Xem mẫu

  1. Lê Đức Thọ Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng Tóm tắt: Bài viết nghiên cứu về xu thế chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam nói chung và tại trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng nói riêng. Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp được xem là giải pháp cốt lõi để tăng khả năng thích ứng trong thế giới việc làm đang thay đổi nhanh chóng trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Bài viết cũng chỉ ra thực trạng triển khai chuyển đổi số tại trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng và đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong các hoạt động đào tạo tại trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng hiện nay. Từ khóa: Chuyển đổi số; giáo dục nghề nghiêp; Cao đẳng Nghề Đà Nẵng. 1. Đặt vấn đề: Chuyển đổi số không đơn giản chỉ là số hóa các nguồn tài liệu mà còn bao gồm việc chuyển đổi phần cứng, kéo theo việc quản trị các nguồn lực dành cho giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp cũng thay đổi (Đỗ Thị Ngọc Quyên, 2021). Vấn đề chuyển đổi số đã trở thành một xu hướng lan tỏa tới tất cả các lĩnh vực, đây sẽ là trọng số để tăng trưởng kinh tế. Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp thì việc chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay là ứng dụng mạnh công nghệ thông tin trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, đó cũng là một xu thế tất yếu. Chủ trương thúc đẩy chuyển đổi số đã đặt ra yêu cầu phải thay đổi trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế mới. Đây được coi là thách thức nhưng cũng là cơ hội để đổi mới trong hoạt động của trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng hiện nay. Trong thời gian qua, trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng đã rất chú trọng triển khai chuyển đổi số trong các hoạt động như: thiết kế chương trình đào tạo, quản lý đào tạo, hoạt động dạy và học, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập, công tác tuyển sinh,… Tuy nhiên, kết quả đem lại chưa cao, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Chính vì vậy, việc nghiên cứu thực trạng triển khai chuyển đổi số để từ đó có giải pháp phù hợp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng hiện nay là việc làm cần thiết. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Xu thế chuyển đổi số trong giáo dục ở Việt Nam hiện nay Trong thời gian gần đây, người ta nhắc ngày càng nhiều đến “chuyển đổi số” (digital transformation), nhất là ở các ngành kinh tế, kinh doanh, dịch vụ. Còn trong giáo dục, phải đến khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn 304
  2. cầu làm đình trệ mọi hoạt động kinh tế xã hội, học sinh, sinh viên không thể đến trường, chuyển đổi số mới thực sự trở thành một quá trình mà kết quả của nó có thể là một diện mạo giáo dục hoàn toàn mới, với phương thức, cách thức, phương pháp, kĩ thuật, công cụ và phương tiện mới. Có nhiều định nghĩa khác nhau về chuyển đổi số nhưng có thể nói chung đó là chuyển các hoạt động của chúng ta từ thế giới thực sang thế giới ảo ở trên môi trường mạng. Sự tham gia ngày càng sâu rộng của công nghệ (chủ yếu là công nghệ thông tin viễn thông) vào mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội đang làm thay đổi căn bản và toàn diện cách chúng ta sống, làm việc, liên hệ với nhau (Tô Hồng Nam, 2020). Chuyển đổi số là quá trình chuyển từ mô hình truyền thống sang mô hình số bằng cách ứng dụng các công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud computing),… và phần mềm công nghệ để thay đổi phương thức quản lý, điều hành, thay đổi quy trình, phương thức làm việc và thay đổi văn hóa tổ chức. Chuyển đổi số trong giáo dục là sự thay đổi phương pháp dạy học, áp dụng công nghệ thông tin hiện đại vào dạy và học nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh sinh viên và giáo viên, giúp người dạy và người học phát huy tối đa khả năng tư duy, sáng tạo, chủ động. Chuyển đổi số trong giáo dục đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đào tạo nên những công dân Việt Nam có kiến thức, kỹ năng trở thành công dân toàn cầu. Song, để thành công cần tạo ra cơ hội và động lực, giúp giáo viên, học sinh thay đổi tư duy và thích ứng tốt. Xu thế chuyển đổi số trong giáo dục ở Việt Nam hiện nay là do: Một là, tác động của cách mạng công nghiệp 4.0. Từ hai thập kỷ qua khi công nghệ thông tin, mạng Internet được sử dụng rộng rãi trong đào tạo, giáo dục, chuyển đổi số đã được đặt ra, nhưng phần nào còn mơ hồ, bởi chưa thực sự có những lý do để bắt buộc phải thực hiện nó. Những tiến bộ về công nghệ thông tin và sự thâm nhập của mạng Internet đã dẫn tới những sáng kiến về giáo dục mở với sự xuất hiện của các khóa học trên các nền tảng trực tuyến MOOCs như Coursera, Udemy, edX, về học liệu mở với sự ra đời của các chương trình ứng dụng học tập, kiểm tra thích ứng (adaptive learning and assessment apps) như Acellus, IXL, Mathletics, và khoa học mở với các cơ sở dữ liệu nghiên cứu khoa học trực tuyến chia sẻ miễn phí (Open Access databases). Sự ra đời và ngày càng phát triển về cả thị trường và công nghệ cho những nền tảng này cho thấy ‘giáo dục số’ có lý do để tồn tại, và hoàn toàn có tiềm năng là tương lai của giáo dục. Tuy nhiên, khi vẫn còn có lựa chọn khác, giáo dục theo phương thức truyền thống vẫn còn có thể, thì vẫn còn có lý do để từ chối chuyển đổi, giáo dục trực tuyến vẫn chỉ là phụ thêm khi có hoặc thiếu một số điều kiện. Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, diễn ra rất nhanh đặc biệt trong bối cảnh của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 hiện nay. 305
  3. Hai là, tác động của đại dịch Covid-19. Thời gian vừa qua, đại dịch Covid- 19 đã gây ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực của cuộc sống, giáo dục đào tạo cũng không ngoại lệ. Tại Việt Nam, nhiều trường học đã áp dụng giảng dạy online trong suốt thời gian diễn ra dịch Covid-19. Các thầy cô cùng học trò đã nỗ lực biến thách thức thành cơ hội, từng bước thay đổi nhận thức về chuyển đổi số. Khi giáo dục trực tiếp tại trường lớp là không thể, vấn đề chuyển đổi số trở thành giải pháp cứu cánh ở nhiều cấp từ vi mô đến vĩ mô. Đương nhiên trong hoàn cảnh này, chuyển đổi số không thể hời hợt, bề ngoài mà phải toàn diện, đầy đủ, chuẩn xác,… để có thể đem lại kết quả mong muốn. Theo đó, mọi người tiếp cận thông tin nhiều hơn, rút ngắn về khoảng cách, thu hẹp về không gian, tiết kiệm về thời gian. Ba là, xuất phát từ thực tiễn chuyển đổi số trong giáo dục trên thế giới. Trên thế giới nhiều quốc gia đã và đang triển khai các chiến lược quốc gia về chuyển đổi số như tại Anh, Úc, Đan Mạch, Estonia… Nội dung chuyển đổi số rất rộng và đa dạng nhưng có chung một số nội dung chính gồm chính phủ số (như dịch vụ công trực tuyến, dữ liệu mở), kinh tế số (như tài chính số, thương mại điện tử), xã hội số (như giáo dục, y tế, văn hóa) và chuyển đổi số trong các ngành trọng điểm (như nông nghiệp, du lịch, điện lực, giao thông). Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, Việt Nam nói chung và ngành giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp nói riêng cũng không thể nằm ngoài xu thế chung của thế giới và phải thực hiện rất khẩn trương nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội mà cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 mang lại. Bốn là, sự kịp thời trong nhận thức của Đảng và Nhà nước về đẩy nhanh xu thế chuyển đổi số. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ- TTg ngày 3-6-2020 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là một văn bản quan trọng, xác định tầm nhìn, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho chuyển đổi số Việt Nam. Trong xu hướng này, việc chuyển đổi số tại các trường đại học, cao đẳng cũng đã và đang được thực hiện với các mức độ khác nhau. Như vậy, chuyển đổi số trong giáo dục là một quá trình xảy ra mà sự thay đổi không nằm ở đối tượng tham gia vào quá trình giáo dục hay các bên liên quan mà nằm ở phương thức thực hiện giáo dục. Sự thay đổi về phương thức tất yếu dẫn tới những thay đổi về phương pháp, cách thức, kỹ thuật thực hiện giảng dạy, đào tạo. Phần lớn các yếu tố đầu vào cũng thay đổi để phù hợp với phương thức và những phương pháp và kỹ thuật mới, sản phẩm đầu ra cũng vì thế mà có thể thay đổi tương ứng. Khi thực hiện chuyển đổi số, có thể nói toàn bộ cái cách giáo dục, đào tạo được tổ chức, thực hiện và quản lý thay đổi. Trải nghiệm giáo dục khác sẽ khiến cho một số năng lực, kỹ năng đầu ra của người học không còn, 306
  4. nhưng đồng thời một số năng lực, kỹ năng mới sẽ hình thành. Trọng tâm của chuyển đổi số là trải nghiệm của người học sẽ hoàn toàn thay đổi. Hiển nhiên tư duy quản lý giáo dục cần phải chuyển đổi, mở hơn và linh hoạt hơn để có thể hình dung và nắm bắt được những yếu tố vô hình. 2.2. Thực trạng triển khai chuyển đổi số tại Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, chuyển đổi số giúp đổi mới hoạt động dạy và học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng giảm thuyết giảng, truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực của người học, tăng khả năng tự học, gắn học lý thuyết với thực hành. Đặc biệt, sự bùng nổ của nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn,… đã và đang hình thành nên hạ tầng giáo dục số nói chung và giáo dục nghề nghiệp số nói riêng. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, việc chuyển đổi từ phương thức giáo dục truyền thống sang giáo dục số ngày càng trở nên bức thiết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện tại, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn bị động trong thực hiện chuyển đổi số. Hầu hết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa trang bị cơ sở hạ tầng mạng internet và nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý học tập phục vụ dạy học trực tuyến. Khả năng số hóa và thích ứng với dạy học trực tuyến của hệ thống giáo dục nghề nghiệp còn thấp,… Đây là những rào cản gây khó khăn trong quá trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp cần sớm khắc phục trong thời gian tới. Đại dịch covid-19 đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, đòi hỏi giáo dục nghề nghiệp nhiều hơn trong việc chống chịu, ứng phó với những diễn biến khó lường. Tại trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng, xu thế chuyển đổi số đang được chú trọng triển khai trong những năm học vừa qua. Ban Giám hiệu nhà trường luôn coi chuyển đổi số là bước đột phá quan trọng trong giai đoạn phát triển từ nay đến năm 2025 nhằm duy trì vị thế là trường công lập trọng điểm quốc gia, nằm trong 45 trường cao đẳng giáo dục nghề nghiệp trọng điểm của cả nước, đồng thời là cơ sở giáo dục nghề nghiệp hàng đầu của khu vực miền Trung Tây Nguyên có sức ảnh hưởng, tiên phong và dẫn dắt trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Mục đích cơ bản của chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp là nâng cao chất lượng và trải nghiệm học tập của người học, tăng sức cạnh tranh của trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng thông qua việc tận dụng công nghệ số, tạo ra văn hóa đưa ra quyết định dựa trên phân tích dữ liệu để tối ưu hóa các nguồn lực của Trường. Có thể minh chứng các hoạt động chuyển số tại trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng qua các hoạt động sau: Về chuyển đổi số trong thiết kế, phát triển chương trình đào tạo Trước 2018, chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên cơ sở tham khảo các chương trình sẵn có của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (trước đó là Tổng cục Dạy nghề); 100% chương trình đã tích hợp kỹ năng sử dụng công nghệ thông 307
  5. tin. Từ năm 2018 đến nay, các chương trình đào tạo được thiết kế bám sát theo chuẩn đầu ra, vừa đáp ứng tính chuyên môn cao nhất định, vừa đáp ứng yêu cầu nền tảng rộng, liên ngành và các kỹ năng mềm như tư duy hệ thống, năng lực sáng tạo, kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm. Từ năm 2019 - 2020, khung các chương trình đào tạo được quản lý trên Hệ thống thông tin nội bộ của nhà trường. Các quy trình thiết kế, phát triển chương trình đào tạo thực hiện trên Hệ thống thông tin nội bộ. Đến nay, tất cả các chương trình đào tạo đã được số hóa. Về chuyển đổi số trong tổ chức, quản lý quá trình đào tạo Từ năm học 2019 - 2020 trở về trước, các hoạt động tổ chức, quản lý quá trình đào tạo như kế hoạch giảng dạy của giảng viên, điểm danh sinh viên, quản lý điểm,… được thực hiện trên phần mềm Education. Ngoài ra, giảng viên phải làm rất nhiều các công viejc liên quan đến sổ sách. Hiện nay nhà trường đã xây dựng được phần mềm quản lý các hoạt động tổ chức, quản lý quá trình đào tạo tại địa chỉ: http://gv.danavtc.edu.vn. Với phần mềm này, đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên có thể dễ dàng nắm bắt được các thông tin liên quan đến công tác giảng dạy cũng như các hoạt động đào tạo trong nhà trường. Nhà trường cũng phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng trong việc triển khai Ứng dụng bảo hiểm xã hội số - VssID từ năm học 2020 - 2021. Từ năm học 2020 – 2021, nhằm ứng dụng công nghệ thông tin và năng cao hoạt động quản lý của nhà trường trong công tác quản lý đào tạo, quản lý thi trắc nghiệm, quản lý khảo sát sự hài lòng của người học, quản lý công tác học sinh sinh viên, quản lý thiết bị, quản lý tài chính, thông tin học sinh sinh viên, nhà trường đã triển khai sử dụng phần mềm Quản lý đào tạo ASC để phục vụ cho công tác quản lý đào tạo của nhà trường. Về chuyển đổi số trong các hoạt động dạy, học Trước đó, Giảng viên soạn nội dung bài giảng dưới dạng slides, video clips. Từ năm học 2018 – 2019, nhà trường bắt đầu tổ chức đào tạo trực tuyến một số các môn học như Chính trị và một số môn lý thuyết khác. Bắt đầu từ năm học 2019 – 2020, đặc biệt từ năm 2020, đào tạo trực tuyến 70% các môn học để ứng phó với đại dịch Covid-19; hoàn thiện phần mềm đào tạo trực tuyến tại địa chỉ: http://cdndanang.lms.vnedu.vn. Nhằm khuyến khích tinh thần tích cực sáng tạo của đội ngũ giảng viên, đầu năm 2021 nhà trường đã tổ chức Hội thi thiết kế bài giảng E-Learning, số hóa bài giảng năm học 2020 – 2021, thông qua hội thi nhà trường chọn ra những bài giảng được thiết kế sáng tạo và sử dụng công nghệ mới để nhân rộng trong toàn trường, làm cơ sở cho việc giảng dạy E-learning. Về chuyển đổi số trong các hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả học tập Nhà trường đã xây dựng bộ câu hỏi trắc nghiệm các môn lý thuyết và đã tổ chức thi trực tuyến bắt đầu từ năm học 2018 – 2019. Đối với hình thức này, phòng 308
  6. Đảm bảo chất lượng chỉ nhập nội dung câu hỏi một lần và tổ chức thi cho nhiều khóa. Hình thức này đã giảm thiểu được các công việc thủ công cho giáo viên như làm đề, đáp án, chấm thi, vào điểm,… Tất cả những công việc này được thực hiện trên hệ thống. Đến nay, 70% đề thì các môn lý thuyết đều được số hóa. Về chuyển đổi số trong phát triển, khai thác hệ thống học liệu Trong những năm qua, Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng luôn tích cực trong xây dựng và khai thác tài nguyên giáo dục mở phục vụ cho việc nghiên cứu của giảng viên cũng việc học tập của sinh viên nhà trường. Hệ thống tra cứu thông tin của nhà trường đang từng bước được nâng lên với hệ thống máy tính hiện đại, nhà trường có hệ thống máy tính bố trí ở các tiền sảnh có kết nối mạng internet phục vụ việc truy cập tìm kiếm tài liệu học tập và nghiên cứu của sinh viên và giảng viên. Ngoài ra, hệ thống thư viện của nhà trường cũng đang từng bước được số hóa, các giáo trình, bài giảng, các tài liệu liên quan cũng được cập nhật trên hệ thống thư viện số của nhà trường. Thư viện online của nhà trường đã có sự liên kết với các thư viện số trong cả nước và một số thư viện của khu vực. Hệ thống internet của nhà trường cũng đã từng bước được cải thiện, ngoài hệ thống internet có dây, thì hệ thống wifi hiện nay đã được phủ sóng tất cả các khu giảng đường, thư viện phục vụ cho giảng viên và sinh viên (Lê Đức Thọ, 2019). Về chuyển đổi số trong công tác tuyển sinh Bắt đầu từ năm 2013 nhà trường bắt đầu quảng bá đầy đủ thông tin tuyển sinh trên website tại địa chỉ: http://danavtc.edu.vn. Hiện nay các thông tin tuyển sinh của nhà trường cũng được nhập đầy đủ, thường xuyên, kịp thời trên website nhà trường. Ngoài ra, nhà trường cũng sử dụng khá hiệu quả các phương tiện truyền thông như mạng xã hội Facebook, Youtube, tư vấn tuyển sinh bằng Facebook mang lại hiệu quả cao. Bắt đầu từ năm học 2017 – 2018, nhà trường triển quy trình tổ chức, quản lý quá trình tuyển sinh trên Hệ thống website điện tử một cách toàn diện từ đăng ký xét tuyển, xét tuyển, xác nhận nhập học đến nhập học trực tuyến hoàn toàn. Như vậy, xu thế chuyển đổi số đã được triển khai gần như toàn bộ các hoạt động tại trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng. Điều này thể hiện được sự nhạy bén trong nhận thức của Ban Giám hiệu, đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên toàn trường trong việc tiếp cận và hưởng ứng xu thế chuyển đổi số. Với xu thế đó, trong những năm qua, nhà trường đã giảm tải được rất nhiều các công việc sổ sách giấy tờ thủ công, thay vào đó tất cả những công việc này đang dần dần được số hóa. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên, thực trạng triển khai chuyển đổi số trong nhà trường còn tồn tại những yếu điểm, trở ngại như: Thứ nhất, hạ tầng công nghệ thông tin vẫn chưa đáp ứng yêu cầu học tập và tương tác số mọi 309
  7. lúc mọi nơi; hệ thống wifi của nhà trường yếu, một số phòng học, khu vực trong khuôn viên trường chưa truy cập được mạng wifi nhà trường. Thứ hai, tư duy về chuyển đổi số chưa được lan tỏa đến toàn thể cán bộ quản lý, giảng viên. Thứ ba, nguồn tài nguyên số chưa nhiều và chưa đồng bộ, do đó hệ sinh thái giáo dục kiến tạo chưa phát triển. Thứ tư, quản trị số chưa phát triển đồng bộ và tổng thể. Thứ năm, chuyển đổi số trong đào tạo còn chậm. Thứ sáu, việc sử dụng các phần mềm ứng dụng trong công tác quản lý đào tạo không đảm bảo, lỗi thời, bất cập gây rất nhiều khó khăn trong hoạt động dạy học của nhà trường; nhất là việc giảng viên quá vất vả trong cập nhật kết quả học tập của học sinh sinh viên. 2.3. Một số đề xuất giải pháp nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số tại Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng hiện nay Nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên về xu thế chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp Từ thực tiễn tại trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng, để thực hiện quá trình chuyển đổi số thành công, một trong những rào cản lớn nhất là chuyển đổi nhận thức trong toàn bộ cán bộ quản lý và giảng viên. Nếu không có sự cam kết và quyết tâm thực hiện trong toàn bộ cán bộ quản lý và giảng viên thì sẽ là một rào cản lớn khi triển khai chuyển đổi số trong nhà trường. Bởi vì, chỉ có sự quyết tâm từ Ban Giám hiệu nhà trường là chưa đủ, mà quá trình chuyển đổi số đòi hỏi mọi phòng ban, giảng viên, cán bộ mạnh dạn bước ra khỏi “vùng an toàn” để tiếp cận với công nghệ và học hỏi các kỹ năng mới. Việc thay đổi tư duy của cán bộ quản lý lẫn phương pháp dạy học của đội ngũ giáo viên, giảng viên là điều không hề dễ dàng. Vì thế, đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên phải thấy được xu thế tất yếu của chuyển đổi số và bản thân mỗi cán bộ, giảng viên phải không ngừng tự nâng cao trình độ để đáp ứng được các công việc trong bổi cảnh chuyển đổi số. Chuyển đổi số không phải chuyển từ “giấy” lên “mạng” mà nó phải gắn với việc chuẩn hóa theo quốc tế và cắt giảm các thủ tục rườm rà. Chuyển đổi số khiến mọi đơn vị, mọi cá nhân phải tư duy lại quy trình làm việc. Do đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm, thông suốt về tư tưởng và quyết tâm hợp lực thực hiện chuyển đổi số trong toàn đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý là việc làm cần thiết. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học Triển khai dạy học kết hợp cho tất cả các học phần có lý thuyết, các học phần thí nghiệm/thực hành trên máy tính. Phát triển các Chương trình đào tạo trực tuyến hoàn toàn cho các lĩnh vực như công nghệ thông tin, Kinh doanh,… để đáp ứng nhu cầu học tập mọi lúc, mọi nơi, theo lộ trình được cá nhân hóa cho phù hợp điều kiện, năng lực học tập của từng người học. Đa dạng hóa các chương trình đào tạo theo hướng liên, xuyên ngành có tích hợp công nghệ số. Đặc biệt 310
  8. trong bối cảnh kỹ thuật, công nghệ thay đổi rất nhanh, việc hình thành năng lực tự học và ý thức học tập suốt đời cần được coi trọng hơn kiến thức của ngành đào tạo. Thiết kế các khóa đào tạo ngắn hạn, các chương trình bổ sung kiến thức, kỹ năng cho người lao động khi doanh nghiệp chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, thay đổi công nghệ. Tăng cường truyền thông qua website, Facebook,… về hoạt động của đơn vị để mở rộng khả năng tiếp cận, thu hút khách hàng, Bồi dưỡng, tập huấn về năng lực, công nghệ số cho đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên nhà trường Tính đến năm học 2019 - 2020, số lượng cán bộ quản lý và giảng viên nhà trường là 187 người, tuy nhiên, mới chỉ có 01 tiến sĩ (bảng 1). Bảng 1: Số lượng cán bộ quản lý và giảng viên trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng (Đơn vị: Người) Thạc Đại Cao Trình Học vị Tiến sĩ Tổng số sĩ học đẳng độ khác Số 187 (103 Nữ, 01 116 55 06 09 lượng 84 Nam) (Nguồn: Báo cáo Tình hình thực hiện Nghị quyết Hội nghị cán bộ, viên chức năm học 2019-2020, phương hướng nhiệm vụ năm học 2020-2021 của trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng) Trong năm học 2019 - 2020, nhà trường đã cử nhiều lượt cán bộ, giảng viên, nhân viên tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng do các cơ quan có thẩm quyền tổ chức. Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ đã mang tính thực tiễn, chuyên sâu cao đáp ứng được yêu cầu thực tế của Nhà trường và người học. Nhà trường đã tổ chức cho giảng viên học tập và thi bổ sung chứng chỉ IC3; chứng chỉ ngoại ngữ Toeic cho giảng viên. Để đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số trong giáo dục, nhà trường cần tiếp tục chú trọng công tác xây dựng đội ngũ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ nguồn. Tổ chức các lớp bồi dưỡng và trao đổi kinh nghiệm trong thiết kế bài giảng E-Learning cho giảng viên cũng như các lớp bồi dưỡng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ quản lý. Bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ để thực hiện các phương pháp dạy học ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật số, các hình thức đào tạo online, đào tạo qua môi trường ảo. Đầu tư nâng cấp, phát triển hệ thống cơ sở vật chất phục vụ xu thế chuyển số Ngoài con người thì trở ngại hiện nay với nhà trường là cơ sở hạ tầng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu về công tác quản lý sinh viên, đào tạo và thủ tục hành 311
  9. chính. Hiện nhà trường đang triển khai thực hiện Đề án Công nghệ thông tin; nâng cấp hệ thống wifi toàn trường, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất công nghệ thông tin ngày càng được nâng cao nhằm phục vụ công tác giảng dạy và làm việc. Tuy nhiên, hiệu quả chưa đáp ứng được thực hiện công tác tại nhà trường. Vì vậy, thời gian tới, nhà trường cần đầu tư hạ tầng ICT đáp ứng công nghệ Dữ liệu lớn, Internet vạn vật và Điện toán đám mây; Đầu tư hệ thống phòng học thông minh, thư viện điện tử, không gian học tập, trải nghiệm và đổi mới sáng tạo phục vụ cho nhu cầu giảng dạy, nghiên cứu và học tập của giảng viên và sinh viên. Xây dựng kế hoạch chuyển đố dài hạn và trung hạn Có thể thấy rằng, để phát triển thành một trường đại học, cao đẳng số thông minh, trường cần phải có một chương trình chuyển đổi số tổng thể, toàn diện và chi tiết cho kế hoạch trung hạn 2020-2025 với tầm nhìn 2030. Thực hiện lộ trình chuyển đổi số đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực hoạt động từ đào tạo, nhân sự, tài chính, cơ sở vật chất đến quản lý, điều hành. Hoàn thiện các chức năng trên các hệ thống số hóa đang triển khai tại nhà trường để áp dụng toàn diện, đồng bộ trong mọi lĩnh vực hoạt động của Nhà trường. Xác định lộ trình và kế hoạch cụ thể để phát triển thành nhà trường thông minh trong tương lai. 3. Kết luận Trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì xu thế chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp là tất yếu. Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng là một trong những cơ sở giáo dục nghề nghiệp sớm thực hiện chuyển đổi số trong tất cả các hoạt động tại nhà trường. Nhà trường đã thu được những thành tựu bước đầu rất quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tạo được lợi thế trong cạnh tranh và xác lập thương hiệu, uy tín cao trong xã hội. Tuy nhiên, kết quả thực hiện những năm qua cho thấy việc triển khai còn chưa đồng bộ giữa các lĩnh vực, năng lực số của đội ngũ còn hạn chế dẫn tới chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế công nghệ số mang lại. Vì vậy, trong thời gian tới, nhà trường cần có những giải pháp để tuyên truyền nâng cao nhận thức đến toàn thể cán bộ quản lý, giảng viên về xu thế chuyển đổi số. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bộ hoạt động; nâng cao năng lực chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên; đầu tư cơ sở vật chất và có các chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số cụ thể, kịp thời. 312
  10. Tài liệu tham khảo: [1]. Thủ tưởng Chính phủ (2020), Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Hà Nội. [2]. Thủ tưởng Chính phủ (2020), Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới, Hà Nội. [3]. Văn Lý (2020), Chuyển đổi số trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, https://baodansinh.vn. [4]. Đỗ Thị Ngọc Quyên (2021), Chuyển đổi số trong giáo dục: Những thách thức và nguy cơ, https://tiasang.com.vn. Cập nhật ngày 05/02/2021. [5]. Tô Hồng Nam (2020), Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Thông tin và Truyền thông, Số 2 tháng 4/2020. [6]. Lê Đức Thọ (2019), “Xây dựng và khai thác tài nguyên giáo dục mở tại Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng hiện nay, Kỷ yếu Hội nghị khoa học Quốc gia: “Xây dựng và khai thác tài nguyên giáo dục mở”, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.576-585. [7]. Trường Cao đẳng Nghề Đà Nẵng (2020), Báo cáo Tình hình thực hiện Nghị quyết Hội nghị cán bộ, viên chức năm học 2019-2020, phương hướng nhiệm vụ năm học 2020-2021, Đà Nẵng. 313
nguon tai.lieu . vn