Xem mẫu

  1. JOURNAL OF SCIENCE OF HNUE DOI: 10.18173/2354-1067.2015-00038 Social Sci., 2015, Vol. 60, No. 5, pp. 85-91 This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn VỀ SỰ HÌNH THÀNH, PHÁT TRIỂN CỦA LOGIC HÌNH THỨC VÀ VAI TRÒ CỦA NÓ TRONG NHẬN THỨC KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN ĐỜI SỐNG Nguyễn Thị Thường Khoa Triết học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Tóm tắt. Logic học là khoa học nghiên cứu các hình thức và quy luật của tư duy. Nắm vững những tri thức logic học và ứng dụng chúng vào hoạt động nhận thức và thực tiễn là hết sức cần thiết. Bài viết tập trung nghiên cứu sự hình thành và phát triển của logic hình thức, làm tường minh đối tượng, nội dung và phương pháp nghiên cứu của nó. Từ đó làm nổi bật tầm vóc và ý nghĩa của logic hình thức như một công cụ hữu hiệu của mọi nhận thức khoa học. Đồng thời, bài viết cũng phân tích và làm sáng tỏ giá trị ứng dụng của logic hình thức trong đời sống xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực luật pháp và giáo dục. Từ khóa: Logic học, logic hình thức, logic hình thức truyền thống, tư duy. 1. Mở đầu Ở châu Âu, logic học là một khoa học lâu đời. Các xu hướng phát triển của logic học không chỉ tác động đến các ngành khoa học liên quan mà còn có ảnh hưởng và ứng dụng trực tiếp vào nhiều lĩnh vực của đời sống con người. Thực tế cho thấy, trong công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập môn Logic học, chúng ta có sự tụt hậu khá xa so với thế giới. Ở nhiều nước, logic hình thức truyền thống đã được giảng dạy ở bậc phổ thông. Sang bậc đại học, các sinh viên được học logic học hiện đại. Ở Nga, việc giảng dạy logic học rất được coi trọng và cũng có nhiều công trình nghiên cứu về logic học hiện đại, phi cổ điển [10]. Còn ở nước ta, mặc dù logic học được đưa vào giảng dạy ở các trường đại học từ những năm 1960 - 1970 nhưng trước thời kì đổi mới (1986), việc giảng dạy logic học chỉ được thực hiện ở một số ít khoa của một số trường. Hiện nay, logic học đã có mặt trong chương trình đào tạo của nhiều trường đại học và cao đẳng. Tuy vậy, việc giảng dạy logic học trong các trường đại học ở Việt Nam chủ yếu vẫn tập trung vào logic học đại cương - logic hình thức truyền thống. Việc nghiên cứu và giảng dạy logic học hiện đại ở Việt Nam mới ở những bước đi đầu tiên. Những cuốn giáo trình logic học đầu tiên được dịch từ các tác giả Xô viết điển hình như D.P. Gorki [5], A.F.Kuzơmin, E.A.Khômencô [8]... Phải tới giữa thập niên 90 của thế kỉ XX, mới xuất hiện lác đác một số ít công trình nghiên cứu về logic học của các tác giả Việt Nam như Hoàng Chúng [2], Bùi Thanh Quất [11]. Việc nghiên cứu về logic học chỉ thực sự khởi sắc từ sau năm 2000 trở đi với sự ra đời của các ấn phẩm và bài viết của các tác giả Nguyễn Đức Dân, Phan Đình Ngày nhận bài: 15/1/2015 Ngày nhận đăng: 20/4/2015 Liên hệ: Nguyễn Thị Thường, e-mail: nguyenthithuong08@gmail.com 85
  2. Nguyễn Thị Thường Diệu, Nguyễn Như Hải, Tô Duy Hợp, Nguyễn Anh Tuấn... [4, 6, 7, 13]. Một số vấn đề về lịch sử, đối tượng, nội dung nghiên cứu, sự phân ngành và quan hệ giữa các ngành logic cũng được đề cập tới trong một cuộc hội thảo chuyên ngành được tổ chức gần đây [9]. Để góp phần soi rọi tầm vóc và ý nghĩa của logic học, bài viết này đặt vấn đề nghiên cứu tìm hiểu sự hình thành, phát triển của logic hình thức và vai trò của nó trong nhận thức khoa học và thực tiễn. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Về sự hình thành và phát triển của logic hình thức Những tư tưởng bàn về tư duy logic xuất hiện từ rất sớm trong các nền văn minh cổ đại song với tư cách là một khoa học, logic học ra đời vào thế kỉ IV TCN ở Hi Lạp cổ đại. Arixtốt (384- 322 TCN) được coi là ông tổ của môn khoa học này bởi ông là người đầu tiên đã bao quát một cách toàn diện đối tượng, nội dung nghiên cứu của logic học. Tác phẩm Organon của Arixtốt là một công trình nền tảng về logic học. Vậy logic học là gì? Trong thời cổ đại, logic học được định nghĩa là khoa học về tư duy. Ở thời cận đại, Ph. Hêghen (1770-1831) cho rằng "logic học là tư duy tự phản tư về mình" (tự tư duy). Nhìn chung, tư duy được coi là đối tượng nghiên cứu của logic học. Điều đó mặc nhiên được thừa nhận rộng rãi. Song tư duy không phải là đối tượng độc chiếm của logic học. Các khoa học khác cũng bàn về tư duy. Sự khác biệt là ở mục đích, cách thức, phương pháp nghiên cứu, tiếp cận của mỗi khoa học. Mục đích của logic học là nhằm đảm bảo tính chân lí của các tư tưởng: tư duy như thế nào thì dẫn tới chân lí và tư duy như thế nào thì dẫn tới sai lầm. Đối tượng nghiên cứu của khoa học logic là những nội dung và hình thức của tư duy cùng với những quy luật chi phối sự vận động, phát triển nội dung và sự liên kết của các hình thức của tư duy nhằm đạt tới chân lí. Tùy theo giác độ tiếp cận khác nhau là "nội dung" hay "hình thức" của tư duy mà hình thành nên hai ngành logic khác nhau nhưng lại thống nhất và bổ sung cho nhau trong quá trinh đi tìm chân lí. Đó là logic hình thức và logic biện chứng. Trong phạm vi của bài viết này, chúng tôi chỉ mạn đàm về logic hình thức và cũng chủ yếu tập trung vào logic hình thức truyền thống. Logic hình thức là khoa học nghiên cứu các hình thức và quy luật chi phối sự liên kết các hình thức của tư duy nhằm đạt tới chân lí. Những hình thức mà nó khảo sát là khái niệm, phán đoán, suy luận... cùng với các quy luật đồng nhất, cấm mâu thuẫn, quy luật bài trung và quy luật lí do đầy đủ và rất nhiều các quy tắc khác nhau tương ứng với các hình thức của tư duy xác định. Những quy luật và quy tắc đó là điều kiện cần của bất kì một sự tư duy đúng đắn chân thực nào. Phải nói rằng, suốt hơn 2000 năm lịch sử của logic học, khách thể của logic học hình thức được xác định rất khác nhau nhưng bất luận thế nào vẫn có một địa hạt luôn được thừa nhận là đối tượng nghiên cứu của logic học hình thức, đó là lĩnh vực suy luận. Từ khi xuất hiện logic học hình thức thì việc xây dựng lí thuyết suy luận luôn là nhiệm vụ cơ bản của nó. Ở Hi Lạp cổ đại, logic học hình thức đã nảy sinh từ nhu cầu giải thích về sức mạnh to lớn của lời nói, về những phương tiện giúp cho lời nói có sức thuyết phục. Nói cách khác là tìm lời giải cho câu hỏi "do đâu ngôn từ có được sức mạnh cưỡng chế? Ngôn từ cần phải dùng những phương tiện gì để thuyết phục người nghe thừa nhận tính đúng đắn hay sai lầm của tư tưởng nào đó?" Sự phân tích vấn đề đó cho thấy rằng, việc công nhận tính chân thực hay sai lầm của một tư tưởng nào đó tùy thuộc trước hết vào sự liên hệ giữa các ngôn từ diễn đạt nó. Việc nghiên cứu những mối liên hệ mang tính quy luật giữa các tư tưởng trong quá trình suy luận đã làm nảy sinh ở Hi Lạp cổ đại Logic học Arixtốt - hệ thống logic học hình thức được đánh giá là tương đối hoàn 86
  3. Về sự hình thành, phát triển của Logic hình thức và vai trò của nó trong nhận thức khoa học... thiện đầu tiên trong lịch sử. Từ việc nghiên cứu các vấn đề của quy nạp, suy diễn logic biểu thị các mối liên hệ có tính quy luật giữa các phán đoán (mệnh đề), Arixtốt đã xây dựng lí thuyết tam đoạn luận. Việc khám phá ra tam đoạn luận cho phép Arixtốt phác họa những vấn đề mà ngày nay vẫn thuộc thẩm quyền giải quyết của logic học hình thức. Việc nghiên cứu các mối liên hệ mang tính quy luật giữa các khái niệm trong phán đoán và giữa các phán đoán trong suy luận cho phép khám phá ra các quy tắc và quy luật logic tương ứng. Logic học do Arixtốt sáng lập chứa đựng ba quy luật cơ bản: (1) Quy luật đồng nhất: Trong một khoảng không gian và thời gian xác định, sự vật nào cũng đồng nhất với chính bản thân nó, là chính nó trong sự cô lập và bất biến. Quy luật này nói rằng trong tư duy, mỗi tư tưởng phải có tính xác định và phải luôn luôn đồng nhất với chính nó (giữ nguyên những nội dung đã xác định đó). Trong quá trình lập luận không được thay đổi, đánh tráo sang nội dung khác. (2) Quy luật cấm mâu thuẫn: Nếu một sự vật đồng nhất với chính bản thân nó trong một khoảng thời gian và không gian xác định thì khi đánh giá sự vật đó chỉ có thể đúng hoặc sai chứ không thể vừa thế này vừa thế khác. Theo đó, hai phán đoán về một đối tượng trong một không gian, thời gian và mối quan hệ xác định mà mâu thuẫn nhau thì không thể đồng thời chân thực, có một phán đoán là giả dối. Do đó không được chấp nhận cả hai phán đoán đó trong lập luận. (3) Quy luật bài trung: Hai tư tưởng, phán đoán về một đối tượng trong một không gian, thời gian và mối quan hệ xác định mà phủ định nhau thì chúng không thể đồng thời cùng đúng hoặc cùng sai, nhất định có một phán đoán là chân thực và một phán đoán là giả. Chân lí không thể thuộc về phán đoán thứ ba. Nghĩa là khi có hai ý kiến mâu thuẫn nhau thì chỉ chấp nhận một trong hai ý kiến đó chứ không có ý kiến thứ ba. Như vậy, ngay ở Arixtốt, hệ vấn đề của logic học hình thức đã định hình khá rõ ràng. Những mối quan hệ giữa các phán đoán về điều kiện chân thực của chúng vốn cho phép chuyển giá trị chân thực từ một phán đoán này sang số khác mà không cần phải kiểm tra thực nghiệm đã là đối tượng nghiên cứu chính của khoa học này. Việc nghiên cứu các mối quan hệ đó cho phép xây dựng lí thuyết suy luận hình thức, là suy luận mà ở đó để nhận được kết luận xác thực hay xác suất, không nhất thiết phải thâm nhập vào nội dung các tiền đề mà chỉ cần tuân thủ các quy tắc đã biết do lí thuyết này xác lập. Suy luận là một công cụ hùng mạnh của tư duy trừu tượng. Các khoa học đều ra đời trên cơ sở suy luận và những vấn đề suy luận hình thức chính là đối tượng riêng hẳn của logic học hình thức, không chia sẻ được với bất kì khoa học nào, cho dù cả triết học và tâm lí học ở chừng mực nào đó cũng nghiên cứu các hình thức và quy luật của tư duy đúng đắn. Chính vì vậy, một số nhà nghiên cứu đã quan niệm logic học hình thức như là "khoa học về suy luận hình thức" [9;137]. Phương pháp chủ đạo của logic hình thức là phương pháp hình thức hóa. Đó là phương pháp sử dụng những công thức để diễn đạt phán đoán, suy luận và sử dụng mô hình để diễn đạt mặt ngoại diên và các quan hệ về mặt số lượng các đối tượng. Việc hình thức hóa bằng công thức, kí hiệu, mô hình sẽ giúp cho quá trình khảo sát tư duy được dễ dàng, tạo thuận lợi cho việc phát hiện những mối liên hệ về mặt hình thức cấu trúc của tư duy logic. Đương nhiên, ngoài phương pháp hình thức hóa, logic hình thức còn sử dụng một số phương pháp bổ trợ khác như phương pháp phân tích và tổng hợp, phương pháp trực quan, phương pháp trừu tượng hóa... Logic hình thức đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài. Logic học do Arixtốt sáng lập trong thời cổ đại chính là logic hình thức cổ điển với ba quy luật cơ bản là quy luật đồng nhất, quy luật cấm mâu thuẫn và quy luật bài trung. Ở thời đó, khoa học chưa phát triển nên logic của 87
  4. Nguyễn Thị Thường Arixtốt là logic diễn dịch. Đến thế kỉ XVI- XVII, nhà triết học, logic học người Anh là Ph. Bêcơn (1561- 1626) đã bổ sung và phát triển suy luận quy nạp và coi đó là phương pháp khái quát các kết quả thực nghiệm để phát minh ra các lí thuyết khoa học. Logic hình thức của Bêcơn được xem là logic quy nạp. Theo hướng này, logic được xem như logic ứng dụng và khác với lí luận logic học thuần túy. Nhiệm vụ của nó là thực hiện sự phân tích về mặt logic của tri thức lí luận. Nhà triết học và logic học người Pháp R. Đềcáctơ (1596-1650), nhà logic học J.S. Min (1806 - 1873) và một số các nhà nghiên cứu khác cùng chung quan niệm với Ph.Bêcơn. Theo họ, logic hình thức phải tạo ra phương pháp luận cho nghiên cứu khoa học. Mặc dù điều này vượt khỏi phạm vi nghiên cứu của logic hình thức song nó vẫn có thể được sử dụng để giải quyết nhiều vấn đề phương pháp luận tạo thành lĩnh vực giới hạn của logic nhận thức khoa học. Một xu hướng mới trong sự phát triển của logic hình thức được đánh dấu bằng các công trình của nhà triết học, logic học và toán học người Đức G.V. Lépnít (1646 - 1716). Ông đã bổ sung quy luật lí do đầy đủ vào hệ thống các quy luật cơ bản của logic hình thức, đồng thời đề xuất tư tưởng dùng ngôn ngữ kí hiệu toán học để hình thức hóa các cách thức lập luận logic. Đây thực sự là một tư tưởng đột phá, tạo cơ sở cho sự hình thành logic toán, logic kí hiệu. Có điều, Lépnít mới chỉ đề xuất tư tưởng xây dựng logic mới. Những kết quả đầu tiên chỉ thu được vào nửa đầu thế kỉ XIX, khi nhà logic học người Anh G.Bun (1815-1864) xây dựng môn đại số logic học. Từ thời điểm đó bắt đầu giai đoạn hình thành và phát triển của logic hình thức hiện đại với các công trình khoa học của Đơ Moócgan (1806-1871), G. Phrêghe (1848-1925), B.Rátxen (1872-1960) và H.Himbe (1896-1943). Với sự xuất hiện của các hệ thống logic toán này, logic học đã có bước phát triển vượt bậc song đó cũng vẫn là các hệ thống lưỡng trị (sử dụng hai giá trị chân lí) với tính quy định tất nhiên, được gọi là Logic toán cổ điển. Himbe đã nêu ra lí thuyết về phương pháp hình thức hóa với tư cách là phương pháp giải thích và nghiên cứu các quy luật logic trong toán học. Lí thuyết này có nội dung phong phú và là sự phát triển có tính quy luật của phương pháp đã được Arixtốt sử dụng khi nghiên cứu các quy luật logic diễn dịch. Theo đó, chúng ta có thể diễn đạt kết quả nghiên cứu, phân tích các liên từ logic bằng các quy luật logic. Chẳng hạn, có thể diễn đạt quy luật:" Nếu tất cả S là P thì một số S là P", nếu biểu thị liên từ "nếu...thì..." bằng kí hiệu,... biểu thức "tất cả S là P " là SaP, biểu thức "một số S là P" là SiP. Khi đó quy luật có thể trình bày dưới dạng kí hiêu (công thức): SaP... SiP. Nếu diễn đạt các quy tắc kết luận sao cho chúng trở thành các quy tắc dưới dạng kí hiệu (các công thức) thì có thể thu được tổ hợp kí hiệu mới nhờ cải biến liên tục các kí hiệu theo quy tắc biết trước. Hệ thống các công thức tạo thành phép toán hình thức hóa tiền đề. Trong lịch sử của khoa học Logic, logic học từ thời Lépnít trở về trước được gọi là logic hình thức truyền thống, còn logic thời kì về sau được gọi là logic hình thức hiện đại. Điểm khác biệt giữa chúng là ở chỗ logic hình thức truyền thống được viết theo ngôn ngữ tự nhiên (còn gọi là ngôn ngữ giao tiếp thông thường). Nó thừa nhận tính lưỡng trị chân lí (chân thực - giả tạo; đúng đắn và sai lầm) của các khái niệm, phán đoán và lập luận; còn logic hình thức hiện đại được trình bày bằng ngôn ngữ riêng (ngôn ngữ toán học, kí hiệu). Vào những năm 20 của thế kỉ XX, logic hình thức hiện đại lại có bước phát triển mới với sự xuất hiện của một loạt các hệ thống Logic đa trị. Đầu tiên là logic tam trị, sau đó là logic n trị, cuối cùng là logic vô hạn giá trị. Gọi là logic đa trị vì nó thừa nhận tính đa trị của chân lí: giữa hai thái cực (chân - giả; đúng - sai) là tập hợp vô số giá trị chân lí trung gian, cố định. Vấn đề là dưới tác động của toán học, tính lưỡng trị của logic hình thức cổ điển đã trở nên chật hẹp, cứng nhắc, không đủ khả năng để diễn đạt các chân lí tương đối (các giá trị gần đúng, hoặc gần sai). Chính vì 88
  5. Về sự hình thành, phát triển của Logic hình thức và vai trò của nó trong nhận thức khoa học... vậy, sự xuất hiện của logic đa trị hay còn gọi là logic phi cổ điển là một khuynh hướng mới làm phong phú thêm logic hình thức. Đóng góp vào sự phát triển của khuynh hướng hiện đại này phải kể tới các nhà logic học G. Lukasêvích (1878- 1956) với "logic tam trị", H. Râykhenbắc (1891 - 1953) với "logic tam trị xác suất", L. E Brauơ với "logic trực giác", A.A Marcốp với "logic kiến thiết"... Như vậy, có thể thấy rằng khuynh hướng hình thức hóa và toán học hóa các cách thức lập luận của tư duy đã mở ra một thời kì phát triển rất phong phú của logic hình thức và được ứng dụng rất rộng rãi trong sự phát triển của công nghệ hiện đại. 2.2. Vai trò của logic hình thức trong nhận thức khoa học và thực tiễn Trải qua hơn hai nghìn năm, từ thời Arixtốt đến nay logic hình thức đã là công cụ đắc lực góp phần hình thành và phát triển nhiều ngành khoa học khác nhau. Nó cũng là công cụ nhận thức, tư duy hợp lí trong mọi mặt của đời sống con người. Ngày nay, ở giai đoạn mà con người đang có tham vọng dùng máy móc để từng bước tự động hóa các hoạt động trí tuệ của chính mình, logic không chỉ là công cụ để nghiên cứu mà bản thân nó cũng trở thành đối tượng nghiên cứu. Từ đó, nhiều vấn đề mới nảy sinh mà việc nghiên cứu chúng chắc chắn sẽ đưa đến những hiểu biết phong phú hơn về hoạt động tư duy và nhận thức của con người. Logic hình thức là công cụ của tư duy trừu tượng, do đó, cũng là công cụ quan trọng của mọi nhận thức khoa học. Hệ thống các quy luật của logic hình thức được sử dụng suốt hơn hai nghìn năm đến nay vẫn giữ nguyên hiệu lực và khẳng định giá trị tự thân của nó. Nhờ việc tách khỏi nội dung cụ thể của tư duy, logic hình thức áp dụng rộng rãi các phương pháp hình thức vào nghiên cứu tư duy, xây dựng các lí thuyết suy luận, chứng minh logic... Tuy logic hình thức có giới hạn sử dụng của mình và không phải nó thích dụng trong mọi trường hợp song nó thực sự là một công cụ đắc lực của tư duy để phát triển khoa học. Nếu hạ thấp giá trị của logic hình thức, vi phạm các quy luật và quy tắc của nó, ta sẽ tự mình đánh mất đi một trong những chìa khóa để đi tới chân lí. Việc hiểu biết và áp dụng logic hình thức có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong khoa học và đời sống xã hội. Hình thức biểu hiện bên ngoài của tư duy là ngôn ngữ. Trong logic hình thức cổ điển thì đó là ngôn ngữ tự nhiên. Nếu ta dùng ngôn ngữ tự nhiên mà thiếu hiểu biết về logic hình thức thì sẽ dễ sa vào lập luận và nhận thức sai lầm. Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, ngôn ngữ toán học và logic toán đã hoàn toàn ngự trị, song chúng cũng có những hạn chế riêng, không có khả năng bao quát hết mọi lĩnh vực khoa học và đời sống xã hội. Ngôn ngữ tự nhiên của logic truyền thống do phản ánh trực tiếp thế giới khách quan nên có khả năng tác động trực tiếp đến thế giới quan, từ đó tác động đến nhân sinh quan và lối sống của con người. Bởi thế logic hình thức cổ điển với ngôn ngữ tự nhiên chiếm một vị trí rất quan trọng trong nhận thức khoa học và thực tiễn đời sống mà các ngôn ngữ đặc thù khác khó mà thay thế được. Mặt khác, để phổ biến các kết quả khoa học mới từ một lĩnh vực này sang một lĩnh vực khác hay vào đời sống xã hội, các nhà khoa học phải làm nhiệm vụ chuyển đổi các kết quả từ ngôn ngữ chuyên môn sang ngôn ngữ tự nhiên. Điều này không chỉ đòi hỏi họ phải hiểu biết sâu sắc chuyên môn của mình mà còn phải nắm vững các kiến thức của logic hình thức và vận dụng chúng một cách nhuần nhuyễn. Rèn luyện và phát triển tư duy logic là điều kiện cần thiết cho tất cả mọi người. Cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của mỗi người đều nằm trong phạm vi chi phối của logic hình thức. Áp dụng nó trong cuộc sống giao tiếp thường ngày có thể giúp ta soi sáng tư duy của mình, phát hiện ra những thiếu sót và hạn chế của lối tư duy tự phát; tạo thói quen suy nghĩ, lập luận chặt chẽ, có hệ thống, không mâu thuẫn, rõ ràng, mạch lạc và có cơ sở, góp phần nâng cao trình độ tư duy logic 89
  6. Nguyễn Thị Thường để có thể đạt tới những tri thức chính xác, khách quan và khoa học. Logic hình thức truyền thống trang bị công cụ nhận thức, đáp ứng những nhu cầu thiết thực của cuộc sống con người. Đặc trưng cơ bản của tư duy logic là tính chặt chẽ và tính chính xác. Tính chính xác phản ánh đúng đắn những đặc điểm bản chất của các đối tượng vào trong các dấu hiệu cơ bản của khái niệm, là sự xác định được giá trị của tư tưởng ở trong phán đoán, suy luận, bác bỏ, chứng minh. Tính chính xác của tư duy logic đòi hỏi phải có sự lập luận rõ ràng, ràng mạch, khúc chiết để hiểu đúng nội dung mà tư duy phản ánh. Trong hoạt động nhận thức và cải tạo thế giới, chỉ có tư duy logic, tư duy đạt tới trình độ khái niệm mới có thể đem lại hiệu quả. Tùy theo mỗi nghề nghiệp cụ thể mà logic học lại có giá trị đặc biệt. Trong thời kì hội nhập và xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay ta càng thấy rõ sự cần thiết của logic học đối với các nhà hoạt động trong lĩnh vực lập pháp và hành pháp. Trong lĩnh vực này, trình độ tư duy bằng khái niệm đối với các vấn đề liên quan đến pháp luật thể hiện trước hết ở yêu cầu phải nhận thức đúng bản chất của vấn đề cần khái quát, đưa ra những khái niệm chuẩn xác và đúng đắn cho việc điều chỉnh các quan hệ xã hội đang đặt ra và đòi hỏi được điều chỉnh bằng các quy định pháp luật. Thông thường, trong các điều luật, khi nêu một khái niệm, người ta thường trình bày nó dưới dạng một định nghĩa. Về mặt logic, một định nghĩa chỉ được coi là khoa học khi nó "tuân thủ các quy tắc cơ bản sau: định nghĩa phải cân đối; định nghĩa phải tường minh; định nghĩa không được vòng quanh; định nghĩa không được dùng mệnh đề phủ định" [7;54-57]. Sai lầm về mặt logic thường gặp nhất trong định nghĩa các khái niệm của lĩnh vực pháp luật chính là việc đưa ra các dấu hiệu không tường minh, thiếu xác định, dẫn đến việc thực hiện và áp dụng luật pháp thiếu chuẩn xác có thể dẫn tới nhiều hệ lụy xã hội. Chẳng hạn, trong khoản 1, Điều 15, bộ luật hình sự của nước ta về phòng vệ chính đáng quy định như sau:"Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà chống trả một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không là tội phạm" [1;22]. Trong điều luật trên, cụm từ "chống trả một cách cần thiết" là một cụm từ không tường minh. Trong thực tế thật khó xác định một cách chính xác, hành vi chống trả đến đâu và như thế nào thì được coi là "cần thiết" và khi nào thì "quá mức cần thiết". Khoản 2 của điều luật này quy định: "vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết... người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự" [1;22]. Quy định này khiến cho việc xác định có tội hay không có tội trong tình huống trên trở nên mơ hồ, dễ sai lầm trong khi áp dụng để xét xử. Có thể thấy rằng các văn bản pháp luật đều rất cần được đảm bảo tính chặt chẽ, chính xác, logic về mặt hình thức sao cho từ đó người ta có thể hiểu đúng và đầu đủ nội dung tư tưởng mà điều luật đó thể hiện. Logic hình thức truyền thống giúp các nhà lập pháp soạn thảo các văn bản pháp luật vừa có tính khái quát cao vừa đảm bảo tính đúng đắn, chính xác, rõ ràng cụ thể, dễ hiểu. Mặt khác, nó còn trang bị cách thức, phương pháp cho công tác điều tra, xét hỏi nhằm chống lại các loại tội phạm một cách hiệu quả. Trong hoạt động công tố, xét xử, nếu được trang bị tri thức logic học, các nhà tư pháp sẽ có tư duy duy logic chặt chẽ để đấu tranh, luận tội đúng đắn, có cơ sở chống lại những kẻ phạm pháp một cách hiệu quả. Trong lĩnh vực giáo dục, việc nghiên cứu logic hình thức sẽ hỗ trợ đắc lực cho hoạt động học tập và nghiên cứu khoa học, hình thành con đường tìm kiếm những tri thức khoa học mới, tạo ra cách thức sử dụng các khái niệm, thuật ngữ giúp diễn đạt nội dung tư tưởng rõ ràng; xây dựng phương pháp trình bày vấn đề khúc chiết, mạch lạc; tăng hiệu quả thuyết phục của thông tin truyền 90
  7. Về sự hình thành, phát triển của Logic hình thức và vai trò của nó trong nhận thức khoa học... đạt. Đối với giáo viên, logic học giúp họ có cơ sở lí luận và phương pháp hữu hiệu để phân tích chương trình của môn học mà mình giảng dạy; tìm ra mối liên hệ và quan hệ logic giữa các khái niệm, phạm trù, quy luật của môn học ấy. Từ đó, người dạy có thể sử dụng các thủ thuật, phương pháp sư phạm phù hợp nhằm hướng dẫn người học lĩnh hội tri thức tối ưu, nâng cao tư duy logic, hình thành kĩ năng tư duy và phương pháp luận chứng khoa học cho người học, đáp ứng kịp thời đòi hỏi bức thiết của sự nghiệp giáo dục, đào tạo con người mới của đất nước hiện nay. 3. Kết luận Như vậy, có thể khẳng định rằng, logic học hình thức có vai trò rất quan trọng trong đời sống của con người. Việc trang bị những tri thức về logic hình thức cùng với việc rèn luyện, trau dồi kỹ năng sử dụng nó cho mọi người là một đòi hỏi bức thiết, đáng được quan tâm hiện nay. Logic hình thức thực sự là một công cụ đắc lực cho hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người, khiến cho những ai muốn thành công trong cuộc sống và sự nghiệp của mình không thể không nghiên cứu và tìm hiểu nó. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] 2006. Bộ luật hình sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội. [2] Hoàng Chúng, 1996. Logic học phổ thông. Nxb Giáo dục. [3] Nguyễn Đức Dân, 2001. Logic và tiếng Việt. Nxb TP Hồ Chí Minh. [4] Phan Đình Diệu, 2006. Logic hình thức và nhận thức khoa học. Tạp chí Triết học, số 5/2006. [5] D.P.Goorki, 1974. Logic học. Nxb Giáo dục. [6] Tô Duy Hợp, Nguyễn Anh Tuấn, 2001. Giáo trình logic học. Nxb TP Hồ Chí Minh. [7] Nguyễn Như Hải, 2007. Giáo trình logic học đại cương. Nxb Giáo dục. [8] E.A. Khômencô, 1976. Logic học. Nxb Quân đội nhân dân. [9] Kỉ yếu hội thảo khoa học, 2012. Nghiên cứu và giảng dạy logic học ở Việt Nam hiện nay. Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội. [10] 1983. Những nghiên cứu về logic học phi cổ điển và các hệ hình thức. Nxb Tiến bộ, Mátxcơva (tiếng Nga). [11] Bùi Thanh Quất, Nguyễn Tuấn Chi, 1994. Giáo trình logic hình thức. Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. [12] Lê Thanh Thập, 2000. Logic hình thức. Nxb Chính trị Quốc gia. [13] Nguyễn Thúy Vân, Nguyễn Anh Tuấn, 2009. Giáo trình logic học đại cương. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội. ABSTRACT The formation and development of formal logic as well as its role in cognitive science and practical life Logic is the science of studying the forms and laws of thinking. Mastering the logic of knowledge and applying them to the cognitive activities and practices is essential. Article focuses on the formation and development of formal logic, as an explicit object, content and its research method. Since then, highlight the magnitude and significance of formal logic as an effective tool of all cognitive science. At the same time, the post will analyze and clarify the application of logic value in the form of social life, especially in the field of law and education. Keywords: Logic, formal logic, traditional formal logic, thinking. 91
nguon tai.lieu . vn