Xem mẫu

  1. HNUE JOURNAL OF SCIENCE DOI: 10.18173/2354-1075.2022-0012 Educational Sciences, 2022, Volume 67, Issue 1, pp. 120-129 This paper is available online at http://stdb.hnue.edu.vn VẬN DỤNG PHƯƠNG PHÁP ĐÓNG VAI TRONG DẠY HỌC MÔN GIÁO DỤC CÔNG DÂN LỚP 12 THEO ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC Ngô Thị Tân Hương và Dương Thị Hương* * Khoa Khoa học Cơ bản, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Đại học Thái Nguyên Tóm tắt. Bài viết là kết quả nghiên cứu có hệ thống của nhóm tác giả về một số vấn đề lí luận sử dụng phương pháp đóng vai trong dạy học phát triển năng lực người học và xây dựng quy trình vận dụng phương pháp đóng vai trong dạy học môn Giáo dục công dân lớp 12. Kết quả nghiên cứu của bài viết cho thấy phương pháp đóng vai là phương pháp dạy học tích cực giúp học sinh học tập lĩnh hội các tri thức một cách tự giác, phát huy vai trò trung tâm, tính tích cực, chủ động và sáng tạo của học sinh, hình thành và phát triển năng lực cá nhân cũng như năng lực xã hội ở người học. Từ khóa: Phương pháp dạy học môn Giáo dục công dân lớp 12, Giáo dục công dân lớp 12; Phương pháp đóng vai; Vận dụng phương pháp đóng vai; Dạy học phát triển năng lực người học. 1. Mở đầu Các nghiên cứu ở nước ngoài như: The influence of experience and deliberate practice on the development of superior expert performance [1]; Unterrichts Methoden [2], Experiential learning: experience as the source of learning and development [3] đã khẳng định phương pháp học qua trải nghiệm giúp người học chủ động trong tiếp nhận tri thức mới, đồng thời giúp phát triển năng lực ở người học hiệu quả cao. Trong bài viết: The Kolb Model Modified for Classroom Activities [4] đã khẳng định, đóng vai là một trong những hoạt động trải nghiệm trong lớp học, bằng hoạt động đóng vai, trải nghiệm trong các tình huống của bài học, học sinh (HS) tự giác nhận thức được kiến thức mới, đồng thời hình thành và phát triển năng lực cá nhân, năng lực xã hội qua đó định hướng được hành vi và giá trị sống. Trong tác phẩm Hướng dẫn thực hành, dạy học ngày nay [5] đã khẳng định: đóng vai có tác dụng trong việc phát triển kĩ năng giao tiếp cho HS, tạo cơ hội thực tập kĩ năng trong môi trường được đảm bảo. Ở Việt Nam, các công trình Lí luận dạy học bộ môn Giáo dục công dân ở trường trung học phổ thông [6] Dạy học và phương pháp dạy học trong nhà trường [7]; Phương pháp dạy học môn Giáo dục công dân ở trường trung học phổ thông [8]; Dạy và học môn Giáo dục công dân ở trường trung học phổ thông - Những vấn đề lí luận và thực tiễn [9]… đã tập trung nghiên cứu làm rõ các vấn đề lí luận về phương pháp đóng vai và khẳng định: phương pháp đóng vai tạo được hứng thú cho HS, phát triển năng lực sáng tạo, cũng như phát triển kĩ năng cho người học. Ngày nhận bài: 20/12/2021. Ngày sửa bài: 29/12/2021. Ngày nhận đăng: 7/1/2022. Tác giả liên hệ: Dương Thị Hương. Địa chỉ e-mail: dthuong@tueba.edu.vn 120
  2. Vận dụng phương pháp đóng vai trong dạy học môn Giáo dục công dân… Nghiên cứu vận dụng phương pháp đóng vai nâng cao hiệu quả dạy và học trong các môn học ở chương trình giáo dục phổ thông cũng được nhiều tác giả bàn đến như: các bài viết Thiết kế hoạt động đóng vai trong dạy học Địa lí 11 [10]; Vận dụng phương pháp đóng vai dạy học tích hợp bào tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học môn Sinh học cấp trung học cơ sở” [11]; Sử dung phương pháp “đóng vai” trong đào tạo kĩ năng giao tiếp cho điện thoại viên Vietnam Airlines [12] đã khẳng định phương pháp đóng vai có vai trò quan trọng trong phát triển kĩ năng và năng lực người học. Trong giảng dạy môn Giáo dục công dân ở bậc trung học phổ thông một số bài viết như: Vận dụng phương pháp đóng vai trong dạy học môn giáo dục công dân ở trưởng trung học phổ thông hiện nay [13]; Sử dụng phương pháp đóng vai trong dạy học môn Giáo dục công dân lớp 10 ở trường trung học phổ thông” [14] các tác giả đã phân tích những lợi thế của việc sử dụng phương pháp đóng vai trong dạy học môn Giáo dục công dân ở trường trung học phổ thông nhằm nâng cao chất lượng dạy và học môn học này. Trong phạm vi bài viết này, nhóm tác giả nghiên cứu có hệ thống và làm rõ một số vấn đề lí luận về sử dụng phương pháp đóng vai trong dạy học phát triển năng lực người học và xây dựng quy trình vận dụng phương pháp đóng vai trong dạy học môn Giáo dục công dân lớp 12, giúp người học tự giác nhận thức tri thức mới thông qua việc trải nghiệm đóng vai trong các tình huống học tập, đồng thời phát triển năng lực và kĩ năng ở người học. 2. Nội dung nghiên cứu 2.1. Lí luận về phương pháp đóng vai và ý nghĩa của sử dụng phương pháp đóng vai trong dạy học phát triển năng lực môn GDCD lớp 12 Theo Từ điển tiếng Việt “Đóng vai là thể hiện nhân vật trong kịch bản lên sân khấu hay màn ảnh bằng hành động, nói năng như thật. Khi một vấn đề, một chủ đề nào đó trong cuộc sống hiện thực được xây dựng thành một vở kịch thì đó được gọi là kịch bản, nhưng để thể hiện nội dung kịch bản đó, người diễn viên phải đảm nhận sắm vai một nhân vật và biểu diễn vai đó, quá trình đó được gọi là đóng vai” [15, tr. 337]. Các tác giả Nguyễn Văn Cư và Nguyễn Duy Nhiên đã định nghĩa: “Phương pháp đóng vai là phương pháp tổ chức cho HS thực hành một số cách ứng xử nào đó trong tình huống giả định để nắm vững nội dung bài học” [9, tr.22]. Như vậy, bản chất của dạy học đóng vai cũng được hiểu là dạy học thông qua hình thức đóng kịch. Bản chất của nó là sự gia công sư phạm của giáo viên (GV), chế biến nội dung dạy học thành kịch bản phù hợp để người học sử dụng kịch bản đó và nhập vai thành nhân vật có trong kịch bản, từ đó thể hiện nội dung kiến thức của bài học. Như vậy, phương pháp đóng vai là phương pháp dạy học thông qua hình thức đóng kịch, diễn xuất - sự nhập tâm, hoá thân của HS (HS) vào những nhân vật cụ thể và thể hiện thái độ, tư tưởng, hành vi ứng xử của những nhân vật đó, trên cơ sở đó giúp HS thực hành, trải nghiệm và rút ra những bài học nhận thức và kĩ năng sống phù hợp, tích cực. Điều quan trọng hơn là từ việc đóng kịch ấy rút ra bài học nhận thức, thái độ và kĩ năng gì cho người học. Trong dạy học môn Giáo dục công dân ở trường trung học phổ thông (THPT), phương pháp đóng vai được hiểu là phương pháp mà GV hoặc chính người học lên kịch bản về một chủ đề nào đó gắn với nội dung bài học, tổ chức biểu diễn trước lớp, từ đó rút ra những nội dung kiến thức, kĩ năng cần thiết cho bản thân. Cách hình thức đóng vai trong dạy học Giáo dục công dân lớp 12 được dựa trên những tiêu chí khác nhau. Nếu căn cứ vào yêu cầu làm rõ kiến thức có các hình thức sau: Đóng vai tái hiện - ghi nhớ; Đóng vai suy luận - phát triển; Đóng vai liên hệ - ứng dụng. Nếu dựa theo tiêu chí về thời gian chuẩn bị sẽ có đóng vai trực tiếp trong tiết học và đóng vai có sự chuẩn bị trước ở nhà: Đóng vai trực tiếp trong tiết học; Đóng vai có sự chuẩn bị trước ở nhà. Nếu dựa vào nội dung 121
  3. Ngô Thị Tân Hương và Dương Thị Hương* bài học, có các hình thức đóng vai sau: Đóng vai cùng chủ điểm, chủ đề; Đóng vai khác chủ điểm, chủ đề. Nếu dựa trên tiêu chí sự tương tác giữa HS với HS, HS với GV trong quá trình thực hiện, có các hình thức sau: Đóng vai độc lập; Đóng vai theo nhóm. Việc phân loại hình thức đóng vai chỉ có ý nghĩa tương đối theo những cách tiếp cận hay tiêu chí khác nhau. Do tính linh hoạt của hình thức đóng vai nên trong quá trình vận dụng vào dạy học môn Giáo dục công dân, GV có thể lựa chọn, thay đổi hình thức cho phù hợp với từng tiết học, bài giảng. Khác biệt với phương pháp sử dụng tình huống trong dạy học là những sự kiện có thực, chứa đựng mâu thuẫn cần được giải quyết hoặc được mô phỏng theo tình huống có thực, được cấu trúc hoá nhằm mục đích dạy học. Ở góc độ tư duy, “Tình huống trong dạy học phải phản ánh được mâu thuẫn biện chứng giữa kiến thức mới và kiến thức cũ, đó là mâu thuẫn bản chất bên trong, không phải là mâu thuẫn hình thức bên ngoài” [16, tr.12]; “Tình huống có vấn đề trong dạy học là tình huống mà khi đó mâu thuẫn khách quan của bài toán nhận thức được HS chấp nhận như một vấn đề học tập mà họ cần có và có thể giải quyết” [Dẫn theo 16, tr.12]. Như vậy, phương pháp sử dụng tình huống trong dạy học có thể được hiểu là: phương pháp mà giáo viên đưa ra các tình huống (có thật hoặc hư cấu) chứa đựng nội dung bài giảng để HS có bối cảnh trải nghiệm, có điều kiện thực hành, phát triển kĩ năng phân tích, lập luận, quyết định phương án lựa chọn giải quyết tình huống bằng cách đưa ra các ý kiến riêng của cá nhân. Thông qua đó, phát huy được tính tích cực học tập của HS trong việc đi tìm kiếm tri thức, hình thành kĩ năng dưới sự định hướng, tổ chức dạy học của giáo viên. Việc dạy học theo tình huống phải đưa được nội dung khoa học nhằm trang bị cho người học và phát triển được năng lực giải quyết vấn đề cho HS theo mục tiêu và yêu cầu, của môn học. Tuy nhiên, với đặc thù tri thức môn học GDCD lớp 12 tập trung phân tích bản chất, vai trò của pháp luật đối với sự tồn tại, phát triển của mỗi cá nhân, nhà nước và xã hội. Làm rõ một số chuẩn mực hành vi pháp luật, các quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội. Góp phần tích cực vào việc giáo dục cho HS ý thức, hành vi của người công dân; hình thành và phát triển ở HS những phẩm chất, năng lực cần thiết của người công dân trong xã hội. Việc GV sử dụng phương pháp đóng vai có ý nghĩa quan trọng tạo điều kiện để HS chủ động lĩnh hội kiến thức qua lời nói hoặc việc làm của các vai diễn, gây hứng thú cho HS. HS được trực tiếp khám phá, tìm tòi tri thức mới, được tự khẳng định và thể hiện năng lực của mình. Việc sử dụng phương pháp đóng vai trong dạy học GDCD lớp 12 góp phần hình thành và phát triển năng lực trí tuệ, tư duy sáng tạo, tư duy phản biện cho người học. Người “diễn viên” là HS trên “sân khấu” của lớp học khi đã nhập tâm, hóa thân vào nhân vật, HS sẽ biết phân tích, so sánh, khái quát hóa tri thức bài học. Sự linh động trong các tình huống để hoàn thành vai diễn một cách xuất sắc giúp HS hình thành năng lực tư duy độc lập, óc sáng tạo, trí tưởng tượng của HS. Đồng thời, thông qua việc sử dụng phương pháp đóng vai giúp HS hình thành và phát triển năng lực giao tiếp, giúp HS tự tin khẳng định bản thân, biết lắng nghe, biết quan sát, phê bình, biết góp ý cho người khác sẽ giúp HS hình thành, phát triển kĩ năng hợp tác, làm việc theo nhóm một cách hiệu quả. 2.2. Vận dụng phương pháp đóng vai trong dạy học Giáo dục công dân lớp 12 phát triển năng lực người học 2.2.1. Khái niệm năng lực và dạy học phát triển năng lực Khái niệm năng lực có nguồn gốc tiếng La tinh “Competentia”, được hiểu là sự thành thạo, khả năng thực hiện của cá nhân đối với công việc. Theo Đại từ điển Tiếng Việt, “năng lực là phẩm chất có thể làm việc” [17, tr.1172], “năng lực là những điều kiện đủ hoặc vốn có để làm việc” hoặc là “khả năng đủ để làm tốt một công việc” [17, tr.1172]. Theo John Erpenbeck, “năng lực được tri thức làm cơ sở, được sử dụng như khả năng, được quy định bởi giá trị, được tăng cường qua kinh nghiệm và được hiện thực hóa qua ý chí” [dẫn theo 18, tr.67]. Tiếp cận ở khía cạnh tâm lí học, tác giả Nguyễn Văn Tuấn quan niệm “năng lực là một thuộc tính 122
  4. Vận dụng phương pháp đóng vai trong dạy học môn Giáo dục công dân… tâm lí phức hợp, là điểm hội tụ của nhiều yếu tố như tri thức, kĩ năng, kĩ xảo, kinh nghiệm, sự sẵn sàng hành động và trách nhiệm” [19, tr.6]. Như vậy, chúng ta có thể hiểu khái niệm năng lực là: khả năng tổng hợp tri thức, kĩ năng, kinh nghiệm với thái độ tích cực của chủ thể nhằm thực hiện có hiệu quả những vấn đề đặt ra trong hoạt động nhận thức và thực tiễn. Khái niệm năng lực trong bài viết này mang nội dung khả năng huy động tri thức, kĩ năng, kinh nghiệm và các phẩm chất tâm lí của chủ thể, sẵn sàng để giải quyết có hiệu quả các tình huống nảy sinh trong nhận thức và hoạt động thực tiễn. Dạy học phát triển năng lực là quá trình thiết kế, tổ chức và phối hợp giữa hoạt động dạy và hoạt động học, tập trung vào kết quả đầu ra của quá trình này. Trong đó nhấn mạnh người học cần đạt được các mức năng lực như thế nào sau khi kết thúc một giai đoạn (hay một quá trình) dạy học. Trong dạy học phát triển năng lực HS, GV là người tổ chức các hoạt động, hướng dẫn HS tự tìm tòi, chiếm lĩnh tri thức, rèn luyện kĩ năng; chú trọng phát triển các năng lực cho HS thông qua việc sử dụng nhiều phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực (giải quyết vấn đề, hợp tác, khám phá, tình huống, đóng vai, dự án…) phù hợp với yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của người học. Còn HS là người chủ động tham gia hoạt động học tập, có nhiều cơ hội được bày tỏ ý kiến, tham gia phản biện, tìm kiếm tri thức, hình thành và phát triển năng lực, kĩ năng. Dạy học phát triển năng lực HS có những đặc điểm sau: Một là, dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học cho phép cá nhân hoá việc học: trên cơ sở mô hình năng lực, người học sẽ bổ sung những thiếu hụt của cá nhân để thực hiện những nhiệm vụ cụ thể của mình. Hai là, dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học tạo ra những cách thức riêng, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm và hoàn cảnh của cá nhân nhằm đạt tới những kết quả đầu ra. Ba là, dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học chú trọng vào kết quả đầu ra. Bốn là, những tiêu chuẩn năng lực được xác định, đó là: HS được học và ứng dụng kiến thức một cách có ý nghĩa. HS được kiến tạo kiến thức thông qua việc tham gia vào việc học chứ không chỉ tái hiện, lặp lại, sao chép kiến thức. Năm là, thông qua các phương pháp dạy học hiện đại của GV, HS được tương tác với người khác thông qua bối cảnh thực, nội dung thực. Các kết nối giữa các lĩnh vực học tập được thực hiện. Việc học có liên quan đến đời sống hiện tại của HS và đó cũng là cách hỗ trợ tích cực cho việc học suốt đời của HS. Sáu là, dạy học theo định hướng phát triển năng lực người học còn tạo khả năng cho việc xác định một cách rõ ràng những gì cần đạt và những tiêu chuẩn cho việc đo lường kết quả. 2.2.2. Khái niệm vận dụng phương pháp đóng vai dạy học giáo dục công dân lớp 12 phát triển năng lực người học Việc vận dụng phương pháp đóng vai trong dạy học môn Giáo dục công dân lớp 12 ở trường THPT sẽ giúp HS phát triển các năng lực chung và năng lực đặc thù như giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực hợp tác, năng lực tư duy phản biện, năng lực tham gia và giải quyết các vấn đề pháp lí… Vận dụng phương pháp đóng vai còn giúp HS phát triển các năng lực tổ chức, xây dựng và thực hiện kế hoạch… Có thể hiểu vận dụng phương pháp đóng vai trong dạy học giáo dục công dân lớp 12 phát triển năng lực người học là việc GV sử dụng phương pháp dạy học trong đó HS thông qua hình thức đóng kịch, nhập vai vào những nhân vật trong kịch bản để thể hiện nhận thức, thái độ, hành vi ứng xử của những nhân vật, nhờ đó có thể thực hành, trải nghiệm và tự giác tiếp nhận tri thức mới, hình thành thái độ, năng lực và kĩ năng phù hợp trong các bài học Giáo dục công dân lớp 12. Vận dụng phương pháp đóng vai có thể giúp HS không những chủ động, tự giác trong quá trình tiếp nhận tri thức mới, đồng thời phát huy tính tích cực, sáng tạo trong con đường tiếp 123
  5. Ngô Thị Tân Hương và Dương Thị Hương* nhận tri thức mới. Có thể khẳng định rằng, phương pháp đóng vai giúp người học phát triển năng lực tư duy sáng tạo, năng lực tư duy phê phán, năng lực giải quyết vấn đề thông qua phân tích và giải quyết các tình huống, đồng thời giúp HS tích cực, chủ động tham gia bài học, tự tin thể hiện bản thân… 2.2.3. Quy trình vận dụng phương pháp đóng vai trong dạy học môn Giáo dục công dân lớp 12 phát triển năng lực người học 2.3.3.1. Quy trình thiết kế kế hoạch bài giảng Bước 1: Nghiên cứu, rà soát cấu trúc, nội dung chương trình sách giáo khoa Giáo dục công dân lớp 12 để lựa chọn nội dung dạy học có thể vận dụng được phương pháp đóng vai theo định hướng phát triển năng lực người học Các bài trong chương trình Giáo dục công dân lớp 12 có thể áp dụng được phương pháp đóng vai. Những nội dung kiến thức trong chương trình mang tính pháp lí cao, có tính thực tiễn. Nếu sử dụng phương pháp đóng vai sẽ giúp HS hình thành các năng lực giải quyết vấn đề, năng lực giao tiếp, năng lực hợp tác, năng lực điều chỉnh hành vi… GV có thể tham khảo các đơn vị kiến thức trong các bài sau đây để thiết kế bài học có vận dụng phương pháp đóng vai để phát triển năng lực HS: Bài 2: Đơn vị kiến thức 2: Vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lí. Bài 4: Đơn vị kiến thức 1: Bình đẳng trong hôn nhân và gia đình. Bài 5: Đơn vị kiến thức 1: Bình đẳng giữa các dân tộc. Bài 6: Đơn vị kiến thức 1: Các quyền tự do cơ bản của công dân. Bài 7: Đơn vị kiến thức 1: Quyền bầu cử và quyền ứng cử vào các cơ quan đại biểu của nhân dân; Đơn vị kiến thức 3: Quyền khiếu nại, tố cáo của công dân. Bài 8: Đơn vị kiến thức 1: Quyền học tập, sáng tạo và phát triển của công dân Bước 2: Thiết kế kế hoạch bài dạy Kế hoạch bài dạy được thiết kế theo Công văn số 5512/BGDĐT- GDTrH ngày 18 tháng 12 năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kế hoạch bài dạy thể hiện rõ các hoạt động dạy và học theo các mục tiêu cụ thể của bài học. Thứ nhất: Xác định mục tiêu bài học. Mục tiêu bài học phải được xác định một cách rõ ràng. Theo Công văn số 5512/BGDĐT - GDTrH ngày 18 tháng 12 năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mục tiêu bài học được xác định bao gồm 3 yếu tố là kiến thức, năng lực và phẩm chất. Mỗi mục tiêu này cần được làm rõ ràng. Về mục tiêu về kiến thức: GV cần nêu cụ thể yêu cầu cần đạt về kiến thức HS cần học trong bài để thực hiện được yêu cầu cần đạt của nội dung bài học tương ứng trong chương trình môn Giáo dục công dân lớp 12. Về mục tiêu về năng lực: GV cần nêu cụ thể yêu cầu HS làm được gì (biểu hiện cụ thể của năng lực chung và năng lực đặc thù môn học cần phát triển) trong hoạt động học để chiếm lĩnh và vận dụng kiến thức theo yêu cầu cần đạt của chương trình môn Giáo dục công dân lớp 12. Về mục tiêu về phẩm chất: GV cũng cần nêu cụ thể yêu cầu về hành vi, thái độ (biểu hiện cụ thể của phẩm chất cần phát triển gắn với nội dung bài dạy) của HS trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ học tập và vận dụng kiến thức vào cuộc sống. * Thứ hai: Xác định thiết bị dạy học và học liệu Đối với chương trình Giáo dục công dân hiện hành thì sách giáo khoa được coi là học liệu chủ yếu và quan trọng nhất đối với cả người dạy và người học. Ngoài sách giáo khoa, GV còn phải có thêm các tài liệu khác như: sách GV, các tài liệu phục vụ nghiên cứu chuyên môn, các clip, video, tranh ảnh… Để thực hiện được phương pháp đóng vai theo hướng phát triển năng lực cho người học, trong dạy học GV cần có các phương tiện dạy học đi kèm như máy tính, bảng thông minh, đèn chiếu… Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả của các vai diễn cho HS, rất cần có các phương tiện khác như trang phục, các dụng cụ biểu diễn, loa, mic… * Thứ ba: Lựa chọn các hoạt động dạy học theo tiến trình dạy học có vận dụng phương pháp đóng vai theo định hướng phát triển năng lực HS 124
  6. Vận dụng phương pháp đóng vai trong dạy học môn Giáo dục công dân… Lựa chọn các hoạt động dạy học là khâu trọng tâm của kế hoạch bài dạy. Theo Công văn số 5512/BGDĐT - GDTrH ngày 18 tháng 12 năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong một giờ học được thiết kế 4 hoạt động: mở đầu, hình thành kiến thức, luyện tập và vận dụng. Khi thiết kế các hoạt động dạy học, GV cần tuân thủ theo một trình tự chặt chẽ, trình tự này được nêu rõ trong công văn 5512/BGDĐT - GDTrH ngày 18 tháng 12 năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cụ thể như sau: Hoạt động 1: Xác định vấn đề hay nhiệm vụ học tập, còn gọi là phần mở đầu. Trong hoạt động này, GV cần làm rõ những phần sau: Một là, cần ghi rõ tên thể hiện kết quả hoạt động. Hai là, xác định mục tiêu của hoạt động: Nêu cụ thể mục tiêu giúp HS xác định được vấn đề hay nhiệm vụ cụ thể cần giải quyết trong bài học hoặc xác định rõ cách thức giải quyết vấn đề hay cách thức thực hiện nhiệm vụ trong các hoạt động tiếp theo của bài học. Ba là, xác định nội dung của hoạt động: Nêu rõ nội dung yêu cầu/nhiệm vụ cụ thể mà HS phải thực hiện (xử lí tình huống, câu hỏi, bài tập, thí nghiệm, thực hành…) để xác định vấn đề cần giải quyết/nhiệm vụ học tập cần thực hiện và đề xuất giải pháp giải quyết vấn đề/cách thức thực hiện nhiệm vụ. Bốn là, xác định sản phẩm cần đạt được: Ở bước này, GV cần xác định rõ yêu cầu về nội dung và hình thức của sản phẩm hoạt động theo nội dung yêu cầu/nhiệm vụ mà HS phải hoàn thành, như: kết quả xử lí tình huống; đáp án của câu hỏi, bài tập; kết quả thí nghiệm, thực hành; trình bày, mô tả được vấn đề cần giải quyết hoặc nhiệm vụ học tập phải thực hiện tiếp theo và đề xuất giải pháp thực hiện. Năm là, nêu rõ cách thức tổ chức thực hiện hoạt động: Ở đây GV nêu cụ thể các bước tổ chức hoạt động học cho HS từ chuyển giao nhiệm vụ, theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá quá trình và kết quả thực hiện nhiệm vụ thông qua sản phẩm học tập. Hoạt động 2: Hình thành kiến thức mới. Hoạt động này còn gọi là giải quyết vấn đề hay thực thi nhiệm vụ đặt ra từ hoạt động 1. Cũng giống như hoạt động mở đầu, trong hoạt động hình thành kiến thức, GV cần tuân thủ các trình tự sau: Một là, xác định mục tiêu của hoạt động: Khác với hoạt động 1, ở hoạt động 2, GV cần xác định rõ mục tiêu giúp HS thực hiện nhiệm vụ học tập để chiếm lĩnh kiến thức mới hoặc giải quyết vấn đề hoặc thực hiện nhiệm vụ đặt ra từ hoạt động 1. Hai là, xác định cụ thể nội dung của hoạt động: Ở đây, GV nêu rõ những nội dung hoặc nhiệm vụ cụ thể yêu cầu HS cần làm việc. Cụ thể là HS làm việc với sách giáo khoa hay với thiết bị dạy học hoặc những học liệu cụ thể. Tức là ở đây GV phải xác định rõ HS đọc/ xem/ nghe/ nói/ làm… để chiếm lĩnh kiến thức mới hoặc vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề/nhiệm vụ học tập đã đặt ra từ hoạt động mở đầu. Ba là, xác định sản phẩm đạt được sau khi tiến hành xong hoạt động. GV cần trình bày cụ thể khi kết thúc hoạt động 2 thì HS có được cái gì về kiến thức mới hay đạt được kết quả thế nào khi giải quyết vấn đề hoặc thực hiện nhiệm vụ học tập mà HS có được (viết ra, trình bày được…). Bốn là, xác định cách thức tổ chức thực hiện hoạt động. Ở đây GV cần xác định rõ cách thức hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, đánh giá quá trình và kết quả thực hiện hoạt động của tất cả HS trong lớp. Đây là bước quan trọng nhất để tiến hành thành công hoạt động dạy học. Do đó, GV cần xác định rõ các phương pháp và hình thức tổ chức cho hoạt động này. Thực chất của hoạt động 2 là dạy bài mới. Đây là phần nội dung chính, là bước mà GV phải tổ chức, hướng dẫn HS suy nghĩ, tìm hiểu, khám phá và lĩnh hội nội dung bài học nhằm đạt được mục tiêu bài học đặt ra. Trong chương trình môn Giáo dục công dân lớp 12 có rất nhiều bài học có thể lấy được các tình huống ngoài thực tiễn để HS trải nghiệm phương pháp đóng vai. GV có thể tham khảo một số ví dụ sau: 125
  7. Ngô Thị Tân Hương và Dương Thị Hương* Bài 2: Thực hiện pháp luật, đơn vị kiến thức 2: Vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lí. GV có thể sử dụng các tình huống sau để xây dựng kịch bản đóng vai: Cảnh sát giao thông phạt hai bố con bạn A vì cả hai đều lái xe máy đi ngược đường một chiều. Bố con bạn A không chịu nộp tiền phạt vì lí do ông không nhận ra biển báo đường một chiều. Bài 4: Quyền bình đẳng của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội, đơn vị kiến thức 1: Bình đẳng trong hôn nhân và gia đình, GV có thể sử dụng các tình huống sau để xây dựng kịch bản đóng vai: Anh T và chị H kết hôn với nhau được 6 năm và có một bé gái rất đáng yêu. Chị H muốn học thêm tiếng Anh để nâng cao trình độ nên đã nói chuyện với chồng là anh T. Anh T không đồng ý vì theo anh ta phụ nữ thì cần gì học nhiều. Chị H nói lại với chồng rằng anh ta không có quyền quyết định chuyện học hành của vợ. Bài 5: Quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo; đơn vị kiến thức 1: Bình đẳng giữa các dân tộc, GV có thể sử dụng các tình huống sau để xây dựng kịch bản đóng vai: Hà hỏi Phương: “Tớ thấy, người dân tộc thiểu số thường không có điều kiện học hành như người Kinh, như vậy sao có thể nói là các dân tộc ở Việt Nam đều bình đẳng về giáo dục nhỉ?” Phương trả lời: “Ồ, nói đến bình đẳng về giáo dục giữa các dân tộc là nói ở góc độ khác, đâu có phải người dân tộc thiểu số cũng học hành và đỗ đạt cao, giỏi như người Kinh thì mới là bình đẳng.” Bài 6, đơn vị kiến thức 1: Các quyền tự do cơ bản của công dân, GV có thể sử dụng các tình huống sau để xây dựng kịch bản đóng vai: Thanh và Hoa có quen biết nhau. Do nghi ngờ Hoa lấy trộm điện thoại di động của mình, Thanh đã ép Hoa về nơi mình ở trọ, rồi gọi điện thoại cho mấy người khác đến. Thanh và những người đó đe dọa rồi dùng vũ lực hành hung, cưỡng đoạt của Hoa 3 triệu đồng. Sau đó, chúng bắt ép Hoa phải viết giấy biên nhận có vay nợ 20 triệu đồng. Hoạt động 3: Luyện tập. Đây là hoạt động tiếp nối sau hoạt động hình thành kiến thức. Ở hoạt động này, GV không dạy bài mới mà chỉ luyện tập kiến thức/kĩ năng đã hình thành ở hoạt động 2. Do vậy, với hoạt động này, GV cần thực hiện các yêu cầu sau: Một là, xác định đúng mục tiêu của hoạt động. GV cần hiểu rõ đây là mục tiêu vận dụng kiến thức đã học và yêu cầu phát triển các kĩ năng vận dụng kiến thức cho HS. Nó khác hoàn toàn với mục tiêu hình thành kiến thức ở hoạt động 2. Hai là, xác định rõ nội dung của hoạt động: ở đây cần chi tiết nội dung cụ thể của hệ thống câu hỏi, bài tập, bài thực hành, thí nghiệm giao cho HS thực hiện. Lưu ý trong quá trình thiết kế kế hoạch bài dạy, tất cả các bài tập về kiến thức, kĩ năng, năng lực cần được liệt kê đầy đủ trong nội dung của hoạt động. Ba là, xác định sản phẩm của hoạt động: đó là các đáp án, lời giải của các câu hỏi, bài tập, các bài thực hành, thí nghiệm… đã được đưa ra trong hoạt động này. Bốn là, xác định cách thức tổ chức thực hiện hoạt động: Tương tự như các hoạt động trên, ở hoạt động này GV cần nêu rõ cách thức giao nhiệm vụ cho HS cũng như việc hướng dẫn hỗ trợ HS thực hiện. Vì là hoạt động luyện tập nên trong hoạt động này GV cần nêu các phương án kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của HS. Đối với các ví dụ trong hoạt động trên, tác giả gợi ý những bài tập tình huống GV có thể vận dụng cho HS đóng vai như sau: Bài 2: Thực hiện pháp luật, đơn vị kiến thức 2. Vi phạm pháp luật và trách nhiệm pháp lí, GV có thể sử dụng các tình huống sau để xây dựng kịch bản đóng vai: Minh và anh Khánh hướng dẫn cho anh Nho và anh Vịnh sử dụng thiết bị đọc trộm thông tin ở thẻ ATM và làm thẻ giả để lấy trộm tiền của nhiều người. Một hôm, khi anh Nho và anh Vịnh đang rút tiền thì bị công an bắt quả tang. Anh Nho chạy thoát còn anh Vịnh bị đưa về trụ sở công an. Bài 4: Quyền bình đẳng của công dân trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội, đơn vị kiến thức 1: Bình đẳng trong hôn nhân và gia đình, GV có thể sử dụng các tình huống sau để xây dựng kịch bản đóng vai: Trong thời gian chờ quyết định li hôn của Tòa án, chị Ánh nhận được tin đồn anh Bộ chồng chị đang tổ chức tiệc cưới với chị Hằng tại nhà hàng X. Vốn đã nghi 126
  8. Vận dụng phương pháp đóng vai trong dạy học môn Giáo dục công dân… ngờ từ trước, chị Ánh cùng con rể đến nhà hàng, bắt gặp anh Bộ đang liên hoan vui vẻ với các đồng nghiệp, hai mẹ con lao vào sỉ nhục anh Bộ thậm tệ. Bài 5: Quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo, đơn vị kiến thức 1: Bình đẳng giữa các dân tộc, GV có thể sử dụng các tình huống sau để xây dựng kịch bản đóng vai: Anh Phong và chị Hoa yêu nhau, nhưng ông Quang và bà Vi - bố mẹ của anh Phong lại nhất quyết không đồng ý vì lí do chị Hoa là người dân tộc thiểu số. Thấy anh Phong và chị Hoa quyết tâm lấy nhau, ông Quang đã nhờ ông Tấn là bạn cùng học phổ thông với mình hiện đang làm bộ phận một cửa của xã X gây khó khăn để không cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cho anh Phong và chị Hoa. Khi thấy anh Phong và chị Hoa đến làm thủ tục đăng ký kết hôn, ông Tấn đã từ chối tiếp nhận hồ sơ với lí do chị Hoa chưa có giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Hoạt động 4: Vận dụng. Với việc vận dụng phương pháp đóng vai trong dạy học môn Giáo dục công dân ở các trường THPT, khi GV thực hiện hoạt động này sẽ giúp HS biết vận dụng kiến thức, kĩ năng, thái độ đã học được vào thực tiễn cuộc sống, qua đó rèn luyện, phát triển năng lực và đồng thời biết ứng dụng những năng lực đã được phát triển vào xử lí các tình huống nảy sinh trong cuộc sống thực tế của các em. 2.3.3.2. Quy trình thực hiện bài giảng bằng phương pháp đóng vai trong một tiết học Giáo dục công dân lớp 12 theo định hướng phát triển năng lực người học * Nếu GV lựa chọn hình thức đóng vai không cần giao nhiệm vụ từ trước mà đến tiết học mới giao nhiệm vụ cho HS, thì quy trình sẽ gồm các bước cơ bản sau: Bước 1: GV căn cứ vào nội dung kiến thức của bài, giới thiệu tình huống/kịch bản. Chia nhóm và giao tình huống/kịch bản cho từng nhóm để các em đóng vai theo tình huống/kịch bản có sẵn của GV. GV có thể lựa chọn hình thức đóng vai không cần giao nhiệm vụ từ trước mà đến tiết học mới giao nhiệm vụ cho HS, GV có thể soạn thảo tình huống và giao cho HS. Tuy nhiên, cách làm này không phát huy được năng lực tự chủ, tư duy sáng tạo, năng lực hợp tác… của HS. Để phát triển các năng lực này cho HS, GV chỉ nên giữ vai trò định hướng, HS sẽ cùng nhau thảo luận, đưa ra tình huống theo quan điểm của cá nhân. Song, ở cách này GV nên lưu ý cần định hướng tốt nội dung, mục tiêu để tình huống của HS đưa ra không xa rời mục tiêu bài học. Trong bước này, GV cần kết hợp với phương pháp thảo luận nhóm để HS thực hiện nhiệm vụ nhanh nhất, không mất thời gian nhiều cho việc chuẩn bị. GV nên chỉ định nhóm trưởng, thư ký cho các nhóm hoặc yêu cầu HS bầu nhóm trưởng, thư ký và GV giao nhiệm vụ cụ thể cho các em. Bước 2: Các nhóm thảo luận tình huống, xây dựng kịch bản, phân công nhiệm vụ, vai diễn cho các thành viên trong nhóm. Đối với hình thức này, do không chuẩn bị kịch bản sẵn ở nhà nên HS có thể lúng túng, bị động, mất thời gian. Vì vậy, để đảm bảo thời gian của tiết học, GV cần hướng dẫn chi tiết cho HS. Để HS phát huy năng lực tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề, GV không nhất thiết phải yêu cầu kịch bản, lời thoại của HS phải giống nguyên xi trong tình huống/kịch bản mà GV đưa ra. Tất nhiên, nội dung, bản chất tình huống/kịch bản không được khác so với nguyên mẫu và phải đảm bảo mục tiêu bài học. Bước 3: Các nhóm thực hiện nhiệm vụ học tập của mình thông qua hoạt động đóng vai. Ở bước này các nhóm thực hiện hoạt động độc lập. GV yêu cầu các nhóm khác cùng quan sát, theo dõi hoạt động của nhóm đang trình bày. GV cần yêu cầu các nhóm ghi chép những thông tin thu được từ hoạt động đóng vai của nhóm bạn để cùng trao đổi ở bước 4. Trong quá trình HS thể hiện kịch bản, GV theo dõi từng hoạt động, cử chỉ, lời nói, quá trình hình thành năng lực của HS để làm cơ sở cho bước nhận xét HS. Bước 4: Thảo luận, nhận xét, đánh giá. Trên cơ sở các nhóm thực hiện nhiệm vụ học tập ở bước 3, GV tổ chức cho HS nhận xét, đánh giá lẫn nhau. Bước 4 sẽ giúp cho tất cả các HS rút ra được tri thức của bài học và những HS tham gia vai diễn sẽ có cơ hội bộc lộ tài năng của mình. Chính những lời nhận xét, khen ngợi từ GV và các bạn là động lực giúp HS vươn lên làm chủ năng lực nhận thức và năng lực hành động của mình. Hơn nữa, việc thực hiện bước 4 còn giúp 127
  9. Ngô Thị Tân Hương và Dương Thị Hương* cho GV thực hiện được các hình thức đánh giá khác nhau trong dạy học, đặc biệt là đánh giá đồng đẳng từ phía HS – HS tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau. Khi GV thực hiện bài học theo cách không giao nhiệm vụ từ trước cho HS mà đến tiết học mới giao nhiệm vụ cho các em sẽ phát triển được các năng lực sau cho người học: rèn luyện được năng lực tưởng tượng và tư duy sáng tạo; năng lực tổ chức và giải quyết vấn đề một cách linh hoạt, sáng tạo, nhanh chóng; năng lực giao tiếp, hợp tác, làm việc nhóm; năng lực tự nhận thức bản thân; năng lực tham gia và giải quyết các hoạt động pháp lí. * Đối với bài học mà GV giao nhiệm vụ học tập cho HS từ tiết học trước, quy trình thực hiện bài giảng gồm các bước như sau: Bước 1: Giao nhiệm vụ cho HS trước khi lên lớp và yêu cầu HS thực hiện nhiệm vụ ở nhà. Sau khi kết thúc tiết học trước GV giao nhiệm vụ học tập cho HS, gồm các nhiệm vụ sau: một là, chia nhóm, giao tình huống/kịch bản cho các nhóm HS. GV cũng có thể chỉ phân công chủ đề, chủ điểm, HS sẽ tự tìm tình huống và thiết kế kịch bản. Hai là, giao cho các nhóm luyện tập đóng vai theo kịch bản. Ba là, yêu cầu HS thực hiện các nhiệm vụ khác để buổi biểu diễn đảm bảo yêu cầu và thêm sinh động như quy định thời gian cho các vở diễn, trang phục biểu diễn…Trong quá trình HS thực hiện nhiệm vụ ở nhà, GV cần giữ liên lạc để hỗ trợ HS khi các em cần. Bước 2: Thực hiện phương pháp đóng vai trong giờ học. Sau khi HS chuẩn bị vai diễn ở nhà, đến tiết học, GV sẽ tiến hành gọi các nhóm HS lên thực hiện nhiệm vụ của mình. Bước 3: Thảo luận, nhận xét, kết luận. GV tổ chức cho các nhóm HS thảo luận, nhận xét, đánh giá nhóm bạn. Sau đó GV nhận xét, đánh giá và rút kinh nghiệm, đưa ra bài học về nhận thức, kĩ năng, uốn nắn việc hình thành năng lực cho HS thông qua hình thức đóng vai. Ở hình thức vận dụng phương pháp đóng vai có giao nhiệm vụ từ tiết học trước cho HS sẽ phát triển được các năng lực sau cho người học: rèn luyện được năng lực tư duy lô gic và tư duy phản biện cho HS; phát huy được năng lực tổ chức và giải quyết vấn đề một cách khoa học cho HS, năng lực sáng tạo, hợp tác; năng lực nhận thức bản thân. 3. Kết luận Phương pháp đóng vai là phương pháp dạy học tích cực có vị trí và vai trò, ý nghĩa rất quan trọng trong việc dạy học môn Giáo dục công dân nói chung và chương trình Giáo dục công dân lớp 12 nói riêng, giúp HS học tập, lĩnh hội các tri thức một cách tự giác thông qua quá trình trải nghiệm các tình huống đóng vai. Đồng thời phương pháp đóng vai có vai trò quan trọng trong phát huy vai trò trung tâm của HS trong dạy học, phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của người học, hình thành và phát triển năng lực: giải quyết vấn đề và sáng tạo, năng lực hợp tác, năng lực tư duy phản biện, năng lực tham gia và giải quyết các vấn đề pháp lí; năng lực tổ chức, xây dựng và thực hiện kế hoạch…Bài viết xây dựng chi tiết quy trình vận dụng phương pháp đóng vai trong dạy học môn Giáo dục công dân lớp 12 theo định hướng phát triển năng lực người học nhằm góp phần đổi mới quá trình, phương pháp dạy và học môn Giáo dục công dân lớp 12 hiện nay. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Anders, E. K., 2006. The influence of experience and deliberate practice on the development of superior expert performance. The Cambridge Handbook of Expertise and Expert Performance, 38, 685-705. [2] Hibert Meyer, 1987. Unterrichts Methoden. Band II, Frankfurt. [3] Kolb, D. A., 2015. Experiential learning: experience as the source of learning and development. Experience Based learning Systems, Inc. 2nd Edition. [4] Svinicki, M. D., & Dixon, N. M., 1987. The Kolb Model Modified for Classroom Activities. College Teaching, 35(4), 141-146. [5] Petty. Gheossrey, 2002. Hướng dẫn thực hành, dạy học ngày nay. Nxb Stanley Thoorrnes. 128
  10. Vận dụng phương pháp đóng vai trong dạy học môn Giáo dục công dân… [6] Phùng Văn Bộ, 1999. Lí luận dạy học bộ môn Giáo dục công dân ở trường THPT. Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội. [7] Phan Trọng Ngọ, 2005. Dạy học và phương pháp dạy học trong nhà trường. Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội. [8] Dương Thị Thúy Nga và Đinh Văn Đức (đồng chủ biên),, 2011. Phương pháp dạy học môn Giáo dục công dân ở trường THPT. Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội. [9] Nguyễn Văn Cư, Nguyễn Duy Nhiên, 2007. Dạy và học môn Giáo dục công dân ở trường THPT - Những vấn đề lí luận và thực tiễn. Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội. [10] Nguyễn Thị Ngọc Phúc, Hồ Thị Thu Hồ, Lê Văn Nhương, Ngô Ngọc Trân, 2020. “Thiết kế hoạt động đóng vai trong dạy học Địa lí 11”. Tạp chí Giáo dục, số 479 (Kỳ 1-6/2020), tr.28-33. [11] Phan Thị Thanh Hội, 2017. “Vận dụng phương pháp đóng vai dạy học tích hợp bào tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học môn Sinh học cấp trung học cơ sở”. Tạp chí Giáo dục, số 404, Kỳ 2-4/2017, tr.50-53. [12] Phạm Thị Hải Yến, 2019. “Sử dung phương pháp đóng vai trong đào tạo kĩ năng giao tiếp cho điện thoại viên Vietnam Airlines”. Tạp chí Giáo dục, số 445 (Kì 1-1/2019), tr.40-43. [13] Phạm Việt Thắng, 2017. “Vận dụng phương pháp đóng vai trong dạy học môn giáo dục công dân ở trưởng trung học phổ thông hiện nay”. HNUE Journal of Science, 62 (số 9), tr.213-222. [14] Ngô Thị Lan Anh, Hoàng Thu Thuỷ, 2021. “Sử dụng phương pháp đóng vai trong dạy học môn Giáo dục công dân lớp 10 ở trường trung học phổ thông”. TNU Journal of Science and Technology, 226 (08), tr.445-451 [15] Hoàng Phê, 1992. Từ điển Tiếng Việt. Nxb Đà Nẵng. [16] Phan Văn Tỵ, 2002. Vận dụng phương pháp tình huống trong dạy học môn Giáo dục học ở Học viện Chính trị quân sự. Luận văn thạc sĩ Giáo dục học, Hà Nội. [17] Nguyễn Như Ý, 1999. Đại từ điển Tiếng Việt. Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội. [18] Nguyễn Văn Cường - Bernd Meier, 2014. Lí luận dạy học hiện đại. Cơ sở đổi mới mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy học. Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội. [19] Nguyễn Văn Tuấn, 2010. Tài liệu học tập về phương pháp dạy học theo hướng tích hợp (Chuyên đề bồi dưỡng sư phạm), Trường Đại học Sư phạm kĩ thuật TP.Hồ Chí Minh. ABSTRACT Applying the role play method in teaching 12th grade Citizenship Education in the direction of capacity development Ngo Thi Tan Huong and Duong Thi Huong* Faculty of Basic Science, Thai Nguyen University of Economics and Business Administration The article is the result of a systematic study by the author group on a number of theoretical issues using the role play method in teaching to develop learners' competence and build a process of applying the role play method in teaching the subject of 12th grade Citizenship Education. The research results of the article show that the role play method is an active teaching method that helps students learn and acquire knowledge voluntarily, promoting the central role, students' activeness, initiative and creativity, forming and developing personal as well as social competence in learners. Keywords: methods of teaching 12th grade Citizenship Education, Citizenship Education Grade 12; Role play method; Apply role play method; Teaching develops learners' capacity. 129
nguon tai.lieu . vn