Xem mẫu

  1. VẤN ĐỀ "HỌC/HỌC THẬT": SÁU GÓC NHÌN PGS.TS Đặng Quốc Bảo Nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý giáo dục Trung ương Ngày 06/05/2021, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính chỉ thị cho Bộ Giáo Dục Đào tạo thực hiện yêu cầu "Học thật/Thi thật/Nhân tài thật". Sau đó Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã nêu một số kế hoạch cho ngành để thực hiện lời huấn thị của Thủ tướng. "Học thật" là nhân tố quyết định để có "Thi thật/Tài năng thật" Trong bài này, xin trình bày: Sáu Góc nhìn về Vấn đề "Học/Học thật" 1. "Cái gắn bó" và "Cái đối lập" với phạm trù "Thật" trong cuộc sống Cái "Thật" trong cuộc sống thường được gọi là cái "Chân". Nhân tố "Chân" bao giờ cũng phải gắn với nhân tố "Thiện" và nhân tố "Mỹ" (Cái lành, cái đẹp). Ngày nay có người còn yêu cầu phải gắn với cái có ích lợi tạo nên Hệ giá trị bộ bốn "Chân-Thiện-Mỹ-Lợi" Cái "Thật" đối lập với cái "Giả" (Giả dối), đối lập với cái "Ảo" (Mộng ảo, phù phiếm), đối lập với cái "Ngụy" (Ngụy biện, Ngụy tạo) "Học" là nhân tố hạt nhân để dẫn tới phạm trù quan trọng của đất nước là "Giáo dục" và "Đào tạo". Giáo dục tạo nên Nhân cách, còn Đào tạo thì xây dựng Nhân lực cho đất nước. "Học thật" không bao giờ dung hòa với cái học giả dối, cái học phù phiếm, cái học ngụy tạo. Nếu Học không thật sẽ tạo nên "Nhân cách giả" và "Ngụy nhân lực" cho cộng đồng. 2. Lời khuyến cáo của Mandela Mandela (Nhà hiền triết lớn của thời đại) từng khuyến cáo: “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới. Giáo dục là công cụ kỳ diệu để phát triển con người. Nhờ giáo dục mà con gái một nông dân nghèo có thể trở thành bác sĩ, con trai một phu mỏ có thể trở thành ông chủ của cả vùng mỏ và con trai một công nhân có thể trở thành Chủ tịch nước…" 132
  2. Tuy nhiên ông cảnh báo: "Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa; chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên. Bệnh nhân chết dưới bàn tay các bác sĩ của nền giáo dục ấy. Các tòa nhà sụp đổ dưới bàn tay các kỹ sư của nền giáo dục ấy. Tiền bị mất trong tay các nhà kinh tế và kế toán của nền giáo dục ấy. Nhân loại chết dưới bàn tay các học giả tôn giáo của nền giáo dục ấy. Công lý bị mất trong tay các thẩm phán của nền giáo dục ấy. Sự sụp đổ của giáo dục là sự sụp đổ của một quốc gia”. 3. Sự kiện kỳ thi Quốc gia 2018 tại Hà Giang, Sơn La, Hòa bình; Sự kiện bằng thật – học giả tại Trường Đông Đô 2019; sự kiện một số vị từng là "Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo" tại các địa phương Quảng Ninh, Thanh Hóa, Điện Biên vừa bị bắt vì tham ô tài sản công đã làm xã hội đau lòng và công luận nghĩ tới lời khuyến cáo của Nelson Mandela Một số sự kiện giáo dục đau lòng xảy ra mấy năm gần đây từng được nêu trên trên công luận. Dù lỗi thuộc phạm vi một thiểu số cá nhân, nhưng khiến mọi người lại liên hệ tới lời khuyến cáo của Mandela. Không thể không lo lắng cho tương lai đất nước, nếu các sự kiện trên được lặp lại trong tương lai. Xét cho cùng là Vấn đề "Học thật", "Dạy thật", "Quản lý thật" là những vấn đề cốt yếu trong đời sống chính trị văn hóa của đất nước 4. Lời Huấn Đức của Khổng Tử và Ý tưởng của thời đại về việc học ⊳ Khổng Tử bàn về việc học để có Nhân cách Khổng Tử (551-479 TCN) được đương thời coi là Bậc Vạn Thế Sư Biểu. Ông có Lời Huấn Đức: ● "Hiếu nhân bất hiếu học, kỳ tế dã ngu ● Hiếu trí bất hiếu học, kỳ tế dã đãng ● Hiếu dũng bất hiếu học, kỳ thế dã loạn ● Hiếu tín bất hiếu học, kỳ tế dã tặc 133
  3. ● Hiếu trực bất hiếu học, kỳ tế dã giảo ● Hiếu cương bất hiếu học, kỳ tế dã cuồng" Học giả Phan Ngọc thu hoạch 6 điều trên với nhận thức sau: "Thích làm điều Nhân mà không học thì ngu si Thích làm điều Trí mà không học thì dễ trở thành kẻ lông bông Thích làm người Dũng mà không học thì dễ làm loạn Thích làm người Tín mà không học thì dễ sai lệch Thích làm người Thẳng thắn mà không học thì trở thành kẻ gian giảo Thích làm người Cương quyết mà không học thì trở thành kẻ ngông cuồng" Thu hoạch lời Khổng Tử có thế xây dựng Khung mẫu (Paradigm) sau: Nhân Tín Cương Học Trí Dũng Trực ⊳ "Học" trong biểu đạt về Bốn trụ cột từ "Bốn Nền Văn hóa" Bốn trụ cột của việc học theo quan điểm của Nho gia phương Đông Học để thực hiện "Tu-Tề-Trị-Bình" Nho gia phương Đông có lời khuyên Người đi học (Kẻ sĩ) thực hiện 4 điều sau: ● Học để biết cách tu dưỡng bản thân (Tu thân) ● Học để biết lo toan cho gia đình (Tề gia) ● Học để có lý tưởng làm cho đất nước hưng trị (Quốc: Trị) 134
  4. ● Học để biết cách góp phần làm cho thiên hạ thanh bình (Thiên hạ: Bình) Cùng 4 điều nêu trên, trong sách Đại học, Nho gia còn lưu ý người đi học phải quán triệt: “Cách vật - Trí tri - Thành ý - Chính tâm” (Nghĩa là: Muốn cải cách sự vật phải hiểu biết mọi điều, muốn hiểu biết phải thành ý, muốn thành ý phải chính tâm, chính tâm để tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ). Nhà cách mạng Tôn Dật Tiên trong sách Tam dân Chủ nghĩa có nhận xét: “Nói về Cách vật, Trí tri, Thành ý, Chính tâm, Tu thân, Tề gia, Trị Quốc, Bình thiên hạ mà trong sách “Đại học” đã giải thích dù cho những nhà chính trị đại tài của nước ngoài cũng vẫn chưa có ai nghĩ tới và nói đến một cách mạch lạc rõ ràng như vậy” (Dẫn lại từ Sách “Bản sắc văn hóa VN” của Phan Ngọc, NXB Văn học, H.tr.446) ⊳ Học giả Mỹ Alvin Toffler xác định: "Học cách tích lũy, Học cách gắn kết, Học cách chọn lựa, Học cách thích ứng" Bước vào kỷ nguyên công nghiệp phát triển, những năm 70 của thế kỷ XX, Học giả Mỹ Alvin Toffler xuất bản bộ ba sách "Cú sốc tương lai", "Thăng trầm quyền lực và Làn sóng thứ ba" làm sôi nổi tư duy nhân loại. Theo ông, con người của xã hội hiện đại phải biết cách học để: ● Tích lũy kiến thức. ● Gắn kết kiến thức. ● Chọn lựa được kiến thức cần thiết cho bản thân. ● Dùng kiến thức đã có đưa bản thân thích ứng với ngoại cảnh. Tích lũy Thích ứng Học Gắn kết Chọn lựa Chu trình Học để “Tích lũy - Gắn kết - Chọn lựa - Thích ứng” đảm bảo cho việc học đạt được hiệu quả cao ở bối cảnh mới. 135
  5. ⊳ Jacques Delors/ UNESCO với Thông điệp: "Học để biết, Học để làm, Học để chung sống với nhau, Học để làm người" Năm 1996, Ông Jacques Delors - Chủ Tịch ủy ban Giáo dục của UNESCO cùng các cộng sự từ nhiều nước đã công bố báo cáo “Học tập - Một kho báu tiềm ẩn” trong đó xác định bốn trụ cột của Học là: ● Học để biết. ● Học để làm. ● Học để biết cách chung sống với nhau. ● Học để làm người. Để biết Để làm Để làm Học người Để chung sống với nhau Học để biết cách chung sống với nhau còn được diễn đạt qua các mệnh đề “Học để biết cách khoan dung nhau”, “Học để biết tôn trọng sự khác biệt”. “Học để làm người” từng được Edgar Faure, một nhà chính trị uy tín của Châu Âu đề xuất từ năm 1972 trong báo cáo “Học để làm người - Thế giới giáo dục hôm nay và ngày mai”. Ông khẳng định làm người là phấn đấu có nhân cách: “Năng lực tự chủ, sự xét đoán thông minh và trách nhiệm của cá nhân trong việc cùng người khác, cùng cộng đồng phấn đấu xây dựng được xã hội học tập mà ở đó không một tài năng nào bị gạt bỏ”. "Học để làm việc, làm người" từng được Chủ Tịch Hồ Chí Minh nêu cho Học viên Trường Đảng Cao cấp tháng 09/1949. Người gắn ý tưởng này với việc rèn luyện "Cần - Kiệm - Liêm - Chính" 136
  6. Ông Trần Văn Nhung – Nguyên Thứ Trưởng Bộ Giáo Dục và Đào tạo đã gửi tư liệu này cho UNESCO. Tổ chức này phúc đáp: Ý tưởng việc học do Chủ Tịch Hồ Chí Minh nêu ra làm phong phú cho Di sản việc học của nhân loại ⊳ Dân tộc Việt xác định 4 trụ cột của việc học: "Học ăn-Học nói-Học gói-Học mở" với hàm ý - "Học ăn": Học cách lĩnh hội - "Học nói": Học cách diễn đạt - "Học mở": Học cách khai triển - "Học gói": Học cách kết thúc vấn đề Ăn Mở Học Nói Gói Suy ngẫm ra ngày nay, từ cháu bé lên 3 đến Nhà Chính trị tuổi ngoài thất thập vẫn cần lưu ý "Học ăn – Học nói – Học gói – Học mở" Trong "Học gói – Học mở" còn có Minh triết biết thế nào là đủ, biết đến đâu phải dừng. Bà mẹ Việt Nam có lời khuyên con: "Học đi chỉ có một năm, Học dừng học đến mòn răng chưa thành" 5. Hồ Chí Minh tổng kết việc Học đạt tới Giá trị chân chính trong mười một từ Ngày 21/07/1956 đến thăm một lớp học của Trí thức Thủ đô đặt tại một Trường Đại Học của Hà Nội, Bác Hồ có lời tâm tình: “Thời gian các bạn đến nghiên cứu ở trường này tương đối ngắn ngủi, cho nên không thể yêu cầu quá cao, quá nhiều. Những điều các bạn nghiên cứu được 137
  7. ở đây có thể ví như một hạt nhân bé nhỏ. Sau này, các bạn sẽ tiếp tục săn sóc vun xới làm cho hạt nhân ấy mọc thành công và dần dần nở hoa kết quả. Theo ý riêng của tôi, thì hạt nhân ấy có thể tóm tắt trong 11 chữ “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân”. Người nhấn mạnh thêm: “Nói tóm tắt: Minh minh đức là chính tâm Thân dân tức là phục vụ nhân dân Đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết Nói một cách khác, tức là: “Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu Hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10, tr 377) Trong lời tâm tình này, Hồ Chí Minh đã kết hợp và phát triển ý tưởng của hai bậc Tiên hiền: Tăng Tử (505 -435 TCN), học trò xuất sắc của Khổng Tử và Phạm Trọng Yêm (990-1052), nhà chính trị văn hóa nổi tiếng đời Tống đã minh định yêu cầu có trong đạo đức của nhà chính trị giáo dục hiện đại. Hồ Chí Minh khôi phục phạm trù “Thân dân”, vốn là thông điệp gốc của chân Nho thay cho “Tân dân” từng được Hán Nho, Tống Nho quảng bá. Sách “Đại học” (một cuốn sách nền tảng trong “Tứ thư”) mà các đời sau lưu hành khi dẫn lại ý tưởng của Tăng Tử có diễn đạt: “Đại học chi đạo Tại minh minh đức Tại tân dân Tại chỉ ư chí thiện” Với sự giải thích: “Hai chữ Đại học ở đây có nghĩa là đạo học rộng lớn với học vấn uyên bác tinh sâu. Minh minh đức là phát huy tiềm năng đức sáng, đức tốt, tính thiện của con người, 138
  8. Tân dân là đổi mới lòng dân, đổi mới cách nghĩ của dân, bỏ cũ thay mới, bỏ ác thay thiện, khiến mọi người có thể bỏ dần xấu mà làm điều tốt” Ý kiến trên là tích cực, song dễ làm cho kẻ sĩ và nhà chính trị giáo dục có tâm thế, thái độ: Đứng trên dân, ban ơn cho dân. “Thân dân” mà Hồ Chí Minh khôi phục lại ý tưởng của các bậc chân Nho, đặc biệt là của Phạm Trọng Yêm: lo trước dân, hưởng sau dân và đến Người không chỉ bó hẹp ở nghĩa “Thương dân”. Nó mang một chất mới cao quý hơn nhiều trong văn hóa chính trị của nước Việt Nam mới mà Hồ Chí Minh cùng các đồng chí của mình đã ra sức kiến tạo từ ngày 2/9/1945. ⊳ "Học thật" trong đời sống Việt để đạt tới mục tiêu "Con hơn cha là nhà có phúc" Trong đời sống hiện nay thường có lời kêu gọi: Giáo dục Thường xuyên – Đào tạo liên tục – Học tập suốt đời. Có Nhà Văn hóa Việt từng phát biểu: "Cái nợ khác có khi trả hết, nợ học là nợ chung thân vậy" (Thượng Chi văn tập, Nxb Hội nhà văn, HN 2016, tr 15). Đọc những lời trên lại liên hệ tới lời Huấn đức của Bác Hồ năm 1961: “Tôi năm nay 71 tuổi ngày nào cũng phải học ... công việc cứ tiến mãi, không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau. Chúng ta là đảng viên già, hiểu biết của chúng ta hồi 30 tuổi so với sự hiểu biết của lớp trẻ bây giờ... thì chúng mình dốt lắm... Tôi cũng dốt lắm, nếu thế hệ già khôn hơn thế hệ trẻ thì không tốt. Thế hệ già thua thế hệ trẻ mới là tốt. Các cháu không hơn là bệt - bệt là không tốt. Người ta thường nói “Con hơn cha là nhà có phúc”. Ta hiểu như thế nhưng không có tư tưởng thụt lùi nạnh kẹ...”. (Viết ngày 09/12/1961 TT, Tập 13, tr 273) Xã hội Việt ngày nay đang có mong ước kiến tạo được Nền giáo dục chia sẻ, để đi tới Nền giáo dục chia sẻ cần có nhiều điều, song điều cốt yếu là con người phải biết sống Minh triết. Trong Văn Miếu/Quốc Tử Giám Hà Nội, tại phòng thờ của vua Lý Thánh Tông có đôi câu đối sau: “Dục anh tài nhi sử năng, Quốc Tử Giám cao huyền mô khải Dưỡng Minh triết dĩ kế trị, Thăng Long kinh trường tụ tinh hoa” (Nuôi nấng anh tài để sử dụng năng lực của họ, Quốc Tử Giám nêu cao mẫu mực 139
  9. Phát triển Minh Triết tìm kế sách cho đất nước thịnh trị. Kinh đô Thăng Long đời đời hội tụ được tinh hoa) 6. Điều cần thiết để có "Học thật" của Nhà trường Việt trong cuộc sống hôm nay Có thể còn có nhiều lời bàn, nhiều giải pháp, nhiều góc nhìn cho vấn đề "Học thật" của Nhà trường Việt trong cuộc sống hôm nay Xin thu hoạch lời dạy của Nhà Chính trị Văn hóa Phạm Văn Đồng (1906-2000): Phạm Văn Đồng là nhà chính trị văn hóa ưu tú của đất nước, học trò xuất sắc và là cộng sự gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi Hồ Chủ tịch kiêm cả nhiệm vụ Thủ tướng thì ông là Phó Thủ tướng. Năm 1955, ông giữ chức Thủ tướng và ở cương vị này đến năm 1987 rồi được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi đất nước tiến hành thực hiện cuộc cải cách giáo dục lần thứ ba (1979) có thành lập Ủy ban chỉ đạo Cải cách Giáo dục. Ông được cử là Chủ Tịch của Ủy ban này. Ông để lại hai tác phẩm quí báu bàn về giáo dục: (1) Mấy vấn đề về văn hóa giáo dục (NXB Sự thật, Hà Nội, 1980) (2) Về vấn đề Giáo dục – Đào tạo (NXB CT Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 1999) Trong các tác phẩm này, Ông có những lời giáo huấn sâu sắc về phát triển giáo dục trong kỷ nguyên mới. Ngay từ những năm thập niên 80, Thế kỷ 20: Ông đã nêu ra yêu cầu “Trường ra Trường – Lớp ra lớp Thày ra thày – Trò ra trò Dạy ra dạy – Học ra học” Khi ở cương vị Thủ tướng, ông đã nhiều lần xuống các trường kiểm tra và có những uốn nắn mạnh mẽ về trường lớp, thầy trò, dạy học để như ông mong muốn: “Con em chúng ta được học trong các ngôi trường xứng đáng với tên gọi là những ngôi trường”. Tại một Hội nghị giáo dục tại Hà Nội (1981), ông nhắc lại lời trên và khẩn thiết yêu cầu các cấp: 140
  10. “Phải nhất trí và phải làm được như vậy thì sự nghiệp giáo dục mới tốt, từ đó mới giảng dạy và học tập được tốt hơn để thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về Cải cách giáo dục” (“Mấy vấn đề về Văn hóa giáo dục” – Nxb ST, tr 216,217). Ông bày tỏ quan điểm thực hiện luận điểm: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” trong hoàn cảnh mới của đất nước: “Nói hàng đầu có nghĩa là hàng thứ nhất và còn có nghĩa là đi trước một bước. Hiện nay ở nước ta nhân dân đòi hỏi một cách thiết tha một cách khẩn trương, một cách thiết thực, cả hai: giáo dục phải xếp hàng thứ nhất và đi trước một bước chứ nhất định không để nó ở hàng bét và lẹt đẹt theo sau” Liên hệ vào thực tế, ông thẳng thắn chỉ ra: “Giáo dục chưa phải hàng thứ nhất và cũng chưa phải đi trước một bước, trong khi người dân mong mỏi như vậy , còn người có quyền thì ít khi nhớ đến” (“Về vấn đề giáo dục – đào tạo”, Nxb CTQG – H.1999, tr13) Phạm Văn Đồng có sự quan tâm đặc biệt đến công việc đào tạo bồi dưỡng Cán bộ QLGD. Năm 1994 đến thăm trường CBQLGD&ĐT (nay là HVQLGD). Ông căn dặn Tập thể Sư phạm trường này, phải bồi dưỡng được các Hiệu trưởng điều hành giáo viên thực hiện được Minh triết sư phạm: Dạy học lấy người học làm chủ thể Trung tâm. Ông nhắc đến câu chuyện thú vị sau: Nhạc sĩ Thiên tài Beethoven không biết làm toán nhân. Trong những đợt biểu diễn với các sự thù lao như nhau cho từng buổi diễn, Beethoven lại phải cộng tiền thù lao của từng buổi để biết được tổng thu nhập… Phạm Văn Đồng nhấn mạnh: “Mỗi người học không phải giỏi nhiều mặt, có khi giỏi mặt này thì lại bình thường mặt khác Người Thày phải biết phát hiện các năng khiếu đặc biệt của người học để có phương pháp dạy học thích hợp. Như vậy người Thày phải biết được hoàn cảnh của trò, nguyện vọng của trò và năng lực đặc biệt của trò để từ đó đề ra kế hoạch cho Trò phấn đấu đạt được mục tiêu." 141
  11. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Hồ Chí Minh Toàn Tập, NXBCtQg, H. 2011, Tập 1-15 2. Bộ Giáo Dục và Đào tạo, Hỏi – Đáp về một số Nội dung Đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, NxbGD. 142
nguon tai.lieu . vn