Xem mẫu

  1. GDMN 4.0 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA VẬN DỤNG MÔ HÌNH “LỚP HỌC ĐẢO NGƯỢC” TRONG ĐỔI MỚI DẠY HỌC HỌC PHẦN “TÂM LÝ HỌC TRẺ EM LỨA TUỔI MẦM NON” Nguyễn Thị Hồng Lam Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu honglamcdspbrvt@gmail.com Tóm tắt: Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, giáo viên có thêm nhiều lựa chọn để tăng tính hiệu quả trong dạy học. Dạy học theo mô hình “Lớp học đảo ngược” cho phép người học được truy xuấ́t bài giảng và các tài nguyên học tập ngoài giờ lên lớp, do đó tăng cường sự chủ động tích cực của người học trong giờ học chính khóa. Bài viết giới thiệu mô hình lớp học này, đồng thời đề xuất các ứng dụng mô hình này trong đổi mới dạy học học phần “Tâm lý học trẻ em lứa tuổi mầm non” cho sinh viên ngành giáo dục mầm non. Từ khóa: Lớp học đảo ngược, đổi mới dạy học, tâm lý học trẻ em lứa tuổi mầm non. 1. MỞ ĐẦU Cách mạng công nghiệp 4.0 với viễn cảnh tất cả các dây chuyền sản xuất được vi tính hóa và kết nối với nhau thông qua công nghệ “internet-of-thing”. Sự phát triển này sẽ thay đổi cách chúng ta sống và làm việc. Theo dự báo, trong 10-20 năm nữa thì 70% các kỹ năng lao động hiện nay trang bị cho người lao động sẽ biến mất và sẽ có 80% các kỹ năng mới xuất hiện (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - Trung tâm thông tin tư liệu, 2018); nên lực lượng lao động mới sẽ cần phải tìm hiểu và trang bị cho mình những kỹ năng phù hợp để bắt kịp với sự tiến bộ này. Đó là những kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp, tư duy phản biện, sáng tạo, sự phối hợp công việc, trí tuệ cảm xúc, đàm phán, khả năng tự học,… để có thể đối mặt với những vấn đề của cá nhân, những thay đổi nhanh chóng của xã hội, cũng như thích nghi với yêu cầu đổi mới và phát triển không ngừng của ngành giáo dục. Muốn hình thành được điều đó, ngay từ khi học trong trường sư phạm, sinh viên phải được hướng dẫn bằng những phương pháp dạy học tích cực, phát triển năng lực cho các em. Bên cạnh đó, trong công cuộc đổi mới toàn diện ngành giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học có ý nghĩa quyết định cần được triển khai ở các môn học và cấp học. Một trong những định hướng đổi mới phương pháp dạy học hiện nay là áp dụng các phương pháp dạy học tích cực đã được các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới áp dụng vào thực tiễn dạy học các môn học hiệu quả. Các phương pháp dạy học hiện đại đều có mục tiêu trung tâm là người học, phát huy năng lực nhận thức, năng lực độc lập, sáng tạo, phát hiện và giải quyết vấn đề của người học. Dạy học theo mô hình lớp học đảo ngược - Flipped Classroom (FL) là một trong những phương pháp dạy học hiện đại và đáp ứng được những yêu cầu nêu trên. Thay vì giảng bài như thường lệ, giáo viên (GV) lại là một người hướng dẫn; thay vì tiếp thu kiến thức một cách thụ động từ giáo viên, sinh viên (SV) phải tự tiếp cận kiến thức ở nhà, tự mình trải nghiệm, khám phá, tìm tòi các thông tin liên quan về bài học. Mô hình này giúp SV phát huy và rèn luyện tính tự học, tính chủ động làm chủ quá trình học tập của chính bản thân mà không còn bị động, phụ thuộc trong quá trình khám phá tri thức. 2. GIỚI THIỆU MÔ HÌNH “LỚP HỌC ĐẢO NGƯỢC” 2.1. Bản chất của mô hình “Lớp học đảo ngược” Năm 2007, hai GV là Jonathan Bergman và Aaron Sams ở WoodlandPark đã phát hiện ra một phần mềm để ghi lại việc trình diễn Powerpoint (Nguyễn Thị Vân, 2014). Họ ghi lại bài giảng 100
  2. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ 3/2019 trực tiếp của mình và tải lên mạng Interrnet cho những SV không có điều kiện tham gia buổi học. Bài học trực tuyến bắt đầu phát triển rộng rãi. GV sử dụng các video trực tuyến để dạy SV không tham gia trực tiếp trên lớp, thời gian trên lớp để làm các bài tập và lĩnh hội khái niệm. Từ đây, hình thành mô hình “lớp học đảo ngược” (flipped classroom), nghĩa là đảo ngược quá trình học truyền thống. Việc nghe giảng để về nhà, còn việc thực hành, ứng dụng, làm bài tập được thực hiện ở trên lớp. Trong lớp học truyền thống, một buổi lên lớp sẽ bắt đầu với việc GV chuẩn bị bài giảng và học sinh chuẩn bị làm bài tập về nhà buổi trước. Bài mới sẽ được giảng trong giờ trên lớp và được luyện tập củng cố vào một khoảng thời gian ngắn sau đó. Như vậy, hầu hết việc giảng và nghe giảng đã chiếm hết phần lớn thời gian. Bị động tiếp thu kiến thức khiến phần lớn học sinh sẽ khó suy nghĩ, tưởng tượng, đào sâu vào kiến thức ngay trong lúc nghe giảng. Ngược lại, đối với lớp học nghịch đảo, người học sẽ phải tự làm việc với bài giảng trước thông qua đọc tài liệu, tóm tắt tài liệu, nghe giảng từ các phương tiện hỗ trợ như băng hình, bài giảng PowperPoint, và khai thác tài liệu trên mạng (học tập trực tuyến) trước khi được giải đáp ở trên lớp học truyền thống (học tập giáp mặt). Bài giảng trở thành bài tập ở nhà mà người học phải chuẩn bị trước khi lên lớp. Toàn bộ thời gian trên lớp sẽ dành cho các hoạt động giải bài tập, ứng dụng lý thuyết vào giải quyết vấn đề, thảo luận nhóm để xây dựng hiểu biết dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Thay vì thuyết giảng, trong lớp học giáo viên đóng vai trò là người điều tiết hỗ trợ, có thể giúp học sinh giải quyết những điểm khó hiểu trong bài học mới (Nguyễn Văn Lợi, 2014; Nguyễn Hoài Nam & Vũ Thái Giang, 2017; Nguyễn Thị Vân, 2014). Như vậy, bản chất của quan điểm dạy học đảo ngược là hướng đến hoạt động hóa việc học của người học, chú trọng sự tương tác giữa học sinh và môi trường học tập nhằm cập nhật, nâng cao kiến thức từ kiến thức vốn có của học sinh đến kiến thức cần chiếm lĩnh. Người giáo viên phải tạo được môi trường để thúc đẩy sự sáng tạo kiến thức cho người học bằng việc kết hợp với phương pháp tích cực hóa hoạt động người học, theo dạng thức học tập chủ động. Với dạy học theo mô hình FL, người học luôn tiếp cận và triển khai (áp dụng) kỹ năng xuyên suốt: Giải quyết vấn đề, Sáng tạo, Hợp tác và làm việc nhóm, Kỹ năng học và tự học, Kỹ năng giao tiếp, Kỹ năng lãnh đạo bản thân, Kỹ năng tự quản lý và tổ chức công việc, Kỹ năng giải quyết vấn đề, Kỹ năng phản biện 2.2. Yêu cầu tổ chức hoạt động dạy học theo mô hình lớp học đảo ngược Lớp học đảo ngược phải đảm bảo nguyên tắc lấy người học làm trung tâm. Thời gian ở lớp được dành để khám phá các chủ đề sâu hơn và tạo ra những cơ hội học tập thú vị. Trong khi đó, những bài giảng, những video giáo dục trực tuyến được thiết kế để truyền tải nội dung bên ngoài lớp học. Ở lớp học đảo ngược, việc truyền tải nội dung có thể ở nhiều hình thức, do giáo viên thiết kế. Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học là điều kiện quan trọng để triển khai lớp học đảo ngược. Cụ thể, các công cụ công nghệ thông tin sẽ hỗ trợ người học, người dạy: Các công cụ trình chiếu: Zoho Show; 280 Slides; PowerPoint; Wondershare PPT2Flash Professional, công cụ học tập xã hội: Edmodo, Moodle, Grockit, EduBlogs, Skype, Wikispaces, Pinterest; Schoology, Quora, Ning, OpenStudy, ePals, WiZiQ, Adobe Acrobat Connect Pro, Edublogs, facebook, zalo, Group mail…; những công cụ giúp giáo viên chuẩn bị bài giảng thú vị và hiệu quả: Khan Academy, MangaHigh, FunBrain, Educreations, Animoto, Socrative, Knewton, Kerpoof, StudySync, CarrotSticks (Nguyễn Thị Vân, 2014). Nội dung bài dạy phải thiết kế một cách thuận lợi, phù hợp năng lực, phong cách học và với tốc độ học tập của SV (ví dụ: Tài liệu bài giảng số hóa, các nội dung đa phương tiện tương tác). 101
  3. GDMN 4.0 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Trình bày các học liệu phù hợp với phong cách học, phương thức học khác nhau (ví dụ: văn bản, video, âm thanh, đa phương tiện). Tạo cơ hội thảo luận, trao đổi và tương tác trong và ngoài lớp học (ví dụ: Các công cụ trao đổi trực tuyến, chia sẻ xã hội, trả lời khảo sát, bỏ phiếu, các công cụ thảo luận, công cụ tạo nội dung). Cung cấp thông tin phản hồi tức thì, ẩn danh cho người dạy và người học nhằm mục đích đánh giá và đánh giá cải tiến, điều chỉnh vì sự tiến bộ của người học (ví dụ: câu hỏi kiểm tra nhanh, câu hỏi thăm dò/khảo sát, các công cụ đánh giá theo tiến trình). Thu thập dữ liệu về sự tiến bộ và thành tích học tập của người học, dự báo các khó khăn, thách thức đối với người học. 3. VẬN DỤNG MÔ HÌNH LỚP HỌC ĐẢO NGƯỢC TRONG DẠY HỌC HỌC PHẦN “TÂM LÝ HỌC TRẺ EM LỨA TUỔI MẦM NON” 3.1. Cơ sở áp dụng “Lớp học đảo ngược” cho học phần “Tâm lý học trẻ em lứa tuổi mầm non” Trong chương trình đào tạo giáo viên mầm non, “Tâm lý học trẻ em lứa tuổi mầm non” (TLHTE lứa tuổi MN) là môn học quan trọng trong việc hình thành các kỹ năng cần thiết cho người giáo viên trong tương lai; nó chiếm số lượng tín chỉ tương đối nhiều. Tuy nhiên, nếu chỉ dạy học theo kiểu truyền thống thì sẽ gây nên sự nhàm chán, khó hiểu, không có hứng thú học cho SV; do đó cần thay đổi cách dạy và cách học. Việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực sẽ đem lại những lợi ích to lớn cho người học; trong quá trình giảng dạy, chúng tôi nhận thấy học phần này có nhiều cơ sở để áp dụng mô hình FL: TLHTE lứa tuổi MN là học phần có tính thực tiễn cao, có nhiều ứng dụng thực tế, bài tập có nhiều lời giải độc đáo, GV có thể khuyến khích SV áp dụng tư duy sáng tạo, các kỹ năng giải quyết vấn đề liên quan. Những tình huống cho phép GV và SV khai thác trong dạy học gần gũi gắn liền với trẻ em ở từng độ tuổi nhất định với những đặc điểm tâm lý nổi bật, đặc trưng. Trong thực tế, tại gia đình hoặc trên internet có rất nhiều video về trẻ em thể hiện rất rõ những nét tâm lý của lứa tuổi. Đó là nguồn tài liệu phong phú giúp SV và GV có thể khai thác, làm mối liên hệ giữa lý thuyết và thực tiễn khi SV nghiên cứu tại nhà hoặc tiến hành vận dụng giải quyết nhiệm vụ, bài tập trên lớp. Vì có tính thực tiễn cao nên bài tập thực hành TLHTE lứa tuổi MN hấp dẫn người học, GV có thể thiết kế các bài dạy kết hợp lý thuyết và thực hành để SV tự kiểm chứng tạo hứng thú cho người học. Đó chính là bước khởi đầu, là động lực giúp SV thể hiện năng lực sáng tạo trong học tập. Là học phần có nhiều nội dung có thể áp dụng dạy học theo dự án. SV tự nghiên cứu thực hiện một nhiệm vụ do GV đặt ra để tạo ra sản phẩm ở giai đoạn trước khi lên lớp và trình bày dự án của mình ở trên lớp. SV được đặt vào vị trí chủ động nhất: tìm tòi, phát hiện và độc lập giải quyết nhiệm vụ nêu ra. TLHTE lứa tuổi MN là học phần bắt buộc trong đào tạo giáo viên mầm non, đã có rất nhiều tài liệu của GV có kinh nghiệm; đề cương và nội dung học phần này ở các trường cao đẳng, đại học khá đồng nhất; vì vậy, có thể sử dụng các bài giảng này làm tài liệu tham khảo khi SV nghiên cứu ở nhà. Dựa vào tài liệu có sẵn, GV và SV có điều kiện chọn lọc nội dung phù hợp, sẽ rút ngắn được thời gian dạy lý thuyết trên lớp của GV, thay vào đó GV đưa ra những tình huống có vấn để nhằm hướng SV đi sâu hơn vào việc làm bài tập vận dụng hoặc thảo luận nhóm. 102
  4. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ 3/2019 3.2. Quy trình thực hiện “Lớp học đảo ngược” trong dạy học học phần “Tâm lý học trẻ em lứa tuổi mầm non” 3.2.1. Quy trình chung Từ việc nghiên cứu mô hình FL (Nguyễn Thị Vân, 2014; Hoàng Giang Quỳnh Anh 2014) và thực tế dạy học, chúng tôi xin đưa ra quy trình chung trong dạy học theo mô hình FL như sau: Giai đoạn 1: Phân tích. Tổ chuyên môn phân tích chương trình và nội dung học phần để lựa chọn vấn đề/nội dung phù hợp cho dạy học theo FL. Xác định được mục tiêu nhằm phát triển kỹ năng mềm cụ thể của người học tương ứng với các vấn đề/nội dung đó. Giai đoạn 2: Thiết kế. Tổ chuyên môn cùng bàn bạc để sắp xếp lại kế hoạch học tập của học phần; thiết kế hoạt động học cho các hoạt động tự học ở nhà của sinh viên nhằm chuẩn bị cho các hoạt động trên lớp; thiết kế dạy học cho hoạt động học tập ở trên lớp; thiết kế kiểm tra đánh giá và thu nhận ý kiến phản hồi của người học. Giai đoạn 3: Xây dựng tài nguyên học tập ở nhà cho sinh viên. GV thiết kế các bài giảng, video, các câu hỏi… Giai đoạn 4: Thực hiện. Tổ chức dạy học theo mô hình lớp học đảo ngược (gồm 3 bước). Bước 1: Trước giờ học trên lớp, GV lựa chọn các công cụ học tập xã hội, lập tài khoản, tạo nhóm lớp học, đưa SV vào nhóm. Những công cụ này sử dụng sức mạnh của phương tiện truyền thông xã hội giúp cho việc học tập và kết nối giữa SV với SV, SV với GV được dễ dàng hơn, như: Edmodo, Moodle, Grockit, EduBlogs, Skype, Wikispaces, Pinterest; Schoology, Quora, Ning, OpenStudy, ePals, WiZiQ, Adobe Acrobat Connect Pro, Edublogs. Ngoài ra, có thể sử dụng Facebook, Zalo, Group Mail,... để hỗ trợ mô hình lớp học đảo ngược. GV chia sẻ bài giảng, video, các tài liệu tham khảo lên trang xã hội đã lựa chọn, tài liệu phát tay của giảng viên, hoặc GV hướng dẫn SV khai thác các bài giảng trên mạng internet. Rất nhiều các tài liệu hướng dẫn dưới dạng video, hình ảnh hoặc văn bản. Người dạy định hướng hoặc giao nhiệm vụ cho người học khai thác. GV đặt các câu hỏi, giao nhiệm vụ cho sinh viên trên nhóm lớp học và hẹn thời gian hoàn thành. SV tự học, tự nghiên cứu video bài giảng của GV và chuẩn bị phần thực hành trên lớp. SV tự lập kế hoạch, tự tổ chức công việc và quản lý để thực hiện các nhiệm vụ giáo viên đặt ra. Việc học tập bị đảo ngược là nhằm hướng vào người học, thay vì GV điều khiển SV, giờ đây SV chủ động nghiên cứu các đoạn video bài giảng, tài liệu để hình thành những ý kiến riêng, các câu hỏi xung quanh nội dung, và trước khi đến lớp đã có những hiểu biết xung quanh khái niệm liên quan. GV kiểm tra việc hoàn thành nhiệm vụ của SV. Từ đó, nhận xét, đánh giá mức độ hiểu bài của SV để có cách trao đổi, giải đáp trên lớp cho phù hợp. Bước 2: Trong giờ học trên lớp, GV trao đổi, thảo luận, kiểm tra đánh giá SV tại lớp. GV chủ yếu hướng dẫn các SV làm bài tập, tìm hiểu các kiến thức SV chưa hiểu, tìm ra những cách thức làm bài hay nhất, tối ưu nhất cho SV. Do cá nhân hóa người học nên việc dạy của GV ở các lớp khác nhau thì tình huống cũng như cách xử lý sư phạm sẽ khác nhau. SV thực hành ứng dụng các khái niệm chính cùng với phản hồi từ GV và các SV khác. Bằng cách làm này, SV được phát triển các kỹ năng cần thiết, đó là: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng ứng dụng công nghệ. Công việc trên lớp của GV và SV: GV hướng dẫn SV đào sâu kiến thức, SV thực hiện các hoạt động nhóm phù hợp cũng như dành nhiều thời gian hơn trong việc luyện tập và tư duy... 103
  5. GDMN 4.0 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA Bước 3: Sau giờ học trên lớp, nếu những nội dung trao đổi trên lớp chưa hoàn thiện, GV sẽ hướng dẫn và giải đáp các thắc mắc của SV qua mạng. SV kiểm tra lại kiến thức đã học trong giờ học và tự tìm hiểu mở rộng thêm. SV có thể viết nhật ký hoặc blog, họ có thể cập nhật những gì họ đã học được hoặc cần phải tập trung tiếp theo. Sinh viên cũng có thể sử dụng blog hoặc nhật ký của mình để làm một lưu ý bất kỳ. Sau bước 3, GV chuyển sang bước 1 để tạo video bài giảng mới hoặc bổ sung video bài giảng cũ sao cho phù hợp với trình độ tiếp thu bài giảng của SV hiện tại. SV cũng chuyển về bước 1 để nghiên cứu video bài giảng mới của GV. Giai đoạn 5: Đánh giá quá trình và đánh giá kết quả của việc dạy học theo mô hình lớp học đảo trình/đảo ngược, đồng thời thu nhận ý kiến phản hồi của người học để có điều chỉnh kịp thời. 3.2.2. Minh họa quy trình Bài học: Đặc điểm phát triển của trẻ sơ sinh (Lọt lòng-2 tháng tuổi) với các nội dung chính: Vai trò của các phản xạ không điều kiện; tình trạng bất phân cảm giác; nhu cầu tiếp nhận ấn tượng từ thế giới bên ngoài; nhu cầu gắn bó với người lớn (Nguyễn Ánh Tuyết, Nguyễn Thị Như Mai, 2009). Với bài học này, chúng tôi sử dụng mạng xã hội Edmono trong xây dựng quy trình dạy học theo 3 bước của giai đoạn 4 nêu trên. Bước 1: Trước giờ học trên lớp (Hoạt động tại nhà) GV lập tài khoản Edmono, tạo nhóm lớp học, đưa sinh viên vào lớp học (Nội dung này được làm ngay từ khi bắt đầu dạy học học phần). Sau đó, GV đăng video bài giảng, tài liệu tham khảo lên nhóm, đưa ra nhiệm vụ về bài học mà SV cần hoàn thành sau khi xem xong bài giảng và đọc tài liệu tham khảo. Yêu cầu SV phải hoàn thiện đúng thời hạn (Sử dụng tính năng Assignment trên Edmodo) các câu hỏi sau đây: 1) Nêu những sự thay đổi trong điều kiện sống của trẻ sơ sinh? Trẻ cần có những gì để thích nghi với điều kiện sống mới đó. 2) Nêu các loại phản xạ không điều kiện có ở trẻ sơ sinh, vai trò của nó đối với trẻ sơ sinh. 3) Nhu cầu tiếp nhận ấn tượng từ thế giới bên ngoài được thể hiện như thế nào và có vai trò gì đối với sự phát triển tâm lý của trẻ? 4) Sự gắn bó của người lớn có vai trò như thế nào trong sự phát triển của trẻ? Mô tả phức cảm hớn hở ở trẻ sơ sinh. GV cũng cố kiến thức cho SV bằng cách cách sử dụng bộ câu hỏi Quiz trên Edmono để tạo bộ câu hỏi trắc nghiệm để đánh giá và củng cố kiến thức. Bước 2: Hoạt động trên lớp GV cho SV tổng hợp lại kiến thức trong bài học bằng sơ đồ tư duy (có thể làm theo nhóm). Đại diện nhóm hoặc cá nhân SV tự tóm tắt bằng sơ đồ tư duy tùy theo sáng tạo của mình và trình bày trước cả lớp. GV cho SV làm bài tập với các câu hỏi sau đây: 1) Hãy lý giải nhận định: Các phản xạ không điều kiện không quy định việc hình thành các hình thái hành vi đặc trưng của con người. 2) Nêu sự khác nhau căn bản giữa trẻ sơ sinh và các con vật non. 3) Để kích thích những xúc cảm tích cực của trẻ sơ sinh, người lớn cần có những tác động nào? Rút ra các kết luận sư phạm cần thiết. 104
  6. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ 3/2019 4) Một đứa trẻ suốt ba tháng đầu ngoài ăn, ngủ là khóc. Bé khóc ra rả suốt ngày. Mọi người bàn ra, tán vào: nào là cháu phải vía một ai đó đến thăm. Thương con, người mẹ làm mọi cách: đốt vía, tế lễ… nhưng không đem lại hiệu quả gì. Thế rồi, tự nhiên đứa trẻ hết khóc, cuộc sống trở lại bình thường. Bằng lý luận và thực tiễn, bạn hãy giải thích hiện tượng khóc kéo dài này của đứa trẻ; và có lời khuyên để ai đó gặp cảnh ngộ này yên tâm. 5) Dựa vào vai trò của sự gắn bó của trẻ em với người lớn đối với sự phát triển của trẻ, hãy giải thích hiện tượng sau đây và hãy rút ra các kết luận sư phạm cần thiết cho công tác chăm sóc và giáo dục trẻ sơ sinh: Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, ở một số nước châu Âu, nhiều tổ chức từ thiện tìm kiếm những đứa trẻ vô thừa nhận về nuôi trong những nhà “trẻ mồ côi”. Ở đây, trẻ được nuôi dưỡng khá tốt với đầy đủ thức ăn, quần áo và các tiện nghi khác. Hàng ngày trẻ chỉ được nằm trên giường của mình, đến bữa các và bảo mẫu mới đẩy xe thức ăn đến từng giường bón cho trẻ ăn với khẩu trang đeo trên miệng rồi lẳng lặng đi ra. Sau một thời gian, người ta nhận thấy nhiều trẻ trở nên ngớ ngẩn, chậm biết nói và phát triển chậm về mọi mặt so với trẻ bình thường. Người ta gọi những trẻ em đó mắc chứng “nằm viện”, trong đó có nhiều trẻ tử vong. SV làm bài tập và giải các câu hỏi ở trên lớp. GV chữa bài trên Edmodo và ở lớp cho SV. Dựa vào kết quả làm bài trên Edmodo và trên lớp, GV chia học sinh thành nhóm nhỏ với tiêu chí có học sinh điểm cao, điểm khá, điểm trung bình, điểm dưới trung bình để hoạt động nhóm tự củng cố kiến thức bài học cho nhau. Bước 3: Sau giờ học trên lớp Kết thúc giờ học trên lớp, nếu những nội dung trao đổi trên lớp chưa hoàn thiện, GV sẽ hướng dẫn và giải đáp các thắc mắc của SV qua mạng. GV có thể giao thêm bài tập về nhà. Sau bước 3, GV chuyển sang bước 1 để tạo video bài giảng mới (Đặc điểm phát triển tâm lý trẻ hài nhi) hoặc bổ sung video bài giảng cũ sao cho phù hợp với trình độ tiếp thu bài giảng của SV hiện tại. SV cũng chuyển về bước 1 để nghiên cứu video bài giảng mới của GV. 3.2.3. Vai trò của bộ câu hỏi theo mô hình “lớp học đảo ngược” Trong mô hình lớp học đảo ngược, GV đưa câu hỏi cho SV nghiên cứu bài học ở nhà, SV tự học qua video bài giảng hoặc bài giảng trên mạng để thu nhận kiến thức. Đến lớp, GV chuẩn bị hệ thống các câu hỏi để SV suy nghĩ phát hiện kiến thức, phát triển nội dung bài học; đồng thời, khuyến khích SV động não tham gia thảo luận xoay quanh những ý tưởng, nội dung trọng tâm của bài học theo trật tự logic. Câu hỏi trong mô hình “lớp học đảo ngược” không chỉ kiểm tra đánh giá trình độ tiếp thu của người học mà qua đó nhằm giúp người học chiếm lĩnh kiến thức một cách chủ động ngay trong giờ học. Trong giờ học trên lớp, sử dụng câu hỏi là một trong những “cầu nối” cho sự tương tác giữa GV và SV trong quá trình dạy học. Sử dụng câu hỏi giúp GV không chỉ kiểm tra về kiến thức, kỹ năng của SV mà còn thu được những thông tin ngược để điều chỉnh các hoạt động dạy học cho phù hợp. Đối với câu hỏi ở nhà: Mục đích là muốn SV xem trước bài giảng để biết, hiểu các nội dung, kiến thức trong bài giảng lý thuyết. Vì vậy, các câu hỏi chỉ nên xoay quanh phần lý thuyết của bài giảng (trình bày, các định nghĩa…). Đối với câu hỏi trên lớp: Đến lớp là để thảo luận, giải bài tập, giải quyết các vấn đề chưa rõ. Vì vậy, các câu hỏi phải mang tính gợi mở giúp SV mở rộng, đào sâu kiến thức, liên tưởng với thực tiễn, sáng tạo ra cái mới cho bản thân; rèn luyện khả năng tư duy ở bậc cao hơn bao gồm “Ứng dụng”, “Phân tích”, “Tổng hợp” và “Đánh giá”. 105
  7. GDMN 4.0 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA 4. KẾT LUẬN Mô hình “lớp học đảo ngược” là quá trình hội tụ mọi kết quả nghiên cứu của các phương pháp dạy học truyền thống cũng như dạy học dựa trên máy tính. Học đảo ngược, SV tự quản lý, tổ chức việc học; linh hoạt trong học tập; chủ động kiểm soát việc tự học của mình; có thể tạm dừng, tua lại, xem video và thảo luận với bạn bè. Thay vì ngồi lắng nghe các GV giảng bài, SV có dành nhiều thời gian hoạt động hợp tác trao đổi. Do tăng số giờ thực hành thảo luận tại lớp, SV phát triển được kỹ năng trao đổi, kỹ năng diễn đạt suy nghĩ của mình. SV thường xuyên được GV kiểm tra đánh giá, nên biết kiến thức mình còn thiếu và yếu vấn đề gì và tự bổ sung trong quá trình tự học. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Hoàng Giang Quỳnh Anh (2014). Làm thế nào để đảo ngược lớp học. Tạp chí Công nghệ giáo dục Trường Đại học FPT, 4, 50-53. [2] Diệp Khanh, Võ Tiến Triều, Hồ Lan Ngọc. Mạng xã hội Edmodo: Một công cụ để đổi mới phương pháp dạy và học. http://thuvienso.bvu.edu.vn/bitstream/TVDHBRVT/14506/1/DiepKhanh.pdf. [3] Nguyễn Như Khương, Hoàng Thị Thu Hiền, Võ Đình Dương, Bùi Thị Bích, Nguyễn Thanh Thủy (2014). Giáo trình Kỹ năng mềm - Tiếp cận theo hướng sư phạm tương tác. NXB Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. [4] Nguyễn Văn Lợi (2014). Lớp học nghịch đảo - Mô hình dạy học kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, 34, 56-61. [5] Nguyễn Hoài Nam, Vũ Thái Giang (2017). Mô hình lớp học đảo trình trong bồi dưỡng kỹ năng CNTT cho sinh viên sư phạm, Tạp chí Khoa học dạy nghề, 43-44, 49-52. [6] Nguyễn Ánh Tuyết, Nguyễn Thị Như Mai (2009). Giáo trình Sự phát triển tâm lý trẻ em lứa tuổi mầm non. NXB Giáo dục. [7] Nguyễn Thị Vân (2014). Mô hình lớp học đảo ngược. Tạp chí Công nghệ giáo dục, Trường Đại học FPT, 4, 46-49. [8] Nguyễn Thị Vân (2014). 50 công cụ hữu ích cho giáo viên. Tạp chí Công nghệ giáo dục Trường Đại học FPT, 4, 54-58. [9] Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - Trung tâm Thông tin tư liệu (2018). Tác động cách mạng công nghiệp 4.0 đến phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam. http://www.ciem.org.vn/Content/files/2018/vnep2018/C%C4%9010%20- %20T%C3%A1c%20%C4%91%E1%BB%99ng%20CMCN%204_0%20%C4%91%E1%BA %BFn%20ngu%E1%BB%93n%20nh%C3%A2n%20l%E1%BB%B1c%20VN-converted.pdf. Title: APPLYING THE FLIPPED CLASSROOM MODEL TO INNOVATE TEACHING THE MODULE “CHILD PSYCHOLOGY” Nguyen Thi Hong Lam Ba Ria - Vung Tau Teacher Training College honglamcdspbrvt@gmail.com Abstract: Information technology is providing teachers with more options to increase the effectiveness of their teaching. “Flipped classroom” allows learners to access the lessons and learning resources outside the classroom, so enhance learners’ autonomy in the classroom. This article presents this classroom model as well as its implementation in teaching the module "Child psychology" to students of Preschool Education. Keywords: Flipped classroom, Teaching innovation, Child Psychology. 106
nguon tai.lieu . vn