Xem mẫu

  1. Lê Dương Thùy Hương Trường Cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai Tóm tắt: Bài viết nghiên cứu về nhu cầu và thực trạng chuyển đổi số trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số đã trở thành nhu cầu cấp thiết của các cơ sở giáo dục nghiệp. Đồng thời, bài viết cũng đề xuất một số giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở nước ta hiện nay. Từ khóa: Giáo dục nghề nghiệp; chuyển đổi số; đào tạo trực tuyến. 1. Mở đầu Trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, chuyển đổi số đã cho thấy những lợi thế lớn, trở thành xu thế tất yếu trong giáo dục nghề nghiệp. Chuyển đổi số đang trở nên cấp thiết để các trường nghề thích ứng với mọi hoàn cảnh, đồng thời là đòn bẩy thúc đẩy đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến, bắt kịp xu thế của giáo dục toàn cầu. Nắm bắt được xu thế đó, ngành giáo dục nghề nghiệp đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trước yêu cầu chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, giáo dục nghề nghiệp xác định sứ mệnh tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ này, góp phần rút ngắn quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa và đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng gặp phải những khó khăn, thách thức về nguồn lực con người, về hạ tầng công nghệ thông tin,… Chính vì vậy, nghiên cứu thực trạng chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đề xuất được một số giải pháp nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam hiện nay là việc làm cần thiết. 2. Nội dung 2.1. Nhu cầu chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là một xu thế lớn hội tụ nhiều công nghệ số hóa đột phá như internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu lớn, điện toán đám mây và các công nghệ khác để thực hiện siêu kết nối, tích hợp các hệ thống số hóa – vật lý – sinh học, giữa thế giới thực và không gian số để tạo ra lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất mới. 118
  2. Việc chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp được xem là giải pháp cốt lõi để tăng khả năng thích ứng trong thế giới việc làm đang thay đổi nhanh chóng trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, ngành Giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam nói riêng cũng không nằm ngoài xu thế chung của thế giới và phải khẩn trương thực hiện chuyển đổi số nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, chuyển đổi số giúp đổi mới hoạt động dạy và học tại các cơ sởgiáo dục nghề nghiệp theo hướng giảm thuyết giảng, truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực của người học, tăng khả năng tự học, gắn học lý thuyết với thực hành. Đặc biệt, sự bùng nổ của nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn… đã và đang hình thành nên hạ tầng giáo dục số nói chung và giáo dục nghề nghiệp số nói riêng. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, việc chuyển đổi từ phương thức giáo dục truyền thống sang giáo dục số ngày càng trở nên bức thiết. Dự thảo Khung đề án chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đưa ra khái niệm, chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp là quá trình tích hợp và áp dụng các công nghệ kỹ thuật số như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, vạn vật kết nối, trí tuệ nhân tạo… vào các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tận dụng các công nghệ số thay đổi tích cực cách thức quản lý, làm việc của cá nhân, đơn vị trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp cũng như cung cấp điều kiện giáo dục nghề nghiệp thuận tiện, nhanh chóng, hiệu quả trên nền tảng số. Quá trình chuyển đổi số sẽ tác động có tính thay đổi cốt lõi đến hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo các góc độ: Thứ nhất, tác động đến cách thức quản lý, chỉ đạo điều hành trong của các cơ quan quản lý nhà nước, hướng đến cách thức quản lý và ra quyết định trên nền tảng công nghệ số và dữ liệu lớn. Thứ hai, tác động trực tiếp đến các đối tượng tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp: thay đổi cách quản lý hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cách dạy của giáo viên, cách học của học viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp từ môi trường truyền thống lên môi trường số. Thứ ba, bản thân quá trình vận động xã hội khi chuyển đổi số sẽ sản sinh ra nhiều ngành nghề mới, nhiều lĩnh vực mới. Đây là thị trường mới tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức đối với hoạt động giáo dục nghề nghiệp Như vậy, với sự phát triển nhảy vọt của khoa học kỹ thuật và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông, nhân loại đang bước sang thời kỳ quá độ của kinh tế tri thức thì chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, để sử dụng ngày càng nhiều công nghệ mới tiên tiến, hiện đại, việc dạy nghề cũng phát triển 119
  3. phù hợp với xu hướng hiện đại hóa, thị trường hóa, đa dạng hóa và quốc tế hóa. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện việc chuyển đổi số và chuyển đổi số thành công sẽ góp phần thay đổi phương thức đào tạo và đáp ứng việc đào tạo nguồn nhân lực, có kỹ năng nghề nghiệp, thích ứng với thay đổi nhanh trong sản xuất, thương mại và dịch vụ. Ngành giáo dục nghề nghiệp rất quan tâm tới việc đào tạo những công dân Việt Nam có kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số để trở thành công dân toàn cầu. Chính vì vậy, chuyển đổi số được ngành xác định là khâu đột phá, nhiệm vụ quan trọng cần chú trọng triển khai thực hiện những năm tới đây. Làm tốt chuyển đổi số không chỉ giúp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp mà quan trọng hơn là góp phần nâng cao năng suất lao động, tạo cơ hội lớn để hội nhâp quốc tế. 2.2. Thực trạng chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp Để giáo dục nghề nghiệp có thể chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản như: Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia; Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Triển khai các văn bản trên của Chính phủ, Bộ Lao động – Thương bình và Xã hội đã ban hành Quyết định số 980/QĐ-LĐTBXH ngày 11/8/2020 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Theo đó giao Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chủ trì xây dựng Đề án chuyển đổi số và phát triển kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin cho lực lượng lao động. Đồng thời, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thích ứng trong việc triển khai Đề án Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy và học nghề đến năm 2020 bằng các dự án thành phần. Nội dung Đề án tập trung vào việc xây dựng hệ thống đào tạo trực tuyến và triển khai đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong hoạt động kiểm định, đảm bảo chất lượng giáo dục nghề nghiệp và đánh giá kỹ năng nghề và đầu tư, nâng cấp hạ tầng, thiết bị công nghệ thông tin cho hệ thống. Trong năm 2020 vừa qua, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, cùng với cả nước, toàn ngành giáo dục nghề nghiệp đã tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Cụ thể, ngành giáo dục nghề nghiệp đã triển khai quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch với mục tiêu “bảo đảm sức khỏe, an toàn của học sinh, sinh viên, giáo viên, 120
  4. giảng viên lên trên hết”; đồng thời thực hiện phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”. Dịch Covid-19 vừa qua mang đến áp lực cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp, nhưng cũng tạo ra động lực để chuyển đổi số trở nên mạnh mẽ hơn; tạo cơ hội và động lực để giáo viên, học sinh thích ứng, áp dụng phương thức dạy học trực tuyến. Kết quả dạy học online trong thời điểm dịch Covid-19 được đánh giá tốt. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã chỉ đạo các nhà trường dạy học trực tuyến; tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn cho các học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên trong quá trình dạy học qua internet. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động và thích ứng nhanh với diễn biến, dịch bệnh, áp dụng sinh động và hiệu quả công nghệ thông tin, công nghệ số vào giảng dạy. Qua việc giảng dạy trực tuyến, cho thấy năng lực sử dụng công nghệ thông tin của đội ngũ giảng viên giáo dục nghề nghiệp đã được nâng lên rõ rệt. Đến nay, việc dạy học online đã trở thành một hoạt động thiết yếu, duy trì sự tương tác giữa thầy và trò. Những giải pháp cụ thể mà ngành giáo dục nghề nghiệp đã triển khai trong công tác phòng, chống Covid-19 vừa qua đã cho thấy, toàn ngành đã thực hiện khá tốt việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, giảng dạy và học tập. Có thể thấy, ngành giáo dục nghề nghiệp đang nỗ lực xây dựng cơ chế tự chủ cho các cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó là xây dựng hệ thống quản lý, hệ thống đánh giá ngoài, kiểm định chất lượng, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu đào tạo, tuyển dụng lao động. phát triển trình độ của các các nhà giáo, xây dựng khung tham chiếu. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo trực tuyến. Dịch bệnh Covid-19 là một bối cảnh thúc đẩy quá trình công nghệ thông tin được nhanh hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện tại, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn bị động trong thực hiện chuyển đổi số. Hầu hết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa trang bị cơ sở hạ tầng mạng internet và nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý học tập phục vụ dạy học trực tuyến. Khả năng số hóa và thích ứng với dạy học trực tuyến của hệ thống giáo dục nghề nghiệp còn thấp… Đây là những rào cản gây khó khăn trong quá trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp cần sớm khắc phục trong thời gian tới. 2.3. Giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp hiện nay Dự thảo khung đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đặt ra tầm nhìn đến năm 2030 toàn bộ hệ thống giáo dục nghề nghiệp như một quốc gia thu nhỏ, toàn bộ hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo viên, học viên sẽ chuyển lên môi trường số. Đến năm 2030, 121
  5. hoạt động giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đạt trình độ các nước Asean – 4. Mục tiêu đến năm 2030, 100% dịch vụ công liên quan đến hoạt động giáo dục nghề nghiệp là dịch vụ trực tuyến mức độ 4, được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. Khoảng 600 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (chiếm 30%) phải thực hiện chuyển đổi số hoàn toàn. Đặc biệt, 100% các trường nghề triển khai nền tảng dạy nghề trực tuyến [1]. Chính vì vậy, trong thời gian tới, thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp cần quán triệt một số các giải pháp sau: Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm, thông suốt về tư tưởng và quyết tâm hợp lực thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành giáo dục nghề nghiệp, đến đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý. nhận thức, đặt người lao động là trung tâm, thể chế, công nghệ là động lực, nền tảng số là đột phá, cùng với sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của các bên liên quan. Hai là, tập trung triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm 100% các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cập nhật dữ liệu đầy đủ, chính xác, kết nối liên thông với nền tảng số quốc gia; khai thác sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu ngành; các phần mềm quản lý, dạy và học trong nhà trường. Ba là, phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến. Ngành Giáo dục nghề nghiệp phải có chiến lược đào tạo các chuyên gia giỏi về chuyển đổi số gồm các tiêu chuẩn về công nghệ thông tin giáo dục nghề nghiệp, các công nghệ số về dữ liệu lớn, di động, trí tuệ nhân tạo... làm nòng cốt trong chuyển đổi số. Bốn là, xây dựng giáo dục nghề nghiệp mở trên cơ sở áp dụng mạnh tiến bộ của công nghệ thông tin trong dạy và học; triển khai đào tạo trực tuyến, phát triển các tài nguyên giáo dục mở tạo điều kiện thuận lợi để người lao động cập nhật, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Phát triển tài nguyên số và môi trường học tập số, bổ sung vào kho học liệu số toàn ngành, ngân hàng câu hỏi trực tuyến dùng chung trong toàn ngành, kho bài giảng e-learning kết nối với Hệ tri thức Việt số hóa. Đẩy mạnh kỹ năng dạy học trực tuyến, kỹ năng chuyển đổi số và kỹ năng tham gia các hoạt động dạy, học trực tuyến đối với giáo viên, giảng viên và học sinh. Năm là, đẩy mạnh đào tạo, cập nhật những kiến thức mới cho lực lượng lao động để thích ứng với chuyển đổi số trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, khởi nghiệp và ngoại ngữ,… thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động, phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam tiếp cận trình độ các nước ASEAN – 4, đến năm 2045 tiếp cận trình độ các nước G20. 122
  6. Sáu là, giáo dục nghề nghiệp phải xây dựng được hệ thống dữ liệu lớn toàn ngành, tạo được các nền tảng công nghệ, xây dựng hành lang pháp lý phù hợp và đặc biệt phải chuẩn bị nhân lực phục vụ cho quá trình chuyển đổi số. Đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp phải "thần tốc" nhưng chắc chắn và bền vững. Xây dựng được những nền tảng chắc chắn trên một hệ thống điều hành chung. Bảy là, quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp phải gắn liền với doanh nghiệp. Doanh nghiệp chính là đối tượng sử dụng lao động. Bởi vì, trong quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp đưa ra yêu cầu từ công nghệ, kỹ năng đến chất lượng nguồn nhân lực. 3. Kết luận Trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng ngồn nhân lực trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số, kinh tế tri thức và xu thế dịch chuyển nhân lực trên thị trường lao động quốc tế, giáo dục nghề nghiệp cũng không thể nằm ngoài xu thế chung của thế giới và phải hành động rất khẩn trương nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội mà cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Giáo dục nghề nghiệp là một lĩnh vực sẽ giúp Việt Nam có thể tăng trưởng GDP bền vững, do đó rất cần những phương thức giảng dạy, đào tạo mới để có thể chuyển đổi số. Chính vì vậy, để thực hiện xu hướng chuyển đổi số, ngành giáo dục nghề nghiệp cần nâng cao nhận thức của toàn ngành về chuyển đổi số, triển khai có hiệu quả chính sách phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp, phát triển đội ngũ chuyên gia về chuyển đổi số, xây dựng hệ thống dữ hiệu toàn ngành và thực hiện chuyển đổi số phải gắn liền với doanh nghiệp sử dụng lao động. Tài liệu tham khảo: [1]. Trần Bá Duy (2020), 10 năm tới 600 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyển đổi số hoàn toàn, http://gdnn.gov.vn. Cập nhật ngày 24/12/2020. [2]. Hồ Thị Ngọc Thủy (2021), Bàn về vấn đề chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, Tạp chí Tài chính, số 1+2/2021. [3]. Lê Đức Thọ (2018), “Cách mạng công nghiệp 4.0 với vấn đề phát triển giáo dục nghề nghiệp ở nước ta hiện nay”. Kỷ yếu Hội nghị Quốc tế ICSS 2018, Nxb. Tài chính, tr.265-272. [4]. Lê Đức Thọ (2019), “Cách mạng công nghiệp 4.0 và vấn đề đổi mới hoạt động đào tạo trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp ở nước ta hiện nay”. Kỷ yếu Hội thảo Quốc tế, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.384-390. 123
nguon tai.lieu . vn