vực dầu khí phù hợp với chính sách ngoại giao năng lượng của Trung Quốc nhằm đa dạng hóa cung cấp năng lượng và tăng cường an ninh năng lượng quốc gia. Chính sách ngoại giao năng lượng của Trung Quốc có thể được tóm tắt với 5 mục tiêu sau: (1) Đa dạng hóa nguồn cung năng lượng; (2) Thực hiện chính sách “đi ra ngoài” để tìm kiếm các nguồn năng lượng; (3) Coi trọng hợp tác quốc tế, tích cực triển khai hợp tác toàn diện và ngoại giao năng lượng đa phương với các quốc gia xuất khẩu dầu lửa; (4) Ngoại giao năng lượng tiến hành song song với ngoại giao môi trường và ngoại giao kỹ thuật; (5) Xem trọng trách nhiệm quốc gia với an ninh năng lượng toàn cầu [3, tr. 85-90]. Với phương châm tăng cường hợp tác với các quốc gia xuất khẩu dầu khí, nhập khẩu dầu khí từ Nga được Trung Quốc coi là một phần quan trọng trong chiến lược đa dạng hóa nguồn cung và có nhiều điểm thuận lợi. Thứ nhất, Trung Quốc không phải quá lệ thuộc vào việc nhập khẩu từ Trung Đông hay châu Phi mà chi phí vận chuyển lại cao do phải đi qua một chặng đường dài trên biển. Trước năm 2003, nhập khẩu dầu của Trung Quốc chủ yếu đến từ Trung Đông và châu Phi. Khoảng 3/4 lượng dầu nhập khẩu phải đi qua eo Malacca - một vùng biển đầy cạm bẫy, bất ổn về an ninh. Trong khi đó, năng lực tự chuyên chở của tàu Trung Quốc không quá 10% số dầu nhập khẩu, chủ yếu là thuê tàu nước ngoài. Hơn nữa, 10-12% lượng dầu phải thông qua biển Thái Bình Dương, nơi có Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đóng quân, trong một trường hợp xấu nhất có thể sẽ cắt đứt phần lớn nguồn cung cấp dầu của Trung Quốc. Hai là, nhập khẩu dầu của Nga từ Siberia, Trung Quốc không chỉ đảm bảo an ninh mà còn có lợi ích kinh tế bởi vì mỗi tấn dầu nhập bằng đường ống dẫn dầu sẽ rẻ hơn chở bằng đường biển từ 1,5 đến 2 USD/tấn. Với khối lượng dầu nhập dự tính từ Siberia của Nga lên tới 10 triệu tấn/năm, Trung Quốc sẽ tiết kiệm được kinh phí đáng kể. Ba là, về hạ tầng cơ sở, mặc dù nhập khẩu dầu khí thông qua vận tải biển vẫn là con đường chủ chốt nhưng từ năm 2011, khí đốt nhập khẩu qua đường ống chiếm 46% lượng khí 1 Khí tự nhiên hóa lỏng (Liquefied natural gas). 65
  3. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HNKHT 2018 nhập khẩu của Trung Quốc. Đây là kết quả của việc Đường ống Đông-Tây bắt đầu vận chuyển khí đốt từ Turkmenistan, Uzbekistan và Kazakhstan tới Trung Quốc năm 2009. Với mong muốn tiếp tục phát triển dựa trên thành công bước đầu của dự án Đường ống Đông – Tây, Trung Quốc sẵn sàng mở rộng hệ thống đường ống trong lãnh thổ Trung Quốc và xây dựng hạ tầng cho đường ống xuyên quốc gia tại vùng Đông Bắc nước này. Nguyên Thủ tướng Lý Bằng trong “Chính sách năng lượng Trung Quốc” đã chỉ rõ: “Phát triển công nghiệp dầu lửa phải đáp ứng nhu cầu trong nước, đi ra thế giới, lợi dụng tốt hai nguồn năng lượng, hai thị trường. Trên nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi, tham gia tìm kiếm khai thác với các quốc gia khu vực trên thế giới, xây dựng được thị trường nhập khẩu ổn định, đảm bảo nguồn cung ứng cho quốc gia” [1, tr. 56]. Để “đi ra thế giới”, Trung Quốc gặp một số khó khăn nhất định khi thị trường dầu khí thế giới từ trước đến nay gần như ổn định, các nước là thị trường tiêu thụ dầu khí lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Pháp,… đã có vị trí vững chắc tại các thị trường bán dầu lớn như Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ… Tuy nhiên, với sách lược thu hút nguồn dầu của nước ngoài theo quan điểm đi vào những thị trường “còn để ngỏ”, Trung Quốc đã hướng đến thị trường Nga rộng lớn cùng với các nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ. Không ngại trong cạnh tranh với các đối thủ lớn, trong đó có người láng giềng Nhật Bản. 1.2. Tình hình Nhật Bản và nhu cầu hợp tác năng lượng với Nga Bước vào thập niên 90 của thế kỷ XX, môi trường trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi đã tác động lớn đến tiến trình phát triển của Nhật Bản. Nền kinh tế suy thoái nghiêm trọng, xã hội bất ổn đòi hỏi chính phủ nước này phải tiến hành các biện pháp nhằm khôi phục sự tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực, nhất là kinh tế. Để làm được điều đó, Nhật Bản trước hết cần đảm bảo nguồn cung năng lượng một cách ổn định và không bị phụ thuộc quá mức. Mặc dù là nước có trình độ cao về khoa học công nghệ nhưng Nhật Bản lại nghèo tài nguyên thiên nhiên, do đó, khả năng tự đáp ứng nhu cầu năng lượng lớn của đất nước là mục tiêu không thể đạt được, đặc biệt là khi nói đến nhiên liệu hóa thạch. Hiện tại, dầu chiếm khoảng 50% tổng nhu cầu năng lượng của cả nước, hơn 99% nhu cầu dầu thô được đáp ứng bằng cách nhập khẩu, Nhật Bản là nước nhập khẩu dầu lớn thứ ba trên thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc và là nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 32% thương mại năng lượng toàn cầu [6, tr. 59-61]. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, dầu khí sẽ là nguồn năng lượng không thể thiếu để vận hành nền kinh tế khổng lồ lớn thứ ba thế giới này. Tuy nhiên, trong thế kỷ XX, mặc dù Nga có nguồn năng lượng dồi dào nhưng hợp tác năng lượng Nga-Nhật Bản còn khá khiêm tốn. Một trong những lý do đó là vì liên minh Mỹ - Nhật đang là trọng tâm của chính sách an ninh của Nhật Bản và các tranh chấp liên quan đến quần đảo Kuril khiến Nhật khó duy trì mối quan hệ hợp tác sâu rộng với Nga. Đa dạng hóa các nguồn năng lượng, đặc biệt là dầu khí, là vấn đề then chốt đối với an ninh năng lượng của Nhật Bản. Tuy nhiên trong thực tế, Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào nguồn dầu từ Trung Đông. Hơn nữa, phải mất gần 20 ngày để vận chuyển dầu thô từ Trung Đông sang Nhật, trong khi dầu Sakhalin và ESPO từ Nga đưa vào thị trường Nhật Bản chỉ trong 2-3 ngày. Điều này có nghĩa là các nhà máy lọc dầu có thể điều chỉnh theo nhu cầu ngắn hạn do thay đổi thời tiết hoặc xu hướng thị trường. Tính linh hoạt trong phân phối này cực kỳ quan trọng đối với các nước tiêu thụ dầu khí lớn như Nhật Bản. Từ quan điểm về an ninh năng lượng, Chính phủ Nhật Bản cho rằng, vùng biển của nước này không có các điểm tắc nghẽn như eo biển Hormuz hoặc Malacca. Do đó, dòng dầu khí từ Nga đến Nhật Bản là con đường đi an toàn nhất cho vận tải năng lượng. Vì vậy, việc nhập khẩu nhiều dầu từ Nga và ít hơn từ Trung Đông sẽ làm giảm chi phí, tăng độ tin cậy và độ an toàn của nhà cung cấp năng lượng trong thời gian dài hơn. 66
  4. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC TRẺ 2018 | 11/2018 Ngoài ra, sau thiệt hại từ vụ tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima (tháng 3-2011) đã buộc Nhật Bản phải tái cấu trúc chiến lược năng lượng quốc gia của mình, tăng nhập khẩu LNG thay thế cho điện hạt nhân. Chiến lược Năng lượng và Môi trường Sáng tạo đề ra năm 2012 với nội dung chính là duy trì ba trụ cột sau: (1) Xây dựng xã hội không phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân trong tương lai sớm nhất có thể; (2) Thực hiện cuộc cách mạng xanh trong năng lượng; (3) Tìm nguồn cung cấp năng lượng ổn định [6, tr. 62]. Để đạt được những mục tiêu này, Nhật Bản sẽ phải đảm bảo đủ nguồn cung cấp điện từ nhiên liệu hóa thạch và sử dụng hiệu quả hơn. Với trụ cột thứ ba, Nhật Bản có thể giải quyết bằng cách hợp tác với Nga, điều này có lợi cho cả hai nước bởi Nga cũng quan tâm đến hiện đại hóa ngành năng lượng của mình, cần vốn để nâng cấp cơ sở công nghệ cho khu liên hợp nhiên liệu và năng lượng, đa dạng hóa các điểm xuất khẩu để phát triển các nguồn năng lượng mới và thúc đẩy bảo tồn năng lượng. 2. SỰ CẠNH TRANH TRUNG QUỐC - NHẬT TRONG HỢP TÁC NĂNG LƯỢNG DẦU KHÍ VỚI NGA Cùng ở vị trí “người mua” để vận hành nền kinh tế phát triển của mình, cả Trung Quốc và Nhật Bản đều cần nguồn dầu khí nhằm “bôi trơn” các trục kinh tế. Do vậy, trong hợp tác năng lượng với Nga, Trung Quốc và Nhật Bản là những đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Nhìn nhận vấn đề này từ năm 1992, Trung Quốc đã nêu chiến lược “hai thị trường”, tức là kết hợp nguồn trong nước và thị trường bên ngoài. Còn Nhật Bản thì ngay từ sau cuộc khủng hoảng năng lượng những năm 70 của thế kỷ trước đã chủ trương “đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng”. Đối với Nga, để khai thác tài nguồn “vàng đen” quý giá này, Nga cần đến vốn, công nghệ và nguồn lao động dồi dào. Chính sự thiếu hụt đó lại ẩn chứa khả năng hợp tác bổ sung tay đôi Nga-Trung và Nga-Nhật hoặc hợp tác tay ba Nga-Trung-Nhật tại khu vực này. Tuy nhiên, khả năng hợp tác tay ba khó khăn hơn do quan hệ Trung-Nhật nghiêng về cạnh tranh hơn là hợp tác bởi lẽ trong thương mại dầu khí, cả hai nước đều là “người mua”. Cuộc cạnh tranh này diễn ra trên ba mặt trận: (1) tranh giành nguồn dầu khí tại những vùng mà hai bên cho là thuộc chủ quyền của mình; (2) cạnh tranh trong hợp tác khai thác dầu khí ở nước thứ ba và (3) giành giật nguồn dầu có thể nhập khẩu có lợi nhất cho mình trên các thị trường ngoài nước, trong đó có thị trường Nga. Thứ nhất, cuộc cạnh tranh nguồn dầu khí từ Nga đã diễn ra trong quá trình xây dựng các tuyến đường ống dẫn dầu trong khu vực, đặc biệt là đường ống dẫn ESPO vận chuyển dầu thô chiết xuất từ các mỏ dầu Đông Siberia để xuất khẩu sang các thị trường châu Á-Thái Bình Dương. Tuyến đường chạy từ Taishet thuộc vùng Irkutsk đến cảng nạp dầu Kozmino trên lãnh thổ Primorsky, với đường nhánh đến thành phố Đại Khánh (tỉnh Hắc Long Giang), trung tâm của ngành công nghiệp dầu mỏ Trung Quốc. Đây là dự án chung của Nga và Trung Quốc do việc xây dựng tuyến đường đến Đại Khánh. Tuy nhiên, Nhật Bản đã đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh tuyến đường của dự án này. Phía Trung Quốc muốn tuyến đường chính của dự án đến Đại Khánh nhằm phục vụ cho sự phát triển vùng đồng bằng ven biển Trung Quốc. Tháng 12-2002, Nhật Bản đề xuất với Nga muốn xây dựng tuyến ống dẫn dầu từ Angarsk đến tận cảng Nakhodka (thuộc khu vực Vladivostok) dài 3.765km với các lý do: (1) Toàn bộ tuyến đường ống nằm trên địa phận của Nga, Nga hoàn toàn có quyền chủ động khống chế nó; (2) Tuyến đường này sẽ giúp ích trong việc phát triển vùng Viễn Đông của Nga; (3) Điểm cuối của đường ống là cảng Nakhodka sẽ giúp Nga xuất dầu cùng lúc cho các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc [3; 18]. Cùng với đó, Nhật Bản ra sức tuyên truyền “Thuyết về mối đe dọa của Trung Quốc” khiến Nga phải cảnh giác, hoài nghi. Tháng 01-2003, trong chuyến thăm cấp cao tới Moscow của Thủ tướng Junichiro Koizumi, Nhật-Nga đã ký kết kế hoạch hợp tác năng lượng song phương, Nhật Bản hứa sẽ nhập 67
  5. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HNKHT 2018 của Nga 1 triệu thùng/ngày và cấp khoản tín dụng 5 tỷ USD giúp Nga khai thác và xây dựng đường ống cũng như phát triển kinh tế vùng Viễn Đông [2; 44]. Tuy nhiên, cái khó của Nga là đã ký kết hợp tác với Trung Quốc. Do đó, phía Nga quyết định kết hợp hai tuyến đường ống này thành một, tức là trên tuyến từ Angarsk đến Nakhodka sẽ tách nhánh sang Đại Khánh (Trung Quốc). Phương án này bị Nhật Bản khước từ, để thuyết phục Nga, Nhật Bản đã nâng khoản viện trợ lên 7 tỷ USD giúp Nga phát triển vùng Siberia. Nhiều công ty của Nhật còn hứa sẽ đầu tư vào hai giếng dầu Sakhalin-I và Sakhalin-II với nguồn vốn lên đến 8 tỷ USD. Với nguồn đầu tư lớn đó, Nhật Bản đã buộc Nga phải tính toán lại. Tháng 12-2004, dưới sự tác động của Nhật Bản và những hàm ý chính sách của mình, Nga đưa ra đề án “1737-P”, xác định xây dựng tuyến ống dẫn dầu từ Taiset đến cảng dầu Kozmino (thuộc Nakhodka) [2; 44]. Tháng 5-2005, Chính phủ Nga chính thức phê duyệt phương án này, chấm dứt thời kỳ cạnh tranh kéo dài giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh tuyến đường ống vùng Viễn Đông. Hệ thống đường ống đã giúp tăng cường phát triển các mỏ dầu của Nga ở Siberia và từng bước hồi sinh khu vực Viễn Đông; với Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và các nền kinh tế châu Á khác có thể đa dạng hóa các nguồn cung dầu vốn trước kia phụ thuộc rất nhiều vào Trung Đông. Tuy nhiên, đến tháng 4-2005, phía Nga thông báo đã tập hợp đủ 8 tỷ USD để xây dựng tuyến Taiset-Nakhodka, không cần phải vay của Nhật Bản nữa. Đứng trước nguy cơ bị đẩy “ra rìa cuộc chơi”, tháng 7-2005, Nhật Bản đã nâng khoản tín dụng cho Nga lên 9 tỷ USD và đầu tư bổ sung 12 tỷ USD nữa, đổi lại, Nhật Bản yêu cầu Nga phải ưu tiên cho việc xây dựng tuyến ống chính Taiset-Nakhodka (điểm cuối là cảng dầu Kozmino) chứ không phải là đường nhánh sang Đại Khánh (Trung Quốc) [2; tr. 44]. Cũng trong tháng 7-2005, trong chuyến thăm của Tổng thống V. Putin đến Bắc Kinh, V. Putin đã khẳng định hướng ưu tiên của Nga là tuyến đường xuyên Siberia sang Trung Quốc, rồi mới kéo dài sang Viễn Đông để cung cấp dầu cho Nhật Bản. Như vậy, Nga đã chấp nhận đề nghị của Nhật Bản nhưng cũng đã dung hòa được lợi ích của Trung Quốc. Thứ hai, về sản lượng nhập khẩu, chiến lược năng lượng của Nga đến năm 2030 dự báo thị trường châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiêu thụ 22-25% lượng dầu xuất khẩu của Nga và 19-20% lượng khí đốt xuất khẩu của Nga [8, tr. 23]. Trong chừng mực nhất định, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn, đông dân và nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, do đó, trọng tâm năng lượng của Nga sẽ hướng đến thị trường này nhiều hơn so với Nhật Bản bởi đối với Nga, “hợp tác chiến lược” là thuật ngữ dành cho Trung Quốc, biểu thị mối quan hệ hợp tác vượt qua hoạt động kinh doanh thương mại. Nó không chỉ liên quan đến việc bán và mua năng lượng, mà còn đầu tư vào các lĩnh vực liên quan của đôi bên và điều chỉnh các dự án cho các kế hoạch tương lai của cả hai trong lĩnh vực năng lượng. Tuy nhiên, Nga vẫn sẽ coi trọng Nhật Bản bởi Nhật Bản là nước có trình độ kinh tế và khoa học kỹ thuật cao, Trung Quốc chưa thể cạnh tranh nổi với Nhật Bản về FDI và sức mạnh công nghệ, đặc biệt là công nghệ dầu khí. Tạm gác yếu tố tranh chấp lãnh thổ, Nga có thể tận dụng những thành tựu về khoa học kỹ thuật của Nhật Bản phục vụ cho khai thác, vận chuyển dầu khí. Nguồn lực tài chính của Nhật Bản như là đầu tàu của hợp tác kinh tế với Nga. Hơn nữa, sự hiện diện ngày càng đông người Trung Quốc ở vùng Viễn Đông đang tạo ra tâm lý bối rối, không thoải mái đối với người dân Nga và gây quan ngại cho giới chính trị Nga. Năm 2000, chỉ có 350.000 người Trung Quốc ở Nga, đến năm 2012, lượng người Trung Quốc nhập cư vào Nga, gồm cả người nhập cư bất hợp pháp là khoảng 600.000 người, tập trung phần lớn ở Viễn Đông [7]. Trong khi đó, chỉ có chỉ có khoảng 7,4 triệu người Nga sống tại khu vực này và tỷ lệ sinh đang giảm. Với sự hiện diện ngày càng đông của người Trung Quốc ở Viễn Đông, mối lo 68
  6. KỶ YẾU HỘI NGHỊ KHOA HỌC TRẺ 2018 | 11/2018 ngại về sự di cư ồ ạt của người Trung Quốc có thể làm mất đi phần biên giới giữa hai nước. “Quả bom địa chính trị nổ chậm” này đối với Nga là điều không thể không nhắc tới trong quan hệ với Trung Quốc. Trong khi đó, các khoản đóng góp lao động và đầu tư của Nhật Bản luôn được ưa chuộng hơn so với FDI và lao động từ Trung Quốc. Như vậy, Nhật Bản có khả năng cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc ở Viễn Đông Nga thông qua tăng FDI, hợp tác công nghệ cao và trao đổi lao động. Thứ ba, đối với từng ngành riêng lẻ, hợp tác giữa Nga-Trung nghiêng về dầu mỏ hơn là khí đốt so với hợp tác Nga-Nhật. Năm 2016, tỷ trọng xuất khẩu dầu thô của Nga sang châu Á- Thái Bình Dương đạt 1.373 nghìn thùng/ngày, trong đó, sản lượng dầu thô xuất sang Nhật Bản là 205 nghìn thùng/ngày, còn Trung Quốc là 953 nghìn thùng/ngày (gấp 4,6 lần). Năm 2016, xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Á chiếm 0,5 nghìn tỷ feet khối, riêng Nhật Bản đã chiếm đến 0,3 nghìn tỷ feet khối [9]. Nguyên nhân là do: (1) Lượng khí đốt khai thác của Trung Quốc đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu trong nước. Năm 2014, Trung Quốc chỉ nhập 31% tổng lượng khí đốt tiêu thụ, tương đương 58 tỷ mét khối khí; (2) Trung Quốc cũng đang đẩy nhanh xây dựng cơ sở hạ tầng khí tự nhiên hóa lỏng LNG (gần 50% lượng khí đốt nhập khẩu thông qua các cảng LNG), các hệ thống đường ống khí đốt nối Trung Quốc với các nhà khai thác ở Trung Á và Myanmar, hiện công suất của các hệ thống đường ống này là 70 tỷ mét khối khí và dự kiến tăng lên 90 tỷ mét khối khí vào cuối thập kỷ này; (3) Các dự án bên trong khuôn khổ hợp tác khí đốt Nga - Trung đang phải đối mặt với khó khăn liên quan đến tài chính. Trong khi đó, Nhật Bản là nước nghèo tài nguyên, hoàn toàn phụ thuộc vào việc nhập khẩu khí từ bên ngoài, do đó việc Nhật Bản nhập khẩu khí từ Nga nhiều hơn Trung Quốc cũng là điều dễ hiểu. 3. KẾT LUẬN Cuộc cạnh tranh năng lượng đang làm tăng thêm quan hệ đối địch hiện có giữa Trung Quốc và nhiều nước láng giềng, trong đó có Nhật Bản. Hiện nay, đôi lúc Trung Quốc và Nhật Bản vẫn phải tiến hành những nỗ lực ngoại giao tăng cường để đảm bảo các con đường vận chuyển dầu mỏ riêng của mỗi nước trên tuyến đường ống dẫn dầu mới của Nga, để đưa dầu từ miền Đông Siberia tới ven bờ Thái Bình Dương. Mặc dù vậy, cả Trung Quốc và Nhật Bản đều hiểu rõ sự hợp tác mới mang lại lợi ích chứ không phải đối đầu, kể cả trong quan hệ với Nga trên lĩnh vực dầu khí khi cả hai nước đều ở vị trí của “người mua”. Do đó, việc đẩy quan hệ căng thẳng tới mức xung đột, đặc biệt chỉ vì nguyên nhân dầu khí giữa Trung Quốc và Nhật Bản rất khó có thể xảy ra trong tương lai gần. Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều hiểu rằng các nền kinh tế lệ thuộc vào nhau rất sâu sắc, một nền kinh tế nào gặp khó khăn không thể không ảnh hưởng đến các nước khác. Hiện tại, chính sách đối ngoại của Trung Quốc đang tuân thủ nguyên tắc trỗi dậy hòa bình, quan hệ tốt với các nước láng giềng, các nước lớn, trong đó có Nhật Bản, tạo bầu không khí chính trị ổn định để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế thần kỳ của mình. Chính phủ Nhật Bản cũng tập trung nỗ lực cao nhất cho phát triển kinh tế. Vì vậy, trong cạnh tranh, họ vẫn rất thận trọng, cố gắng cân bằng lợi ích nhiều chiều. Trên thực tế, những căng thẳng hiện nay giữa hai nước quanh vấn đề dầu khí là liều thuốc thử nhãn quan chính trị của cả hai phía và là chất xúc tác thúc đẩy lãnh đạo hai nước tìm ra lời giải thỏa đáng cho vấn đề hóc búa này trong quan hệ với Nga. Phương thức chính hiện tại, đó là cùng hợp tác với Nga nhằm thỏa mãn nhu cầu thiếu hụt kinh phí của Nga để xây dựng hệ thống đường ống dẫn dầu tỏa về hai nhánh Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy nhiên, khả năng hợp tác tay ba Nga-Trung-Nhật cũng không mấy khả quan, trừ khi Nga có thể dung hòa lợi ích của cả hai bên để đạt được mục đích của mình. Nếu làm được điều này không chỉ tăng tiềm lực chính trị, ngoại giao, kinh tế, quốc phòng của ba nước mà còn góp phần khẳng định xu thế đa cực hóa, đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực châu Á-Thái Bình 69
  7. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ | HNKHT 2018 Dương. Đó là điều rất cần thiết hiện nay mà cả ba nước Nga-Nhật-Trung đều hiểu rõ trong chiến lược năng lượng của mình. Hợp tác Nga-Trung hay Nga-Nhật được xem là minh chứng sinh động cho thấy xu thế hợp tác và cạnh tranh vẫn là xu thế chủ đạo trong quan hệ quốc tế trong vài thập kỷ tới. Đối với Nga, cuộc cạnh tranh Trung-Nhật hiện nay để giành lấy dầu mỏ và khí đốt đang góp phần củng cố những triển vọng của Nga trong việc quay trở lại châu Á. Vì quan tâm tới tầm vóc mới của Trung Quốc cùng với sự đột phá về kinh tế và chính trị của nước này, cũng như những sức ép đối với vùng Siberia và khắp vùng Viễn Đông do sự gia tăng dân số của Trung Quốc gây ra nên Moscow quyết tâm phát huy tối đa sức mạnh của con át chủ bài “năng lượng” và cuộc chơi tay ba Nga-Trung-Nhật. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Trần Phụng Anh (2005). Bàn cờ năng lượng thế giới, NXB Thời sự, Bản tiếng Hoa. [2] Hồ Châu (2007). “Hợp tác năng lượng giữa ba nước Nga-Nhật-Trung ở khu vực Đông Bắc Á”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 9. [3] Nguyễn Minh Mẫn (2015). Chính sách ngoại giao năng lượng của Trung Quốc trong những năm đầu thế kỷ XXI, NXB Thông tin và Truyền thông, Hà Nội. [4] Thông tấn xã Việt Nam (2005). Vai trò của Trung Quốc ở Trung Á, Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 23-6-2005. [5] Bill White (2003). Stakes Are Big in Russia-China Gas Supply Talks, Alaska Natural Gas Transportation Projects: Office of the Regional Coordinator. [6] Zoya S. Podoba, Japan-Russia Cooperation in Oil and Gas Sectors, Osaka City University. [7] Hạnh Chi (2012). Người Trung Quốc nhập cư - Nỗi lo mới của Nga ở Viễn Đông, http://www.sggp.org.vn/nguoi-trung-quoc-nhap-cu-noi-lo-moi-cua-nga-o-vien-dong- 227446.html, 10-8-2012. [8] Ministry of Energy of the Russian Federation, Institute of Energy Strategy (2010). Energy Strategy of Russia for the period up to 2030, http://www.energystrategy.ru/projects/docs/ES- 2030_(Eng).pdf [9] U.S. Energy Information Administration (2017). “Country Analysis Brief: Russia”, http://www.iberglobal.com/files/2017-2/rusia_eia.pdf, 31-10-2017. Title: THE COMPETITION OF CHINA ANSD JAPAN IN ENERGY CO-OPERATION WITH RUSSIA IN THE FIRST YEARS OF THE XXI CENTURY Abstract: If the nineteenth century is considered the century of the "king" of coal, then the 20th century and the early years of the 21st century, oil and gas had spectacularly acceded the throne instead of coal, became a resource that every country wanted to grow, must master this energy source. For big economies in East Asia like China and Japan, oil and gas are "goods" that both parties want but cannot own large reserves while the neighbor Russia has abundant reserves. Therefore, to ensure energy security for the country and economic development, both China and Japan are eager to own the majority of Russia's eastern oil and gas resources. This article focuses on analyzing the competitive process between China and Japan for Russia's oil and gas resources, thus giving comments on the bilateral relations between Russia and China, and the relationship of Russia-China-Japan in the future. Keywords: China, energy cooperation, Japan, oil and gas, Russia. 70
nguon tai.lieu . vn