Xem mẫu

  1. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ 3/2019 XÂY DỰNG BỘ CÔNG CỤ BẰNG TRANH VẼ NHẰM ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ TỰ NHẬN THỨC CỦA TRẺ MẪU GIÁO 5-6 TUỔI  Hoàng Thanh Phương, Nguyễn Thị Hồng Vân Trường Đại học Hùng Vương hoangthanhphuongdhhv@gmail.com  Tóm tắt: Bài báo giới thiệu việc xây dựng và hướng dẫn sử dụng bộ công cụ bằng tranh vẽ nhằm đánh giá mức độ tự nhận thức của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi ở ba khía cạnh: Thể chất, tâm lý, xã hội và mối quan hệ của trẻ với mọi người xung quanh. Các phụ huynh và giáo viên mầm non có thể sử dụng bộ công cụ này để xác định mức độ tự nhận thức của trẻ; từ đó đưa ra biện pháp phù hợp nhằm hình thành khả năng tự ý thức, tự đánh giá và tự điều chỉnh bản thân cho trẻ, hình thành ở trẻ tính tự tin, mạnh dạn trong cuộc sống. Từ khóa: Bộ công cụ bằng tranh vẽ, tự nhận thức, trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi.  1. MỞ ĐẦU Ngay từ lứa tuổi mầm non, trẻ em đã có nhu cầu nhận thức, tìm hiểu khám phá sự vật, hiện tượng xung quanh, trẻ sớm có hứng thú nhận thức đối với chính mình. Đây có thể được coi là bước ngoặt đầu tiên trong sự hình thành và phát triển nhân cách trẻ. Tự nhận thức giúp trẻ nhận ra mình là một chủ thể riêng biệt, và cũng giúp trẻ khám phá cơ thể mình, phát hiện ra những cảm xúc, nhu cầu, sở thích, khả năng của mình và nhận ra sự khác biệt của mình trong các mối quan hệ với mọi người xung quanh. Chính vì vậy, những hoạt động của trẻ ở lứa tuổi này sẽ giúp trẻ kết nối tích cực với thân thể mình và với xã hội như một tổng thể. Điều đó, sẽ giúp trẻ nhanh chóng hòa nhập với tập thể, với xã hội và hình thành ở trẻ sự tự tin vào chính mình (Hoàng Thanh Phương, 2018). Quá trình tự nhận thức (TNT) liên quan đến hoạt động phản ánh các đặc điểm của chính mình. TNT của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi được biểu hiện ở ba nội dung: Thứ nhất, tự nhận thức về đặc điểm thể chất của bản thân như: hình dáng, diện mạo bên ngoài; các bộ phận trong cơ thể; về thể lực sức khỏe, và cách chăm sóc giữ gìn sức khỏe. Thứ hai, tự nhận thức đặc điểm tâm lý của bản thân như: sở thích, tính cách, khả năng, phẩm chất, nhu cầu, cảm xúc của chính mình. Thứ ba, tự nhận thức về đặc điểm xã hội của bản thân (tên, tuổi, giới tính…) và mối quan hệ của mình với mọi người trong gia đình, với thầy cô, bạn bè, với những người khác trong xã hội. Dựa vào đặc điểm của hoạt động nhận thức và đặc điểm TNT ở trẻ em lứa tuổi mầm non, có thể đánh giá TNT của trẻ dựa vào độ chính xác dựa trên mức độ phản ánh của trẻ về mình có đúng, có phù hợp với thực tế những gì mình có hay không? Ngoài ra, ở một góc độ khác, chúng ta có thể đánh giá TNT của trẻ dựa vào tính tích cực hay tiêu cực (mức độ tự tin hay tự ti) đối với chính mình. Từ đó, người lớn có thể giúp trẻ phát huy được điểm mạnh và giúp trẻ trở nên tự tin hơn trong cuộc sống. Việc làm cách nào có thể xác định đúng và tìm hiểu được trẻ có xu hướng tự nhận thức bản thân tích cực hay tiêu cực là một việc làm tương đối khó khăn nếu chúng ta không xây dựng được bộ công cụ phù hợp. Chính vì vậy, trên cơ sở nghiên cứu sự phát triển tâm sinh lý của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi và dựa vào các biểu hiện về TNT của trẻ, đồng thời bám sát các chỉ số trong Bộ chuẩn phát triển của trẻ 5 tuổi của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Chúng tôi đã 181
  2. GDMN 4.0 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA tiến hành xây dựng bộ bảng hỏi bằng tranh vẽ nhằm đánh giá mức độ TNT của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi. 2. BỘ CÔNG CỤ BẰNG TRANH VẼ ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ TỰ NHẬN THỨC CỦA TRẺ 5-6 TUỔI 2.1. Cơ sở xây dựng bộ công cụ Để thu thập thông tin làm cơ sở xây dựng bảng hỏi, các nguồn tư liệu sau đã được sử dụng: Nguồn thứ nhất, dựa vào các biểu hiện TNT của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi đã được xây dựng (Hoàng Thanh Phương, 2018). Theo đó, nội dung của bảng hỏi bằng tranh phải bám sát các nội dung của các biểu hiện TNT của trẻ về cả ba mặt: Thể chất, tâm lý, xã hội và mối quan hệ với mọi người xung quanh. Nguồn thứ hai là bộ bảng hỏi bằng tranh của tác giả Susan Harter (1984) nhằm đánh giá khả năng nhận thức và sự chấp nhận xã hội của trẻ từ 4 đến 7 tuổi. Bộ bảng hỏi bằng tranh ảnh này đo khả năng tự nhận thức của trẻ về khả năng nhận thức của bản thân; khả năng về thể chất của bản thân; sự chấp nhận của nhóm bạn cùng lứa và sự chấp nhận của người mẹ đối với trẻ (Harter, S. and Pike, R.1984). Như vậy, có thể nhận thấy, bộ bảng hỏi này đã đề cập đến các khía cạnh TNT về đặc điểm thể chất; về khả năng nhận thức và về mối quan hệ xã hội của trẻ trong độ tuổi 4-7 tuổi. Nguồn thứ ba được chúng tôi căn cứ để xây dựng bộ bảng hỏi này là bám sát Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành nhằm đánh giá toàn diện sự phát triển của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi, đảm bảo các yêu cầu để bước vào trường phổ thông. Nội dung bộ chuẩn đánh giá sự phát triển của trẻ 5 tuổi gồm 4 lĩnh vực, 28 chuẩn, 120 chỉ số (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2010). Lĩnh vực phát triển bao gồm các chuẩn, chuẩn bao gồm các chỉ số cụ thể. Tuy nhiên, khi xây dựng bộ bảng hỏi này, chúng tôi đã lựa chọn các lĩnh vực, các chuẩn và chỉ số cụ thể có liên quan chặt chẽ đến các khía cạnh TNTBT của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi. Cụ thể như sau: - Đối với các chuẩn lĩnh vực phát triển thể chất: Lựa chọn các chuẩn và chỉ số đánh giá khả năng vận động, tình trạng thể lực, sức khỏe của trẻ (Chuẩn 1, 2, 4); sự hiểu biết, thực hành vệ sinh cá nhân và dinh dưỡng, các hoạt động tự phục vụ chăm sóc cơ thể (Chuẩn 5: chỉ số 15, 16, 18); giữ gìn vệ sinh thân thể và đảm bảo an toàn (Chuẩn 6: chỉ số 21, 22). - Đối với các chuẩn lĩnh vực phát triển tình cảm và quan hệ xã hội: Xem xét các chỉ số việc trẻ thể hiện sự nhận thức về bản thân (chuẩn 7: chỉ số 27, 28, 29, 30); trẻ tin tưởng vào khả năng của bản thân (Chuẩn 8: chỉ số 31, 32, 33, 34); trẻ biết cảm nhận và thể hiện cảm xúc (Chuẩn 9: chỉ số 35, 36, 37, 38, 39, 40, 41); trẻ có mối quan hệ tích cực với bạn bè và người lớn (Chuẩn 10: chỉ số 42, 43, 44, 45, 46); trẻ thể hiện sự đoàn kết, hợp tác với bạn bè và mọi người xung quanh (Chuẩn 11: chỉ số 50, 52); trẻ có hành vi thích hợp trong ứng xử xã hội (Chuẩn 12: chỉ số 54, 56); trẻ biết thể hiện sự tôn trọng người khác (Chuẩn 13: chỉ số 58, 59, 60). - Đối với lĩnh vực phát triển ngôn ngữ và giao tiếp: Xác định các chỉ số đánh giá trẻ có khả năng nghe hiểu lời nói và biết sử dụng lời nói trong giao tiếp với mọi người xung quanh (Chuẩn 14, 16); trẻ thể hiện một số hiểu biết ban đầu về việc đọc (Chuẩn 19: chỉ số 88, 89, 90, 91). - Đối với lĩnh vực phát triển nhận thức: Lựa chọn các chuẩn và chỉ số liên quan đến khả năng nhận thức của trẻ về các biểu tượng trong môi trường sống (Chuẩn 20, 21); khả năng của trẻ trong các hoạt động làm quen với toán, chữ viết, tạo hình, âm nhạc (Chuẩn 22: chỉ số 100, 101, 102, 103; chuẩn 23: chỉ số 104, 105). 182
  3. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ 3/2019 Dựa vào các cơ sở trên, chúng tôi xác định nội dung chính của bảng hỏi sẽ tập trung vào ba khía cạnh tự nhận thức bản thân của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi đó là: TNT về đặc điểm thể chất của bản thân (bao gồm hình dáng, diện mạo, bộ phận cơ thể; tình trạng thể lực sức khỏe, khả năng hoạt động của cơ thể và cách bảo vệ giữ gìn thân thể); TNT về đặc điểm xã hội và quan hệ xã hội của trẻ với mọi người xung quanh (trẻ biết tên tuổi, giới tính của mình; biết cách ứng xử với mọi người trong gia đình; trường lớp, bạn bè…) và TNT về một số đặc điểm tâm lý nổi bật của bản thân (bao gồm sự nhận biết về sở thích, mong muốn của bản thân; biết các trạng thái xúc cảm của bản thân; nhận biết được một số nét tính cách của mình và khả năng của mình như làm quen với toán, chữ viết, khả năng hát, múa, vẽ…). 2.2. Cấu trúc của bảng hỏi - Phần I: Tìm hiểu một số thông tin liên quan đến khách thể điều tra: Tên, tuổi, giới tính, trường, lớp mẫu giáo. - Phần II: Tìm hiểu TNTBT của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi về các khía cạnh: (1) TNT về đặc điểm thể chất của bản thân; (2) TNT về đặc điểm tâm lý của bản thân (sở thích, tính cách, khả năng); (3) TNT về đặc điểm xã hội và quan hệ của trẻ với mọi người xung quanh. Bộ bảng hỏi bằng tranh bao gồm 45 cặp tranh vẽ (90 tranh) miêu tả toàn bộ các biểu hiện của từng khía cạnh tự nhận thức bản thân của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi, trong đó mỗi nội dung gồm 15 cặp tranh. Hình ảnh, màu sắc trong mỗi bức tranh đều rất sinh động, ngộ nghĩnh và phù hợp với trẻ mẫu giáo. 2.3. Tiến hành điều tra thử Với mục đích kiểm tra độ dài, độ khó và xác định độ tin cậy của bảng hỏi, từ đó có phương án điều chỉnh cho bảng hỏi phù hợp và đạt yêu cầu, chúng tôi tiến hành điều tra thử trên 66 trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi. Tổ chức cho trẻ trả lời lần lượt các câu hỏi trong bộ bảng hỏi bằng tranh vẽ bằng cách cho trẻ lắng nghe câu hỏi và lựa chọn bức tranh có phương án giống với mình nhất. Trong quá trình hỏi và trẻ trả lời, chúng tôi ghi âm và ghi chép lại những câu hỏi nào trẻ chưa rõ hoặc những thắc mắc, câu hỏi của trẻ, những câu trẻ không lựa chọn được đáp án mà cần có sự giải thích. Những câu hỏi này sẽ được xem xét và với sự tư vấn của các chuyên gia để chỉnh sửa cho phù hợp với khả năng nhận thức của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi. Đồng thời, chúng tôi cũng tính thời gian trẻ trả lời, kết quả điều tra thử cho thấy đa số các trẻ trả lời bộ bảng hỏi bằng tranh vẽ trong khoảng thời gian từ 30-35 phút - tương đương với thời gian hoạt động học dành cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ có một số ít các bé trả lời trong khoảng 40 phút. Do vậy, chúng tôi xác định độ dài của bộ bảng hỏi này là hoàn toàn phù hợp với khả năng và sự chú ý của trẻ. Sau khi tiến hành điều tra thử, chúng tôi nhận thấy có một số câu hỏi sử dụng từ ngữ khó hiểu đối với trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi. Vì vậy, chúng tôi đã điều chỉnh một số lối diễn đạt đơn giản hơn ở các câu hỏi và chỉnh sửa các phương án trả lời dễ hiểu và cụ thể hơn, phù hợp với khả năng nhận thức của trẻ. Kết quả xử lý số liệu bằng phần mềm SPSS 20.0 với các kỹ thuật thống kê là phân tích độ tin cậy bằng cách tính hệ số Alpha Cronbach và hệ số tương quan giữa từng item và toàn bộ thang đo để xác định độ tin cậy của các thang đo trong bảng hỏi và độ hiệu lực về nội dung của từng thang đo. Kết quả được tổng hợp ở bảng 1. Kết quả hiển thị bảng 1 với hệ số α của các tiểu thang đo và hệ số α của cả thang đo (α>0,6) cho thấy từng item của phép đo có tính đồng nhất và đều đóng góp độ tin cậy của toàn bộ hệ thống. 183
  4. GDMN 4.0 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Bảng 1. Độ tin cậy của các thang đo tự nhận thức bản thân của trẻ MG 5-6 tuổi Nội dung tự nhận thức của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi Số item Hệ số Alpha Tự nhận thức đặc điểm thể chất của bản thân 15 0.75 Tự nhận thức đặc điểm tâm lý của bản thân 15 0.74 Tự nhận thức đặc điểm xã hội và mối quan hệ của trẻ với 15 0.79 mọi người xung quanh Toàn thang đo: 45 0.88 3. KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ TỰ NHẬN THỨC CỦA TRẺ MẪU GIÁO 5-6 TUỔI BẰNG BỘ CÔNG CỤ TRANH VẼ Mục đích: Khảo sát biểu hiện TNT của 273 trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi về các khía cạnh: TNT về đặc điểm thể chất của bản thân; TNT về đặc điểm tâm lý của bản thân; TNT về đặc điểm xã hội và mối quan hệ của trẻ với mọi người xung quanh. Khách thể nghiên cứu gồm: 273 trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi (135 trẻ nam, 138 trẻ nữ); thuộc các trường mầm non trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Toàn bộ các trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi được chọn làm mẫu nghiên cứu là những trẻ phát triển bình thường về thể chất, tâm lý, phù hợp với quá trình nghiên cứu của đề tài và được giáo viên lựa chọn một cách ngẫu nhiên. Tất cả các trẻ đều học lớp mẫu giáo lớn 5-6 tuổi tại 8 trường mầm non trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, phân bố đều ở cả khu vực thành phố, thị xã, nông thôn, miền núi. Cách thức tiến hành: Mỗi trẻ tham gia trả lời bảng hỏi một cách độc lập, theo những suy nghĩ của riêng từng trẻ, tránh sự bắt chước nhau giữa các trẻ. Trước khi tiến hành điều tra, nghiệm viên hướng dẫn trẻ làm từng câu cụ thể. Với những mệnh đề trẻ không hiểu, điều tra viên có thể giải thích bằng những từ ngữ dễ hiểu, phù hợp với khả năng nhận thức của trẻ, hoặc sử dụng bảng phụ (chữ cái, số, hình dạng...) để cho trẻ chỉ trực tiếp hoặc trả lời trên bảng phụ. Trong quá trình khảo sát, nghiệm viên sẽ quan sát, hướng dẫn trẻ cách lựa chọn các phương án trả lời trên tranh vẽ để có được đầy đủ những thông tin trong bảng hỏi. Chúng tôi đối chiếu lại thông tin bằng cách trò chuyện, hỏi lại trực tiếp giáo viên phụ trách lớp, hoặc phụ huynh của trẻ để xác định kết quả TNT của trẻ về nội dung, đó là chính xác hay chưa chính xác so với đánh giá khách quan của người khác, những người hàng ngày trực tiếp chăm sóc, dạy dỗ trẻ. Minh họa cách sử dụng bảng hỏi bằng tranh Để sử dụng có hiệu quả bộ bảng hỏi đặc biệt này, người điều tra cần thực hiện theo các chỉ dẫn sau đây: - Người điều tra sẽ đưa cho trẻ quan sát mỗi bức tranh tương ứng các hình ảnh cụ thể, gần gũi đối với trẻ. Nếu trẻ là bé trai thì sẽ sử dụng bộ bảng hỏi dành cho bé trai và ngược lại nếu trẻ là gái sẽ sử dụng bộ bảng hỏi dùng cho bé gái. Mặc dù, nội dung hình ảnh của mỗi bộ bảng hỏi này đều giống nhau, duy chỉ khác nhân vật được nhắc đến là trai hoặc gái để cho trẻ hoàn toàn dễ liên tưởng giống mình nhất. - Người điều tra chỉ cho trẻ xem phần tranh vẽ, còn phần chữ có các câu hỏi thì trẻ không xem mà đây là câu hỏi mà người điều tra sẽ đọc và giải thích cho trẻ để trẻ hiểu và lựa chọn phương án nào phù hợp nhất, giống mình nhất dựa vào việc lựa chọn các ô tròn tương ứng ở phía dưới mỗi bức tranh. - Với mỗi item được thể hiện ở một tranh vẽ và có hai hình ảnh gần như trái ngược nhau. Thông thường, các bức tranh đều thể hiện rõ đứa trẻ được hỏi, tuy nhiên có một vài tranh số lượng trẻ đông hơn, thì đứa trẻ được nhắc đến sẽ được chỉ bằng mũi tên ở phía trên đầu, để trẻ dễ định hướng và tập trung vào câu hỏi. 184
  5. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ 3/2019 Ví dụ: Với bức tranh dưới đây: Bạn nhỏ trong tranh có rất nhiều bạn chơi Bạn nhỏ trong tranh không có nhiều bạn để chơi cùng, con có không? cùng, con có không? Tất cả các bạn Còn một vài bạn Một vài bạn Hầu như không có đều chơi cùng chưa chơi cùng chơi cùng bạn nào 4 3 2 1 Mục đích của người điều tra khi sử dụng câu hỏi tương ứng với bức tranh này, mục đích muốn tìm hiểu về mối quan hệ của trẻ với bạn bè cùng lứa. Để thực hiện được điều này, người điều tra có thể tiến hành như sau: Đầu tiên, cần giới thiệu với trẻ về nội dung của tranh: Người điều tra viên vừa chỉ vào bạn nhỏ được đánh dấu mũi tên hướng vào và nói với trẻ. Có hai bức tranh, một bức tranh tả một bạn nhỏ có rất nhiều bạn chơi cùng và một bức tranh có một bạn nhỏ có rất ít bạn chơi cùng, vậy con thấy mình giống bạn nhỏ nào? Sau khi bé gái đã chỉ vào hình ảnh thích hợp cho mình (giống với trẻ), người điều tra sẽ chỉ vào các hình tròn to, nhỏ phía bên dưới và nhấn mạnh các phương án lựa chọn nhằm giúp đứa trẻ tinh chỉnh hơn nữa lựa chọn của mình một cách chính xác nhất. Nếu đứa trẻ đã lựa chọn vào hình ảnh bé gái có nhiều bạn chơi cùng, thì người điều tra sẽ hỏi trẻ: Tất cả các bạn đều chơi với con (Chỉ vào vòng tròn lớn hơn); hay là vẫn còn một vài bạn không chơi với con (Chỉ vào vòng tròn nhỏ hơn). Nếu đứa trẻ lựa chọn bức tranh bé gái có ít bạn chơi cùng, thì người điều tra sẽ hỏi trẻ: Hầu như không có bạn nào chơi với con (Chỉ vào vòng tròn lớn hơn); hay là chỉ có một vài bạn chơi với con (Chỉ vào vòng tròn nhỏ hơn). - Cứ như thế, người điều tra sẽ tiếp tục đưa cho trẻ lần lượt các bức tranh và cho trẻ lựa chọn hình ảnh phù hợp với mình nhất và chọn các phương án (hình tròn) là giống mình nhiều nhất. - Trường hợp có những đứa trẻ sẽ chỉ vào giữa hai bức tranh và nói rằng nó đều thích cả hai, người điều tra nên giải thích cho trẻ rằng đôi lúc chúng ta cũng cảm thấy giống mình ở cả 185
  6. GDMN 4.0 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA hai trường hợp, nhưng nếu con đã chọn thì cần phải lựa chọn một hình ảnh nào giống mình nhiều nhất. - Tương ứng với sự lựa chọn các hình tròn to/ nhỏ của trẻ, người điều tra sẽ phải đánh dấu lại và khoanh vào ô điểm (4, 3, 2, 1) tương ứng ở phần câu hỏi bằng chữ trên phiếu riêng của mình. Thang đo và mức độ: Chúng tôi dùng cách tính điểm trung bình để đo mức độ TNT của trẻ. Điểm của các câu trong thang đo này được mã hóa lại cho thuận lợi. Điểm cao nhất là 4 điểm và điểm thấp nhất là 1điểm. Điểm trung bình của toàn thang đo được đánh giá thành 3 mức độ: Tích cực; bình thường; Tiêu cực. Kết quả được thể hiện ở đồ thị phân bố chuẩn dưới đây: Đồ thị 1. Sự phân bố điểm tự nhận thức bản thân của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi Dựa vào sự phân bố điểm TNT của trẻ MG 5-6 tuổi và cách tính điểm trên sau khi tính giá trị trung bình, chúng tôi chia làm 3 mức độ tính theo công thức sau: - Mức độ Tích cực: X + 1SD < XCao ≤ 4 - Mức độ Bình thường: X - 1SD < XTB ≤ X + 1SD - Mức độ Tiêu cực: 1 < X Thấp < X - 1 SD Dựa trên công thức trên, chúng tôi xác định và phân loại mức độ TNT của trẻ MG 5-6 tuổi căn cứ vào nghiên cứu thực tiễn trong đề tài với số điểm trung bình chung của toàn thang đo là 2.51 và độ lệch chuẩn là 0.35. Do vậy, xác định cụ thể các mức như sau: Mức độ Tích cực: Từ 2.86 đến
  7. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ 3/2019 Kết quả điều tra thực trạng TNT của trẻ MG 5-6 tuổi cho thấy: TNTcủa trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi ở mức độ trung bình (ĐTB = 2.51) và mức trung bình cũng là kết quả TNT của trẻ ở cả ba khía cạnh: thể chất, tâm lý và quan hệ xã hội, trong đó TNT về đặc điểm tâm lý của bản thân đạt kết quả thấp nhất. Kết quả thể hiện một cách khái quát nhất được chúng tôi tổng hợp trong bảng 2. Nhìn chung, trẻ MG 5-6 tuổi đã có khả năng TNT ở nhiều khía cạnh cả về đặc điểm thể chất, tâm lý, xã hội và mối quan hệ của trẻ với những người xung quanh. Số liệu trên cho thấy trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi đánh giá bản thân rất tích cực, với X đạt 3,58 thể hiện tương đối đồng đều ở cả ba mặt thể chất, tâm lý, xã hội. Điều này cũng đồng nhất với kết quả mà chúng tôi nhận được khi trực tiếp phỏng vấn, trò chuyện với trẻ. Hầu hết, tất cả các bé khi được phỏng vấn, đều nhận các phương án lựa chọn thể hiện mình là đẹp nhất, tốt nhất, học giỏi nhất, ngoan nhất và biết quan tâm đến mọi người nhất… Nhận thấy kết quả TNT của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi cao hơn so với những gì trẻ đang có cả về diện mạo, hình dáng bên ngoài cho đến khả năng của bản thân cũng như các mối quan hệ xã hội của trẻ với mọi người xung quanh. Điều này hoàn toàn phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi của trẻ mẫu giáo, luôn thích được khen, thích được quan tâm và yêu thương của mọi người dành cho mình. Kết quả TNTBT của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi vừa mang tính khách quan, vừa thể hiện tính chủ quan của cá nhân trẻ. Đa số trẻ đã có những biểu tượng khá chính xác về bản thân, song mới chỉ dừng lại ở việc nhận biết ở các đặc điểm bên ngoài, dễ nhận diện, dễ phát hiện. Do vậy, thông tin về bản thân mà trẻ có được độ chính xác chưa cao, có những nội dung đúng, trùng khớp với bản thân trẻ, có những nội dung chưa phù hợp với những gì mà trẻ đang có, thông thường trẻ có xu hướng đánh giá cao hơn về những gì trẻ có hoặc theo ý thích và mong muốn mình sẽ như vậy. Như vậy, dựa trên bộ công cụ bảng hỏi bằng tranh vẽ đã được thiết kế công phu với hình ảnh, màu sắc sinh động, hấp dẫn và phù hợp với thị hiếu của trẻ mẫu giáo. Giáo viên mầm non, cha mẹ có thể sử dụng một cách dễ dàng để xác định xem mức độ tự nhận thức của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi về bản thân mình như thế nào? Từ đó, sẽ có những cách thức tác động nhằm giúp trẻ đánh giá đúng và tích cực bản thân mình hơn. Đồng thời, cũng giúp trẻ biết cách tự điều chỉnh hành vi, cách ứng xử của mình với mọi người xung quanh và đặc biệt hình thành ở trẻ sự tự tin, phát huy được những điểm mạnh của mình cũng như hạn chế những tồn tại của bản thân. 4. KẾT LUẬN Quá trình hình thành và phát triển tự nhận thức được diễn ra từ rất sớm, khi trẻ xuất hiện ý thức bản ngã (Nguyễn Ánh Tuyết, Nguyễn Thị Như Mai, Đinh Thị Kim Thoa, 2014). Trong suốt quá trình nó luôn chịu sự tác động của các yếu tố chủ quan từ phía cá nhân trẻ cùng với đó là sự tác động của các yếu tố khách quan từ phía gia đình và nhà trường mà người trực tiếp là cha mẹ và cô giáo. Có nhiều cách để tìm hiểu khả năng tự nhận thức của trẻ. Song, bộ bảng hỏi bằng tranh vẽ là một trong những phương tiện hữu hiệu, khoa học và thuận tiện để chúng ta có thể có được những thông tin chính xác, đáng tin cậy trong quá trình thu thập thông tin nhằm xác định mức độ tự nhận thức bản thân của trẻ. Quá trình xây dựng bộ công cụ này đã được triển khai theo một quy trình chặt chẽ, dựa trên những cơ sở khoa học nhất định, đồng thời đã được kiểm chứng hiệu quả trên thực tế. Kết quả nghiên cứu này, góp phần bổ sung vào hệ thống lý luận và thực tiễn về chuyên ngành giáo dục mầm non, là công cụ hiệu quả trong việc đánh giá mức độ tự nhận thức bản thân của trẻ mẫu giáo. 187
  8. GDMN 4.0 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bộ Giáo dục và đào tạo (2010). Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi (ban hành kèm theo Thông tư số 23/2010/TT - BGDĐT). [2] Hoàng Thanh Phương (2018). Tự nhận thức bản thân của trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi, Luận án Tiến sỹ Tâm lý học, Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam. [3] Nguyễn Ánh Tuyết, Nguyễn Thị Như Mai, Đinh Thị Kim Thoa (2014). Tâm lý học trẻ em lứa tuổi mầm non, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội. [4] Harter, S. and Pike, R. (1984). The pictorial scale of perceived competence and social acceptance for young Children, Child Development, 55, 1969-1982. Title: CONSTRUCTING A PICTORIAL TOOLKIT TO ASSESS THE SELF-AWARENESS OF 5- 6-YEAR-OLD PRESCHOOLERS Hoang Thanh Phuong, Nguyen Thi Hong Van Hung Vuong University hoangthanhphuongdhhv@gmail.com Abstract: This article introduces the construction of a pictorial toolkit to assess the level of self- awareness of preschool children aged 5-6 in three aspects: physical, psychological, social and the relationship of children with the people around. Parents and preschool teachers can use this toolkit to determine their children’s level of self-awareness. This will be the basis for appropriate measures to develop self-awareness, self-assessment and self-adjustment and to form confidence and boldness in children. Keywords: A pictorial toolkit, self-awareness, 5-6-year-old preschoolers. 188
nguon tai.lieu . vn