Xem mẫu

  1. VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC, TRÁCH NHIỆM CỦA DOANH NGHIỆP TRƯỚC THỀM HỘI NHẬP MỚI TS. Phạm Thùy Giang Học viện Ngân hàng Tóm tắt Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương tới mức bị cảnh báo là “lạm phát” hiệp định thương mại. Năm 2015, Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu, rộng về kinh tế và thương mại với thế giới và khu vực thông qua ký kết Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và là thành viên của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Hội nhập quốc tế không phải là “chiếc đũa thần” giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển. Hội nhập quốc tế mở ra cơ hội và đem đến thách thức cho cả nền kinh tế và cả các doanh nghiệp. Đứng trước hội nhập, Nhà nước phải thể hiện được đúng vai trò dẫn dắt, hỗ trợ, doanh nghiệp phải chung sức để tận dụng cơ hội và đối phó với các thách thức. Bài nghiên cứu này nhận định các cơ hội và thách thức do AEC và TPP đem lại từ đó khuyến nghị đối với nhà nước và với doanh nghiệp trước thềm hội nhập. 1. Giới thiệu sơ lược về bối cảnh hội nhập năm 2015 Năm 2015, bối cảnh hội nhập của Việt Nam được đánh dấu bởi 2 sự kiện lớn là hoàn thành quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, tiến tới ký kết Hiệp định trong năm 2016 và sự ra đời chính thức của Cộng đồng Kinh tế ASEAN mà Việt Nam là một thành viên tham gia. Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) Ngày 05 tháng 10 năm 2015, Bộ trưởng của 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm Australia, Brunei Darussalam, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam đã tuyên bố kết thúc đàm phán. Các nước TPP sẽ phải tiếp tục hoàn tất thủ tục rà soát pháp lý để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định. Mỗi nước, theo quy định của pháp luật nước mình, sẽ dành thời gian nhất định để người dân nghiên cứu Hiệp định trước khi ký kết, dao động từ 60 đến 90 ngày. Sau khoảng thời gian này, các nước TPP sẽ tiến hành ký kết chính thức. Thời điểm ký kết 337
  2. chính thức Hiệp định hiện chưa được xác định nhưng dự kiến sẽ không muộn hơn quý I năm 2016. Sau khi ký chính thức, các nước sẽ tiến hành thủ tục phê chuẩn Hiệp định theo quy định của pháp luật nước mình. TPP là một hiệp định chất lượng cao, tham vọng, toàn diện và cân bằng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; hỗ trợ tạo ra và duy trì việc làm; thúc đẩy việc đổi mới, năng suất và tính cạnh tranh; nâng cao mức sống; giảm nghèo tại các nước; và nâng cao minh bạch hóa, quản trị tốt cũng như bảo hộ lao động và bảo vệ môi trường. Việc kết thúc đàm phán hiệp định TPP với các tiêu chuẩn mới và cao về thương mại và đầu tư tại khu vực châu Á Thái Bình Dương được đánh giá là một bước quan trọng để tiến tới mục tiêu cao nhất về thương mại tự do và hội nhập trên toàn khu vực. Hiệp định TPP bao gồm các quy định và cam kết thương mại truyền thống và phi truyền thống, tại đó các nội dung về thương mại truyền thống như mở cửa thị trường hàng hóa, xuất nhập khẩu, thuế quan, phi thuế quan và các biện pháp tại biên giới vẫn tiếp tục duy trì và thực hiện tự do hóa ở cấp độ sâu rộng hơn. Hiệp định sẽ điều chỉnh các nội dung thương mại phi truyền thống, trực tiếp gắn với hoạt động kinh doanh đầu tư, cũng như hình thành thị trường trao đổi các yếu tố của quá trình sản xuất như lao động, đất đai, môi trường, vốn, khoa học công nghệ, sở hữu trí tuệ… Có 5 đặc điểm chính làm TPP trở thành một hiệp định mang tính bước ngoặc của thế kỷ 21, tạo ra một tiêu chuẩn mới cho thương mại toàn cầu trong khi vẫn đề cập tới các vấn đề mang tính thế hệ mới. - Tiếp cận thị trường một cách toàn diện. Hiệp định TPP cắt giảm thuế quan và các hàng rào phi thuế về căn bản đối với tất cả thương mại hàng hóa và dịch vụ và điều chỉnh toàn bộ các lĩnh vực về thương mại trong đó có thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư nhằm tạo ra các cơ hội và lợi ích mới cho doanh nghiệp, người lao động và người tiêu dùng của các nước thành viên. - Tiếp cận mang tính khu vực trong việc đưa ra các cam kết. Hiệp định TPP tạo thuận lợi cho việc phát triển sản xuất và dây chuyền cung ứng, cũng như thương mại không gián đoạn, đẩy mạnh tính hiệu quả và hỗ trợ thực hiện mục tiêu về tạo việc làm, nâng cao mức sống, thúc đẩy các nỗ lực bảo tồn và tạo thuận lợi cho việc hội nhập qua biên giới cũng như mở cửa thị trường trong nước. - Giải quyết các thách thức mới đối với thương mại. Hiệp định TPP thúc đẩy việc đổi mới, năng suất và tính cạnh tranh thông qua việc giải quyết các vấn 338
  3. đề mới, trong đó bao gồm việc phát triển nền kinh tế số và vai trò ngày càng tăng của các doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế toàn cầu. - Bao hàm toàn bộ các yếu tố liên quan đến thương mại. Hiệp định TPP bao gồm các yếu tố mới được đưa ra để bảo đảm rằng các nền kinh tế ở tất cả các cấp độ phát triển và doanh nghiệp thuộc mọi quy mô đều có thể hưởng lợi từ thương mại. Hiệp định bao gồm các cam kết nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiểu rõ về Hiệp định, tận dụng được những cơ hội mà Hiệp định mang lại và nêu lên những thách thức đáng chú ý tới chính phủ các nước thành viên. Hiệp định cũng bao gồm những cam kết cụ thể về phát triển và nâng cao năng lực thương mại để đảm bảo rằng tất cả các bên đều có thể đáp ứng được những cam kết trong Hiệp định và tận dụng được đầy đủ những lợi ích của Hiệp định. - Nền tảng cho hội nhập khu vực. Hiệp định TPP được ra đời để tạo ra nền tảng cho việc hội nhập kinh tế khu vực và được xây dựng để bao hàm cả những nền kinh tế khác xuyên khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là một trong ba trụ cột của cộng đồng ASEAN, cùng với cộng đồng Chính trị - An ninh, cộng đồng Văn hóa - Xã hội. Hiện tại, đây được đánh giá là khu vực phát triển sôi động trên thế giới với khoảng 640 triệu dân, tổng GDP khoảng 2.480 tỷ USD và kim ngạch thương mại đạt 2.530 tỷ USD vào năm 2014. AEC bao gồm 4 trụ cột: - Một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung, được xây dựng thông qua: tự do lưu chuyển hàng hoá; tự do lưu chuyển dịch vụ; tự do lưu chuyển đầu tư; tự do lưu chuyển vốn và tự do lưu chuyển lao động có tay nghề. - Một khu vực kinh tế cạnh tranh, được xây dựng thông qua các khuôn khổ chính sách về cạnh tranh, bảo hộ người tiêu dùng, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển cơ sở hạ tầng, thuế quan và thương mại điện tử. - Phát triển kinh tế cân bằng, được thực hiện thông qua các kế hoạch phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và thực hiện sáng kiến hội nhập nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN. - Hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, được thực hiện thông qua việc tham vấn chặt chẽ trong đàm phán đối tác và trong tiến trình tham gia vào mạng lưới cung cấp toàn cầu (WTO). AEC là một tiến trình hội nhập kinh tế khu vực chứ không phải là một thỏa thuận hay hiệp định với các cam kết ràng buộc thực chất. Tham gia vào các mục 339
  4. tiêu của AEC là hàng loạt các hiệp định, thỏa thuận, tuyên bố… giữa các nước ASEAN có liên quan tới các mục tiêu này. Những văn bản này có thể bao gồm những cam kết có tính ràng buộc thực thi, cũng có những văn bản mang tính tuyên bố, mục tiêu hướng tới không bắt buộc của các nước ASEAN. Việc hiện thực hóa AEC đã được triển khai trong cả quá trình dài trước đây (thông qua việc thực hiện các cam kết tại các Hiệp định cụ thể về thương mại đã ký kết giữa các nước ASEAN) và sẽ được tiếp tục thực hiện trong thời gian tới (tiếp tục thực hiện theo lộ trình các hiệp định, thỏa thuận đã có và các vấn đề mới, nếu có). Theo Hiệp định ưu đãi thuế quan ATIGA, các nước ASEAN-6 (gồm Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Brunei, Philippines) đã xóa bỏ gần 100% dòng thuế từ năm 2010, trừ một số sản phẩm được miễn trừ vĩnh viễn vì lý do an ninh quốc gia, đạo đức và sức khỏe. Từ năm 2015, Việt Nam đã tiến hành giảm 93% dòng thuế về 0%, chỉ giữ lại 7% số dòng thuế đến năm 2018, bao gồm các mặt hàng ô tô và linh kiện, sắt thép, linh kiện và phụ tùng xe máy, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, xe đạp và phụ tùng, rượu bia, sản phẩm chất dẻo, giấy các loại. Từ năm 2018, Việt Nam chỉ còn được duy trì thuế nhập khẩu với mức thuế suất tối đa là 5% đối với khoảng 3% số dòng thuế, bao gồm phần lớn là các mặt hàng nông nghiệp nhạy cảm (gia cầm sống, thịt gà, trứng gia cầm, quả có múi, thóc, gạo lứt, thịt chế biến, đường). 2. Cơ hội và thách thức từ hội nhập quốc tế mang lại cho Việt Nam - Cả TPP và AEC đều đem lại cơ hội mở rộng xuất khẩu cho Việt Nam. Ngoài việc cắt giảm các dòng thuế nhập khẩu đối với các nước ASEAN thuộc AEC, TPP cũng có lộ trình nhanh để cắt giảm thuế. TPP sẽ thúc đẩy Việt Nam phát triển mạnh mẽ các hoạt động thương mại do được tiếp cận sâu hơn và rộng hơn với các thị trường xuất khẩu rộng lớn, trong đó có hai thị trường xuất khẩu lớn là Mỹ và Nhật Bản. Các nước TPP cam kết miễn, giảm các hàng rào thuế quan đối với hầu hết các hàng hóa và dịch vụ khi TPP có hiệu lực, trong đó, 90% các dòng thuế sẽ về 0% ngay lập tức, và 10% còn lại sẽ giảm dần về 0% trong thời gian không quá 10 năm. Nhờ cắt giảm thuế, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ có sức cạnh tranh hơn thị trường các nước thuộc AEC và tham gia TPP. - Cơ hội thu hút các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đây là cơ hội chung cho các nước thuộc AEC cũng như các nước tham gia TPP. Tuy nhiên, với lợi thế về lao động, giá nhân công rẻ Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế để thu hút đầu tư nước 340
  5. ngoài từ AEC và thành viên TPP. Đặc biệt, với ACE, do trụ cột là kết nối và xây dựng một ASEAN thống nhất, bớt chia cắt hơn nên sẽ tạo ra một thị trường lớn hơn. Các nhà đầu tư từ ngoài ASEAN sẽ nhìn ASEAN như một thị trường lớn, một công xưởng chung, ở đó có khối nguồn lực thống nhất, đặc biệt là nguồn nhân lực có giá rẻ. Ảnh hưởng cơ hội tiếp theo từ thu hút đầu tư đó chính là quá trình chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý từ các nhà đầu tư nước ngoài. Khi Việt Nam có vị thế lớn hơn để thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam có thể đặt ra những yêu cầu, những chuẩn mực chặt chẽ hơn trong việc chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản lý từ các nhà đầu tư nước ngoài. Đây là một cơ hội lớn mà trước nay Việt Nam chưa thực hiện tốt do vị thế còn thấp khi kêu gọi đầu tư nước ngoài. - Cơ hội cho tiêu dùng và sản xuất trong nước có sử dụng nguyên liệu đầu vào từ các nước tham gia TPP. Cơ hội từ việc giảm thuế đối với các loại hàng hóa nhập khẩu từ các nước tham gia TPP và các nước thuộc ASEAN sẽ giúp người tiêu dùng trong nước và nhất là những ngành sản xuất trong nước có sử dụng các loại nguyên vật liệu nhập khẩu từ các nước tham gia TPP và các nước thuộc ASEAN làm nguyên liệu đầu vào sẽ được hưởng lợi rất lớn từ hàng hóa, nguyên vật liệu nhập khẩu. Người tiêu dùng có cơ hội được dùng hàng nhập từ các nước tham gia TPP và các nước thuộc ASEAN với giá rẻ hơn do thuế nhập khẩu giảm. Đặc biệt với TPP, các sản phẩm có xuất xứ nội khối được hưởng ưu đãi thuế suất bằng 0%. Mức ưu đãi này sẽ giúp giá nhập hàng hóa giảm đáng kể và người dân sẽ được tiêu dùng với giá rẻ hơn. Giá giảm này sẽ kích thích tiêu dùng và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Các doanh nghiệp được hưởng lợi từ nhập khẩu nguyên liệu giá rẻ sẽ nâng cao được sức cạnh tranh và giảm chi phí giá thành sản xuất. - Cơ hội hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Việt Nam đã nhiều năm quyết tâm thực hiện mục tiêu hoàn thiện thể chế kinh tế. Tuy nhiên, sự quyết tâm của chính chúng ta là chưa đủ do sức ì cơ chế, chính sách là rất lớn. Vì thế nhiều năm qua, thành tựu về hoàn thiện thể chế kinh tế chưa được nhiều và luôn bị đánh giá là đi chậm hơn yêu cầu và sự phát triển của lực lượng sản xuất. Tham gia TPP và gia nhập AEC sẽ tạo ra sức ép từ bên ngoài, đòi hỏi Việt Nam phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo hướng giảm sự can thiệp của Nhà nước, tăng tính minh bạch, công bằng. Sức ép này cộng với quyết tâm của Việt Nam phải đổi mới sẽ là cơ hội để Việt Nam vượt qua các sức ì của cơ chế, chính sách hiện tại. 341
  6. - Cơ hội cân bằng quan hệ thương mại với các đối tác quốc tế. Hiện nay, theo số liệu xuất nhập khẩu của Bộ Công thương, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với các nước Đông Á chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 60% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và khoảng 75% kim ngạch nhập khẩu. Trong đó đặc biệt là kim ngạch xuất nhập khẩu với Trung Quốc luôn chiếm tỷ trọng cao và lệch. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch nhập khẩu. Lệch cán cân thương mại ở mức độ cao, trong thời gian dài đã làm nền kinh tế của Việt Nam bị “lệ thuộc” nhiều với Trung Quốc. Việc Việt Nam tham gia TPP và AEC đã là bước tiến dài để tăng thêm sự cân bằng trong quan hệ thương mại với các đối tác quốc tế. Việt Nam sẽ đẩy được kim ngạch xuất nhập khẩu với các nước ngoài Đông Á và giảm dần tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc. Các nguyên liệu đầu vào của quá trình sản xuất đang được nhập khẩu từ Trung Quốc có thể sẽ được thay thế bởi nhập khẩu từ các nước tham gia TPP với ưu đãi thuế suất bằng 0%. Bên cạnh những cơ hội, hội nhập quốc tế cũng đem lại không ít những thách thức mà nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp phải đối mặt. Chính phủ cũng như doanh nghiệp cần nhìn nhận được những thách thức từ hội nhập đem lại cho nền kinh tế nói chung và cho mỗi doanh nghiệp nói riêng để có những đối sách phù hợp. - Thách thức về thu ngân sách từ nguồn thuế nhập khẩu. Cả AEC và TPP đều có ưu đãi mạnh về thuế suất đối với các mặt hàng nhập khẩu từ nội khối, rất nhiều mặt hàng thuế suất sẽ giảm về mức 0%. Rõ ràng việc giảm thuế suất này sẽ trực tiếp kéo theo việc giảm nguồn thu ngân sách từ thuế nhập khẩu. Việt Nam hiện nay đang thường xuyên trong tình trạng bội chi ngân sách khoảng 5%. Nguồn thu ngân sách từ khai thác dầu mỏ bị giảm mạnh do giá dầu thế giới giảm sâu. Thuế thu nhập doanh nghiệp tiếp tục lộ trình giảm từ 25%, xuống 22% và tiếp tục xuống 20% trong năm 2016. Việc sụt giảm ngân sách từ nguồn thuế nhập khẩu có thể như thêm dầu vào lửa trong bối cảnh Việt Nam đang rất căng về ngân sách. - Thách thức về sức ép cạnh tranh đặc biệt ở thị trường trong nước. Do phải mở cửa thị trường đồng thời phải thực thi ưu đãi thuế suất với hàng nhập khẩu từ nội khối AEC và các nước thành viên TPP, giá hàng nhập ngoại, không chỉ nguyên liệu sản xuất mà cả hàng tiêu dùng sẽ giảm. Trong khi tâm lý sính ngoại vẫn phổ biến đối với người tiêu dùng Việt Nam, đây sẽ là thách thức lớn đối với 342
  7. các doanh nghiệp trong nước. Sức ép cạnh tranh này là chung cho tất cả các nước tham gia TPP cũng như AEC và các hiệp định hội nhập khác. Tuy nhiên, với Việt Nam, sức ép cạnh tranh từ hội nhập là không nhỏ do các doanh nghiệp của Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trình động công nghệ còn yếu kém, năng lực quản lý chưa chuyên nghiệp, tư duy kinh doanh còn mang tính nhỏ lẻ, ngắn hạn. Chính môi trường những sự yếu kém đó làm cho sự tổn thương từ hội nhập là cao nếu như các doanh nghiệp không chủ động đổi mới, nâng cao sức cạnh tranh và nhà nước thiếu những chính sách hỗ trợ phù hợp. - Thách thức gia tăng sự bất bình đẳng. Sức cạnh tranh tăng cao, tính thị trường được nhấn mạnh trong hội nhập cũng đồng nghĩa với một quá trình thanh lọc và đào thải một cách có tính quy luật của thị trường. Điều này là công bằng trong một nền kinh tế thị trường. Sự công bằng này sẽ kéo theo sự phân hóa của tầng lớp, nhóm có năng lực, có sức cạnh tranh và sẽ phát triển ngày càng lớn mạnh. Bên cạnh đó là nhóm năng lực yếu sẽ bị đào thải khỏi thị trường và dần sẽ trở thành những nhóm yếu thế trong xã hội. Phân hóa giàu - nghèo, phân tầng xã hội sẽ ngày càng rộng nếu Nhà nước thiếu những chính sách can thiệp đúng mức và phù hợp. - Thách thức việc làm đối với người lao động. Trong bối cảnh trình độ lao động của Việt Nam chưa cao, tay nghề, ý thức, thái độ lao động chưa chuyên nghiệp, tình trạng thừa thầy, thiếu thợ, năng lực ngoại ngữ còn yếu thì sự mở cửa thị trường lao động nhiều nỗi lo hơn mừng. Nâng cao năng lực của nguồn nhân lực không phải câu chuyện một sớm, một chiều vì vậy sự thích nghi của lực lượng lao động trong bối cảnh mới sẽ gặp không ít khó khăn. Doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam có thể tuyển dụng lao động thuộc AEC thay vì lao động Việt Nam. Đối tượng lao động bị canh tranh mạnh sẽ là lao động chuyên môn kỹ thuật, lao động có tay nghề. Lao động phổ thông sẽ chưa bị cạnh tranh bởi lao động nước ngoài nhưng không vì thế mà không bị tổn thương. Những doanh nghiệp Việt Nam thâm dụng lao động phổ thông, thiếu năng lực cạnh tranh có thể thất bại trên con đường hội nhập và người lao động cũng sẽ bị mất việc làm. Như vậy, để cạnh tranh được trên thị trường lao động nội địa, bản thân người lao động cần xác định mình cũng bị cạnh tranh và cần chủ động nâng cao năng lực. Nhà nước và doanh nghiệp cũng phải chung tay để bảo vệ lợi ích cho người lao động Việt Nam. Như vậy, hội nhập đem lại cơ hội không nhỏ nhưng cũng đem đến không ít thách thức ở cả cấp độ quốc gia, cấp độ doanh nghiệp và tác động cả tích cực và 343
  8. tiêu cực tới người người lao động và mỗi người dân. Hội nhập là tất yếu để phát huy lợi thế so sánh của mỗi quốc gia nhưng hội nhập không phải là chiếc đũa thần giúp dân giàu nước mạnh. Thiếu sự chuẩn bị tích cực, hội nhập chỉ vẽ nên những cơ hội và dần đẩy xa hơn khoảng cách giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Vậy, Nhà nước và doanh nghiệp cần làm gì để Việt Nam có thể chủ động đương đầu với các thách thức và tận dụng được tối đa các cơ hội. 3. Khuyến nghị đối với Nhà nước và doanh nghiệp trước thềm hội nhập Đối với Nhà nước, cần có quan điểm chủ động chuẩn bị cho hội nhập một cách có trách nhiệm với những nhiệm vụ chính sau: - Cần có những đánh giá khách quan, có luận cứ khoa học, nếu có thể lượng hóa được những tác động ảnh hưởng của hội nhập TPP, AEC tới nền kinh tế nói chung và các ngành, các lĩnh vực nói riêng. Hiện nay đã có một số nghiên cứu nhận định về mức độ ảnh hưởng của hội nhập đến Việt Nam, thậm chí cả nghiên cứu định lượng nhưng chưa đủ luận cứ khoa học và thực tiễn, những kết luận có vẻ quá vội vàng để bắt nhịp với mức độ nóng của hội nhập. Việc nghiên cứu chính thức, bài bản là cần thiết để Việt Nam đánh giá đúng những tác động tới nền kinh tế và tới mỗi ngành, lĩnh vực kinh doanh. Từ kết quả của những nghiên cứu này, bên cạnh những khuyến nghị chính sách cần xuất bản thành những cẩm nang hướng dẫn hội nhập ở cấp độ ngành và cấp độ doanh nghiệp. Những cẩm nang này cần hướng dẫn được về mặt hành động, các doanh nghiệp phải làm gì và như thế nào để đối phó với thách thức và chớp được cơ hội từ hội nhập. Chẳng hạn, cẩm nang hội nhập đối với các doanh nghiệp thủy sản. Cẩm nang này cần chỉ rõ những cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp thủy sản là gì, mức độ tác động ra sao, để vào các thị trường quốc tế như Mỹ, Nhật … các doanh nghiệp cần chuẩn bị những gì, cách làm như thế nào. - Tuyên truyền, phổ biến chính sách hội nhập và các cẩm nang hội nhập tới các đối tượng bị tác động mà trực tiếp là các doanh nghiệp và người lao động. Việt Nam đến nay đã ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương nhưng mức độ phổ biến tới các đối tượng bị tác động còn hạn chế. Đây là điểm cần phải rút kinh nghiệm và nhất thiết phải sửa. Chỉ có sự nỗ lực chung của cả cấp Nhà nước, cấp doanh nghiệp và cấp người lao động mới tạo nên được sức cạnh tranh của Việt Nam. Thiếu đi sự chung tay của doanh nghiệp và người lao động thì Việt Nam sẽ luôn bị thụ động trong hội nhập và sẽ luôn yếu thế trước hội nhập. Cần xác định rõ mục tiêu tuyên truyền là để các doanh nghiệp hiểu được ảnh hưởng của hội nhập tới hoạt động kinh doanh của mỗi doanh nghiệp, thấy 344
  9. được cơ hội và thách thức ở cấp độ doanh nghiệp và biết cần làm gì để ứng phó với hội nhập. - Thành lập trung tâm hỗ trợ, tư vấn hội nhập miễn phí cho các doanh nghiệp. Khi các doanh nghiệp còn chưa rõ về hội nhập, truyền thông bằng văn bản, sách cẩm nang hướng dẫn là chưa đủ. Việc tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp trong hội nhập là thiết thực trong giai đoạn đầu của hội nhập và nhà nước cần đầu tư. - Kết hợp quyết tâm sẵn có về cải cách thể chế kinh tế thị trường và sức ép của hội nhập để triệt để tiến hành cải cách thể chế một cách toàn diện với những lộ trình và mục tiêu rõ ràng. Lộ trình cải cách có thể bám theo lộ trình hội nhập và đến năm 2020 phải hoàn thành được cải cách thể chế kinh tế, thực hiện thành công 3 đột phá và chuyển dịch được sang mô hình phát triển kinh tế theo chiều sâu. Hướng cải cách thể chế cần nhấn mạnh đến tính minh bạch, công bằng và trách nhiệm giải trình. Đây chính là nền tảng cơ bản nhất để tạo môi trường kinh doanh tốt cho doanh nghiệp phát triển, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Môi trường thể chế minh bạch, công bằng và có trách nhiệm giải trình sẽ không còn chỗ cho các kiểu doanh nghiệp làm ăn chộp giật, làm ăn dựa trên các đặc quyền. Cơ chế, chính sách tốt sẽ tạo ra được lợi thế cạnh tranh “động” cho cả nền kinh tế vươn lên trong hội nhập, điều mà Việt Nam buộc phải xây dựng khi các lợi thế “tĩnh” đã cạn kiệt. Để môi trường thực sự giúp doanh nghiệp phát triển, trong quá trình cải cách cần có sự tham gia và có tiếng nói của doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Tuyệt đối tránh tình trạng cơ chế, chính sách được xây dựng thuần túy dựa trên các báo cáo của các cơ quan chức năng. Kiểu xây dựng chính sách như vậy đã từng xảy ra ở Việt Nam và nhiều chính sách vừa ban hành đã thấy bất hợp lý khi đưa vào thực tiễn. - Thúc đẩy nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, cải cách toàn diện giáo dục và đào tạo. Việt Nam đã xác định giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu. Nhưng đến nay, cả giáo dục đào tạo lẫn khoa học công nghệ của Việt Nam đều đang tụt hậu, thậm chí bị đánh giá là yếu kém. Với khoa học và công nghệ, Việt Nam đã đặt ra quá nhiều mục tiêu trong khi nguồn lực còn ít, năng lực khoa học và công nghệ còn yếu kém, khả năng hấp thụ khoa học và công nghệ của doanh nghiệp cũng còn ở mức thấp. Cần nhìn lại cách phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ cho phù hợp hơn. Cần bắt đầu từ chiến lược cấp quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội, xác định được các ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên lợi thế cạnh tranh quốc gia. Khoa học và công nghệ sẽ cần tập trung trọng điểm vào các ngành mũi nhọn và phải vươn lên hàng đầu 345
  10. trong khu vực. Chẳng hạn, Việt Nam xác định ngành nông nghiệp sản xuất và chế biến dược liệu là ngành mũi nhọn. Khoa học và công nghệ cần tập trung trọng điểm vào phát triển giống cây dược liệu, phương pháp, công nghệ chế biến dược liệu, công nghệ chế biến các phụ phẩm từ cây dược liệu. Tương tự như vậy với giáo dục và đào tạo, đầu tư gốc từ giáo dục phổ thông và đầu tư trọng điểm đào tạo nghề, giáo dục đại học trọng điểm vào những ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia. Có vậy, kinh tế mũi nhọn của quốc gia mới thực sự là mũi nhọn và có sức cạnh tranh dựa trên năng lực cạnh tranh quốc gia. Đối với doanh nghiệp, cần biết lo nỗi lo của hội nhập. Lo để chớp cơ hội thành công, lo để đối phó với các thách thức. Các doanh nghiệp cần chú ý: - Chủ động tìm hiểu về những tác động của hội nhập tới ngành nghề mà doanh nghiệp đang kinh doanh, xác định được các cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp mình. Dựa trên nhận thức đúng, đủ về ảnh hưởng của hội nhập đến sự phát triển của doanh nghiệp, các doanh nghiệp có thể thông qua hiệp hội kiến nghị tới các cơ quan nhà nước các chính sách hỗ trợ cần thiết và phù hợp với các điều khoản trong các hiệp định. Bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động chuẩn bị cho hội nhập. Thông qua các cẩm nang hướng dẫn hội nhập, các doanh nghiệp biết phải làm gì và phải tự quyết các hành động phù hợp. - Điều chỉnh ngành nghề kinh doanh cho phù hợp. Thấy thách thức không phải để sợ mà để thấy được bức tranh toàn cảnh về môi trường kinh doanh mà các doanh nghiệp đang tham gia. Cũng như ở cấp quốc gia, phải phát triển ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên lợi thế cạnh tranh quốc gia, ở cấp doanh nghiệp cũng vậy, cần phát triển ở những ngành nghề kinh doanh mà doanh nghiệp có nhiều lợi thế, ở những ngành nghề có nhiều tiềm năng phát triển. Đối với các doanh nghiệp đồng thời kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh khác nhau thì việc điều chỉnh, lựa chọn ngành nghề kinh doanh dựa trên các phân tích tác động của hội nhập là rất cần thiết vì các doanh nghiệp Việt chưa phải là giỏi và càng chưa giỏi đồng thời ở nhiều ngành nghề. Chọn trọng điểm đúng ngành nghề là điều cần thiết trong bối cảnh hội nhập hứa hẹn cạnh tranh gay gắt. Đồng thời với việc lựa chọn ngành nghề trọng tâm phải là nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh, củng cố lợi thế cạnh tranh cốt lõi của doanh nghiệp để doanh nghiệp đứng vững và phát triển được trên thị trường trong nước cũng như vươn được ra thị trường thế giới. - Củng cố và xây dựng những thương hiệu Việt mạnh. Cùng với chương trình “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, các doanh nghiệp Việt nếu xây 346
  11. dựng được thương hiệu mạnh thì hoàn toàn có thể đứng vững được trên thị trường nội địa ngay cả khi chịu sự cạnh tranh của các thương hiệu quốc tế. Các báo cáo của Bộ Công thương về chương trình “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” cho thấy người Việt sẵn sàng ủng hộ hàng Việt khi phải cạnh tranh với hàng ngoại nếu sự khác biệt không lớn./. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Các báo cáo của Bộ Công thương về hội nhập TPP được truy cập tại trang http://tpp.moit.gov.vn/?page=tpp&parent=Gi%E1%BB%9Bi%20thi%E1 %BB%87u%20v%E1%BB%81%20c%C3%A1c%20n%E1%BB%99i%20 dung%20ch%C3%ADnh%20c%E1%BB%A7a%20Hi%E1%BB%87p%2 0%C4%91%E1%BB%8Bnh%20TPP&info=on&dir=about 2. Kết thúc đàm phán TPP, Việt Nam bước vào sân chơi mới, truy tại trang http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20151005/viet-nam-buoc-vao-san-choi- moi/980422.html 3. The impacts of TPP and AEC on the Vietnamese Economy: Macroeconomic Aspects and the case of livestock sector. Truy cập tại http://www.jica.go.jp/vietnam/english/office/topics/index.html 4. Cheong, I. (2013). Negotiations for the Trans-Pacific Partnership Agreement: Evaluation and Implications for East Asian Regionalism. Truy cập tại trang http://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=2292899 347
nguon tai.lieu . vn