Xem mẫu

  1. 255 VẤN ĐỀ NGUỒN NHÂN LỰC VÀ ĐA DẠNG HOẠT ĐỘNG Ở CÁC THIẾT CHẾ VĂN HÓA XÃ PGS.TS. VÕ VĂN THẮNG* TS. NGUYỄN TRUNG HIẾU** X ác định vai trò quan trọng của văn hóa, trong suốt quá trình xây dựng, phát triển đất nước sau thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều nghị quyết, chiến lược, đề án, kế hoạch,... xây dựng, bảo tồn và phát triển đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, nhất là ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số. Trong thời gian qua, lĩnh vực văn hóa, việc xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho người dân đạt được những thành tựu to lớn. Tuy nhiên, còn một số hạn chế cần phải có sự điều chỉnh chính sách, kế hoạch,... về văn hóa cho kịp thời, phù hợp với xu thế phát triển bền vững. Từ thực địa nghiên cứu ở địa phương, chúng tôi nhận thấy, hoạt động văn hóa phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho người dân vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số thông qua các thiết chế văn hóa - nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, điểm sinh hoạt văn hóa,... ở một số địa phương thời gian qua có những bất cập. Các thiết chế và hoạt động văn hóa cấp cơ sở chưa phát huy hết vai trò, chức năng như mong muốn. Hạn chế này do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân căn bản nhất là vấn đề nguồn nhân lực phụ trách văn hóa xã và vận hành các thiết chế văn hóa, chính sách đối với nguồn nhân lực, mô hình và kế hoạch hoạt động... Thiết nghĩ, trong thời gian tới, nếu không giải quyết tốt vấn đề nguồn nhân lực, chế độ chính sách đối với nguồn nhân lực và đa dạng hóa mô hình hoạt động văn hóa ở cơ sở thì việc xây dựng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số gắn với xây dựng nông thôn mới sẽ còn nhiều khó khăn, bất hợp lý; gây lãng phí rất nhiều các thiết chế văn hóa (nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, điểm sinh hoạt văn hóa,...) đã được đầu tư xây dựng. _______________ * Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. ** Giảng viên Khoa Du lịch và Văn hóa - Nghệ thuật, Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
  2. 256 KỶ YẾU HỘI NGHỊ VĂN HÓA TOÀN QUỐC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT... 1. Vấn đề nguồn nhân lực và chính sách đối với nguồn nhân lực Vấn đề quan tâm nhất hiện nay đối với việc xây dựng chiến lược nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân nói chung, người dân vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số nói riêng là vấn đề nguồn nhân lực. Đây là khâu then chốt để vực dậy các hoạt động văn hóa, tạo ra “đời sống văn hóa tinh thần” ở các thiết chế văn hóa và quan trọng hơn là gìn giữ được các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của người dân nông thôn, dân tộc thiểu số. Vấn đề nguồn lực con người trong việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, triết học, xã hội học, chính trị,... đề cập. Tất cả đều khẳng định rằng, nguồn nhân lực văn hóa - con người cá nhân và cộng đồng là chủ thể của việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Nguồn lực con người không chỉ thúc đẩy việc giữ gìn, phát triển văn hóa rất hiệu quả mà còn là nguồn gốc của sự phát triển kinh tế - xã hội: “Động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội đã, đang và ngày càng chủ yếu là tiềm năng sáng tạo to lớn của nguồn lực con người - đó là tiềm lực văn hóa”1. Một quan điểm khác cũng khẳng định vai trò quan trọng của nguồn nhân lực trong vấn đề phát triển văn hóa - xã hội: “Khi coi văn hóa là giải pháp quan trọng nhất trong sự phát triển xã hội ta ngày nay, Đảng ta đã nhận thức sâu sắc rằng, giải pháp văn hóa hội đủ cả sự phát triển của lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất, quan hệ xã hội, các vấn đề của hạ tầng cơ sở và thượng tầng kiến trúc mà trung tâm là các vấn đề của con người”2. Những vấn đề mang tính lý luận này hoàn toàn sát hợp, cấp thiết với thực trạng giữ gìn và phát triển văn hóa dân tộc hiện nay nói chung, xây dựng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số nói riêng. Tuy nhiên, thông qua một số nghiên cứu và thực tế, thời gian qua chúng tôi nhận thấy đúng như một số nhà nghiên cứu khác khẳng định: “trình độ lãnh đạo và quản lý văn hóa ở nông thôn còn rất thấp”3. Căn cứ trên nghiên cứu điền dã, quan sát trong nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh An Giang và một số địa phương vùng Nam Bộ, chúng tôi nhận thấy thực trạng về nguồn nhân lực đảm nhiệm các hoạt động văn hóa ở các thiết chế văn hóa cấp xã như nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng,... còn nhiều hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ. Qua khảo sát, phỏng vấn của chúng tôi, cán bộ văn hóa cấp xã ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về văn hóa để đảm nhận công tác chuyên môn còn hạn chế. Trước đây, phần lớn cán bộ phụ trách văn hóa xã chưa đạt trình độ bậc cao đẳng hay đại học; một số địa phương cán bộ đạt _______________ 1. Văn Đức Thanh (Chủ biên): Giáo trình triết học văn hóa, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.200. 2, 3. Đỗ Huy: Văn hóa Việt Nam trên con đường giải phóng, đổi mới, hội nhập và phát triển, Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2013, tr.361, 222.
  3. Phần thứ nhất: THAM LUẬN CỦA CÁC CHUYÊN GIA, NHÀ KHOA HỌC... 257 trình độ cao đẳng, đại học nhưng không đúng chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực văn hóa. Với thực trạng như vậy nên không thể tạo ra nhiều hoạt động văn hóa ở các thiết chế văn hóa xã nhằm tạo sân chơi, thưởng thức văn hóa cho người dân vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số. Theo thống kê của Nguyễn Hồng Ân (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Nai), năm 2016, toàn tỉnh Đồng Nai có 742 cán bộ, công chức, người lao động làm việc tại trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng cấp xã, trong đó: Thạc sĩ có 1 người (chiếm 0,13%); trình độ đại học có 459/742 người (chiếm 61,85%), trong đó trình độ đại học ngành quản lý văn hóa có 71/742 người (tỷ lệ 9,56%), đại học ngành khác có 388/742 người (tỷ lệ 52,29%). Trình độ cao đẳng có 57/742 người (tỷ lệ 7,6%), trong đó tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành quản lý văn hóa có 16/742 người, đạt tỷ lệ 2,15%; cao đẳng ngành khác có 41/742 người, đạt tỷ lệ 5,52%. Trình độ trung cấp có 117/742 người, đạt tỷ lệ 15,56%, trong đó trung cấp ngành quản lý văn hóa có 15/742 người, đạt tỷ lệ 2,02%; trung cấp ngành khác có 102/742 người, đạt tỷ lệ 13,74%. Trình độ sơ cấp có 3/742 người, chiếm tỷ lệ 0,4%, trong đó sơ cấp ngành quản lý văn hóa có 1/742 người, chiếm tỷ lệ 0,13%; sơ cấp ngành khác có 2/742 người, đạt tỷ lệ 0,26%, trình độ phổ thông có 105/742 người, chiếm tỷ lệ 14,15%. Đi vào thống kê cụ thể hơn, đối với các vị trí giám đốc trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng ở phường, xã, thị trấn, có 117/124 người có trình độ đại học, đạt tỷ lệ 94,35% nhưng đúng chuyên ngành quản lý văn hóa chỉ có 10/117 người, đạt tỷ lệ 8,54%. Tương tự như vậy, ở vị trí phó giám đốc (cán bộ, công chức văn hóa - xã hội xã, phường) có 87/119 người có trình độ đại học, đạt tỷ lệ 73,10%, tuy nhiên trình độ đại học chuyên ngành quản lý văn hóa có 54/87người, đạt tỷ lệ 62,06%1. Qua số liệu thống kê sơ bộ cho thấy, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ văn hóa cơ sở còn hạn chế. Chính vì vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động trên lĩnh vực quản lý và tổ chức các hoạt động tuyên truyền, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi giải trí tại các trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng cấp xã trên địa bàn tỉnh Đồng Nai2. _______________ 1. Theo Nguyễn Hồng Ân: “Thực trạng và giải pháp nâng cao hoạt động trung tâm văn hóa thể thao - học tập cộng đồng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”, kỷ yếu Hội thảo khoa học Nâng cao chất lượng thiết chế văn hóa cơ sở cấp xã đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa cộng đồng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Cục Công tác phía Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức tại thành phố Vũng Tàu, 2016, tr.15. 2. Theo Nguyễn Hồng Ân: “Thực trạng và giải pháp nâng cao hoạt động trung tâm văn hóa thể thao - học tập cộng đồng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”, kỷ yếu Hội thảo khoa học Nâng cao chất lượng thiết chế văn hóa cơ sở cấp xã đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa cộng đồng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch - Cục Công tác phía Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức tại thành phố Vũng Tàu, 2016, tr.18.
  4. 258 KỶ YẾU HỘI NGHỊ VĂN HÓA TOÀN QUỐC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT... Tuy không thống kê cụ thể, nhưng vấn đề nguồn nhân lực còn yếu và thiếu trong hoạt động văn hóa cơ sở cũng là thực trạng đã diễn ra ở tỉnh Bình Dương: “Về công tác tổ chức cán bộ, trong thực tế hầu hết cán bộ phụ trách các thiết chế văn hóa cơ sở đều là kiêm nhiệm, cộng tác viên nghiệp vụ chuyên môn còn thiếu và yếu, nguồn nhân lực tại chỗ không đáp ứng yêu cầu. Vấn đề đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cơ sở hiện nay còn nhiều bất cập”1. Tương tự các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, một số địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng tồn tại hạn chế về nguồn nhân lực có chuyên môn, nghiệp vụ, gây khó khăn cho các hoạt động văn hóa ở thiết chế văn hóa xã. Theo tác giả Lư Quang Bình, ở tỉnh Hậu Giang, một trong những khó khăn quan trọng dẫn đến tình trạng các thiết chế văn hóa xã, phường, thị trấn hoạt động không hiệu quả là: “Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ và cộng tác viên của trung tâm văn hóa thông tin xã còn hạn chế, nên việc tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng trung tâm văn hóa thông tin xã gặp nhiều khó khăn và lúng túng”2. Theo thống kê vào năm 2016, tỉnh Tiền Giang có 106 thiết chế văn hóa - thể thao cấp xã, trong đó có 50 trung tâm văn hóa - thể thao và 56 nhà văn hóa. Tuy nhiên, hoạt động của các trung tâm văn hóa - thể thao và nhà văn hóa xã trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế, trong đó, nguyên nhân do đội ngũ cán bộ chuyên môn còn thiếu và yếu, đặc biệt là còn lúng túng trong phương thức hoạt động, mô hình hoạt động. Từ đó dẫn đến nhiều trung tâm văn hóa - thể thao, nhà văn hóa xã hoạt động còn mang tính thời vụ, phong trào, không tổ chức được các hoạt động mang tính định kỳ hằng tuần, hằng tháng, hằng quý nhằm tạo thói quen sinh hoạt văn hóa - thể thao của nhân dân tại địa phương3. Là người trực tiếp phụ trách trung tâm văn hóa - thể thao xã, Huỳnh Tất Đạt, công tác tại xã Long Thuận, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang cho biết: “Sau khi thành lập trung tâm văn hóa - thể thao, Ủy ban nhân dân xã ra quyết định kiện toàn Ban Chủ nhiệm gồm 7 thành viên đều kiêm nhiệm. Trong đó, một số thành viên chưa qua đào tạo các lớp về quản lý văn hóa mà chủ yếu chỉ qua đào tạo các lớp tập huấn về quản lý nhà nước hoặc trung cấp, đại học các chuyên ngành khác theo yêu cầu của _______________ 1. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương: “Nâng cao chất lượng hoạt động thiết chế văn hóa - thể thao cấp xã đáp ứng yêu cầu phát triển cộng đồng”, kỷ yếu Hội thảo khoa học Nâng cao chất lượng thiết chế văn hóa cơ sở cấp xã đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa cộng đồng, Sđd, tr.59. 2. Lư Quang Bình: “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng trung tâm văn hóa - thể thao xã trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”, kỷ yếu Hội thảo khoa học Nâng cao chất lượng thiết chế văn hóa cơ sở cấp xã đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa cộng đồng, Sđd, tr.34. 3. Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang: “Mô hình hoạt động trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã, nhà văn hóa cấp xã”, kỷ yếu Hội thảo khoa học Nâng cao chất lượng thiết chế văn hóa cơ sở cấp xã đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa cộng đồng, Sđd, tr.73.
  5. Phần thứ nhất: THAM LUẬN CỦA CÁC CHUYÊN GIA, NHÀ KHOA HỌC... 259 từng ngành, lĩnh vực1. Chính điều này đã dẫn đến thực trạng: “cán bộ nghiệp vụ có chuyên môn về văn hóa thể thao hiện gặp khó khăn về số lượng và chất lượng, các cộng tác viên thường xuyên cũng hạn chế”2. Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, tính đến tháng 9/2016 có 25 trung tâm văn hóa - học tập cộng đồng cấp xã và 83 nhà văn hóa - khu thể thao ấp. Quá trình vận hành các thiết chế văn hóa này còn tồn tại nhiều khó khăn, trong đó: “lực lượng cộng tác viên mỏng nên chưa phát huy được hiệu quả hoạt động; đội ngũ cán bộ điều hành, quản lý văn hóa kiêm nhiệm, thiếu chuyên sâu”3. Theo thông tin của trung tâm văn hóa - thể thao xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ về thực trạng công tác văn hóa ở xã thì: “đội ngũ cán bộ Trung tâm trình độ còn hạn chế, chưa được đào tạo hay tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ”4. Tương tự như xã Trường Xuân, xã Trí Phải (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) cũng trong tình trạng như vậy: “Một yếu tố mâu thuẫn nữa là tiêu chuẩn Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã là quy định có nhiều phòng chức năng nhưng không có cơ chế bố trí cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ thì vấn đề phát huy công năng, hiệu quả là một việc rất khó có thể thực hiện”5. Qua những dẫn chứng điển hình ở một số địa phương, chính tiếng nói của người trong cuộc từ tỉnh đến xã đã cho thấy rõ tình trạng thời gian qua, việc thiếu nguồn nhân lực có trình độ, chuyên môn vận hành các thiết chế văn hóa ở xã dẫn đến hệ quả chưa thể tạo ra nhiều hoạt động văn hóa tinh thần phục vụ người dân. Bên cạnh thực trạng cán bộ phụ trách văn hóa cấp xã không được đào tạo đúng chuyên môn, nghiệp vụ thì ở một số địa phương còn có tình trạng cán bộ phụ trách lĩnh vực văn hóa không chuyên trách mà là kiêm nhiệm. Chính vì không có cán bộ chuyên trách, chỉ kiêm nhiệm, cán bộ làm quá nhiều việc mang tính hành chính... nên không thể chủ động đề ra kế hoạch hoạt động văn hóa phục vụ tốt đời sống người dân địa phương trong thời gian dài. Điều đó dẫn đến tình trạng nhiều năm qua, các _______________ 1, 2. Huỳnh Tất Đạt: “Trung tâm văn hóa - thể thao xã Long Thuận - một chặng đường hình thành và phát triển”, kỷ yếu Hội thảo khoa học Nâng cao chất lượng thiết chế văn hóa cơ sở cấp xã đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa cộng đồng, Sđd, tr.86, 91. 3. Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Đồng Tháp: “Những giải pháp và kiến nghị để giải quyết những khó khăn, vướng mắc về kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị của thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp”, kỷ yếu Hội thảo khoa học Nâng cao chất lượng thiết chế văn hóa cơ sở cấp xã đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa cộng đồng, Sđd, tr.150. 4. Trung tâm văn hóa - thể thao xã Trường Xuân (huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ): “Nâng cao chất lượng hoạt động Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ”, kỷ yếu Hội thảo khoa học Nâng cao chất lượng thiết chế văn hóa cơ sở cấp xã đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa cộng đồng, Sđd, tr.155. 5. Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã Trí Phải (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau): “Nâng cao chất lượng thiết chế ở cơ sở đáp ứng nhu cầu phát triển văn hóa cộng đồng”, kỷ yếu Hội thảo khoa học Nâng cao chất lượng thiết chế văn hóa cơ sở cấp xã đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa cộng đồng, Sđd, tr.165.
  6. 260 KỶ YẾU HỘI NGHỊ VĂN HÓA TOÀN QUỐC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT... thiết chế văn hóa (nhà văn hóa; trung tâm văn hóa; sân khấu biểu diễn; sân bóng đá, bóng chuyền)... ở cấp xã được đầu tư xây dựng bị xuống cấp nghiêm trọng, một số nơi “chuyển đổi công năng” nhà văn hóa thành “nhà kho”, thành sân phơi nông sản,... Ngoài ra, nhiều thiết bị phục vụ văn hóa mà ngành Văn hóa các cấp đầu tư mua sắm hỗ trợ cho địa phương trong nhiều chương trình đã bị hư hỏng, không còn khả năng sử dụng. Thực tế cho thấy, ở một số xã, các nhạc cụ dân tộc độc đáo của loại hình nghệ thuật như Dì kê, Ngũ âm,... của người Khmer trên địa bàn tỉnh An Giang và một số địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long được đầu tư mua sắm phục vụ các hoạt động nghệ thuật đã bị hư hỏng vì không được bảo quản tốt khi lưu giữ ở nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng do thời gian dài không hoạt động. Một số sản phẩm văn hóa vật thể của các dân tộc thiểu số vùng Đông Nam Bộ cũng tương tự như vậy. Thực trạng trên xuất phát từ nguyên nhân không có nguồn nhân lực chuyên môn, nghiệp vụ về văn hóa đảm trách nên không thiết lập được các hoạt động văn hóa thường xuyên phục vụ người dân nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số. Việc thiếu nguồn nhân lực để tạo ra kế hoạch hoạt động còn là tác nhân khiến nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian của người Việt, đồng bào dân tộc thiểu số bị mai một; những người lưu truyền các loại hình nghệ thuật dân gian một thời gắn liền với đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng hiện nay không còn hoạt động. Điển hình cho sự mai một của nghệ thuật dân gian xuất phát từ nguyên nhân nguồn nhân lực và do thiếu các hoạt động văn hóa là loại hình nghệ thuật Dì kê của đồng bào Khmer ở xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Theo chị Neáng K. Th. - một diễn viên truyền thừa của nghệ nhân dân gian nghệ thuật Dì kê (ông Chau Mon Sa Rây và bà Néang Osk), cha mẹ chị là những người từ lâu giữ gìn nghệ thuật dân gian của dân tộc Khmer ở An Giang. Nghệ thuật dân gian này cách nay 10 năm vẫn còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Khmer thông qua nhiều buổi biểu diễn trong phum, sóc,... Nhưng đến nay, tất cả mấy chục diễn viên của đội nghệ thuật dân gian này và chính bản thân bà Néang Osk, chị Néang K. Th đành phải bỏ nghề, vì không có nơi diễn, không có hoạt động văn hóa để diễn xuất phục vụ bà con Khmer1. Các bài ca, đạo cụ,... của nghệ thuật Dì kê đến nay đã “chết” hẳn, muốn phục hồi lại phải tốn rất nhiều chi phí và thời gian. Tương tự như Dì kê, nhạc Ngũ âm của người Khmer ở An Giang và một số địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng không có điều kiện để biểu diễn phục vụ đời sống tinh thần cho người dân. Bà con Khmer đành cất những đạo cụ nhạc Ngũ âm ở những ngôi chùa, với điều kiện lưu giữ không được tốt. Ở một trường hợp khác, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của cộng đồng người Mạ, Chơ-ro, X’Tiêng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai nhiều năm qua đã và đang _______________ 1. Nguyễn Trung Hiếu, trích tư liệu điền dã ngày 13/12/2020.
  7. Phần thứ nhất: THAM LUẬN CỦA CÁC CHUYÊN GIA, NHÀ KHOA HỌC... 261 đứng trước nguy cơ mai một. Người Mạ, Chơ-ro, X’Tiêng ở tỉnh Đồng Nai có nhiều văn hóa vật thể và phi vật thể rất độc đáo. Chẳng hạn như: Kiến trúc nhà dài, trang phục truyền thống, công cụ lao động - vật dụng sinh hoạt, âm nhạc, nhạc cụ truyền thống (cồng, chiêng, đàn tre, kèn, sáo...), dân ca,... Những sản phẩm văn hóa này một thời đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng dân tộc nơi đây. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác bảo tồn các giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai còn những hạn chế nhất định, mà nguyên nhân là do thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ am hiểu về văn hóa tộc người và vận hành các thiết chế văn hóa trong cộng đồng dân tộc đã được Nhà nước đầu tư xây dựng. Do vậy mà: “Thế hệ trẻ người Mạ, Chơ-ro, X’Tiêng biết đến diễn xướng nhạc cụ rất ít. Riêng cồng, chiêng, nhiều buôn làng người Mạ, Chơ-ro, X’Tiêng không còn, chỉ một số buôn làng hiện có loại nhạc cụ này từ sự hỗ trợ của nhà nước”1. Sở dĩ các sản phẩm - giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc Mạ, Chơ-ro, X’Tiêng ngày càng mất mát lớn như vậy một phần là do không có nơi cho nó tồn tại và trình diễn: “Nhiều thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng như nhà văn hóa dân tộc, nhà dài, nhà sinh hoạt cộng đồng... Một số địa bàn, các thiết chế hoạt động không hiệu quả, không thu hút người dân tham gia vì nhiều nguyên do từ cơ chế, nhân lực đến nội dung, phương thức sinh hoạt”2. Ngày nay, nghệ thuật dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số không có “đất sống” và dần mai một do nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất là nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn vận hành các hoạt động văn hóa ở cơ sở. Do vậy mà không thể tạo ra nhiều hoạt động văn hóa ở các thiết chế văn hóa (nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng dân tộc Khmer như thala3, chùa, nhà dài,...) để phục vụ người dân. Sau một thời gian dài dẫn đến các loại hình nghệ thuật dân gian vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số không còn tồn tại, trong khi người dân chưa có nhiều cơ hội thụ hưởng các hoạt động văn hóa tinh thần gần gũi nơi họ sinh sống. Bên cạnh vấn đề hạn chế nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn phục vụ các hoạt động văn hóa ở cơ sở thì một vấn đề khác liên quan cần phải quan tâm, chúng _______________ 1. Phan Đình Dũng: “Bảo tồn và phát huy loại hình âm nhạc truyền thống của người Mạ, Chơ-ro, X’Tiêng ở Đồng Nai - một góc nhìn”, kỷ yếu Hội thảo khoa học Giáo dục và truyền thông với việc phát huy văn hóa dân gian Đông Nam Bộ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai và Hội Văn học, nghệ thuật Đồng Nai đồng tổ chức, Đồng Nai, 2013, tr.159. 2. Phan Đình Dũng: “Bảo tồn và phát huy loại hình âm nhạc truyền thống của người Mạ, Chơ-ro, X’Tiêng ở Đồng Nai - một góc nhìn”, kỷ yếu Hội thảo khoa học Giáo dục và truyền thông với việc phát huy văn hóa dân gian Đông Nam Bộ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai và Hội Văn học, nghệ thuật Đồng Nai đồng tổ chức, Đồng Nai, 2013, tr.162. 3. “Thala” là một nhà trạm dừng nghỉ chân trong phum, sóc của người Khmer. Một số thala được xây cất rộng rãi, trở thành nơi sinh hoạt văn hóa của người Khmer ở Nam Bộ.
  8. 262 KỶ YẾU HỘI NGHỊ VĂN HÓA TOÀN QUỐC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT... tôi cho rằng, nó có mối quan hệ chặt chẽ với tinh thần, trách nhiệm của cán bộ phụ trách văn hóa ở cơ sở. Đó là chính sách đối với cán bộ văn hóa cấp xã. Theo điều tra sơ bộ của chúng tôi trong nhiều năm qua bằng cách thức phỏng vấn sâu, tìm hiểu qua các mối quan hệ công tác giữa cán bộ văn hóa cấp xã,... nhận thấy rằng, chính sách tiền lương của Nhà nước đối với cán bộ văn hóa cấp xã thời gian qua và hiện nay còn thấp, thậm chí có những bất cập. Với mức thu nhập thấp như vậy thì khó có thể vực dậy tinh thần, trách nhiệm, sự sáng tạo của người phụ trách các hoạt động văn hóa ở cơ sở. Trong quá trình điền dã, chúng tôi còn chứng kiến nhiều thực trạng, băn khoăn đối với chế độ tiền lương dành cho cán bộ văn hóa xã. Nhiều cán bộ văn hóa xã ở nông thôn, vùng dân tộc thiểu số cho chúng tôi biết, họ phải làm thêm nhiều công việc như: xạ phân mướn, phun thuốc mướn,... để tăng thu nhập cho cuộc sống, vì thu nhập từ tiền lương của cán bộ hợp đồng không thể nuôi sống được gia đình và bản thân họ. Dù rằng, về chuyên môn, nghiệp vụ của họ có thể đảm bảo được chất lượng hoạt động văn hóa ở cơ sở. Với chế độ tiền lương dành cho cán bộ phụ trách văn hóa xã thấp thì không thể nào tạo ra được các hoạt động văn hóa thường xuyên, đem lại sự phong phú về đời sống tinh thần cho người dân vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số. Do vậy, thiết nghĩ thời gian tới, trong quá trình xây dựng, phát triển xã hội lấy: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”1 thì trước nhất, chúng ta cần phải có những chính sách phù hợp về chế độ tiền lương đối với cán bộ văn hóa cấp xã để góp phần quan trọng vực dậy tinh thần, trách nhiệm, tạo ra nhiều hoạt động văn hóa ở cơ sở. Như C.Mác đã nói: “Con người trước hết cần phải ăn, uống, chỗ ở và mặc đã rồi mới có thể làm chính trị, khoa học, nghệ thuật, tôn giáo và v.v. được”2. Bên cạnh việc thực hiện các chính sách tiền lương phù hợp đối với cán bộ văn hóa cấp xã là việc thực hiện công tác đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ văn hóa ở cơ sở. Có như vậy mới vực dậy được các hoạt động văn hóa, đa dạng hóa đời sống tinh thần của người dân nông thôn, dân tộc thiểu số gắn với Chương trình Xây dựng nông thôn mới hiện nay; phát huy chức năng của các thiết chế văn hóa cơ sở mà Nhà nước đã đầu tư xây dựng. Ngoài ra, còn có một thực tế là ở một số địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, cán bộ phụ trách văn hóa xã không phải là người dân tộc thiểu số. Điều này gây nhiều khó khăn cho việc thực hiện các hoạt động văn hóa để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân cũng như bảo tồn các giá trị văn hóa tộc người trên địa bàn. Đây cũng là vấn đề cần phải quan tâm, vì nguồn nhân lực hoạt _______________ 1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2015, t.57, tr.303. 2. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, t.19, tr.500.
  9. Phần thứ nhất: THAM LUẬN CỦA CÁC CHUYÊN GIA, NHÀ KHOA HỌC... 263 động văn hóa phải phù hợp với đặc thù vùng dân tộc, tôn giáo,... mới có thể thực hiện tốt các hoạt động văn hóa, am hiểu và giữ gìn được các giá trị văn hóa của cộng đồng, xa hơn, qua đó làm “cầu nối” tuyên truyền chính sách của Đảng, Nhà nước với đồng bào dân tộc, tôn giáo... Tiếp cận từ thực trạng nguồn nhân lực, chúng tôi cho rằng, trong thời gian tới, để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số thì cần phải “chất lượng hóa” nguồn nhân lực hoạt động văn hóa cấp xã. Bên cạnh việc tăng cường đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, chúng ta cần phải tính toán đến việc thu hút nguồn nhân lực được đào tạo đúng chuyên môn, chuyên ngành phù hợp đảm nhiệm công tác văn hóa ở xã. Hằng năm, lượng sinh viên các trường đại học tốt nghiệp các ngành như: Việt Nam học, Sử học, Văn hóa học, Quản lý văn hóa, Văn hóa các dân tộc thiểu số,... là khá lớn. Nguồn lực này hoàn toàn có thể đảm trách tốt các hoạt động văn hóa cấp xã. Có như vậy mới có thể cải thiện, nâng cao được chất lượng về đời sống văn hóa tinh thần cho người dân vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số hiện nay và thời gian tới. Bên cạnh đó, nguồn lực này sẽ thực hiện được công tác giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số trước nguy cơ mai một như hiện nay. 2. Vấn đề đa dạng hoạt động ở các thiết chế văn hóa xã Việc xây dựng các thiết chế văn hóa (nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, sân bóng đá, bóng chuyền, điểm sinh hoạt văn hóa,...) ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số để nâng cao đời sống tinh thần, sức khỏe cho người dân là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Các thiết chế văn hóa này cũng phù hợp với Chương trình Xây dựng nông thôn mới hiện nay. Tuy nhiên, thời gian qua, khi hoàn thành các thiết chế văn hóa này thì việc quản lý, hoạt động ở các thiết chế đó không hiệu quả như mong đợi. Trong nhiều năm, chúng tôi có dịp thực địa về các địa bàn vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số và ngay cả nơi đô thị, nhiều nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, điểm sinh hoạt văn hóa,... mà Trung ương và tỉnh, huyện đầu tư xây dựng đã bị xuống cấp, hư hại nghiêm trọng. Bên cạnh việc hư hại về cơ sở vật chất, nhiều trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động văn hóa được đầu tư từ nguồn kinh phí nhà nước cũng bị hư hỏng. Sở dĩ có thực trạng như vậy, bên cạnh nguyên nhân thiếu nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ cho các hoạt động văn hóa là thiếu một mô hình, kế hoạch hoạt động cụ thể, thường xuyên, lâu dài và hiệu quả ở các thiết chế văn hóa này. Qua thực tế điền dã, phỏng vấn sâu, quan sát, theo dõi của chúng tôi thời gian qua và hiện nay, nhận thấy, các thiết chế văn hóa ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số chưa đặt ra được một mô hình, kế hoạch hoạt động cụ thể, hiệu quả theo từng năm hoặc về lâu dài. Những nội dung như: nhà văn hóa, trung tâm văn hóa,...
  10. 264 KỶ YẾU HỘI NGHỊ VĂN HÓA TOÀN QUỐC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT... hoạt động như thế nào, cần có sự kiện gì,... trong tháng, trong quý, trong năm,... để cộng đồng tham gia, thưởng thức chưa được quan tâm, thực hiện. Như đã đề cập, sở dĩ có những hạn chế về hoạt động như vậy do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân căn bản nhất vẫn là nguồn nhân lực có chuyên môn và chưa có sự quan tâm sâu sát của các cấp lãnh đạo địa phương, của ngành Văn hóa từ tỉnh đến cơ sở. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hoạt động văn hóa ở các thiết chế văn hóa vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh An Giang và một số địa phương vùng Nam Bộ chỉ tập trung vào thời điểm Tết Nguyên đán hoặc các ngày lễ lớn trong năm (nhưng phần lớn không và ít hoạt động). Với tần suất hoạt động ít như vậy nên các thiết chế văn hóa xã xuống cấp, chuyển đổi công năng thành “nhà kho”, sân phơi nông sản,... là điều tất yếu xảy ra. Vì vậy, vấn đề xây dựng mô hình, kế hoạch hoạt động cụ thể, thường xuyên ở các thiết chế văn hóa cấp xã trong thời gian tới là rất cần thiết, nhằm đảm bảo đời sống văn hóa tinh thần cho người dân vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số về lâu dài; qua đó cũng góp phần làm “sống dậy” các thiết chế văn hóa cơ sở như đúng chức năng của nó. Việc xây dựng mô hình, kế hoạch hoạt động này cần phải gắn với đặc thù địa phương và đặt trong sự liên kết chặt chẽ với các kế hoạch hoạt động văn hóa ở cấp huyện và tỉnh. Theo chúng tôi, trong chiến lược xây dựng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới hiện nay và về lâu dài, địa phương và ngành Văn hóa các cấp cần phải xây dựng cụ thể mô hình, kế hoạch hoạt động cho các thiết chế văn hóa cấp xã. Chẳng hạn như: Xây dựng các hoạt động giải trí hằng tháng, hằng quý hoặc vào các ngày lễ lớn trong năm; thành lập và tăng cường hoạt động của các câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật như: Đờn ca tài tử (người Việt), hát Dì kê, nhạc Ngũ âm (người Khmer); các câu lạc bộ thể dục - thể thao; những hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật của huyện, tỉnh,... thường xuyên về vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số biểu diễn; xã hội hóa các hoạt động văn hóa để hằng tháng, hằng quý có thể diễn ra các hoạt động,... Những hoạt động này nhằm mục đích vừa làm “sống lại” các thiết chế văn hóa cơ sở vừa giữ gìn các loại hình nghệ thuật dân gian của người Việt, các tộc người khác để bản thân nó và chủ thể kế thừa không bị phai nhạt, mai một - thực trạng đã từng diễn ra trước đây và hiện tại. Nếu không có các mô hình, kế hoạch hoạt động cụ thể thì mọi ý muốn làm “sống lại” các thiết chế văn hóa cấp xã, hay tạo ra sự hưởng thụ văn hóa tinh thần cho người dân nông thôn, dân tộc thiểu số trong xây dựng đời sống văn hóa hiện nay gắn với Chương trình Xây dựng nông thôn mới khó có thể đạt được kết quả, chất lượng thật sự. * * *
  11. Phần thứ nhất: THAM LUẬN CỦA CÁC CHUYÊN GIA, NHÀ KHOA HỌC... 265 Xây dựng đời sống văn hóa nói chung, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân vùng nông thôn, dân tộc thiểu số nói riêng, trước tiên cần phải xây dựng được nguồn nhân lực có chuyên môn, nghiệp vụ. Nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn sẽ tạo ra nhiều hoạt động văn hóa phù hợp. Có như vậy thì đời sống văn hóa tinh thần của người dân vùng nông thôn, dân tộc thiểu số mới được nâng cao, giữ gìn được các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc trước nguy cơ mai một. Thông qua các hoạt động văn hóa thường xuyên, các thiết chế văn hóa sẽ tận dụng hết công năng, tránh xuống cấp, hư hỏng; các dụng cụ, nhạc cụ và giá trị văn hóa truyền thống của người Việt và đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được bảo tồn và phát huy. Việc xây dựng nguồn nhân lực có chuyên môn cho hoạt động văn hóa cơ sở cần phải đảm bảo được chính sách đối với cán bộ văn hóa. Căn cứ trên chế độ tiền lương, chính sách biên chế trong giai đoạn vừa qua và hiện nay, việc đòi hỏi chất lượng cho các hoạt động văn hóa ở cơ sở là rất khó. Bên cạnh đó, để tăng cường hoạt động văn hóa ở các thiết chế văn hóa cơ sở, đòi hỏi phải thiết lập được mô hình, kế hoạch hoạt động cụ thể, thường xuyên, bền vững, phù hợp với đặc thù văn hóa ở mỗi địa phương như dân tộc, tôn giáo... Đây là vấn đề lớn, cần có sự quan tâm chặt chẽ của lãnh đạo cơ sở, của ngành Văn hóa các cấp chứ không thể cá nhân cán bộ văn hóa xã có thể thực hiện tốt. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, ngành Văn hóa cần phải nghiên cứu xây dựng được mô hình, kế hoạch hoạt động cụ thể và có sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể các cấp. Cụ thể như: Kế hoạch hoạt động hằng năm của trung tâm văn hóa tỉnh, trung tâm văn hóa huyện, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân... phải đặt ra hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật ở các xã nông thôn, dân tộc thiểu số, gắn với các câu lạc bộ văn hóa, thể dục - thể thao ở địa phương,... Có như vậy mới đem lại đời sống văn hóa tinh thần thật sự cho người dân vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số gắn với Chương trình Xây dựng nông thôn mới hiện nay. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Dương Phú Hiệp (Chủ biên): Cơ sở lý luận và phương pháp luận nghiên cứu văn hóa và con người Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2012. [2] Đỗ Huy: Văn hóa Việt Nam trên con đường giải phóng, đổi mới, hội nhập và phát triển, Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2013. [3] Huỳnh Tất Đạt: “Trung tâm văn hóa - thể thao xã Long Thuận - một chặng đường hình thành và phát triển”, kỷ yếu Hội thảo khoa học Nâng cao chất lượng thiết chế văn hóa cơ sở cấp xã đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa cộng đồng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Cục Công tác phía Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại thành phố Vũng Tàu, 2016.
  12. 266 KỶ YẾU HỘI NGHỊ VĂN HÓA TOÀN QUỐC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT... [4] Lư Quang Bình: “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng trung tâm văn hóa - thể thao xã trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”, kỷ yếu Hội thảo khoa học Nâng cao chất lượng thiết chế văn hóa cơ sở cấp xã đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa cộng đồng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Cục Công tác phía Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại thành phố Vũng Tàu, 2016. [5] Nguyễn Hồng Ân: “Thực trạng và giải pháp nâng cao hoạt động trung tâm văn hóa thể thao - học tập cộng đồng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”, kỷ yếu Hội thảo khoa học Nâng cao chất lượng thiết chế văn hóa cơ sở cấp xã đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa cộng đồng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Cục Công tác phía Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại thành phố Vũng Tàu, 2016. [6] Nguyễn Trung Hiếu, tư liệu điền dã từ năm 2012 đến năm 2020. [7] Phạm Minh Hạc và Thái Duy Tuyên (chủ biên): Định hướng giá trị con người Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012. [8] Phan Đình Dũng: “Bảo tồn và phát huy loại hình âm nhạc truyền thống của người Mạ, Chơ-ro, X’Tiêng ở Đồng Nai - một góc nhìn”, kỷ yếu Hội thảo khoa học Giáo dục và truyền thông với việc phát huy văn hóa dân gian Đông Nam Bộ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai và Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai đồng tổ chức, Đồng Nai, 2013. [9] Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương: “Nâng cao chất lượng hoạt động thiết chế văn hóa - thể thao cấp xã đáp ứng yêu cầu phát triển cộng đồng”, kỷ yếu Hội thảo khoa học Nâng cao chất lượng thiết chế văn hóa cơ sở cấp xã đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa cộng đồng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Cục Công tác phía Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại thành phố Vũng Tàu, 2016. [10] Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang: “Mô hình hoạt động trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã, nhà văn hóa cấp xã”, kỷ yếu Hội thảo khoa học Nâng cao chất lượng thiết chế văn hóa cơ sở cấp xã đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa cộng đồng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Cục Công tác phía Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại thành phố Vũng Tàu, 2016. [11] Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Đồng Tháp: “Những giải pháp và kiến nghị để giải quyết những khó khăn, vướng mắc về kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị của thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp”, kỷ yếu Hội thảo khoa học Nâng cao chất lượng thiết chế văn hóa cơ sở cấp xã đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa cộng đồng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Cục Công tác phía Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại thành phố Vũng Tàu, 2016.
  13. Phần thứ nhất: THAM LUẬN CỦA CÁC CHUYÊN GIA, NHÀ KHOA HỌC... 267 [12] Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã Trường Xuân (huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ): “Nâng cao chất lượng hoạt động Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ”, kỷ yếu Hội thảo khoa học Nâng cao chất lượng thiết chế văn hóa cơ sở cấp xã đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa cộng đồng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Cục Công tác phía Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại thành phố Vũng Tàu, 2016. [13] Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã Trí Phải (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau): “Nâng cao chất lượng thiết chế ở cơ sở đáp ứng nhu cầu phát triển văn hóa cộng đồng”, kỷ yếu Hội thảo khoa học Nâng cao chất lượng thiết chế văn hóa cơ sở cấp xã đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa cộng đồng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Cục Công tác phía Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại thành phố Vũng Tàu, 2016. [14] Văn Đức Thanh (chủ biên): Giáo trình triết học văn hóa, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016.
nguon tai.lieu . vn