Xem mẫu

  1. VAI TRÒ CỦA NGƯỜI HOA ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI CỦA THÁI LAN THẾ KỶ XVIII – XIX TRẦN THỊ THẮM NGUYỄN XUÂN LỊNH - NGUYỄN THỊ QUYÊN Khoa Lịch sử 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Hiện nay ở các nước Đông Nam Á, có hơn 20 triệu người Hoa sinh sống, chiếm khoảng 5% dân số của khu vực. Do tác động của nhiều yếu tố, người Hoa nhập cư tham gia rõ nét vào đời sống kinh tế, xã hội của các nước Đông Nam Á. Trước thời kỳ nô dịch của chủ nghĩa thực dân phương Tây, hoạt động của người Hoa góp phần đáng kể làm phá vỡ nền kinh tế tự cung tự cấp, tạo điều kiện phát triển quan hệ hàng hóa, tiền tệ và hình thành đô thị cổ. Mặt khác trong quá trình liên kết khu vực, xu thế toàn cầu hóa hiện nay, cộng đồng người Hoa ngày càng lớn mạnh ở châu Á và Hải ngoại với sự liên kết dòng tộc, chi phái, đồng hương… Trong thực tế, họ là lực lượng quan trọng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, được xem là lực lượng thứ tư của thế giới có ảnh hưởng to lớn. Do đó, cần phác họa đầy đủ hơn vai trò của cộng đồng người Hoa ở Hải ngoại nói chung và ở Thái Lan nói riêng. Giống với nhiều nước khác trong khu vực Đông Nam Á, người Hoa là một cộng đồng dân cư lớn ở Thái Lan và chiếm một vị trí khá quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước này. Nhưng khác với các nước khác trong khu vực là người Hoa di cư vào Thái Lan khá êm ả và từ rất sớm, ngay từ thế kỷ II. Sự giàu có về tài nguyên thiên nhiên, cơ hội kiếm sống dễ dàng, sự bí ẩn và kỳ lạ của Vương quốc Thái Lan đã thu hút đông đảo người Hoa di cư vào sinh sống và định cư lâu dài. Từ khi người Hoa di cư vào Thái Lan (thế kỷ II), họ có vai trò to lớn vào sự tăng trưởng kinh tế, sự ổn định về chính trị và xã hội nước này. Đặc biệt là trong thế kỷ XVIII – XIX thì vai trò đó càng được khẳng định rõ. 2. KHÁI QUÁT VỀ CỘNG ĐỒNG NGƯỜI HOA Ở THÁI LAN Chúng ta biết đến Trung Hoa là đất nước có diện tích rộng lớn và dân số đông nhất thế giới. Nhân dân Trung Hoa đã sáng tạo ra một trong những nền văn minh lâu đời, rực rỡ nhất thế giới Cổ Trung đại. Trong những chuyến di cư, họ đã đem theo nền văn minh đó tới nhiều vùng đất, nhiều quốc gia khác nhau, trong đó Xiêm là mảnh đất hứa, giàu tài nguyên thiên nhiên, dễ làm ăn nhất đối với các thương gia. Có nhiều nguyên nhân khiến người Hoa di cư sang nước ngoài để sinh sống như di cư mang tính chất sinh thái, kinh tế - thương mại, chính trị, do chiến tranh và lao động. Sự hấp dẫn của vương quốc Xiêm cũng là một trong những nguyên nhân khiến người Hoa di cư tới đây. Từ thế kỷ thứ II, người Hoa di cư đến Xiêm và đến những thập niên cuối thế kỷ XIV, cộng đồng người Hoa đã được hình thành ở Xiêm và đó là cả quá trình di cư lâu dài, ổn định cuộc sống của người Hoa trên vùng đất mới – quê hương mới [3, tr. 16]. Người Kỷ yếu Hội nghị Khoa học Sinh viên năm học 2013-2014 Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế, tháng 12/2013, tr:180-185
  2. VAI TRÒ CỦA NGƯỜI HOA ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ, XÃ HỘI... 181 Hoa di cư đến Xiêm từ những thế kỷ đầu Công nguyên, khi những quốc gia cổ đầu tiên của người Môn ra đời như Đôn Tốn (thế kỷ II – VII), Dvaravati (thế kỷ VII – XI)… Ngay từ thời Tần – Hán (221 trước Công nguyên – 220 sau Công nguyên), hoạt động thương mại trên biển của người Hoa đã phát triển mạnh và họ đã có mối quan hệ buôn bán với các nước Đông Nam Á [3, tr. 17]. Trong những chuyến buôn của thương nhân hay đi công tác của quan lại, binh lính, vì thời gian, công việc buộc họ phải ở lại Thái Lan trong thời gian dài và định cư luôn ở đó. Từ những người Hoa di cư sang Thái Lan đầu tiên đến những thế hệ sau di cư sang đã “cô kết” lại với nhau theo dòng họ, chi phái, đồng hương… Một hình thức cộng đồng người Hoa sơ khai ở Thái Lan. Sau đó, những làn sóng di cư ồ ạt của người Hoa sang Thái Lan đã hình thành nên một cộng đồng người Hoa ở Xiêm chung sống hòa bình với cư dân bản địa. Khi Taksin lên cầm quyền (1767 – 1782) thì sự nhập cư của người Hoa trở nên nhộn nhịp và thuận lợi hơn. Đa phần là cư dân từ Triều Châu, Tế Châu, Quảng Đông và Hải Nam tới. Những biến động về chính trị và thiên tai ở Trung Quốc càng làm tăng thêm số người nhập cư vào Thái Lan. Điều kiện ở Thái Lan lúc bấy giờ có rất nhiều thuận lợi cho thương nhân người Hoa, đó là việc người Bồ Đào Nha, người Nhật, Hà Lan, Anh, Pháp… tuy có đặt quan hệ buôn bán với Thái Lan vì những thuận lợi riêng tư của họ nhưng cuối cùng họ đều phải bỏ đi và để lại cơ sở cho người Hoa. Sở dĩ người Hoa có những lợi thế đó là vì họ không bị coi là người nước ngoài trong mắt người Thái. Đồng thời, những ưu tiên của Chính phủ Thái Lan đã tạo điều kiện cho người Hoa ngày càng di cư ồ ạt vào nước này. Trong giai đoạn thế kỷ XVIII – XIX, người Hoa tiếp tục di cư và ngày càng lớn mạnh, tạo thành một cộng đồng, một bộ phận dân cư, một thành phần dân tộc ở Thái Lan. Với vị trí đó, người Hoa ở Thái Lan luôn có nhiều đóng góp quan trọng trong nền kinh tế, chính trị, xã hội của Vương quốc Thái Lan. 3. VAI TRÒ CỦA NGƯỜI HOA TRÊN LĨNH VỰC KINH TẾ Người Hoa có vai trò rất lớn trong nền kinh tế Thái Lan. Với chính sách thân Trung Hoa, quan hệ hai nước tương đối ổn định, đặc biệt là trong quan hệ làm ăn buôn bán, người Thái đã học được rất nhiều kinh nghiệm từ người Hoa, từ kinh nghiệm sản xuất đến việc trao đổi hàng hóa trên thị trường. Dưới thời cầm quyền của Phya Taksin (1767 – 1782), nền kinh tế Thái Lan bước đầu phát triển mạnh, nhiều đô thị, công xưởng thủ công ra đời. Dân cư bản địa không đáp ứng đủ nhân lực cho quá trình đó nên Chính phủ đã thu hút hàng chục ngàn người Hoa nhập cư. Những người Hoa di cư sang Thái Lan thời gian này trở đi không chỉ có các nhà buôn, thợ thủ công mà còn nhiều nông dân khác, với kinh nghiệm sẵn có và sự năng động, khéo tay, dần dần người Hoa làm cho nền nông nghiệp Thái Lan có sự thay đổi lớn, từ nông nghiệp tự cung tự cấp chuyển sang nền nông nghiệp hàng hóa với mặt hàng chính là hàng hóa và đường. Hoạt động kinh tế của người Hoa di cư ở Thái Lan thế kỷ XVIII – XIX diễn ra sôi nổi. Với sự thâm nhập của nền kinh tế hàng hóa, tiền tệ, nông dân không còn sống theo kiểu hoàn toàn tự cung tự cấp như trước kia vì toàn bộ hệ thống buôn bán và lưu thông trong nước đều nằm trong tay thương nhân người Hoa và một số rất ít người trong giới quan chức Thái Lan nên nhìn chung trong nông thôn
  3. 182 TRẦN THỊ THẮM và cs. không có sự phân hóa giai cấp theo hướng tư bản chủ nghĩa. Nông dân Thái vẫn mang tính chất tiểu nông. Họ tiếp xúc với chủ nghĩa tư bản thông qua người Hoa. Người Hoa đóng vai trò môi giới giữa chủ nghĩa tư bản phương Tây với nông dân Thái Lan. Thương nhân người Hoa áp dụng những hình thức rất đa dạng trong việc giao dịch với nông dân để thao túng được nguồn mua và nguồn bán của họ. Nông dân Thái Lan hoàn toàn lệ thuộc vào thương nhân người Hoa về việc buôn bán nông sản và các thứ hàng nông sản thiết yếu cho đời sống của họ. Như vậy, với sự xuất hiện của yếu tố người Hoa, xã hội Thái Lan có những thay đổi tích cực nhưng cũng không ít khó khăn, phiền toái. Từ thế kỷ XVIII trở đi, Hoa thương tích cực đầu tư vốn vào xây dựng công xưởng, tậu ruộng lập đồn điền làm hồ tiêu, mía bông, tổ chức mua thiếc, lúa gạo và các nông sản khác để xuất khẩu ra nước ngoài. Sau khi có tiềm lực về kinh tế, họ bắt đầu mua chức tước trong bộ máy quản lí nhà nước. Để tăng thêm nguồn lợi tức, củng cố quân đội hoàng gia chống lại nguy cơ trực tiếp xâm lược của các nước phương Tây, Chính phủ Thái Lan đã giao cho người Hoa đảm nhiệm việc thu thuế ngoại thương. Vì thế từ đầu thế kỷ XIX trở đi người Hoa hầu như kiểm soát ngành thương nghiệp của nước này, mặc dù tổng số dân cư người Hoa chỉ chiếm 1% tổng số dân số của cả nước. Vào nửa đầu thế kỷ XIX xã hội Thái Lan có “sự phân chia nền kinh tế Thái Lan thành hai khu vực rõ rệt: khu vực kinh tế hàng hóa ở đô thị do người Hoa kiểm soát và khu vực kinh tế tự nhiên tự cung tự cấp ở nông thôn” [4, tr. 51]. Hoạt động thu mua lúa gạo và các loại nông sản do người Hoa chi phối đã làm cho nền kinh tế nông nghiệp truyền thống của Thái Lan bước đầu chuyển dịch theo khuynh hướng hàng hóa tiền tệ. Địa vị của người Hoa ở Thái Lan trong suốt thế kỷ XIX gần như là tương phản với địa vị của người Thái nói chung. Trong hoạt động buôn bán, ngay từ đầu thế kỷ XIX, người Hoa đã chi phối ngoại thương và hàng hải của Thái Lan, rất nhiều tàu lớn của người Hoa được đóng ở nước này, giữa người Hoa và người Thái luôn có sự hợp tác chặt chẽ với nhau trong buôn bán. Dưới triều vua Nakrai, một số ngành độc quyền buôn bán của nhà vua nằm trong tay thương nhân người Hoa. Mặc dù thương nhân phương Tây đã có sự thâm nhập vào Thái Lan nhưng điều đó không làm giảm vị thế của người Hoa trong nền kinh tế Thái Lan, chủ yếu là có sự giúp đỡ của nhà vua. Chỉ sau khi nước Anh buộc nhà nước Thái kí những hiệp ước thừa nhận quyền ưu tiên cho thương nhân Anh thì việc kinh doanh hàng hải của người Hoa mới giảm đi nhanh chóng. “Năm 1879, tổng số hàng chuyên chở Băng Cốc là 490 nghìn tấn, trong đó tàu Anh chuyên chở 242 nghìn tấn, còn các thuyền của người Hoa chỉ chuyên chở 10 nghìn tấn. Và tới năm 1892 chỉ có 2% hàng hóa ngoại thương chở bằng thuyền mà thôi” [2, tr. 28]. Nhưng tình hình ấy không làm giảm vai trò của người Hoa trong lĩnh vực buôn bán ở Thái Lan. Việc cơ giới hóa các nhà máy xay lúa đã làm tăng địa vị thống trị của người Hoa. Gạo là mặt hàng xuất khẩu chính của nước Xiêm, thế nhưng việc giao mặt hàng này cho xuất khẩu lại hoàn toàn nằm trong tay các nhà máy xay của người Hoa. Người Hoa không chỉ nắm bắt các ngành buôn bán ở Thái Lan mà còn thâm nhập ngày càng mạnh mẽ vào các khu vực kinh doanh khác về công nghiệp, tài chính. Do khéo kinh doanh và được hưởng những
  4. VAI TRÒ CỦA NGƯỜI HOA ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ, XÃ HỘI... 183 ưu đãi từ chính phủ bản địa, thế lực kinh tế của người Hoa đã dần lớn lên. Nhìn chung, những nhà kinh doanh người Hoa vẫn tăng cường địa vị của họ sau khi người phương Tây thâm nhập vào nền kinh tế nước Xiêm với những ưu thế của mình do các hiệp ước quy định. Trong lĩnh vực lao động và các nghề thủ công, trong 2/5 đầu thế kỷ XIX, thương nhân là nhân vật điển hình của người Hoa di cư sang Thái Lan. Thế nhưng năm 1885, sự phát triển của nền kinh tế nước này đã yêu cầu nhiều lao động chân tay. Tình hình ấy đòi hỏi phải tuyển mộ nhân công người Hoa làm cu ly. “Chẳng hạn, mỏ thiếc Fuket được mở rộng khiến cho số người Hoa ở đây đã tăng từ 28 nghìn người năm 1870 lên 40 nghìn người năm 1884” [2, tr. 29]. Các đồn điền cũng dùng nhiều nhân công người Hoa. Việc xây dựng các đường sắt trong nước đòi hỏi nhiều nhân lực và không thể bắt đầu công việc xây dựng nếu không có người Hoa. Ngoài ra, người Hoa cũng chiếm vai trò nghề thủ công khác như nghề rèn, nghề thiếc, nghề may, nghề da… Có thể nói, nhờ lợi dụng những vùng trống trong kinh tế Xiêm và với đức tính cần cù chịu khó, kết hợp với tính phiêu lưu mạo hiểm, một bộ phận người Hoa đã trở nên giàu có “nhờ làm giàu trên sự dốt nát của người nông dân Thái và sự chưa giác ngộ về tầm quan trọng về lợi ích của các hoạt động phi nông dân, người Trung Quốc đã phất lên rất nhanh chóng” [4, tr. 273]. Cùng với tiềm lực lớn mạnh về kinh tế, người Hoa đã dần dần khẳng định được vị thế của mình trong xã hội Thái. Đồng thời đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của nền kinh tế Thái Lan. 4. VAI TRÒ CỦA NGƯỜI HOA TRÊN LĨNH VỰC CHÍNH TRỊ Người Thái đã học được cách tổ chức và hoạt động của bộ máy triều đình Khơ me, trong cách đặt phẩm tước, quý tộc và các quan, cách đặt tên gọi cùng những trang phục và nghi thức đi liền với mỗi phẩm tước đó. Còn tổ chức bộ máy nhà nước thì người Thái đã có sự học tập, tiếp thu kinh nghiệm của người Trung Hoa trong việc xây dựng nhà nước quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền. Dựa vào cách phân định của người Trung Hoa để lập ra các bộ nhưng không phải là rập khuôn theo mô hình nhà nước Trung Hoa, học đã biết dựa vào thực tế của mình để lập ra các bộ một cách thích hợp như bộ lại (nội vụ), tài chính, canh nông, bộ hoàng gia (trông coi tư pháp và hoàng cung), bộ quản trị (trông coi việc kinh đô và các địa phương). Là người nắm trong tay thế mạnh của nền kinh tế, bộ phận Hoa kiều đã dần dần có được vị thế của mình trong xã hội. Trong số các quan chức của nhà vua, một số chức vụ cao là của người Hoa, nhiều người đã leo đến những cương vị cao của xã hội. Ngay cả các vị vua cũng là những người thuộc dòng Thái lai Hoa như Phya Taksin, các vua Rama và càng về sau thì các vị vua thuộc dòng Thái lai Hoa càng mạnh. 5. VAI TRÒ CỦA NGƯỜI HOA TRÊN LĨNH VỰC XÃ HỘI Với sự gia tăng của yếu tố người Hoa và người Hoa lai thì sự phân hóa giai cấp trong xã hội diễn ra gay gắt hơn. Người Hoa đến Thái Lan sinh cư lập nghiệp và trở thành một bộ phận không thể thiếu trong xã hội Thái, họ không chỉ nắm huyết mạch nền kinh tế mà còn có vai trò rất lớn trong xã hội Thái. Ở các thành phố, đặc biệt là Băng Cốc tiếng
  5. 184 TRẦN THỊ THẮM và cs. Trung Hoa được sử dụng khá phổ biến, nhất là trong lĩnh vực buôn bán. Có nhiều đền thờ Khổng Tử trong cộng đồng người Hoa ở Thái Lan. Nghĩa là trong xã hội Thái người Hoa vẫn có một vai trò to lớn, đóng góp vào việc hình thành một nét văn hóa riêng của đất nước Thái Lan bấy giờ, năng động và luôn chuyển mình. Trong đời sống tinh thần của xã hội Thái, văn hóa văn nghệ của người Trung Hoa cũng rất được chú ý. Đặc biệt là những toán diễn kịch người Hoa. Về kiến trúc nghệ thuật thì ảnh hưởng của người Hoa cũng thể hiện qua các món trang trí. Trong xã hội Thái dưới thời Ayuthaya, những thầy thuốc được kính trọng nhất đều là người từ Trung Quốc sang, người đứng đầu các thầy thuốc của nhà vua cũng là người Hoa, người Hoa hầu như đã chi phối mọi hoạt động của xã hội Thái. Như vậy, sự hiện diện của người Hoa trên lãnh thổ Thái Lan vô hình chung đã trở thành một bộ phận cấu thành xã hội Thái. Sự hoạt động buôn bán nhộn nhịp của họ đã góp phần tạo nên một sắc riêng của dân tộc Thái. Dần dần cùng với thời gian họ đã trở thành không thể thiếu trong cơ cấu xã hội Thái. Về mặt thuế khóa, người Hoa cũng đóng một vai trò quan trọng, là nguồn thu chủ yếu của quốc gia và lực lượng thu thuế sau đó nộp cho nhà nước. Việc mở mang đường giao thông, chủ yếu là đường sắt được chú trọng. Chi phí xây dựng của nhà nước tăng lên nhanh chóng. Nhà vua không chủ trương vay mượn của nước ngoài vì sợ phương hại đến nền độc lập quốc gia nên tập trung thu hồi vốn từ bên trong, trước hết là từ người Hoa. Nhìn chung việc xây dựng các công trình công cộng, thực hiện phúc lợi xã hội… tất cả đều nhờ vào những đóng góp của người Hoa, đặc biệt là về vốn và kinh nghiệm của họ. Như vậy, người Hoa đã từng bước khẳng định vị thế của mình nơi đất khách quê người. Thế kỷ XVIII – XIX, đất nước Thái Lan có nhiều biến động nhưng với sự nhạy bén và tâm lý cố gắng phấn đấu cho một cuộc sống ổn định trên đất khách quê người đã hình thành ở họ một sự phấn đấu phi thường để vươn lên làm chủ trong hoạt động kinh doanh, kiểm soát các ngành công nghiệp. Tư tưởng đó đã giúp họ sớm tiếp xúc với khoa học phương Tây và ứng dụng có hiệu quả khoa học công nghệ tiên tiến. Nhờ đó, họ có vai trò quan trọng trong quá trình tiếp nhận và chuyển giao công nghệ vào nền kinh tế Thái Lan. Cho đến nửa đầu thế kỷ XIX, người Hoa đã giữ một vị thế quan trọng trong xã hội Xiêm, được cả xã hội và Chính phủ thừa nhận. Rõ ràng họ là một lực lượng kinh tế quan trọng, giữ vai trò thống trị, độc quyền những ngành kinh tế quan trọng hàng đầu của Thái Lan cũng như nền nông nghiệp của nước này. Song song với vai trò trên lĩnh vực kinh tế, trên lĩnh vực chính trị, xã hội người Hoa cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. 6. KẾT LUẬN Việc di cư từ nước này sang nước khác đã là một hiện tượng tự nhiên trong lịch sử loài người. Nơi đâu thuận lợi cho cuộc sống của con người thì họ đến. Chính vì thế, ngay từ thế kỷ II, lịch sử đã chứng minh sự di cư của người Hoa vào Thái Lan. Người Hoa di cư sang các nước Đông Nam Á cũng như Thái Lan bằng nhiều con đường khác nhau như: đường bộ, đường sông và phổ biến là đường biển. Làn sóng di cư của
  6. VAI TRÒ CỦA NGƯỜI HOA ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ, XÃ HỘI... 185 người Hoa diễn ra liên tục, hầu hết thời đại nào cũng có. Với chính sách mở cửa, thân Trung Hoa của Chính phủ Thái Lan đã tạo điều kiện và cơ hội lớn cho người Hoa di cư đến, dần dần có sự nhập cư và hình thành một cộng đồng người cố định trong xã hội này. Do tác động của nhiều yếu tố, từ lâu người Hoa nhập cư đã tham gia rõ nét vào đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của Thái Lan. Hoạt động thương nghiệp của người Hoa đã góp phần đáng kể làm phá vỡ nền kinh tế tự nhiên tự cung, tự cấp, tạo điều kiện phát triển kinh tế hàng hóa, tiền tệ và hình thành đô thị cổ, khởi sắc nền ngoại thương Thái Lan. Đặc biệt vào thế kỷ XVIII – XIX, với sự có mặt của các nước phương Tây thì người Hoa ở Thái Lan với vai trò là môi giới, thương mại giữa các nước phương Tây với Thái Lan. Người Hoa đã có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, chính trị Thái Lan, đồng thời có những ảnh hưởng lớn đối với xã hội Thái Lan, là một bộ phận cấu thành nên xã hội và đưa đến những thay đổi trong xã hội. Với sự xuất hiện của yếu tố người Hoa, đất nước Thái Lan đã có những thay đổi tích cực trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị và xã hội. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Phạm Nguyên Long, Nguyễn Tương Lai (1998). Lịch sử Thái Lan, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội. [2] Đỗ Thị Luận (2007). Vai trò của người Hoa đối với lịch sử phong kiến Ayuthaya – Xiêm – Thái Lan, Khóa luận tốt nghiệp khoa Lịch sử, Đại học Vinh. [3] Nguyễn Thị Tuyền (2010). Vai trò của người hoa ở Xiêm (1350 – 1851), Khóa luận tốt nghiệp, ĐHSP Huế. [4] Trần Khánh (1992). Vai trò của người Hoa trong nền kinh tế các nước Đông Nam Á, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Đông Nam Á, Hà Nội. TRẦN THỊ THẮM, ĐT: 0988 347 468, Email: tranhongtham0710@gmail.com. NGUYỄN XUÂN LỊNH, ĐT: 0974 465 893, Email: jbxuanlinh1992@gmail.com. NGUYỄN THỊ QUYÊN, ĐT: 01646 431 282, Email: quyensub@gmail.com SV lớp Sử 4B, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế
nguon tai.lieu . vn