Xem mẫu

  1. XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH THÚC ĐẨY HÌNH THÀNH DOANH NGHIỆP KHỞI NGHIỆP Ở VIỆT NAM HIỆN NAY (Building policies supporting startup businesses in VietNam nowadays) Nguyễn Thế Anh* - Phạm Thiên Tùng** 1 2 A startup business is a type of business in the form of a company, an association or a temporary organization operated to find out and extend an effective model of business. Because startup businesses make considerable contribution to economy and society, it is advisable to have both external and internal impact on startup businesses to help them develop. This essay mentions to a background for building policies and offering some policies to encourage the startup business in Viet Nam. Specifically, some policies offered include: Firstly, tax policy: The higher special treatment about taxes is, the larger the ability to attract startup companies is. Tax is considered as a means which helps enterprises have investment to extend their business, save capital cost, reduce product cost, improve market competence. Secondly, credit policy: Goverments in the world such as Holland, Singapore, Isarel often encourage venture investment for star-up. In some other countries, goverments encourage enterprises appeal for community funds. Therefore, we can promulgate rules relating to the model of community funds to help startup communities not only develop but also protect capital investors. Thirdly, building business incubators: In some countries such as US, Isarel and Australia, governments give initial support such as land, office, infrastructure, operation cost so that public business incubators run effectively. Gradually, these incubators will run autonomically. Fourthly, improving other capital appealing channels: there are a lot of channels providing capital for startup companies; however, the most favourable channel is Stock Market. In brief, VietNam has abundant startup potentials because young generations who are creative often express a de sire to start up. Moreover, their star-up thought and cultures about accepting failure is being improved. However, to help startup activities and startup businesses operate effectively, startup enterprises also make a effort by themselves, associating with external elements, especially special support relating to policy basis. Doanh nghiệp khởi nghiệp là một loại hình doanh nghiệp có thể dưới dạng một công ty, một hiệp hội hay thậm chí là một tổ chức tạm thời được thiết lập để tìm ra và triển khai một mô hình kinh doanh có hiệu quả. Với những đóng góp to lớn của DNKN đối với kinh tế, xã hội, cần có những tác động cả bên trong và bên ngoài giúp các DNKN phát triển. Với kế hoạch và lộ trình của Chính phủ, các Bộ, ngành nhằm mục tiêu xây dựng nên hệ sinh thái khởi nghiệp phù hợp với thực trạng Việt Nam được kỳ vọng sẽ giải quyết được những bất cập mà hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam hiện nay còn đang thiếu. Bài viết sau đây sẽ đề cập đến bối cảnh cho việc xây dựng chính sách và kiến nghị một số chính sách nhằm thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam. * Khoa Hệ thống thông tin kinh tế, Học viện Tài chính. ** Ban Thanh Tra, Học viện Tài chính.
  2. 1162 HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO QUỐC GIA BỐI CẢNH CHO VIỆC KIẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH Thứ nhất, hoạt động khởi nghiệp ở Việt Nam đang ngày càng sôi động Tính đến hết năm 2017, có khoảng 1.800 doanh nghiệp khởi nghiệp trong hệ sinh thái khởi nghiệp của thế giới. Còn tại Việt Nam, các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tuy mới hình thành nhưng ngày càng sôi động. Ngoài sự thành công của một số doanh nghiệp điển hình thuộc thế hệ thứ nhất (hình thành từ khoảng những năm 2000 như VC Corporation, Vinagames…) và các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuộc thế hệ thứ hai (hình thành từ những năm 2010) thì thế thệ thứ ba là thế hệ doanh nghiệp nổi bật trong 2- 3 năm gần đây với các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghệ giáo dục, công nghệ tài chính, giải trí, thương mại điện tử, truyền thông. Đặc biệt sau chương trình “Quốc gia khởi nghiệp” được khởi động năm 2016, hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam diễn ra rất sôi động. Từ năm 2016 đến hết năm 2017, 5 thương vụ kêu gọi vốn thành công nhất của doanh nghiệp khởi nghiệp đã có tổng giá trị lên đến hơn 40 triệu USD. Có thể thấy, các hoạt động của các cá nhân, tổ chức trong hệ sinh thái khởi nghiệp đã và đang đạt được những kết quả khả quan nhờ nhiều sự hỗ trợ khác nhau, từ tài chính đến thị trường và nâng cao năng lực trong giai đoạn khởi nghiệp. Tất cả những hỗ trợ đó đã cấu thành nên hệ sinh thái khởi nghiệp của một quốc gia. Thứ hai, các quỹ đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư thiên thần đang mở rộng hoạt động hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam Hiện tại, có khoảng 30 quỹ đầu tư mạo hiểm cho doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động tại Việt Nam, tăng khoảng 10 quỹ so với năm 2015. Một số quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động tích cực như Capital Ventures, IDG Ventures, CyberAgen Ventures, Gobi Partners, 500 Startup… Hơn nữa, trong 2 năm 2016 và 2017, một số quỹ đầu tư đã được hình thành và đi vào hoạt động như Viettel Ventures, FPT Ventures, Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam hoạt động với 4 nhà đầu tư tài chính gồm FPT, Tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc), Dragon Capital, Công ty cổ phần chứng khoán BIDV và quỹ sáng tạo CMC. Đồng thời, ở Việt Nam cũng bắt đầu hình thành mạng lưới đầu tư thiên thần như iAngel, Hatch Angel Network, VIC Impact. Các hoạt động trong việc xây dựng cộng đồng nhà đầu tư thiên thần ngày càng tích cực cả về bề rộng và bề sâu, có khả năng nuôi dưỡng và truyền cảm hứng cho giới trẻ. Đặc biệt, từ tháng 4 năm 2017, sau lễ ký kết thỏa thuận ghi nhớ giữa các đối tác xây dựng Mạng lưới nhà đầu tư thiên thần Việt Nam, cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc thu hút dòng vốn và các nhu cầu phi tài chính như đào tạo kỹ năng, định hướng phát triển hoặc cơ hội gặp gỡ các nhà đầu tư thiên thần trong và ngoài nước. Thứ ba, hoạt động hỗ trợ phát triển năng lực cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam của các tổ chức, cá nhân (cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh) được đẩy mạnh Theo thống kê từ Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tính đến hết năm 2016 có khoảng 24 cơ sở ươm tạo (tăng 4 cơ sở so với năm 2015) và 10 tổ chức thúc đẩy kinh doanh (tăng 2 cơ sở so với năm 2015). Các cơ sở ươm tạo hầu hết là các đơn vị hỗ trợ hoàn thiện ý tưởng, công nghệ và gắn kết các viện nghiên cứu, các trường đại học, gồm: Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao Hồ Chí Minh, Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao Hòa Lạc, Vườn ươm Đà Nẵng. Bên cạnh đó còn có huấn luyện viên, cố vấn khởi nghiệp là đối tượng rất quan trọng thường xuyên giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp bước đầu như Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP), Tổ chức SECO (Thụy Sĩ), Mạng lưới hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs Mentoring Network).
  3. INTERNATIONAL CONFERENCE STARTUP AND INNOVATION NATION 1163 Về hoạt động hỗ trợ cơ sở vật chất cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Theo thống kê năm 2017 có khoảng 30 khu làm việc chung trên cả nước, tăng 10 khu so với năm 2016 và đang tiếp tục mở rộng, đáp ứng nhu cầu về cơ sở vật chất – kỹ thuật cũng như nhu cầu đào tạo, kết nối của startup, tập trung ở thành phố Hồ Chí Minh (Citihub, Khu công nghệ phần mềm Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh – ITP…) và tại Hà Nội (UPK Falab Hà Nội…). Ngoài ra còn có không gian sáng tạo là mô hình phổ biến trên thế giới nhưng vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam, cho phép các cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp có thể sử dụng các trang thiết bị hiện đại như máy in 3D, máy CNC… Thứ tư, các chính sách về khởi nghiệp đã được thiết lập và triển khai thực hiện Nhà nước hiện nay đang thực hiện cải cách hành chính ở mọi phương diện, lĩnh vực của đời sống con người. Từ các chính sách vi mô đến các chính sách vĩ mô đều được kiểm soát chặt chẽ. Với mục tiêu khuyến khích các cá nhân khởi nghiệp, các cơ quan nhà nước ta đều chú trọng việc xây dựng nền tảng chính sách pháp luật chặt chẽ hỗ trợ đối tượng này, đặc biệt là chính sách tài chính. Cụ thể: (1) Ưu đãi thuế TNDN. Mức độ cao nhất là mức thuế suất thuế TNDN 10% trong vòng 15 năm, miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế trong 9 năm tiếp theo dành cho các dự án mới của doanh nghiệp khởi nghiệp tại các khu vực đặc biệt khó khăn, khu kinh tế hoặc thuộc các lĩnh vực khuyến khích đầu tư như khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ cao theo quy định tại Luật công nghệ cao… (2) Chính sách tín dụng, bao gồm: các ưu đãi về vay vốn, hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh vay vốn thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, các quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. (3) Mô hình phát triển vườn ươm trong một số lĩnh vực ưu tiên như khoa học và công nghệ. Nhà nước hỗ trợ kinh phí thành lập, hoạt động và các ưu đãi về thuế đối với các vườn ươm. Có thể kể đến một số vườn ươm như: Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao (HBI) thuộc Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Vườn ươm doanh nghiệp CRC – TOPIC thuộc trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp phần mềm Quang Trung (SBI). Các vườn ươm tạo doanh nghiệp này đang trong giai đoạn đầu phát triển nhưng đều đã xây dựng tương đối hoàn thiện quy trình ươm và chiến lược hoạt động, thúc đẩy sự phát triển bền vững trong tương lai. Nhìn chung, các chính sách đã tạo nhiều kênh huy động vốn cho doanh nghiệp, giảm thiểu rủi ro về mặt tài chính, nâng cao khả năng duy trì sự tồn tại và phát triển cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên, cơ chế chính sách và khung pháp lý vẫn còn nhiều bất cập do chưa kịp bổ sung, thay thế cho phù hợp với sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp. Chính sách tài chính vẫn còn chung chung, chưa cụ thể hóa và chi tiết để triển khai nhanh chóng. Chính sách thuế theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp theo địa bàn, lĩnh vực nên nếu doanh nghiệp khởi nghiệp tại các địa bàn không có ưu đãi thếu, hoặc trong các lĩnh vực không khuyến khích đầu tư hiện hành thì cũng không được hỗ trợ về thuế. Ngoài ra, chính sách tín dụng khó tiếp cận được do các doanh nghiệp khởi nghiệp hầu như có nguồn vốn nội sinh ít lại không có nhiều tài sản để thế chấp vay ngân hàng. Các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có rủi ro khá cao nên việc huy động vốn truyền thống qua ngân hàng thương mại là rất khó. Cụ thể, trong giai đoạn 2011 – 2015, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng nhưng kết quả vẫn chưa khả quan, tỷ lệ dư nợ cho vay chỉ đạt khoảng 25% trên tổng dư nợ cho vay toàn bộ nền kinh tế. Hoạt động ươm tạo tại các vườn ươm hiện nay vẫn chưa thực sự hiệu quả. Trong đó, các quỹ đầu tư và các tập đoàn lớn vẫn chưa quan tâm nhiều đến chương trình ươm tạo.
  4. 1164 HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC TẾ KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO QUỐC GIA KIẾN NGHỊ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP KHỞI NGHIỆP Trong Nghị quyết số 35/NQ – CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ doanh nghiệp đến năm 2020, Chính phủ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Thực tế cho thấy, để doanh nghiệp khởi nghiệp hình thành, tồn tại và phát triển bền vững, cần có các chính sách và quy định phù hợp. Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới về chính sách đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, các chính sách đang có hiệu lực kết hợp với bối cảnh khởi nghiệp ở Việt Nam, tác giả đưa ra một số kiến nghị về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp như sau: Một là, chính sách thuế: Sự ưu đãi về thuế càng cao thì càng thu hút được doanh nghiệp khởi nghiệp. Các ưu đãi như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp từ 3-5 năm đầu khởi nghiệp, miễn thuế chuyển nhượng vốn tại doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, cho phép khấu trừ đối với chi phí nghiên cứu phát triển... đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Thuế được xem là một phương tiện để doanh nghiệp có thêm nguồn lực đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, tiết kiệm chi phí vốn, giảm giá thành, nâng cao năng lực trên thị trường. Khi bắt đầu tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp thì thuế chính là vấn đề quan tâm đầu tiên. Hai là, về chính sách tín dụng: Đối tượng được cấp bảo lãnh CHính phủ hiện nay đang được thực hiện theo quy định tại Điều 32 Luật Quản lý nợ công. Theo quy định trên thì các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ khó được bảo lãnh của Chính phủ. Nếu Chính phủ có thể đứng ra bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp cùng với cam kết về sử dụng khoản vay, vốn đối ứng tối thiểu là một cách thức hay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Nhiều chính phủ trên thế giới như Hà Lan, Singapore, Isarel thường khuyến khích hoạt động đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp; một số nước thì Chính phủ khuyến khích các hình thức gọi vốn từ số đông cộng đồng. Như vậy, chúng ta có thể ban hành các quy định về mô hình gọi vốn cộng đồng để phù hợp với nhu cầu phát triển của cộng đồng khởi nghiệp theo hướng bảo vệ các nhà đầu tư góp vốn. Ba là, đối với việc xây dựng vườn ươm doanh nghiệp. Tại một số nước như Mỹ, Isarel, Úc, để vườn ươm công lập hoạt động có hiệu quả thì nhà nước sẽ thực hiện hỗ trợ ban đầu như đất đai, văn phòng hoạt động, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, kinh phí vận hành, vườn ươm sau đó sẽ hoạt động theo cơ chế tự chủ. Bốn là, phát triển thêm các kênh huy động vốn khác. Có nhiều kênh có thể cung ứng vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp nhưng kênh được ưu tiên nhất là thị trường chứng khoán. Việc xây dựng và triển khai sàn giao dịch chứng khoán dành riêng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ giúp tháo gỡ khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Tóm lại, Việt Nam có tiềm năng khởi nghiệp dồi dào từ một thế hệ trẻ sáng tạo có quyết tâm khởi nghiệp cao, với tư duy và văn hóa khởi nghiệp chấp nhận thất bại ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, để hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp và các doanh nghiệp khởi nghiệp có hiệu quả, cần có sự nỗ lực rất lớn của bản thân các doanh nghiệp khởi nghiệp, kết hợp với các yếu tố bên ngoài, trong đó có sự hỗ trợ đặc biệt quan trọng về cơ chế chính sách. TÀI LIỆU THAM KHẢO: Thủ tướng Chính phủ (2016), Quyết định số 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. TS Trần Lương Sơn, Ths Chu Thái Hòa, Nhà nước và khởi nghiệp: Bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam. Phạm Thị Thùy Trâm (2017), Quốc gia khởi nghiệp, Vận hội cho kinh tế Việt Nam. Hoàng Thị Tư (2016), Cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc biệt cho doanh nghiệp khởi nghiệp
nguon tai.lieu . vn