Xem mẫu

  1. GDMN 4.0 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA VAI TRÒ CỦA GIÁO VIÊN ĐỐI VỚI GIÁO DỤC GIÁ TRỊ SỐNG - KỸ NĂNG SỐNG CHO TRẺ Ở TRƯỜNG MẦM NON Trần Thị Lệ Thu Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thuttl@hnue.edu.vn Tóm tắt: Bài viết này tổng hợp và phân tích định hướng giáo dục giá trị sống-kỹ năng sống cho trẻ ở trường mầm non; đồng thời phân tích vai trò của giáo viên trong quá trình giáo dục giá trị sống- kỹ năng sống (GTS-KNS) cho trẻ tại các trường mầm non. Đề xuất khuyến nghị đối với việc đào tạo giáo viên mầm non có nền tảng kiến thức, kỹ năng và đặc biệt là phẩm chất, GTS-KNS cơ bản để có thể tham gia hình thành và phát triển GTS-KNS tích cực cho trẻ mầm non. Từ khóa: Giá trị sống, kỹ năng sống, giáo viên mần mon, trẻ mầm non. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Năm năm đầu tiên trong cuộc đời của mỗi con người là 5 năm quan trọng nhất. Mọi trải nghiệm của trẻ trong 5 năm đầu đời này để lại dấu ấn sâu đậm trong quá trình học hỏi, trải nghiệm sau này của mỗi em. Chính vì vậy, hình thành và giáo dục cho trẻ những “hạt mầm” giá trị sống - kỹ năng sống (GTS-KNS) tích cực là rất cần thiết trong giai đoạn phát triển này của trẻ. Mọi bước đều cần được chuẩn bị, dẫn dắt và hướng dẫn phù hợp với sức khỏe và tâm lý của các em; chính vì vậy vai trò của cha mẹ, người chăm sóc và đặc biệt là giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non là hết sức quan trọng. Bởi chính họ là người ảnh hưởng trực tiếp tới các em, đồng thời cũng là người tham gia thực hiện quá trình gieo trồng và nuôi dưỡng những hạt mầm này từ sơ khai. Bài viết đề cập tới vai trò của giáo viên trong quá trình giáo dục GTS-KNS cho trẻ mầm non trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0, trong bối cảnh đổi mới giáo dục Việt Nam, trong bối cảnh giáo dục mầm non của Việt Nam còn có những tồn tại và thách thức nhất định. Đồng thờ bài viết cũng đưa ra một vài khuyến nghị về việc đào tạo và chuẩn bị sẵn sàng cho những giáo viên mầm non tương lai đáp ứng yêu mục tiêu giáo dục quốc gia, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. 2. VAI TRÒ CỦA GIÁO VIÊN TRONG QUÁ TRÌNH GIÁO DỤC GIÁ TRỊ SỐNG - KỸ NĂNG SỐNG CHO TRẺ MẦM NON 2.1. Giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống trong chương trình giáo dục mầm non Giá trị sống là tất cả những gì có ích lợi, đáng ham chuộng, quý giá, quan trọng, có ý nghĩa đối với cuộc sống; khiến mỗi người mong muốn lĩnh hội và thể hiện ra để cuộc sống của mình tốt đẹp hơn, đồng thời góp phần cải thiện đời sống chung (Phạm Minh Hạc, 2010). Kỹ năng sống là tập hợp các kỹ năng mà con người có được thông qua học tập hoặc trải nghiệm; được sử dụng trong những tình huống hàng ngày, để tương tác với người khác, để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống (Nguyễn Công Khanh, 2012). Kỹ năng sống bao gồm cả các kỹ năng mềm và các kỹ năng xã hội khác. Kỹ năng mềm là những kỹ năng có liên quan đến việc hội nhập bản thân vào cuộc sống xã hội; đồng thời sống với hoặc tương tác với xã hội, với cộng đồng, tập thể hoặc tổ chức. Kỹ 212
  2. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ 3/2019 năng mềm có thể bao gồm các kỹ năng như: Kỹ năng quản lý cảm xúc; kỹ năng tự nhận thức; Kỹ năng ra quyết định; kỹ năng xác định mục tiêu; kỹ năng giao tiếp; kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng lãnh đạo; kỹ năng nói chuyện trước đám đông; kỹ năng giải quyết xung đột; kỹ năng thấu cảm; kỹ năng khám phá giá trị bản thân; kỹ năng tự đánh giá; kỹ năng tư duy tích cực; kỹ năng học và tự học; kỹ năng quản lý thời gian… Giá trị sống là cái “gốc”- đóng vai trò nền tảng, là “linh hồn” bên trong của các kỹ năng. Kỹ năng sống, kỹ năng mềm chính là năng lực biểu hiện giá trị sống ra hành vi bên ngoài. Nói cách khác chúng như hai người bạn không thể tách rời (Tran Thi Le Thu, 2014). Mục tiêu của giáo dục mầm non là giúp trẻ em phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào lớp một; hình thành và phát triển ở trẻ em những chức năng tâm sinh lý, năng lực và phẩm chất mang tính nền tảng, những kỹ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi, khơi dậy và phát triển tối đa những khả năng tiềm ẩn, đặt nền tảng cho việc học ở các cấp học tiếp theo và cho việc học tập suốt đời (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2016). Mục tiêu này được cụ thể hóa thành 5 lĩnh vực thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm, kỹ năng xã hội và thẩm mỹ. Trong tất cả các lĩnh vực ấy đều chứa đựng các nội dung giáo dục khá phong phú và toàn diện về giá trị sống và kỹ năng sống. Các hoạt động “học mà chơi, chơi mà học”, được tổ chức tích hợp theo các chủ đề (Trường Mầm non, Bản thân, Gia đình, Thế giới động vật, Thế giới thực vật, Phương tiện và luật giao thông, Nước và các hiện tượng tự nhiên, Nghề nghiệp, Quê hương - Đất nước - Bác Hồ, Trường tiểu học) ở trường mầm non là con đường hiệu quả để giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống cho trẻ dưới 6 tuổi. 2.2. Vai trò của giáo viên trong giáo dục giá trị sống - kỹ năng sống cho trẻ mầm non Mục tiêu tổng thể của chương tình giáo dục GTS-KNS nói chung, kể cả cho bậc học mầm non đều nhằm xây dựng một môi trường giáo dục dựa trên nền tảng của những GTS-KNS tích cực, một môi trường ở đó mỗi trẻ được bộc lộ những giá trị và khả năng của bản thân, được khám phá và làm giàu có thêm những GTS-KNS của bản thân, được phát triển nhân cách toàn diện. Giáo dục GTS-KNS cho trẻ mầm non chính là quá trình giáo viên dựa trên những hiểu biết và kỹ năng của mình về giáo dục GTS-KNS để tổ chức môi trường giáo dục dựa trên nền tảng GTS-KNS tích cực. Trên cơ sở đó, tiến hành các hoạt động khám phá, trải nghiệm để gieo trồng, hình thành và nuôi dưỡng những hạt mầm GTS-KNS tích cực (Neil Hawkes, 2009). Giáo viên mầm non đồng thời cũng giúp trẻ khám phá, trải nghiệm phân biệt và nhận diện những GTS-KNS tiêu cực, chưa phù hợp. Giáo viên chính là người chuẩn bị nội dung, lựa chọn hình thức tổ chức và các phương pháp, kỹ thuật giáo dục GTS-KNS sao cho phù hợp với độ tuổi và tâm lý của trẻ mầm non. Quan trọng hơn cả, giáo viên chính là một tấm gương về GTS-KNS hàng ngày. Trẻ quan sát và tiếp xúc/tương tác với giáo viên hàng ngày nên hình ảnh của giáo viên, cách ứng xử, nói năng, đi đứng, giao tiếp,… của giáo viên cứ tự nhiên “ngấm vào trẻ”. Chính vì vậy, giáo viên có trách nhiệm tự rèn luyện bản thân hàng ngày, tránh nghĩ đơn giản là trẻ nhỏ, chưa biết gì mấy nên mình sao cũng được. Mối tương tác của giáo viên đều để lại dấu ấn trong trẻ nhỏ. Như vậy, giáo viên mầm non đóng vai trò quan trọng trong giáo dục GTS-KNS cho trẻ ở bậc học mầm non. Họ không chỉ là tấm gương sống động hàng ngày mà họ còn là những người đầu tiên “gieo trồng” những hạt mầm căn cốt về GTS-KNS cho mỗi đứa trẻ. Họ là người dẫn dắt, tổ chức để trẻ mầm non trải nghiệm và làm giàu có cảm xúc cũng như kiến thức của các em với những GTS-KNS tốt đẹp, tích cực từ tuổi ấu thơ. 213
  3. GDMN 4.0 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC QUỐC GIA 3. MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ VỀ ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN MẦM NON TRONG BỐI CẢNH ĐỔI MỚI GIÁO DỤC HIỆN NAY Nhằm mục tiêu đào tạo những giáo viên mầm non có đủ năng lực, đặc biệt là phẩm chất, GTS-KNS nền tảng, tích cực để tham gia vào giáo dục trẻ mầm non, bắt kịp định hướng đổi mới giáo dục của cả nước hiện nay, đồng thời tránh tối đa rủi ro, chúng tôi có một số khuyến nghị sau: - Các nhà quản lý giáo dục cần quan tâm đúng và đủ tới nội dung giáo dục GTS-KNS trong chương trình đào tạo giảng viên sư phạm cũng như đào tạo giáo viên mầm non. Đặc biệt, chính những người lãnh đạo, quản lý và các giảng viên, cán bộ sự phạm đã, đang và sẽ thực hiện đào tạo giáo viên mầm non cần có đủ năng lực và tự nhận thức cũng như tự nuôi dưỡng, phát triển những GTS-KNS tích cực hàng ngày, cũng như trong suốt quá trình sống của bản thân (Trần Thị Lệ Thu, 2014). Bản thân họ cũng cần được đào tạo, cập nhật kiến thức, kỹ năng và những phương pháp giáo dục GTS-KNS. Họ thực sự phải là những tấm gương sáng về GTS-KNS tích cực. - Đào tạo giáo viên mầm non rất cần có sự kết nối, liên thông với mục tiêu phát triển con người, mục tiêu đào tạo phẩm chất, năng lực cho học sinh phổ thông của quốc gia, vì đây là bậc học tạo nền tảng cho giáo dục phổ thông trong tương lai. - Chương trình đào tạo giáo viên mầm non ngoài việc có môn học hoặc có nội dung môn học đề cập tới giáo dục GTS-KNS cho chính các giáo viên thì cũng cần nội dung về cách thức xây dựng, lựa chọn chương trình, phương pháp, kỹ thuật và cách thức tổ chức giáo dục GTS-KNS cho trẻ mầm non. Giáo viên mầm non nên được đào tạo và tiếp cận với các chương trình giáo dục GTS-KNS mang tính hệ thống và cập nhật, đặc biệt chính giáo viên cũng cần trải nghiệm các chương trình giáo dục cho trẻ mầm non. Ví dụ như chương trình giáo dục GTS quốc tế (LVEP), chương trình này đề cập tới nội dung giáo dục 12 GTS: Hòa bình/bình an, Tôn trọng, Yêu thương, Khoan dung, Hạnh phúc, Trách nhiệm, Hợp tác, Khiêm tốn, Trung thực, Giản dị, Tự do, Đoàn kết (Diane Tillman & Diana Hsu, 2010). Chương trình giáo dục GTS-KNS do Đại học Quốc gia Hà Nội ấn hành tổng hợp 20 KNS cần giáo dục trẻ em - thanh thiếu niên, trong đó nhấn mạnh 6 nhóm KNS cơ bản đầu tiên cần giáo dục cho trẻ mầm non là Tự nhận thức, Quan hệ xã hội, Tự tin, Tự lập, Trách nhiệm, Hợp tác (Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Đinh Thị Kim Thoa, Phan Thị Thảo Hương, 2010). - Giáo viên mần non cần được trải nghiệm tất cả các hình thức tổ chức và phương pháp giáo dục GTS-KNS cho trẻ dựa trên nền tảng tâm lý học - giáo dục học thực chứng. Họ cần có cơ hội trải nghiệm, khám phá và nuôi dưỡng chính những GTS-KNS của bản thân. - Nên đầu tư thời gian, kinh phí và trí tuệ cho những nghiên cứu thực chứng về tác động của giáo dục GTS-KNS và vai trò của giáo viên mầm non, của môi trường giáo dục mầm non đối với quá trình phát triển nhân cách của trẻ từ nhỏ. Vì đây chính là nền tảng khoa học quan trọng cho mọi quyết định tổ chức, xây dựng hoặc lựa chọn chương trình, nội dung và phương pháp giáo dục các em. 4. KẾT LUẬN Giáo dục GTS-KNS nếu được thực hiện sớm, từ những năm đầu đời của trẻ sẽ tạo nguồn lực mạnh mẽ, là cơ sở vững vàng cho sự phát triển nhân cách của trẻ khi các em lớn dần. Để mục tiêu giáo dục quốc gia được thực hiện có gốc rễ, chắc chắn và sâu sắc thì đầu tư cho giáo dục mầm non, cho hành trình ươm mầm những GTS-KNS tích cực ở mỗi trẻ em làm việc làm vô cùng cần thiết của mỗi gia đình, mỗi lớp học, mỗi trường học và mỗi quốc gia. Làm tốt việc này sẽ đảm bảo sự phát triển con người bền vững, tránh tối đa rủi ro và trở ngại trong quá 214
  4. TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ 3/2019 trình trưởng thành nhân cách của mỗi trẻ; trực tiếp tác động tích cực tới tương lai của gia đình, của dân tộc. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2016). Chương trình giáo dục mầm non, NXB Giáo dục. [2] Neil Hawkes (2009). Evidence of the impact of Values Education, based on the research of the University of Newcastle, Australia. LVEP. [3] Phạm Minh Hạc (2010). Giá trị học. NXB Giáo dục. [4] Nguyễn Công Khanh (2012). Phương pháp giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống. NXB Đại học Sư phạm Hà Nội. [5] Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Đinh Thị Kim Thoa, Phan Thị Thảo Hương (2010). Giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống cho trẻ mầm non (tài liệu dùng cho giáo viên mần non). NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. [6] Tran Thi Le Thu (2014). Living Values & life skills programs in Vietnamese schools. ICER 2014, Inovations & good Practices in Education: Global Perspective, 7, 343- 352. [7] Trần Thị Lệ Thu (2014). Vai trò của giảng viên sư phạm - “mạch máu” trong hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên. Kỷ yếu hội thảo khoa học “Đổi mới rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên theo hướng phát triển năng lực. Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội, Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây. Tr. 92- 96. [8] Diane Tillman & Diana Hsu (2010). Những Giá trị sống cho trẻ 3-7 tuổi, NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. Title: THE ROLE OF TEACHERS IN LIVING VALUES- LIFE SKILLS EDUCATION FOR PRESCHOOLERS IN KINDERGARTEN Tran Thi Le Thu Ha Noi National University of Education thuttl@hnue.edu.vn Abstract: This article summarizes and analyzes the orientation of living values & life-skills education in Kindergarten, analyzing the role of teacher in the process of living values- life skills education for preschoolers. Proposing recommendations for the training of preschool teachers with the background of knowledge, skills and especially the basic qualities and values to be able to participate in forming and developing positive living values and life skills for Preschoolers. Keywords: Living values, Life skills, Preschool teachers, Preschoolers. 215
nguon tai.lieu . vn