Xem mẫu

  1. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải VAI TRÒ CỦA PHỤ NỮ TRONG PHÁT TRIỂN CON NGƯỜI - NHÌN TỪ CÁCH TIẾP CẬN NĂNG LỰC Nguyễn Trung Thành1* 1 Trường Đại học Giao thông Vận tải, Số 3 Cầu Giấy, Hà Nội * Tác giả liên hệ: Email: trungthanh@utc.edu.vn Tóm tắt: Xuất phát từ việc nghiên cứu, trình bày cách tiếp cận năng lực của Amartya Sen, bài viết tập trung làm rõ các vấn đề liên quan đến vai trò của phụ nữ trong phát triển con người. Qua đó, bài viết khái quát tình hình bất bình đẳng giới và vai trò tác nhân của phụ nữ trong phát triển con người ở Việt Nam; đồng thời chỉ ra các năng lực cần thiết với phụ nữ Việt Nam trong thời gian tới. Từ khóa: Amartya Sen, cách tiếp cận năng lực, vai trò của phụ nữ, phụ nữ Việt Nam. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Vai trò của phụ nữ đã được quan tâm, đề cao và nghiên cứu ở rất nhiều công trình với nhiều góc nhìn từ kinh tế học, gia đình và giới, xã hội học, triết học, ... nhưng nhìn từ cách tiếp cận năng lực trong phát triển con người thì chưa có 1 công trình nghiên cứu riêng biệt. Nội dung cốt lõi của cách tiếp cận năng lực là trật tự xã hội được thiết lập, cần hướng tới mở rộng năng lực của con người, quyền tự do phát triển của con người để đạt được trạng thái tồn tại hay cuộc sống có ý nghĩa nhất. Trong phát triển con người, phụ nữ đóng vai trò quan trọng ở cả 3 khía cạnh: kinh tế, y tế và giáo dục. Vì vậy, khi đi xem xét vai trò của phụ nữ trong phát triển con người, đặc biệt là phụ nữ ở Việt Nam, xuất phát từ cách tiếp cận năng lực, chúng ta có thể nhìn sâu và rộng hơn vào các năng lực giúp mở rộng vai trò của phụ nữ. 2. NỘI DUNG 2.1. Cách tiếp cận năng lực của Amartya Sen Cách tiếp cận năng lực (Capability approach) lần đầu tiên được trình bày bởi Amartya Sen vào những năm 1980 và đã được sử dụng một cách rộng rãi trong lĩnh vực phát triển con người. Quan điểm cách tiếp cận năng lực của Amartya Sen cho rằng cách tiếp cận đúng đắn nhất là tạo dựng điều kiện để mọi người lựa chọn cái mà họ cho là có giá trị nhất đối với họ vào thời điểm lựa chọn. Để hiểu rõ hơn về cách tiếp cận năng lực của Amartya Sen, chúng ta cần quan tâm đến các khái niệm cốt lõi của cách tiếp cận năng lực của Amartya Sen: Các hoạt động và Năng lực [5], [7]. Khi đánh giá về chất lượng cuộc sống, Amartya Sen lập luận rằng, điều quan trọng nhất là phải xem xét những gì mọi người thực sự có thể có và hoạt động. Của cải hoặc sự giàu có mà con người có hoặc các tiện ích của chúng là một trọng tâm không -451-
  2. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải phù hợp bởi vì chúng chỉ cung cấp thông tin hạn chế hoặc gián tiếp về một cuộc sống sẽ như thế nào. Thuộc tính mà vật có không quan trọng bằng việc chúng ta có năng lực để sử dụng thuộc tính đó hay không. Cách tiếp cận năng lực tập trung trực tiếp vào chất lượng cuộc sống mà cá nhân thực sự có thể đạt được. Chất lượng của cuộc sống này được phân tích trong quan hệ của các khái niệm cốt lõi là “các hoạt động” và “năng lực”. + “Các hoạt động” là tổ hợp của “sự tồn tại và hoạt động” như là được nuôi dưỡng, có nơi trú ẩn, có giáo dục ... Chúng cần được phân biệt với các những thứ mà con người sử dụng để đạt được chúng. + “Năng lực” liên quan đến tổ hợp các hoạt động có giá trị mà một người có thể tiếp cận hiệu quả. Do đó, năng lực của một người đại diện cho quyền tự do thực sự của một cá nhân để lựa chọn giữa những tổ hợp hoạt động khác nhau mà người đó có lý do để coi trọng. (Trong các công trình về sau, Sen đề cập đến “năng lực” trong số nhiều thay vì một năng lực duy nhất và điều này cũng phổ biến trong các tài liệu về các năng lực rộng lớn hơn. Điều này cho phép phân tích để tập trung vào một tập hợp các hoạt động liên quan đến các khía cạnh cụ thể của cuộc sống, ví dụ, năng lực biết đọc biết viết, y tế sức khỏe hoặc tự do chính trị). Để thực hiện được các hoạt động, con người cần phải có năng lực. Có thể hiểu rằng, năng lực là một tổ hợp khả năng thực hiện các hoạt động, là sự tự do hiện thực mà con người được hưởng thụ để cuộc sống có ý nghĩa. Việc thực hiện cách tiếp cận năng lực chính là tạo điều kiện cho con người thực hiện các hoạt động thông qua việc tăng cường khả năng của con người trong quá trình thực hiện các hoạt động một cách tự do. Có thể thấy rằng, sự phát triển con người là sự phát triển năng lực. Chính cách tiếp cận phát triển con người trong Báo cáo phát triển con người lần thứ nhất năm 1990 được khởi xướng từ cách tiếp cận năng lực của Amartya Sen. Phát triển con người được coi là là quá trình mở rộng sự lựa chọn của con người. Sự lựa chọn của con người chỉ xảy ra khi có sự xuất hiện của cơ hội lựa chọn và sự hiện diện của năng lực lựa chọn ở con người. Năng lực của con người càng lớn thì cơ hội cho sự lựa chọn càng nhiều. Những lựa chọn quan trọng nhất của con người chính là tăng cường tuổi thọ và sức khỏe, được giáo dục và được hưởng mức sống tốt. Ngoài ra còn có các lựa chọn khác như tự do chính trị, được đảm bảo quyền con người và tự tôn trọng bản thân. 2.2. Vấn đề bất bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ trong phát triển con người Dựa vào quan niệm của Amartya Sen về sự phát triển và cách tiếp cận năng lực, thế giới hiện nay đang nhìn nhận sự phát triển như một quá trình mở rộng quyền tự do, bình đẳng cho mọi người. Trong quan niệm về phát triển này, bình đẳng giới chính là mục tiêu (năng lực trung gian) trọng tâm. Chính vì phát triển đồng nghĩa với giảm nghèo hay tăng cường bình đẳng, phát triển cũng đồng thời có nghĩa là thu hẹp khoảng cách về quyền lợi giữa nam và nữ. Quan điểm này cũng được thể hiện rõ trong khẳng định của cộng đồng phát triển quốc tế rằng trao quyền cho phụ nữ và bình đẳng giới chính là những mục tiêu của sự phát triển. Hội nghị thượng đỉnh về Mục tiêu Phát triển -452-
  3. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải Thiên niên kỷ 2010 đã thông qua một nghị quyết kêu gọi hành động nhằm bảo đảm bình đẳng giới trong học hành, sức khỏe, cơ hội kinh tế và quyền ra quyết định thông qua việc lồng ghép vấn đề giới vào quá trình xây dựng chính sách [3, tr.3-4]. Báo cáo Phát triển Thế giới 2012 của Ngân hàng thế giới với chủ đề “Bình đẳng giới và phát triển” đã khẳng định “bình đẳng giới cũng quan trọng với vai trò là công cụ để phát triển” [3, tr.3]. Với vai trò là công cụ để phát triển, bình đẳng giới nâng cao hiệu quả kinh tế và cải thiện kết quả các mục tiêu phát triển khác. Tư tưởng của Amartya Sen ảnh hưởng đến Báo cáo này được thể hiện ở luận điểm “tăng năng lực trung gian cá nhân và tổng thể của phụ nữ đem lại kết quả, thể chế và lựa chọn chính sách tốt hơn” [3, tr.3]. Thông qua các nghiên cứu của mình, Amartya Sen đã hướng các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách chuyển từ cách tiếp cận thu nhập sang cách tiếp cận năng lực. Chương trình hành động toàn cầu trong ngắn hạn của Báo cáo phát triển thế giới 2012 nhằm thúc đẩy thành công bình đẳng giới đã chỉ ra 10 sáng kiến mới và bổ sung cần hỗ trợ thì có đến 5 sáng kiến liên quan đến việc “tăng khả năng tiếp cận”. Đối với các Báo cáo phát triển con người (HDR), những tư tưởng của Amartya Sen về phát triển con người, đặc biệt là những tư tưởng về bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ có ý nghĩa to lớn trong việc hoạch định chính sách và đưa ra những công cụ nhằm đo lường phát triển con người. Những tư tưởng của Amartya Sen về bất bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ cũng có ý nghĩa to lớn trong việc làm rõ hơn các chiều cạnh của sự phát triển con người. Năm 2010, UNDP đưa ra một quan niệm mới, rằng “Phát triển con người là sự mở rộng tự do của con người để sống một cuộc sống trường thọ, khỏe mạnh và sáng tạo nhằm đạt được các mục tiêu khác mà họ cho là có giá trị và để tham gia tích cực vào việc kiến tạo một sự phát triển công bằng, bền vững trong một hành tinh chung. Con người vừa là người thực hiện, vừa là người hưởng lợi sự phát triển con người, với tư cách cá nhân và cả trong các nhóm” [8, tr.22]. Theo quan niệm mới này của UNDP, phát triển con người bao gồm các chiều cạnh: sự thịnh vượng; trao quyền và tính chủ thể; công bằng. Xem xét có thể thấy rằng những tư tưởng của Amartya Sen về bất bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ được thể hiện rõ trong quan niệm mới này của UNDP về phát triển con người. Quan niệm của UNDP cho rằng phát triển con người có thể tạo ra khả năng cho con người có thể hành động để tạo ra những kết quả có giá trị. Phát triển chính là trao quyền cho con người để họ trở thành những tác nhân có trách nhiệm và tự thay đổi trong sự phát triển. Tư tưởng của Amartya Sen thể hiện rõ rằng khi người phụ nữ được trao quyền – tức là có vai trò tác nhân, họ sẽ có khả năng kiếm thêm thu nhập từ công việc bên ngoài gia đình, có học vấn, được sở hữu tài sản. Vậy là phụ nữ đã được mở rộng tự do để sống một cuộc sống của chính họ. Khi người phụ nữ có một cuộc sống trường thọ, khỏe mạnh và sáng tạo, vai trò tác nhân của họ được nâng cao và tác động đến nhiều mặt của cuộc sống, cũng như tác động đến nhiều cuộc đời khác. 2.3. Vai trò tác nhân của phụ nữ trong phát triển con người -453-
  4. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải Chương trình nghị sự của các phong trào phụ nữ cuối thế kỷ XX thường hay nói đến những quyền cơ bản của phụ nữ bao gồm một số quyền đặc biệt về niềm hạnh phúc của phụ nữ (và những quyền để trực tiếp thúc đẩy niềm hạnh phúc đó). Nhiệm vụ của các phong trào phụ nữ chủ yếu là phấn đấu để đạt được một sự đối xử tốt hơn đối với phụ nữ, giúp phụ nữ đạt được hạnh phúc. Nhưng Amartya Sen nghĩ rằng sẽ công bằng hơn nếu nói rằng cuối cùng các khía cạnh về tác nhân của phụ nữ bắt đầu nhận được một sự chú ý nào đó, trái với việc trước đây chỉ được tập trung vào các khía cạnh của hạnh phúc. Ông cho rằng trước đây người ta chỉ tập trung vào niềm hạnh phúc của phụ nữ và điều này cần phải được thay đổi. Từ tiêu điểm mở rộng về hạnh phúc này, các mục tiêu đã từng bước chuyển biến và mở rộng hơn, bao gồm và nhấn mạnh đến vai trò tác nhân tích cực của phụ nữ. Phụ nữ không còn là những đối tượng thụ động hưởng thụ sự giúp đỡ nhằm tăng cường niềm hạnh phúc mà họ ngày càng được nam giới cũng như toàn xã hội coi là những tác nhân tích cực của sự thay đổi. Phụ nữ là những người năng động thúc đẩy chuyển biến xã hội và có thể làm thay đổi cuộc sống của chính họ cũng như của nam giới. Trong mối quan hệ giữa khía cạnh tác nhân và khía cạnh hạnh phúc của phụ nữ, Amartya Sen cho rằng, xét một cách nghiêm túc, vai trò tác nhân tích cực của phụ nữ không thể bỏ qua tính cấp bách của việc xóa bỏ những bất bình đẳng đang ảnh hưởng không tốt đến hạnh phúc của phụ nữ và khiến họ bị đối xử bất bình đẳng. Vì vậy, quan tâm đến vai trò tác nhân của phụ nữ cũng phải quan tâm nhiều đến hạnh phúc của phụ nữ. Tương tự như vậy, bất cứ cố gắng thực tế nào để tăng cường hạnh phúc của phụ nữ không thể không dựa vào bản thân vai trò tác nhân của phụ nữ để đem lại sự thay đổi đó. Như vậy, khía cạnh hạnh phúc của phụ nữ và khía cạnh tác nhân của phụ nữ tất yếu có sự giao thoa với nhau. Vì vậy, Amartya Sen khẳng định, việc thay đổi tiêu điểm của các phong trào phụ nữ (từ khía cạnh hạnh phúc sang khía cạnh tác nhân của phụ nữ) là một điểm bổ sung quan trọng vào những mối quan tâm trước đây chứ không phải là bác bỏ các mối quan tâm đó. Tất nhiên, việc trước đây tập trung vào hạnh phúc của phụ nữ, hoặc chính xác hơn, vào “sự đau khổ” của phụ nữ, không phải là vô nghĩa. Do việc hạn chế vai trò tác nhân của phụ nữ đã có tác hại nghiêm trọng đến đời sống của mọi người – nam giới, phụ nữ, trẻ em và người trưởng thành, vì vậy, Amartya Sen cho rằng, có đủ lý do để không giảm bớt sự quan tâm đối với hạnh phúc và đau khổ của phụ nữ và cần tiếp tục chú ý đến những đau khổ, khốn khó của phụ nữ, nhưng “có sự cần thiết khẩn cấp và cơ bản, nhất là vào lúc này, về việc đưa cách tiếp cận hướng về tác nhân vào chương trình nghị sự về phụ nữ” [7, tr.225]. Theo Amartya Sen, chuyển từ khía cạnh hạnh phúc sang khía cạnh vai trò tác nhân của phụ nữ cũng chính là mở rộng các năng lực của phụ nữ. Các năng lực được mở rộng chính là các yếu tố tác động đến vai trò tác nhân của phụ nữ, như: có khả năng kiếm thu nhập độc lập, làm việc ở bên ngoài gia đình, được có học vấn, được sở hữu tài sản. Cụ thể, làm việc ở bên ngoài gia đình và có thu nhập độc lập có tác dụng rõ ràng làm tăng vị trí xã hội của một người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Nhờ đó, sự đóng góp của người phụ nữ vào sự phồn vinh của gia đình trở nên rõ ràng hơn, và họ có tiếng nói hơn vì ít phụ thuộc vào những người khác. Hơn nữa nhiều khi việc -454-
  5. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải người phụ nữ làm việc ở bên ngoài gia đình còn có những tác động có ích về khía cạnh giáo dục, khiến họ tiếp xúc và thu nhận được nhiều từ thế giới bên ngoài, và làm cho vai trò tác nhân của họ trở nên hiệu quả hơn. Tương tự như vậy, học vấn cũng tăng cường thêm vai trò tác nhân của phụ nữ, và tăng thêm kiến thức và kỹ năng cho tác nhân đó. Ngoài ra, sở hữu tài sản cũng có thể làm cho phụ nữ có vị trí mạnh hơn trong các quyết định của gia đình. Như vậy, sức mạnh của tiếng nói và vai trò tác nhân của phụ nữ được tăng thêm thể hiện thông qua sự độc lập và được trao quyền, mở rộng năng lực. Amartya Sen cho rằng “những sinh mệnh mà phụ nữ cứu được thông qua một vai trò tác nhân hùng mạnh hơn chắc chắn bao gồm cả sinh mệnh của họ” [7, tr.227]. Khi phụ nữ có một vai trò tác nhân hùng mạnh hơn thì tác động đến nhiều mặt của cuộc sống và tác động đến nhiều cuộc đời khác – của nam giới, trẻ em. Đầu tiên, trong gia đình, vai trò tác nhân của người mẹ được nâng cao cũng có thể tác động đến cuộc sống của các con, vì theo Amartya Sen có khá nhiều bằng chứng cho thấy rằng nếu phụ nữ có quyền trong gia đình thì có thể giảm đáng kể tỷ lệ tử vong của trẻ em. Ông cũng giả định rằng “hình như vị trí cao hơn của phụ nữ cũng ảnh hưởng đến ý tưởng về quyền lợi của các em bé gái” [7, tr.229]. Đi xa hơn thế nữa, vai trò tác nhân và tiếng nói của phụ nữ, do ảnh hưởng của việc được giáo dục và có công ăn việc làm, cũng ảnh hưởng đến tính chất của các cuộc thảo luận công cộng về các vấn đề xã hội, như tỷ lệ sinh đẻ có thể chấp nhận được (không chỉ trong gia đình một phụ nữ cụ thể nào đó mà là cả xã hội) cũng như các ưu tiên về môi trường. Vai trò tác nhân của phụ nữ được nâng cao cũng thể hiện trong một số vấn đề quan trọng khác như được phân chia thức ăn, được chăm sóc y tế và được hưởng các khoản vật chất khác trong nội bộ gia đình. Nhiều vấn đề tùy thuộc vào các phương tiện kinh tế được sử dụng như thế nào để phục vụ quyền lợi của các cá nhân khác nhau trong hộ gia đình. Amartya Sen khẳng định, ở mức độ lớn, sự phân chia chịu ảnh hưởng của các luật tục vốn có, nhưng cũng chịu ảnh hưởng của những nhân tố như vai trò và quyền của phụ nữ và các hệ thống giá trị của cộng đồng nói chung. Theo Amartya Sen, học vấn của phụ nữ, phụ nữ có công ăn việc làm và có quyền sở hữu tài sản có thể đóng một vai trò quan trọng trong sự chuyển biến của các hệ thống giá trị và luật tục về việc phân chia trong nội bộ gia đình, và những đặc điểm xã hội đó có thể là rất quan trọng cho số phận kinh tế (và niềm hạnh phúc và quyền tự do) của các thành viên khác trong gia đình. Amartya Sen phân tích, trước hết việc phụ nữ được có học vấn và biết chữ đã mở ra cơ hội cho việc giảm tỷ lệ sinh đẻ. Khi người phụ nữ có học vấn, họ không muốn ràng buộc vào chuyện liên tục sinh đẻ và nuôi con rõ ràng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tỷ lệ sinh đẻ. Giáo dục cũng làm cho tầm hiểu biết của phụ nữ trở nên rộng hơn, và ở cấp độ thực tế hơn, đã giúp phổ biến các kiến thức về hạn chế sinh đẻ. Và tất nhiên, những phụ nữ có học vấn sẽ có tự do nhiều hơn để thực thi vai trò tác nhân của mình trong các quyết định của gia đình, kể cả về vấn đề có thai và sinh đẻ. Amartya Sen khẳng định, “có nhiều bằng chứng cho thấy rằng khi phụ nữ có những cơ hội vốn thuộc lãnh địa của nam giới, thì họ không kém thành công trong việc -455-
  6. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải sử dụng những thuận lợi mà nam giới đã nhiều thế kỷ nay cố giữ cho mình” [7, tr.234- 235]. Trước hết về mặt chính trị, Amartya Sen cho rằng, ở nhiều nước đang phát triển, phụ nữ chỉ nắm được những cơ hội ở các cấp độ chính trị cao nhất trong những hoàn cảnh khá đặc biệt (nhiều khi có liên quan đến chồng hoặc bố của mình giữ vị trí cao hơn và vững hơn). Nhưng phụ nữ đã luôn luôn nắm lấy các cơ hội đó một cách rất mạnh mẽ. Amartya Sen dẫn ra những ví dụ trong lịch sử thế giới cuối thế kỷ XX, khi việc phụ nữ nắm các cương vị lãnh đạo cao nhất ở Sri Lanka, Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Philippin, Myanmar hoặc Indonesia đã được công nhận rất thích đáng. Nhưng theo Amartya Sen vẫn cần chú ý nhiều hơn đến vai trò mà phụ nữ đã có thể nắm giữ - khi có điều kiện - ở các cấp độ khác nhau của hoạt động chính trị và hành động xã hội. Về mặt xã hội, Amartya Sen cho rằng hoạt động của phụ nữ có thể tác động rộng lớn đối với đời sống xã hội. Một trong những giả thuyết lý thú mà Amartya Sen quan tâm khi bàn đến vai trò xã hội của phụ nữ đó chính là mối quan hệ ảnh hưởng của nam giới và tình trạng tội phạm bạo lực lan tràn. Theo Amartya Sen, hầu hết các tội ác bạo lực trên thế giới đều do nam giới gây ra và điều này đã được công nhận rõ ràng. Ông quan tâm đến vấn đề tỷ lệ nghịch giữa tỷ lệ tội phạm giết người và tỷ lệ nữ - nam trong dân số đã được nhiều nhà nghiên cứu quan sát thấy. Ông cho rằng khi tỷ lệ nữ - nam tăng thì tầm quan trọng của giới tính và ảnh hưởng của vai trò tác nhân của phụ nữ đối với tác nhân nam giới là mạnh và có thể giảm bớt tỷ lệ bạo lực, phạm tội giết người ở nam giới. Về hoạt động kinh tế, theo Amartya Sen, sự tham gia của phụ nữ cũng có thể rất quan trọng. Ông khẳng định, một lý do của việc tương đối ít phụ nữ tham gia vào hoạt động kinh tế hàng ngày tại nhiều nước là do họ thiếu khả năng tiếp cận các nguồn lực kinh tế. Việc sở hữu đất và vốn ở các nước đang phát triển có xu hướng thuộc về các thành viên nam giới của gia đình. Sẽ khó khăn hơn đối với một phụ nữ để thành lập một doanh nghiệp, dù quy mô nhỏ, do thiếu vốn hay nhà đất để thế chấp. Amartya Sen khẳng định rằng khi nào các xã hội xóa bỏ truyền thống chỉ nam giới mới được sở hữu tài sản thì phụ nữ sẽ có thể nắm bắt các hoạt động kinh tế, và họ sẽ có thể đạt được nhiều thành công. Việc tham gia của phụ nữ vào hoạt động kinh tế không chỉ nhằm tạo ra thu nhập cho bản thân họ mà còn nhằm cung cấp những lợi ích xã hội có được từ việc tăng cường vị trí và sự độc lập của phụ nữ (kể cả việc giảm tỷ lệ tử vong của trẻ em và giảm tỷ lệ sinh đẻ). Với Amartya Sen, việc phụ nữ tham gia hoạt động kinh tế là một sự thành công (giảm bớt sự phân biệt đối xử đối với phụ nữ trong các quyết định của gia đình) và có ảnh hưởng to lớn tới sự chuyển biến xã hội nói chung. Ngoài những tác động tới đời sống chính trị, kinh tế, xã hội kể trên, tư tưởng của Amartya Sen về vai trò tác nhân của phụ nữ cũng chỉ ra rằng phụ nữ cũng có vai trò to lớn trong việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên (như là cây cối), những vấn đề này có mối liên quan đặc biệt với đời sống và công việc của phụ nữ. -456-
  7. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải 2.4. Bình đẳng giới và vai trò tác nhân của phụ nữ trong phát triển con người ở Việt Nam Ở Việt Nam, thông qua các Báo cáo phát triển con người của UNDP, những tư tưởng của Amartya Sen về bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ có ý nghĩa, ảnh hưởng gián tiếp đối với việc nghiên cứu đánh giá bình đẳng giới và tăng cường vai trò của phụ nữ Việt Nam. Cách tiếp cận năng lực của Amartya Sen nhấn mạnh rằng mỗi người được tự do lựa chọn cuộc sống mà họ cho là có giá trị đối với mình. Mục tiêu của phát triển con người ở Việt Nam là đảm bảo tất cả mọi người, không phân biệt giới tính, được phát triển đầy đủ tất cả những tiềm năng của mình theo chiều hướng mà mình mong muốn. Khái niệm này rất rộng và có tính bao trùm. Mỗi người trong chúng ta đều có những định nghĩa khác nhau về hạnh phúc, thịnh vượng và sự lựa chọn khác nhau về một cuộc sống lý tưởng. Nữ giới cũng như nam giới đều có những ước mơ, hoài bão và những điều mình mong muốn làm trong đời. Để cả hai giới có thể phát triển đúng với tiềm năng của mình thì không cần thiết phải “gắn nhãn mác” hay tạo ra những định kiến đối với từng giới. Phụ nữ không nhất thiết phải là người hi sinh sự nghiệp vì gia đình nếu đó không phải là sự lựa chọn tự nguyện. Một người phụ nữ thông minh và giỏi giang lựa chọn hi sinh cho gia đình thường được xã hội Việt Nam tán thưởng, nhưng điều này sẽ hạn chế sự phát triển cá nhân và hạnh phúc của bản thân nếu cô ấy không tự thân cảm thấy mình hạnh phúc vì sự hi sinh đó. Quan điểm của Amartya Sen ủng hộ việc trao quyền tự do lựa chọn cho cá nhân, mọi kì vọng và định kiến xã hội vì thế sẽ trở thành áp lực không cần thiết cho cả hai giới, cần phải được loại bỏ. Để tiến đến bình đẳng giới, cần gạt bỏ những định kiến, kì thị về giới. Hãy để cho mỗi cá nhân được tự do quyết định cuộc sống có giá trị đối với mình và phát triển theo hướng mình mong muốn. Bình đẳng giới không chỉ là đấu tranh vì nữ quyền, cũng không phải làm cho cả hai giới trở nên giống nhau về kết quả. Bình đẳng giới là tôn trọng sự khác biệt về giới, tạo mọi điều kiện để cả hai giới (hay nhiều giới) cũng phát triển. Để cho mỗi cá nhân được tự do lựa chọn cuộc sống mà mình mong muốn thông qua sự bình đẳng về cơ hội và sự tiếp cận năng lực. Trong những năm qua, việc bảo đảm quyền bình đẳng giới và vai trò của phụ nữ ở Việt Nam đạt được nhiều thành tựu to lớn với nhiều bước đột phá về nhận thức và hành động, từ khía cạnh luật pháp, chính sách đến thực tiễn. Hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới ngày càng được hoàn thiện. Các cấp chính quyền có chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động về thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vai trò tác nhân của phụ nữ. Quyền bình đẳng giới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, bảo vệ sức khỏe, đời sống gia đình … cũng được thực hiện đầy đủ hơn. Với những kết quả đó, bình đẳng giới ở Việt Nam đã được Liên Hợp Quốc đánh giá là một trong những điểm sáng trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và Việt Nam là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua [2]. 2.5. Các năng lực cần thiết với phụ nữ Việt Nam trong thời gian tới -457-
  8. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải Để có một cuộc sống có giá trị, phụ nữ Việt Nam không chỉ cần được đáp ứng về các nhu cầu vật chất và tinh thần (các hoạt động) mà họ cần phải có các năng lực phù hợp và tự do sử dụng các năng lực đó. Dựa trên việc nghiên cứu về cách tiếp cận năng lực, vai trò tác nhân của phụ nữ trong phát triển con người, tôi cho rằng phụ nữ Việt Nam cần đảm bảo các năng lực sau: có khả năng kiếm thu nhập độc lập, làm việc ở bên ngoài gia đình, có học vấn, được sở hữu tài sản. Phụ nữ Việt Nam độc lập tài chính có thể tự kiếm ra tiền, tự lo đời sống vật chất và không phải phụ thuộc vào bất kỳ ai khác. Khi đó, người phụ nữ sẽ tự do hơn trong mọi quyết định từ chi tiêu, con cái, gia đình và ngay cả cuộc đời của họ. Độc lập về tài chính còn mang lại cho người phụ nữ sự tự tin trong mọi quyết định, mạnh mẽ nói lên quan điểm của mình và bày tỏ rõ ràng cảm xúc của bản thân. Phụ nữ Việt Nam làm việc ở bên ngoài gia đình có thể tự do phát huy năng lực vốn có của bản thân. Việc có công ăn việc làm ở bên ngoài gia đình trước hết giúp phụ nữ thoát khỏi những công việc nội trợ trong gia đình, sau đó, giúp cân bằng vị thế giới người vợ và người chồng về mặt kinh tế và cả tiếng nói trong gia đình. Những điều này đảm bảo cho bình đẳng giới và giúp cho phụ nữ có đời sống đa dạng phong phú hơn. Phụ nữ Việt Nam thời nào cũng phải hứng chịu thiệt thòi nhiều hơn nam giới. Ðể bớt đi sự chênh lệch đó, cách hiệu quả nhất là tạo điều kiện cho phụ nữ Việt Nam được tiếp cận giáo dục nhiều hơn và có học vấn cao hơn. Có học vấn - phụ nữ sẽ có kiến thức để tham gia vào quá trình lao động ở bên ngoài, từ đó độc lập tài chính. Có học vấn - phụ nữ sẽ biết tự trang bị những kiến thức khoa học để chăm sóc sức khỏe bản thân, gia đình đặc biệt là con cái. Có học vấn – tiếng nói của phụ nữ sẽ có trọng lượng hơn trong đối thoại với nam giới trong gia đình cũng như trong xã hội. Những tư tưởng bất bình bình đẳng giới như “trọng nam khinh nữ”, “đàn ông là trụ cột trong nhà” đã dẫn đến tình trạng là hầu hết trong các gia đình ở Việt Nam, đàn ông (người chồng) là người đứng tên trong giấy tờ sở hữu các tài sản có giá trị như nhà đất, ô tô, xe máy, ..., đồng nghĩa với việc người chồng được toàn quyền quyết định với các tài sản này. Bất lợi sẽ được đẩy về phía người phụ nữ khi hai vợ chồng ly hôn hoặc người chồng đột ngột qua đời. Lúc đó, người phụ nữ sẽ gặp nhiều rắc rồi trong việc phân chia tài sản với chồng hoặc với gia đình chồng. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi cho người phụ nữ, đảm bảo năng lực để họ thực hiện vai trò của họ với con cái, gia đình và xã hội, trước hết chúng ta cần phải có hành lang pháp lý, các chế tài bảo vệ quyền sở hữu tài sản cho phụ nữ (đặc biệt cần nhấn mạnh phụ nữ thuộc phái yếu). Sau đó tạo điều kiện cho phụ nữ có học vấn, có công việc ổn định ở bên ngoài gia đình và độc lập tài chính để họ chủ động sở hữu tài sản cũng như có nhiều tiếng nói hơn trong phân định quyền sở hữu tài sản với đàn ông (người chồng). 3. KẾT LUẬN Tóm lại, trong tư tưởng của Amartya Sen, “việc trao quyền cho phụ nữ là một trong những vấn đề trung tâm trong tiến trình phát triển của nhiều nước trên thế giới ngày nay” [7, tr. 237]. Dựa trên cách tiếp cận năng lực, ông đã chỉ ra nhiều nhân tố có -458-
  9. Hội nghị Khoa học công nghệ lần thứ XXII Trường Đại học Giao thông vận tải liên quan bao gồm phụ nữ được đi học để có học vấn, nắm quyền sở hữu và có cơ hội về công việc làm. Vai trò tác nhân đang thay đổi của phụ nữ trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam là một trong những trung gian lớn để thay đổi kinh tế và xã hội. Và sự xác định tác nhân đó cũng như các hệ quả của nó có liên quan chặt chẽ đến nhiều đặc điểm trung tâm của tiến trình phát triển con người trong thời gian tới. Việc trao quyền cho phụ nữ, giúp họ tự do hơn trong việc lựa chọn cơ hội và năng lực hoạt động giúp phụ nữ có thể sống một cuộc sống đầy sáng tạo mà không bị đe dọa đến sự sống còn hoặc nhân phẩm của họ. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Lương Đình Hải, Mai Quỳnh Nam, Viện nghiên cứu con người – Một số kết quả nghiên cứu, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 2014 [2]. Nguyễn Hữu Minh, Bảo đảm quyền bình đẳng giới ở Việt nam trong giai đoạn hiện nay. http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu- Traodoi/2014/28500/Bao-dam-quyen-binh-dang-gioi-o-Viet-Nam-trong-giai- doan.aspx, xem 4/8/2014. [3]. Ngân hàng thế giới, Tổng quan Báo cáo phát triển thế giới 2012: Bình đẳng giới và phát triển, Washington DC, 2012. [4]. Nussbaum, Martha C., Women and Human Development: The Capabilities Approach, Front Cover, Cambridge University Press, 2001. [5]. Sen, Amartya K., Development as Freedom, Oxford University Press, New York, 1999. [6]. Sen, Amartya K., Many Faces of Gender Inequality. (http://www.frontline.in/static/html/fl1822/18220040.htm), Frontline, India's National Magazine, Volume 18, Issue 22, Oct 27-Nov 09, 2001. [7]. Sen, Amartya K. (Lưu Đoàn Huynh, Diệu Bình dịch), Phát triển là quyền tự do, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2002. [8]. UNDP, Human Development Reports, Oxford University Press, New York, 2010 -459-
nguon tai.lieu . vn