Xem mẫu

  1. VỀ TỰ SỰ HỌC HẬU THỰC DÂN GERALD PRINCE(*) Như Michel Mathieu-Colas (1986) từng có lần nhấn mạnh, vấn đề những ranh giới của tự sự học đã gợi lên nhiều cuộc thảo luận quan trọng. Định nghĩa về chuyên ngành này (hoặc có lẽ “phi chuyên ngành”) biến đổi rất khác nhau, phụ thuộc vào việc một người nào đó tin vào khả năng “thâu nhận tất cả” (getting it all in) hay trút bỏ tất cả (getting it all out) 1 , “chỉ liên kết” hay luôn luôn mất liên kết, luôn lịch sử hóa hay chỉ trừu tượng hóa, lí thuyết hay khoa học, rộng mở hay ràng buộc. Cho đến những năm gần đây, vẫn chưa có một sự đồng thuận nào thực sự đạt được và ngày càng có nhiều người viện dẫn đến các lối diễn đạt được điều chỉnh và “được gạch nối” (hyphenated) (tự sự học cấu trúc luận, tự sự học hậu kinh điển, tự sự học hậu hiện đại, tự sự học xã hội học, tự sự học tâm lí) hoặc cũng có nhiều người chấp thuận một lĩnh vực có tính đa thể (plural) (như trong “những tự sự học” - “narratologies”). Hiện nay có những điều chỉnh (modulations) về cấu trúc của tự sự học nhưng cũng có những điều chỉnh khác mang tính đối thoại và hiện tượng học; có những cách tiếp cận theo kiểu Aristotle hay các cách tiếp cận tu từ pháp (tropological) 2 hoặc giải cấu trúc; có những biến đổi về tri nhận hoặc cấu trúc trong tự sự học, những quan điểm về lịch sử, xã hội học, ý thức hệ và nhân học, những diễn giải về nữ quyền, những nghiên cứu về lệch pha (queer), và những khảo sát cụ thể (xem thêm, ví dụ, Herman 1999, 2002, Mezei 1995). Mặc dù có cả một sự triển diễn sinh động của các diễn ngôn liên quan đến (nghiên cứu có hệ thống về) tự sự, nhưng lại có rất ít đề xuất hoặc nghiên cứu về tự sự học hậu thuộc địa (xem thêm, ví dụ, Fludernik 1996, Gymnich 2002). Có lẽ điều này là do phạm vi và những anh giới của hậu thuộc địa, chí ít thì, cũng có vấn đề giống như những gì của tự sự học: có lẽ tự sự học hậu thuộc địa (đã luôn) hiện diện ở mọi nơi hoặc nó cũng có thể chưa bao giờ (từng) hiện diện ở bất kì đâu cả. Cũng tương tự vậy, có lẽ, các chuyên gia cảm thấy rằng việc nghiên cứu, trình bày, và tranh luận về các giá trị và hậu quả của hậu thuộc địa hoặc (tân) thuộc địa là các nhiệm vụ cấp bách hơn so với việc xem xét các phương thức của tự sự học (narratological modalities). Tuy vậy, tự sự học có thể hữu ích (và nó đã được sử dụng) để hoàn thành chính những nhiệm vụ này: thậm chí với việc mô tả giản đơn các điểm nhìn (points of view) được lựa chọn, các tốc độ [trần thuật] được sử dụng, các mô hình diễn ngôn được khai thác, các vai trò về hành động (actantial) được làm nổi bật, những biến đổi được ưu tiên trong những tự sự cụ thể có thể giúp làm sáng tỏ bản chất và GS. - Đại học Pennsylvania. (* ) 1 “Getting it all in”: tự sự học được quan niệm/định nghĩa với một biên độ ngữ nghĩa rộng mở, bao quát và toàn diện, gắn với tính lịch sử, xã hội và văn hóa. Điển hình là các tự sự học hậu kinh điển như: tự sự học hậu thực dân, tự sự học nữ quyền, tự sự học lệch pha, tự sự học sinh thái… Ngược lại, “getting it all out” gắn với cách hiểu về tự sự học có tính phong bế, giới hạn và thiên về hình thức và cấu trúc. Cách hiểu này gắn với tự sự học kinh điển, chẳng hạn tự sự học của Propp và Genette (ND). 2 Tropology là phép tu từ bằng cách sử dụng ngôn ngữ có tính hình tượng/biểu trưng trong văn nói và viết (ND).
  2. chức năng của ý thức hệ mà những tự sự này trình hiện và kiến tạo (xem thêm, ví dụ, Caldwell 1999). Ngoài ra, một luận điểm quan trọng hơntừ quan điểm của một nhà tự sự học, đó là chính chuyên ngành tự sự học chắc chắn sẽ đạt được lợi ích từ các mối quan hệ ràng buộc với những thực hành và những tiềm năng của hậu thuộc địa, bởi vì, ít nhất, những mối ràng buộc này giúp kiểm tra tính hợp lí và chính xác của các phạm trù và sự khác biệt của tự sự học. Trong phần tiếp theo, tôi sẽ phác thảo diện mạo của tự sự học hậu thuộc địa, một lĩnh vực mà về cơ bản là sẽ thừa hưởng và phụ thuộc vào những kết quả của tự sự học (hậu) kinh điển nhưng tôi sẽ biến đổi nó và có thể, làm cho nó trở nên phong phú bằng cách trang bị cho tự sự học hậu thuộc địa một chuỗi lăng kính hậu thuộc địa để soi chiếu vào trần thuật (xem thêm Herman 1999, Punday 2000). Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, tự sự học hậu thuộc địa [mà tôi đề xuất] không chủ đích nhận diện đâu là các tự sự hậu thuộc địa hoặc thâu tóm nét đặc trưng của chúng. Thêm nữa, cũng xin lưu ý rằng, trái ngược với phiên bản của Marion Marion Gymnich, tự sự học hậu thuộc địa mà tôi đề xuất không dự định trình bày “cách thức các khái niệm về bản sắc và sự khác biệt hoặc các phạm trù, chẳng hạn như dân tộc, chủng tộc, giai cấp và giới, được kiến tạo, được duy trì hoặc bị giải kiến tạo trong các văn bản tự sự như thế nào” (Gymnich 2002: 62). Tương tự vậy, mặc dù chịu ơn từ công trình của Susan Lanser về tự sự học nữ quyền (feminist narratology), tự sự học hậu thực dân này hoàn toàn không chủ định “nghiên cứu tự sự trong mối quan hệ với một bối cảnh có liên quan và đồng thời về ngôn ngữ, văn học, lịch sử, tiểu sử, xã hội, và chính trị” (Lanser 1986: 145). Nó thậm chí còn không bị ràng buộc với một bộ sưu tập văn bản cụ thể hoặc cũng không được hình thành chủ yếu thông qua nghiên cứu các văn bản cụ thể và hầu như nó không phụ thuộc vào các quy trình [nghiên cứu] có tính quy nạp. Đúng hơn, nó nhạy cảm với các vấn đề chung chung, nếu không muốn nói là không phải tranh luận nữa, liên quan đến hậu thuộc địa (ví dụ, lai ghép, di cư, cái khác, tính phân mảnh (fragmentation), tính đa dạng, các quan hệ quyền lực); nó dự tưởng những cái tương ứng có thể có về mặt tự sự học, và nó kết hợp với chúng. Chúng ta hãy giả định rằng, để một thực thể (entity) có thể cấu thành nên một tự sự, nó phải có khả năng được phân tích như là sự trình hiện về một sự biến đổi (hoặc nhiều hơn một những biến đổi được kết nối một cách có chủ đích và không mâu thuẫn nhau) của một trạng thái của sự việc, của một sự kiện (hoặc nhiều hơn một) mà [những] sự kiện này không giả định trước một cách logic trạng thái đó, và/hoặc không đưa đến một cách logic sự biến đổi của nó. Mặc dù rườm rà và rối rắm, nhưng tôi nghĩ định nghĩa vừa linh hoạt và vừa hạn chế này có một vài ưu điểm (bên cạnh việc phù hợp hoặc ít nhất là nó không xung đột với các quan điểm được tán thành phổ biến về bản chất của tự sự). Ví dụ, nó cho phép một sự phân biệt giữa tự sự và phi tự sự (một kí hiệu ngôn ngữ đơn lẻ hoặc sự tái lặp lại của cùng một kí hiệu, một chuỗi các âm tiết vô nghĩa (nonsensical syllables), một phát biểu mang tính xã giao (phatic) thuần túy, một tuyên bố về hiện hữu đơn giản, nhưng cũng còn là sự mô tả thuần túy về một hành động chẳng hạn như “John mở cửa sổ” hoặc “Mary đóng
  3. cửa”, một tam đoạn luận 1, một lập luận, và v.v.). Định nghĩa này còn cho phép sự phân biệt giữa tự sự và phản tự sự (antinarrative) (ví dụ, tác phẩm Ghen tị (Jealousy) của Alain Robbe-Grillet) bằng việc gán ghép tính nhất quán cho các tái trình hiện tự sự. Nói chung, có lẽ, và để sử dụng các thuật của Emile Benveniste (1974), định nghĩa này gợi lên đặc điểm về ngữ nghĩa thay vì kí hiệu và kiểu (mode) ý nghĩa của các thực thể tự sự; không như kí hiệu, một tự sự thì không được nhận diện mà là được hiểu (rõ ràng là, định nghĩa này giúp lý giải những khác biệt về quan điểm liên quan đến trạng thái (status) tự sự của nhiều thực thể). Nếu định nghĩa nói trên cho thấy rất nhiều ranh giới và tạo ra nhiều điều kiện hoặc giới hạn rõ ràng, thì nó cũng để lại những khoảng trống đáng kể cho tính đa dạng. Ví dụ, nó không định rõ phương tiện của các tái trình hiện tự sự (truyền miệng, được viết, hoặc ngôn ngữ kí hiệu, các bức ảnh tĩnh hoặc động, các cử chỉ, hoặc một sự kết hợp của những gì vừa liệt kê). Nó cũng không định rõ sự thật hoặc giả dối, tính thực tế hoặc tính hư cấu, truyền thống hoặc hiện đại, tính đời thường hoặc tính văn học, tính tự phát hoặc tính chủ ý của chúng [các tái trình hiện tự sự]. Nó cũng không định rõ bản chất nội dung của các tái trình hiện tự sự này và các mối quan hệ của nội dung với kinh nghiệm về nhân hóa (anthropomorphic) 2, các kiểu đề tài và chủ đề được khai triển, các kiểu tình huống và sự kiện được tái hiện, hoặc các đặc điểm của các mối quan hệ khả dĩ của chúng [kinh nghiệm nhân hóa, đề tài, chủ đề, tình huống, sự kiện…]. Hơn nữa, nó không giới hạn chiều kích tối đa của các tự sự; nó hầu như không biểu thị mức độ gắn kết hoặc kiểu kết thúc mà những tự sự (nên) có, và nó hầu như không hạn chế các kiểu thức (modes) tự sự (những cách thức khác nhau để tái hiện các tình huống và sự kiện tương tự) hoặc các kiểu dạng của tự sự tính (narrativity) - thuật ngữ mà Marie-Laure Ryan mô tả như là “những cách hiện thực hóa văn bản khác nhau của các truyện kể - plots, những cách khác nhau mà qua đó văn bản phụ thuộc vào một cấu trúc tự sự (hoặc truyện kể - plot hoặc câu chuyện - story) và gợi ý rằng cấu trúc này đóng vai trò như là một kiểu gắn kết” (Ryan 1992: 369). Ngay khi định nghĩa này cố gắng để mô tả rõ ràng các ranh giới về định nghĩa của tự sự (để xác định những điểm chung của tất cả hoặc chỉ một vài tự sự), tự sự học cố gắng lý giải tính đa dạng tự sự (thứ cho phép những tự sự nào đó trở nên khác biệt với một tự sự khác với tư cách (qua) là những tự sự). Như chúng tôi đã đề xuất ở trên, định nghĩa này đã thực hiện một phần việc này bằng cách cung cấp một hạng mục (repertoire) rộng lớn các câu hỏi để chất vấn về các tự sự (một số lượng lớn công cụ mô tả để nắm bắt/thâu tóm nét đặc riêng biệt của mọi tự sự và tìm kiếm hoặc hỗ trợ các kết luận có tính diễn giải) 3. Tuy nhiên, việc quan tâm cụ thể đến các vấn đề hậu thuộc địa, dĩ nhiên, có thể tác động đến chiều kích của hạng mục đó, đến nền kinh tế hoặc sự khai thác của thuộc địa. Ví dụ, như 1 Tam đoạn luận (syllogism) là một cách suy luận trong suy luận diễn dịch. Phép tam đoạn đưa ra kết luận tất yếu từ hai mênh đề. Một tam đoạn luận gồm ba cấu phần: tiền đề lớn, tiền đề nhỏ và kết luận (N.D). 2 Anthropomorphic: tái hiện/miêu tả về động vật, về các vị thần, về đồ vật cứ như thể chúng là con người với ngoại diện, tính cách và hành vi cụ thể (ND). 3 Trong cuộc bàn luận của tôi về những công cụ này, tôi dựa vào nhiều công trình khác nhau, đặc biệt là của Fludernik (1996), Herman (2002), Ireland (2001), van Peer và Chatman (2001), và Richardson (2000).
  4. Monika Fludernik nhận xét trong cuộc bàn luận của bà về các mối quan hệ năng sản có thể có giữa các tự sự hậu thuộc địa và tự sự học, hoặc như Marion Gymnich nhấn mạnh trong nghiên cứu của bà về mối quan hệ của ngôn ngữ học với một tự sự học hậu thuộc địa, (các kiểu) ngôn ngữ được người kể chuyện và nhân vật sử dụng trở thành mảnh đất màu mỡ cho những chất vấn về tự sự học. Chúng [ngôn ngữ] có thể khá tương đồng hoặc rất khác biệt, chuẩn hoặc phi chuẩn, được đánh giá là tích cực hoặc tiêu cực... Ngoài ra, trong cuộc thảo luận của mình, Fludernik còn đề cập đến việc sử dụng các kĩ thuật sáng tạo hoặc độc đáo, việc này đóng vai trò như là phạm vi nghiên cứu phong phú khác. Một số đại từ “kì quặc”, ví dụ, “ai đó” (one), “bạn” (you), hoặc “chúng tôi” (we) sẽ cung cấp các minh họa có liên quan. Chẳng hạn, một người kể chuyện là “chúng tôi” có thể đại diện cho một nhóm đồng nhất hoặc hỗn tạp, biểu lộ mối bất hòa thay vì tính tập thể hòa đồng, hoặc bao gồm một số cộng đồng cụ thể mà không phải là những cộng đồng nào khác. Giờ thì đúng là, bất chấp mối quan tâm của các nhà nghiên cứu nói trên về chủ nghĩa hậu thuộc địa, các sinh viên của môn tự sự đã nghiên cứu và, đến một mức độ nào đó, đã hệ thống hóa/mã hóa rất nhiều khoảng cách (về thời gian, không gian, đạo đức, trí tuệ, và cả ngôn ngữ) giữa người kể chuyện, người nghe chuyện (narratee), và nhân vật. Tương tự vậy, họ đã thực hiện nhiều nghiên cứu về phạm trù “person” (ngôi) (tự sự ngôi thứ hai, tự sự ngôi thứ nhất số nhiều [first-person-plural], tự sự đa ngôi…). Cũng đúng khi nói rằng, sự đổi mới về mặt hình thức và sự liều lĩnh về mặt kĩ thuật không có gì đặc biệt hoặc cũng không quan trọng đối với các văn bản hậu thuộc địa. Trên thực tế, những điều này có thể phổ biến hơn trong các văn bản (hậu) hiện đại hoặc nữ quyền. Nhưng một vài văn bản hậu thuộc địa cũng còn là văn bản (hậu) hiện đại hoặc nữ quyền và là những tiềm năng của nghiên cứu tự sự học (hậu thuộc địa) thay vì chỉ là những thực tại (actualities). Trong mọi trường hợp, khi không có bất kì thay đổi nào về những ranh giới của định nghĩa, và hướng đến các mục đích của tự sự học hậu thuộc địa, sự nhấn mạnh các đặc điểm như quyền lực ngôn ngữ hoặc tính tái trình hiện chung về giọng điệu (voice - còn được dịch là “ngữ thái”, “tiếng nói” - ND) của người kể chuyện sẽ thúc đẩy nghiên cứu (có tính phân loại) văn bản liên quan đến các cách thức mà chúng tận dụng những đặc điểm này. Thật vậy, việc xem xét lại mọi đặc điểm hoặc phạm trù của tự sự dưới ánh sáng hậu thuộc địa có thể dẫn đến những biến đổi (modulations) khác nhau trong các mô tả tự sự học về (cú pháp, ngữ nghĩa, và ngữ dụng của) truyện kể. Ở cấp độ trần thuật, ví dụ, nhà tự sự học cân nhắc xem liệu không gian có được trình bày và mô tả một cách rõ ràng, nổi bật hay mờ nhòe, ổn định hay biến đổi, phụ thuộc hay, ngược lại, tự trị; liệu không gian có được đặc trưng bởi vị trí của nó hoặc bởi các thành tố của nó. Họ tiếp tục luận bàn về các khả năng để nghiên cứu về không gian và những định hướng của họ, những cách mà không gian bị phân mảnh, sự kề cận (proximity) hoặc khoảng cách của các phân đoạn khác nhau từ các trung tâm trực chỉ (deictic) 1 và ý nghĩa có liên 1 Từ “deictic” có nguồn gốc tiếng Hy Lạp “deixis”, nghĩa là “quy chiếu” hoặc “biểu thị” được sử dụng trong ngôn ngữ học để chỉ chức năng của các đại từ nhân xưng ngôi và chỉ định, của thì và của nhiều kiểu ngữ pháp và từ vựng khác nhau, gắn các phát ngôn, lời nói với sự phối hợp không thời gian của hành vi phát
  5. quan của chúng, các thực thể (nền tảng hoặc cơ bản) đang chiếm giữ những phân đoạn này và các sự kiện minh họa cho chúng [những thực thể]. Dựa vào các ranh giới, giao cắt, chuyển dịch, phân tán, lề hóa, những bến tàu (docks) và thành lũy (holds), những cánh đồng (fields) và khu rừng (jungles), những thứ được tạo ra bởi hoặc liên quan đến chủ nghĩa hậu thuộc địa, các nhà tự sự học có thể chú ý đặc biệt đến những điều sau: 1. phạm vi của đa thời sự tính (multi-topicality) - ở đây (và tại đây và nơi đây) tương phản với ở đó (và chỗ đó và nơi đó) hoặc đối lập với ở đâu đó (somewhere), ở mọi nơi (everywhere) và không đâu cả (nowhere) - 2. cũng như chú ý đến mức độ của dị thời sự tính (hetero- topicality), 3. đến các kiểu của hỗn hợp và phi nhất quán, của những khoảng trống, mối bất hòa (breaches), và rạn nứt (cracks) bên trong hoặc giữa các không gian, 4. bản chất của các khung (frames) và các giới hạn, và 5. các liên kết về không gian dọc theo các trục ngữ nghĩa như tự nhiên hoặc nhân tạo, thân thuộc hoặc xa lạ, độc lập hoặc tòng thuộc, tính thân rễ (rhizomatic) 1, tính thần kinh cơ giới (cybernetic) 2, tính hỗn loạn, và vân vân và vân vân (xem thêm, chẳng hạn, Hành trình đến tận cùng của đêm của Louis-Ferdinand Celine, Voix của Linda Le, hoặc Sur l’autre rive của Henri Lopes). Tương tự vậy, bên cạnh việc chú ý đến tính rõ ràng, tính chính xác, và tính nổi bật tương đối của những gắn kết và chỉ định về thời gian (temporal anchorings), các nhà tự sự học đang chú ý đến bản chất của thời gian cũng như hành động của thời gian: liên tục, chu kì, hoặc vòng vo (loopings); hồi quy với tăng tiến; thất thường thay vì đều đặn; chủ quan thay vì khách quan; thời gian được đặc trưng bởi độ dài của thời gian mà một sự kiện được kể (duration) 3 hoặc bởi ngày tháng (date), được phân đoạn theo các kiểu nhân tạo hoặc có ngôn. Các phương tiện thực hiện chức năng chỉ định: tôi, tao, mày…; hôm qua, hôm nay, ngày mai…; đây, kia, này, nọ… (ND). 1 “Thân rễ” là một khái niệm triết học được phát triển bởi Gilles Deleuze và Félix Guattari trong công trình A Thousand Plateaus: Capitalism and Schizophrenia (1980). Thuật ngữ này bắt nguồn từ thực vật học, dùng để chỉ những loại thực vật mà bộ rễ của chúng phát triển theo chiều ngang và có thể mở rộng ra trong lòng đất để phát triển thành những cây mới từ nhiều nhánh rễ khác nhau thay vì từ một rễ duy nhất. Deleuze và Guagttari tìm cách để tái định nghĩa toàn bộ khái niệm về chuyên ngành học thuật và các hình thức truyền thống của phương Tây về tri thức, đặc biệt là nền tảng của chúng trong các tư tưởng có tính nhị nguyên, biên niên, phả hệ và hệ thống thứ bậc. Họ cho rằng, các dạng thức của tri thức được cấu trúc theo dạng “hình cây” – các hệ thống và tư tưởng khởi đi từ một nguồn/rễ duy nhất và phân nhánh thành các khái niệm, phạm trù và phụ phạm trù. Ngược lại, tư tưởng về phân rễ đối lập với các hình thức có tính thứ bậc, hệ thống và chuyên ngành về tri thức. Tư tưởng về thân rễ nhấn mạnh đến tính phản chuyên ngành, chống lại những phạm trù và phân loại. Các quan hệ và mạng lưới trong học thuật và đời sống được kết tập với nhau theo một trật tự bất định, rối rắm đến mức không thể nào phân định nổi đâu là rễ chính đâu là rễ phụ, cái nào sinh ra cái nào. Do đó, Deleuze và Guattari phát triển một số các khái niệm hữu quan nhằm hậu thuẫn cho tính linh động (instability) và tính đa tạp (multiplicity), chẳng hạn, “giải lãnh thổ hóa” (deterritorialization), “du cư” (nomadism), “phân nhánh” (schizoanalysis) và “kết tập” (assemblage). Về cơ bản, có thể hiểu khái niệm “thân rễ” là tư tưởng “dây mơ rễ má”, đề cao tính đa dạng, các kết hợp phi phân cấp, phi nhị nguyên và phi hệ thống (ND tổng thuật). 2 Nghiên cứu khoa học về cách thức mà thông tin được truyền thông trong các thiết bị máy móc và điện tử, trong mối quan hệ so sánh với cách thức mà thông tin được truyền thông trong hệ thống não bộ và dây thần kinh (ND). 3 Duration là độ dài của thời gian. Trong tự sự học văn học và điện ảnh, duration có một số dạng: độ dài thời gian câu chuyện (story duration): lượng thời gian mà câu chuyện diễn ra; độ dài thời gian truyện kể:
  6. thể là tự nhiên, gần hoặc xa các trung tâm trực chỉ; có tính hàn gắn/chữa trị (curative), tính tái sinh, khả năng làm tê liệt, làm suy giảm giá trị. Bởi vì các chủ đề và mối quan tâm được đánh giá về phương diện hậu thuộc địa này, chẳng hạn những khởi đầu và kết thúc cũ, mới, hoài niệm và hi vọng, đích thực và giả tạo, hoặc kí ức hoặc mất kí ức, và hồi tưởng (anamnesis), các nhà tự sự học có thể tập trung vào tính không thể xác định thời gian, có vẻ như hoặc giả biên niên (quasi- or pseudo-chronology), dị niên đại (heterochronology), tính đa niên đại - bây giờ (hoặc lúc này hoặc giờ đây) trái ngược với một quá khứ hoặc tương lai sau đó (then) (hoặc về sau hoặc sau này) hoặc với luôn luôn (always), không bao giờ, đôi khi, thỉnh thoảng - cũng như những đồng thời (simultaneities) (một phần hoặc toàn bộ), những liên tục (gần gũi hoặc kề cận), và những mâu thuẫn (mờ nhạt hoặc nảy lửa) giữa các phân đoạn thời gian, cường độ có liên quan của những phân đoạn này, và bản chất của những ranh giới của chúng (xem thêm Vallee des soupirs của Raphael Confiant, Monnew của Ahmadou Kourouma, Le Chinois vert d’Afrique của Leila Sebbar). Dĩ nhiên, giống như những tự sự học khác, một tự sự học hậu thuộc địa sẽ hướng đến việc lý giải kiểu loại nhân vật hiện hữu trong những bối cảnh không gian và thời gian này và cung cấp các công cụ cho việc khám phá và mô tả ý nghĩa, sự phức tạp của nhân vật và tính ổn định của chức phận (designation) và bản sắc của nhân vật, hoặc những vị trí/chức năng về hành động mà nhân vật chiếm giữ và thực hiện. Ngoài ra, một tự sự học hậu thuộc địa sẽ cho phép việc nghiên cứu về nhận thức của nhân vật, những phát biểu, tư tưởng, và cảm xúc và động cơ của nhân vật, những tương tác của nhân vật, và vị trí của nhân vật liên quan đến các phạm trù ngữ nghĩa thường được khai thác như tốt và xấu, giai cấp và quyền lực, giới tính sinh học, giới tính xã hội, hoặc tính dục. Nhưng tự sự học hậu thuộc địa cũng có thể đưa ra các quy định cho việc tập trung vào sự khai thác các đặc điểm đặc biệt có liên quan (trước đây hoặc gần đây) như thuộc địa hóa hoặc bị thuộc địa, chủng tộc hoặc dân tộc, cái khác và lai ghép, hợp tác, đồng hóa (cưỡng bức), kháng cự, hoặc nước đôi (ambivalence), và, hiển nhiên là, khả năng về ngôn ngữ và tự sự. Cuối cùng nhưng không phải là kém quan trọng nhất, một tự sự học hậu thuộc địa sẽ mô tả các kiểu sự kiện (các hành động hướng đích - goal-directed và các biến cố, quá trình, thành công hoặc thành tích) có thể liên quan đến những người tham gia này và diễn ra trong những bối cảnh này. Tự sự học hậu thuộc địa sẽ phân biệt giữa các sự kiện hạt nhân/cốt lõi với các sự kiện vệ tinh/thứ yếu cũng như các sự kiện mang tính can thiệp với các sự kiện không bị can thiệp hoặc các sự kiện mang tính sản xuất với các sự kiện mang tính ngăn chặn. Nó sẽ định rõ các mối quan hệ (về cú pháp và hệ hình, không thời gian, có tính logic, biến đổi) giữa các sự kiện này và các kiểu thay đổi (về sự chuyển dịch không gian, sự điều chỉnh vật lý, sự giao dịch thông tin, sự đạt được mục đích…). Nó cũng chỉ ra cách thức mà các chuỗi đoạn tự sự có thể thuộc về một hoặc nhiều phạm vi tự sự (một hoặc nhiều hơn các bối cảnh hành động liên quan đến các nhân vật cụ thể), mỗi một chuỗi đoạn này đều được kiểm soát bởi những ràng buộc về phương thức (logic - alethic, nhận thức - epistemic, thời gian trôi qua của những sự kiện được kể bên trong câu chuyện; độ dài thời gian màn ảnh (screen/reading duration): thời gian trình chiếu/đọc thực tế (ND).
  7. giá trị - axiological, hoặc đạo đức - deontic) và cách thức chúng có thể được kết hợp với nhau tạo thành các chuỗi và tuyến truyện phức tạp hơn bao giờ hết thông qua những việc vận dụng các thao tác khác nhau chẳng hạn như liên kết, nhúng ghép, và xen kẽ. Hơn nữa, tự sự học hậu thuộc địa sẽ trình bày chi tiết các kiểu cấu trúc của câu chuyện (story structures) có thể được dàn dựng (cấu trúc lỏng lẻo hoặc chặt chẽ, bao chứa một hoặc một vài tuyến truyện, kết thúc mở, đóng một phần, hoặc cấu trúc tổng hợp [totalizing], vòng tròn, lặp lại, mở rộng, tẩu pháp [fugal], lan man [digressive], xoắn ốc, hoặc không thể đảo ngược [irreversible]. Chuyên ngành này có thể mô tả các kiểu tự sự khác có thể đạt được (ví dụ, đơn giản hoặc phức tạp, đa bội, bện xoắn [braided], proliferating [triển nở], hoặc tan loãng [diluted]) cũng như các đặc điểm thường thấy trên thực tế chẳng hạn như tiền dự báo (foreshadowings), hậu dự báo (backshadowings), phản chiếu (mirrorings); bản chất được kịch bản hóa của các chuỗi tự sự được (về tình huống, hành động, phương tiện); và tính trừu tượng hoặc tính rõ ràng của các sự kiện và trạng thái của các sự việc. Trên tất cả, và để phù hợp với hướng nghiên cứu hậu thuộc địa, tự sự học hậu thuộc địa có thể cho phép sự cân nhắc đặc biệt đối với tính khả thi của các khoảng trống, các khoảng bất định (indeterminacies), và phi nhất quán bên trong một chuỗi (hoặc một phạm vi); của các mâu thuẫn giữa hai chuỗi; và của những vi phạm, kết tập (contaminations), và chuyển dịch (migrations) có tính xâm phạm ranh giới trần thuật (metaleptic) 1 giữa chúng: những sự phá vỡ hệ hình (frame), ví dụ, những lần vượt qua các ranh giới, ảnh hưởng và chuyển dịch về bản thể học (ontological) xuyên qua các phạm vi khác nhau, hoặc “những vòng xoắn kì lạ” (strange loops) mà ở đó một chuỗi tự sự nào đó bao chứa một chuỗi tự sự khác, nghĩa là chuỗi tự sự khác này được nhúng vào bên trong chuỗi kia (xem thêm La decouverte du nouveau monde của Nabile Fares, Tout-Monde của Edouard Glissant, Le polygone etoile của Kateb Yacine). Tự sự học hậu thuộc địa cũng có thể rất dễ bị ảnh hưởng bởi tính đa chức năng có thể có của các sự kiện và những khác biệt giữa các chức năng mà chúng thực hiện trong các chuỗi hoặc phạm vi khác nhau. Tự sự học hậu thuộc địa còn quan tâm đến các yếu tố không được kể (disnarrated) 2 và sự phân bổ của chúng không chỉ trong những tự sự chỉ đơn thuần là có khả năng được kể (mà người kể chuyện hoặc một nhân vật hứa hẹn sẽ kể lại nhưng lại chẳng bao giờ thực hiện) mà còn trong các tự sự không hoàn tất (rudimentary) mà người kể chuyện hoặc một nhân vật bắt đầu kể lại nhưng lại không bao giờ hoàn tất (xem thêm Maher 2002). Cuối cùng, tự sự học hậu thuộc địa có thể giúp tập trung vào những tiếp xúc (meetings), mối liên hệ (contacts), và tương tác (interactions) được tái hiện, những đối đầu và xung đột được mô tả, những đối thủ (opponents) có liên 1 Trong Tự sự học (đặc biệt trong các lí thuyết của Gérard Genette), metalepsic là một sự vi phạm có tính mâu thuẫn các ranh giới giữa các cấp độ trần thuật hoặc các thế giới khác biệt nhau về logic. Ví dụ điển hình nhất về metalepsis trong tự sự là khi một người kể chuyện xâm phạm vào một thế giới khác đang được kể. Nói chung, metalepsis xuất hiện thường xuyên nhất là khi một người kể chuyện toàn tri hoặc bên ngoài bắt đầu tương tác trực tiếp với các sự kiện đang được kể, đặc biệt là khi người kể chuyện được cách biệt về không gian và thời gian từ những sự kiện này (ND tổng thuật). 2 Trần thuật về một cái gì đó cái mà có thể đã xảy ra hoặc được tưởng tượng là sẽ xảy ra nhưng cuối cùng thì không thực sự xảy ra (ND).
  8. quan, và những lực lượng (forces) được triển khai (cân bằng hoặc mất cân bằng, cân xứng hoặc không cân xứng) cũng như các dạng thức của liên kết hoặc thỏa thuận, các kiểu truyền thông, đàm phám, đối thoại, và trao đổi được mô tả. Giống như cấp độ của các yếu tố được kể, cấp độ của các yếu tố kể chuyện đã được tự sự học (hậu) kinh điển nghiên cứu nhiều. Ví dụ, các nhà tự sự học đã mô tả các trật tự thời gian mà một tự sự có thể diễn tiến, những xáo trộn về trình tự thời gian (the anachronies) 1 mà câu chuyện trình hiện, các cấu trúc phi thời gian (achronic) mà câu chuyện có thể cung cấp. Hơn nữa, các nhà tự sự học còn mô tả tốc độ trần thuật và tốc độ có tính quy chuẩn của nó. Họ đã nghiên cứu tần suất trần thuật, khoảng cách và điểm nhìn, các kiểu diễn ngôn (discourse) mà một văn bản có thể sử dụng để tái hiện các lời nói và suy nghĩ của nhân vật, và phân tích các kiểu thời gian chính của truyện kể (sau, trước, đồng thời, xen kẽ) cũng như các phương thức kết hợp của chúng. Họ cũng đã khám phá các đặc điểm riêng biệt của tự sự ngôi thứ nhất, thứ hai và thứ ba; họ đã phân tách (một vài) kí hiệu liên quan đến người kể chuyện (ít nhiều công khai, hiểu biết, khả tín, và tự ý thức) và đối với người nghe chuyện (narratee), và họ đã vạch ra tình huống của những vai hành động trong tự sự (narrational actants) 2. Một lần nữa, một tự sự học nếu quan tâm đến các vấn đề hậu thuộc địa có thể bao gồm việc phải viết lại (recasting) các công cụ tự sự học mà những công cụ này cho thấy các phương pháp của tự sự (không) được sử dụng và do đó, nó có thể cung cấp một lăng kính khác biệt với những lăng kính trước đây từng được dùng để đánh giá những phương pháp này. Vậy nên, kế thừa kết quả của tự sự học nữ quyền với mối quan tâm đến các phạm trù như giới tính sinh học, giới tính xã hội và thiên hướng tình dục, tự sự học hậu thuộc địa có thể biến địa vị/trạng thái hậu thuộc địa của người kể chuyện (tân thực dân - neo-colonizer, bị thuộc địa trước đây - formerly colonized…) trở thành một biến số (variable) cũng quan trọng như những biến số khác: tính xâm phạm (intrusiveness), tính tự ý thức, hoặc tri thức. Tự sự học hậu thuộc địa có thể phân loại các văn bản tự sự theo mức độ của thể của những văn bản này về vị trí/trạng thái nói trên và mối gắn kết của nó đối với các biến tố khác. Nó thậm chí còn có thể tạo khoảng trống cho một vài biến tấu nhẹ (poco bending) (với kẻ thực dân người kể chuyện từ vị trí của kẻ bị thực dân hoặc ngược lại). Tương tự vậy, kế thừa những gợi ý và nghiên cứu của Fludernik và Gymnich, mối quan tâm đặc biệt có thể được đưa ra đối với bản chất ngôn ngữ của người kể chuyện để định rõ xem liệu ngôn ngữ đó (được giả định là) được viết, phát biểu, kí hiệu, hoặc được ngầm ẩn, hay liệu nó có tương tự với ngôn ngữ của người nghe chuyện và nhân vật hay không, hoặc liệu nó có phải là ngôn ngữ của kẻ thực dân, của kẻ bị thực dân hay không, 1 Thuật ngữ này còn được dịch là “sai thời” (ND). 2 “Trong Tự sự học của A. J. Greimas, “actant” (tạm dịch là vai hành động) là một trong sáu phạm trù cơ bản của vai hư cấu vốn thường thấy trong mọi câu chuyện. Vai hành động được bắt cặp với nhau theo sự đối lập nhị nguyên: Chủ thể/Khách thể, Người gửi/Người nhận, Người trợ giúp/Người chống đối. Mỗi một nhân vật đều là sự biểu hiện có tính cá nhân hóa của một hoặc nhiều hơn các vai hành động, nhưng một vai hành động có thể không phải là con người (ví dụ, một con rồng đóng vai trò như là Người chống đối) hoặc một vật thể vô tri vô giác (ví dụ, thanh gươm ma thuật đóng vai trò như là Người trợ giúp, hoặc Chén Thánh đóng vai trò như là Vật thể), hoặc có nhiều hơn một vai hành động trong một nhân vật” (Dịch từ mục từ “actant”, link: https://www.oxfordreference.com/view/10.1093/oi/authority.20110803095348288, ND).
  9. hay là một kết hợp của hai, hoặc không thứ gì hết trong số những thứ nêu trên. Ngoài ra, một nhà tự sự hoc hậu thuộc địa có thể tập trung vào việc liệu ngôn ngữ có nguồn gốc gì với người kể chuyện hay không; liệu nó có bao gồm chủ nghĩa địa phương (regionalisms), các bước ngoặt về phương ngữ (dialectal turns), những từ mới (neologisms), các hình thức phi chuẩn hoặc không chính xác; liệu, ở một mức độ nào đó, và trong các trường hợp nào, ngôn ngữ có bao gồm sự chuyển mã (code-switching), có sử dụng các từ hoặc cụm từ có nguồn gốc từ một mã ngôn ngữ khác; và liệu rằng những từ và cụm từ này có được dịch (gián tiếp) hoặc để nguyên/không được dịch hay không (xem thêm, ví dụ, Cuốn sách thứ ba [Third Book] hoặc Cuốn sách thứ tư [Fourth Book] của Francois Rabelais, Số phận của Wangrin [The Fortunes of Wangrin] Amadou Hampate Ba, Texaco [Texaco] và Thời đi học [School Days] của Patrick Chamoiseau, Karim [Karim] của Ousmane Soce, hoặc L’appel des arenes' của Aminata Sow Fall). Vấn đề về ngôn ngữ của người kể chuyện và về kiểu dàn xếp (mediation) (có tính áp đặt, hối lỗi, do dự) liên quan đến vấn đề hậu thuộc địa mà ngôn ngữ cấu thành và biểu đạt được gắn với vấn đề về các kiểu diễn ngôn vốn được làm cho nổi bật và với cách thức mà chúng đề cao hoặc hạ thấp lối dàn xếp đó. Một khả năng vốn đã bị tảng lờ và đồng thời cũng là khả năng mà một tự sự học hậu thuộc địa có thể tập trung vào và hoàn toàn tạo điều kiện đó là các diễn ngôn trực tiếp (mà theo đó, lời nói và suy nghĩ của nhân vật không có bất kì sự giới thiệu, dàn xếp, hoặc mớm lời (patronage) nào của người kể chuyện) nảy sinh từ một nhóm hoặc một tập thể thay vì một cá nhân đơn lẻ, từ một người kể chuyện là “chúng tôi” (we) (vốn ít/nhiều đồng nhất) thay vì một người kể chuyện xưng “Tôi” (I). Rõ ràng là, các kiểu tương tự của người kể chuyện số nhiều (pluralities) có thể đạt được trong các kiểu diễn ngôn khác. Ví dụ, trong một bộ phim, sẽ dễ dàng để phối ghép các lời nói của một giọng kể ở ngoài khuôn hình (voiceover) với những giọng nói của một vài nhân vật đang nói đồng thời. Như đã nêu trên, với những tính chất lai ghép và tính bất định, các mối căng thẳng, rạn nứt và thay đổi trong trạng thái, lối biểu hiện, và đặc điểm của các thực thể hậu thuộc địa và các bối cảnh của chúng, việc quan tâm, nghiên cứu mở rộng có thể được tiến hành đối với vấn đề tình huống kể chuyện (diegetic) 1 của người kể chuyện (và cho việc trần thuật nói chung). Bên cạnh các trường hợp về người kể chuyện bất tuân khuôn khổ một cách kì quặc (oddly disframed narrators), các ranh giới và các trạng thái ổn định về kể chuyện (diegetic) có tính xâm phạm ranh giới trần thuật (metaleptically), hoặc các trường hợp về các đại từ và ngôi kể kì quặc (odd), có thể còn có các trường hợp tự sự “phản ngôi” 1 Hai phương thức cơ bản của tự sự là mô phỏng và kể chuyện. “‘Mô phỏng” là “kể chậm” (slow telling), trong đó những gì được triển khai và nói ra đều được “dàn dựng” cho người đọc, tạo ra ảo tưởng rằng chính chúng ta đang “nhìn thấy” và đang “nghe thấy” những thứ đó. Ngược lại, “kể chuyện” (diegesis) có nghĩa là “kể” hoặc “thuật”. Các thành phần của một tự sự khi được trình bày theo cách này thì được kể “nhanh”/ “bao quát”/ “khái lược” hơn. Mục đích là để mang đến cho chúng ta các thông tin cốt yếu hoặc có tính liên kết hiệu quả nhất có thể, không cố gắng tạo ra ảo tưởng rằng những sự kiện [được kể] đang diễn ra trước mắt chúng ta – người kể chuyện chỉ nói việc gì diễn ra, không cố gắng trình hiện (show) như thể nó đang xảy ra” (Xem thêm “Narratology”, Barry, P. (2020). In Beginning theory (fourth edition). Manchester University Press) (ND).
  10. (counterpersonal) với việc sử dụng kĩ thuật phản mô phỏng (antimimetic) một giọng điệu tự sự bất định, phi nhất quán, hoặc hỗn tạp, khiến việc xác định ngôi kể của người đang kể chuyện trở nên khó khăn hơn. Hơn nữa, còn có thể có các trường hợp truyện kể vô ngôi (personless) mà ở những truyện kể này, đặc điểm về “ngôi” không tồn tại (absent) thay vì không thể quyết định hoặc xác định được. Ví dụ, một truyện kể được viết ở dạng hiện tại phân từ (hoặc một tự sự tránh việc hoàn toàn sử dụng các dạng thức động từ [verbal]) và không sử dụng các biểu hiện khác về ngôi kể) 1. Các tự sự không chứa động từ (verbless) có thể khiến một vài phạm trù ngoại trừ “ngôi” trở nên không liên quan. Ví dụ, hoàn toàn không thể định vị về thời gian của hành vi kể chuyện trong mối quan hệ với các sự kiện được kể, và cũng hoàn toàn bất khả để nói về, chẳng hạn, tự sự đồng thời (simultaneous) 2 và theo sau (posterior) 3. Mặc dù, phải thừa nhận là, các mô tả kiểu này rất hiếm có, và chúng hiếm khi tạo thành các văn bản có độ dài đáng kể, nhưng chúng phải được cân nhắc bởi một tự sự học (hậu thực dân) hướng đến tính phổ cập. Sau tất cả, một tự sự học như vậy sẽ coi mọi tự sự (thay vì chỉ là những tự sự hậu thuộc địa, đang tồn tại, được chứng thực) như là một phần của phạm vi của nó. Bên cạnh đó, sự liên quan về phương diện tự sự học của mọi đặc điểm không phụ thuộc vào tính không thể thiếu đối với hoặc thậm chí là tính quan trọng của chúng trong truyện kể mà, thay vào đó, phụ thuộc vào khả năng của chúng để được gắn kết với hoặc để đặt ra các vấn đề thú vị về tự sự (xem thêm Prince 1995). Đôi khi, bên cạnh những gì có thể xem là tiêu biểu hơn của các nghiên cứu hậu thuộc địa về những tính thời đoạn khác nhau, về những sai chệch của trí nhớ, về những khoảng trống của ham muốn và tiếc nuối, về những chuyển vị và phục vị của sự biến mất, khám phá và phục dựng, thì các đặc điểm như tự sự đồng thời và đến sau không hẳn là không liên quan mà chỉ đơn giản là chúng rất rắc rối và có vấn đề. Ví dụ, một số cách sử dụng nhất định của thì hiện tại, hoặc các kiểu biến đổi về thì và những phức hợp (multiplications) nhất định của những thay đổi mang tính trực chỉ khiến thật khó để phân biệt giữa “bây giờ” và “không phải bây giờ” hoặc dẫn đến các trung tâm trực chỉ không nhất quán (xem thêm Compact của (Maurice Roche), Voix của Linda Le, hoặc Nedjma của Kateb Yacine). Tương tự vậy, các vấn đề khác về thời gian trần thuật cũng được hậu thuộc địa khơi gợi. Ngoại trừ các tự sự mà ở đó trật tự thời gian tuyến tính được chấp thuận và ngược lại, ngoại trừ các tự sự có quá nhiều sai chệch về thời gian, đó có thể là các trường hợp về sự phi thời gian (mà các sự kiện bị tước đi toàn bộ những kết nối thời gian với các sự kiện khác), tính phản phi thời gian (antichronicity) (mà ở đó các sự kiện được định rõ ngày 1 Ở các tự sự phi ngôn ngữ [chẳng hạn, kịch câm và điện ảnh – ND), phạm trù ngôi hoàn toàn không áp dụng được/không có hiệu quả (điều gì sẽ tạo nên một bức tranh kể chuyện bằng ngôi thứ nhất vô lời, “vô nhân xưng”?). Do đó, chúng ta cần nhận thấy nét khác biệt giữa sự vắng mặt có thể có của một đặc điểm hoặc phạm trù và tính không thể áp dụng của nó. 2 simultaneous narration: diễn ra đồng thời với sự kiện và tình huống (ND). 3 posterior narration: diễn ra theo sau thời gian của các tình huống và sự kiện được kể. Tự sự theo sau là đặc trưng của tự sự kinh điển và truyền thống. (Theo Prince, G. (2003). A dictionary of narratology. University of Nebraska Press, tr.78) (ND).
  11. tháng theo các cách thất thường và mâu thuẫn), và tính đa phi thời gian (mà nhờ đó tự sự quan tâm và khai thác một hệ thống đa trị [multivalued] của trật tự thời gian, bao gồm, chẳng hạn, các giá trị hoặc khái niệm “được định vị một cách mơ hồ trong mối quan hệ với điểm tham chiếu tạm thời X”). Như Herman (2002: 213-14) từng nhấn mạnh, các hoàn cảnh và sự kiện có thể được sắp đặt theo thời gian một cách đầy đủ và rõ ràng; nhưng chúng cũng có thể được sắp đặt ngẫu nhiên (mọi trật tự thời gian khả hữu đều có thể xảy ra như nhau); chúng có thể được sắp đặt như một sự thay thế hoặc theo hướng đa bội (hai hoặc nhiều hơn các trật tự thời gian có xác suất xảy ra (ngang nhau); và chúng có thể được sắp đặt một phần (trong khi một vài sự kiện được đặt vào tình huống một cách rõ ràng và độc đáo liên quan đến các sự kiện khác trong tự sự, một vài sự kiện khác lại được mã hóa thiếu chính xác). Nhìn chung, mỗi một phạm trù ở cấp độ trần thuật nên được xem xét dưới ánh sáng của các mối quan hệ hậu thuộc địa và, nếu cần thiết, nên được sửa đổi để phù hợp với các cấu trúc và kết cấu (configuration) tự sự mà những mối quan hệ này có thể đòi hỏi hoặc đề xuất. Có lẽ phạm trù “điểm nhìn” có thể được dùng như một ví dụ sau cùng. Một tự sự học hậu thuộc địa sẽ trình bày chi tiết rõ ràng các kiểu điểm nhìn chuẩn mực (ví dụ, không bị giới hạn hoặc “toàn tri”, bên trong, bên ngoài). Ngoài ra, tự sự học hậu thuộc địa sẽ mô tả nhiều hơn các trường hợp kì lạ, chẳng hạn như điểm nhìn phức hợp (khi một chuỗi các yếu tố được tiếp nhận đồng thời) - và tương đồng hoặc khác biệt - bởi nhiều hơn một người mang tiêu điểm), điểm nhìn phi tập trung (khi không có người mang tiêu điểm cụ thể được xác định), điểm nhìn không thể xác quyết (khi không thể xác định được một trong hai hoặc nhiều hơn các thực cụ thể có chức năng như là người mang tiêu điểm), hoặc thậm chí có thể là điểm nhìn bị phân rẽ (split) (khi một người mang tiêu điểm nhưng lại tạo ra hai hoặc nhiều hơn các tái trình hiện khác nhau nhưng đầy đủ như nhau về các hiện hữu và sự kiện tương đồng). Tương lại của tự sự học phụ thuộc một phần vào quá khứ của nó và cuộc bàn luận này của tôi đã cho phép tôi đề cập đến một số lượng lớn các khái niệm tự sự học (đã được chính thức hóa) và những thành tựu mà các tự sự học tiềm năng chắc chắn sẽ cân nhắc đến. Cuộc bàn luận này còn cho phép tôi chỉ ra những gì mà tôi coi là phạm vi của chuyên ngành này. Có thể vẫn hữu ích để khẳng định lại rằng, mặc dù tự sự học (hậu thuộc địa) có thể đạt được lợi ích từ việc nghiên cứu (các bộ) văn bản cụ thể, nhưng nó lại không được gắn kết độc quyền với những văn bản này. Thay vào đó, nó quan tâm đến tất cả và chỉ những tự sự khả thể, bao gồm các tự sự phi lời (nonverbal), phi văn chương (nonliterary), phi hư cấu (nonfictional) và phi hiện hữu (nonextant). Cuối cùng, cuộc thảo luận này đã cho tôi cơ hội để khẳng định một vài đặc điểm và chức năng quan trọng của tự sự học. Với vai trò là một lý thuyết (hoặc khoa học, hoặc thi học) về tự sự, tự sự học (hậu thuộc địa) khác biệt với phê bình tự sự học (hậu thuộc địa). Trước tiên, tự sự học hậu thuộc địa mô tả và trình bày các phạm trù và đặc điểm có liên quan về tự sự để giải thích các cách thức mà nhờ đó các tự sự được kết cấu (configure) và tạo nghĩa. Thứ hai, nó sử dụng các phạm trù và đặc điểm này để xác định kết cấu (configuration) và ý nghĩa của các tự sự cụ thể. Dĩ nhiên,
  12. ngoại trừ việc hình thành một bộ công cụ để phê bình và bởi vì nó khám phá các tiềm năng của tự sự, tự sự học (hậu thuộc địa) không chỉ cho phép việc đánh giá (lại) nhiều văn bản; nó cũng có thể, có lẽ, vận hành như một phép tu từ (rhetoric) hoặc một chỉ dấu (indicate) cho đến các hình thức tự sự không được sử dụng. Số phận của tự sự học còn phụ thuộc vào thời tương lai nữa và rất nhiều nỗ lực mà các nhà tự sự học nên tiếp tục để theo đuổi hoặc thực hiện. Để kết luận những nhận xét của tôi, tôi sẽ đề cập đến một vài trong số những nỗ lực này. Nỗ lực đầu tiên vốn đã đủ rõ ràng và tôi cũng thường nhấn mạnh nó, bao gồm: với sự giúp đỡ của các công cụ mới, các bộ sưu tập được mở rộng, và những thay đổi mới mẻ (hãy để một ngàn tự sự học bung nở - let a thousand narratologies bloom!), việc xác định hoặc nghiên cứu các phương diện khác nhau của tự sự, (tái) định nghĩa chúng, kết cấu chúng, và loại trừ những rời rạc có thể có giữa chúng. Tôi đã chỉ ra một cách ngẫu nhiên một vài phạm trù bị bỏ qua về mặt tự sự học chẳng hạn như diễn ngôn trực tiếp được đa hóa (pluralized immediate discourse) và tôi có thể đã lưu ý về quan điểm xét lại của Marie-Laure Ryan về người kể chuyện (trong Ryan 2001) hoặc các nỗ lực khác nhằm phá bỏ các vấn đề lí thuyết, chẳng hạn như việc Dorrit Cohn phân tích lại tính bất khả tin (unreliability) khi thông tin sai lệch (misinformation) hoặc tình trạng mâu thuẫn (discordance) (Cohn 2000). Tôi cũng có thể đã đề cập đến công việc rất đang kể, tiếp tục được thực hiện về vấn đề điểm nhìn hoặc những đánh giá lại các hình tượng, ví dụ như, tác giả hàm ần (xem thêm, van Peer và Chatman 2001); và tôi có thể đã khơi gợi cho Manfred Jahn (1997) về vấn đề các khung [tự sự] và cho Francoise Revaz (1997) về vấn đề tính tự sự (narrativity). Hơn nữa, tôi có thể đã nhấn mạnh về khuynh hướng ngày càng gia tăng, trong phần lớn tự sự học gần đây), để phân biệt các đặc điểm hoặc các kết cấu tự sự liên quan đến các thể liên tục (continuums) thay vì các cặp đối lập nhị (hoặc tam nguyên) chặt chẽ và mối quan tâm ngày càng gia tăng cho sự kết hợp một “giọng của người nhận” trong các mô tả về chức năng tự sự. Thứ hai, không phải là không có liên quan, nhiệm vụ bao gồm trong việc tiến hành các nghiên cứu (về thực nghiệm, xuyên văn hóa, hoặc xuyên phương tiện) về vai trò và tầm quan trọng của các đặc điểm tự sự và những khẳng định về tự sự học (có vấn đề hoặc không cần phải tranh luận) và bao gồm việc đặt nền tảng cho tự sự học về mặt kinh nghiệm. Thực vậy, sự phát triển của một mô hình rõ ràng, hoàn hảo và thực tế về năng lực tự sự (khả năng để tạo ra các văn bản tự sự và để xử lí các văn bản như là các tự sự) cuối cùng cũng tạo thành nhiệm vụ tự sự học quan trọng nhất và nó là nhiệm vụ thứ ba và cũng là cuối cùng mà tôi sẽ đề cập. Sau rất nhiều những đề xuất đầy hào hứng (lúc ban đầu), niềm thôi thúc về mô hình dường như đã trở nên phai nhạt. Nhưng đối với tôi, có vẻ khá là rõ ràng rằng, việc xây dựng mô hình kiểu này sẽ thúc đẩy sự gắn kết của chuyên ngành này và tạo điều kiện cho nghiên cứu có tính hệ thống đối tượng của nó. Có lẽ, những đề xuất và bàn luận về các tự sự học được điều chỉnh một cách rõ ràng - chẳng hạn, một vài tự sự học hậu thuộc địa - sẽ cung cấp một sự thúc đẩy cho việc mô hình hóa tự sự học 1. 1 Cảm ơn những lời nhận xét sâu sắc của Lydie Moudileno cho bài viết này.
  13. Tài liệu tham khảo [1] Benveniste. E, (1974), Proble`mes de linguistique ge´ne´rale, II. Paris: Gallimard. [2] Caldwell, R. C., Jr. (1999). “Cre´olite´ and Postcoloniality in Raphael Confiant’s L’Allee des soupirs.” The French Review 73, 301-311. [3] Cohn, D. (2000). “Discordant Narration.’’ Style 34, 307-316. [4] Fludernik, M. (1996). Towards a “Natural” Narratology. London: Routledge. [5] Gymnich, M. (2002). “LinguisticsandNarratology: The Relevance of Linguistic Criteria to Postcolonial Narratology.’’ In M. Gymnich, A. Nunning, and V. Nunning (eds.), Literature and Linguistics: Approaches, Models, and Applications. Studies in Honour of Jon Erickson (pp. 61- 76). Trier: WVT Wissenschaftlicher Verlag Trier. [6] Herman, D. (ed.) (1999). Narratologies: New Perspectives on Narrative Analysis. Lincoln: university of Nebraska Press. [7] Herman, D. (2002). Story Logic: Problems and Possibilities of Narrative. Lincoln: university of Nebraska Press. [8] Ireland, K. (2001). The Sequential Dynamics of Narrative: Energies at the Margins of Fiction. London: Associated University Presses. [9] Jahn, M. (1997). ‘‘Frames, Preferences, and the Reading of Third-Person Narrative: Toward a Cognitive Narratology.’’ Poetics Today 18, 441-67. [10] Lanser, S. F. (1986). ‘‘Toward a Feminist Narratology.’’ Style 20, 341-63. [11] Maher, D. (2002). ‘‘Precious Time: Pushing the Limits of Narrative in the Seventeenth Century.’’ Narrative 10, 128-39. [12] Mathieu-Colas, M. (1986). ‘‘Frontieres de la Narratologie.’’ Poetique 17, 91-110. [13] Mezei, K. (ed.) (1995). Ambiguous Discourse: Feminist Narratology and British Women Writers. Chapel Hill: University of North Carolina Press. [14] Van Peer, W. and Chatman, S. (eds.) (2001). New Perspectives on Narrative Perspective. Albany: State University of New York Press. [15] Prince, G. (1995). ‘‘On Narratology: Criteria, Corpus, Context.’’ Narrative 3, 73-84. Punday, D. (2000). ‘‘A Corporeal Narratology?’’ Style 34, 227-42. [16] Revaz, F. (1997). Les textes d’action. Metz: University de Metz. [17] Richardson, B. (2000). ‘‘Narrative Poetics and Post-modern Transgression: Theorizing the Collapse ofTime, Voice, and Frame.’’ Narrative 8, 23-42. [18] Ryan, M.-L. (1992). ‘‘The Modes of Narrativity and their Visual Metaphors.’’ Style 26, 368- 87. [19] Ryan, M.-L. (2001). ‘‘The Narratorial Functions: Breaking Down a Theoretical Primitive.’’ Narrative 9, 146-52. Lê Quốc Hiếu dịch (Nguồn: Prince, G. (2005), “On a postcolonial narratology”, A companion to narrative theory, pp. 372-381).
nguon tai.lieu . vn