Xem mẫu

  1. Thân Thị Giang Bùi Thị Ngọc Lan Trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây Tóm tắt: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hay còn gọi là cuộc cách mạng số đã, đang và sẽ tiếp tục tạo nên những biến động mạnh mẽ, gây ảnh hưởng đến mọi mặt của cuộc sống xã hội trong thế kỷ XXI nói chung, trong đó có giáo dục nghề nghiệp nói riêng. Giảng dạy môn giáo dục chính trị tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vị trí quan trọng trong việc hình thành thế giới quan cộng sản, nhân sinh quan cách mạng và phương pháp luận khoa học đóng vai trò nền tảng cho sinh viên khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Bài viết, phân tích những yêu cầu và kỹ năng cơ bản trong giảng dạy môn giáo dục chính trị để thích ứng với quá trình chuyển đổi số trong giáo dục hiện nay. Từ khóa: Giáo dục chính trị, cách mạng số, E-learning. 1. Mở đầu Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) vẫn đang diễn ra từng ngày, từng giờ, tác động mạnh mẽ đến giáo dục - nơi tri thức hóa nguồn nhân lực, cũng như các nhà tuyển dụng - nơi kiểm nghiệm sản phẩm của quá trình tri thức hóa. Bởi vậy, các cơ sở giáo dục, trong đó có các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không thể thỏa mãn với kết quả kiểm định đạt tiêu chuẩn mà cần chủ động tiếp cận với thực tiễn luôn biến động của CMCN 4.0 nhằm luôn bổ sung, phát triển để đáp ứng đòi hỏi về trình độ, năng lực, kỹ năng, kỹ xảo cần có của người lao động mà nền kinh tế số đang đặt ra. Để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội, tận dụng tối đa thế mạnh của công nghệ thông tin (CNTT), nền giáo dục thế giới đã và đang đổi mới toàn diện theo mô hình nền giáo dục số. Giáo dục 4.0 là mô hình giáo dục thông minh, nền tảng của mô hình giáo dục này là dựa trên sự liên kết giữa ba yếu tố nhà trường - nhà quản lý - nhà doanh nghiệp, tạo điều kiện cho việc đổi mới, sáng tạo và năng suất lao động trong xã hội tri thức. Trước bối cảnh đó, đòi hỏi công tác giảng dạy môn giáo dục chính trị phải đổi mới, chuẩn bị chu đáo cho những thay đổi lớn khi chuyển đối số trong giáo dục. 545
  2. 2. Nội dung 2.1. Nội dung cơ bản cần quan tâm trong quá trình giảng dạy môn giáo dục chính trị khi thực hiện chuyển đối số trong giáo dục Trước tác động của CMCN 4.0, việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, đổi mới hoạt động dạy và học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói chung, môn giáo dục chính trị (GDCT) nói riêng là yêu cầu tất yếu khách quan. Qua thực tiễn quản lý, nghiên cứu và giảng dạy môn GDCT tại trường Cao đẳng cộng đồng Hà Tây, theo quan điểm của chúng tôi, để nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy môn học này thích ứng với quá trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp, cần tập trung vào những nội dung cơ bản sau: Một là, cần triển khai, ứng dụng E-Learning trong hoạt động giảng dạy và học tập sẽ là yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dạy và học môn học này trong quá trình thực hiện chuyển đổi số. Hiện nay, việc ứng dụng CNTT trong dạy và học khá phổ biến đó chính là cách học hiện đại, thông minh. Elearning là hình thức sinh viên sử dụng máy tính để tự học các bài giảng mà giảng viên đã biên soạn, hoặc xem các đoạn phim về các tiết dạy của giảng viên, hoặc có thể trao đổi trực tuyến với giảng viên và các bạn cùng học thông mạng Internet. Điểm khác cơ bản của hình thức E-Learning so với các hình thức giáo dục truyền thống là lấy sinh viên làm trung tâm, sinh viên tự làm chủ quá trình học tập của mình, giảng viên chỉ đóng vai trò trợ lý, hướng dẫn và hỗ trợ việc học tập cho sinh viên. Hiểu theo nghĩa rộng, E-Learning là một thuật ngữ dùng để mô tả việc học tập, đào tạo dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT), đặc biệt là CNTT. Theo quan điểm hiện đại, E-Learning là sự phân phát các nội dung học, sử dụng các công cụ điện tử hiện đại: Máy tính, laptop, smartphone, mạng vệ tinh, mạng Internet, Intranet,..trong đó nội dung học có thể thu được từ các website, đĩa CD, băng video, audio,..thông qua một máy tính hay ti vi; người dạy và người học có thể giao tiếp với nhau qua mạng internet dưới các hình thức: email, forum, chat, facebook, hội thảo video,..Có hai hình thức giao tiếp giữa người dạy và người học: giao tiếp đồng bộ và giao tiếp không đồng bộ. Giao tiếp đồng bộ: Nhiều người truy cập mạng tại cùng một thời điểm và trao đổi thông tin trực tiếp với nhau như: thảo luận trực tuyến, hội thảo video, nghe đài phát sóng trực tiếp, xem tivi phát sóng trực tiếp,..Giao tiếp không đồng bộ: Những người giao tiếp không nhất thiết phải truy cập mạng tại cùng một thời điểm, ví dụ: các khoá tự học qua Internet, CD-ROM, E-mail, diễn đàn. Đặc trưng của kiểu học này là giảng viên phải chuẩn bị tài liệu khoá học trước khi khoá học diễn ra, sinh viên được tự do chọn lựa thời gian tham gia khoá học. 546
  3. Khi thế giới đang trở nên “phẳng hơn” như hiện nay, cách học các môn khoa học nói chung, môn GDCT nói riêng theo hình thức E-Learning sẽ góp phần đáp ứng được những tiêu chí của nền giáo dục số: Học mọi nơi, học mọi lúc, học theo sở thích, và học suốt đời. Ở một góc độ nào đó, E-Learning sẽ bổ sung cho cách học tập truyền thống, góp phần nâng cao chất lượng việc dạy và học môn GDCT trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Thực tiễn nghiên cứu và áp dụng, chúng tôi nhận thấy rằng, việc dạy và học môn GDCT bằng E-Learning có một số hình thức chủ yếu: (1).Đào tạo từ xa: hình thức đào tạo trong đó, giảng viên và sinh viên không ở cùng vị trí, địa điểm; (2).Đào tạo dựa trên máy tính: Ứng dụng (phần mềm) đào tạo trên các đĩa CD-ROM hoặc cài trên các máy tính độc lập, không nối mạng, không có giao tiếp với thế giới bên ngoài; (3).Đào tạo dựa trên web: Các thông tin quản lý khoá học, thông tin về giảng viên được lưu trữ trên máy chủ và người dùng có thể dễ dàng truy nhập thông qua trình duyệt Web. Sinh viên có thể giao tiếp với nhau và với giảng viên, sử dụng các chức năng trao đổi trực tiếp, diễn đàn, e-mail... thậm chí có thể nghe được giọng nói và nhìn thấy hình ảnh của người giao tiếp với mình; (4). Đào tạo trực tuyến: Sử dụng kết nối mạng để thực hiện việc học, lấy tài liệu học tập, giao tiếp giữa sinh viên với nhau và với giảng viên; (5).Đào tạo dựa trên công nghệ: Áp dụng công nghệ, đặc biệt là dựa trên công nghệ thông tin. Như vậy, việc ứng dụng rộng rãi E-Learning vào việc dạy - học môn GDCT, có ưu điểm sau: Thứ nhất, tạo thuận lợi tối đa cho sinh viên, giúp sinh viên không bị hạn chế về mặt thời gian và địa điểm; Thứ hai, kinh phí chi trả cho việc học giảm hơn nhiều so với việc sinh viên phải đến lớp theo hình thức lớp học truyền thống; Thứ ba, sinh viên hoàn toàn chủ động trong việc học, xây dựng thời gian biểu và tự quản lý thời gian học của cá nhân; Thứ tư, sinh viên có nhiều thời gian đầu tư cho việc đọc, nghiên cứu tài liệu và làm đề tài nghiên cứu khoa học vì không phải mất toàn thời gian trong ngày để đến giảng đường nghe giảng. Đây là một trong những lợi thế tốt nhất của giáo dục trực tuyến; Thứ năm, học trực tuyến giúp sinh viên nâng cao trình độ sử dụng máy tính, Internet và nhiều phần mềm có liên quan khác. Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm, việc sử dụng E-Learning vào dạy - học môn GDCT cũng có một số hạn chế: Thứ nhất, môi trường học không kích thích được sự chủ động và sáng tạo, tích cực trao đổi, tranh luận ý kiến,..của sinh viên như các lớp học truyền thống. Thậm chí làm giảm sự tương tác giữa giảng viên nếu giảng viên thiếu nhiệt huyết, sinh viên thiếu chủ động, tích cực, Thứ hai, học tập theo phương pháp E-Learning đòi hỏi người học phải có tinh thần tự học, do ảnh hưởng của cách học thụ động truyền thống, tâm lí học phải có thầy, nội dung bài học, môn học còn khá nặng và thiên về lý luận nên việc tham gia học E-Learning chưa trở thành động lực học tập của sinh viên. Bên cạnh đó, điều kiện kinh tế của người học không giống nhau, nhất là ở vùng sâu vùng xa, 547
  4. chưa thể trang bị máy vi tính kết nối Internet, nhiều thông tin trên mạng Internet chưa được kiểm soát dẫn đến gia đình lo lắng khi con em mình vào mạng,.. Thứ ba, để triển khai hiệu quả phương thức đào tạo E-Learning hiệu quả, đòi hỏi phải có hạ tầng CNTT đủ mạnh, có đường truyền cáp quang ổn định, xây dựng Website trường học và Website E-Learning hoàn chỉnh chi phí cao, nếu không tận dụng hết khả năng của Web sẽ gây lãng phí. Đồng thời, phải có đội ngũ cán bộ chuyên trách phục vụ hoạt động của hệ thống E-Learning. Tuy nhiên, theo quy định hiện tại chưa có cơ chế cho hoạt động này ở nhà trường. Hai là, song song với việc triển khai và áp dụng E-Learing vào giảng dạy môn GDCT cần lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp với nội dung tri thức môn học. Theo quan điểm của lý luận dạy học hiện, phương pháp dạy học tích cực là gắn truyền thụ kiến thức của giảng viên với việc phát huy trí lực của sinh viên, chủ động hoạt động trí não ngay trong quá trình dạy - học và nghiên cứu bài học. Do đó, đổi mới phương pháp dạy - học môn GDCT phải dựa trên cơ sở xác định trung tâm của hoạt động dạy của giảng viên là sinh viên. Bởi vậy, giảng viên cần sử dụng nhiều phương pháp khác nhau trong một bài học, nhưng không nên lạm dụng, ôm đồm nhiều phương pháp. Sử dụng các phương pháp phải phù hợp với đối tượng người học, dung lượng bài giảng về lý luận và thực tiễn sao cho mỗi bài giảng phải có sự kết hợp được các phương pháp phù hợp tốt nhất cùng với kết hợp các phương tiện dạy học khác làm cho bài giảng phong phú và thiết thực. Khi giảng dạy môn GDCT, để tạo hứng thú cho sinh viên, giảng viên cần đổi mới theo hướng gợi mở, nêu vấn đề, giảm thời gian thuyết trình, tăng thời gian đàm thoại, thảo luận, tranh luận giữa sinh viên với sinh viên, sinh viên với giảng viên, đối thoại giữa sinh viên với giảng viên, tình huống có vấn đề. Để thực hiện điều này, đòi hỏi giảng viên phải giỏi về chuyên môn, vững về các kỹ năng nghề, linh hoạt và nhanh nhẹn trong việc giải quyết và ứng phó với các tình huống sư phạm nảy sinh ngoài dự kiến, biết hướng dẫn sinh viên đọc tài liệu, tập phân tích, đánh giá, nêu ý kiến riêng về vấn đề mà tài liệu đề cập,..Như thế, sinh viên sẽ chủ động chiếm lĩnh tri thức khoa học của bài học, môn học, kích thích tính chủ động, độc lập suy nghĩ suy nghĩ, tập phê phán, phản biện có căn cứ khoa học,..mà không thừa nhận tri thức một cách giản đơn, thụ động. Bản chất của vấn đề đổi mới phương pháp dạy là hướng vào mục tiêu trau dồi tư duy khoa học cho sinh viên, giúp sinh viên làm quen với phương pháp học tập theo kiểu nghiên cứu. Tinh thần cơ bản của phương pháp dạy này là lý luận gắn liền với thực tiễn, dùng lý luận để soi sáng thực tiễn, dùng thực tiễn để kiểm chứng lý luận, học đi đôi với hành. 548
  5. Ba là, tiền đề quan trọng nhất góp phần nâng cao chất lượng dạy- học môn GDCT, là vấn đề con người, gồm chủ thể và khách thể của quá trình giáo dục (giảng viên và sinh viên). Trước yêu cầu của quá trình chuyển đổi số trong giáo dục, đòi hỏi đội ngũ nhà giáo nói chung, giảng viên giảng dạy môn GDCT nói riêng phải không ngừng tự học tập, cập nhật thông tin để trau rồi tri thức, nâng cao hiểu biết về mọi phương diện của đời sống và cần thực hiện một số nội dung sau: Thứ nhất, giảng viên cần xây dựng đề cương chi tiết môn học cung cấp sinh viên trước khi bắt đầu vào giảng dạy một chuyên đề hay bất cứ một bài nào đó. Trong đó có ghi rõ những phần học trên giảng đường, phần đọc sách, phần tự nghiên cứu và những phần yêu cầu sinh viên tự học ở nhà cũng như làm tiểu luận. Trong những chương, phần yêu cầu người học tự học giảng viên nên nêu rõ mục tiêu của chương, phần đó,.. Thứ hai, giảng viên cần hướng dẫn sinh viên cách lập kế hoạch học tập. Điều này sẽ giúp sinh viên có kế hoạch phân bổ thời gian cụ thể từng tuần, từng ngày dựa trên kế hoạch học tập của học kỳ, năm học để làm chủ được thời gian chủ động thời gian tự học, tự nghiên cứu, không bị động trước rất nhiều tài liệu cần phải đọc, Thứ ba, giảng viên nên cần dành thời gian hướng dẫn sinh viên cách nghe giảng, cách ghi bài trên lớp, cách học bài, nghiên cứu tài liệu, đọc sách và bút ký các vấn đề liên quan đến tri thức bài học, Thứ tư, cần hướng dẫn sinh viên cách tự học bài ở nhà, hướng dẫn sinh viên cách vận dụng, phân tích, tổng hợp và bình luận, hướng dẫn cho sinh viên cách học nhóm, cách quản lý và tổ chức khi học nhóm,.. Thứ năm, trong nền giáo dục số vai trò tự học của sinh viên là một mấu chốt quan trọng góp phần nâng cao chất lượng học tập môn GDCT. Thực tế khung chương trình và thời lượng giảng dạy môn GDTC trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay cho thấy, thời lượng dạy trên lớp là rất ngắn, trong khi nội dung tri thức cần truyền đạt thì quá nhiều. Do vậy, sinh viên phải tự học và chuẩn bị bài trước giờ lên lớp là điều tất yếu. Hoạt động tự học của sinh viên gồm toàn bộ môi trường học tập được tổ chức bởi giảng viên với mục tiêu hướng đến quá trình tự đào tạo của sinh viên. Tự học là hoạt động học tập diễn ra mà không có sự tham gia trực tiếp của giảng viên. Thời gian tự học là lúc sinh viên có nhiều thời giờ suy nghĩ, đào sâu vấn đề, đặt ra các tình huống có vấn đề trong quá trình nhận thức, đề xuất những thắc mắc để giảng viên giải đáp, suy nghĩ liên hệ hoặc vận dụng vào thực tế. Tự học là biện pháp ghi nhớ, khắc sâu tri thức trong bộ óc hữu dụng nhất, giúp tri thức khó có thể rơi vào “vùng quên” của bộ não. Tự học vừa mang nghĩa củng cố, trau dồi tri thức và có ý nghĩa mở rộng hiểu biết. Bởi, sinh viên phải độc lập, 549
  6. tự xây dựng kế hoạch, phương pháp học tập cho mình, tự năng động tìm tòi, phân tích tài liệu, sách vở tiến tới làm chủ tri thức, kỹ năng. Nếu thiếu sự kiên trì, nhẫn nại và nghiêm túc của bản thân thì sinh viên không bao giờ thực hiện được kế hoạch học tập do chính mình đặt ra. Có thể nói, trong nền giáo dục số, tự học, tự nghiên cứu có ý nghĩa to lớn đối với bản thân sinh viên cũng như đối với chất lượng , hiệu quả của quá trình dạy học - đào tạo trong nhà trường. 2.2.Một số kiến nghị với ban giám hiệu trường cao đẳng cộng đồng Hà Tây nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn giáo dục chính trị trong bối cảnh hiện nay Trong xu thế phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, của CNTT&TT hiện nay, để nâng cao chất dạy - học các GDCT tại trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây, cần thực hiện tốt một số nội dung sau: Một là, Xây dựng kế hoạch ngắn hạn, dài hạn trong việc sử dụng đội ngũ giảng viên bộ môn hiện có của nhà trường một cách hợp lý gắn với thực tế công tác tuyển sinh, đào tạo, quản lý,..của nhà trường. Ví dụ, có chính sách hỗ trợ tài chính phù hợp trong việc huy động, khuyến khích tạo động lực để các giảng viên giàu kinh nghiệm, vững chuyên môn đầu tư trí tuệ, thời gian cho hoạt động nghiên cứu khoa học, viết tài liệu tham khảo môn học, đề cương bài giảng, viết bài tham gia các hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế do các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu lớn trong và ngoài nước liên quan trực tiếp đến đổi mới phương pháp dạy - học tổ chức, viết bài đăng trên các Tạp chí khoa học chuyên ngành, Tạp chí khoa học của các trường đại học lớn có nhiều chuyên ngành đào tạo trình độ đại học gần với các ngành đào tạo của nhà trường như: Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Thái Nguyên, Đại học Lâm nghiệp, ...có chỉ số ISSN hoặc ISBN. Hai là, Hoàn thiện quy trình kiểm tra, đánh giá kết quả học tập môn học của sinh viên, thống nhất các tiêu chí đánh giá sinh viên, thể hiện ở các khía cạnh sau: điểm chuyên cần, điểm đánh giá ý thức, thái độ, tính chủ động, tích cực trong học tập, nghiên cứu môn học, trong các tiết thảo luận, bài thi kết thúc học phần, nhanh chóng tham gia và hoàn thiện quy trình đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Ba là, khoa khoa học cơ bản, trực tiếp là tổ bộ môn cần thường xuyên rà soát, cập nhật, chỉnh sửa và hoàn thiện hệ thống giáo trình, học hiệu tham khảo môn học phục vụ hoạt động học tập, nghiên cứu của sinh viên. Tài liệu cần được xây dựng theo hướng gắn với hoạt động tự học, tự nghiên cứu của sinh viên, thống nhất cách viết đề cương bài giảng trong toàn bộ môn học, sau mỗi bài học 550
  7. cần xây dựng nhiều dạng bài tập như: Trắc nghiệm khách quan, tự luận, dạng bài kiến thức mở,..chuẩn hóa các chuyên đề thuyết trình cho từng chương, bài, bài tập nhóm, bài tập cá nhân trong môn học và công bố công khai trên website của nhà trường. Bốn là, tạo điều kiện để sinh viên nhà trường được bày tỏ quan điểm, ý kiến về việc học tập, nghiên cứu môn học với cán bộ quản lý giáo dục của các khoa: Giáo vụ khoa, giáo viên chủ nhiệm, chuyên viên phòng đào tạo và nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các giảng viên trực tiếp phụ trách môn học. Bên cạnh đó, cần điều chỉnh, rà soát và thường xuyên tiến hành việc khảo sát thực tế về các vấn đề: kỹ năng, thái độ, năng lực làm việc, trách nhiệm trong công việc của người lao động sau quá trình đào tạo từ phía nhà tuyển dụng bằng nhiều kênh thông tin khác nhau: qua thư điện tử, trao đổi thông tin qua điện thoại, phiếu điều tra, khảo sát thực tế,..để có thông tin sát thực từ đó xây dựng mục tiêu và chuẩn đầu ra phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Năm là, nhà trường cần đầu tư nhiều hơn nữa về tài chính cho công tác xây dựng cơ sở hạ tầng: trang bị hệ thống máy tính, cơ sở hạ tầng viễn thông, xây dựng hệ thống thư viện và tra, phòng tư liệu, máy quay, máy chiếu,..đồng bộ hiện đại phục vụ hoạt động giảng dạy của giảng viên và hoạt động học tập, nghiên cứu khoa học của sinh viên với tất cả các môn học nói chung, môn GDCT nói riêng. Xây dựng mối quan hệ gắn bó, thông suốt giữa các đơn vị chức năng của nhà trương trong việc quản lý hoạt động học tập của sinh viên. 3. Kết luận Chất lượng và hiệu qủa trong dạy - học môn GDCT tại trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Tây trước xu thế chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp hiện nay phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao hàm cả nhân tố khách quan và nhân tố chủ quan của quá trình giảng dạy, chịu sự chi phối tác động của nhiều nguyên nhân. Trên nền tảng số mà cuộc CMCN 4.0 mang lại, tất cả các lĩnh vực của đời sống nhân loại đều chịu tác động mạnh mẽ, giáo dục và đào tạo không phải là ngoại lệ. Trái lại dưới tác động của công nghệ sinh học, điện toán đoán mây, kho dữ liệu số, công nghệ in 3D, công nghệ nano, trí tuệ nhân tạo - thành quả tất yếu của sự phát triển công nghệ trong cách mạng số đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi ngày càng khắt khe với giáo dục và đào tạo. Do vậy, công tác dạy - học môn GCDT tại trường cao đẳng Cộng đồng Hà Tây cần có những thay đổi và tầm nhìn chiến lược để chuẩn bị cho những biến đổi lớn, đáp ứng yêu cầu trong quá trình chuyển đổi giáo dục số hiện nay. 551
  8. Tài liệu tham khảo [1]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [2]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [3]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, tập 2. Nxb Chính trị - Sự thật Quốc gia, Hà Nội. [4]. Nguyễn Đức Khiêm (2018), Một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên trường cao đẳng Vĩnh Phúc trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia: “Đào tạo và nghiên cứu khoa học trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, Nxb Nông nghiệp Việt Nam. [5]. Trần Mai Ước (2014), Đảm bảo tính thực tiễn trong chương trình đào tạo ngành giáo dục chính trị tại các trường đại học, cao đẳng hiện nay, Tạp chí Đại học Sài Gòn, số 23. 552
nguon tai.lieu . vn