Xem mẫu

  1. BÁN HÀNG QUAN HỆ (RELATIONSHIP SELLING) – KIỂU BÁN HÀNG THỜI THƯỢNG TRONG THỜI KỲ HỘI NHẬP ThS. Lê Thị Thanh Trang Đặt vấn đề Nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới đã bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng trong rất nhiều phương diện khác nhau, đó là sự liên minh liên kết để cùng nhau chia sẽ những giá trị gia tăng trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, xã hội,văn hóa…không chỉ hiệu ứng này xảy ra ở những nền kinh tế mà còn ảnh hưởng sâu rộng đối với từng doanh nghiệp trong nền kinh tế đó. Văn hóa hội nhập chi phối trong lĩnh vực sản xuất, tiếp thị và phương thức kinh doanh sản phẩm dịch vụ. Trong bài viết này muốn giới thiệu về kiểu bán hàng hiện nay đang được các doanh nghiệp sử dụng rất phổ biến đó là bán hàng quan hệ (Relationship Selling). Câu hỏi đặt ra tại sao kiểu bán hàng này lại được các doanh nghiệp theo đuổi và chúng mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp hay xã hội nói chung. Đó là mục đích của bài viết muốn gửi đến. Bàn về bán hàng truyền thống (Transactional Selling) và bán hàng quan hệ (Relationship Selling): Bán hàng truyền thống (Transactional Selling): Là tập hợp các kỹ năng, chiến lược và tiến trình bán hàng để đáp ứng những nhu cầu của khách hàng với mức giá mà khách hàng chấp nhận được. Bán hàng truyền thống không tạo ra giá trị gia tăng cho cả người bán lẫn người mua. Bán hàng quan hệ (Relationship Selling): Theo Rackham and DeVincentis có hai hình thức bán hàng quan hệ: Bán hàng tư vấn và Bán hàng đối tác Bán hàng tư vấn: Là tập hợp các kỹ năng, chiến lược và tiến trình bán hàng để mang đến giải pháp tốt nhất cho khách hàng. Theo đó những nỗ lực của đội ngũ bán hàng sẽ tạo ra giá trị mới và những lợi ích gia tăng ngoài những lợi ích cơ bản của sản phẩm. Bán hàng tư vấn tùy thuộc vào mức độ gần gũi của người nhân viên bán hàng với khách hàng và mức độ thấu hiểu của người nhân viên bán hàng về những vấn đề đang xảy ra trong kinh doanh của khách hàng. Điều này phụ thuộc vào sự đầu tư về thời gian và công sức lẫn nhau giữa người nhân viên bán hàng và khách hàng của họ. Kỹ năng lắng nghe và thấu hiểu những vấn đề kinh doanh của khách hàng thì quan trọng hơn kỹ năng thuyết phục khách hàng mua hàng; ngoài ra sự sáng tạo trong xử lý tình huống cho khách hàng thì quan trọng hơn kỹ năng hiểu biết về kiến thức sản phẩm. Trong bán hàng tư vấn, nhân viên bán hàng tạo ra giá trị cho khách hàng dựa vào 03 cách cơ bản sau: 160
  2. - Giúp khách hàng hiểu rõ bản chất của vấn đề cần giải quyết trong doanh nghiệp của họ là gì. - Giúp khách hàng đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề của họ hơn là chỉ dừng lại ở mức độ khám phá vấn đề. - Nhân viên bán hàng phải đóng vai trò mình là phần viên trong tổ chức của khách hàng để đưa ra những giải pháp dựa trên nguồn lực thực tế của khách hàng. Bán hàng đối tác: Là tập hợp những kỹ năng, chiến lược, tiến trình bán hàng để mang đến giải pháp tốt nhất, tạo ra giá trị gia tăng vượt trội nhất cho các khách hàng chiến lược. Chức năng cơ bản nhất của bán hàng đối tác là khuyến khích mọi nguồn lực của đội ngũ bán hàng đóng góp vào sự thành công chiến lược của khách hàng. Trong việc bán hàng này không phải chỉ có một nhân viên bán hàng hay một nhóm bán hàng mà là một tổ chức bán hàng để họ có thể nắm rõ được những định hướng chiến lược của khách hàng. Loại bán hàng này thì tốn rất nhiều chi phí trong tiến trình bán hàng, vì có thể thực hiện các cuộc khảo sát trước khi thực hiện tư vấn các giải pháp cho khách hàng, đôi khi khách hàng không tiếp tục hợp tác sẽ gây tỗn thất cho doanh nghiệp. Một nghiên cứu gần đây của Tom Reilly, tác giả của cuốn sách “Bán hàng tạo ra giá trị” cho rằng lý do tại sao một số nhân viên bán hàng thành công và trở thành những người đạt thành tích hàng đầu trong các công ty của họ. Ông cho rằng những người bán hàng thành công nhất thường phát triển mối quan hệ mật thiết với khách hàng của họ. Việc gần gũi với khách hàng không chỉ dừng lại với những bữa cơm trưa mà phải thay đổi phương cách tiếp cận thường xuyên và phần lớn phải dành nhiều thời gian với khách hàng của mình. Thống kê cho thấy 71% các nhân viên bán hàng thành công thường xuyên tiêu khiển thời gian vui chơi, giải trí với khách hàng thông qua các hoạt động như chơi bóng, đánh golf, đi săn bắt, ăn tối với gia đình của họ. Đây là bước đầu tiên và phổ biến nhất để xây dựng mối quan hệ mất thiết với khách hàng của mình. Từ thực tiễn rút ra rằng xây dựng mối quan hệ với khách hàng là điều kiện tiên quyết cho sự thành công trong bán hàng. Rõ ràng là nếu nhân viên bán hàng và khách hàng đã có lòng tin lẫn nhau sẽ khuyến khích sự phát triển lòng trung thành của khách hàng rất mạnh và hứa hẹn một thương vụ kinh doanh sẽ diễn ra trong tương lai. Một điều rất đáng tiếc cho kiểu bán hàng truyền thống từ các thế hệ trước kia, theo đó người nhân viên bán hàng thường tiếp cận với khách hàng theo những khuôn mẫu sẵn ví dụ như họ phải chuẩn bị rất nhiều bước khi gặp khách hàng, hay chuẩn bị hàng tá cách để kết thúc thương vụ bán hàng hay hàng loạt kiểu khác nhau để xử lý phản bác của khách hàng. Trong khi đó đối với bán hàng quan hệ sẽ giải quyết ổn thỏa mọi tình huống xảy ra nếu chúng ta có sẵn 161
  3. mối quan hệ tốt với khách hàng. Đại khái có thể mượn câu tục ngữ: “Thương nhau quả ấu cũng tròn, ghét nhau quả bồ hòn cũng méo” để diễn tả cho hai kiểu bán hàng quan hệ và bán hàng truyền thống”. Thực sự việc chúng ta tổ chức các buổi tiêu khiển, vui chơi, giải trí cho khách hàng thông qua các hoạt động như chơi bóng, chơi golf, đi săn bắt, đi ăn tối với gia đình khách hàng cũng vẫn chưa đủ. Vấn đề muốn nói ở đây là sự chọn lựa các hình thức tiếp cận khác nhau sao cho phù hợp với từng đối tượng khách hàng, do đó ngoài việc tìm ra những thứ tiêu khiển để tạo lập mối quan hệ với khách hàng người nhân viên bán hàng cần phải tạo lập lòng tin với khách hàng của họ thông qua một số yếu tố sau: Thứ nhất là hiểu biết sâu rộng về sản phẩm Hiểu biết về sản phẩm là tiêu chí bắt buộc người bán hàng phải nắm rõ, điều này sẽ giúp người bán hàng tự tin hơn trong quá trình tư vấn cũng nhữ đưa ra các giải pháp phù hợp cho khách hàng. Vì chúng ta biết rằng tâm lý chung của khách hàng không chỉ muốn biết sản phẩm đó có công dụng gì mà họ còn muốn biết nó có thể giúp ích gì cho họ và tại sao họ phải mua sản phẩm của chúng ta. Nội dung tri thức sản phẩm đòi hỏi người bán hàng phải nắm rõ ba lĩnh vực: Một là kiến thức chi tiết về sản phẩm như: thành phần, đặc điểm, chất lượng… Hai là kiến thức về công dụng sản phẩm: hiệu quả sử dụng, tính an toàn, tính tiện ích… Ba là kiến thức về: giá cả, điều kiện giao dịch, phương thức thanh toán, khuyến mãi, hậu mãi… Thứ hai là khám phá nhu cầu của khách hàng Nhân viên bán hàng phải chú ý đến những lần gặp đầu tiên với khách hàng của mình vì những thông tin đầu tiên bao giờ cũng chân thật nhất và người nhân viên bán hàng phải cố gắng tìm hiểu nhu cầu của khách hàng cũng như tìm hiểu những vấn đề kinh doanh của khách hàng của chúng ta đế có cách tiếp cận phù hợp nhất với từng khách hàng cụ thể. Nếu chẳng may chúng ta không có sản phẩm/dịch vụ hoặc không thể cung cấp sản phẩm/dịch vụ cho khách hàng thì chúng ta vẫn có thể giữ mối quan hệ với họ và nói với họ rằng hãy cho chúng ta cơ hội để có thể tiếp tục hợp tác với họ trong tương lai. Sự chân thành bao giờ cũng là chìa khóa trong xây dựng mối quan hệ với khách hàng. Thứ ba là cung cấp giải pháp tốt nhất để cải thiện sản phẩm đầu ra cho khách hàng Một lần nữa nhu cầu của khách hàng phải được người nhân viên bán hàng thấu hiểu cặn kẽ và chúng ta phải chắc chắn rằng sản phẩm/dịch vụ của chúng ta không chỉ đáp ứng nhu cầu của khách hàng mà phải làm đến việc cung cấp các giải pháp tốt nhất để cải thiện sản phẩm/dịch vụ “đầu ra”của khách hàng chúng ta. Thông thường các giải pháp đưa ra cho khách hàng phải vượt trội hơn so với các giải pháp của đối thủ cạnh tranh thì mong ra mối quan hệ giữa doanh nghiệp với khách hàng mới tồn tại lâu dài được. 162
  4. Thứ tư là xác nhận thương vụ bán hàng Bước cuối cùng của tiến trình bán hàng là việc kết thúc thương vụ. Thực sự bước này không phải là một phần của kiểu bán hàng quan hệ mà nó là một phần trong bán hàng truyền thống, theo đó người bán hàng có nghĩa vụ thúc đẩy quá trình ra quyết định mua hàng thông qua một số câu hỏi như: Tôi sẽ lên đơn hàng với số lượng nào thưa ông? Ông muốn thanh toán theo phương thức nào? Khi nào giao hàng sẽ thuận tiện nhất cho Ông?... Có rất nhiều cách kết thúc thương vụ bán hàng khác nhau nhưng trong bán hàng quan hệ việc xác nhận thương vụ thực tế chỉ mới bắt đầu của tiến trình bán hàng vì lúc này là bước tạo lập cam kết và rất cần thiết trong tạo lập mối quan hệ. Sự xác nhận thương vụ sẽ xây dựng lòng tin và mối quan hệ trong dài lâu với khách hàng. Tóm lại, quá trình hội nhập hóa làm cho các doanh nghiệp sẽ thay đổi phương thức kinh doanh để phù hợp với tình hình thực tế. Một sự thay đổi trong môi trường luôn thay đổi dễ thấy nhất là kiểu bán hàng mà các doanh nghiệp đang sử dụng phổ biến nhất là kiểu bán hàng quan hệ. Theo đó doanh nghiệp không chỉ cung cấp sản phẩm dịch vụ để thỏa mãn nhu cầu cho khách hàng mà doanh nghiệp phải làm được đến mức độ thấu hiểu những vấn đề trong kinh doanh của khách hàng, và làm thế nào để đưa ra giải pháp cải thiện sản phẩm đầu ra cho khách hàng có như thế mới giữ chânđược khách hàng trung thành với chúng ta chọn đời. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Tạp chí kinh tế & phát triển số T1,2,3,4,5, 6, 7, 8, 9/2014. 2. Mark W. Johnston and Greg W.Marshall, 2005, Relationship Selling and Sales Management, McGraw-Hill. 3. Tom R, 2006. Relationship selling at its best. Industrial Distribution, 25 (9): 29. 163
nguon tai.lieu . vn