Xem mẫu

  1. Thông tin chung Tên Đề tài/Dự án: Xây dựng và phát triển hợp tác xã sản xuất, cung ứng lúa giống chất lượng góp phần xây dựng nông thôn mới huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang Thời gian thực hiện: từ tháng 01/2020 đến tháng 06/2021 Cơ quan chủ trì: Trung tâm Khuyến Nông An Giang Chủ nhiệm đề tài: KS. Phan Thành Tâm ĐTDĐ: 0908072707 Email: phanthanhtamlx@gmail.com 1. Đặt vấn đề An Giang được đánh giá là tỉnh có thế mạnh về hoạt động nhân giống lúa cộng đồng được duy trì ổn định về diện tích, mỗi năm toàn tỉnh có hơn 121 tổ sản xuất lúa giống, với diện tích nhân giống lúa (nông hộ) từ 21.000 – 30.000 ha/năm (11 huyện, thị), trong đó huyện Thoại Sơn chiếm 5.220 ha/năm (Trung tâm khuyến nông An Giang, 2020). Tuy nhiên, việc sản xuất riêng lẻ gây nhiều khó khăn khi tìm đầu ra cho lúa giống; các nông hộ phải tốn chi phí cao cho việc đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất và sơ chế hạt giống như: máy tách hạt lúa giống, máy cấy; một số lúa giống sản xuất ra không kịp đáp ứng với thay đổi nhu cầu thị trường, theo mùa vụ trong năm; chi phí cho kiểm định kiểm nghiệm giống còn cao nên phần lớn nông hộ chưa quan tâm đến kiểm định chất lượng hạt giống. Thoại Sơn là 01 trong 11 huyện thị của tỉnh An Giang, nằm trong vùng trũng Tứ Giác Long Xuyên với tổng diện tích tự nhiên của huyện Thoại Sơn là 47.082ha, chiếm 13,3% diện tích của tỉnh An Giang, diện tích đất nông nghiệp của huyện: 40.967ha trong đó diện tích gieo trồng lúa bình quân 115.000ha/năm (3 vụ), năng suất đạt bình quân 6,3tấn/ha sản lượng đạt hơn 750.000tấn, đã góp phần không nhỏ cho sản lượng lương thực của tỉnh nhà. Nguồn thu nhập chính của người dân từ sản xuất lúa, huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất lúa chuyên canh sử dụng cùng một loại giống (OM5451, Jasmine 85, IR50404, Đài Thơm 8, OM18,...). Tuy nhiên, một số vùng nông dân chưa tiếp cận được nguồn giống tốt, đạt chất lượng do giống được bảo hộ và có bản quyền - phụ thuộc vào doanh nghiệp cung ứng (giá cả, số lượng); một số cơ sở sản xuất nhỏ lại có khuynh hướng gian lận chất lượng đối với một số giống lúa phổ biến (hút hàng), gây thiệt hại cho sản xuất của nông dân. Hoạt động sản xuất và thương mại giống của tỉnh An Giang nói chung và huyện Thoại Sơn nói riêng, cần tăng cường để giảm: (i) phụ thuộc nguồn giống ban đầu (siêu nguyên chủng, nguyên chủng) để sản xuất; (ii) thiếu sự liên kết giữa các tổ hợp tác, hợp tác xã trong vấn đề thương mại giống tại chỗ; (iii) phát triển diện tích sản xuất lúa giống chưa được quy hoạch tập trung để kiểm soát, quản lý chất lượng giống theo định hướng của ngành nông nghiệp của tỉnh. 1226
  2. Bên cạnh đó, Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng về việc phê duyệt Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thuỷ sản đến năm 2020: tỉ lệ dùng giống xác nhận hoặc tương đương trong sản xuất đến năm 2020 đạt 70 - 85% và chấm dứt tình trạng các hộ gia đình tự sử dụng thóc thịt làm giống; năng suất tăng trên 15%; Và thực hiện chủ trương của Thủ tướng về tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền; Với thực trạng trên và để thực hiện chủ trương của Thủ tướng, xét thấy công tác giống lúa cần được chú trọng hơn để góp phần nâng cao giá trị của lúa gạo cho tỉnh An Giang nói chung và huyện Thoại Sơn nói riêng, đồng thời chủ động nguồn giống trong sản xuất. Do đó, Trung tâm Khuyến nông An Giang đã xây dựng dự án “Xây dựng và phát triển hợp tác xã sản xuất và cung ứng lúa giống chất lượng góp phần xây dựng nông thôn mới huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang”. 2. Mục tiêu Dự án 2.1 Mục tiêu chung Hình thành và phát triển một số vùng sản xuất lúa theo chuỗi từ khâu sản xuất lúa giống đến sản xuất lúa hàng hóa gắn doanh nghiệp tiêu thụ tại huyện Thoại Sơn, góp phần tăng lợi nhuận-thu nhập cho nông dân, giúp huyện đạt mục tiêu nông thôn mới: “xây dựng nông thôn giàu đẹp, nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng hiệu quả và khả năng cạnh tranh, ...”. 2.2 Mục tiêu cụ thể - Xây dựng và tổ chức sản xuất lúa giống cấp Nguyên chủng với qui mô 04 ha và 200 ha giống cấp xác nhận (giống OM5451, Jasmine 85, OM18) - Xây dựng 01 HTX điểm: HTX sản xuất - cung ứng lúa giống đạt chất lượng theo tiêu chuẩn QCVN:01-54:2011/BNNPTNT, trong đó thể hiện vai trò quản trị của HTX; thành viên/nông dân tham gia sản xuất lúa giống; - Tăng thu nhập tối thiểu 20% cho người tham gia sản xuất lúa giống (so sản xuất lúa thương phẩm), góp phần cải thiện đời sống nông dân. 1227
  3. 3. Kết quả thực hiện dự án 3.1. Kết quả thực hiện Nội dung 1: Nghiên cứu tổng quan 3.1.1 Kết quả Công việc 1: Tổng hợp các số về tình hình sản xuất nông ngiệp trong và ngoài tỉnh, tình hình sản xuất lúa giống và nhu cầu về lúa giống phục vụ cho sản xuất lúa hàng hóa + Số liệu thứ cấp: - Lược khảo các bài báo khoa học, luận văn, luận án có liên quan đến đề tài. - Xây dựng nội dung cần thiết phục vụ nội dung dự án - Liên hệ Sở NN và PTNT tỉnh An Giang, Cục thống kê tỉnh An Giang, Phòng NN và PTNT huyện Thoại Sơn, phòng thống kê huyện Thoại Sơn để xin báo cáo các năm 2018, 2019. - Tổng hợp và viết báo cáo phân tích tổng hợp + Số liệu sơ cấp: - Xây dựng phiếu khảo sát thực trạng sản xuất lúa tại huyện Thoại Sơn - Phối hợp với phòng nông nghiệp huyện Thoại Sơn tiến hành đánh giá năng lực sản xuất giống của các HTX và tổ sản xuất giống - Liên hệ phỏng vấn thử phiếu khảo sát và hiệu chỉnh cho phù hợp - Phối hợp với phòng nông nghiệp huyện tiến hành khảo sát nông dân thuộc HTX và tổ sản xuất giống. 3.1.2 Kết quả công việc 2: Viết thuyết minh dự án Sau khi nghiên cứu tổng hợp tất cả các số liệu chủ nhiệm tiến hành viết thuyết minh nội dung dự án được hội đồng tư vấn tuyển chọn nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thuộc chương trình KH&CN phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020 (được thành lập theo Quyết định số 3809/QĐ-BNN-VPĐP ngày 03/10/2019) thông qua vào 10/11/2019 và cũng đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt theo quyết định số 5000/QĐ-BNN-VPĐP ngày 26/12/2019. 3.2 Kết quả nội dung 2: Đánh giá thực trạng sản xuất của HTX, chọn HTX thực hiện dự án. 3.2.1. Kết quả công việc 1: Khảo sát đánh giá thực trạng các HTX tại huyện Thoại Sơn Về hiệu quả của mô hình HTX NN cho thấy Kinh tế tập thể trên địa bàn huyện Thoại Sơn nói chung đã có bước khởi sắc, từng bước củng cố lại và hoạt động hiệu quả hơn, các HTXNN từng bước được tổ chức lại hoạt động theo hướng mới. Các HTXNN đã quan tâm đến công tác mở rộng thành viên, mở rộng các dịch vụ và giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, tạo thu nhập ổn định cho thành viên tham gia Hợp 1228
  4. tác xã. Tổng số HTXNN trên địa bàn huyện là 24 HTXNN, phần lớn các hợp tác xã cũ đang hoạt động đều có lãi, có tích lũy, quản lý khá ổn định, từ đó góp phần ổn định kinh tế địa phương, nâng cao mức sống và thu nhập của thành viên. Tính đến cuối năm 2020 các HTXNN trên địa bàn huyện đã liên kết tiêu thụ với các công ty, doanh nghiệp như: Công ty TNHH MTV Lương thực Thoại Sơn, Công ty Angimex, Công ty Gentraco, ... với diện tích 3.162 ha. Nhìn chung, tình hình phát triển và hoạt động của các HTXNN đã từng bước được củng cố, đa dạng về đối tượng tham gia, lĩnh vực hoạt động, quy mô và phạm vi đầu tư sản xuất, kinh doanh. Các HTX đã chú trọng củng cố theo các quy định của Luật HTX 2012. Nhiều HTX đã tích cực đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, đầu tư theo chiều sâu. Huy động các nguồn lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành nghề, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là ở khu vực nông thôn và đóng góp tích cực trong xây dựng nông thôn mới. 3.2.2. Kết quả thực hiện Công việc 2: Phỏng vấn hộ khảo sát thực trạng sản xuất chung của nông dân tại huyện Thoại Sơn. Tiến hành điều tra thực tế 100 hộ nông dân tại huyện Thoại Sơn – An Giang thu được kết quả như sau: a. Độ tuổi trung bình khảo sát Số người dân phỏng vấn đều trong độ tuổi lao động. Trong đó độ tuổi lao động từ 40 – 60 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất là 53%. Ở độ tuổi này người nông dân vẫn còn lao động tốt và có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất. Lao động nam là chủ yếu chiếm 90% trên tổng số phiếu điều tra. Do đó có thể nói rằng lực lượng lao động là thế mạnh của huyện. b. Tỉ lệ trung bình số nhân khẩu Số nhân khẩu trong từ 3 đến 5 người đang chiếm tỷ lệ phần trăm cao nhất là 60%. Qua đó cho thấy rằng nguồn lao động trong canh tác đang nằm ở mức trung bình. Mặc dù ở mức trung bình nhưng do nông dân đang áp dụng biện pháp khoa học kỹ thuật và công nghệ máy móc hiện đại vào trong hệ thống canh tác. c. Trình độ học vấn Trình độ học vấn của người dân chủ yếu là cấp 2 chiếm 40%, kế đến là cấp 3 chiếm 33%. Chỉ có 7% là dân vừa có trình độ đại học và cao đẳng. Theo các nhà nghiên cứu, năng suất lao động sẽ tăng nếu người nông dân có trình độ học vấn càng cao. d. Kinh nghiệm sản xuất, diện tích sản xuất và nguồn giống canh tác - Kinh nghiệm 1229
  5. Kinh nghiệm sản xuất của người dân tại vùng nghiên cứu khá cao. Kinh nghiệm từ 20 năm đến 30 năm cao nhất và chiếm tỷ lệ 37%. Kinh nghiệm từ 10 năm đến trên 30 năm chiếm 56%. Trong mọi ngành nghề yếu tố kinh nghiệm luôn là tiền đề cho mọi sự thành công. - Diện tích đất sản xuất Nông dân trong huyện sản xuất chủ yếu trên đất nhà chiếm 86.67% trên tổng số phiếu điều tra, và một số nông dân không có đất canh tác hoặc thuê thêm đất để mở rộng quy mô canh tác chiếm 72,39%. Ngoài ra một số nông dân còn trồng vườn, chăn nuôi, trồng cỏ để cung cấp thức ăn cho gia súc, xây chuồng trại thêm nhằm mục đích tăng lợi nhuận và đa dạng nguồn thu nhập trên đất nhà chiếm 13,33%. Tuy nhiên vẫn có một số nông dân thuê thêm đất để chuyển đổi cây trồng và đa dạng hóa vật nuôi chiếm 27,7%. - Nguồn giống trong canh tác Để đảm bảo khả năng đạt hiệu quả cao trong năng suất của các giống lúa, đa phần các nông hộ thường chọn mua nguồn giống từ các cơ quan sản xuất trong tỉnh, nơi mà tập trung nghiên cứu và đưa ra được các giống lúa đạt năng suất cao, góp phần cải tiến năng suất lúa của các nông hộ. Tỉ lệ mua giống lúa từ cơ quan sản xuất trong tỉnh đạt 34% chiếm tỉ lệ cao nhất nguồn giống mà các nông hộ mua. Đây là sự lựa chọn khá tốt của các nông hộ khi phải đối mặt với rất nhiều thách thức từ môi trường như biến đổi khí hậu, hạn ngập mặn, sâu bệnh. - Cấp giống được nông dân sử dụng Qua điều tra số liệu trực tiếp ta nhận thấy rằng người dân thường sử dụng cấp giống xác nhận 1 để canh tác chiếm 74% trên tổng số phiếu điều tra vì người dân chỉ mong muốn giá thành rẻ, độ thuần ruộng giống, vì chủ yếu họ thường mua về canh tác 1 vụ xong rồi bán lúa hàng hóa cho thương lái. 3.3. Kết quả thực hiện Nội dung 3: Thu thập một số thông tin về sản xuất gồm: chi phí sản xuất, diện tích, năng suất, sản lượng, diện tích sử dụng lúa giống đạt chất lượng và hộ tham gia sản xuất lúa giống trong huyện Kết quả điều tra cho thấy diện tích đất canh tác trung bình của nông hộ trong vùng dự án là 3,79 ha, nông dân ngoài vùng dự án là 2,78 ha. Điều này cho thấy sở hữu đất của nông dân trong vùng dự án là khá lớn. Các hộ nông dân được chọn phỏng vấn có độ tuổi trung bình từ 45 – 58 tuổi, trong đó: độ tuổi dưới 45 chiếm 62%, độ tuổi từ trên 58 chiếm 38%. Nông dân có kinh nghiệm trong trồng lúa từ 15 – 25 năm: kinh nghiệm dưới 20 năm chiếm 25% và trên 25 năm chiếm 65% 1230
  6. Nông dân có kinh nghiệm sản xuất lúa giống từ 10 – 15 năm, trong đó: dưới 10 năm chiếm 25%, từ trên 15 năm chiếm 75% Số nhân khẩu trong hộ trung bình: 4,6 nhân khẩu/hộ. Trình độ học vấn của nông hộ: tiểu học chiếm 54,5%; THCS chiếm 25%; THPT chiếm 20,5%. Kết quả thông tin nông hộ cho thấy sở hữu đất của nông dân trong vùng dự án là khá lớn, điều này rất thích hợp để nông dân áp dụng cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp. Hơn thế nữa với kinh nghiệm dày dặn, số nhân khẩu đông góp phần rất lớn cho dự án được thực hiện thuận lợi. Giống lúa nông dân sử dụng chủ yếu được mua từ công ty sản xuất giống, các đại lý chiếm 63%, có một số nông dân tự để giống 5%; trao đổi với các tổ giống chiếm 12%, mua trực tiếp từ các HTX sản xuất lúa giống 20% và chủ yếu sử dụng các giống: OM5451; OM380; IR50404; OM4900. Kết qủa so sánh hiệu quả sản xuất giữa nông hộ sản lúa giống trong và ngoài dự án được thu thập sau cuối mỗi vụ thực hiện dự án là Hè Thu 2020 và Thu Đông 2020: Tổng chi phí sản xuất lúa trung bình qua 2 vụ của nông dân trong vùng dự án là 21.565.550 đồng/ha (dao động từ 20.871.350 – 22.259.750 đồng/ha), trong khi đó, nông dân ngoài vùng dự án là 21.569.160 đồng/ha (dao động từ 20.742.650 – 22.395.670 đồng/ha). Năng suất nông dân sản xuất lúa giống là 6,27 - 6,5 tấn/ha, nông dân trong vùng dự án là 6,3 - 6,6 tấn/ha. Lợi nhuận bình quân của nông dân trong vùng dự án là 18.920.255 đồng/ha (dao động từ 16.581.250 – 21.259.260 đồng/ha), nông dân ngoài vùng dự án là 14.804.740 đồng/ha (dao động từ 10.429.330 – 19.180.150 đồng/ha). 3.4. Kết quả thực hiện Nội dung 4: Nghiên cứu chuyên môn 3.4.1 Kết quả công việc 1: Khảo sát nhu cầu sử dụng và khả năng cung ứng lúa giống trong huyện. Nhằm để đánh giá được vai trò của THT/HTX trong lĩnh vực sản xuất lúa giống và cung ứng lúa giống đảm bảo chất lượng cho vùng sản xuất lúa háng hóa; đảm bảo vùng nguyên liệu cung cấp cho các cở cở kinh doanh sản xuất lúa giống khi có liên kết tiêu thụ. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát đánh giá nhu cầu các cấp giống phục vụ sản xuất lúa của huyện cho thấy nhu cầu về lúa giống các cấp (SNC, NC, XC) của huyện Thoại Sơn nói riêng và cả tỉnh nói chung là rất lớn. Hiện toàn huyện Thoại Sơn có khoảng 17 tổ giống với hơn 500 hộ tham gia sản xuất với diện tích trên 1.400 ha/vụ, có khả năng sản xuất lúa giống cấp xác nhận và giống lúa cấp nguyên chủng, trong đó có 07 tổ hoạt động mạnh. 02 tổ hoạt động mạnh đã thành lập HTX NN chuyên sản xuất lúa giống. Hiện có 05 cơ sở tham gia sản xuất lúa chất lượng cao; cơ sở sản xuất kinh doanh lúa giống có đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Diện tích nhân giống lúa cộng đồng của huyện duy trì ở mức cao, khoảng hơn 4.500 1231
  7. ha/năm, sản lượng khoảng 1,5 ngàn tấn/năm đáp ứng 100% nhu cầu giống cho sản xuất lúa hàng hóa (giống xác nhận cộng đồng). Trong đó, diện tích được ký hợp đồng với các công ty, cơ sở kinh doanh lúa giống khoảng hơn 1.100 ha (chiếm hơn 25%), riêng Tập đoàn Lộc Trời ký kết trên 900 ha. Hiện lượng lúa giống xác nhận do nông dân sản xuất ra không những đã đáp ứng đủ cho nhu cầu sản xuất lúa hàng hóa trong toàn tỉnh mà còn một lượng lớn dư thừa cần trao đổi. 3.4.2 Kết quả công việc 2: Theo dõi hướng dẫn kỹ thuật lấy chỉ tiêu nhân giống của các mô hình nhân giống nguyên chủng và xác nhận, hướng dẫn định hướng liên kết sản xuất. Triển khai thực hiện 02/02 mô hình nhân giống nguyên chủng từ nguồn giống siêu nguyên chủng. Kết quả thực hiện vụ Hè Thu năng suất đạt được 5,94 tấn/ha; vụ Thu Đông đạt 4,78 tấn/ha. Triển khai 02/02 mô hình nhân giống xác nhận từ giống nguyên chủng có gắn liên kết thị trường. Kết quả đã gắn kết với 2 doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm (trại sản xuất lúa giống Định Thành – Tập Đoàn Lộc Trời và công ty cổ phần dịch vụ phát triển nông nghiệp Đồng Tháp – chi nhánh An Giang) với giá thu mua 6.300đồng/kg - 6.800đồng/kg, sản lượng đạt 584,8 tấn - 597,4 tấn/100ha; Lợi nhuận tăng thêm 30% so với sản xuất lúa hàng hóa. Qua kết quả mô hình trình diễn nhân giống xác nhận từ giống lúa nguyên chủng có gắn liên kết tiêu thụ trong 02 vụ Hè Thu và Thu Đông 2020 tại xã Vĩnh Khánh và xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn, nông dân đã phần nào thấy được lợi ích từ việc liên kết với công ty tiêu thụ sản phẩm đầu ra, từ đó thay đổi từ từ nhận thức của nông dân sản xuất theo cách truyền thống (thu hoạch bán cho thương lái). 3.5. Kết quả thực hiện Nội dung 5: Nâng cao năng lực hợp tác xã cho HTX Vĩnh Trạch, tổ nhân giống lúa và cán bộ tham gia dự án 3.5.1. Kết quả thực hiện Công việc 1: Khảo sát, đề xuất chọn HTX đánh giá năng lực nhằm hỗ trợ về quản lý điều hành HTX, năng lực sản xuất nhằm hỗ trợ xây dựng mô hình, đào tạo tập huấn nâng cao năng lực trong sản xuất và quản lý Nhóm nghiên cứu phối hợp Phòng NN&PTNT, HND, UBND các xã khảo tình hình hoạt động của các HTX với kết quả thu thập như sau: Trong năm 2020 toàn huyện có 9 HTX thành lập mới, nâng tổng số HTX NN trong toàn huyện lên 24 HTXNN. Trong đó có 8 HTX gắn với Tập đoàn Lộc Trời; các HTX đều hoạt động theo Luật HTX năm 2012 có hiệu quả và có khả năng nhân rộng, thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa đối với sản phẩm chủ lực của xã. Tổng số thành viên của các HTXNN là 1.158 thành viên, với tổng vốn điều lệ của HTXNN hơn 22 tỷ 490 triệu đồng. 1232
  8. Doanh thu bình quân một HTX NN là 4 tỷ 365 triệu đồng, lợi nhuận trung bình một HTX là 69,4 triệu đồng; Trung bình 01 HTXNN góp phần tạo việc làm thường xuyên cho 10-15 lao động tại địa phương. Theo đánh giá xếp loại của Phòng NN&PTNT có 9/24 HTX xếp loại trung bình trong đó có 02 HTX tham gia dự án HTX Thắng Lợi và HTX Vĩnh Trạch, qua đó nhóm nghiên cứu thống nhất chọn 02 HTX trên để nâng chất hoạt động của HTX. Để nâng cao kiến thức đội ngũ công tác viên, thành viên Ban quản trị HTX trong quản lý điều hành và nông dân sản xuất lúa giống để phục vụ thực hiện dự án; trong khuôn khổ hoạt động dự án đơn vị chủ trì phối hợp với Viện NCPTĐBSCL – ĐHCT, Viện lúa ĐBSCL, Chi cục TT&BVTV, Trung tâm KT-DVNN gồm các lớp tập huấn như sau: Tổ chức 02 lớp đào tạo năng cao năng lực cho thành viên, ban quản trị HTX với 60 học viên. Tổ chức 02 lớp tập huấn cập nhật và nâng cao kiến thức cho cán bộ kỹ thuật/ công tác viên về kỹ thuật sản xuất giống cấp nguyên chủng, xác nhận và một số quy định trong quản lý kinh doanh giống với 60 học viên tham dự. Tổ chức 03 lớp tập huấn nâng cao kiến thức cho nông dân về kỹ thuật sản xuất giống Nguyên chủng, xác nhận và một số lỗi thường gặp trong kiểm định, kiểm nghiệm hạt giống với 90 học viên tham dự. Qua các lớp tập huấn học viên nhận thấy nội dung các lớp tập huấn rất cần thiết và quan trọng trong quá trình sản xuất giống, các thức tổ chức và vận hành HTX để sản xuất kinh doanh giống. 3.5.2 Kết quả thực hiện Công việc 2: Khảo sát đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Đã hỗ trợ 28 máy đo ẩm độ cầm tay cho các HTX của huyện Thoại Sơn; Hỗ trợ thuê máy gặt đập liên hợp thu hoạch cho 200ha trình diễn nhân giống xác nhận; Hỗ trợ thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền cho HTX nông nghiệp Vĩnh Trạch Qua khảo sát đánh giá về đầu tư công nghệ trong sản xuất NN nói chung và trong sản xuất lúa giống nói riêng hiện chưa được các THT/HTX quan tâm đầu tư nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất lao động, trong đó 100% HTX thuê các dịch vụ bên ngoài như: Thuê máy cấy, thu hoạch, sấy,… Qua đó dự án có đề xuất đầu tư một số thiết bị, máy móc gồm: máy đo ẩm độ để xác định trước, trong và sau bảo quản, thuê dịch vụ máy gặp đập liên hợp nhằm đảm bảo tránh lẫn tạp do cơ giới từ đó sẽ làm nâng cao chất lượng hạt giống và tạo uy tín thương hiệu sản xuất lúa giống cho HTX. 3.5.3 Kết quả thực hiện Công việc 3: Nhân rộng HTX chuyên sản xuất lúa giống 1233
  9. Đã tổ chức 01 chuyến tham quan học tập cho 20 nông dân là thành viên các tổ nhân giống, HTX sản xuất kinh doanh giống của huyện Thoại Sơn. Qua chuyến tham quan thực tế tại một số địa phương các thành viên HTX tham chuyến tham quan học tập kinh nghiệm cũng rút ra một số bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng kế hoạch tổ chức sản xuất, kinh doanh trong thời kỳ kinh tế thị trường hiện nay, khâu tổ chức liên kết với doanh nghiệp giúp cho thành viên HTX có khả năng tự đàm phán, thương lượng ký kết hợp đồng bao tiêu đảm bảo quyền lợi cho xã viên HTX. Đối với các cán bộ kỹ thuật của ngành Nông nghiệp có thêm được các kinh nghiệm trong việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới và xây dựng kế hoạch từ đầu năm, để tư vấn giúp cho các Hợp tác xã, Tổ hợp tác và Câu lạc bộ Khuyến nông (các thành phần kinh tế hợp tác) thời gian tới cũng cố và phát triển, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn, cũng như trong sản xuất, kinh doanh cần đa dạng hóa sản phẩm đồng thời tiếp cận, gắn kết thông tin thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định bền vững, góp phần duy trì hoạt động ngày càng được hiệu quả, bền vững hơn. Đã tổ chức được 02 cuộc hội thảo tổng kết đánh giá kết quả thực hiện mô hình sản xuất giống xác nhận từ nguồn giống nguyên chủng có gắn liên kết tiêu thụ. Nông dân đánh giá cao việc sản xuất theo chuỗi liên kết tiêu thụ. Liên kết tiêu thụ giúp người nông dân có thể yên tâm sản xuất, giảm chi phí đầu vào, hạn chế được tình trạng được mùa, mất giá. Bên cạnh đó các hợp tác xã có gắn liên kết tiêu thụ chủ động được nguồn hàng nên ít bị động trong sản xuất, có nhiều cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên hợp tác xã; các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã ổn định được vùng nguyên liệu, ổn định được thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Qua đó mô hình liên kết cần được nhân rộng với nhiều loại hình sản xuất khác nhau giúp cho nông dân, thành viên HTX giảm rủi ro trong khâu tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập nông dân và đẩy mạnh phát triển các HTX trong xây dựng NTM. Thực hiện 01 clip ghi nhận toàn bộ quá trình thực hiện các nội dung của dự án từ hội nghị triển khai dự án đến các lớp tập huấn, các cuộc hội thảo tổng kết mô hình, quá trình thực hiện mô hình trình diễn, giai đoạn kiểm định đồng ruộng tại các mô hình trình diễn. Đăng tải một số thông tin về dự án lên các trang web, báo đài nhằm nhân rộng kết quả dự án cho các địa bàn khác. 1234
  10. 4. Kết luận Qua hỗ trợ nguồn giống cấp siêu nguyên chủng để phục vụ giống nguyên chủng trong năm 2020 cho HTX Vĩnh Trạch đã trồng và nhân ra cấp nguyên chủng đạt theo quy chuẩn QCVN:01-54:2011/BNNPTNT với diện tích 04 ha đạt tổng sản sản lượng 20,16 tấn, trong đó: Hè thu: 10,9 tấn, Thu đông 9,56 tấn. Chất lượng nhân giống lúa xác nhận từ nguồn giống nguyên chủng được hỗ trợ với diện tích 200ha (vụ Hè Thu: 100ha, Thu Đông: 100ha) có gắn liên kết tiêu và đã được 02 doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sản gồm: Công ty cổ phần tập đoàn Lộc Trời và công ty cổ phần dịch vụ phát triển nông nghiệp Đồng Tháp – chi nhánh An Giang với tổng sản lượng đạt được là 1.280 tấn lúa giống cấp xác nhận đạt theo quy chuẩn QCVN 01-54:2011/BNNPTNT thông qua cơ quan kiểm định - kiểm nghiệm chất lượng công nhận. Với lượng giống trên sẽ được doanh nghiệp cung cấp cho các vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao để phục vụ sản suất và từ đó sẽ giúp nâng cao chất lượng hạt gạo, phục vụ xuất khẩu. Vì vậy phát triển giống lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Trong đó, chủ yếu định hướng phát triển vùng sản xuất giống phục vụ cho vùng nguyên liệu lúa gạo. Các vùng sản xuất giống được khuyến khích và hỗ trợ phát triển HTX đây là hướng tạo điểm tựa vững chắc cho kinh tế nông hộ. 5. Kiến nghị Các đơn vị kinh doanh sản xuất lúa giống được chuyển giao bản quyền giống lúa cần tạo điều kiện chia sẽ nguốn giống lúa siêu nguyên chủng, nguyên chủng cho các HTX sản xuất lúa giống giống có ký kết bao tiêu. Do hiện nay đa số các giống lúa sản xuất chủ lực tại An Giang được các đơn vị, cá nhân chọn tạo đã chuyển giao cho cơ sở kinh doanh sản xuất lúa giống như: OM5451, OM18,… Cần trẻ hóa đội ngủ thành viên Ban quản lý HTX do hiện nay đa số thành viên Ban quản lý HTX đa số là lớn tuổi và trình độ còn thấp, do đó khi tham gia các buổi tập huấn, hội thảo về chuyên môn, quản lý điều hành nên khả năng tiếp thu còn hạn chế và chưa mạnh dạn trong lập kế hoạch sản xuất. Vì vậy cần trẻ hóa đội ngủ thành viên Ban quản lý HTX để đủ năng lực triển khai, phổ biến các chính sách đến thành viên HTX và mạnh dạn triển khai kế hoạch sản xuất, đủ năng lực thương thảo hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp. Dự án cần được tiếp tục dùy trì và mở rộng sang các HTX khác trong tỉnh. 1235
  11. TÀI LIỆU THAM KHẢO Bùi Chí Bửu. 2005. Cơ cấu giống lúa Đông Xuân 2005 - 2006 và hệ thống sản xuất giống lúa Đồng bằng Sông Cửu Long. Bandura, A., 1977. Self-efficacy: Toward a Unifying Theory of Behavioral Change. Psychological Review, 84(2): 191-215 Dương Văn Chín. 2008. Tuyển tập Hội nghị nâng cao chất lượng giống cây trồng tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long. (do UBND tỉnh Vĩnh Long và Bộ Nông nghiệp & PTNT phối hợp tổ chức ngày 29/04/2008). Phạm Văn Dư. 2008. Kết quả chọn tạo giống cây trồng. Trong tuyển tập “Hội nghị nâng cao chất lượng giống cây trồng tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long”, trang 3 - 17. Mahabub Hossain, Aldas Janaiah, A.M. Muazzam Husain and Firdousi Naher. 2002. Rice seed delivery system and seed policy in Bangladesh. www.cpd-bangladesh- org. Nguyễn Phạm Thanh Nam, Trương Chí Tiến (2007). Quản trị học management. Nhà xuất bản Thống Kê, thành phố Hồ Chí Minh, trang 1-17. Parasuraman et al., 1994. Journal of Marketing. January, 121p. Park, S. S., 1992. Tăng trưởng và phát triển. Bản dịch, Viện nghiên cứu quản lý Trung Ương, Trung tâm thông tin tư liệu Hà Nội. Porter, L. W. and Lawler, E. E., 1968. Managerial attitudes and performance. Homewood, III: R.D. Irwin. Pratap, Awadhesh, Marites and Clare, 2008. Improving farm-to-market linkages through contract farming, International food policy research Institute, IFPRI discussion paper 00814. Rahut, Dil Bahadur and Micevska, Maja B., 2007. Rural Nonfarm Employment and Incomes in the Eastern Himalayas. Proceedings of the German Development Economics Conference, Göttingen 2007 22, Verein für Socialpolitik, Research Committee Development Economics. Robert, S. Pindyck and Daniel, L, Rubinfeld, 1999. Kinh tế học vi mô. Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội Nguyễn Hải Sản (1998). Quản trị học. Nhà xuất bản Thống Kê, Hà Nội, trang 8- 35 Huỳnh Quang Tín và Nguyễn Hồng Cúc. 2011. Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững mô hình xã hội hóa công tác giống ở ĐBSCL. 1236
  12. Phan Thị Hồng Thúy. 2015. Đề tài nghiên cứu về sự Ảnh hưởng của phẩm cấp giống đến năng suất và hiệu quả sản xuất lúa. Đỗ Hoàng Toàn (1999). Khoa học quản lý tập 1. Đại học kinh tế quốc dân. Nhà xuất bản Khoa học và kỹ thuật, Hà Nội, trang 97-212. Guo, H. and Jolly, R. W., 2008. Contractual arrangement and enforcement in transition agriculture: Theory and evidence from China. Food Policy. 33: 570575. Vroom, V. H., 1964. Work and motivation. New York: Wiley Sở Nông nghiệp & PTNT An Giang. 2018. Báo cáo kết quả thực hiện sản xuất nông nghiệp năm 2018 và Kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp năm 2019. Trung tâm Khuyến nông An Giang. 2018. Báo cáo tổng kết xã hội hoá giống lúa năm 2018 và kế hoạch đến năm 2019. Cục trồng trọt. 2020. Báo cáo thực trạng công tác quản lý giống và đề xuất giải pháp trong thời gian tới tại các tỉnh thành phía nam. 1237
nguon tai.lieu . vn