Xem mẫu

  1. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 28 – Tháng 07/2021 VĂN HÓA VẬT CHẤT QUA ĐỊA DANH CỦA VÙNG CÁI RĂNG THỜI PHÁP THUỘC Material culture through the place-names of Cai Rang region in French colonial period 1 Nguyễn Thuý Diễm 1 Giảng viên khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Tây Đô, Cần Thơ, Việt Nam nguyenthuydiem8@gmail.com Tóm tắt — Văn hóa qua địa danh là một trong những hướng tiếp cận mới nhằm khai thác những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của những tên gọi địa lý của địa phương. Trên cơ sở tiếp cận lý thuyết nghiên cứu ngôn ngữ văn hóa, lý thuyết vùng văn hóa với phương pháp điều tra điền dã, phỏng vấn, tác giả tìm hiểu những đặc điểm văn hóa vật chất biểu hiện qua địa danh của vùng Cái Răng thời Pháp thuộc. Cụ thể trên các lĩnh vực phương tiện đi lại, sản xuất nông nghiệp, sản xuất tiểu thủ công nghiệp và các xóm nghề truyền thống, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vật chất ẩn chứa qua địa danh tồn tại ở vùng Cái Răng từ năm đầu thế kỷ XX đến năm 1945. Abstract — Culture through place-names is one of the new approaches to exploit the physical and spiritual cultural values of the geographical names of the locality. On the basis of approaching cultural language research theory, cultural area theory with fieldwork investigation methods, interviews, the author research the cultural and material characteristics expressed through the place-names of Cai Rang area in French colonial period. Specifically in the fields of means of transport, agricultural production, handicraft production and traditional craft villages, contribute to preserving and promoting the cultural and material values hidden through the place that existed in Cai Rang area from the first year of the twentieth century to 1945. Từ khóa — Văn hóa vật chất, địa danh, Cái Răng thời Pháp thuộc, material culture, place-name. 1. Giới thiệu Vùng Cái Răng ngay từ đầu thế kỉ XX được đánh giá là một trong những vùng đất phì nhiêu, màu mỡ, đi đầu trong công cuộc khai phá, phát triển nhiều lĩnh vực và tạo nên nhiều điểm nhấn trong thời Pháp thuộc. Những địa danh xuất hiện và tồn tại ở vùng Cái Răng giai đoạn này đã ghi lại những đặc điểm, sự kiện, con người, biến cố xã hội,… xảy ra trong khoảng nửa thế kỷ dưới ách đô hộ thời kỳ Pháp thuộc. Đó là những “tấm bia lịch sử - văn hóa” lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc, đặc biệt là văn hóa vật chất, phản ánh những sản phẩm phục vụ cho nhu cầu vật chất của người dân nơi đây. Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa danh giai đoạn này đã dần bị mai một, đa phần là địa danh dân gian, tồn tại trong các tư liệu lịch sử và kí ức của những người lớn tuổi, giới trẻ ít khi biết đến. Nghiên cứu văn hóa vật chất qua địa danh vùng Cái Răng thời Pháp thuộc còn góp phần gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa tồn tại trong địa danh, hỗ trợ cho công tác giáo dục truyền thống, lịch sử cho thế hệ trẻ tại địa phương. 2. Nội dung 2.1. Khái quát về văn hóa vật chất Theo Hoàng Nam (2014), văn hóa được phân chia thành ba loại hình: Văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần và văn hóa xã hội. Trong đó văn hóa vật chất bao gồm các thành tố cơ bản là địa bàn cư trú (làng), nhà ở, trang phục, ẩm thực, phương tiện đi lại và phương tiện di chuyển của một dân tộc. Trần Ngọc Thêm (2013) cho rằng: 33
  2. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 28 – Tháng 07/2021 Văn hóa vật chất bao gồm toàn bộ những sản phẩm do hoạt động sản xuất vật chất của con người tạo ra đồ ăn, đồ mặc, nhà cửa, đồ dùng sinh hoạt hằng ngày, công cụ sản xuất, phương tiện đi lại trong đó hoạt động sản xuất vật chất thuộc dạng văn hóa vật chất (vì loại hoạt động này phải sử dụng nhiều năng lực cơ bắp, mồ hôi,...). Còn văn hóa tinh thần bao gồm toàn bộ những sản phẩm do hoạt động sản xuất tinh thần của con người tạo ra tư tưởng, tín ngưỡng - tôn giáo, nghệ thuật, lễ hội, phong tục, đạo đức, ngôn ngữ, văn chương. Vì giữa văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần khó có sự phân biệt thật minh bạch, rạch ròi nên tùy vào những mục đích khác nhau và có những tiêu chí khác nhau. Trong khuôn khổ nghiên cứu này, tác giả thống nhất với quan niệm của nhà nghiên cứu Trần Ngọc Thêm (2013), về khái niệm văn hóa vật chất và tập trung tìm hiểu đối tượng là các thành tố văn hóa vật chất thể hiện qua địa danh ở vùng Cái Răng thời Pháp thuộc. 2.2. Biểu hiện của văn hóa vật chất qua địa danh ở vùng Cái Răng thời Pháp thuộc Bằng phương pháp thống kê, phân loại và phương pháp lịch sử, điều tra điền dã, tác giả thu thập được khoảng 334 địa danh đã từng tồn tại thời Pháp thuộc trên địa bàn vùng Cái Răng. Bảng 1. Phân loại địa danh STT Loại địa danh Số lượng Tỉ lệ 1 Địa danh chỉ địa hình 172 51% 2 Địa danh hành chính 17 5% 3 Địa danh chỉ công trình xây dựng 94 28% 4 Địa danh vùng 51 16% Tổng 334 100% Nguồn: Tác giả tổng hợp. 2.2.1. Về phương tiện đi lại: Ghe xuồng không chỉ là phương tiện đi lại cần thiết mà còn là cộng cụ đắc lực trong sản xuất lúa gạo, làm rẫy, làm vườn. Đây là loại phương tiện di chuyển tiêu biểu, đặc trưng cho xứ Cái Răng nhiều sông rạch. Nghề đóng ghe xuồng phát triển khá mạnh, quy tụ thành những xóm nghề làm ăn phát đạt như xóm Ghe ở rạch Cái Sơn, các trại ghe ở Phong Điền – Vàm Xáng – Cái Sơn nổi tiếng khắp miền Tây nhờ loại ghe tam bản. Không chỉ vậy, người dân còn đóng được cả xuồng ba lá, ghe chài, ghe lườn, ghe cà dom chở được cả ngàn giạ lúa. Phong Điền nổi tiếng với trại ghe của ông thợ Ky với kĩ thuật đóng ghe hầu (loại ghe sang trọng dành cho các ông chủ, ông cả, ông cai và các ông điền chủ). Các xóm Ghe ăn nên làm ra nhờ kỹ thuật tinh xảo, được nhiều khách hàng khắp cả miền Tây ưa chuộng, tạo tiếng vang cho nghề đóng ghe xuồng tại Phong Điền nói riêng, Cái Răng nói chung. Theo ghi chép của tác giả, các thợ mộc địa phương kể lại ngày xưa những người đóng ghe xuồng chủ yếu làm bằng thủ công, dần dần về sau mới được trang bị nhiều loại công cụ mới, hỗ trợ sức lao động và giúp tăng năng suất (có khi một ngày đóng xong một chiếc). Quá trình làm ra một sản phẩm ghe xuồng bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như: Nhu cầu thị trường, nguồn vật liệu gỗ, tay nghề và giá cả. Tuy nhiên, xóm nghề hiện nay phải đối mặt với thời kỳ suy thoái do đường bộ được đầu tư mạnh, đường giao thông nông thôn được hoàn thiện đến tận xóm ấp, người dân thường sử dụng xe gắn máy để đi lại và vận chuyển hàng hóa nên thị trường tiêu thụ xuồng ghe thu hẹp nhanh chóng. Hơn nữa, mực nước trong mùa nước nổi những năm gần đây thường không ổn định, ảnh hưởng đến sức mua ghe xuồng để đánh bắt thủy sản. Cùng với đó, những địa danh gắn với xóm nghề đóng ghe xuồng ở Phong Điền – Cái Răng cũng chỉ còn tồn tại trong kí ức của người lớn tuổi ở địa phương. 34
  3. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 28 – Tháng 07/2021 Khi Pháp lập hạt Cần Thơ, rồi tỉnh Cần Thơ thì tiến trình đô thị hóa bắt đầu diễn ra mạnh mẽ. Làng Tân An trở thành nội ô, thúc đẩy nhu cầu đi lại, giao thương, giao dịch hành chính, làm việc, học hành,… Bến tàu Lục Tỉnh, cầu tàu Lục Tỉnh tại bến Thương Mại là minh chứng sống động nhất. Khi các tuyến giao thông đường thủy dân dụng từ Cần Thơ đến các khu vực lân cận (Cái Vồn, Trà Ôn, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá, Cà Mau,…) và ngược lại bắt đầu nhộn nhịp, Pháp đầu tư xây dựng thêm nhiều cầu tàu dọc đường Mé Sông (khu vực đường Hai Bà Trưng – Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay), điển hình là bến tàu Lục Tỉnh. Gọi là bến tàu Lục Tỉnh vì nơi đây hàng ngày có rất nhiều tàu chở khách từ Cần Thơ đi các tỉnh và ngược lại. Tại bến tàu này có xây dựng một cây cầu tàu hình chữ T nhô ra ngoài sông Cần Thơ cho tàu lên xuống hành khách, hàng hóa. Do địa hình phía bờ đất không được bằng phẳng nên nhìn cây cầu tàu này có vẻ lệch xéo ra sông nên người ta gọi là cầu Xéo. Bà con cất nhà xung quanh đó dần hình thành nên xóm Cầu Xéo ngày càng đông đúc. Tên gọi ngã ba Cầu Xéo đến nay vẫn còn được nhắc tới. Để phục vụ cho hàng trăm chiếc tàu tới lui mỗi ngày, nhiều nơi cung cấp củi và xăng dầu trải dài theo tuyến bờ sông. Nằm dọc theo bờ sông Cần Thơ có một hãng củi lớn, tại đây có bắc cây cầu ra ngoài để ghe tàu cập bến cung ứng củi cho các tàu chạy bằng than (nồi sốt de) nên dân gian gọi là cầu Củi. Dân cư tụ họp quanh đây hình thành nên xóm Cầu Củi. Ngoài ra, dịch vụ cung ứng xăng dầu cũng ra đời. Theo đường Mé Sông, sâu vô tận khu vực đối diện chợ Cái Răng, còn có một cầu tàu của công ty Đường Sông chuyên cung ứng xăng, dầu cho các tàu của Hải quân, hay tàu của các cơ quan hành chính của Pháp trú đóng tại Cần Thơ, còn gọi là cầu tàu Hoa Kiều. (Nhâm Hùng, 2017). Nhìn chung, những địa danh như bến tàu Lục Tỉnh, bến tàu Nam Vang, cầu tàu Lục Tỉnh, cầu Xéo, cầu Củi, cầu tàu Hoa Kiều và hình ảnh những chiếc tàu thủy đã làm nổi bật hình ảnh đô thị Cái Răng (Cần Thơ) buổi đầu với nếp sinh hoạt giao thông hiện đại, trước giờ chưa từng thấy, biểu trưng cho sự trù phú của các đô thị sông nước đồng bằng, trong đó làng Tân An là tiêu biểu nhất. Ngay từ khi các trục đường lớn được mở ra thì xe ngựa chính là dịch vụ chở khách bộ hành ra đời đầu tiên. Hoạt động của các xe ngựa, các chủ xe ngựa, các xóm nuôi ngựa thịnh hành nhất vào nửa đầu thế kỉ XX, đánh dấu một chặng đường trong đời sống xã hội và hoạt động đi lại của bà con vùng Cái Răng nói riêng và Cần Thơ nói chung. Tên gọi dân gian được nhiều người cao tuổi vẫn còn nhớ là bến Ngựa Đái, bến xe Kiếng (nay là ngã ba Phan Đình Phùng – Tân Trào). Gọi là bến xe Kiếng vì vách hông hai bên xe được lồng kiếng, vừa sáng lại vừa che mưa chắn gió. Mặt khác, người dân không quen dùng từ “xe thổ mộ” bởi cái mui khum khum như “gò mã” theo cách nói của người Sài Gòn, Đồng Nai, Tây Ninh, Biên Hòa hay nơi khác nên gọi là xe kiếng cho nhẹ nhàng và sang trọng. Ngoài xe ngựa, xe kéo, xe đạp, xe lôi thì xe đò (xe khách) dù là dịch vụ ra đời muộn hơn (xuất hiện vào cuối thập niên 20 và phổ biến vào khoảng thập niên 30 – 40 của thế kỉ XX) nhưng lại thu hút nhiều hành khách và nhiều nhà đầu tư. Năm 1924, tại Cần Thơ, có đến 14 tuyến xe đò từ Cần Thơ đi các tỉnh. Địa danh cầu Sáu Thanh là minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của loại hình xe đò ở vùng Cái Răng xưa ở thập niên giữa thế kỉ XX. Gọi là cầu Sáu Thanh vì cây cầu này cạnh biệt thự của Sáu Thanh, ông vua xe đò Vạn Lợi miền Tây. Nhân vật này được biết đến như một ông trùm xe đò lúc bấy giờ. Có thể nói, những địa danh tiêu biểu kể trên góp phần minh chứng cho diện mạo đô thị Cần Thơ nói chung, vùng Cái Răng thời Pháp thuộc nói riêng. Trong khoảng hơn nửa thế kỷ hình thành đô thị mới, người dân vùng Cái Răng đã chứng kiến những thành tựu vượt bậc của “văn minh tàu bè, xe cộ”, phương tiện đi lại mang đến nhiều tiện ích trong giao thông đường thủy lẫn đường bộ, góp phần nâng cao đời sống vật chất của con người Cái Răng - Tây Đô đầu thế kỉ XX. 35
  4. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 28 – Tháng 07/2021 2.2.2. Về sản xuất nông nghiệp: Lúa gạo là đặc sản nổi tiếng nhất, gắn bó nhất với con người Cần Thơ. Từ thời mở đất, các cánh đồng ở Cái Răng được xem là một trong những vựa lúa của Cần Thơ. Nhiều địa danh gắn với tập quán trồng lúa nước ở Cần Thơ như xẻo Lúa, rạch Xẻo Lúa, rạch Ruộng,… Câu ca dao xưa từng ghi nhận đây là một vùng phong phú về sản lượng lúa gạo: “Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền Anh có thương em thì cho bạc cho tiền Đừng cho lúa gạo xóm giềng cười chê”. Thêm nữa, nhiều kênh xáng được khởi đào như kênh Xáng Xà No khai thác hàng ngàn mẫu đất hoang đưa vào canh tác lúa, sản lượng lúa gạo tăng lên đáng kể, đứng đầu cả vùng Nam Kỳ: “Chỉ hơn 5 năm sau ngày kênh Xáng Xà No đào xong, mức sản xuất lúa của Cần Thơ lên đến 116.000 tấn mỗi năm, đứng nhứt Nam Kỳ” (Sơn Nam, 2018). Vùng Cái Răng đào thêm kênh Trà Ết (Trà Ếch) năm 1902, vét kênh Vàm Bi (1909 – 1910), kênh Thạnh Đông, kênh Chệt Thợ,… Các kênh đào ngoài việc khai thác được đất bỏ hoang, thoát nước ngập úng còn tận dụng được nước ngọt để tưới tiêu, vận chuyển lúa gạo sau thu hoạch, mở rộng giao thông đường thủy và phục vụ phát triển nông thôn mạnh mẽ. Ngoài sản xuất lúa gạo, canh tác trên đất rẫy cũng là một phương thức sản xuất nông nghiệp khá phổ biến ở Cái Răng thời Pháp thuộc. Ở miệt Phong Điền nổi tiếng có rạch Rẫy, tập trung bà con trồng rẫy trên những khoảng đất được đào từ mặt ruộng cặp bờ rạch. Các xóm Rẫy do người Hoa canh tác quanh năm ở vùng Cái Sơn – Hàng Bàng cung cấp một lượng lớn hoa màu ngắn ngày như mía, đậu, khóm, bầu, bí, rau,… tại các chợ đầu mối quanh vùng. Miệt vườn Phong Điền – Cái Răng nằm ở hai bên bờ sông Cần Thơ đoạn từ Cái Răng đến Ba Se. Đây là vùng đất màu mỡ với hệ thống kênh rạch chằng chịt tạo thành hệ thống dẫn nước và giao thông đường thủy dài hàng trăm cây số len lỏi tận các xóm ấp, khu vườn, xóm rẫy, nổi tiếng là xứ trái cây, đặc biệt là cam, quýt. Nhiều địa danh mang tên các con mương hình thành trong quá trình lên liếp, lập vườn xuất hiện rạch Mương Đình, rạch Mương Bố, rạch Mương Điều, rạch Mương Khai, rạch Mương Củi, cầu Mương Khai, cầu Mương Cao (Cau),… Tên của các loại trái cây phổ biến cũng xuất hiện nhiều trong địa danh như rạch Mương Điều, giồng Ổi, rạch Cái Chanh, chợ Cái Chanh, rạch Cam, rạch Chuối, rạch Điều,… Như vậy, miệt vườn Phong Điền – Cái Răng có thể nói là nổi tiếng thời đó, hình thành từ triều Nguyễn, khi người Pháp đến nơi đây đã mở mang trên phạm vi rộng lớn mà cái nôi nằm dọc theo tuyến Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền. 2.2.3. Về sản xuất tiểu thủ công nghiệp và các xóm nghề truyền thống: Về sản xuất tiểu thủ công nghiệp vùng Cái Răng xưa nổi tiếng với các lò gạch, lò rèn với các sản phẩm đươc người dân gần xa ưa chuộng. Cần Thơ đầu thế kỉ XX bước vào giai đoạn đô thị hóa. Nhiều công trình kiến trúc, nhà ở dân dụng mọc lên nhanh chóng. Vùng Cái Răng thời Pháp thuộc phát triển chủ yếu là các lò gạch cung cấp gạch, ngói phục vụ nhu cầu cho địa phương, điển hình là xóm Lò Gạch ở Phong Điền, xóm Lò Gạch ở Cái Răng. Riêng vùng Cái Răng có gần 7 lò gạch mà vẫn không đủ gạch ngói cho thị trường. Đặc biệt, vùng đất cặp bờ sông Hậu là đất sét nên tạo điều kiện thuận lợi cho nghề tiểu thủ công nghiệp này phát triển, nhất là dãy đất gần rạch Cái Đôi, Cái Sâu, Xóm Chài dài đến Cái Đôi, Phú Hữu là nổi tiếng nhất: “Thời ấy, gạch Cái Sâu, gạch Phú Hữu nổi tiếng khắp Nam Kỳ. Ngoài ra còn có các lò gạch Sanh Xương, Nhơn Xương, Nguyên Xương, Đức Hòa Hưng cũng được ưa chuộng” (Nhâm Hùng, 2007). 36
  5. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 28 – Tháng 07/2021 Ngoài ra, nhiều lò rèn cũng mọc lên từ rất sớm và làm ăn khá phát đạt để đáp ứng nhu cầu của bà con quanh vùng, chủ yếu là công cụ lao động như lưỡi cày, lưỡi, lưỡi liềm, phảng, cù nèo,... Hoặc những vật dụng cần thiết trong nhà như dao, búa, kéo. Giải thích về địa danh cầu Lò Rèn, rạch Lò Rèn ở Phong Điền, Trần Văn Nam và cộng sự (2019) là tác giả của “Truyện dân gian Cần Thơ” cho rằng: Vùng Giai Xuân trước đây có gia đình ông Nguyễn Văn Lâm và gia đình bà Tổng từ miền Trung đi thuyền độc mộc đến khai hoang lập nghiệp trước tiên. Do biết nghề từ lúc ở quê, ông Lâm có thể tự mình rèn dao, mác, phảng,… để có công cụ sinh hoạt và sản xuất. Cuối đời ông Lâm, ông có dựng lên một lò rèn và truyền nghề lại cho con cháu để phục vụ cho nhu cầu của bà con trong vùng. Từ đó con rạch nơi ông mở lò rèn đã thành tên luôn như ngày hôm nay. Về các xóm nghề ở Cái Răng thời Pháp thuộc còn xuất hiện 22 “xóm nghề” sản xuất dụng cụ sinh hoạt hoặc thực phẩm truyền thống, thường tập trung ở ngoại vi phố chợ. Mỗi xóm thường tập trung những hộ gia đình làm chung ngành nghề. Sản xuất dụng cụ sinh hoạt có xóm Ghe (chuyên đóng ghe xuồng), xóm Thúng (chuyên đan thúng, rỗ, cần xé), xóm Chiếu (chuyên dệt chiếu),... Xóm Chiếu ở Cái Răng là xóm nghề được hình thành khá lâu, đến nay vẫn còn tồn tại. Từ đầu thời Pháp thuộc, chiếu Cái Răng (hay chiếu Thường Thạnh) nổi tiếng gần xa vì bắt mắt, độ bền cao. Ngày nay, theo ghi nhận của tác giả, trong quá trình hội nhập và phát triển, những chiếc máy dệt đã được đưa vào sản xuất, giải phóng sức lao động, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Tuy nhiên, theo bà con, việc thay thế những khung dệt truyền thống phần nào làm giảm đi nét đẹp của làng nghề. Xóm Thúng ra đời từ thập niên 40 của thế kỷ XX bắt đầu từ ba chiếc ghe bầu từ miền ngoài vô cứ vào tháng 8, tháng 10 hàng năm. Tại Cái Răng, họ trụ lại mua tre trúc, mướn thêm nhân công rồi tổ chức đương thúng, nia, sàn, rổ rồi mang ra chợ Cái Răng bán. Dần dần thấy làm ăn được, học định cư luôn tại đây hình thành nên Xóm Thúng (Nhâm Hùng, 2007). Trước khi công nghiệp xay xát phát triển, tại vàm Rạch Vông dài đến kênh Cai Cẩm đã hình thành một khu xóm Bảy Hộ chuyên nghề đóng cối xay lúa. Về sản xuất thực phẩm, vùng Cái Răng giai đoạn này có xóm Lò Tương (chuyên ủ tương hột, nước tương), xóm Lò Bánh, xóm Lò Nem, xóm Bánh Tráng, xóm Giá (chuyên sản xuất giá sống), xóm Lò Bún,… Sản phẩm được bán ra khắp nơi, chủ yếu là cung cấp cho chợ Cái Răng, chợ Cần Thơ, đến cả chợ Cái Tắc, Rạch Ròi. Hầu hết chủ nhân của các “lò” chế biến thực phẩm là bà con người Hoa lập nên. Vùng Cái Răng thời Pháp thuộc nổi tiếng với các lò tương lớn như lò Hứa Hưng Long bên Xóm Chài cung cấp cho chợ Cần Thơ, lò tương Nam Hưng Lợi ở gần chợ Cái Răng. Ngoài ra, có 4 xóm nghề cùng làm nghề hạ bạc, tức nghề chài lưới, giăng câu, đóng đáy là xóm Câu, xóm Chài, xóm Lưới, xóm Đáy. Các xóm nghề này tập trung chủ yếu ở vùng Cái Răng, Phong Điền. Tuy nhiên, do sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, những xóm nghề nêu trên đa phần đã mai một do không còn người sử dụng sản phẩm của họ hoặc thế hệ con cháu không theo nghề nữa. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự mất dần của các địa danh mang tên xóm nghề hoặc trở thành địa danh dân gian. 3. Kết luận Nghiên cứu văn hóa qua địa danh nhằm giải mã những thành tố văn hóa ẩn chứa trong các địa danh ở địa phương. Tìm hiểu văn hóa vật chất qua địa danh vùng Cái Răng thời Pháp thuộc không nằm ngoài mục đích tìm hiểu đời sống của người dân Cái Răng qua các địa danh 37
  6. TẠP CHÍ KINH TẾ - CÔNG NGHIỆP Số 28 – Tháng 07/2021 chỉ phương tiện đi lại, sản xuất nông nghiệp, sản xuất tiểu thủ công nghiệp và các xóm nghề truyền thống trong giai đoạn hơn 50 năm đầu thế kỉ XX. Hiện nay, công tác bảo tồn những địa danh chứa các thành tố văn hóa vật chất ở vùng Cái Răng thời Pháp thuộc đang gặp rất nhiều khó khăn do trải qua thời gian dài, nhiều thực thể văn hóa không còn tồn tại, ý thức tìm hiểu lịch sử địa phương của giới trẻ còn khá kém,… Theo tác giả, có thể dùng những địa danh này để đặt tên cho những công trình xây dựng (cầu, đường, công viên, chợ,…) mới hình thành trên địa bàn, hoặc thay thế cho những địa danh hành chính (khu vực, phường,…) hiện đang sử dụng địa danh bằng số. Bên cạnh đó, có thể lồng ghép và tái hiện các hoạt động của xóm nghề trong ngày hội văn hóa chợ nổi Cái Răng hàng năm, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu,… Nhằm lưu giữ những giá trị văn hóa mà những địa danh ở vùng Cái Răng giai đọan này mang lại, đặc biệt hướng tới ý thức tìm hiểu văn hóa, lịch sử của thế hệ trẻ tại địa phương. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Hoàng Nam (2014). Nhân học văn hóa Việt Nam: Tiền đề và phương pháp tiếp cận. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội. [2] Nguyễn Liên Phong và Nguyễn Q. Thắng (2012). Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca. NXB Văn học, Hà Nội. [3] Nguyễn Thuý Diễm (2018). Tìm hiểu các thành tố văn hóa thời Pháp thuộc qua địa danh thành phố Cần Thơ. Hội thảo khoa học Văn hóa và văn học Nam Bộ trong thời kỳ hội nhập. NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội. [4] Nhâm Hùng (2007). Cái Răng hình thành và phát triển. NXB Trẻ, TPHCM. [5] Nhâm Hùng (2017). Cần Thơ phố cũ nét xưa. NXB Trẻ, TPHCM. [6] Sơn Nam (2018). Đồng bằng Sông Cửu Long - Nét sinh hoạt xưa và văn minh miệt vườn. NXB Trẻ, TPHCM. [7] Trần Ngọc Thêm (2013). Những vấn đề văn hoá học lý luận và ứng dụng. NXB Văn hoá - Văn nghệ TPHCM. [8] Trần Văn Nam - chủ biên (2019). Truyện dân gian Cần Thơ. NXB Đại học Cần Thơ, thành phố Cần Thơ. Ngày nhận: 22/03/2021 Ngày duyệt đăng: 24/06/2021 38
nguon tai.lieu . vn