Xem mẫu

  1. THỜI SỰ CHÍNH TRỊ Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn tiếp Giám đốc quốc gia Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam N gày 7/11/2008, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn đã tiếp bà Setsuko Yamazaky, Giám đốc UNDP tại Việt Nam. Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Trần Văn Tuấn và bà Setsuko Yamazaky đã trao đổi ý kiến về các nội dung, biện pháp nhằm tăng cường quan hệ, thúc đẩy hợp tác giữa Bộ Nội vụ với UNDP. Phát biểu tại buổi tiếp, Bộ trưởng Trần Văn Tuấn đánh giá cao sự hỗ trợ, hợp tác của UNDP với Việt Nam nói chung và Bộ Nội vụ nói riêng thời gian qua; giới thiệu một số nét nổi bật trong cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính nhà nước Việt Nam, những nội dung chính của dự thảo Luật Cán bộ, công chức; kết quả chủ yếu của công tác cải cách hành chính, quá trình chuẩn bị đề án thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường của Việt Nam... ; đồng thời bày tỏ mong muốn UNDP tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, triển khai chương trình cải cách hành chính ở các địa phương, tổ chức các hội thảo quốc tế liên quan công tác cải
  2. cách hành chính, tạo điều kiện để các chuyên gia Việt Nam tham khảo, trao đổi ý kiến với các chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực này. Bà Setsuko Yamazaky trân trọng cảm ơn Bộ trưởng Trần Văn Tuấn đã dành thời gian tiếp và bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian qua; nhất trí cao với những định hướng quan hệ hợp tác giữa hai bên mà Bộ trưởng Trần Văn Tuấn đã nêu; đồng thời khẳng định UNDP luôn sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác, giúp đỡ Chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ Nội vụ nói riêng, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập WTO…./. TRẦN KIÊN
  3. HỘI THẢO “KHOA HỌC TỔ CHỨC VÀ KHOA HỌC TỔ CHỨC NHÀ NƯỚC” N gày 18/11/2008, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ phối hợp với Học viện Hành chính công Canada tổ chức hội thảo “Khoa học tổ chức và khoa học tổ chức nhà nước”. TS. Văn Tất Thu, Thứ trưởng Bộ Nội vụ chủ trì hội thảo. Dự hội thảo có đại diện Ban Tổ chức Trung ương, lãnh đạo một số đơn vị Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ một số tỉnh phía Bắc, chuyên gia của Học viện Hành chính quốc gia, các nhà khoa học của Học viện Hành chính quốc gia Canada. Các đại biểu tham dự hội thảo đã nghe các chuyên gia, nhà khoa học của Việt Nam và Canada giới thiệu và trao đổi ý kiến về những nét nổi bật nhất về tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước Việt Nam và Canada; mô hình tổ chức các cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức chính quyền địa phương theo tinh thần cải cách hành chính; kinh nghiệm của Canada về tổ chức cung ứng dịch vụ công... nhằm góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến khoa học tổ chức và khoa học tổ chức nhà nước, từ đó cung cấp luận cứ khoa học cho việc nghiên cứu xây dựng bộ máy nhà nước có chức năng, nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi nội tại của đất nước trong bối cảnh Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế./. NGỌC KIÊN
  4. KỶ NIỆM 91 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA (7/11/1917 – 7/11/2008) CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA - NGUYÊN NHÂN THẮNG LỢI VÀ GIÁ TRỊ LỊCH SỬ ĐẠI TÁ. TS. NGUYỄN VĂN VINH Học viện Chính trị Quân sự C ách đây 91 năm, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Nga đứng đầu là V.I.Lê-nin, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã làm nên cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại mở ra một thời đại mới cho loài người - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Thắng lợi này đã chứng minh hùng hồn lời tuyên đoán của C.Mác và Ph.Ăng ghen được nêu trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” tháng 2/1848 rằng, chế độ tư bản chủ nghĩa lỗi thời nhất định sẽ bị thay thế bởi xã hội cộng sản văn minh thông qua quá trình cải biến cách mạng. Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917 thắng lợi là do những nguyên nhân cơ bản, chủ yếu sau đây: Một là, có sự lãnh đạo của giai cấp vô sản Nga, một giai cấp có tinh thần cách mạng triệt để, được rèn luyện, thử thách, tập dượt trong quá trình cách mạng và có nhiều kinh nghiệm. Giai cấp công nhân Nga có một đảng vô sản kiểu mới - Đảng Cộng sản, đứng đầu là V.I.Lê-nin thiên tài, được vũ trang bằng học thuyết Mác. Giai cấp công nhân Nga vừa là động lực, vừa là người lãnh đạo cách mạng. Sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, nhạy bén của Đảng về chiến lược, sách lược là điều kiện quyết định bảo đảm thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Hai là, Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga thắng lợi vì có khối liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân. Đảng Cộng sản đã tranh thủ về mình những người đồng minh trung thành, hùng hậu, có tinh thần cách mạng là nông dân nghèo, tranh thủ được trung nông và các tầng lớp khác, đặc biệt là binh lính của giai cấp tư sản. Ba là, Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra kịp thời trong điều kiện, hoàn cảnh quốc tế thuận lợi, khi cuộc chiến tranh thế giới giữa các nước đế quốc đang diễn ra quyết liệt, chúng không thể tập trung lực lượng để chống phá cách mạng. Hơn nữa, kẻ thù của cách mạng là giai cấp tư sản Nga vừa lạc hậu, vừa yếu đuối và bị phụ thuộc vào chủ nghĩa tư bản Anh, Pháp, có lúc còn phải dựa vào các đảng cơ hội khác.
  5. Bốn là, Đảng Cộng sản và Lê-nin đã vận dụng một cách uyển chuyển, khôn khéo, nhanh nhạy về chính trị, tiến công kẻ thù để giác ngộ và vận động quần chúng. Đảng Cộng sản và Lê-nin đã đánh giá đúng tình hình và chuyển biến cách mạng kịp thời, làm cho cách mạng nhanh chóng thành công. Đảng Cộng sản và Lê-nin đã kết hợp được cuộc đấu tranh cho hoà bình, đấu tranh giải phóng dân tộc và các dân tộc bị áp bức với cuộc đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội thành một phong trào thống nhất. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga có giá trị lịch sử sâu sắc, to lớn: Thứ nhất, Cách mạng Tháng Mười Nga là cột mốc mở đầu thời kỳ mới, thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Thật vậy, trong lịch sử xã hội loài người, đã trải qua nhiều cuộc cách mạng to lớn nhưng chưa từng có cuộc cách mạng nào vĩ đại hơn. Cách mạng Tháng Mười Nga tạo ra bước ngoặt căn bản trong lịch sử nước Nga. Nó kết thúc cả một thời kỳ lịch sử do giai cấp bóc lột kế tiếp nhau thống trị nước Nga, mở đầu một thời kỳ lịch sử của giai cấp công nhân và nông dân lao động Nga đứng lên làm chủ vận mệnh của mình, xây dựng nền chuyên chính vô sản. Cách mạng Tháng Mười Nga vĩnh viễn xóa bỏ sự bóc lột giữa người với người, xoá bỏ mọi hình thức áp bức. Giai cấp vô sản lần đầu tiên trong lịch sử có vị trí xứng đáng là trung tâm cho mọi cuộc cách mạng mới. Thứ hai, Cách mạng Tháng Mười Nga tạo ra bước ngoặt làm thay đổi phương hướng, nhịp điệu tiến lên của lịch sử xã hội loài người. Nó đã chọc thủng mặt trận của chủ nghĩa đế quốc, tổ chức thành một quốc gia, một nhà nước kiểu mới của giai cấp vô sản và nhân dân lao động. Cách mạng Tháng Mười Nga không những chỉ ra sự tác động, ảnh hưởng to lớn đến quá trình phát triển của lịch sử thế giới mà còn đem lại cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động các dân tộc bị áp bức, cho những người đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc những nhận thức mới, niềm tin mới về cải tạo thế giới tư bản, về một thế giới công bằng, hợp lý hơn. Thứ ba, Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi đã biến chủ nghĩa xã hội khoa học từ lý luận trở thành hiện thực. Trước Cách mạng Tháng Mười, chủ nghĩa cộng sản mới chỉ là ước mơ. Nay, cách mạng thành công ở nước Nga là một hiện thực. Bằng những nguyên lý của Mác, Lên-nin đã vận dụng sáng tạo và phát triển thành công cách mạng ở một nước. Từ đây, những lý luận của chủ nghĩa Mác một lần nữa được chứng minh trong thực tiễn, đi sâu giác ngộ và vận động quần chúng. Chủ nghĩa Mác trở thành sức mạnh khi nó xâm nhập sâu vào phong trào cách mạng và lý luận đó đã được bổ sung, hoàn thiện một cách phong phú trong Cách mạng Tháng Mười Nga. Chính Cách mạng Tháng Mười Nga đã giải đáp và chứng minh rằng, chỉ có con đường cách mạng vô sản mới giải phóng được giai cấp công nhân và nhân dân lao động khỏi áp bức, bóc lột và bất công. Vì vậy, thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã nêu cao sự vĩ đại của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và bản chất tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội hiện thực. Thứ tư, thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã thức tỉnh, cổ vũ các dân tộc, các thuộc địa bị áp bức đứng lên đấu tranh chống ách xâm lược, cai trị của chủ
  6. nghĩa đế quốc, giành độc lập dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội. Sau Cách mạng Tháng Mười, nhiều nơi đã thành lập các Xô-viết như: Xô-viết Hung-ga-ri, Xô-viết Xlô-va-ki-a, nhiều nơi trong các Xô-viết này, giai cấp công nhân đã bãi công, chiếm xí nghiệp của giai cấp tư sản, nông dân nổi dậy chiếm ruộng đất của địa chủ, nêu cao khẩu hiệu “noi gương nước Nga”, “Lê-nin muôn năm”. Cách mạng Tháng Mười đã thức tỉnh các dân tộc thuộc địa, đồng thời vạch ra tính tất yếu trong sự liên minh giữa phong trào công nhân với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc; và đã chỉ ra rằng, chỉ có cách mạng vô sản, chỉ có sự giúp đỡ của giai cấp công nhân các nước đã nắm chính quyền thì mới có thể giải quyết được vấn đề dân tộc. Thực tế đã chứng minh: Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở ra khả năng rộng lớn và chỉ ra con đường thắng lợi cho phong trào cách mạng ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Cách mạng Tháng Mười Nga có ảnh hưởng to lớn đến phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Trước cách mạng chỉ có một Đảng Cộng sản duy nhất ở Nga, nhưng sau Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, nhiều Đảng đã được thành lập như các Đảng Cộng sản Đức, áo, Hung-ga-ri, Ba Lan, Phần Lan… Các lực lượng tiên tiến của giai cấp công nhân đã đoàn kết lại chung quanh Đảng Cộng sản. Quốc tế cộng sản “Quốc tế III”ä được thành lập năm 1919, dưới sự lãnh đạo của Lê- nin đưa phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đến giai đoạn phát triển mạnh mẽ hơn. Thứ năm, Cách mạng Tháng Mười Nga là một mẫu mực kiệt xuất về chiến lược, sách lược và phương pháp cách mạng của giai cấp vô sản. Cách mạng Tháng Mười Nga có sự chỉ đạo thiên tài của Lê-nin và Đảng Cộng sản Nga; đã phân tích tình hình cách mạng một cách khách quan, đánh giá chính xác các yếu tố và điều kiện cách mạng, đề ra chiến lược, sách lược đúng đắn cho từng giai đoạn chuyển biến cách mạng như: vấn đề thời cơ cách mạng, thay đổi sách lược; vấn đề sử dụng bạo lực cách mạng, vấn đề lợi dụng và khoét sâu mâu thuẫn chủ yếu của địch… Có thể nói, những nguyên lý của C.Mác, Ph.Ăng-ghen đã được V.I.Lê-nin vận dụng một cách đúng đắn, sáng tạo trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng mà đỉnh cao là thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Hiện nay, lợi dụng sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu, các thế lực thù địch và cơ hội trong nước và quốc tế đã, đang lớn tiếng bôi nhọ, phủ định những giá trị đích thực, ảnh hưởng và ý nghĩa quốc tế của Cách mạng Tháng Mười Nga. Song sự thật lịch sử vĩ đại cũng như giá trị lịch sử và tầm vóc to lớn của Cách mạng Tháng Mười Nga không gì có thể xoá nhoà được. Với tinh thần cách mạng, phương pháp xem xét khoa học, chúng ta có thể khẳng định rằng, mặc dù tình hình thế giới đang có nhiều biến động, nhưng không làm thay đổi nội dung, tính chất của thời đại ngày nay - đó là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, mở đầu bằng thắng lợi của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917 vĩ đại. Nói về ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định:
  7. “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”(1)./. ___________________________________________________________________ Ghi chú: (1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1980, tr.461.
  8. HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ KIỂM TRA ĐẢNG CAO VĂN THỐNG Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương B ằng kinh nghiệm của mình trong việc lãnh đạo và xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rút ra một chân lý là: "Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém"(1). Người cũng khẳng định "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc"(2). Trong việc lựa chọn và xây dựng đội ngũ cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra tiêu chuẩn cụ thể và đề cập rất sớm, trong tác phẩm "Đường Kách mệnh". Theo Người, tiêu chuẩn cán bộ bao gồm cả đức và tài, phẩm chất và năng lực, không thể coi nhẹ mặt nào. Trong đó, Người nhấn mạnh đức là gốc, vì người cán bộ có đức thì không bao giờ làm việc thất đức, trái với đạo lý, lương tâm của mình và luôn không ngừng phấn đấu để nâng cao khả năng của mình đáp ứng yêu cầu của công việc, nhiệm vụ chính trị được Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó. Đồng thời luôn có ý thức kiên trì trau dồi, tu dưỡng, rèn luyện, từng bước nâng cao mặt tài năng của mình lên ngang tầm đòi hỏi của công việc được giao. Người chỉ rõ: "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân"(3). Trong từng điều kiện, giai đoạn cách mạng, những tiêu chuẩn của cán bộ luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh bổ sung hoàn thiện và cụ thể hoá cho phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ chính trị và đòi hỏi của sự nghiệp cách mạng. Người chỉ rõ, ngày nay, Đảng ta yêu cầu cán bộ và đảng viên chẳng những thạo về chính trị mà còn phải giỏi chuyên môn và ai lãnh đạo trong ngành hoạt động nào thì phải biết chuyên môn của ngành đó. Người cũng đặt ra yêu cầu trong công tác cán bộ phải biết sớm phát hiện và uốn nắn những lệch lạc, thiếu sót khuyết điểm của cán bộ; dự báo những sai phạm để có biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát, giáo dục, rèn luyện cán bộ, từ đó chủ động phòng ngừa, không để xảy ra vi phạm từ khi còn manh nha để bảo vệ cán bộ, giữ uy tín của Đảng. Người nói: "Giao công việc mà không kiểm tra, đến lúc thất bại mới chú ý đến. Thế là không biết yêu dấu cán bộ"(4). Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, muốn có cán bộ tốt, sử dụng cán bộ đúng mục tiêu, yêu cầu, có hiệu quả thì phải biết lựa chọn, đào tạo, huấn luyện cán bộ phù hợp với công việc được giao. Người chỉ rõ "huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng"(5) và yêu cầu "Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu"(6). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc huấn luyện cán bộ phải toàn diện cả về chính trị,
  9. văn hoá, khoa học kỹ thuật, đạo đức, ngoại ngữ; giáo dục lý luận Mác - Lê-nin, lý luận của từng ngành, từng lĩnh vực chuyên môn mà người cán bộ đang làm. Người chỉ rõ, mục đích huấn luyện cán bộ là làm cho họ nâng cao được nhận thức, tư tưởng, lập trường quan điểm. Quan trọng hơn là học để hành, học để vận dụng một cách sáng tạo vào công việc cụ thể, hoàn cảnh thực tế công việc của Đảng, Chính phủ và nhân dân giao cho họ để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ. Người còn chỉ rõ mục đích cao nhất của việc đào tạo cán bộ là xây dựng được một đội ngũ cán bộ có đủ trình độ, khả năng, bản lĩnh, có phương pháp, phong cách làm việc khoa học, sâu sát, đúng đường lối quần chúng, có trách nhiệm, thực sự là công bộc, là người đày tớ tận tụy và trung thành của nhân dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, muốn sử dụng cán bộ đúng, có hiệu quả thì phải hiểu biết cán bộ, xem xét, đánh giá đúng cán bộ, chẳng những xem xét công tác, cách viết, cách nói của họ, mà còn phải xem xét cách sinh hoạt, việc làm của họ có đúng với lời nói, bài viết của họ hay không. Người còn nhắc nhở, cách xem xét cán bộ quyết không chấp nhặt. Tư tưởng của Người trong việc lựa chọn, bố trí, sử dụng cán bộ rất biện chứng, cụ thể, thiết thực, tức là phải phù hợp với năng lực và sở trường, khả năng của mỗi cán bộ, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Người cho rằng: "Không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. Vì vậy, chúng ta phải khéo dùng người, sửa chữa những khuyết điểm cho họ, giúp đỡ ưu điểm của họ. Thường chúng ta không biết tuỳ tài mà dùng người. Thí dụ: thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao. Thành thử hai người đều lúng túng... Phải dùng người đúng chỗ, đúng việc"(7). Người căn dặn, trong công tác cán bộ, cần chú trọng khâu cất nhắc, đề bạt; cất nhắc cán bộ phải căn cứ vào yêu cầu công tác, vào tài năng của cán bộ. Vì "Nếu cất nhắc không cẩn thận, không khỏi đem người bô lô ba la, chỉ nói mà không biết làm, vào những địa vị lãnh đạo. Như thế rất có hại"(8). Người còn đòi hỏi, chẳng những phải xem xét kỹ cán bộ trước khi cất nhắc, đề bạt, mà sau khi cất nhắc, đề bạt phải giúp đỡ, thương yêu và phải luôn kiểm tra, giám sát, phê bình cán bộ. Người chỉ rõ: "Phải luôn luôn dùng lòng nhân ái mà giúp đỡ, lãnh đạo cán bộ. Giúp họ sửa chữa những chỗ sai lầm. Khen ngợi họ lúc họ làm được việc. Và phải luôn kiểm soát cán bộ"(9). Tư tưởng Hồ Chí Minh về sử dụng cán bộ rất khoa học, công tâm, khách quan, toàn diện, dân chủ, công khai và minh bạch, không chỉ đối với từng người, mà còn đối với cả các lớp, các thế hệ cán bộ để bổ sung, hỗ trợ cho nhau, phục vụ thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Người còn đặc biệt quan tâm về chính sách đối với cán bộ để vừa bảo đảm cho họ có đủ điều kiện sinh hoạt, làm việc có kết quả, vừa tạo sự thân ái, đoàn kết trong Đảng. Người yêu cầu: "Phải cho họ điều kiện sinh sống đầy đủ mà làm việc... Tuỳ theo hoàn cảnh mà giúp họ giải quyết vấn đề gia đình. Những điều đó rất quan hệ với tinh thần của cán bộ, và sự thân ái đoàn kết trong Đảng"(10). Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, không chỉ đối với cán bộ của Đảng, của Chính phủ, của đoàn thể nhân dân nói chung, mà còn đối với cán bộ kiểm tra của Đảng nói riêng. Người chỉ rõ, cán bộ kiểm tra phải có đầy đủ năng lực của một cán bộ đảng, làm
  10. công tác xây dựng Đảng, đồng thời có những yêu cầu riêng cả về năng lực và phẩm chất, kinh nghiệm, uy tín, bản lĩnh, kỹ năng nghiệp vụ để đáp ứng đòi hỏi của yêu cầu nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và phục vụ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng trong từng giai đoạn cách mạng. Người yêu cầu "Cán bộ kiểm tra phải học tập và thấm nhuần đường lối, quan điểm của Đảng, phải luôn chú ý nâng cao khả năng chuyên môn, phải cố gắng công tác, phải trau dồi đạo đức cách mạng. Đặc biệt phải nâng cao ý thức tổ chức và kỷ luật, phải thật thà phê bình và tự phê bình để làm gương mẫu trong việc chấp hành kỷ luật của Đảng. Phải chí công vô tư, không thiên vị, không thành kiến. Như thế thì mới làm tốt công tác kiểm tra"(11). Người cũng chỉ rõ điều kiện và trách nhiệm của cán bộ kiểm tra là: "Người lãnh đạo cần phải có một nhóm cán bộ nhiều kinh nghiệm và giàu năng lực để giúp mình đi kiểm tra. Ai đi kiểm tra việc gì, nơi nào nếu có sơ suất thì người ấy phải chịu trách nhiệm"(12). Trước "Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức diễn ra nghiêm trọng... Công tác tổ chức và cán bộ còn nhiều mặt yếu kém. Chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát chưa cao"(13), cùng với tác động xấu của mặt trái kinh tế thị trường và quá trình toàn cầu hoá, để đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng trong điều kiện mới, Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác xây dựng Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã chỉ rõ: "Mục tiêu chung là xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống lành mạnh, không quan liêu, tham nhũng, lãng phí, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; có tư duy đổi mới, sáng tạo, có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; có tinh thần đoàn kết, hợp tác, ý thức tổ chức, kỷ luật cao và phong cách làm việc khoa học, tôn trọng tập thể, gắn bó với nhân dân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đội ngũ cán bộ phải đồng bộ, có tính kế thừa và phát triển, có số lượng và cơ cấu hợp lý"(14). Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khoá X về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đã chỉ rõ: "Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ; có phẩm chất đạo đức cách mạng, có bản lĩnh chính trị, kinh nghiệm, tính chiến đấu cao, có kỹ năng nghiệp vụ thuần thục, phương pháp công tác khoa học, công tâm, khách quan, sâu sát, thận trọng và ứng xử có văn hoá. Không được lợi dụng vị trí công tác để làm sai chức trách, nhiệm vụ được giao"(15). "Cần tăng cường cán bộ kiểm tra chuyên trách cho uỷ ban kiểm tra đảng uỷ cơ sở xã, phường, thị trấn và những tổ chức cơ sở đảng trong cơ quan, doanh nghiệp có từ 300 đảng viên trở lên"(16). Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ trong xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ được giao trong giai đoạn cách mạng mới, cần tập trung vào một số nội dung chính sau:
  11. Một là, xác định rõ mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra cả về đức và tài, cả về cơ cấu và số lượng, từ đó xây dựng quy hoạch tổng thể về công tác cán bộ của ngành kiểm tra. Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra theo các tiêu chuẩn: tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng; am hiểu công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng nói riêng; có bản lĩnh chính trị vững vàng, không dao động trước những khó khăn, thử thách, có năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao; có kiến thức toàn diện về các lĩnh vực kinh tế, pháp luật, khoa học và công nghệ; vững về chuyên môn, tinh thông về nghiệp vụ; có bản lĩnh, dũng khí, chính kiến rõ ràng, tính chiến đấu cao trong công việc; trung thực, công tâm, khách quan, không kiêu ngạo, không thiên vị, không thành kiến, không nể nang, né tránh, ngại va chạm; biết hy sinh và dám hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Mặt khác, cán bộ kiểm tra còn phải thực sự gương mẫu trong công tác, có nhân cách và lối sống mẫu mực, trong sáng, tác phong giản dị, gần gũi, thương yêu đồng chí, có thái độ chân thành, thẳng thắn, trung thực và ứng xử có văn hoá; hết lòng phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng, vì lợi ích của nhân dân, của dân tộc; có ý thức tổ chức kỷ luật cao, tôn trọng tập thể, gắn bó với nhân dân; không sa ngã trước mọi cám dỗ của kinh tế thị trường, không "mềm lòng" trước đối tượng kiểm tra, giám sát; kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực khác. Hai là, tập trung nghiên cứu xây dựng "Quy định về tiêu chuẩn đạo đức, nghề nghiệp của cán bộ kiểm tra" làm chuẩn mực để cán bộ kiểm tra phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện và thực hiện tốt, khắc phục những thiếu sót, lệch lạc khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, uy tín của toàn ngành; để uỷ ban kiểm tra các cấp quản lý, giáo dục, kiểm tra, giám sát cán bộ kiểm tra trong việc thực hiện; để tổ chức đảng, đảng viên và nhân dân biết giám sát cán bộ kiểm tra trong việc chấp hành. Ban hành "Những điều cán bộ kiểm tra phải làm" và "Những điều cán bộ kiểm tra không được làm" hoặc "Những điều kỷ luật đối với cán bộ kiểm tra"; xây dựng Quy định về "xây" và "chống" trong cán bộ kiểm tra. Đồng thời, tổ chức thực hiện tốt các quy định đó trong toàn ngành để đội ngũ cán bộ kiểm tra bảo đảm đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn cách mạng mới. Ba là, có chiến lược, chính sách, biện pháp và lộ trình cụ thể trong việc đào tạo (kể cả đào tạo cử nhân chuyên ngành kiểm tra và đào tạo sau đại học), huấn luyện, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ kiểm tra ở mỗi cấp phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng. Để đào tạo cán bộ kiểm tra toàn diện, sử dụng linh hoạt, hợp lý, đáp ứng yêu cầu công việc được giao, cần thực hiện tốt việc quy hoạch, bố trí, sử dụng, gắn với việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo uỷ ban kiểm tra và cán bộ lãnh đạo, quản lý của cơ quan giúp việc uỷ ban kiểm tra ở cấp trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện. Thực hiện thường xuyên việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ kiểm tra trong các đơn vị giúp việc của cơ quan uỷ ban kiểm tra nhằm giúp cán bộ kiểm tra phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, có kiến thức toàn diện, tránh dập khuôn, lối mòn, bảo thủ, trì trệ trong công tác; ngăn ngừa các tiêu cực có thể xảy ra.
  12. Bốn là, bố trí, sử dụng cán bộ kiểm tra hợp lý, phù hợp với khả năng, sở trường của từng người. Thông qua việc nâng cao năng lực quản lý, nắm chắc tình hình đội ngũ cán bộ kiểm tra về phẩm chất, năng lực thực tiễn, hiểu rõ về bản chất, tâm lý, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng cán bộ, kết hợp với yêu cầu của công việc để bố trí, sử dụng cán bộ phù hợp với từng vị trí, cương vị công tác. Đồng thời, làm tốt công tác tư tưởng, tạo môi trường đoàn kết, nhất trí, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt để cán bộ kiểm tra phấn khởi, không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu vươn lên, đủ khả năng, điều kiện thực hiện tốt nhiệm vụ. Những cán bộ chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện để thực hiện công việc được giao thì đưa đi đào tạo, hoặc bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ... những cán bộ không đủ khả năng, điều kiện thực hiện nhiệm vụ thì chuyển sang làm công tác khác phù hợp hơn. Năm là, nghiên cứu xây dựng chính sách, chế độ đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ kiểm tra để tạo điều kiện cho họ và gia đình ổn định cuộc sống, yên tâm công tác; đồng thời thu hút những người có đủ đức, đủ tài, có tâm huyết, bản lĩnh để làm công tác kiểm tra. Tổ chức thực hiện tốt "Quy định về tiêu chuẩn chức danh cán bộ kiểm tra của Đảng"; có chế độ tiền lương, phụ cấp ưu đãi nghề mang tính đặc thù đối với cán bộ kiểm tra. Sớm có chính sách, chế độ hợp lý đối với cán bộ kiểm tra Đảng ở cơ sở; nghiên cứu việc bố trí cán bộ kiểm tra Đảng chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; các thành viên uỷ ban kiểm tra Đảng uỷ cơ sở có chế độ phụ cấp trách nhiệm hợp lý./. ____________________________________________________________________ Ghi chú: (1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (12) Hồ Chí Minh toàn tập, T5, H.1995, tr 240, 269, 253, 276, 269, 273, 274, 275, 274, 275, 277, 521. (11) Hồ Chí Minh toàn tập, T11, H. 1996, tr 300, 301. (13) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, Nxb CTQG, H. 2006, tr 65. (14) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, Nxb CTQG, H. 2006, tr 292, 293. (15), (16) Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung khoá X. Nxb CTQG, H. 2007, tr 84, 85.
  13. ĐỔI MỚI CÔNG TÁC CÁN BỘ THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH LÊ THỊ NHUNG Trường Chính trị tỉnh Thái Bình C án bộ được ví như dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy, toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ quyết định mọi công việc. Công việc thành hay bại một phần lớn là do tư tưởng, đạo đức, thái độ và lề lối làm việc của cán bộ. Chúng ta đều biết, để có được người cán bộ lãnh đạo tốt, cần phải làm tốt công tác cán bộ. Trong công tác cán bộ cần chú ý trước hết đến ba khâu là: đánh giá, tuyển chọn; đào tạo, bồi dưỡng; bố trí, sử dụng cán bộ. Đánh giá, tuyển chọn cán bộ là khâu đầu tiên và được coi là khâu quan trọng trong công tác cán bộ. Để đánh giá, tuyển chọn cán bộ vào bất cứ một vị trí nào, đặc biệt là các vị trí lãnh đạo, quản lý, cần quan tâm đến ba yếu tố: nhân cách, năng lực và tính khí. Nhân cách: được hiểu đơn giản là tư cách đạo đức của mỗi người Bấy lâu nay, trong tiêu chuẩn tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, thường nhấn mạnh đến tinh thần yêu nước, lòng trung thành với chủ nghĩa xã hội, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp cách mạng... Có nghĩa là tuyển chọn cán bộ thường nhấn mạnh đến phẩm chất chính trị nhiều hơn là tư cách đạo đức, nhân cách của họ. Thực tế cho thấy, hầu hết cán bộ lãnh đạo các cấp đều có phẩm chất chính trị tốt, nhưng tại sao tham nhũng vẫn trở thành quốc nạn? Tệ nạn bè cánh, cơ hội vẫn xảy ra, thậm chí có nơi còn ở mức độ nghiêm trọng? Phải chăng chúng ta ít nhấn mạnh đến khía cạnh đạo đức của người cán bộ. Thiết nghĩ để hạn chế tình trạng tham nhũng, sự tha hóa trong cán bộ, đảng viên, rất cần có những tiêu chí đạo đức cụ thể cho cán bộ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra một loạt căn bệnh mà những người làm cán bộ rất dễ mắc phải như: bệnh địa phương chủ nghĩa, óc bè phái, óc hẹp hòi, lối làm việc bàn giấy, tính vô kỷ luật, ích kỷ, hủ hóa, bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh… Nếu để cán bộ mắc một trong những căn bệnh này tiếp tục giữ vị trí lãnh đạo thì kỷ luật Đảng sẽ lỏng lẻo, công việc bê trễ, chính sách không thi hành được triệt để, Đảng xa rời quần chúng. Để cất nhắc cán bộ vào những vị trí lãnh đạo, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh cần chú ý đến những chuẩn mực đạo đức sau: - Đối với mình: Đừng tự mãn, tự kiêu. Nếu tự mãn, tự kiêu thì không tiến bộ. Phải chịu khó, siêng năng học hỏi. - Đối với đồng chí phải thân ái, không che đậy những điều dở. Không tranh giành ảnh hưởng của nhau. Không ghen ghét, đố kỵ và coi thường người khác. - Đối với công việc: phải tận tâm, tận lực, khoa học và có kế hoạch.
  14. - Đối với nhân dân: phải tôn trọng dân, hiểu nguyện vọng của dân, hiểu sự cực khổ của dân, hiểu tâm lý của dân, học sáng kiến của dân. Phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân… - Đối với đoàn thể: phải tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của đoàn thể. Phải tuyệt đối trung thành với đoàn thể. Khi thời bình phải hết sức làm việc. Khi nguy hiểm phải hy sinh vì đoàn thể… Năng lực: năng lực của một con người bao gồm năng lực chung và năng lực chuyên môn Năng lực chung được hiểu là năng lực tư duy phân tích tổng hợp; khả năng diễn thuyết, thu phục quần chúng; cách làm việc có khoa học, tổ chức công việc có hệ thống; dễ thích ứng với những thay đổi mới của điều kiện làm việc. Năng lực chuyên môn thường được hiểu là kiến thức chuyên sâu về một lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ và được thể hiện ở bằng cấp đào tạo. Giữa năng lực chung và năng lực chuyên môn có mối quan hệ và bổ trợ cho nhau. Năng lực chung là cơ sở cho năng lực chuyên môn. Năng lực chung tốt sẽ tạo điều kiện cho năng lực chuyên môn phát triển. Ngược lại, năng lực chuyên môn tốt, trong những điều kiện nhất định, sẽ có ảnh hưởng tới sự phát triển của năng lực chung. Tuy nhiên, cần tránh quan niệm sai lầm cho rằng, cứ có năng lực chung tốt là có năng lực chuyên môn sâu và ngược lại. Giữa nhân cách và năng lực của một con người, khi lựa chọn vào vị trí lãnh đạo, cần chú trọng tới mặt nào? Xin trích ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhân cách người cán bộ Việt Nam là: nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm: - “Nhân là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí, đồng bào... sẵn lòng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ. Vì thế mà không ham giàu sang, không e cực khổ, không sợ uy quyền. Những người đã không ham, không e, không sợ gì thì việc gì là việc phải, họ đều làm đươc. - Nghĩa là ngay thẳng, không có tư tâm, không làm việc bậy, không có việc gì phải giấu đoàn thể. Ngoài lợi ích của đoàn thể, không có lợi ích riêng phải lo toan. - Trí là không có việc gì tư túi nó làm cho mù quáng, cho nên đầu óc trong sạch, sáng suốt. Dễ hiểu lý luận. Dễ tìm phương hướng. Biết xem người, biết xét việc. Vì vậy mà biết làm việc có lợi, tránh việc có hại cho đoàn thể. - Dũng là dũng cảm, gan góc, gặp việc gì phải có gan làm, thấy khuyết điểm có gan sửa chữa, cực khổ khó khăn có gan chịu đựng. Có gan chống lại những vinh hoa, phú quý không chính đáng. Nếu cần thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho đoàn thể, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, nhút nhát. - Liêm là không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham sung sướng, không tham người tâng bốc mình”(1). Tính khí: tính khí của một người cũng là một yếu tố cần được xét tới khi đánh giá và tuyển chọn cán bộ vào các vị trí lãnh đạo
  15. Người ta đã khái quát tính khí của con người vào bốn dạng "nóng; hoạt; lạnh và trầm". Mỗi tính khí đều có một ưu và nhược điểm riêng và vì vậy mỗi loại tính khí phù hợp với một loại công việc. Chúng ta không quá nhấn mạnh đến tính khí của một con người, để rồi xem nhẹ hai tiêu chuẩn cơ bản là nhân cách và năng lực. Tuy nhiên, hiểu được tính khí để bố trí vào công việc phù hợp là công việc rất quan trọng để phát huy năng lực sở trường của họ. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý là việc làm không thể thiếu, kể cả việc đào tạo chuẩn bị cho bổ nhiệm và đào tạo, bồi dưỡng sau khi bổ nhiệm. Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc nhở: phải tích cực đào tạo và sử dụng tốt cán bộ chuyên môn trong tất cả các ngành, các cấp. Cán bộ chính trị phải chú trọng học tập kinh tế, kỹ thuật để lãnh đạo sản xuất được tốt. Cán bộ chính trị phải biết kỹ thuật, không biết, chỉ chính trị suông, không lãnh đạo được. Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng. Ta thiếu nhiều cán bộ quá, phải tích cực đào tạo, huấn luyện cán bộ. Đảng phải giúp đỡ cho cán bộ đi học. Đảng đã giúp, cán bộ phải chịu khó học. Đồng chí ta nhiều người kinh nghiệm thực hành khá nhưng về văn hóa thì i tờ. Những đồng chí trí thức đọc nhiều nhưng không có kinh nghiệm công tác, chưa quen nền nếp làm việc của Đảng. Vậy phải nâng cao lý luận cho cán bộ và dạy cho cán bộ trí thức làm công tác quần chúng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ những năm qua đã có nhiều đổi mới cả về nội dung chương trình, phương pháp đào tạo và đề ra các mức chuẩn trong đào tạo. Tuy nhiên, các chương trình đào tạo và các tiêu chuẩn đào tạo vẫn bất cập, thể hiện ở một số nội dung như: - Các yêu cầu về tiêu chuẩn kiến thức đối với người cán bộ lãnh đạo chưa đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn, chương trình đào tạo chưa phù hợp. - Phương pháp đào tạo vẫn không có gì đổi mới nhiều, chủ yếu áp dụng phương pháp truyền thống theo kiểu độc thoại, giảng viên giảng, người học thụ động nghe. - Một số yêu cầu về tiêu chuẩn hoá cán bộ chưa thật cụ thể để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp cho từng đối tượng; đặc biệt là các yêu cầu về trình độ lý luận chính trị, trình độ ngoại ngữ và khả năng sử dụng công cụ tin học trong quản lý. Bố trí, sử dụng cán bộ không phù hợp thì cán bộ khó có điều kiện để bộc lộ năng lực của mình, kể cả khi được tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng tốt. Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở, ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to gỗ nhỏ, thẳng, cong đều tùy từng chỗ mà dùng được. “Khi cất nhắc cán bộ, cần phải xét rõ người đó có gần gũi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không. Lại phải xem người ấy hợp với việc gì. Nếu người ấy có tài mà không dùng tài của họ, cũng không được việc. Nếu cất nhắc không cẩn thận, không khỏi đem người bô lô ba la chỉ nói mà không biết làm vào địa vị lãnh đạo, như thế rất có hại"(2). Phải khéo léo kết hợp các lứa tuổi không coi thường cán bộ trẻ, đồng thời biết phát huy và sử dụng kinh nghiệm của những cán bộ đi trước. Giải pháp để bố trí đúng và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ là:
  16. - Có quy hoạch cán bộ cụ thể: khi đã có quy hoạch cán bộ, cùng với những tiêu chuẩn cụ thể cho từng chức danh lãnh đạo, sẽ dễ dàng bố trí cán bộ đúng vị trí và người cán bộ cũng dễ dàng phát huy năng lực của mình khi được bổ nhiệm vào cương vị mới. - Thực hiện luân chuyển cán bộ: qua việc thực hiện luân chuyển cán bộ, sẽ lựa chọn được những cán bộ tài năng, có năng lực đảm trách vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ của đơn vị, kể cả trong khu vực sản xuất - kinh doanh. Ngoài ba khâu nói trên, để có đội ngũ cán bộ giỏi, yên tâm làm việc, còn cần có chính sách hợp lý đối với cán bộ. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở Đảng ta: “Phong trào giải phóng sôi nổi, nảy nở rất nhiều nhân tài ngoài Đảng. Chúng ta không được bỏ rơi họ, xa cách họ. Chúng ta phải thật thà đoàn kết với họ, nâng đỡ họ. Phải thân thiết với họ, gần gũi họ, đem tài năng của họ giúp ích vào công cuộc kháng chiến cứu nước”… “phải luôn tùy theo hoàn cảnh mà vẽ cho họ về phương hướng công tác, để cho họ phát huy năng lực và sáng kiến của họ… phải cho họ điều kiện sinh sống đầy đủ mà làm việc. Khi họ đau ốm, phải có thuốc thang, tùy theo hoàn cảnh mà giúp họ giải quyết vấn đề gia đình. Đảng ta có hàng triệu người, hàng vạn cán bộ. Trong đó sĩ, nông, công, thương, binh đều có. Từng lớp xã hội khác nhau, trình độ văn hóa khác nhau, tính tình cá nhân cũng không giống nhau. Sao cho đối đãi đúng với mọi người? Đó là vấn đề rất trọng yếu”(3). Do vậy, để có một đội ngũ cán bộ vừa hồng, vừa chuyên như mong muốn của Bác Hồ, Đảng, Nhà nước cần chăm lo cuộc sống cho bản thân cán bộ và gia đình của họ. Đổi mới công tác cán bộ, bao gồm các khâu đánh giá, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng cán bộ lãnh đạo đang là một đòi hỏi bức xúc, mang tính khách quan. Điều đó xuất phát từ mục tiêu của công tác cán bộ là lựa chọn cho được một đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt và năng lực quản lý, lãnh đạo thực sự phù hợp với tình hình mới. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X đã khẳng định: cần tiếp tục đổi mới công tác cán bộ hướng tới “Mục tiêu chung là xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống lành mạnh, không quan liêu, tham nhũng, lãng phí, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí; có tư duy đổi mới, sáng tạo, có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; có tinh thần đoàn kết, hợp tác, ý thức tổ chức, kỷ luật cao và phong cách làm việc khoa học, tôn trọng tập thể, gắn bó với nhân dân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đội ngũ cán bộ phải đồng bộ, có tính kế thừa và phát triển, có số lượng và cơ cấu hợp lý. Nhiệm vụ quan trọng nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược và người đứng đầu tổ chức các cấp, các ngành của hệ thống chính trị”(4). Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác xây dựng Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã nêu rõ: “Đổi mới mạnh mẽ, triển khai đồng bộ các khâu: đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng, xây dựng và thực hiện chính sách cán bộ. Đánh giá cán bộ phải công khai, minh bạch, khách quan, toàn diện và công tâm, lấy hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị làm thước đo phẩm chất
  17. và năng lực cán bộ. Đánh giá cán bộ lãnh đạo phải căn cứ vào hiệu quả công tác, khả năng đoàn kết, quy tụ, phát huy sức mạnh của tập thể, tạo ra sự tiến bộ và kết quả cụ thể trong ngành, lĩnh vực, địa phương, đơn vị mình phụ trách; không tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Không đề bạt, bổ nhiệm những người không đủ phẩm chất và năng lực; khoan dung những người thành thật nhận và sửa chữa sai lầm, khuyết điểm. Tiếp tục cải cách chế độ tiền lương, thực hiện tốt chính sách đối với cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, cán bộ hưu trí”(5). Chủ trương nói trên thể hiện quyết tâm đổi mới của Đảng ta trong công tác cán bộ. Với quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, thời gian tới, chúng ta sẽ có đội ngũ cán bộ ngang tầm với nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới: thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên cơ sở phát huy nội lực và hội nhập quốc tế./. _______________________________________________________________ Ghi chú: (1), (2), (3) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, T.5, tr.253, 254; tr.274, 275; tr.276, 277. (4), (5) Văn kiện Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.293; tr.295, 296.
  18. CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH Những vấn đề đặt ra về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo nhu cầu PGS. TS. NGUYỄN HỮU HẢI Học viện Hành chính H iệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tuỳ thuộc rất lớn vào phẩm chất, năng lực giải quyết vấn đề của cán bộ, công chức. Bởi vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo nhu cầu đang đặt ra cấp bách không chỉ đối với cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý và sử dụng công chức, mà còn đối với các tổ chức, công dân. Nhiều vấn đề đặt ra nhằm tăng cường đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu cho cán bộ, công chức nước ta trong thời kỳ mới. I. Sự cần thiết đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá X tiếp tục khẳng định sự cần thiết và tầm quan trọng của việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước trong giai đoạn hiện nay và lâu dài. Chính phủ đặt ra mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nâng cao kiến thức, năng lực quản lý điều hành và thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Những năm qua, công chức hành chính thuộc các ngạch chuyên viên cao cấp, chuyên viên chính, chuyên viên đã được bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch về kiến thức quản lý nhà nước và lý luận chính trị, bước đầu hình thành đội ngũ cán bộ, công chức có kiến thức cơ bản về hành chính nhà nước. Công chức sự nghiệp được đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng và phương pháp thực hiện nhiệm vụ. Cán bộ, công chức chuyên môn cấp xã được tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về trình độ học vấn, lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ. Đến năm 2005, công chức hành chính ngạch chuyên viên trở lên về cơ bản đã được đào tạo về chuyên môn ở trình độ đại học; hơn 90% công chức hành chính các ngạch chuyên viên trở lên đã đáp ứng được tiêu chuẩn về trình độ lý luận chính trị, 80% đáp ứng tiêu chuẩn về kiến thức quản lý nhà nước; 95% được đào tạo tin học; gần 40% công chức ngạch chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp có khả năng giao tiếp hoặc sử dụng ngoại ngữ trong lĩnh vực chuyên môn. Đến năm 2006, tất cả công chức hành chính được đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch và 70% cán bộ chuyên trách, công chức chuyên môn xã, phường, thị trấn được đào tạo, bồi dưỡng đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra, gần 292.000 Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng về thực thi quyền lực theo luật định, khoảng 50.000 lượt người được bồi dưỡng kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế.
  19. Các chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước đạt mục tiêu: từng bước hoàn thiện nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo ngạch bậc, chức vụ; chất lượng đội ngũ giảng viên về quản lý nhà nước, cán bộ lãnh đạo quản lý, đội ngũ chuyên gia đầu ngành làm công tác tham mưu về quản lý hành chính được nâng cao. Tuy nhiên, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức có một số hạn chế: Một là, tình trạng lạc hậu, chậm đổi mới trong công tác đào tạo vẫn là lực cản lớn, ảnh hưởng chất lượng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức. Việc đào tạo còn theo cung, nghĩa là cơ sở đào tạo có cái gì đào tạo, bồi dưỡng cái ấy, chưa xuất phát từ nhu cầu của người học, từ sự cần thiết của các kỹ năng thực hiện nhiệm vụ của công chức. Thậm chí, người làm công tác đào tạo cũng chưa được đào tạo, bồi dưỡng về đổi mới công tác đào tạo. Các ý tưởng cải cách về đào tạo vẫn chưa được quan tâm triển khai thực hiện. Hai là, chưa có hệ thống tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Hiện nay vấn đề này vẫn còn nan giải cần được quan tâm nhiều hơn. Về lâu dài, cần xây dựng một hệ thống tiêu chí đánh giá khoa học, cụ thể về kỹ năng, kiến thức chuyên môn cũng như đạo đức công vụ của công chức sau khi được đào tạo, bồi dưỡng. Ba là, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu. Cán bộ, công chức tham gia vào các khoá đào tạo, bồi dưỡng chủ yếu là do yêu cầu duy trì hay chuyển ngạch chứ không phải với mục đích nâng cao trình độ và năng lực. Bốn là, các chương trình bồi dưỡng theo ngạch bậc còn thiên về lý thuyết, chưa quan tâm đúng mức cả về nội dung, thời lượng và phương pháp đối với chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng để thực thi công việc. Nội dung giáo trình, tài liệu có phần chưa phù hợp với đối tượng học, chương trình bố trí chưa hợp lý cho những đối tượng học khác nhau, phương pháp giảng dạy chưa đổi mới cho nên hiệu quả đào tạo không cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Điều cốt yếu trong công tác đào tạo cán bộ công chức là phải xuất phát từ nhu cầu thực tế và phải đáp ứng nhu cầu đó”. Việc đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu đang trở thành đòi hỏi cần thiết khách quan của các cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức. Đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu giúp công chức chủ động lựa chọn nội dung, chương trình, cơ sở đào tạo và thời gian học tập phù hợp sát thực tế. Điều đó giúp cho cơ quan sử dụng công chức có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân sự hàng năm. Công chức tự lựa chọn việc học tập sẽ nâng cao tính tự giác và trách nhiệm trong học tập và thực thi nhiệm vụ, là cơ sở để cơ quan sử dụng công chức đánh giá đúng hơn năng lực thi hành công vụ. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý đào tạo giảm bớt phần việc đôn đốc công chức tham gia đào tạo bồi dưỡng, tập trung kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo, bồi dưỡng hàng năm. Thực hiện đào tạo theo nhu cầu còn giúp tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng. Ngoài ra, cơ sở đào tạo có điều kiện đa dạng hoá các khoá đào tạo, mở rộng qui mô và nâng cao trình độ đào tạo nguồn nhân lực cho việc thực thi công vụ. Nếu đáp ứng nhu cầu đào tạo, thì cơ sở đào
  20. tạo trở thành đối tác thân thiện của các cơ quan trong hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, cơ sở. Đồng thời phương thức đào tạo này còn tạo động lực phát triển cho mỗi cơ sở đào tạo, do phải nỗ lực vươn lên để đáp ứng nhu cầu đào tạo của cán bộ, công chức ở mỗi thời kỳ. II. Những vấn đề đặt ra và giải pháp Tuy nhiên, công việc này cũng gặp không ít khó khăn. Những công chức làm việc theo chuyên môn sâu, ít giao tiếp với khách hàng (tổ chức và công dân) sẽ gặp khó khăn trong việc xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng, bởi họ thiếu những tiêu chí so sánh giữa năng lực hiện có và yêu cầu công việc. Thậm chí họ ít có thời gian tiếp cận với những nội dung, chương trình và uy tín của các cơ sở đào tạo. Không ít công chức chưa nhận thức đúng trách nhiệm về kết quả đào tạo, bồi dưỡng lựa chọn theo nhu cầu, bởi họ quen dựa vào sự bố trí học tập của cơ quan, tổ chức. Cơ quan sử dụng công chức có phần lo lắng về sự phân tán thời lượng, nội dung, phạm vi và thời gian trong đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu của công chức. Mặt khác, họ cũng gặp khó khăn trong việc xác định nhu cầu. Nguyên nhân là do tâm lí ngại thể hiện, đề đạt nguyện vọng được đào tạo theo nhu cầu riêng. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc lập kế hoạch và thực hiện công tác đào tạo, phát triển nhân sự trong cơ quan. - Cơ quan quản lý đào tạo công chức sẽ phải theo dõi công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức thường xuyên hơn so với đào tạo, bồi dưỡng theo ngạch hiện nay. Do số cơ sở đào tạo được công chức lựa chọn nhiều hơn, nên cơ quan quản lý đào tạo phải mở rộng giao tiếp về nội dung, tần suất và làm tăng tính phức tạp. - Cơ sở đào tạo sẽ phải thường xuyên cập nhật nhu cầu đào tạo, điều chỉnh nội dung, chương trình, liên hệ với các đối tác, thân thiện hơn với khách hàng, chịu trách nhiệm nhiều hơn với sản phẩm của mình .v.v… Để đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng theo nhu cầu, đội ngũ giảng viên của cơ sở đào tạo cũng cần phải có trình độ lý luận cao, am hiểu thực tế và đặc biệt phải thành thạo về kỹ năng giảng dạy tích cực theo tình huống. Thực tế, số giảng viên đáp ứng được những tiêu chuẩn này chưa nhiều. Để khắc phục những nhược điểm trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hướng tới thực hiện đào tạo theo nhu cầu, cần thực hiện một số giải pháp: Cần có sự thống nhất về mục tiêu, nội dung, phương thức và lộ trình đào tạo theo nhu cầu giữa các cơ quan quản lý đào tạo, cơ sở đào tạo và cơ quan quản lý công chức. Trên cơ sở đó thiết lập hệ thống thể chế mới về đào tạo và quản lý đào tạo và quyết tâm thực hiện. Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cần nỗ lực đổi mới phương thức và nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cho sát với thực tế, theo hướng chuyển sang học tập theo nhu cầu của mỗi người. Các chương trình đào tạo tiền công vụ, bồi dưỡng theo ngạch cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp chuyển sang chương trình bồi dưỡng theo chức danh ở mỗi cấp chính quyền. Chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cần hướng vào các vấn đề thiết thực đặt ra
nguon tai.lieu . vn