Xem mẫu

  1. 177 VAI TRÒ CỦA VĂN HÓA ĐỐI VỚI PHÁT TRIỂN XÃ HỘI PGS.TS. ĐINH THỊ VÂN CHI* V ăn hóa đóng vai trò hết sức quan trọng trong xã hội. Điều này đã được nhận thức rõ ràng và đầy đủ, thể hiện trong đường lối phát triển đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam: Từ Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng đã xác định “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”1. Các Đại hội Đảng cũng đều khẳng định vai trò quan trọng mang tính thúc đẩy của văn hóa đối với xã hội. Đến Đại hội XII, Đảng nhấn mạnh rằng, xây dựng “văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh””2. Đại hội XIII tiếp tục định hướng đó: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”3. Bên cạnh những vai trò to lớn đã được chỉ rõ đó, thực tế lịch sử đất nước cũng cho thấy, văn hóa thực sự là hệ điều tiết xã hội, và là công cụ thúc đẩy kinh tế phát triển. Tựu trung lại, về vai trò của văn hóa đối với xã hội, có thể nói: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và động lực của sự phát triển, là hệ điều tiết của xã hội. 1. Văn hóa là mục tiêu của sự phát triển Mục tiêu của con người là đạt được một cuộc sống hạnh phúc. Hạnh phúc có thể được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau, nhưng nếu hiểu với nghĩa đầy đủ nhất, _______________ * Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. 1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2015, t.57, tr.303. 2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.126. 3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.I, tr.115-116.
  2. 178 KỶ YẾU HỘI NGHỊ VĂN HÓA TOÀN QUỐC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT... thì đó là trạng thái sung túc về vật chất, giàu có về tinh thần, thoải mái trong tâm trạng, tích cực trong cảm nhận. Thứ nhất, sự sung túc về vật chất tuy được bảo đảm bằng các sản phẩm vật chất - kết quả của nền sản xuất vật chất, nhưng với mức sống ngày càng được nâng cao, thì điều được quan tâm ở những sản phẩm vật chất này không chỉ đơn thuần là những phẩm chất như bền, chắc nữa, mà còn là đẹp, trang nhã, sang trọng, lịch lãm..., nghĩa là phải có sự hiện diện của những giá trị văn hóa, giá trị thẩm mỹ trong các sản phẩm đó. Ví dụ, không ai chọn mua một bộ salon cục mịch, thô kệch, nhưng vững chắc và bền, mà sẽ chọn những bộ lịch lãm, sang trọng, làm tôn vẻ đẹp của căn phòng. Nghĩa là, những giá trị thẩm mỹ ngày càng được quan tâm, đôi khi còn được chú ý nhiều hơn độ bền chắc của sản phẩm. Điều đó chứng tỏ những giá trị văn hóa ngày càng hiển hiện rõ nét và được coi trọng trong các sản phẩm vật chất. Thứ hai, giàu có về tinh thần: Con người giàu có về tinh thần là con người có hiểu biết, có mong muốn, có mơ ước, dự định... Những mong muốn, ước mơ, dự định này không thể là gì khác ngoài những điều tốt đẹp, được con người đề cao và hướng tới. Những điều này - về thực chất - chính là những giá trị xã hội, nằm trong hệ giá trị của một nền văn hóa. Con người giàu có về tinh thần còn là con người có tâm hồn nghệ thuật, có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, như nghe nhạc, xem phim, đọc sách, hoặc ca hát, làm thơ... Về khía cạnh này, không gì có thể đáp ứng tốt nhu cầu tinh thần của con người bằng những tác phẩm nghệ thuật - một bộ phận cấu thành quan trọng của văn hóa. Thứ ba, tâm trạng thoải mái, cảm nhận tích cực là những trạng thái tâm lý ổn định, an lành và cân bằng. Những tâm trạng này chỉ có được khi chúng ta hoàn thành được những công việc cần làm, không phải lo lắng về những bất trắc nào đó có thể xảy đến, không phải trăn trở nghĩ cách đối phó với ai đó, không phải đề phòng ai đó sẽ làm điều xấu với mình... Nghĩa là không phải bận tâm lo sợ những điều xấu, tiêu cực hoặc tệ hại có thể xảy đến với mình. Những tâm trạng tích cực đó chỉ có thể có được ở những con người có tâm hồn trong sáng, có cuộc sống lành mạnh, lương thiện... Nghĩa là con người đó có một văn hóa cá nhân tích cực và tốt đẹp. Tựu trung lại, trong các khía cạnh của hạnh phúc, trong các yếu tố tạo cho con người cảm xúc hạnh phúc, đều có sự hiện diện của những thành tố cấu thành văn hóa theo nghĩa đầy đủ nhất của nó. Ngay cả khi văn hóa được hiểu theo nghĩa hẹp, chỉ bao gồm các giá trị tinh thần thì nó vẫn là mục tiêu của sự phát triển, bởi lẽ: Khi xã hội phát triển, đời sống đã được nâng cao thì nhu cầu tinh thần, hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí sẽ tăng cao. Điều này dẫn tới đòi hỏi ngày càng cao về số lượng và chất lượng của các tác phẩm văn hóa, các hoạt động văn hóa, các giá trị văn hóa nói chung. Như vậy, sự hướng tới của con người đến những giá trị văn hóa ngày càng rõ nét hơn, mạnh mẽ hơn, khiến cho văn hóa được đặt vào trung tâm chú ý của xã hội. Nghĩa là văn hóa trở thành mục tiêu của sự phát triển.
  3. Phần thứ nhất: THAM LUẬN CỦA CÁC CHUYÊN GIA, NHÀ KHOA HỌC... 179 2. Văn hóa là động lực của sự phát triển Một xã hội muốn phát triển được, cần có những nguồn lực thúc đẩy. Những nguồn lực đó rất đa dạng, nhưng thông thường chúng được quy về ba nhóm chính: Nguồn vật lực, nguồn tài lực và nguồn nhân lực. Trước hết, nói về nguồn vật lực. Đây là toàn bộ cơ sở vật chất kỹ thuật; trang thiết bị, máy móc, công nghệ... phục vụ sản xuất và đời sống của con người. Thuộc về nhóm này còn có thể kể đến cả nguồn tài nguyên thiên nhiên. Toàn bộ cơ sở vật chất kỹ thuật đều là những sản phẩm vật chất, kết quả của nền sản xuất vật chất. Nhưng ngày nay nguồn vật lực không chỉ có xuất xứ từ những sản phẩm vật chất như trước đây nữa. Trong thời đại hậu công nghiệp, thời đại của máy tính và mạng Internet, khoa học công nghệ (một bộ phận cấu thành của văn hoá) đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và được ứng dụng vào cuộc sống, đóng góp vào nguồn vật lực của xã hội. Từ những kết quả nghiên cứu khoa học, từ những phát minh, sáng chế, đã xuất hiện rất nhiều vật liệu mới, công nghệ mới, ngành sản xuất mới, làm phong phú thêm các ngành kinh tế. Ví dụ: Công nghệ di truyền, công nghệ tế bào,... dẫn tới cuộc “cách mạng xanh” trong nông nghiệp với những giống cây trồng mới năng suất cao, chịu bệnh tốt. Công nghệ này đồng thời giúp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và góp phần giải quyết những vấn đề nổi cộm về nhu cầu lương thực của nhân loại. Rôbốt không chỉ thay thế con người trong những khâu sản xuất nặng nhọc hoặc độc hại, mà đã trở thành các hộ lý chăm sóc bệnh nhân, các hiệp sĩ cứu nạn. Một chiếc ổ cứng nhỏ xíu có thể lưu trữ được lượng thông tin tương đương cả một thư viện truyền thống cỡ nhỏ... Thứ hai, nguồn tài lực. Nguồn lực tài chính của một đất nước được tạo nên trước hết bởi nguồn vốn, từ giá trị gia tăng của nền sản xuất hàng hóa. Các giá trị văn hóa (không kể các bộ môn nghệ thuật), trước đây hầu như không sinh lời, không tạo ra được lượng tiền đáng kể nào đóng góp vào nguồn vốn này. Ngày nay mọi chuyện đã thay đổi, lợi ích kinh tế của văn hóa không còn là điều khó nhận thấy đối với mọi người. Các giá trị văn hóa do con người tạo ra không chỉ thuần tuý đáp ứng nhu cầu tinh thần của công chúng, mà đã trở thành nguồn tài nguyên du lịch nhân văn, thu hút khách du lịch, mang lại nguồn thu lớn cho đất nước. Nguồn tài nguyên du lịch nhân văn này bao gồm không chỉ những giá trị văn hóa vật thể như các di tích, các công trình kiến trúc... mà còn cả các giá trị văn hóa phi vật thể như truyền thống văn hóa, phong tục tập quán, lễ hội, nghệ thuật dân gian... Những giá trị văn hóa này đã và đang trở thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang lại nguồn lợi kinh tế không nhỏ cho nhiều quốc gia. Nếu biết cách khai thác tốt nguồn tài nguyên này, thì không chỉ quảng bá được văn hóa tới bạn bè gần xa, mà còn tạo được nguồn thu dồi dào để phát triển xã hội. Năm 2019 (trước khi
  4. 180 KỶ YẾU HỘI NGHỊ VĂN HÓA TOÀN QUỐC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT... bùng phát dịch COVID-19), ngành Du lịch Việt Nam đã đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt khoảng 720.000 tỷ đồng, được đánh giá là một trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới1. Tuy không phân chia doanh thu theo các loại hình du lịch, nhưng chắc chắn trong đó có phần đóng góp không nhỏ của du lịch văn hóa, du lịch tâm linh và những cuộc tham quan các bảo tàng, làng nghề..., nghĩa là những loại hình dựa trên nguồn tài nguyên du lịch nhân văn. Thứ ba, nói về nguồn nhân lực của xã hội thì nguồn lực này chỉ có thể đạt chất lượng cao khi người lao động có học vấn, được đào tạo tay nghề chuyên môn, có đạo đức và những phẩm chất tốt đẹp. Những điều này chỉ có thể đạt được nhờ văn hóa, bởi lẽ giáo dục, đào tạo và những giá trị đạo đức... đều là những thành tố của văn hóa. Trong thời đại kinh tế tri thức ngày nay, chất lượng nguồn nhân lực càng mang yếu tố quyết định. Một nước có khả năng phát triển đến đâu, không chỉ phụ thuộc vào chỗ có nhiều hay ít lao động, vốn, kỹ thuật và tài nguyên thiên nhiên, mà chủ yếu ở chỗ có khả năng phát huy đến đâu tiềm năng của nguồn lực con người. Tiềm năng này nằm trong các yếu tố cấu thành văn hóa (khả năng sáng tạo, ý thức trách nhiệm, lòng nhiệt tình...); trong tâm hồn, đạo lý, lối sống, trình độ thẩm mỹ của mỗi người lao động. Nguồn nhân lực chất lượng cao, ngoài trình độ chuyên môn vững vàng, còn phải đề cao những giá trị, chuẩn mực, thói quen tích cực, tiến bộ, văn minh, có khả năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững. Đặc biệt trong những giá trị này là sự coi trọng động cơ làm giàu hợp pháp, thượng tôn pháp luật và đề cao dân chủ, khoa học, công nghệ - những yếu tố quan trọng kích thích tăng trưởng kinh tế. Đề cao những giá trị trên cũng gắn liền với quá trình đào thải, xóa bỏ những thói quen xấu, tiêu cực, lạc hậu cản trở, kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế, như tính thụ động, khép kín, bảo thủ, trì trệ, tự ti, xuề xòa, tùy tiện, cào bằng, “bình quân chủ nghĩa”, ỷ lại, hẹp hòi, ích kỷ, bè phái, sĩ diện, háo danh... Vì thế, những người làm ăn gian dối, tham lam và bảo thủ, không chịu đổi mới để áp dụng khoa học - công nghệ hiện đại đều có nguy cơ bị thua lỗ, thậm chí phá sản. Trong khi đó, những người làm ăn có trách nhiệm, cần cù, chịu khó và liên tục tìm tòi, nghiên cứu và áp dụng khoa học - công nghệ hiện đại, đều có cơ hội làm giàu2. _______________ 1. Thanh Giang: “Năm 2019, du lịch Việt Nam đạt kỳ tích “vàng” tăng trưởng”, Trang tin Tin Tức của Thông tấn xã Việt Nam. https://baotintuc.vn/du-lich/nam-2019-du-lich-viet-nam-dat-ky-tich- vangtang-truong-20200101080716990.htm, ngày 1/1/2020, truy cập ngày 25/10/2021. 2. Lê Ngọc Hùng: Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa trong thời kỳ công nghệ số. https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/822112/moi-quan-he-giua- tang-truong-kinh-te-va-phat-trien-van-hoa-trong-thoi-ky-cong-nghe-so.aspx, ngày 24/5/2021, truy cập ngày 21/10/2021.
  5. Phần thứ nhất: THAM LUẬN CỦA CÁC CHUYÊN GIA, NHÀ KHOA HỌC... 181 Không phải ngẫu nhiên mà Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) từng khuyến cáo các nước trên thế giới: “Từ nay trở đi văn hóa cần coi mình là một nguồn bổ sung trực tiếp cho phát triển, và ngược lại, phát triển cần thừa nhận văn hóa giữ một vị trí trung tâm, một vai trò điều tiết xã hội”1. F.Mayor - Tổng Thư ký UNESCO khi đó - cũng từng nhấn mạnh: “Phải coi văn hóa là động lực, là nền tảng của sự phát triển”. Văn hóa là động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội còn bởi các giá trị và chuẩn mực văn hóa luôn ẩn chứa trong kinh tế, định hướng kinh tế phát triển bền vững. Đối với doanh nghiệp, đó là văn hóa doanh nghiệp với những mục tiêu hướng tới lợi ích kinh tế song hành với thực hành các giá trị văn hóa, xã hội; sự ứng xử chuyên nghiệp với doanh nghiệp khác, góp phần xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh; sự ứng xử có văn hóa với người lao động, với cộng đồng, với môi trường; có trách nhiệm với đất nước (thực hiện nghĩa vụ thuế, tham gia tích cực vào các lĩnh vực Nhà nước kêu gọi xã hội hóa...). Đối với doanh nhân, đó là văn hóa doanh nhân (tự trau dồi kiến thức, kỹ năng, trình độ về mọi mặt để đủ tài, đủ đức dẫn dắt doanh nghiệp, từng bước tiến ra thị trường quốc tế...)2. Khi các doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn có văn hóa, sẽ nhiều cơ hội thành công, góp phần tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội. 3. Văn hóa là hệ điều tiết của xã hội Xã hội muốn tồn tại phải luôn có một hệ thống chuẩn mực làm kim chỉ nam cho hành vi của các cá nhân. Hệ thống chuẩn mực này chính là sự cụ thể hóa của các giá trị - thành tố cấu thành văn hóa. Nếu một cá nhân hoặc một nhóm nào đó không tuân thủ các chuẩn mực của xã hội, họ sẽ bị coi là lệch chuẩn và những chuẩn mực này sẽ tác động tới họ, điều chỉnh và hướng hành vi của họ về đúng quỹ đạo mà xã hội đã quy định. Văn hóa dựa vào những chuẩn mực của mình để điều chỉnh hành vi của con người theo hướng không ngừng phát huy sự chủ động, sáng tạo của họ nhằm hoàn thành công việc với chất lượng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu không ngừng tăng lên của xã hội. Sự điều tiết của văn hóa đối với xã hội còn thể hiện ở chỗ: Mọi vấn đề của xã hội đều do con người quyết định. Nếu con người có học thức, có văn hóa thì sẽ có những quyết định đúng đắn, sáng suốt, thúc đẩy xã hội phát triển. Ngược lại, nếu con người kém hiểu biết, kém văn hóa thì các quyết định sẽ thiếu hợp lý, thiếu sáng tạo, thậm _______________ 1. Ủy ban quốc gia về Thập kỷ quốc tế phát triển văn hóa: Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1992, tr.23. 2. Nguyễn Thị Mai Anh: “Văn hóa - nguồn lực cho phát triển bền vững“, Tạp chí Cộng sản Online, ngày 30/11/2020. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/820538/ van-hoa---nguon-luc-cho-phat-trien-ben-vung.aspx, truy cập ngày 21/10/2021.
  6. 182 KỶ YẾU HỘI NGHỊ VĂN HÓA TOÀN QUỐC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT... chí sai lầm, gây hậu quả cho xã hội. Có thể nói, văn hóa là cái cốt lõi sâu xa ở bên trong mỗi quyết định của con người khi điều hành xã hội. Một xã hội sẽ tốt đẹp và phát triển nếu các lĩnh vực hoạt động của nó đều được điều chỉnh và dẫn dắt bởi văn hóa. Không chỉ lối sống, nếp sống, ứng xử... mới cần đến văn hóa, mà ngay cả sản xuất, tiêu dùng, quản lý, tham gia giao thông... cũng cần phải có văn hóa. Ngày nay chúng ta thường nghe những cụm từ “văn hóa sản xuất”, “văn hóa tiêu dùng”, “văn hóa quản lý”, “văn hóa giao thông”... chính là vì thế. Tuy cách dùng từ như vậy có phần lạm dụng thuật ngữ “văn hoá”, nhưng nó thể hiện một thực tế rằng, từ cuộc sống, sinh hoạt của mỗi cá nhân, đến những hoạt động của xã hội, tất thảy đều cần được điều tiết bởi văn hóa. Các lĩnh vực này càng được văn hóa thấm sâu vào bao nhiêu, xã hội càng tốt đẹp và phát triển lành mạnh bấy nhiêu. Nhà văn hóa Nguyên Ngọc đã từng khẳng định “Văn hóa là chân thắng, kinh tế là chân ga” với hàm ý rằng, trong khi kinh tế là nguồn động lực lớn tạo đà cho xã hội phát triển thì văn hóa sẽ là dây cương, là chiếc thắng (phanh) giữ cho cỗ xe xã hội đi đúng hướng, không bị chân ga kinh tế đẩy lao đi quá đà. Trong điều kiện hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, khi việc sử dụng và tiếp nhận vốn, kỹ thuật, công nghệ, kinh nghiệm quản lý của nước ngoài đã trở thành điều bình thường thì văn hóa càng có vai trò quan trọng trong việc điều tiết sự chọn lọc và chuyển hóa các yếu tố ngoại sinh thành động lực bên trong của sự phát triển. Bởi lẽ, những yếu tố ngoại sinh đó chỉ mang lại lợi ích thực sự, nếu chúng được vận dụng phù hợp và trở thành các yếu tố nội sinh của con người Việt Nam với truyền thống văn hóa, đạo đức, tâm hồn, lối sống của dân tộc Việt Nam. Nếu không làm được như vậy thì chúng ta sẽ bị biến thành kẻ đi vay nặng lãi, thành nơi cung cấp nguyên liệu và nhân công giá rẻ, thành nơi tiêu thụ hàng hóa ế thừa và tiếp nhận những công nghệ lạc hậu... Ví dụ điển hình là những vụ nhập rác thải từ nước ngoài về Việt Nam dưới danh nghĩa phế liệu trong thời gian qua (riêng năm 2018 nhập hơn 9,2 triệu tấn)1, trong đó có cả những chất thải nguy hại, như rác thải kim loại, nhựa, săm lốp cao su, ắc quy chì, sản phẩm điện tử cũ... Điều này cho thấy, nếu không có sự điều tiết của “chân thắng” văn hóa, mà để “chân ga” kinh tế tự do lao đi, thì xã hội có thể sẽ phải hứng chịu nhiều hậu quả nặng nề. Với các giá trị văn hóa nước ngoài cũng vậy: Nếu không có sự can thiệp của văn hóa dân tộc thì những biểu hiện của lối sống nước ngoài, những trào lưu văn hóa xa lạ sẽ dễ dàng được tiếp nhận một cách thiếu chọn lọc, với sự ngộ nhận rằng giá trị của phương Tây là hay, là đẹp, là phù hợp dù ở bất cứ đâu. _______________ 1. Anh Tú: “Hơn 9,2 triệu tấn phế liệu đổ về Việt Nam năm ngoái”, https://vnexpress.net/hon-9- 2-trieu-tan-phe-lieu-do-ve-viet-nam-nam-ngoai-3927260.html, ngày 22/5/2019, truy cập ngày 21/10/2021.
  7. Phần thứ nhất: THAM LUẬN CỦA CÁC CHUYÊN GIA, NHÀ KHOA HỌC... 183 Cần phải có một truyền thống văn hóa vững mạnh và bản lĩnh, có sức đề kháng cao, mới có thể định hướng cho các thành viên xã hội (nhất là giới trẻ) chọn lọc tiếp thu những giá trị văn hóa đích thực, chứ không phải là dễ dãi tiếp nhận bất cứ cái gì mới lạ và để chúng lấn át văn hóa bản địa. 4. Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội Hệ giá trị văn hóa có tính ổn định và bền vững, tồn tại lâu dài theo thời gian. Chúng có thể tồn tại hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm, ví như hệ giá trị Nho giáo xuất hiện từ cách đây khoảng 2.500 năm, tới nay vẫn còn sức ảnh hưởng. Với sự trường tồn như vậy, những giá trị văn hóa thấm sâu trong nhận thức, tâm tưởng của mỗi thành viên cộng đồng, theo họ suốt cuộc đời, hiển hiện trong suy nghĩ, hành động và quyết định của họ. Vì những giá trị văn hóa được lưu giữ, bảo tồn, được thực hành trong cuộc sống của con người, nên rất tự nhiên, chúng được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nối tiếp nhau, những thế hệ sau học tập và tiếp nhận những kinh nghiệm, niềm tin, chuẩn mực... của thế hệ trước, khiến cho văn hóa ngày càng được củng cố và lưu truyền. Dựa trên những giá trị văn hóa đó mà con người tổ chức cuộc sống của mình và của cộng đồng, xây dựng hệ thống chính trị - xã hội, quản lý và kiểm soát xã hội. Nghĩa là, văn hóa đóng vai trò nền tảng tinh thần của xã hội. Lịch sử phát triển thế giới cho thấy, những cộng đồng, những dân tộc có nhiều điểm tương đồng hoặc gần gũi về văn hóa thì sẽ dễ thấu hiểu nhau, dễ chia sẻ và dễ tìm được tiếng nói chung với nhau. Vì thế mà những cộng đồng này dễ thông cảm, gắn bó và đoàn kết với nhau. Đối với một quốc gia cũng vậy, khi nền tảng tinh thần bền vững và thống nhất sẽ có tác dụng cố kết cộng đồng mạnh mẽ, kết nối các thành viên trong một khối đoàn kết, tạo nên sức mạnh phi thường, mà sự hòa hợp chung sống của 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam, cùng chung tay xây dựng nên những kỳ tích lịch sử, là một minh chứng sáng rõ. Trong lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam, nếu không có sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc như vậy thì đất nước nhỏ bé và nghèo đói này không thể làm nên những chiến công khiến thế giới phải kinh ngạc như vậy. Thậm chí, ngay cả khi các tầng lớp trong xã hội có mâu thuẫn với nhau, nhưng đứng trước nguy cơ mất nước thì sức mạnh văn hóa (lòng yêu nước, sự gắn bó với gia đình, sự sẵn sàng hy sinh vì những người thân yêu...) đã cố kết họ, xóa nhòa những mâu thuẫn riêng, để tất cả các giai tầng xã hội cùng nhau hợp sức vì sự sống còn của dân tộc. Điều kỳ diệu đó chỉ có được khi văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội. Khi các thành viên của một cộng đồng cùng có chung một niềm tin, cùng hướng tới một mục tiêu, cùng đoàn kết xây dựng cuộc sống chung, họ sẽ tạo nên nguồn sức mạnh to lớn, đạt được những thành tựu khó tin. Ví như những người nông dân Việt Nam, khi đã tin tưởng và đồng lòng chung tay xây dựng nông thôn mới thì hàng vạn
  8. 184 KỶ YẾU HỘI NGHỊ VĂN HÓA TOÀN QUỐC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT... gia đình đã tự nguyện dỡ rào, chặt cây, hiến đất (tổng cộng là 24,7 triệu m2, trong đó có những gia đình hiến hàng nghìn mét vuông) để mở đường, xây dựng các công trình công cộng; đóng góp trên 2.000 tỷ đồng, 29 triệu ngày công lao động để sửa chữa và làm mới cả triệu kilômét đường giao thông nông thôn, xây dựng đường điện hạ thế, phòng học, nhà trẻ, trường mầm non, trạm y tế và hàng ngàn nhà văn hóa xã, thôn, ấp...1. Ngược lại, nếu những khác biệt văn hóa bị đẩy tới mức trái ngược nhau thì dễ nảy sinh mâu thuẫn, khiến các cộng đồng nghi ngại nhau, dè chừng nhau, thậm chí có thể nảy sinh xung đột, thù hận, dẫn tới những hậu quả nặng nề. Người ta đã thống kê được rằng, có tới khoảng 70% những xung đột lớn, nhỏ trên thế giới có nguồn gốc từ xung đột sắc tộc, nghĩa là xung đột về văn hóa. Hậu quả của nó thậm chí có thể dẫn tới những cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn “nồi da nấu thịt”, gây tan vỡ cả một chính thể, một quốc gia thống nhất đã từng tồn tại nhiều thập kỷ. Sự sụp đổ của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa trước đây và sự tan rã của nhiều nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu là minh chứng rõ nét cho điều này. * * * Có thể thấy, vai trò quan trọng mang tính quyết định và định hướng của văn hóa đối với phát triển xã hội là một thực tế không thể phủ nhận. Điều đó được thể hiện rõ trong các văn kiện của Đảng, được vận dụng vào các chính sách, chủ trương và đường lối phát triển đất nước và đang được hiện thực hóa dần trong cuộc sống. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998. [2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016. [3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, 2 tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021. [4] Nguyễn Thị Mai Anh: “Văn hóa - nguồn lực cho phát triển bền vững”, Tạp chí Cộng sản Online, ngày 30/11/2020. https://www.tapchicongsan.org.vn/ web/guest/van_hoa_xa_hoi/-/2018/820538/van-hoa---nguon-luc-cho-phat-trien- ben-vung.aspx, truy cập ngày 21/10/2021. _______________ 1. “Nông dân Việt Nam năng động trong sản xuất, trách nhiệm trong xây dựng nông thôn mới”, trang tin của Hội Nông dân Việt Nam. http://hoinongdan.org.vn/sitepages/news/45/88159/ nong-dan- viet-nam-nang-dong-trong-san-xuat-trach-nhiem-trong-xay-dung-nong-thon-moi%22, ngày 11/9/2019, truy cập ngày 21/10/2021.
  9. Phần thứ nhất: THAM LUẬN CỦA CÁC CHUYÊN GIA, NHÀ KHOA HỌC... 185 [5] Thanh Giang: “Năm 2019, du lịch Việt Nam đạt kỳ tích “vàng” tăng trưởng”, Trang tin Tin Tức của Thông tấn xã Việt Nam. https://baotintuc.vn/du-lich/nam- 2019-du-lich-viet-nam-dat-ky-tich-vangtang-truong-20200101080716990.htm, ngày 1/1/2020, truy cập ngày 25/10/2021. [6] Lê Ngọc Hùng: “Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa trong thời kỳ công nghệ số”, https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/van_ hoa_xa_hoi/-/2018/822112/moi-quan-he-giua-tang-truong-kinh-te-va-phat-trien- van-hoa-trong-thoi-ky-cong-nghe-so.aspx, ngày 24/5/2021, truy cập ngày 21/10/2021. [7] “Nông dân Việt Nam năng động trong sản xuất, trách nhiệm trong xây dựng nông thôn mới”, trang tin của Hội Nông dân Việt Nam. http://hoinongdan.org.vn/ sitepages/news/45/88159/nong-dan-viet-nam-nang-dong-trong-san-xuat-trach- nhiem-trong-xay-dung-nong-thon-moi%22, ngày 11/9/2019, truy cập ngày 21/10/2021. [8] Anh Tú: “Hơn 9,2 triệu tấn phế liệu đổ về Việt Nam năm ngoái”, https:// vnexpress.net/hon-9-2-trieu-tan-phe-lieu-do-ve-viet-nam-nam-ngoai-3927260. html, ngày 22/5/2019, truy cập ngày 21/10/2021. [9] Ủy ban quốc gia về Thập kỷ quốc tế phát triển văn hóa: Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1992.
nguon tai.lieu . vn