Xem mẫu

  1. XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP TRÊN THẾ GIỚI VÀ BÀI HỌC CHO VIỆT NAM Thái Thế Hùng* Nguyễn Văn Hạnh* TÓM TẮT: Giáo dục nghề nghiệp đã có một quá trình phát triển lâu dài đi cùng với lịch sử văn minh của nhân loại. Ở mỗi giai đoạn lịch sử, giáo dục nghề nghiệp có những xu hướng phát triển khác nhau, trên cơ sở nối tiếp, kế thừa và đổi mới đáp ứng với những thay đổi của thế giới việc làm. Dựa vào xu hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp trên thế giới, bài viết nhận định những bài học đối với sự phát triển giáo dục nghề nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hiện nay và đó là cơ sở để Đảng và Nhà nước có thể hoạch định chính sách cho sự phát triển giáo dục nghề nghiệp của nước ta trong thời gian tới. Từ khóa: xu hướng, giáo dục nghề nghiệp, thế giới. I. NỘI DUNG 1. Tổng quan về những thách thức và xu hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp trên thế giới Trong mục này, bài viết sẽ bình luận về những nghiên cứu, báo cáo khoa học nổi bật gần đây để phát hiện những thách thức và xu hướng phát triển giáo dục và đào tạo nghề trên thế giới. Trong cuốn sách với tựa đề “Tương lai của giáo dục và đào tạo nghề trong một thế giới đang thay đổi” [5] của Matthias Pilz (2012) đã chỉ ra những thay đổi mạnh mẽ trong thế giới nghề nghiệp, trong đó (1) việc sử dụng công nghệ ngày càng tăng, (2) tầm quan trọng ngày càng tăng lên của hệ thống thông tin và truyền thông, và (3) sự thay đổi nhân khẩu của quốc gia. Do vậy, giáo dục và đào tạo nghề đang phải đối diện với những thách thức rất lớn trong việc giải quyết những thay đổi này, thu hẹp khoảng cách từ giáo dục đến việc làm và đảm bảo rằng người học có kỹ năng thích ứng với sự thay đổi nghề nghiệp và kiến thức về kinh tế gắn liền với nhu cầu việc làm. TAFE (Technical and Further Education) – một tổ chức giáo dục và đào tạo nghề tại Úc được chính phủ tài trợ kinh phí đào tạo với điều khoản bảo lãnh việc * Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội 146
  2. làm sau tốt nghiệp vô tình đã làm giảm quy luật “cung - cầu” của thị trường lao động. Cuối những năm 2011, việc chính phủ cắt giảm kinh phí tài trợ cho TAFE đã gây ra khủng hoảng trầm trọng đối với tổ chức này, dẫn đến việc cắt giảm khóa học và đóng cửa nhiều cơ sở đào tạo nghề [4]. Bài học lớn nhất được rút ra từ chính sách đào tạo nghề, đó là chính phủ nên sẵn sàng tài trợ kinh phí đào tạo cho TAFE, nhưng phải làm cho TAFE trở thành một tổ chức cung cấp dịch vụ đào tạo nghề chất lượng cao có sức cạnh tranh trên thế giới chứ không phải sự bao cấp việc làm do chính phủ tài trợ. Montague (2014) cho rằng, thị trường lao động ngày càng cần những lao động lành nghề có năng suất trong bối cảnh dân số về hưu đông hơn lực lượng lao động. Đào tạo nghề càng phải được tăng cường để đảm bảo chất lượng đào tạo nhằm cung cấp lực lượng lao động được đào tạo tốt và tích cực [3]. Các tiêu chuẩn về năng suất lao động trong công nghiệp không ngừng gia tăng với sự hỗ trợ của công nghệ, phương pháp và kỹ năng làm việc của con người. Do đó, giáo dục và đào tạo nghề cũng đang đối diện với thách thức đáp ứng chất lượng đào tạo để được công nhận theo tiêu chuẩn chất lượng công nghiệp của nhà tuyển dụng ở khu vực và toàn cầu. Smith (2014) cho rằng, trình độ của giáo viên có vai trò quyết định đến chất lượng đào tạo người học nghề [7]. Trong khi thế giới nghề nghiệp luôn biến đổi, giáo viên với chỉ bằng cấp chuyên môn chính qui là chưa đủ, họ nên được bồi dưỡng thường xuyên để phát triển chuyên môn nghiệp vụ. Bài học được rút ra là các cơ quan quản lí giáo dục nên có chính sách, đặc biệt là các nguồn kinh phí tài trợ cho các khóa đào tạo/ bồi dưỡng giáo viên thường xuyên. Trong báo cáo với tựa đề “Thế giới việc làm và triển vọng xã hội 2018: Xanh hóa việc làm”, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nhấn mạnh đến ảnh hưởng của các chính sách chống biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường trái đất đến thị trường lao động, khối lượng việc làm, và định hướng sự thay đổi của cơ cấu cấu nghề ở hiện tại và tương lai gần [2]. Do đó, xu hướng của giáo dục và đào tạo nghề phải cung cấp nguồn nhân lực cho một nền kinh tế xanh hơn (greener economy), có khả năng thích ứng với những tiềm năng việc làm và thúc đẩy công việc tốt hơn trong tương lai. Năm 2018, trong một báo cáo nhận định về tương lai của giáo dục và đào tạo nghề của Ủy ban Tư vấn Giáo dục Nghề nghiệp của EU (Advisory Committee on Vocational Education) cho rằng [1], thế giới nghề nghiệp đang thay đổi nhanh chóng, sự thay đổi về yêu cầu kỹ năng nghề cùng với sự phát triển kinh tế và công nghệ đang đặt ra những thách thức đáng kể cũng như cơ hội cho những giải pháp sáng tạo trong GDNN. Một tuyên bố về ba yếu tố cốt lõi cho tầm nhìn tương lai giáo dục và đào tạo nghề đến năm 2030 đã được hình thành gồm: 147
  3. (1) Tăng cường đào tạo các kỹ năng và trình độ cho người học để vừa đảm bảo việc làm, vừa có khả năng thích ứng với thế giới nghề nghiệp luôn thay đổi. (2) Cung cấp cơ hội truy cập và đổi mới (điều chỉnh) các điều khoản, chính sách đảm bảo chất lượng đào tạo trong Hệ thống Đào tạo nghề Châu Âu năm 2030. (3) Tích hợp đồng bộ và đảm bảo chất lượng đào tạo nghề bằng các chính sách cụ thể (từ chính phủ đến quản trị nhà trường) để hướng đến nâng cao chất lượng và chia sẻ trách nhiệm xã hội trong đào tạo nghề. Theo Schubert & Goedegebuure (2018) [6] nhấn mạnh rằng, cơ cấu lao động đang thay đổi nhanh chóng và đào tạo nghề cần cung cấp một lực lượng lao động với kỹ năng mới và linh hoạt để thích ứng với sự thay đổi nhiều hơn nữa của thế giới nghề nghiệp. Bài học được rút ra là giáo dục và đào tạo nghề cần phải được trao nhiều quyền tự chủ để cung cấp các dịch vụ giáo dục có tính năng động, sáng tạo, thích ứng và hội nhập. Theo Walker & Johnston (2019) [8], đầu tư công vào STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) trong đào tạo nghề có thể thúc đẩy các quốc gia hướng tới một nền kinh tế mạnh mẽ và bền vững. Do đó, các quốc gia nên tuyên bố về tầm nhìn STEM trong các tuyên bố chính sách của mình, có mức độ tư duy phù hợp và chiến lược dài hạn. 2. Những bài học cho sự phát triển giáo dục nghề nghiệp Việt Nam Dựa vào xu hướng phát triển GDNN trên thế giới, bài viết nhận định những bài học đối với sự phát triển GDNN Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là cơ sở để hoạch định chính sách cho sự phát triển GDNN. (1) Phải liên tục đổi mới chương trình đào tạo nghề và cập nhật các kỹ năng nghề mới để đáp ứng nhu cầu thị trường. Làn sóng “Cách mạng công nghiệp 4.0” đã và đang làm thay đổi kỹ năng lao động. Do vậy, việc đào tạo một số kỹ năng nghề trong truyền thống có thể không còn phù hợp và cần được đổi mới kịp thời. Nhiều nghề cũ mất đi và nhiều nghề mới ra đời là xu hướng tất yếu, buộc các chương trình cũng phải thay đổi theo. Các cơ sở GDNN phải luôn không ngừng đổi mới chương trình đào tạo, liên tục cập nhật kỹ năng nghề mới để thu hẹp khoảng cách từ nhà trường đến các tiêu chuẩn chất lượng công nghiệp mới của nhà tuyển dụng. Việc xây dựng một hệ thống GDNN mở (open), áp dụng các phương thức đào tạo linh hoạt là giải pháp để người học theo kịp và thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động luôn thay đổi. (2) Việc tài trợ kinh phí cho các cơ sở GDNN cần hướng đến tính cạnh tranh trên thị trường lao động thay vì chính sách bao cấp việc làm. 148
  4. Nhà nước nên sẵn sàng tài trợ/hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở đào tạo nghề, nhưng cần giúp họ trở thành một tổ chức GDNN cung cấp nguồn nhân lực có sức cạnh tranh cao trên thị trường lao động. Việc kèm theo các điều khoản cam kết bảo lãnh việc làm sau tốt nghiệp sẽ làm mất đi quy luật “cung - cầu” của thị trường lao động trong bối cảnh người lao động có thể tự do di chuyển việc làm trong khu vực và toàn cầu. Bằng chứng cho thấy, mô hình cơ sở GDNN trực thuộc các tập đoàn công nghiệp nhằm cung cấp nguồn nhân lực nội bộ đang mất dần giá trị, giảm sức cạnh tranh trên thị trường lao động. (3) Tích hợp mục tiêu, nội dung giáo dục phát triển bền vững vào trong chương trình đào tạo nghề Hiện nay, lĩnh vực tái chế, giảm phát thải và hạn chế tác động xấu đến môi trường đang là xu hướng phát triển của các doanh nghiệp trên thế giới. Điều này làm xuất hiện thêm nhiều môn học/ mô đun hoặc nghề mới trong chương trình đào tạo của các cơ sở GDNN. Chẳng hạn như các lĩnh vực về năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng tái tạo, xử lý nước thải được cập nhật bổ sung vào trong chương trình đào tạo nghề. Từ đó, người học nghề sẽ có khả năng thích ứng với những tiềm năng việc làm và thúc đẩy công việc tốt hơn trong tương lai. (4) Thiết lập sự hợp tác mạnh mẽ giữa các cơ sở GDNN và doanh nghiệp. Các cơ sở GDNN có thể phát triển thương hiệu riêng của họ và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng tiêu chuẩn tuyển dụng. Các công ty có thể hợp tác với các cơ sở GDNN trong việc lập kế hoạch, phát triển khóa học, giảng dạy và đánh giá các chương trình. Chính phủ và chính quyền địa phương nên cung cấp các ưu đãi cho các công ty/doanh nghiệp này để khuyến khích sự hợp tác giữa các cơ sở GDNN và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, bản thân các công ty cảm thấy họ có vai trò, trách nhiệm trong đào tạo nguồn nhân lực có năng lực và trình độ. Nhiều công ty có thể trực tiếp ủy thác các cơ sở GDNN phát triển các chương trình đào tạo cụ thể và đặt hàng số lượng sinh viên tốt nghiệp nhất định đáp ứng các tiêu chuẩn nghề nghiệp. (5) Xây dựng chính sách STEM trong đào tạo nghề để phát triển một nền kinh tế mạnh mẽ và bền vững Hiện nay trên thế giới, STEM thực sự đã và đang được xem là một trong những giải pháp để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (thời đại của bùng nổ công nghệ, đặc biệt là CNTT&TT). STEM có thể giúp định hình các ngành nghề đào tạo mới. Những người làm việc trong lĩnh vực STEM có khả năng ứng dụng các kỹ năng toán học, khoa học và công nghệ (đặc biệt là CNTT&TT) để hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động 149
  5. thiết kế kỹ thuật. Nhu cầu tuyển dụng các công việc liên quan đến STEM ngày càng tăng trên thế giới. Vì vậy, rất nhiều các quốc gia đã đưa ra tuyên bố về tầm nhìn và chính sách STEM, có mức độ đầu tư phù hợp và chiến lược dài hạn. Tại Hoa Kỳ [9], chính sách STEM nhấn mạnh việc người lao động Mỹ phải có tay nghề cao để dễ kiếm được việc làm trong các ngành STEM, giúp cạnh tranh với quốc tế và tăng lợi ích cho nước Mỹ. STEM là yếu tố cốt lõi để đáp ứng thị trường lao động của nước Mỹ. Giáo dục STEM là phương tiện kết nối các hệ thống giáo dục với các nhà tuyển dụng nhằm để đạt đến mục tiêu cuối cùng là các học sinh, sinh viên tìm và giữ được việc làm tốt ngay sau khi rời ghế nhà trường hơn là bản thân những hoạt động diễn ra trong lớp học, phòng thí nghiệm và trong cuộc sống hàng ngày. Tại Việt Nam, STEM được nhắc đến nhiều trong lĩnh vực giáo dục phổ thông và đại học, trong khi tầm nhìn và chính sách STEM hầu như thiếu vắng trong lĩnh vực GDNN. Mặc dù các sinh viên học hết chương trình đào tạo trình độ cao đẳng thì được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng và công nhận danh hiệu cử nhân thực hành hoặc kỹ sư thực hành (Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, Điều 38, mục 1, khoản c). II. KẾT LUẬN Bài viết này đã tổng quan ngắn về những thách thức và xu hướng phát triển GDNN trên thế giới, từ đó định hướng những bài học cho sự phát triển GDNN Việt Nam. Kết quả của nghiên cứu này có thể góp phần vào định hướng tầm nhìn, chính sách phát triển GDNN nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế./. 150
  6. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. EU. (2018). Opinion on the future of vocational education and traning post 2020. Employment Social Affairs and Inclusion. 3 December 2018. 2. International Labour Organization – ILO. (2018). World Employment and Social Outlook 2018: Greening with jobs. (Report). 978-92-2-131646-6. https://www.ilo.org/global/ publications/books/WCMS_628654/lang--en/index.htm. 3. Montague, A. (2014). Not all vocational training providers are stacking up. Retrieved 15 April 2019. https://theconversation.com/not-all-vocational-training-providers-are-stacking- up-32136. 4. Noonan, P. (2014). Learning from Victoria’s TAFE mistakes. Retrieved 15 April 2019. https://theconversation.com/learning-from-victorias-tafe-mistakes-34646. 5. Pilz, M. (Ed.). (2012). The future of vocational education and training in a changing world (book). VS Verlag für Sozialwissenschaften. http://hdl.voced.edu.au/10707/211357. 6. Schubert, R. & Goedegebuure, L. (2018). The vocational education sector needs a plan and action, not more talk. Retrieved 15 April 2019. http://theconversation.com/the-vocational- education-sector-needs-a-plan-and-action-not-more-talk-102770. 7. Smith, E. (2014). Teachers and trainers are vital to the quality of the VET sector, and to the success of its learners. Retrieved 15 April 2019. https://theconversation.com/ teachers-and-trainers-are-vital-to-the-quality-of-the-vet-sector-and-to-the-success-of-its- learners-101384. 8. Walker, K., Johnston, E. (2019). STEM is worth investing in, but Australia’s major parties offer scant details on policy and funding. Retrieved 15 April 2019. https://theconversation. com/stem-is-worth-investing-in-but-australias-major-parties-offer-scant-details-on-policy- and-funding-113739. 9. https://ec.europa.eu/social/BlobServlet?docId=20479&langId=en. 10. http://khoahocphattrien.vn/chinh-sach/chinh-quyen-trump-thay-doi-cach-tiep-can- giao-duc-stem/2018120702424278p1c785.htm 151
nguon tai.lieu . vn